Pháp luật quốc tế

Bảo đảm quyền làm việc của người lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm của một số nước Châu Á và giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Đặng Thị Loan Thứ tư, 24/07/2024 - 10:44
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Nghiên cứu này đã tổng hợp các kinh nghiệm từ một số quốc gia ở châu Á (Indonesia, Hàn Quốc, Iran) để từ đó rút ra một số bài học có giá trị tham khảo cho Việt Nam nhằm bảo đảm quyền làm việc cho người lao động trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã mang đến cho nhân loại nhiều cơ hội cũng như thách thức; đặc biệt là trong lĩnh vực lao động và việc làm, tác động trực tiếp và toàn diện đến quyền làm việc của người lao động ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều ngành, nghề truyền thống có nguy cơ biến mất, thay vào đó nhiều công việc mới ra đời với tính chất và loại hình khác lạ so với trước đây. Do đó, lao động có trình độ và kỹ thuật thấp dễ bị mất việc làm, pháp luật chưa theo kịp và chưa định hình hết các quan hệ xã hội để kịp thời điều chỉnh, dẫn tới chưa bảo đảm được quyền cho người lao động. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang quan tâm để ứng phó. Nghiên cứu này đã tổng hợp các kinh nghiệm từ một số quốc gia ở châu Á (Indonesia, Hàn Quốc, Iran) để từ đó rút ra một số bài học có giá trị tham khảo cho Việt Nam nhằm bảo đảm quyền làm việc cho người lao động trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

Abstract: The development of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) has brought many opportunities and advances to humanity and especially the issue of employment and working rights of workers around the world. Industry 4.0 creates many industries and professional traditions that are at risk of disappearing, affecting the jobs of many workers, especially traditional labor. Therefore, this is an issue not only specific to Vietnam, but many countries around the world are interested in responding to the formulas by which the 4.0 Industrial Revolution ensures the right to work for workers. This study synthesizes research and experience from a number of Asian countries (Indonesia, Korea, Iran) to draw some lessons that can be applied to Vietnam to ensure the right to work for workers in the context of the increasingly developing Industrial Revolution 4.0.

Keywords: right to work, Industrial Revolution 4.0, Employement Law

1. Dẫn nhập

Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển với tốc độ cấp số nhân, quy mô và tính chất phức tạp ngày càng lớn. CMCN 4.0 tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot, mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về máy tính, lưu trữ dữ liệu và tin học... Những ứng dụng này là các công cụ hỗ trợ cho sự phát triển và đa dạng hoá các phương thức sản xuất, kinh doanh. Con người có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng; tổng hợp và phân tích dữ liệu dễ dàng, từ đó có thể ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 không chỉ là thời cơ mà còn là thách thức đối với sự phát triển ở từng quốc gia, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm thì tác động của cuộc Cách mạng này là vô cùng lớn. Công nghệ hiện đại giúp giải phóng sức lao động cho con người, cải thiện năng suất lao động nhưng cũng khiến hàng triệu người lao động đối mặt với nguy cơ mất việc làm do nhiều ngành, nghề sản xuất, kinh doanh truyền thống biến mất; xuất hiện các nhà máy thông minh, trong đó máy móc đóng vai trò chủ đạo có thể tự động vận hành toàn bộ quá trình sản xuất, thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây. Thay vào đó là sự ra đời ngành, nghề mới yêu cầu kỹ năng tay nghề cao. Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 400 đến 800 triệu việc làm trên toàn thế giới bị tự động hoá. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia, nhất là các quốc gia ở châu Á - các quốc gia đang phát triển, chịu tác động mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp - cần chủ động tiếp nhận, đối phó với những biến đổi nhanh chóng của quan hệ việc làm do ảnh hưởng của thời đại công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại với phương châm bảo đảm tốt nhất quyền làm việc của người lao động cùng với việc tiếp thu, tận dụng những lợi ích, thế mạnh của công nghệ số và kỹ thuật số.

