Nghiên cứu lý luận

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Vũ Kim Hạnh Dung Thứ hai, 12/05/2025 - 10:01
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết này khám phá mối quan hệ phức tạp giữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong bối cảnh các vụ kiện của Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) đặt ra vấn đề về sự xung đột giữa tự do thương mại và bảo vệ tài nguyên biển.

Tóm tắt: Bài viết này khám phá mối quan hệ phức tạp giữa Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong bối cảnh các vụ kiện của Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) đặt ra vấn đề về sự xung đột giữa tự do thương mại và bảo vệ tài nguyên biển. Thông qua việc phân tích vụ kiện US-Shrimp, bài viết chỉ ra cách UNCLOS được tham chiếu để diễn giải các điều khoản của GATT, đặc biệt là Điều XX về các ngoại lệ chung. Bài viết cũng so sánh sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa UNCLOS và GATT qua các vụ kiện Chile-Swordfish và EU-Herring, nhấn mạnh tiềm năng xung đột giữa các biện pháp bảo tồn tài nguyên biển và các quy định về tự do thương mại. Ngoài ra, bài viết thảo luận về mối liên hệ giữa UNCLOS và GATT theo Điều XX GATT, cũng như tác động của vòng đàm phán Doha đối với việc hài hòa hai văn bản này. Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp các mục tiêu bảo vệ môi trường vào hệ thống thương mại quốc tế để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Từ khóa: UNCLOS, WTO, GATT, các vụ kiện WTO, Điều XX GATT

Abstract: This article explores the complex relationship between the United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) and the General Agreement on Tariffs and Trade (GATT) in the context of World Trade Organization (WTO) cases that raise issues of conflict between free trade and the protection of marine resources. Through an analysis of the US-Shrimp case, the article demonstrates how UNCLOS is referenced to interpret GATT provisions, particularly Article XX on general exceptions. The article also compares the differing approaches of UNCLOS and GATT through the Chile-Swordfish and EU-Herring cases, highlighting the potential conflicts between marine resource conservation measures and free trade regulations. Additionally, the article discusses the linkage between UNCLOS and GATT under Article XX of GATT, as well as the impact of the Doha Round negotiations on harmonizing these two legal frameworks. Finally, the article emphasizes the necessity of integrating environmental protection goals into the international trade system to achieve sustainable development objectives.

Keywords: UNCLOS, WTO, GATT, WTO cases, Article XX GATT

1. Dẫn nhập

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng của các vấn đề môi trường xuyên biên giới, mối quan hệ giữa luật thương mại quốc tế và luật môi trường, đặc biệt là luật biển, ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) là hai trụ cột chính trong hệ thống pháp lý quốc tế, lần lượt điều chỉnh các vấn đề liên quan đến sử dụng và bảo vệ biển cả và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, sự khác biệt trong mục tiêu và cách tiếp cận của hai văn bản này đôi khi dẫn đến xung đột, đặc biệt khi các biện pháp bảo tồn tài nguyên biển được áp dụng có thể vi phạm các quy định về tự do thương mại. Bài viết này nhằm mục đích khám phá mối quan hệ giữa UNCLOS và GATT, thông qua việc phân tích các vụ kiện cụ thể và thảo luận về các nỗ lực hài hòa hai văn bản này trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

2. Việc tham chiếu đến UNCLOS trong Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm WTO về vụ US-Shrimp

Vụ US-Shrimp liên quan đến tính hợp pháp theo luật WTO của lệnh cấm nhập khẩu tôm do Hoa Kỳ áp đặt đối với những con tôm được đánh bắt bằng công nghệ có hại cho rùa biển, một loài có nguy cơ tuyệt chủng theo Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) năm 1973.[1] Để biện minh rằng lệnh cấm này không vi phạm các cam kết theo Điều XI GATT,[2] Hoa Kỳ đã viện dẫn Điều XX GATT – “điều khoản ngoại lệ chung”. Điều khoản này liệt kê từ điểm (a) đến (j) các trường hợp cho phép thành viên WTO được miễn áp dụng các quy tắc của GATT.[3] Trong đó, Hoa Kỳ dựa vào Điều XX(g), cho phép thực hiện các biện pháp “liên quan tới việc gìn giữ nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt, nếu các biện pháp đó cũng được áp dụng hạn chế cả với sản xuất và tiêu dùng trong nước.”

Vì vậy, Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body – AB) phải xem xét liệu rùa biển có thể được coi là “tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt” theo Điều XX(g) hay không. Các bên nguyên đơn (bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Pakistan và Thái Lan) cho rằng thuật ngữ này chỉ nên được hiểu theo nghĩa hẹp, áp dụng cho tài nguyên không tái tạo như khoáng sản, chứ không bao gồm động vật – vốn là tài nguyên sinh vật có khả năng tự tái sinh. Họ cũng lập luận rằng các vấn đề liên quan đến tài nguyên sinh vật nên được xem xét theo ngoại lệ tại Điều XX(b), vốn quy định về các biện pháp “cần thiết để bảo vệ sự sống hoặc sức khỏe của con người, động vật hoặc thực vật” (do đó bao gồm các tài nguyên sống tự nhiên), với những yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với quy định tại Điều XX(g). Trong khi đó, Điều XX(g) chỉ yêu cầu biện pháp “liên quan đến” việc bảo tồn – một tiêu chuẩn ít khắt khe và dễ đáp ứng hơn so với tiêu chuẩn “cần thiết” nghiêm ngặt tại Điều XX(b).[4]

Theo lập luận của các bên nguyên đơn, sự khác biệt này trong tiêu chuẩn phản ánh ý định của những người soạn thảo GATT: đơn giản hóa việc bảo vệ tài nguyên không tái sinh so với bảo vệ sức khỏe con người và động vật.[5] Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm không đồng tình với cách hiểu hẹp này, lập luận rằng các loài sinh vật sống, “mặc dù về nguyên tắc có khả năng tái sinh”, trong một số trường hợp nhất định “vẫn có thể bị suy giảm, cạn kiệt hoặc tuyệt chủng, thường là do hoạt động của con người”.[6]

Cơ quan Phúc thẩm khẳng định rằng, xét về ngôn ngữ, Điều XX(g) không loại trừ tài nguyên sinh vật.[7] Hơn nữa, cơ quan này nhấn mạnh việc cần diễn giải Điều XX GATT một cách “linh hoạt và tiến bộ”, dựa trên “các mối quan tâm đương đại của cộng đồng quốc tế về bảo vệ và bảo tồn môi trường”[8] – điều được phản ánh quamục tiêu phát triển bền vững trong Lời mở đầu của Hiệp định WTO.[9]

Để củng cố quan điểm rằng khái niệm “tài nguyên thiên nhiên” đã mở rộng từ GATT 1947 để bao gồm cả tài nguyên sinh vật lẫn phi sinh vật, Cơ quan Phúc thẩm đã viện dẫn một số công ước quốc tế hiện đại, trong đó có UNCLOS.[10] Cụ thể, Điều 56 UNCLOS quy định quyền, thẩm quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), bao gồm quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý “tài nguyên thiên nhiên, dù là sinh vật hay phi sinh vật”. Ngoài ra, Điều 61 và 62 UNCLOS cũng đề cập đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia đối với việc bảo tồn và sử dụng các tài nguyên sinh vật trong vùng EEZ của họ.[11]

