Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, sáng ngày, 24/3, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tham gia biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người nghiện 12-18 tuổi không tự nguyện cai thì bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về bổ sung Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Pháp lệnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Pháp lệnh về tác động xã hội, kinh tế, thủ tục hành chính và tác động về giới; đồng thời đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện hiện nay.
Theo báo cáo, có một số cơ sở cai nghiện đã xây dựng lâu năm, thiết kế không đồng bộ, xuống cấp, chưa hình thành các khu cai nghiện riêng biệt, độc lập, có tính đặc thù cho người chưa thành niên cai nghiện ma túy.
Để khắc phục khó khăn này, hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy; nghiên cứu trình Chính phủ Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025; hoàn thiện và ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, từng bước đáp ứng yêu cầu cai nghiện ma túy nói chung, đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nói riêng và bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn.
Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát, chỉnh lý Điều 1 dự thảo Pháp lệnh, làm rõ phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính đầy đủ, bao quát. Theo đó, Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thường trực UBTP nhận thấy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy thì trước khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị đề nghị đã được tạo điều kiện đăng ký cai nghiện tự nguyện nhưng không thực hiện hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm trong thời gian cai nghiện tự nguyện thì phải bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
“Nếu quy định Tòa án đình chỉ xem xét, giải quyết trong trường hợp này thì không phù hợp với khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, tạo ra khe hở, có thể bị lợi dụng, lạm dụng”, bà nhấn mạnh. Do đó, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực UBTP đã thống nhất với TAND tối cao và các cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh theo hướng không quy định căn cứ đình chỉ nêu trên.
Cũng theo Chủ nhiệm UBTP, một số ý kiến đề nghị, trường hợp người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng cũng là người phải chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì đưa họ vào trường giáo dưỡng. Ý kiến khác đề nghị đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về việc này, Thường trực UBTP nhận thấy, đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm để quản lý, giáo dục. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy thì người bị đưa vào trường giáo dưỡng được học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của trường, vẫn được áp dụng biện pháp cai nghiện thích hợp nếu bị nghiện ma túy. Do đó, Thường trực UBTP đã phối hợp với TAND tối cao chỉnh lý, bổ sung điểm e khoản 1 Điều 16 dự thảo Pháp lệnh theo hướng họ phải chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng để bảo đảm đồng bộ về chính sách pháp luật.
Sẽ xây dựng luật riêng về vấn đề tư pháp đối với trẻ vị thành niên
Có ý kiến đề nghị Pháp lệnh này phải thể hiện rõ tính đặc thù của đối tượng điều chỉnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chỉnh lý tại các điều 2, 10, 13, 16, 18, 21, 27, 39, 40… để thể hiện sâu sắc hơn tính đặc thù về đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh này.
Cụ thể là bổ sung nguyên tắc việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị (Điều 2).
Bổ sung quy định Thẩm phán được phân công phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 10); mời chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của Nhà trường, đại diện Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để trình bày về những vấn đề có liên quan (Điều 18).
Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện; phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; trong phiên họp, cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hỗ trợ người bị đề nghị (Điều 21); người bị đề nghị được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Điều 27)…
Phát biểu tại phiên họp ngay trước khi UBTVQH tiến hành biểu quyết, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết đã bàn bạc và đồng tình với quan điểm thẩm tra. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trong chương trình xây dựng pháp luật đã được thông qua, UBTVQH đã tới đây giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì xây dựng luật riêng về vấn đề tư pháp đối với trẻ vị thành niên. “Các nước đều có luật này, ta cũng đã có nhiều quy định rải rác, nay sẽ hệ thống hóa, hoàn thiện thành luật riêng”, ông nói và cho rằng việc soạn thảo, ban hành pháp lệnh này là góp phần rất quan trọng vào Luật này để xây dựng thành luật.
Tại phiên họp, với 100% Ủy viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua thông dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Giang Oanh
https://tiengchuong.chinhphu.vn/thong-qua-phap-lenh-ve-dua-nguoi-nghien-ma-tuy-tu-12-den-duoi-18-tuoi-vao-co-so-cai-nghien-bat-buoc-11322032410344458.htm
Tin cùng chuyên mục
Hạ CLB Trung Quốc, Thái Sơn Nam vào bán kết Giải futsal các CLB châu Á 2019
CLB Thái Sơn Nam (trái) tỏ ra vượt trội trước CLB Shenzhen Nanling Tielang – Ảnh: TIỂU DŨNG Shenzhen Nanling Tielang sở hữu 2 ngoại binh chất lượng là Serginho...
Chiến đấu cơ “Ma tốc độ” MiG-31BM của Nga sở hữu uy lực “khủng” tới mức nào?
MiG-31BM trang bị radar Zaslon-M có tầm phát hiện mục tiêu trên không đến 320km, có thể dẫn đường tên lửa hạ 8 mục tiêu cùng lúc. Tiêm kích đánh...
Bình Phước: Làm rõ vụ chồng đi nhậu về bị vợ dùng dao đâm tử vong
Trong lúc xô xát, giằng co, người vợ đã dùng dao gọt tỏi đâm vào chồng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Hiện trường xảy ra vụ vợ đâm...
Sớm nghiên cứu, sửa đổi Thỏa thuận Hợp tác Lao động
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, tại hội đàm ngày 27.8 với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai, trao...
Thực hiện tốt vai trò trung tâm QG hàng đầu về đào tạo lý luận chính trị
Ngày 14.9, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 – 2019), Tổng Bí thư-Chủ tịch Nước Nguyễn...