2. Quyền làm việc của người lao động và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với quyền làm việc

2.1. Quyền làm việc của người lao động

Quyền làm việc là một trong các quyền con người cơ bản được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR, 1948): “1) Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp. 2) Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử. 3) Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác. 4) Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình” (Điều 23). Quy định nêu trên được cụ thể hóa trong Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (ICESCR, 1966).

Tại Việt Nam, quyền làm việc là một quyền pháp lý cơ bản của công dân, được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013: “1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; 2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu” (Điều 35).

Quyền làm việc được quy định tập trung trong Bộ luật Lao động năm 2019. “Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm” (khoản 1 Điều 9). Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm. Đối với người lao động, họ được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm, trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.

Như vậy, quyền làm việc của người lao động là một quyền con người cơ bản có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người, bởi lẽ nó không đơn thuần là việc tạo ra thu nhập, là cơ hội kiếm sống, mà thông qua quyền làm việc, cá nhân muốn tự khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, khẳng định khả năng, năng lực, uy tín, giá trị của bản thân. Qua lao động, qua làm việc, con người mới có thể sáng tạo và khai thác được khả năng, thế mạnh của bản thân và đóng góp cho xã hội. Chỉ có bằng lao động và làm việc, con người mới có thể thúc đẩy xã hội phát triển và tiến bộ. Khi có việc làm, thực hiện quyền làm việc, con người mới hướng đến cái chân - thiện - mỹ, mới thấy được giá trị của chính mình. Vì vậy, quyền làm việc đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống các văn bản về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế ILO và pháp luật quốc gia.

2.2. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới quyền làm việc của người lao động

Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover ở Đức để làm nổi bật mô hình chiến lược cạnh tranh của các ngành công nghiệp thuộc Liên minh châu Âu với các thị trường quốc tế khác. Mục đích của mô hình là tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hoặc phân tích dữ liệu lớn vào ngành (Riminucci, 2018). Gần đây, định nghĩa Công nghiệp 4.0 chỉ ra những phát triển công nghệ làm mờ ranh giới không gian vật lý, kỹ thuật số và sinh học giữa các ngành. Theo nghĩa này, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, điện toán lượng tử, sinh học tổng hợp và robot sẽ nhanh chóng thay thế các công nghệ sản xuất trong 60 năm qua. Có ý kiến ​​cho rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra triển vọng tốt hơn trong quá trình sản xuất ngày nay, bao gồm tùy chỉnh hàng loạt, sản xuất linh hoạt, tăng tốc độ sản xuất, chất lượng sản phẩm cao hơn, giảm tỷ lệ lỗi, tối ưu hóa hiệu quả và gần gũi với khách hàng hơn. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến ​​cho rằng “Công nghiệp 4.0 không phải là một cuộc cách mạng mà là sự nâng cao mang tính cách mạng của mô hình sản xuất kinh doanh”. Do đó, cuộc cách mạng hay sự nâng cao mang tính tiến hóa gắn liền với Công nghiệp 4.0 đều đề cập đến cuộc CMCN 4.0 (Schroeder, 2016).

CMCN 4.0 xuất hiện đã tác động tới toàn bộ đời sống lao động của con người. Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà thị trường lao động đang bị ảnh hưởng bởi CMCN 4.0 là phần lớn công việc trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng sẽ được tự động hóa đảm nhiệm. Bởi lẽ, đây là những công việc lặp lại, đơn giản hoặc nguy hiểm, phù hợp với robot hơn con người để giảm sai sót, rủi ro và cải thiện năng suất. Một nghiên cứu của OECD cho thấy, 14% việc làm trên 32 quốc gia có 70% cơ hội tự động hóa, với 32% công việc có nguy cơ vừa phải từ 50% đến 70% cơ hội tự động hóa. Theo Choi (2017), tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc làm đòi hỏi ít kỹ năng[1]. Mặt khác, lao động đòi hỏi tay nghề kỹ năng trung bình và cao sẽ ít bị ảnh hưởng nhất[2] (Zervoudi, 2020). Mặc dù quá trình chuyển đổi sang tự động hóa có thể sẽ diễn ra dần dần nhưng nguy cơ thất nghiệp gia tăng ở một số lĩnh vực nhất định, ảnh hưởng đáng kể đến thị trường việc làm. Tuy nhiên, sự ra đời của công nghệ mới về robot, hệ thống và thiết bị tự động hóa cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới để thiết kế, phát triển, lắp đặt và bảo trì công nghệ này, cùng với những vị trí vận hành máy móc mới. Đối với nhiều người lao động, CMCN 4.0 mang lại những thay đổi chứ không chỉ là làm mất đi vai trò của họ. Các kỹ năng và kiến ​​thức mới liên tục được cập nhật trong công việc; việc sử dụng công nghệ thay con người để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản và lặp đi lặp lại sẽ giúp con người có nhiều thời gian hơn cho công việc sáng tạo, đổi mới và có ý nghĩa. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều công việc do con người đảm nhiệm trở nên thoả đáng và thú vị hơn. Công nghệ mới nổi giúp giảm bớt thời gian làm việc trực tiếp kéo dài, do đó công việc sẽ trở lên linh hoạt hơn với phương thức làm việc từ xa, cùng lúc có thể làm được nhiều việc. Trong ngành điều khiển và tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường việc làm đang có những thay đổi rõ nét khi nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng và kiến ​​thức vững vàng, dễ dàng thích ứng với những xu hướng phát triển của ngành.

Để phân tích sâu hơn tác động của CMCN 4.0 đối với quyền làm việc, cần phải chia công việc thành các hoạt động cấu thành, những hoạt động này phụ thuộc vào các kỹ năng cơ bản. Chẳng hạn, robot rất giỏi một số kỹ năng thể chất (ví dụ: kỹ năng vận động thô) và kỹ năng nhận thức cấp độ thấp (ví dụ: nhận biết các mẫu/danh mục đã biết, tối ưu hóa, lập kế hoạch và truy xuất thông tin)[3] nhưng chúng không giỏi về kỹ năng xã hội và cảm xúc cũng như kỹ năng nhận thức cấp cao (ví dụ: tạo ra các mô hình/danh mục mới, phối hợp với nhiều tác nhân và hiểu ngôn ngữ tự nhiên). Mức độ dễ dàng tự động hóa một công việc phụ thuộc vào mức độ các hoạt động cấu thành và các kỹ năng cơ bản của chúng có thể được tự động hóa theo cách hiệu quả về mặt chi phí. Trong thập kỷ qua, tiến bộ công nghệ có tác động tiêu cực lớn đến công việc văn phòng và dây chuyền lắp ráp. Ví dụ, một nhóm nhân viên văn phòng thường xuyên viết mã và xử lý dữ liệu giờ đây có thể được thay thế bằng máy quét và máy tính với chi phí thấp. Ngược lại, không thể dễ dàng thay thế một người làm vườn bằng robot, vì thuê một người làm vườn sẽ rẻ hơn nhiều so với một robot có các kỹ năng cảm giác, thể chất và nhận thức cần thiết. Tương tự, một người quản lý quan hệ khách hàng phải có kỹ năng xã hội và cảm xúc cao không thể dễ dàng bị thay thế bởi máy móc, ít nhất là ở mức độ mà khách hàng sẵn sàng trả tiền cho sự tương tác giữa con người với nhau.

