Châu Phi tỏa sáng
Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 19 không đơn thuần là một cuộc tụ họp ngoại giao, mà được các chuyên gia coi là sự phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của Châu Phi trên trường quốc tế. Vào thời điểm thế giới phải đối diện những thách thức nảy sinh từ các trung tâm quyền lực mới nổi, tách rời khỏi các khối toàn cầu truyền thống, những cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao quy tụ các đại biểu từ hơn 120 quốc gia đang phát triển trên một diễn đàn có ý nghĩa lịch sử quan trọng này được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt, đóng vai trò then chốt trong việc định hình diễn ngôn ngoại giao.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, trong đó có văn kiện cuối cùng của NAM thể hiện toàn diện quan điểm đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; Tuyên bố Kampala để khẳng định lại các nguyên tắc và giá trị của NAM và Tuyên bố về Palestine nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine.
Tại hội nghị lần này, các nước thành viên cũng đã thống nhất kết nạp Nam Sudan và đây là lần đầu tiên sau 30 năm phong trào này kết nạp một thành viên mới. Diễn ra trong bối cảnh trật tự quốc tế lỏng lẻo với một thế giới đa cực đang phát triển, Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 19 chứng kiến sự chuyển giao vai trò chủ tịch từ Azerbaijan sang Uganda. Uganda sẽ giữ vị trí chủ tịch trong 3 năm tới. Với việc tổ chức hội nghị lần thứ 19 tại một quốc gia châu Phi, có thể nhận thấy, các quốc gia châu Phi đang dần có lại vị trí quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991. Đặc biệt, năm 2023 là năm diễn ra nhiều hội nghị thượng đỉnh toàn cầu trong đó châu Phi là một phần hoặc đồng tham gia, như Hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi được tổ chức cuối tháng 7/2023 tại St Petersburg (Nga) hay Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg (Nam Phi) cuối tháng 8/2023, có chủ đề BRICS và Châu Phi: Quan hệ đối tác để cùng tăng tốc, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương toàn diện. BRICS theo chủ đề Châu Phi đã chứng kiến sự mở rộng của Nhóm với việc đưa Ethiopia và Ai Cập cùng 3 nước khác trở thành thành viên từ tháng 1/2024.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Châu Phi được tổ chức tại Nairobi (thủ đô Kenya) tháng 9/2023 cũng là một minh chứng cho sự tham gia mạnh mẽ của Châu Phi vào các diễn đàn hay các cuộc họp toàn cầu. Mới đây, Liên minh Châu Phi –AU (tổ chức đại diện cho 55 quốc gia Châu Phi) cũng trở thành thành viên chính thức trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G20).
Tiếng nói Việt Nam
Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 NAM. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào vị trí phó chủ tịch Uỷ ban Điều hành hội nghị, đại diện cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể, khẳng định vai trò lịch sử của NAM là ngọn cờ đầu trong việc đề cao luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải trừ quân bị, giảm bất bình đẳng trong các thể chế kinh tế, tài chính và đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời bày tỏ tin tưởng với 120 quốc gia thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới và chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, Phong trào sẽ tiếp tục là tiếng nói dẫn dắt, thúc đẩy đoàn kết hợp tác trong một thế giới đang bị chia rẽ.
Phó chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết
Để tiếp tục phát huy vai trò của NAM, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, các nước thành viên cần chung tiếng nói nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, phản đối các hành động đi ngược những nguyên tắc hoà bình, độc lập. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đồng thời nhấn mạnh, Phong trào cần thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine và kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương chống lại Cuba và các nước thành viên khác. Bên cạnh đó, trên tinh thần đoàn kết hợp tác trong đa dạng, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị NAM tôn trọng quan điểm, bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên; kêu gọi phong trào tiếp tục tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời, để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác của Phong trào Không liên kết, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng các nước thành viên cần tận dụng tốt hơn các kênh kết nối nhằm nâng cao độc lập, tự chủ về kinh tế, tăng cường hợp tác vì phát triển.
Để hiện thực hoá các giá trị và nguyện vọng chung của Phong trào Không liên kết về hội nhập, hoà bình, thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa khẳng định: Việt Nam đã cùng các quốc gia trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày một vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong các liên kết khu vực khác. Về phần mình, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cùng các nước thành viên NAM giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19, các cuộc khủng hoảng nhân đạo, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống (như: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực…). Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung của Phong trào và của các quốc gia đang phát triển vì sự tiến bộ của nhân loại, vì hòa bình, ấm no, hạnh phúc trên toàn thế giới.
Nhật Minh
Tại cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên hợp quốc (LHQ) Dennis Francis, Phó chủ tịch nước VN Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng chủ nghĩa đa phương và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, ứng phó các thách thức chung. Chủ tịch ĐHĐ LHQ Dennis Francis nhất trí cao với những nhận định, đề xuất của Phó chủ tịch nước VN Võ Thị Ánh Xuân và cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều xung đột, khủng hoảng như hiện nay, chủ nghĩa đa phương là phương cách hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chủ tịch ĐHĐ LHQ đánh giá cao kết quả hợp tác Việt Nam - LHQ hơn 45 năm qua và khẳng định: Từ những trải nghiệm lịch sử và vai trò, vị thế quốc tế quan trọng của mình, VN hoàn toàn có thể đóng góp tiếng nói thực chất, tiên phong để tham gia xử lý các mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch ĐHĐ LHQ chia sẻ quan điểm chung của VN và ASEAN về giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS); đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác tích cực cùng VN thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.