Trong vụ kiện trên, UNCLOS không chỉ là một tài liệu tham khảo mà đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Cơ quan Phúc thẩm mở rộng cách hiểu về “tài nguyên thiên nhiên” theo Điều XX(g). Cụ thể, Điều 56 UNCLOS công nhận rõ ràng rằng tài nguyên sinh vật, như rùa biển, là một phần của tài nguyên thiên nhiên cần được bảo vệ trong EEZ của các quốc gia ven biển. Điều này phù hợp với thực tế rằng rùa biển – loài di cư qua các vùng biển quốc tế và EEZ – là đối tượng cần bảo tồn theo luật pháp quốc tế. Qua việc viện dẫn UNCLOS, Cơ quan Phúc thẩm đã chứng minh rằng cách diễn giải của họ không chỉ dựa trên logic nội tại của WTO mà còn hài hòa với các nguyên tắc của luật biển quốc tế hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh bảo vệ môi trường biển.[12]

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm về vụ US-Shrimp đánh dấu một tiền lệ quan trọng, khẳng định rằng luật WTO không nên được hiểu và diễn giải một cách tách biệt khỏi các quy tắc khác của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Cơ quan Phúc thẩm không diễn giải hoặc áp dụng trực tiếp UNCLOS, mà chỉ dùng công ước này như một cơ sở tham chiếu để làm rõ nội dung của Điều XX GATT.[13] Điều đáng lưu ý là, như ghi chú 110 trong báo cáo chỉ ra, việc viện dẫn UNCLOS vẫn hợp lệ dù không phải toàn bộ các thành viên WTO, và ngay cả các quốc gia tham gia tranh tụng, đều là thành viên của công ước này.[14]

Như vậy, UNCLOS đã góp phần quan trọng vào việc định hình lập luận của Cơ quan Phúc thẩm, dù vai trò của nó chủ yếu mang tính hỗ trợ. Các điều khoản cụ thể của UNCLOS, đặc biệt là Điều 56, đã giúp khẳng định rằng rùa biển là tài nguyên sinh vật cần bảo vệ, từ đó củng cố tính hợp lý của lệnh cấm nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do Cơ quan Phúc thẩm không đi sâu phân tích chi tiết các quy định của UNCLOS, vai trò của công ước này trong vụ kiện vẫn mang tính chất bổ trợ, nằm trong bối cảnh rộng hơn của luật pháp quốc tế về môi trường.

3. Sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa UNCLOS và GATT nhìn từ vụ Chile-Swordfish và EU-Herring

Mặc dù việc tham chiếu đến UNCLOS trong báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm về vụ US-Shrimp có những tác động vượt xa khỏi phạm vi của vụ án này (vì báo cáo này đánh dấu nỗ lực quan trọng đầu tiên của một cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO trong việc tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường vào luật thương mại), thực tế là UNCLOS cho đến nay vẫn chỉ chiếm một vị trí rất khiêm tốn trong án lệ của WTO.

Sự khan hiếm các tham chiếu đến UNCLOS trong án lệ WTO hoàn toàn đối lập với số lượng lớn các khả năng giao thoa và chồng chéo tiềm ẩn giữa luật biển và luật thương mại quốc tế. Một số vấn đề này được thảo luận trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Doha, được khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư của WTO vào tháng 11 năm 2001.[15]

Đặc biệt, mối quan hệ giữa các quy định của UNCLOS về khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển và các quy tắc của GATT về cấm các biện pháp hạn chế thương mại dường như là khu vực có khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng nhất.[16] Trong lĩnh vực này, chủ đề về sự tương tác giữa WTO và UNCLOS rõ ràng nằm trong mối quan hệ đối kháng rộng hơn giữa tự do thương mại và bảo vệ môi trường. Thực tế, có một mâu thuẫn nội tại giữa mục tiêu tổng thể của UNCLOS nhằm thúc đẩy việc sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên biển và các chính sách tự do hóa thương mại quốc tế được WTO ủng hộ.[17]

Nói một cách cụ thể hơn, sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa UNCLOS và WTO thể hiện ở chỗ: UNCLOS cho phép hoặc yêu cầu các quốc gia áp dụng các biện pháp bảo tồn tài nguyên biển, trong khi WTO cấm các biện pháp hạn chế thương mại. Do đó, khi một quốc gia thực hiện biện pháp bảo tồn theo UNCLOS, biện pháp đó có thể bị coi là vi phạm các quy định của WTO về tự do thương mại. Điều này dẫn đến sự không nhất quán trong cách tiếp cận giữa hai văn bản quan trọng trong hệ thống pháp lý quốc tế.

Khả năng không nhất quán giữa luật thương mại quốc tế và luật biển được minh chứng rõ nét qua hai vụ án liên quan đến các biện pháp hạn chế nhằm đảm bảo bảo tồn và thúc đẩy việc sử dụng tối ưu các loài cá di cư xa, dẫn đến các vấn đề về sự không tương thích với GATT. Trong cả hai vụ, các vấn đề cạnh tranh giữa thương mại và bảo tồn đã được đưa ra trước Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO (DSB) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

3.1. Vụ Chile-Swordfish

Vụ án đầu tiên là vụ Chile-Swordfish giữa Cộng đồng Châu Âu (EC) và Chile. Tranh chấp bắt nguồn từ quyết định của Chile cấm dỡ hàng và quá cảnh tại các cảng của mình đối với các lô cá kiếm được đánh bắt từ vùng biển quốc tế liền kề với EEZ của Chile, vi phạm luật của nước này về bảo tồn và khai thác bền vững loài cá này.[18] Theo đó, các tàu cá Tây Ban Nha đã bị từ chối quyền tiếp cận các cảng của Chile. Điều này dẫn đến việc EC khởi kiện trước DSB của WTO,[19] trong khi Chile nộp đơn kiện lên ITLOS theo Phần XV của UNCLOS.

Trong vụ việc này, EC cáo buộc Chile vi phạm Điều V của GATT (quy định về quyền tự do quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ của mỗi bên ký kết cho lưu thông quá cảnh đến hoặc từ lãnh thổ của các bên ký kết khác) và Điều XI của GATT (cấm các biện pháp hạn chế định lượng đối với nhập khẩu hoặc xuất khẩu).[20] Ngược lại, Chile khiếu nại rằng EC đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác trong bảo tồn và quản lý các loài di cư xa tại vùng biển quốc tế liền kề với EEZ của Chile (Điều 64 UNCLOS) cũng như các quy định liên quan đến bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật tại vùng biển quốc tế (Điều 117 đến Điều 119 của UNCLOS).[21]

Do đó, ITLOS (với một Phòng Đặc biệt) và DSB của WTO cùng lúc phải xét xử các vấn đề pháp lý khác nhau phát sinh từ cùng một sự kiện giữa Chile và EC, dẫn đến khả năng đưa ra các quyết định không thể hòa giải.

3.2. Vụ EU-Herring

Tranh chấp thứ hai liên quan đến việc quản lý và bảo tồn nguồn cá trích và cá thu tại Đông Bắc Đại Tây Dương, giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Quần đảo Faroe.[22] EU đã áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại với lý do bảo tồn nguồn cá này, để phản ứng lại quyết định đơn phương của Quần đảo Faroe về việc tăng hạn ngạch đánh bắt sau khi rút khỏi các cuộc đàm phán trong Ủy ban Nghề cá Đông Bắc Đại Tây Dương (NEAFC) về phân bổ tổng hạn ngạch cho năm 2013.[23]

Về phần mình, Quần đảo Faroe đã đưa ra quyết định này sau khi NEAFC từ chối yêu cầu của họ về việc xem xét lại phân bổ hạn ngạch. Theo Quần đảo Faroe, do sự ấm lên của nước biển gây ra bởi biến đổi khí hậu, các loài cá trích và cá thu đã di chuyển về phía bắc, dẫn đến sự gia tăng của các loài này trong vùng EEZ của họ. Do đó, các hạn ngạch do NEAFC quy định không còn được coi là tỷ lệ tương ứng với lượng cá thực tế trong vùng nước thuộc quyền tài phán của các bên liên quan.

