Tìm theo:

Trăn trở tin yêu đồng bằng

Thanh Hải Thứ năm, 01/08/2024 - 10:21

Các báo cáo đúc kết thành tựu đã qua, nêu bật hạn chế trong quá trình phát triển, mở hướng khắc phục. Nghiên cứu tập trung phân tích, đánh giá cơ hội, thách thức lớn tác động đến ĐBSCL; giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thúc đẩy phát triển.

Báo cáo 2020 đưa ra một số liệu gây xôn xao, ĐBSCL chỉ tăng dân số hằng năm 0,05% trong giai đoạn 2009-2019, thua xa cả nước là 1,14% và “đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu không thay đổi thì tụt hậu là điều không tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian”. Bởi người ĐBSCL di cư đi làm ăn xa, trong chục năm đến 1,1 triệu người, hơn dân số một tỉnh và bằng dân số sinh ra, trong khi nhập cư rất ít. Đó là hệ quả của kinh tế chậm phát triển, cuộc sống nhiều bất an.

Con số nhức nhối ấy hiện ra mọi khía cạnh trong đại dịch năm 2021, hàng triệu người ĐBSCL rời nơi làm việc để chạy về quê cha đất tổ suốt nhiều ngày đêm liền. Cũng do đại dịch, việc nghiên cứu, báo cáo lần thứ hai chậm mấy tháng.

Báo cáo 2022 chỉ ra ĐBSCL đang đứng trước ba vòng xoáy đi xuống. Đó là “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” do thiếu việc làm nên lao động đi khỏi ĐBSCL; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Ba vòng xoáy quyện chặt vào nhau đẩy ĐBSCL đi xuống.

Các báo cáo là kết quả làm việc hàng năm trời của nhiều chuyên gia ở mọi miền đất nước có chung nỗi trăn trở với sự phát triển ĐBSCL. Tác giả và đồng tác giả báo cáo lần đầu có 19 người, lần thứ hai 29 người. Chủ trì biên soạn là Giám đốc VCCI tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam và Giám đốc FSPPM Vũ Thành Tự Anh.

Bản thân tôi tham gia nhiều chuyến thực địa với một số chuyên gia tác giả báo cáo, nên phần nào hiểu được nỗi trăn trở của các tác giả. Họ làm việc ở nhiều nơi, yêu tha thiết ĐBSCL, mong muốn vùng đất giàu tiềm năng của những con người hào phóng, đầy sáng tạo vượt qua các thách thức để đi lên hiện đại cùng cả nước, với thời đại.

Giữa trận lụt lịch sử năm 2011, tôi cùng nhiều chuyên gia đi xuyên Đồng Tháp Mười lên Châu Đốc, đêm ngồi nghe tiếng sóng dữ dưới sàn nhà. Hạn lịch sử đầu năm 2016, tôi theo nhiều chuyên gia vòng mạn biển để thấy một ĐBSCL khô khát, bị nước biển lấn sâu. Nhiều chuyến đi chứng kiến ĐBSCL trong xói lở khủng khiếp, làm biến mất cả một vùng Ba Động nổi danh trăm năm ở Trà Vinh; thấy các công trình ngăn mặn triệt để phục vụ trồng lúa không còn thích hợp, thấy nhà máy nhiệt điện than ở bờ sông, bờ biển làm xáo trộn cuộc sống người dân, nguy cơ đe dọa ngành thủy sản.

Đặc biệt có nhiều chuyến đi gặp người ĐBSCL kiên cường thích ứng với thiên nhiên đầy biến động, vượt cảnh ngặt nghèo. Người dân giữa Đồng Tháp Mười trồng lúa và sen kết hợp nuôi cá để tăng thu nhập, trữ nước. Người dân ven biển Bạc Liêu nuôi tôm quảng canh bảo vệ rừng để nâng cao giá trị sản phẩm. Người dân đầu sóng biển ở Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng trồng rừng giữ biển, phát triển du lịch.

Trên chòi cao giữa Tràm Chim ở Đồng Tháp, Tiến sỹ Dương Văn Ni là chuyên gia đa dạng sinh học chỉ cho tôi thấy rõ thiên nhiên ngập nước quý giá của ĐBSCL. Đi ngang cửa biển sông Hậu mênh mông, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn là chuyên gia thuỷ học môi trường cho tôi biết những con số khổng lồ liên quan dòng Mekong hùng vĩ đã bồi đắp nên châu thổ ĐBSCL và nguy cơ khi phù sa bị chặn ở thượng nguồn. Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê giải thích cho tôi về tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng còn đơn điệu sản phẩm du lịch, mà sản phẩm du lịch mới có thể nâng cao đời sống người dân. Các chuyên gia lưu ý, tiềm năng tự nhiên dù lớn bao nhiêu cũng có giới hạn, sáng tạo trong lao động mới là vô hạn để bảo vệ thiên nhiên, làm ra sản phẩm đặc thù phát triển ĐBSCL bền vững.

