Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xã hội
Dẫn thực tế hơn 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi nhận xét: Bảo đảm an sinh xã hội của người dân và các chính sách xã hội đã góp phần bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ/ngành liên quan lĩnh vực này đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan những quy định, tiêu chuẩn, chế độ, phụ cấp… cho người làm CTXH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập: nguồn lực cho tuyên truyền lĩnh vực này còn hạn chế; truyền thông chưa được quan tâm đúng mức so với lĩnh vực khác, khiến một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng, chưa đủ về tầm quan trọng CTXH; Khuôn khổ pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH chưa hoàn chỉnh, đồng bộ…
Vì thế, theo ông Hồi, để đưa chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước vào đời sống xã hội trong hoàn cảnh mới, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; Bộ Tư pháp, Tòa án Tối cao, Viện kiểm sát Tối cao, Bộ Công an… cần tập trung nghiên cứu, làm rõ vai trò, trách nhiệm, trong từng ngành đối với vấn đề này. Đồng thời cần thống nhất nhận thức, làm rõ nội hàm, những điểm mạnh và yếu trong tổng kết mô hình CTXH; từ đó chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng - "Cần tập trung đào tạo, xây dựng năng lực đội ngũ cán bộ làm CTXH. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm. Kiến nghị, đề xuất giải pháp thông minh trong truyền thông; tăng cường truyền thông nhận thức xã hội về CTXH trong lĩnh vực tư pháp".
CTXH trong lĩnh vực tư pháp là một phần của CTXH, góp phần đa dạng hóa các lĩnh vực trợ giúp xã hội, tăng tính chuyên nghiệp và đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với nghề CTXH. CTXH trong lĩnh vực tư pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành hình phạt và đã chấp hành xong hình phạt; người cần cấp dưỡng trong vụ việc ly hôn; người đòi trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động… có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế (cao tuổi, khuyết tật, dưới 18 tuổi, có HIV, không nơi nương tựa…) liên quan hệ thống tư pháp, được sớm tiếp cận hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch, bình đẳng, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết: Hiện nay số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH lên tới hàng chục triệu; trong đó gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 230.000 người nghiện, hàng vạn người bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Trên cả nước đã hình thành mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại một số bệnh viện tuyến trung ương, huyện; mô hình cung cấp dịch vụ CTXH trong trường học, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ. Các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với khoảng 235.000 người; hơn 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em, phát triển cộng đồng… Về đào tạo, đã 55 trường đại học, cao đẳng, 21 cơ sở dạy nghề có chuyên ngành CTXH; 4 trường đào tạo thạc sỹ, 2 trường đào tạo tiến sỹ CTXH; hàng năm đào tạo, dạy nghề cho khoảng 3.000 người, đào tạo CTXH hệ vừa làm vừa học cho khoảng 3.500 lượt chỉ tiêu/năm… Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa được hoàn chỉnh; mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu số lượng, chưa bảo đảm chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, chưa chuyên nghiệp, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác. Nhiều địa phương nhận thức chưa đúng nên chưa chủ động, quyết liệt triển khai Đề án phát triển CTXH…
Vì vậy, giai đoạn 2021-2025 phải phấn đấu có 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã/phường/thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự CTXH; ít nhất có 30% số cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH tại xã/phường/thị trấn, cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, ngành LĐ-TB-XH, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng CTXH. Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý phục vụ phát triển CTXH bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng hội nhập quốc tế; phấn đấu 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã/phường/thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện bố trí nhân sự CTXH… Bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân chất độc hóa học, khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa...
Cần luật riêng về công tác xã hội
Luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp các nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán, đặc biệt với người chưa thành niên. Thế nhưng, theo TS Lê Thị Vân Anh (Bộ Tư pháp) và PGS-TS Nguyễn An Lịch, Viện Viện An sinh xã hội & Phát triển cộng đồng), pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng, cụ thể, có hệ thống, về CTXH tham gia trong hệ thống tư pháp (chưa có quy định về vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người làm CTXH), dẫn đến những hạn chế trong phát triển dịch vụ chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quá trình hỗ trợ đối tượng có nhu cầu.
Các nhà khoa học này cho rằng đội ngũ người làm CTXH và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp đang còn hạn chế cả về cả số lượng lẫn chất lượng. Chỉ có số ít hoạt động hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng được thực hiện dưới vai trò hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc kiêm nhiệm. Cùng đó, năng lực chuyên môn cũng là thách thức, do đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Chưa có chương trình đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn mang tính hệ thống và chuyên sâu về CTXH trong lĩnh vực tư pháp. Cán bộ trong lĩnh vực này chỉ được đào tạo chung chung về CTXH và rất ít qua các khoá tập huấn về quản lý trẻ em vi phạm pháp luật. Về vị trí việc làm, cơ chế tuyển dụng, hiện chưa có vị trí việc làm được quy định trong hệ thống pháp luật của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp hỗ trợ người vi phạm pháp luật.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH đang chiếm 28% dân số. Trong đó có 11,5 triệu người cao tuổi; 7,6 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; 1,6 triệu hộ nghèo; 1,3 triệu hộ cận nghèo; 2,83 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm; 254.000 người nhiễm HIV được phát hiện; hơn 210.000 người nghiện ma tuý. Ngoài ra còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề tệ nạn xã hội.