Phản ứng của EU là áp đặt lệnh cấm nhập khẩu cá trích và các loài liên quan của cá thu cũng như các sản phẩm thủy sản có chứa hoặc được chế biến từ các loài cá này. Đồng thời, EU hạn chế việc sử dụng các cảng của mìnhđối với các tàu đánh bắt cá trích và cá thu dưới sự kiểm soát của Quần đảo Faroe cũng như các tàu vận chuyển cá hoặc sản phẩm thủy sản từ nghề cá này.[24]

Trong vụ EU-Herring, EU áp dụng biện pháp hạn chế thương mại với lý do bảo tồn nguồn cá theo các quy định của UNCLOS, trong khi Quần đảo Faroe cho rằng EU vi phạm các quy định của UNCLOS về quản lý tài nguyên sinh vật biển. Điều này một lần nữa minh họa xung đột giữa các biện pháp bảo tồn theo UNCLOS và các quy định về tự do thương mại của WTO.

Trong trường hợp này, cũng như vụ Chile-Swordfish, đã có sự khởi đầu của hai phiên xét xử song song, một dưới Phần XV của UNCLOS[25] và một theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO,[26] mặc dù lần này các khiếu nại đều do cùng một bên nộp. Cũng như trong vụ Chile-Swordfish, điều này dẫn đến khả năng phải xem xét cùng một tập hợp các sự kiện từ các góc độ khác nhau: trong khi Tòa Trọng tài UNCLOS thụ lý các vấn đề liên quan đến UNCLOS (nghĩa vụ hợp tác theo Điều 63), thì Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO (DSB) phải ra phán quyết về các vấn đề liên quan đến GATT (quyền tự do quá cảnh và các hạn chế phi thuế quan đối với nhập khẩu). Điều này rõ ràng dẫn đến nguy cơ các phiên xét xử này có thể đưa ra kết quả xung đột nhau. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, nguy cơ này đã được hóa giải nhờ vào việc các bên đạt được một thỏa thuận hòa giải trước khi các phiên điều trần bắt đầu. Điều này trước hết đã dẫn đến việc tạm ngưng các thủ tục tố tụng song song tại hai cơ chế giải quyết tranh chấp,[27] và sau đó là việc ngừng hoàn toàn sau khi các bên rút đơn kiện tương ứng.[28]

3.3. Các vấn đề chưa được giải quyết

Tuy nhiên, việc giải quyết các tranh chấp này đã để lại nhiều vấn đề cơ bản chưa được giải quyết liên quan đến mối quan hệ giữa luật biển và luật WTO, cũng như giữa các cơ chế giải quyết tranh chấp tương ứng của chúng. Không thể loại trừ khả năng sẽ có những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai. Khả năng xảy ra xung đột quy phạm và các thủ tục song song trước ITLOS và các cơ quan tài phán của WTO càng gia tăng sau khi Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (Hiệp định về Biện pháp của Quốc gia có Cảng) của FAO có hiệu lực vào ngày 5 tháng 6 năm 2016.[29] Hiệp định này yêu cầu các quốc gia có cảng từ chối sử dụng cảng, bao gồm các dịch vụ cảng, cho các tàu liên quan đến hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (Illegal, unreported and unregulated fishing - IUU), nhằm ngăn chặn cá được đánh bắt trái phép tiếp cận thị trường quốc tế qua các cảng của họ.[30] Do đó, có thể suy đoán rằng các biện pháp hạn chế tiếp cận và sử dụng cảng sẽ ngày càng được sử dụng như công cụ chống lại tình trạng khai thác quá mức và đánh bắt IUU.[31]

Ngoài ra, mặc dù Hiệp định về Biện pháp của Quốc gia có Cảng không đề cập rõ ràng đến việc sử dụng các biện pháp thương mại, một số tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) đôi khi đã khuyến nghị các quốc gia thành viên của họ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại để đạt được các mục tiêu bảo tồn.[32] Vì tất cả các biện pháp này có thể dẫn đến sự không tương thích với GATT – đặc biệt là với các Điều V và XI như được minh họa trong các trường hợp đã mô tả ở trên—vấn đề có thể được đặt ra là liệu chúng có thể được biện minh theo Điều XX của GATT hay không? Vì vậy, trong phần tiếp theo, mối quan hệ giữa các biện pháp quản lý nghề cá và chế độ thương mại quốc tế sẽ được phân tích dưới góc độ của điều khoản này.

4. Mối liên hệ giữa giữa UNCLOS và GATT theo Điều XX GATT

Có bốn điểm chính cần được làm rõ liên quan đến việc dựa vào các ngoại lệ môi trường của Điều XX trong trường hợp có thể xảy ra xung đột giữa UNCLOS và GATT của WTO như sau:

Thứ nhất, như đã được chứng minh, nguồn cá có thể được coi là “tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt” để áp dụng Điều XX(g).[33] Do đó, các quy định quốc gia nhằm bảo vệ các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng có thể nằm trong phạm vi của Điều XX GATT.[34] Trong trường hợp này, vì tiêu chuẩn của Điều XX(g) ít khắt khe hơn so với tiêu chuẩn được đặt ra bởi Điều XX(b),[35] các quốc gia có thể có xu hướng dựa vào quy định tại khoản (g) để bảo vệ các biện pháp của mình. Tuy nhiên, Điều XX(b) vẫn có thể được viện dẫn để biện minh cho các quy định bảo vệ tài nguyên biển chưa bị đe dọa cạn kiệt ngay lập tức. Ngoài ra, Điều XX(d), liên quan đến các biện pháp cần thiết để đảm bảo tuân thủ việc ngăn ngừa các hành vi gian lận, cũng có thể áp dụng cho các biện pháp nhằm chống lại hành vi đánh bắt IUU.[36]

Thứ hai, báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm trong vụ US-Shrimp cho thấy các thành viên WTO có thể áp dụng các biện pháp đơn phương để bảo vệ môi trường dựa trên phương thức sản xuất của sản phẩm (ví dụ: cách đánh bắt tôm),[37] mặc dù ngôn ngữ của Điều XX GATT và lịch sử soạn thảo không chứng minh rõ ràng rằng các ngoại lệ chung có thể áp dụng cho các quy trình và phương thức sản xuất (gọi tắt là “PPMs”).

Thứ ba, các chính sách bảo tồn tài nguyên biển ngoài phạm vi quyền tài phán của quốc gia ban hành thường được coi là có thể thuộc các ngoại lệ của Điều XX GATT, ít nhất là trong trường hợp các loài cá di cư xa được đánh bắt tại vùng biển quốc tế nhưng sinh sống trong EEZ của quốc gia hoặc ở vùng biển quốc tế liền kề, hoặc trong trường hợp sự suy giảm của loài này có thể được coi là một mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Thực tế, GATT không đề cập đến việc liệu có tồn tại các giới hạn tài phán ngầm trong Điều XX(g) hay không. Tuy nhiên, án lệ WTO cho thấy sự linh hoạt hơn so với việc áp dụng một cách nghiêm ngặt Điều XX trong giới hạn lãnh thổ.

Trong báo cáo về vụ US-Shrimp, Cơ quan Phúc thẩm, mặc dù tránh việc giải quyết trực tiếp vấn đề ngoài lãnh thổ,[38] đã xem xét việc các loài rùa biển được bảo vệ cũng di chuyển qua các vùng biển thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ và coi đây là “mối liên hệ đủ giữa các quần thể sinh vật biển di cư và có nguy cơ tuyệt chủng liên quan với Hoa Kỳ cho mục đích của Điều XX(g)”.[39] Cơ quan này cũng ghi nhận rằng không bên tranh chấp nào yêu cầu “quyền sở hữu độc quyền đối với rùa biển”,[40] tuy nhiên, không phân tích sâu về khái niệm “mối liên hệ đủ”.

Tương tự, trong vụ EU-Seal Products liên quan đến quy định của EU cấm nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm từ hải cẩu, Cơ quan Phúc thẩm, sau khi nhận thấy rằng các bên không trực tiếp đề cập đến vấn đề áp dụng ngoài lãnh thổ của Điều XX GATT trong kháng cáo, đã giới hạn đánh giá của mình khi cho rằng biện pháp này “được thiết kế để giải quyết các hoạt động săn hải cẩu diễn ra cả trong và ngoài EU và những lo ngại về lợi ích từ hải cẩu của ‘công dân và người tiêu dùng’ trong các quốc gia thành viên EU”, mà không đi sâu thêm về vấn đề này.[41]

Cơ quan Phúc thẩm dường như cho rằng, ngay cả khi có giới hạn địa lý hoặc tài phán trong Điều XX(a), các yếu tố trên vẫn tạo ra “mối liên kết đủ” giữa hải cẩu và EU, với điều kiện rằng biện pháp này phản ánh mối quan ngại đạo đức của công dân và người tiêu dùng EU đối với các hoạt động diễn ra, ít nhất là một phần, trong lãnh thổ EU.[42]

Thứ tư, luật biển có thể liên quan đến việc đánh giá các yêu cầu theo điều khoản dẫn nhập của điều XX GATT.[43] Theo án lệ WTO, Điều XX phải được áp dụng theo quy trình hai bước. Trước hết, cần xác định xem biện pháp bị khiếu nại có thuộc một trong các ngoại lệ cụ thể quy định từ điểm (a) đến (j) hay không; sau đó, kiểm traxem việc áp dụng biện pháp đó có đáp ứng các yêu cầu của điều khoản dẫn nhập hay không. Theo điều khoản này, biện pháp hạn chế không được phép tạo thành một phương tiện phân biệt đối xử tùy tiện hoặc không chính đáng giữa các quốc gia có cùng điều kiện, hoặc một hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế.[44]

Các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, khi xem xét sự tồn tại của phân biệt đối xử không chính đáng, đặc biệt chú trọng việc xác định liệu quốc gia biện hộ đã nỗ lực thiện chí để đạt được giải pháp đa phương trước khi thực hiện các biện pháp đơn phương hay chưa. Ví dụ, thiếu cách tiếp cận hợp tác là một trong những lý do chính khiến Cơ quan Phúc thẩm trong vụ US-Shrimp kết luận rằng lệnh cấm của Hoa Kỳ không vượt qua “bài kiểm tra chapeau” của Điều XX GATT.[45] Đáng chú ý là, theo Cơ quan Phúc thẩm, nhu cầu áp dụng phương pháp đa phương trong trường hợp này cũng xuất phát từ việc các biện pháp được đề ra nhằm giải quyết một vấn đề mang tính chất toàn cầu.[46]

Sự nhấn mạnh của các cơ quan xét xử của WTO đối với nghĩa vụ đàm phán thiện chí với các đối tác đã tạo ra một “cây cầu” kết nối giữa Điều XX GATT và nghĩa vụ hợp tác trong quản lý và bảo tồn các nguồn cá trong EEZ và vùng biển quốc tế theo các Điều 63, 64 và 118 của UNCLOS cũng như các hiệp định liên quan khác.

Sự ủng hộ của Cơ quan Phúc thẩm đối với phương pháp tiếp cận đa phương nhằm giải quyết xung đột giữa các quan ngại về hạn chế tự do thương mại và bảo tồn dường như cho thấy rằng các biện pháp thương mại có thể được coi là “phù hợp với WTO” hơn nếu chúng được xây dựng trên cơ sở đa phương và là kết quả của thái độ hợp tác đối với các vấn đề môi trường toàn cầu. Do đó, có khả năng cao rằng các biện pháp thương mại sẽ vượt qua bài kiểm tra của Điều XX khi được áp dụng nhằm thực thi các nghĩa vụ bảo tồn nghề cá theo UNCLOS và các hiệp định thực thi hoặc liên quan đến UNCLOS.[47]

Trên thực tế, Ban Thư ký WTO dường như đã công nhận tính hợp pháp theo luật WTO của các biện pháp thương mại được các tổ chức quản lý nghề cá khu vực khuyến nghị. Khi thảo luận về các biện pháp hạn chế thương mại do Ủy ban Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) và Ủy ban Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật Biển Nam Cực (CCAMLR) áp dụng, WTO coi đây là “những ví dụ về việc sử dụng biện pháp thương mại thích hợp và phù hợp với WTO (tức không phân biệt đối xử) trong các hiệp định môi trường đa phương”.[48]

5. Những tác động của vòng đàm phán Doha đối với mối liên hệ giữa UNCLOS và GATT

Nỗ lực tích hợp các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững vào hệ thống thương mại quốc tế hiện đang được tiến hành trong khuôn khổ vòng đàm phán thương mại Doha của WTO. Đặc biệt, chương trình cải cách đã đề cập đến nhiều nội dung có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa WTO và UNCLOS.[49] Ví dụ, mối quan hệ giữa WTO và các Hiệp định Môi trường Đa phương (MEAs)[50] và vấn đề xác định xuất xứ theo Hiệp định về Quy tắc Xuất xứ (ARO) đối với cá đánh bắt bởi đội tàu của các quốc gia đánh bắt xa bờ trong EEZ của các quốc gia khác.[51] Tại Doha, các quốc gia thành viên WTO cũng đã đồng ý khởi động đàm phán nhằm “làm rõ và cải thiện các quy tắc WTO về trợ cấp nghề cá, có tính đến tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với các quốc gia đang phát triển.”[52]

Đây là một lĩnh vực mà các mục tiêu của WTO (loại bỏ các hạn chế trong thương mại) và UNCLOS (bảo tồn tài nguyên biển) có thể được xem là tương đồng.[53] Các khoản trợ cấp nghề cá thường bị cho là góp phần vào việc đánh bắt IUU, đồng thời là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai thác quá mức. Bên cạnh đó, trợ cấp nghề cá, giống như tất cả các hình thức hỗ trợ khác, cũng được coi là gây tác động tiêu cực đến quá trình tự do hóa thương mại quốc tế.

Hiện tại, các hiệp định của WTO chưa có quy định cụ thể về trợ cấp nghề cá. Trong quá khứ, tại vòng đàm phán Uruguay, các quốc gia khai thác thủy sản lớn đã thành công trong việc loại trừ các sản phẩm cá khỏi Hiệp định Nông nghiệp, dẫn đến việc trợ cấp thủy sản không phải tuân theo yêu cầu cắt giảm trợ cấp của hiệp định này. Kết quả là trợ cấp nghề cá thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế trợ cấp chung của WTO, tức Hiệp định về Trợ cấp và Biện pháp Đối kháng (Agreement on Subsidies and Countervailing Measures – SCM), trong đó quy địnhcác điều kiện mà thành viên WTO có thể cung cấp trợ cấp hoặc áp dụng biện pháp đối kháng để bù đắp thiệt hại do nhập khẩu được trợ cấp gây ra. Hiệp định SCM áp dụng phương pháp “đèn giao thông,” chia trợ cấp thành ba nhóm màu khác nhau: hộp đỏ (trợ cấp bị cấm), hộp xanh (trợ cấp được phép),[54] hoặc hộp vàng (trợ cấp có thể bị khiếu nại). Tuy nhiên, cơ chế này đã tỏ ra không hiệu quả đối với trợ cấp nghề cá. Mặc dù có sự trợ cấp lớn cho ngành thủy sản, trên thực tế rất ít khiếu nại được đưa ra trong lĩnh vực này theo DSU của WTO.[55]

