Trung bình mỗi năm, Cà Mau mất 400ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. Tại bờ biển Tây và biển Đông, có đến 38 điểm thường xuyên sạt lở đất. Nhiều đến mức mỗi khi nghe đài dự báo thời tiết áp thấp ngoài biển Đông, tất cả đều… run.
Biển ngoạm đất liền, sông nổi sóng
Cuối tháng 8.2019, nhiều điểm sạt lở bờ biển tại Cà Mau đồng loạt xuất hiện. Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp, bởi những ngọn sóng cao, to như nuốt chửng những căn nhà xập xệ ven đê.
Bà Nguyễn Thị Lụa (ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) nhìn trời vần vũ mây than: “Nhà tôi dời vào đây đã 3 lần rồi. Dời nhà miết rồi mỗi khi nghe đài báo có áp thấp nhiệt đới là cả nhà đều run”.
Không riêng gì bà Lụa mà trên 13.876 hộ dân sống ven biển Đông và biển Tây tỉnh Cà Mau lúc nào cũng phập phồng sống trong sợ hãi mỗi khi mùa mưa bão đến. Sợ thì sợ, nhưng sống miết rồi cũng quen. Quen đến mức đêm nằm nghe đất lở là chuyện rất bình thường.
Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – lý giải: “Cà Mau 3 mặt giáp biển. Với chiều dài 254km, có thể nói là dài nhất miền Nam. Biển Cà Mau thường xuyên bị xoáy lở. Bờ Tây yên bình thì bờ Đông xoáy lở. Cứ vậy, bờ biển gần như lở quanh năm”.
Biển lở một phần do những thảm rừng ven biển dần bị mất đi. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cà Mau cho thấy, trong vòng 9 năm, rừng ven biển Cà Mau đã bị biển lấy đi đến 8.870ha. Bờ Tây xoáy lở nhiều đoạn với chiều dài 57km, bờ Đông dài 48km. Đáng báo động là nhiều đoạn biển đã ngoạm đất liền, liếm vào chân đê phòng hộ, đe dọa trực tiếp đến những đoạn đê đặc biệt xung yếu đang ngày đêm hứng sóng. Trong khi đó, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, mỗi năm hai bên bờ sông lở đến 400ha đất, hàng chục nghìn hộ dân mất đất, mất nhà.
Khắc phục, chuyện không dễ
Ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau – nhận định: “Do đặc điểm bờ biển, bờ sông Cà Mau như vậy, nhiều năm qua chúng tôi đã có các giải pháp để giữ đất, bảo vệ dân. Nhưng xem ra vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ”.
Theo ông Hoai, Cà Mau đã thí điểm áp dụng nhiều loại kè biển, kè sông. Gần đây, công nghệ kè gây bồi tạo bãi đã được phát huy hiệu quả. Lý giải đơn giản đây là loại kè không ngăn nước một cách hoàn toàn. Kè cách bờ biển hơn 100m, nhiệm vụ làm giảm sóng, tạo bãi bồi ven đất liền. Khi không có sóng biển, những hạt phù sa được giữ lại tạo nên bãi bồi. Cây mọc lên tạo thành thảm thực vật ven bờ.
Hiệu quả nhất của kè loại này là vừa bảo vệ đất, vừa tạo thêm đất. Tuy nhiên, để thực hiện 1m kè tốn kém đến 30 triệu đồng. Nếu lý tưởng khép kín toàn bộ kè ven biển Đông, lẫn biển Tây, Cà Mau cần ít nhất 5.700 tỉ đồng. Đây là con số không dễ dàng có được.
Tương tự vậy, với hơn 10.000km bờ sông mà hiện nay mỗi năm mỗi bên bờ lở 0,2m cũng đã mất đi 400ha. Để giữ được diện tích đất ven sông, Cà Mau cũng cần đến 26.000 tỉ đồng, gấp gần 10 lần thu ngân sách tỉnh hàng năm. Ông Hoai phân trần: “Chúng tôi đã khảo sát, toàn tỉnh có đến trên 13.876 hộ dân cần phải di dời vào các khu dân cư, tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng các khu vực an toàn cho dân vào sinh sống không phải dễ dàng bởi bài toán an cư với sinh kế luôn mâu thuẫn nhau”.
Không thể chống lại thiên nhiên, Cà Mau đang tính đến việc lùi dân vào sâu trong đất liền đối với những vùng sạt lở nguy hiểm. Và chuyện “chạy trốn” này cũng không mấy dễ dàng nếu không có kinh phí.
Nguồn: https://laodong.vn/moi-truong/nghe-ap-thap-ngoai-bien-ma-run-756148.ldo
Tin cùng chuyên mục
Các pháo thủ trẻ lập công, Arsenal đại thắng Eintracht Frankfurt
Trước đội chủ nhà Eintracht Frankfurt chơi cực kỳ khó chịu, pháo thủ thành London phải rất vất vả mới có thể giành được một chiến thắng nhờ một cầu...
Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, tập hợp,...
Cháy Rạng Đông: Gần 65 tấn rác thải được vận chuyển ra khỏi nhà máy
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, tính đến 3h sáng ngày 16.9 đã thu được gần 65 tấn rác thải ra khỏi nhà máy Rạng Đông. Liên quan...
Strong Vietnam 2019 khép lại với nhiều cảm xúc
Hành trình giàu cảm xúc của những ngôi sao bóng đá Việt Nam đến giao lưu, truyền cảm hứng tới học sinh Thủ đô trong chương trình “Strong Vietnam” tạm...
Hà Nội ghi nhận gần 600 trường hợp mắc tay chân miệng
Năm học 2019 – 2020 mới bắt đầu, nguy cơ dịch bệnh chân tay miệng bùng phát tại nhiều nơi. Trước tình trạng này, Sở Y tế Hà Nội đã...