3. Kinh nghiệm bảo đảm quyền làm việc của người lao động ở một số quốc gia châu Á

Theo Wiryawan và cộng sự (2020), tại Indonesia, nhiều việc làm bị mất đi khi CMCN 4.0 xuất hiện; đồng thời, điều kiện làm việc của người lao động ở Indonesia ngày càng xấu đi do mất cân bằng giữa cung và cầu (nền kinh tế có xu hướng dư thừa lao động)[4]. Do đó, hình thức “Nhà nước phúc lợi’ đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1945 tại Điều 28 H về quyền có cuộc sống thịnh vượng: (1) Mọi người đều có quyền được sống thịnh vượng về thể chất và tinh thần, được sống và có môi trường sống tốt, lành mạnh và quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế; (2) Mọi người đều có quyền được hưởng các điều kiện và đối xử đặc biệt để có được cơ hội và lợi ích bình đẳng nhằm đạt được sự bình đẳng và công lý. (3) Mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội để phát triển toàn diện như một con người có phẩm giá. (4) Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân và quyền tài sản đó không được tự ý chiếm đoạt bởi bất kỳ ai.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, bảo hộ lao động là bảo vệ quyền con người. Ở Indonesia, khái niệm quyền con người được ghi nhận rõ trong Hiến pháp năm 1945 và được tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Sự can thiệp của Chính phủ vào chính sách lao động là một hình thức bảo trợ xã hội cho người lao động với tư cách là một công dân. Điều 34 khoản (2) Hiến pháp năm 1945 nhấn mạnh rằng, Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội cho mọi người dân và trao quyền cho những người yếu thế, không có năng lực phù hợp với phẩm giá con người. Vì vậy, cần có một chính sách công bằng hơn và không phân biệt đối xử đối với người lao động có địa vị thấp kém trong xã hội. Nhà nước được kỳ vọng là chủ thể có thể nhìn nhận một cách toàn diện lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm rằng các quyền hiến định của công dân, đặc biệt là quyền về cơ hội việc làm trong kỷ nguyên CMCN 4.0 được thực hiện và bảo vệ. Quyền có việc làm bền vững cũng được khẳng định trong Hiến pháp năm 1945. Nhà nước pháp quyền hiện đại (nhà nước phúc lợi) phải có nghĩa vụ thực hiện quyền hiến định này.

Đạo luật Việc làm đã tạo cơ hội cho các quan hệ việc làm mới trong kỷ nguyên CMCN 4.0 (Chương VII về "Mở rộng cơ hội việc làm"). Điều 39 Luật Việc làm quy định: (1) Chính phủ có trách nhiệm tìm cách mở rộng các cơ hội việc làm cả trong và ngoài quan hệ việc làm. (2) Chính phủ và cộng đồng cùng nhau tìm cách mở rộng cơ hội việc làm cả trong và ngoài quan hệ việc làm. (3) Tất cả các chính sách của Chính phủ, ở cấp trung ương và khu vực, trong từng lĩnh vực đều hướng tới việc mở rộng các cơ hội việc làm cả trong và ngoài quan hệ việc làm. (4) Các tổ chức tài chính, ngân hàng và phi ngân hàng, giới kinh doanh cần hỗ trợ và cung cấp cơ sở vật chất cho mọi hoạt động cộng đồng có thể tạo ra hoặc phát triển cơ hội việc làm.

Hàn Quốc, quốc gia đổi mới nhất năm 2017 theo Bloomberg, là một ví dụ hiếm hoi về một quốc gia mà việc thúc đẩy công nghiệp trong các ngành nghề sử dụng nhiều công nghệ đã đạt được thành công đáng kể. Theo Choi (2017), CMCN 4.0 là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong các cuộc tranh cử tổng thống gần đây[5]. Tổng thống Moon Jae-in đã từng đề xuất bộ chính sách giúp Hàn Quốc tận dụng tối đa lợi thế của CMCN 4.0. Các chính sách này tập trung vào việc thúc đẩy công nghệ, cải thiện sự phối hợp và trao đổi kiến ​​thức bằng cách thành lập Ủy ban CMCN 4.0 dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống. Ủy ban này (bao gồm Chính phủ, các chuyên gia và doanh nghiệp được điều phối bởi Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai) sẽ đứng đầu trong việc hoạch định chính sách về các công nghệ CMCN 4.0. Bên cạnh đó, thành lập tổ chức hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp nhỏ với sự hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ; thiết lập cơ sở hạ tầng như đường cao tốc thông minh cho xe tự hành, giảm chi phí sản xuất cho các phát minh mới. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn nhấn mạnh đến việc phát triển kỹ năng. Theo đó, có kế hoạch đào tạo và hỗ trợ 10.000 giáo viên khoa học máy tính ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bộ Việc làm và Lao động gần đây đã thông qua chương trình cấp phép để đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng của CMCN 4.0. Các bước chủ động của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang nền kinh tế công nghệ mới, cho phép các phát minh mới được thương mại hóa và mở rộng quy mô, cũng như đầu tư vào việc phát triển kỹ năng là một ví dụ điển hình của các nền kinh tế đang đối phó với những tác động tích cực và tiêu cực của CMCN 4.0. Điều này sẽ giúp bảo đảm người lao động có việc làm thông qua giáo dục nghề nghiệp.

Theo Kế hoạch phát triển 20 năm của Iran mang tên “Tầm nhìn 2025”, Chính phủ Iran mong muốn chuyển sang nền kinh tế tri thức thay vì nền kinh tế dựa vào tài nguyên hiện nay; và vì lý do này, thay vì các ngành công nghiệp, các nhà hoạch định chính sách của Iran đã tập trung vào nguồn nhân lực của đất nước nhằm tạo ra của cải. Vì vậy, các bước cần thiết ban đầu đã được thực hiện để tăng số lượng sinh viên đại học, hơn nữa là để kích thích và truyền cảm hứng cho việc giải quyết vấn đề và nghiên cứu công nghiệp[6]. Mahdi, tác giả của nghiên cứu “Đánh giá các chính sách khoa học và công nghệ quốc gia ở Iran” tin rằng, Iran có vị thế tương đối tốt khi xét đến các ngành khoa học cơ bản như toán học, vật lý và hóa học trên thế giới và có những thành tựu đáng kể về khoa học. Tuy nhiên, có thể có rất nhiều cơ hội cho việc phát triển khoa học ở Iran do việc quản lý tri thức và nghiên cứu còn rất yếu kém; các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên tri thức không được hỗ trợ đúng mức hoặc hoàn toàn không được hỗ trợ. Không thể mong đợi Iran sớm phát triển và xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ dựa trên tri thức khi mà sự hỗ trợ yếu kém hiện tại mà các ngành đó nhận được[7]. Về các công nghệ mới, tiên tiến như công nghệ nano, hạt nhân, hàng không vũ trụ, Iran đã thực hiện một số bước đi ban đầu; nhưng việc ngân sách nghiên cứu hàng năm ở Iran chưa đến 1% GDP, rất khó có thể đạt được 4% vào năm 2025 như dự kiến sẽ không đủ để cải thiện những điểm yếu và sai sót tồn tại trong nghiên cứu cơ bản. Không thể mong đợi điều kỳ diệu với ngân sách nghiên cứu thấp như vậy[8].

Hệ thống giáo dục của Iran cần được quan tâm nhiều hơn. Các nhà hoạch định khoa học công nghệ và hoạch định chính sách ở Iran đã tập trung vào mối liên hệ, tương tác giữa giáo dục và nghề nghiệp trong hơn một thập kỷ nay nhưng vẫn chưa có bước đi hiệu quả và quan trọng nào được thực hiện. Các khóa học và bằng cấp giáo dục ít hoặc không liên quan đến bản đồ khoa học tổng thể của Iran và sự phát triển giáo dục đại học ở Iran ít liên quan đến nghề nghiệp, sản xuất và xã hội[9] (Mahdi, 2015).

Cũng theo Mahdi (2015), các tổ chức nghiên cứu và phát triển được kỳ vọng sẽ có tính khởi nghiệp cao hơn nhưng rất ít thông tin về chiến lược và cách tiếp cận để khuyến khích và đạt được mục tiêu đó. Tiếp theo, có thể kể đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ còn yếu kém do thiếu cơ sở hạ tầng và quy định. Từ đó, đã hạn chế các chính sách và kế hoạch hiện hành hướng tới sự tương tác và hợp tác của Iran với các quốc gia khác, cũng như các trung tâm khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như đã được nhấn mạnh trong tầm nhìn 2025. Các chính sách này được đánh giá là không hiệu quả, trước hết là do sự cạnh tranh trong khu vực và các vấn đề chính trị[10]. Năng lực khoa học và kỹ thuật của các chuyên gia Iran sống ở nước ngoài rất hữu ích nhưng chính sách thu hút họ của Iran vẫn chưa thành công. Đáng tiếc là Iran ở thời điểm hiện tại không có chính sách hay chương trình nghị sự nào để thu hút chuyên gia nước ngoài. Chính phủ Iran đã kiểm duyệt Internet và khuyến khích mọi người sử dụng nền tảng mạng trong nước nhưng mọi người vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng mạng phương Tây. Lý do chính đằng sau điều này là những tiến bộ công nghệ của Chính phủ Iran không thể theo kịp; ví dụ: Mã hóa lớp cổng bảo mật và cả bảo mật lớp vận chuyển[11].

4. Gợi ý một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Để bảo đảm quyền làm việc của người lao động trong bối cảnh CMCN 4.0 đang phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam thì vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Một số giải pháp có thể thực hiện để chào đón cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực lao động, việc làm như sau:

Thứ nhất, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung những quy định mới nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn để thích ứng với bối cảnh CMCN, trong đó có mở rộng đối tượng người lao động thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật, đó là: “người làm việc không có quan hệ lao động”. Vì vậy, cần sớm có quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo đó, cần nghiên cứu để có quy định phù hợp nhằm bảo đảm các quyền lợi về lao động của các lái xe công nghệ như BHXH, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và tiền lương làm thêm giờ...

Thứ hai, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm 2013, trong đó bổ sung quy định về việc Nhà nước chủ động tạo việc làm, tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm cho các lao động thuộc nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bởi lẽ do những hạn chế, thiệt thòi về sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế, tài chính, tuổi tác mà nhóm lao động này rất khó tiếp cận với thị trường lao động để có việc làm tốt.

Thứ ba, theo Điều 2 Luật An toàn vệ sinh, lao động năm 2015 thì đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Điều 2 BLLD 2019 quy định đối tượng áp dụng là người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động. Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa hai văn bản luật về đối tượng là người lao động, đặc biệt là đối tượng người làm việc không có quan hệ lao động còn bị “bỏ trống” trong Luật An toàn vệ sinh, lao động 2015. Đây là những đối tượng lao động rất phổ biến trong bối cảnh CMCN 4.0 như các lái xe công nghệ, người làm việc trên môi trường mạng… Họ cũng thường gặp những yếu tố nguy hiểm (là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho con người trong quá trình lao động) như tai nạn giao thông, bị cướp, bị quấy rối, hành hung…; yếu tố có hại (là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động) như: tiếp xúc với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, bị xúc phạm, bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm khi làm việc trên môi trường mạng…

Thứ tư, trước làn sóng công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vai trò là “lá chắn” chống lại nguy cơ tự động hóa, tình trạng “thất nghiệp công nghệ”. Vì vậy, cần đổi mới các chương trình đào tạo từ bậc phổ thông cho đến dạy nghề và đào tạo trong các trường đại học theo hướng cập nhật, tương thích với khung trình độ khu vực và quốc tế. Đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các trường dạy nghề và đào tạo chuyên nghiệp. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong cả nước.

Để thích nghi với công nghệ mới và số hóa trong CMCN 4.0, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động, nội dung đào tạo người lao động chú trọng đến các vấn đề khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Ngoài các kỹ năng về chuyên môn, người lao động còn cần phải phát triển một loạt các kỹ năng mềm. Cụ thể, một số kỹ năng “phi công nghệ” đang có nhu cầu cao trong CMCN 4.0 là:

- Giải quyết vấn đề phức tạp: Khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, đa ngành là rất quan trọng trong thời đại CMCN 4.0. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, người lao động sẽ cần phải thích ứng với các hệ thống, quy trình và thách thức mới, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và đổi mới.

- Tư duy phê phán: Điều này liên quan đến khả năng phân tích thông tin, đánh giá bằng chứng và đưa ra quyết định sáng suốt. Trong kỷ nguyên CMCN 4.0, các chuyên gia được kỳ vọng sẽ có thể đánh giá độ tin cậy của lượng lớn dữ liệu và sử dụng thông tin này để đưa ra các quyết định chiến lược.

- Trí tuệ cảm xúc (EQ): EQ đề cập đến khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình và của người khác. Khi tự động hóa đảm nhiệm các công việc thường ngày, tầm quan trọng của sự tương tác giữa con người với con người sẽ tăng lên. Vì vậy, EQ đang dần trở thành một kỹ năng quan trọng ở nơi làm việc.

- Tính sáng tạo: Đây là khả năng tạo ra những ý tưởng, sản phẩm hoặc giải pháp mới. Khi các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, các cá nhân có kỹ năng tư duy sáng tạo sẽ có nhu cầu cao để phát triển các chiến lược và giải pháp đổi mới.

- Khả năng thích ứng và linh hoạt: Yếu tố hàng đầu khi đề cập đến CMCN 4.0 là sự thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, mỗi cá nhân phải có khả năng thích ứng và linh hoạt. Người lao động cần phải sẵn sàng học các kỹ năng mới, đón nhận sự thay đổi và điều chỉnh chiến lược của mình để phù hợp với thị trường việc làm.

- Hợp tác và làm việc theo nhóm: Khi công nghệ tiếp tục phá vỡ các rào cản địa lý, khả năng làm việc hiệu quả trong các nhóm đa dạng sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Các chuyên gia phải có khả năng phát triển các kỹ năng giao tiếp và cộng tác mạnh mẽ để thành công trong môi trường làm việc toàn cầu hóa.

5. Kết luận

Cuộc CMCN 4.0 tạo ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo đảm quyền làm việc cho người lao động. Một số quốc gia châu Á đã có những chiến lược và kế hoạch hành động nhằm bảo vệ số lượng việc làm và quyền của người lao động như Indonesia chú trọng vào xây dựng luật pháp và các cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ người lao động; Hàn Quốc chú trọng giáo dục và thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của CMCN 4.0 tại nước này; Iran tập trung vào chính sách xây dựng con người và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, “con đường chinh phục” cuộc Cách mạng này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Từ đó, có thể thấy vai trò rất quan trọng của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế, luật pháp nhằm đối phó với sự biến đổi và phát triển của CMCN 4.0; đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân người lao động không ngừng phải trau dồi, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là thể hiện bản thân phải “làm chủ công nghệ”./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Wonhyuk Lim, The Fourth Industrial Revolution and Its Challenges, Global Asia, https://www.globalasia.org/v12no2/cover/the-fourth-industrial-revolution-and-its-challenges_wonhyuk-lim (2017).

2. Wayan Gde Wiryawan, Dewi Bunga, The Legal Protection of Atypical Workers in Industry 4.0, Malaysian Journal of Syariah and law, 8, (2), 31-40 (2020).

3. Choi, J., The Future of Jobs and the Fourth Industrial Revolution: Business as Usual for Unusual Business, World Bank Blogs, https://blogs.worldbank.org/en/psd/future-jobs-and-fourth-industrial-revolution-business-usual-unusual-business (2017).

4. Zervoudi, E. K., Fourth Industrial Revolution: Opportunities, Challenges, and Proposed Policies, Intechopen (2020)

5. UNESCO: Natural Sciences Sector. Iran in Pursuit of a Knowledge Economy (2017).

6. Mahdi, Reza, Evaluation of National Science and Technology Policies in Iran, Procedia-Social and Behavioral Sciences 195: 210–219 (2015).

7. Ziaei Nafchi M, Mohelská H, Effects of Industry 4.0 on the Labor Markets of Iran and Japan. Economies, 6(3), 39 (2018).

* Nghiên cứu sinh ở Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Duyệt đặng 28/5/2024. Email: loandanghcm@gmail.com; SĐT: 0978103468

[1] Choi, J., The Future of Jobs and the Fourth Industrial Revolution: Business as Usual for Unusual Business, World Bank Blogs, https://blogs.worldbank.org/en/psd/future-jobs-and-fourth-industrial-revolution-business-usual-unusual-business (2017)

[2] Zervoudi, E. K., Fourth Industrial Revolution: Opportunities, Challenges, and Proposed Policies, Intechopen (2020)

[3] Wonhyuk Lim, The Fourth Industrial Revolution and Its Challenges, Global Asia, https://www.globalasia.org/ v12no2/cover/the-fourth-industrial-revolution-and-its-challenges_wonhyuk-lim (2017)

[4] Wayan Gde Wiryawan, Dewi Bunga, The Legal Protection of Atypical Workers in Industry 4.0, Malaysian Journal of Syariah and law, 8, (2), 31-40 (2020)

[5] Choi, J, tlđd, 1

[6] UNESCO: Natural Sciences Sector. Iran in Pursuit of a Knowledge Economy (2017)

[7] Mahdi, Reza, Evaluation of National Science and Technology Policies in Iran, Procedia-Social and Behavioral Sciences 195: 210-219 (2015)

[8] Mahdi, Reza, tlđd, 7, 215

[9] Mahdi, Reza, tlđd, 7, 215

[10] Mahdi, Reza, tlđd, 7, 210–219

[11] Ziaei Nafchi M, Mohelská H, Effects of Industry 4.0 on the Labor Markets of Iran and Japan. Economies, 6(3), 39 (2018)

Cùng chuyên mục

Vụ nổ loạt máy nhắn tin gây thương vong lớn: Hé lộ điểm yếu của Hezbollah

Vụ nổ loạt máy nhắn tin gây thương vong lớn: Hé lộ điểm yếu của Hezbollah

Pháp luật quốc tế -  9 giờ trước

(PLPT) - Hàng trăm máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah ở Lebanon bất ngờ phát nổ đồng loạt, gây thương vong lớn với hơn 2.800 người bị thương và ít nhất 9 người thiệt mạng.

TikTok đối mặt với thách thức pháp lý căng thẳng tại tòa án Mỹ

TikTok đối mặt với thách thức pháp lý căng thẳng tại tòa án Mỹ

Pháp luật quốc tế -  1 ngày trước

(PLPT) - Luật sư của TikTok và công ty ByteDance đã đối diện với những câu hỏi gay gắt từ tòa án phúc thẩm Mỹ vào ngày 16/9, trong nỗ lực ngăn chặn đạo luật cấm ứng dụng video ngắn này tại Mỹ. Vụ việc đang thu hút sự chú ý lớn khi ứng dụng TikTok, với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, đối mặt với nguy cơ bị cấm hoàn toàn vào tháng 1/2025.

Vụ ám sát hụt ông Trump tại Florida: FBI điều tra kế hoạch tinh vi

Vụ ám sát hụt ông Trump tại Florida: FBI điều tra kế hoạch tinh vi

Pháp luật quốc tế -  3 ngày trước

(PLPT) - Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra một âm mưu ám sát hụt nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân golf ở hạt Palm Beach, bang Florida. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về an ninh của ông Trump trong bối cảnh ông đang tái tranh cử vào năm 2024.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những nhân vật “quyền lực” sau khoản tiền quyên góp

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Những nhân vật “quyền lực” sau khoản tiền quyên góp

Pháp luật quốc tế -  1 tuần trước

Mùa bầu cử Tổng thống Mỹ bước sang giai đoạn nước rút với sự so kè sít sao của 2 ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald J. Trump. Khả năng vận động tài trợ được coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định thắng lợi của các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Mông Cổ giải thích vì sao không bắt Tổng thống Putin theo lệnh ICC

Mông Cổ giải thích vì sao không bắt Tổng thống Putin theo lệnh ICC

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

(PLPT) - Mông Cổ đã nêu rõ lý do không bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, giải thích rằng Ulaanbaatar duy trì chính sách trung lập và phụ thuộc các nước láng giềng về năng lượng.

Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra

Thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thông qua chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Phần Lan: Kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II: Khẳng định giá trị của hòa bình

Kỷ niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II: Khẳng định giá trị của hòa bình

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Theo Đài phát thanh Ba Lan, ngày 1-9, lễ tưởng niệm 85 năm ngày nổ ra Thế chiến II sẽ được tổ chức nhiều nơi ở Ba Lan, để nhắc nhở người dân Ba Lan và thế giới về giá trị của hòa bình.

Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ

Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ

Pháp luật quốc tế -  2 tuần trước

Trong những năm qua, công tác đối ngoại của Đảng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên cơ sở không ngừng tăng cường quan hệ với các chính đảng trên thế giới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trong đó có các đảng chính trị ở Ấn Độ.

Đọc nhiều