Điểm sáng lớn nhất của ĐSBCL năm 2022 chính ở sức sáng tạo của nông dân, bất chấp đại dịch, nông nghiệp tăng 3,4%, cao nhất nước; xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng, giữ thặng dư kim ngạch cho quốc gia. Nhưng nông nghiệp không đủ sức vực dậy kinh tế khi công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 70% GDP của vùng lại sa sút, theo thứ tự là –0,8% và –1,8%. Năng suất lao động nông nghiệp hằng năm giai đoạn 2015-2020 tăng 9,03%, gấp hơn 2 lần công nghiệp 4,39% và dịch vụ 3,82%, lại cho thấy hạn chế lớn của ĐBSCL, bởi lẽ thịnh vượng phải đến chủ yếu từ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ.

Thông điệp chủ chốt của Báo cáo 2022 là nhận diện rõ nét và phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới phát triển. Với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển Quy hoạch tích hợp”, báo cáo tập trung phân tích “Chuyển đổi nông nghiệp” dựa trên bốn thay đổi về tầm nhìn, thể chế, khoa học - công nghệ và cơ cấu kinh tế. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nếu được thực hiện trọn vẹn sẽ xoay chuyển cho các vòng xoáy đi lên, đem lại nhiều thay đổi cho nông nghiệp cũng như sự phát triển ĐBSCL.

Giám đốc FSPPM Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, để gỡ các mắt xích thì trước tiên phải tháo gỡ “cơ chế”. Bởi vì tất cả phụ thuộc hệ thống quản trị quốc gia - vùng - địa phương, thể chế và tổ chức bộ máy, hiệu lực và hiệu quả của công tác thực thi chính sách.

Lễ công bố Báo cáo 2022 có đại diện nhiều tổ chức nước ngoài. Tiến sỹ Lê Anh Tuấn nói với tôi: “Quan tâm ý kiến của đại diện các tổ chức nước ngoài bởi họ khách quan và khi cam kết hỗ trợ sẽ tiếp thêm nguồn lực giải quyết những vấn đề đặt ra”. Đáng mừng, các vị đại diện đánh giá cao báo cáo và bày tỏ sự ủng hộ.

Nhiều doanh nghiệp mong hiện thực hóa chuyển đổi kinh tế ĐBSCL. Ông Phạm Thái Bình ở Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Huỳnh Văn Thòn ở Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời mong có quy hoạch vùng sản xuất lúa thích hợp để tập trung làm lúa chất lượng cao. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ ở Tập đoàn Mỹ Lan cho rằng muốn thay đổi ĐBSCLthì phải nghĩ khác, tìm tòi khác, làm khác với trước nay và dựa vào công nghệ mới để làm ra sản phẩm mới.

Giám đốc VCCI tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam hy vọng: “Báo cáo đưa ra những bất ngờ nhưng cũng cho thấy những cơ hội lớn với nhiều triển vọng nếu như giải quyết những thách thức từ 3 vòng xoáy kinh tế - môi trường - xã hội. Ở đó, sẽ phát hiện được động lực mới cho tăng trưởng”.

Tìm theo:

Cả nước quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Tạp chí giấy  -  1 tháng trước

(PLPT) - Lược ghi phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

Tạp chí giấy  -  1 tháng trước

(PLPT) - Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề mới đặt ra; trong đó có vai trò của công tác xã hội (CTXH), nhất là CTXH trong lĩnh vực tư pháp đang đối diện không ít thách thức, đòi hỏi làm sao để CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp, được xã hội đón nhận như một nhu cầu tất yếu.

Trước hiểm họa biến mất đồng bằng sông Cửu Long

Tạp chí giấy  -  1 tháng trước

(PLPT) - “Có thể con cháu chúng ta sẽ không còn thấy 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau 78 năm nữa”. Đây là ý kiến được đưa ra tại tọa đàm “Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL - Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát” được tổ chức ở Cần Thơ ngày 19/12/2022. Hiểm họa ấy, theo nhiều chuyên gia, có thể tránh được, nếu từ bây giờ hạn chế khai thác cát, sử dụng vật liệu khác thay cát trong xây dựng. Đó là các công trình xanh mà nhiều nước trên thế giới và ở nước ta đã xây dựng.