Trong bối cảnh này, một vấn đề tranh cãi khác ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa UNCLOS và WTO liên quan đến tính tương thích của nghĩa vụ quy định tại Điều 62 của UNCLOS với Hiệp định SCM. Theo Điều 62 UNCLOS, nếu quốc gia ven biển không thể khai thác hết sản lượng cho phép trong vùng EEZ của mình, họ phải cấp quyền tiếp cận phần dư thừa cho các quốc gia khác thông qua các thỏa thuận. Các thỏa thuận này – phần lớn được ký kết giữa các quốc gia phát triển khai thác xa bờ và các quốc gia ven biển đang phát triển—quốc gia ven biển cho phép tàu của quốc gia bên kia đánh bắt trong EEZ của mình để đổi lấy khoản bồi thường tài chính. Khoản bồi thường này không phải là quy định trực tiếp của UNCLOS mà là một phần của các thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia, và thường chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của giá trị tổng sản lượng đánh bắt.[56] Như vậy, đội tàu của quốc gia khai thác xa bờ có được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, và có lo ngại rằng các thỏa thuận này có thể tạo ra trợ cấp ngầm cho ngành thủy sản của quốc gia nước ngoài.[57]

Mặc dù Vòng Đàm phán Doha đã bị trì hoãn trong thời gian dài, nhưng trợ cấp nghề cá vẫn là một trong những vấn đề mà các quốc gia thành viên WTO thảo luận tích cực nhất.[58] Nhiệm vụ ban đầu về vấn đề này đã được phát triển thêm vào năm 2005 tại Hội nghị Bộ trưởng Hong Kong, với lời kêu gọi cụ thể về việc cấm một số hình thức trợ cấp thủy sản góp phần gây thừa năng lực khai thác và khai thác quá mức.[59] Việc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc vào năm 2015 đã mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán về vấn đề này bằng cách thiết lập thời hạn năm 2020 để xóa bỏ các trợ cấp gây ra đánh bắt IUU.[60] Vào tháng 7 năm 2017, Chủ tịch Nhóm Đàm phán về Quy tắc của WTO đã phân phối một bảng tổng hợp bảy đề xuất nhằm hạn chế các trợ cấp thủy sản có hại,[61] được tiếp tục hoàn thiện thêm vào tháng 10 và tháng 11.[62] Tại Hội nghị Bộ trưởng ở Buenos Aires vào tháng 12 năm 2017, các thành viên WTO đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ về việc thúc đẩy các cuộc đàm phán trong lĩnh vực này với mục tiêu đến Hội nghị Bộ trưởng năm 2019 (trước 1 năm so với thời hạn được đặt ra trong SDGs) đạt được một “thỏa thuận về các quy định toàn diện và hiệu quả nhằm cấm một số hình thức trợ cấp thủy sản gây ra thừa năng lực khai thác và khai thác quá mức, và loại bỏ các trợ cấp gây ra đánh bắt IUU.”[63]

Được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 12 diễn ra tại Geneva vào tháng 6 năm 2022, Hiệp định về Trợ cấp Thủy sản đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản toàn cầu. Với sự đồng thuận của các thành viên, hiệp định này đã thiết lập một bộ quy tắc mới, ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm hạn chế các hoạt động trợ cấp gây hại, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn cá trên quy mô lớn. Với kỳ vọng trở thành một “điểm cân bằng” giữa bảo vệ môi trường biển và tự do thương mại, Hiệp định được mong đợi sẽ đạt được số lượng thành viên đủ để có hiệu lực trong tương lai gần.

Tóm lại, mặc dù những diễn biến gần đây có thể làm gia tăng tiềm năng xung đột giữa luật thương mại quốc tế và luật biển, Hiệp định về Trợ cấp Thủy sản mở ra cơ hội lớn để WTO và UNCLOS cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau hướng tới phát triển bền vững.

6. Kết luận

Tóm lại, bài viết đã chỉ ra rằng mặc dù UNCLOS và GATT có thể có những xung đột tiềm ẩn do sự khác biệt trong mục tiêu và cách tiếp cận, nhưng cũng có những cơ hội để hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt thông qua các điều khoản ngoại lệ của GATT và các nỗ lực đàm phán trong khuôn khổ WTO. Việc tham chiếu đến UNCLOS trong vụ US-Shrimp đã mở ra một tiền lệ quan trọng cho việc tích hợp các nguyên tắc bảo vệ môi trường vào luật thương mại. Đồng thời, các vụ kiện như Chile-Swordfish và EU-Herring đã minh họa cho sự cần thiết của việc phối hợp giữa các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và WTO. Hơn nữa, Hiệp định về Trợ cấp Thủy sản gần đây của WTO là một bước tiến quan trọng trong việc hài hòa các mục tiêu bảo tồn tài nguyên biển và tự do thương mại. Để đạt được phát triển bền vững, việc tiếp tục tích hợp các mục tiêu môi trường vào hệ thống thương mại quốc tế là vô cùng cần thiết và cần được tiếp tục phát triển trong tương lai./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH YẾU

1. Auld K, Trade measures to prevent illegal fishing and the WTO: an analysis of the settled Faroe Islands dispute, World Trade Rev (Online):1–28 (2017)

2. Dostal DJ, Global fisheries subsidies: will the WTO reel in effective regulations?,Univ Pa J Int Econ Law 26:815–839 (2005)

3. Fagenholz A, A fish in water: sustainable Canadian Atlantic fisheries management and international law,Univ Pa J Int Econ Law 25:639–667 (2004)

4. Kelly JP, The seduction of the Appellate body: Shrimp/Sea Turtle I and II and the proper role of States in WTO governance, Cornell Int Law J 38:459–491(2005)

5. Knox JH, The judicial resolution of conflicts between trade and the environment, Harv Environ Law Rev 28:1–78 (2004)

6. Myers BK, Trade measures and the environment: can the WTO and UNCLOS be recon- ciled?, UCLA J Environ Law Policy 23:37–76 (2005)

7. Pauwelyn J, The role of public international law in the WTO: how far can we go?, Am J Int Law 95:535–578 (2001)

8. Pauwelyn J, Conflicts of norms in public international law: how WTO law relates to other rules of international law, Cambridge University Press, Cambridge (2003)

9. Stone CD, Too many fishing boats, too few fish: can trade laws trim subsidies and restore the balance in global fisheries? ,Ecol Law Q 24:505–543 (1997)

10. Telesetsky A, Scuttling IUU fishing and rewarding sustainable fishing: enhancing the effec- tiveness of the port state measures agreement with trade related measures, Seattle Univ Law Rev 38:1237–1270(2015)

11. Tyler Z, Saving fisheries on the high seas: the use of trade sanctions to force compliance with multilateral fisheries agreements, Tulane Environ Law J 20:43–95 (2006)

12. Young MA, Fragmentation or interaction: the WTO, fisheries subsidies, and international law, World Trade Rev 8:477–515 (2009)

13. Young MA, Trade measures to address environmental concerns in faraway places: jurisdic- tional issues,Rev Eur Comp Int Environ Law 23:302–317 (2014)

TS. Vũ Kim Hạnh Dung - Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM

Email: dungvkh@uel.edu.vn

[1] Mục 609 của Luật Công 101–162 Hoa Kỳ (“Mục 609”) quy định rằng việc tiếp cận thị trường tôm của Hoa Kỳ phụ thuộc vào việc các quốc gia xuất khẩu áp dụng chương trình bảo tồn rùa biển tương đương với chương trình của chính Hoa Kỳ.

[2] Điều XI(1) của GATT quy định về việc xóa bỏ các hạn chế định lượng: “Không một bên ký kết nào được phép thiết lập hoặc duy trì bất kỳ sự cấm đoán hoặc hạn chế nào khác ngoài thuế quan, thuế hoặc các khoản phí khác, cho dù được thực hiện thông qua hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu, hay các biện pháp khác, đối với việc nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào từ lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào khác, hoặc đối với việc xuất khẩu hoặc bán để xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào có điểm đến là lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào khác.”

[3] Việc viện dẫn các ngoại lệ theo Điều XX của GATT bị ràng buộc bởi phần mở đầu của điều khoản này, hay còn gọi là chapeau: “[v]ới điều kiện rằng các biện pháp đó không được áp dụng theo cách tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc không chính đáng giữa các quốc gia có cùng điều kiện, hoặc một sự hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, không có gì trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản bất kỳ bên ký kết nào” áp dụng hoặc thực thi các biện pháp được liệt kê từ điểm (a) đến (j).

[4] Ban đầu, các Ban Hội thẩm GATT đã diễn giải cụm từ “liên quan đến” trong Điều XX(g) là đòi hỏi tiêu chuẩn xem xét về nội dung tương tự như Điều XX(b). Tuy nhiên, trong báo cáo vụ US-Gasoline, Cơ quan Phúc thẩm lần đầu tiên đã phân biệt rõ ràng các tiêu chuẩn xem xét mà các điều khoản này đặt ra, cho rằng chúng đòi hỏi những mức độ và sự kết nối khác nhau giữa biện pháp đang được xem xét và mục tiêu chính sách của Chính phủ. Xem Cơ quan Phúc thẩm WTO, US-Gasoline (AB), Báo cáo, ngày 29 tháng 4 năm 1996, tr. 17 trở đi.

[5] Ban Hội thẩm WTO, United States-Import Prohibition of Certain Shrimp and Shrimp Products, ngày 15 tháng 5 năm 1998, đoạn 3.237 trở đi.

[6] Cơ quan Phúc thẩm, US-Shrimp, đoạn 128.

[7] Như trên.

[8] Như trên, đoạn 129. Cơ quan Phúc thẩm cũng trích dẫn, để hỗ trợ cho cách tiếp cận diễn giải này, ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về Hệ quả pháp lý đối với các quốc gia từ việc Nam Phi tiếp tục hiện diện ở Namibia (Nam Tây Phi), bất chấp Nghị quyết 276 (1970) của Hội đồng Bảo an, trong đó ICJ khẳng định rằng khi các điều ước chứa các khái niệm không tĩnh mà mang tính tiến hóa, thì việc diễn giải các khái niệm này “không thể không chịu ảnh hưởng từ sự phát triển pháp luật sau đó” (xem chú thích 109).

[9] Như trên, đoạn 130.

[10] Cơ quan Phúc thẩm cũng tham chiếu đến Công ước về Đa dạng Sinh học năm 1992, được ký tại Rio de Janeiro vào ngày 5 tháng 6 năm 1992 (UNEP/Bio.Div./N7-INC5/4), Chương trình Nghị sự 21 được thông qua bởi Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển vào ngày 14 tháng 6 năm 1992 (UN Doc. A/CONF. 151/26/Rev.1), và Nghị quyết về Hỗ trợ cho các Quốc gia đang Phát triển được thông qua vào ngày 23 tháng 6 năm 1979, cùng với Công ước về Bảo tồn các Loài Động vật Hoang dã Di cư, ký tại Bonn vào ngày 23 tháng 6 năm 1979; xem US-Shrimp (AB), đoạn 168 (đề cập đến Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, Chương trình Nghị sự 21, Công ước về Đa dạng Sinh học, và Công ước về Bảo tồn các Loài Động vật Hoang dã Di cư).

[11] Như trên, đoạn 130.

[12] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, như chính Cơ quan Phúc thẩm đã chỉ ra (US-Shrimp (AB), đoạn 131), trong án lệ của GATT, các loài cá đã được coi là “tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt”: đây là trường hợp đối với trữ lượng cá ngừ, bao gồm cá ngừ vây dài, trong vụ US-Canadian Tuna(Ban Hội thẩm GATT, United States-Prohibition of Imports of Tuna and Tuna Products from Canada, ngày 22 tháng 2 năm 1982, đoạn 4.9); trữ lượng cá hồi và cá trích trong vụ Canada-Salmon and Herring (Ban Hội thẩm GATT, Canada-Measures Affecting Exports of UnprocessedHerring and Salmon, ngày 22 tháng 3 năm 1988, đoạn 4.4). Xem thêm báo cáo vụ US-Tuna (EEC), trong đó Ban Hội thẩm thừa nhận rằng “một chính sách bảo tồn cá heo là một chính sách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt” (Ban Hội thẩm GATT, United States-Restrictions on Imports of Tuna, lưu hành ngày 16 tháng 6 năm 1994, đoạn 5.13).

[13] Xem Yearwood, The interaction between World Trade Organisation (WTO) law and external international law: the constrained openness ofWTO law (a prologue to a theory), Routledge, London tr. 199 (2012)

[14] US-Shrimp (AB), chú thích 110.

[15] Xem thêm ở dưới, đoạn 6.

[16] Liên quan đến GATT, đã có bốn quy trình của Ban Hội thẩm liên quan đến việc xem xét các biện pháp môi trường nhằm bảo vệ một số nguồn cá: xem Ban Hội thẩm GATT, US-Canadian Tuna; Canada-Salmon and Herring; US-Tuna (Mexico) (United States-Restrictions on Imports of Tuna, không được thông qua, lưu hành ngày 3 tháng 9 năm 1991) và US-Tuna (EEC).

[17] Trong khuôn khổ này, các công cụ quốc tế khác cũng nên được xem xét như là sự bổ sung cho chế độ quản lý nghề cá của UNCLOS. Điều 64 và Điều 118 của UNCLOS, khi yêu cầu các quốc gia hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật, dự kiến thành lập các tổ chức hoặc thỏa thuận quản lý nghề cá khu vực hoặc tiểu vùng khi thích hợp. Các tổ chức và thỏa thuận này đã được thiết lập rộng rãi và hiện là những công cụ chính để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong quản lý nghề cá xuyên biên giới.

Ngoài ra, Hiệp định năm 1995 về Thực thi các Quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 liên quan đến Bảo tồn và Quản lý các Nguồn Cá Di cư và Di cư Xa (UNFSA) cũng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh này. UNFSA củng cố các Điều 63 và 64 của UNCLOS, bằng cách chỉ ra các phương thức và biện pháp để thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia trong việc hợp tác bảo tồn và quản lý các nguồn cá di cư và di cư xa. UNFSA quy định rõ ràng, đối với các sản lượng đánh bắt trên vùng biển quốc tế, rằng các quốc gia cảng có thể “ban hành quy định cho phép các cơ quan quốc gia có thẩm quyền cấm cập cảng và chuyển tải nếu xác định rằng sản lượng đánh bắt đã được thực hiện theo cách thức làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp bảo tồn và quản lý ở cấp tiểu vùng, khu vực hoặc toàn cầu trên vùng biển quốc tế” (Điều 23(3)). Ngoài ra, theo Điều 23(1), một quốc gia cảng có “quyền và nghĩa vụ áp dụng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thúc đẩy hiệu quả của các biện pháp bảo tồn và quản lý ở cấp tiểu vùng, khu vực và toàn cầu”.

[18] Quyết định này dựa trên Điều 165 của Luật Thủy sản Chile (Ley General de Pesca y Acuicultura), được hợp nhất bởi Sắc lệnh Tối cao số 430 ngày 28 tháng 9 năm 1991 và được gia hạn bởi Sắc lệnh số 598 ngày 15 tháng 10 năm 1999: xem tại www.fao.org/faolex/results/details/en/?details=LEX-FAOC001227. Để đảm bảo việc bảo tồn các nguồn tài nguyên biển ở vùng biển quốc tế Đông Nam Thái Bình Dương, Chile cũng đã đàm phán với các thành viên khác của Ủy ban Thường trực Thái Bình Dương—Colombia, Ecuador và Peru—thỏa thuận Galapagos. Xem Thỏa thuận Khung về Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật Biển Vùng Biển Quốc tế Đông Nam Thái Bình Dương, ký tại Santiago de Chile vào ngày 14 tháng 8 năm 2000.

[19] Ngày 19 tháng 4 năm 2000, EC đã yêu cầu tham vấn chính thức với Chile theo Điều 4 của DSU và Điều XXIII của GATT (Chile-MeasuresAffecting the Transit and Importation of Swordfish: Request for Consultations by the European Communities, ngày 26 tháng 4 năm 2000). Do các cuộc tham vấn không đạt kết quả, EC đã yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO để xét xử tranh chấp này (xem Chile-Measures Affecting the Transit and Importation of Swordfish: Request for the Establishment of a Panel by the European Communities, ngày 7 tháng 11 năm 2000), và yêu cầu này đã được DSB chấp thuận tại cuộc họp ngày 12 tháng 12 năm 2000.

[20] Biên bản Cuộc họp tổ chức tại Trung tâm William Rappard vào ngày 17 tháng 11 năm 2000, ngày 15 tháng 1 năm 2001, đoạn 101 trở đi. Đáp lại, Chile khẳng định rằng các biện pháp mà nước này đã áp dụng “dựa vững chắc trên các nghĩa vụ được áp đặt và các đặc quyền được trao bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” và “hoàn toàn được biện minh bởi Điều XX của GATT 1994”: như trên, đoạn 112.

[21] Xem Conservation and Sustainable Exploitation of Swordfish Stocks (Bảo tồn và Khai thác Bền vững Trữ lượng Cá Kiếm), các đoạn 3(a) và 3(b). Chile cũng cáo buộc EC vi phạm “quyền chủ quyền và nghĩa vụ của Chile, với tư cách là quốc gia ven biển, trong việc quy định các biện pháp bảo tồn cá kiếm trong phạm vi tài phán quốc gia và đảm bảo thực thi các biện pháp đó tại các cảng của mình, một cách không phân biệt đối xử” (như trên, đoạn 3(c)); và vi phạm các nghĩa vụ thủ tục theo Điều 297(1)(b) của UNCLOS cũng như nghĩa vụ hành động thiện chí được quy định trong Điều 300 của UNCLOS (như trên, đoạn 3(d)).

Về phần mình, EC đã yêu cầu Phòng Đặc biệt xác định, trong số các vấn đề khác, liệu các biện pháp bảo tồn đơn phương của Chile đối với cá kiếm trên vùng biển quốc tế có vi phạm các Điều 87, 89 và 116 đến 119 của UNCLOS hay không; liệu Thỏa thuận Galapagos có phù hợp với các Điều 64 và 116 đến 119 của UNCLOS hay không; liệu các hành động của Chile liên quan đến bảo tồn cá kiếm có phù hợp với Điều 300 của UNCLOS hay không (như trên, các đoạn 3(e)(f)(g)); và liệu Chile và EC có còn nghĩa vụ đàm phán một thỏa thuận hợp tác phù hợp với Điều 64 của UNCLOS hay không (như trên, đoạn 3(g) kết thúc).

[22] Mặc dù Quần đảo Faroe là một lãnh thổ tự trị dưới chủ quyền của Đan Mạch, các Hiệp ước EU không áp dụng đối với khu vực này. Điều này dẫn đến những hệ quả kỳ lạ trong vụ việc hiện tại, khi Đan Mạch, với tư cách là quốc gia chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của Quần đảo Faroe, đã khởi kiện EU theo cơ chế DSU của WTO và UNCLOS, mặc dù Đan Mạch là thành viên của EU.

[23] NEAFC là một Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMO) được thành lập để đảm bảo bảo tồn dài hạn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thủy sản ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương, bao gồm cả cá trích. Đối với nguồn cá này, các bên tham gia NEAFC—EU, Quần đảo Faroe, Iceland, Na Uy và Liên bang Nga—đã đồng ý về một kế hoạch quản lý nghề cá dài hạn bằng cách thiết lập tổng sản lượng khai thác cho phép (TAC), phù hợp với khuyến nghị từ Hội đồng Quốc tế về Khảo sát Biển (ICES). Trên cơ sở đó, mỗi năm, các quốc gia thành viên tham gia đàm phán để thống nhất một công thức phân bổ nhằm chia TAC giữa các quốc gia.

[24] Xem Quy định Thực thi của Ủy ban (EU) số 793/2013 ngày 20 tháng 8 năm 2013 về việc thiết lập các biện pháp đối với Quần đảo Faroe nhằm đảm bảo bảo tồn nguồn cá trích Atlanto-Scandian. Theo Điều 3 của Quy định, “bị kiểm soát bởi Quần đảo Faroe” được hiểu là “đánh bắt bởi các tàu mang cờ của Quần đảo Faroe, hoặc các tàu mang cờ của quốc gia khác đã được ủy quyền đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Quần đảo Faroe hoặc được thuê bởi một công ty hoặc cơ quan của Faroe”.

Sáng kiến của EU dựa trên một số quy định nhằm ngăn chặn, răn đe và xóa bỏ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theoquy định (Illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) trong vùng biển của EU cũng như trong các vùng biển dưới quyền tài phán của các nước thứ ba và trên vùng biển quốc tế. Các quy định này bao gồm Quy định của Hội đồng (EC) số 1005/2008 ngày 29 tháng 9 năm 2008 thiết lập hệ thống của Cộng đồng để ngăn chặn, răn đe và xóa bỏ đánh bắt IUU và Quy định (EU) số 1026/2012 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 25 tháng 10 năm 2012 về một số biện pháp nhằm bảo tồn nguồn cá liên quan đến các quốc gia cho phép đánh bắt không bền vững. Theo Điều 4(1)(a) của Quy định sau, Ủy ban có thể áp dụng các biện pháp hạn chế khác nhau đối với các quốc gia cho phép đánh bắt không bền vững, chẳng hạn như, trong số các biện pháp khác, hạn chế định lượng đối với nhập khẩu cá bị kiểm soát bởi quốc gia đó và các sản phẩm thủy sản được làm từ hoặc chứa loại cá đó, cũng như hạn chế sử dụng các cảng của Liên minh.

[25] Vào ngày 16 tháng 8 năm 2013, Đan Mạch, đại diện cho Quần đảo Faroe, đã khởi xướng quy trình trọng tài đối với EU theo Phụ lục VII của UNCLOS liên quan đến tranh chấp về việc diễn giải và áp dụng Điều 63(1) của Công ước liên quan đến nguồn cá trích Atlanto-Scandian. Các tài liệu liên quan đến vụ việc có thể được tìm thấy trên trang web của Tòa Trọng tài Thường trực tại: pca-cpa.org/cn/cases/25.

[26] Vào ngày 4 tháng 11 năm 2013, Đan Mạch, đại diện cho Quần đảo Faroe, đã yêu cầu tham vấn với EU theo Điều 4 của DSU và Điều XXIII của GATT, cáo buộc rằng các biện pháp của EU vi phạm các Điều I(1), V(2) và XI(1) của GATT, lần lượt quy định về nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), quyền tự do quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ của các quốc gia thành viên WTO và lệnh cấm áp đặt các hạn chế định lượng. Xem European Union-Measures on Atlanto-Scandian Herring: Request for consultations by Denmark in respect of the Faroe Islands, ngày 7 tháng 11 năm 2013. Ngày 8 tháng 1 năm 2014, Đan Mạch yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm (Liên minh Châu Âu - Các biện pháp về cá trích Atlanto-Scandian: Yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm của Đan Mạch đại diện cho Quần đảo Faroe, ngày 10 tháng 1 năm 2014), và yêu cầu này đã được DSB chấp thuận vào ngày 23 tháng 2 năm 2014.

[27] Xem lần lượt, Chile-Swordfish Case: Chile-Measures Affecting the Transit and Importation of Swordfish: Arrangement between the European Communities and Chile, ngày 6 tháng 4 năm 2001, và Conservation and Sustainable Exploitation of Swordfish Stocks (Chile/European Community), Lệnh ngày 15 tháng 3 năm 2001; và đối với EU-Herring Case: European Commission, Deal on Mackerel in the North-East Atlantic, thông cáo báo chí, ngày 12 tháng 3 năm 2014, có sẵn tại europa.eu/rapid/press-release_IP-14-265_en.htm và Herring dispute between EuropeanUnion and Faroe Islands nears end, thông cáo báo chí, ngày 11 tháng 6 năm 2014, xem tại europa.eu/rapid/press-release_IP-14-668_en.htm.

[28] Đối với Chile-Swordfish, xem: Conservation and Sustainable Exploitation of Swordfish Stocks (Chile/European Union), Lệnh ngày 16 tháng 12 năm 2009, và Chile-Measures Affecting the Transit and Importation of Swordfish: Joint Communication from the European Union and Chile, ngày 3 tháng 6 năm 2010. Đối với Vụ EU-Herring, vào ngày 21 tháng 8 năm 2014, Đan Mạch, đại diện cho Quần đảo Faroe, và Liên minh Châu Âu đã thông báo cho DSB rằng tranh chấp đã được giải quyết: xem European Union-Measures on Atlanto-Scandian Herring: Jointcommunication from Denmark in respect of the Faroe Islands and the European Union, ngày 25 tháng 8 năm 2014. Vào ngày 21 tháng 8 năm 2014, các bên cũng đã thông báo cho Trọng tài Chủ tọa của Tòa Trọng tài, cơ quan này đã ban hành lệnh chấm dứt vào ngày 23 tháng 9 năm 2014: xem PCA, Lệnh Chấm dứt.

[29] Được thông qua bởi Hội nghị FAO tại Phiên họp lần thứ 36, diễn ra từ ngày 18 đến 22 tháng 11 năm 2009, FAO Doc C 2009/LIM/11 Rev.1, có sẵn tại www.fao.org/fileadmin/user_upload/legal/docs/2_037t-e.pdf.

[30] Theo Điều 9(4), mỗi bên phải từ chối cho tàu vào cảng khi “có đủ bằng chứng rằng một tàu thuyền đang tìm cách vào cảng đã tham gia vào hoạt động đánh bắt IUU hoặc các hoạt động liên quan đến đánh bắt hỗ trợ cho hoạt động đánh bắt như vậy, đặc biệt là việc tàu thuyền đó có trong danh sách các tàu đã tham gia vào hoạt động đánh bắt như vậy hoặc các hoạt động liên quan đến đánh bắt được thông qua bởi một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan, phù hợp với các quy tắc và thủ tục của tổ chức đó và theo đúng luật pháp quốc tế, Bên đó phải từ chối cho tàu thuyền này vào cảng của mình […]”. Nếu tàu đã ở trong cảng vì bất kỳ lý do nào, quốc gia cảng “phải từ chối cho tàu đó sử dụng cảng để bốc dỡ, chuyển tải, đóng gói, và chế biến cá, cũng như các dịch vụ cảng khác bao gồm, nhưng không giới hạn ở, tiếp nhiên liệu và cung cấp lại, bảo trì và đưa lên ụ khô” (đoạn 6).

[31] Người ta cho rằng Hiệp định về Các Biện pháp của Quốc gia Cảng có thể được coi như một thỏa thuận được một số thành viên WTO ký kết và có thể được ưu tiên trên các nghĩa vụ WTO trong mối quan hệ giữa các bên: Auld K (2017) Trade measures to prevent illegal fishing and theWTO: an analysis of the settled Faroe Islands dispute. World Trade Rev (Online):1–28, tr. 3. Tuy nhiên, như chính tác giả đã lưu ý, án lệ của WTO không cung cấp bất kỳ cơ sở nào cho giải pháp này. Xem Peru - Sản phẩm Nông nghiệp (AB), đoạn 5.112: “các hiệp định WTO bao gồm các quy định cụ thể giải quyết việc sửa đổi, miễn trừ hoặc ngoại lệ cho các hiệp định thương mại khu vực, điều này có ưu tiên hơn các quy định chung của Công ước Vienna, chẳng hạn như Điều 41”.

[32] Đặc biệt, Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) là tổ chức nghề cá đầu tiên khuyến nghị các thành viên áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Vào năm 1994 và 1995, Ủy ban đã ban hành hai nghị quyết Kế hoạch Hành động để đảm bảo hiệu quả của chương trình bảo tồn cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương (nghị quyết 94-3) và cá kiếm Đại Tây Dương (nghị quyết 95-13). Các nghị quyết này đã đề xuất khả năng “khuyến nghị các bên ký kết áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại không phân biệt đối xử, phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của họ”. Sau đó, ICCAT đã thông qua các nghị quyết trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên cấm nhập khẩu một số sản phẩm từ các quốc gia khác nhau (xem: www.iccat.int/en/RecRes.asp).

[33] Như đã đề cập ở trên, đoạn 2.

[34] Tyler Z, Saving fisheries on the high seas: the use of trade sanctions to force compliance with multilateral fisheries agreements, Tulane Environ Law J 20:43–95, tr. 89−90. (2006), đã nhận xét, sự tồn tại của một hiệp định nghề cá đa phương được thiết kế đặc biệt để bảo tồn một loài cá cụ thể có thể cung cấp bằng chứng đủ về khả năng cạn kiệt của loài đó. Điều này có thể được suy ra bằng cách tương tự từ kết luận của Cơ quan Phúc thẩm trong báo cáo vụ US-Shrimp rằng “[k]hả năng cạn kiệt của loài rùa biển thực tế rất khó để phản bác, vì tất cả bảy loài rùa biển được công nhận hiện nay đều có tên trong Phụ lục 1 của Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp” (US-Shrimp (AB), đoạn 132).

[35] Trong trường hợp này, để nằm trong phạm vi của Điều XX(g), biện pháp được đề cập phải “liên quan đến” việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên có thể cạn kiệt (điều này chỉ yêu cầu mối quan hệ chặt chẽ và thực sự giữa biện pháp đang được xem xét và mục tiêu bảo tồn được theo đuổi) và cũng phải được “thực hiện cùng với các hạn chế đối với sản xuất hoặc tiêu thụ trong nước”.

[36] Telesetsky A, Scuttling IUU fishing and rewarding sustainable fishing: enhancing the effectiveness of the port state measures agreement with trade-related measures, Seattle Univ Law Rev 38:1237–1270 (2015)

[37] Về vấn đề này, xem chi tiết trong Charnovitz (2002), tr. 92 trở đi.

[38] Xem US-Shrimp (AB), đoạn 133.

[39] Như trên. