Tìm theo:

Trước hiểm họa biến mất đồng bằng sông Cửu Long

Ngọc Duyên Thứ năm, 01/08/2024 - 10:20

Hiểm họa lớn đã hiển hiện

Cuộc tọa đàm do WWF-Việt Nam cùng báo Nông Nghiệp Việt Nam tổ chức. Ý kiến ở đầu bài “Có thể con cháu chúng ta sẽ không còn thấy 40% diện tích ĐBSCL sau 78 năm nữa” là của ông Hà Huy Anh khi trình bày Dự án Quản lý cát bền vững tại ĐBSCL. Số liệu ông Hà Huy Anh đưa ra cho thấy đã có sự mất cân bằng nghiêm trọng về cát ở ĐBSCL: Tính toán năm 2020, khối lượng cát từ thượng nguồn đổ về 6,8-7 triệu tấn, khai thác tại ĐBSCL 27-40 triệu tấn, đổ ra biển 6,5 triệu tấn. Rõ ràng, việc khai thác cát đang đào sâu xuống các lòng sông và hậu quả là sạt lở bờ khắp nơi. Hiện trạng sạt lở ở ĐBSCL: 665 điểm, tổng chiều dài 656 km; trong đó đặc biệt nguy hiểm 181 điểm dài 172,4 km, nguy hiểm 137 điểm dài 193,2 km, bình thường 337 điểm dài 290,4 km. Xuất hiện hố sâu gần 50 m cách cầu Mỹ Thuận 1,2 km về phía thượng nguồn.

Số liệu của Ủy hội sông Mê Công, năm 2007 còn có 143,2 triệu tấn cát về ĐBSCL. Do xây quá nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn nên lượng cát và trầm tích nói chung về ĐBSCL giảm nghiêm trọng; dự báo năm 2040 sẽ chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL, trong đó 10-15% là cát. Nguy cơ sạt lở làm biến mất ĐBSCL trong tình hình nước biển dâng là dễ hình dung nếu không có giải pháp kịp thời.

Cát có vai trò bảo vệ ĐBSCL

Tiến sỹ Dương Văn Ni ở Đại học Cần Thơ phân tích, dân ĐBSCL gọi con sông vì hiểu nó như cơ thể sống, cần có phù sa bồi đắp, mà cát là nguồn năng lượng có nhiều thì tích tụ lại, mất cát sẽ mất các cù lao, bãi bồi ven sông do sạt lở. Cát như là đôi chân của ĐBSCL, giúp đất đai lấn dần ra biển. Khi khai thác cát sông quá mức, khai thác cát biển là cắt đứt đôi chân này. Hiện nay bán cát chỉ là bán công khai thác, vận chuyển chứ không phải bán giá trị của hạt cát, bán dưới giá trị nên lãng phí. Cát bị dùng san lấp mặt bằng gấp 10 lần cát dùng xây dựng. Trong khi đó, xây dựng công trình hoàn toàn có thể dùng sàn bê-tông mà không cần phải tốn kém nguồn cát rất lớn để tôn cao nền.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cũng cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò và giá trị của cát. Cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn có vai trò duy trì lãnh thổ (chống sạt lở), vai trò sinh thái, cát hoặc đất pha cát sẽ là môi trường sinh sống của nhiều loài cây, con đặc hữu. Khi quy hoạch xây dựng các khu đô thị, không thể bơm cát tạo mặt bằng như trước đây nữa, mà cần cân bằng tại chỗ bằng cách tạo hồ, rạch trong đô thị để lấy đất tạo nền xây dựng. Mạnh dạn làm những hồ lớn ở ĐBSCL vừa tạo không gian tích trữ nước phục vụ dân sinh, vừa tạo quỹ đất để san lấp. Việc quản lý cát phải có tính liên kết vùng, chứ không thể quản lý theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, bên này cấm mà bên kia lại cho khai thác thì cát vẫn hết.

Nhà báo Lê Đình Tuyển (Báo Thanh Niên) cho biết, khai thác cát trái phép là vấn đề nhức nhối ở ĐBSCL khi vẫn còn đó những góc khuất thiếu minh bạch trong quản lý, khi nhu cầu về cát ngày càng cao. Đã có những vụ án “hóa đơn ma” mua bán lậu tới hàng triệu khối cát. Nên cần có những giải pháp khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế trong các công trình để giảm bớt nhu cầu về cát. Ưu tiên tìm kiếm những giải pháp mới, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và đưa vật liệu thay thế vào xây dựng.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thắng (Báo Nông nghiệp Việt Nam) đề nghị thành lập câu lạc bộ truyền thông về cát, tập hợp đầy đủ số liệu về ngân hàng cát, ý kiến chuyên gia, các mô hình sử dụng vật liệu thay thế cát để giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết, cùng chung sức bảo vệ ĐBSCL.

Hy vọng với Công Trình Xanh

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) là một thành viên Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, tham luận về xây dựng các công trình giảm sử dụng cát sông. Theo một nghiên cứu, trên thế giới hằng năm tiêu thụ 50 tỷ tấn cát sông, gấp đôi lượng cát do sông tạo ra và 50% nguyên liệu thô trên toàn cầu là dành cho các tòa nhà. Cho nên, xây dựng đang là lĩnh vực hàng đầu gây phát thải CO2. Hạn chế cát trong xây dựng trở thành vấn đề toàn cầu để bảo vệ các dòng sông, vùng đất và lớn hơn là giảm phát thải, bảo vệ trái đất. Công Trình Xanh có mục đích đó.

Nhiều nghiên cứu đã xác định được trong xây dựng có ba nguồn thay thế cho cát khai thác trên sông: Cát (đá) nghiền, vật liệu xây dựng và phá dỡ tái chế, “quặng cát” từ khai thác quặng đuôi. Ra đời việc thiết kế tòa nhà thông minh có thể giảm khối lượng bê-tông; Bê-tông chịu lực ít hơn theo thể tích; Khoảng trống có thể được sử dụng trong tấm bê tông; Xây dựng nhẹ hơn (tường) có nghĩa là nền móng nhỏ hơn. Tường lắp ghép thay thế cho các phương pháp sử dụng cát. Ở Mỹ và EU đã phổ biến vách thạch cao (tường thạch cao) thay cho tường xây.

Ở Việt Nam xa xưa xây dựng đã sử dụng nhiều vật liệu không cần đến cát như đất nện, kiện rơm. Bây giờ có thêm nhiều vật liệu mới như gạch AAC hoặc bê tông nhẹ đã giảm cát trong bê tông và vữa; Tấm xi măng thay thế khối xây dựng; Tường bê tông đúc sẵn giảm vữa trát, tường và trần nhà không trát.

Theo ông Douglas Snyder, rất cần chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế cát trong xây dựng. Đó là giảm thuế đối với vật liệu thay thế tường xây (tấm bê tông đúc sẵn, vách thạch cao, gạch AAC), đánh thuế môi trường cao đối với cát xây dựng và cấm khai thác cát ven biển. Đồng thời có kỹ thuật khai thác cát thống nhất để tiết kiệm cát. Tóm lại, có các chính sách và quy định khai thác cát tốt hơn để giảm tác động xấu.

Ông Douglas Snyder cũng cho hay, VGBC thành lập năm 2007 và gia nhập Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WGBC); năm 2009 được Bộ Xây dựng công nhận; năm 2010 ra mắt hệ thống đánh giá LOTUS (Hệ thống chứng nhận Công Trình Xanh). Năm 2012 có tòa nhà đầu tiên chứng nhận LOTUS và đến nay, LOTUS đã được sử dụng trên 9 loại công trình xây dựng ở Việt Nam.

Có thể thấy, Công Trình Xanh phù hợp với bối cảnh Việt Nam, phát triển vật liệu bền vững. “Công Trình Xanh đã hình thành và phát triển tại Việt Nam trong 15 năm qua, đưa lại nhiều lợi ích và nay hy vọng góp phần tích cực vào bảo vệ ĐBSCL”, ông Douglas Snyder bày tỏ.

Cần đẩy mạnh truyền thông bảo vệ ĐBSCL

Để bảo vệ ĐBSCL một cách căn cơ, theo các chuyên gia cần nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng (bao gồm công chúng, các nhà hoạch định chính sách, các công ty xây dựng, v.v) về tác động của khai thác cát không bền vững lên ĐBSCL và sinh kế của người dân. Đồng thời thúc đẩy các phương pháp khai thác cát có trách nhiệm để tăng cường sự bền vững lâu dài của ĐBSCL. Đây là nhiệm vụ của truyền thông hiện nay.

Với từng nhóm xã hội, truyền thông có mục tiêu cụ thể: Công chúng cần được nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa khai thác quá mức so với ngân hàng cát và hệ sinh thái, môi trường; Doanh nghiệp sử dụng cát cần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động; Nhà hoạch định chính sách cần có kế hoạch duy trì ổn định hình thái dòng sông trong quản lý cát ở cấp độ tỉnh và toàn ĐBSCL cũng như trong tiểu vùng sông Mekong

Thông điệp chính cần chuyển đến:

Các chủ thể khai thác cát (tư nhân, công ty, liên doanh) là khai thác cát hợp pháp và có trách nhiệm; Khai thác cát phải có giấy phép và tuân theo các quy định và luật pháp về khai thác cát sông. Khai thác trong định mức đảm bảo lợi ích lâu dài của các chủ thể khai thác cát, giúp đảm bảo nguồn tài nguyên này tự tái tạo, giúp duy trì ổn định hình thái sông, bảo vệ nguồn nước (đặc biệt là nước ngầm) và tài nguyên nước ngọt, đảm bảo sự an toàn và tài sản của cư dân sống dọc bờ sông.

Công ty xây dựng & đầu tư (khu vực công & tư): Chỉ thu mua cát sông từ những nguồn hợp pháp; Chỉ chấp nhận sử dụng nguyên liệu cát được thu mua theo quy trình có trách nhiệm trong các công trình xây dựng. Cần tạo lợi thế cạnh tranh và cơ hội cho những công ty tiên phong trong sử dụng cát có nguồn gốc và trách nhiệm: các sản phẩm xây dựng (nhà ở…) cao cấp, cơ hội quản trị rủi ro cho các ngân hàng đầu tư vào các dự án xây dựng

Tìm theo:

Cả nước quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Tạp chí giấy  -  1 tháng trước

(PLPT) - Lược ghi phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trăn trở tin yêu đồng bằng

Tạp chí giấy  -  1 tháng trước

(PLPT) - Hai năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hai Báo cáo Kinh tế Thường niên, kết quả hợp tác giữa Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ với Trường Chính sách công & Quản lý Fulbright (FSPPM). Các báo cáo nghiên cứu vùng kinh tế đầu tiên cả nước, ĐBSCL được coi là điển hình về liên kết để hình thành thiết chế vùng kinh tế trong tương lai. Báo cáo 2020 công bố ngày 14/12/2020, Báo cáo 2022 công bố ngày 1/8/2022.

Cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

Tạp chí giấy  -  1 tháng trước

(PLPT) - Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề mới đặt ra; trong đó có vai trò của công tác xã hội (CTXH), nhất là CTXH trong lĩnh vực tư pháp đang đối diện không ít thách thức, đòi hỏi làm sao để CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp, được xã hội đón nhận như một nhu cầu tất yếu.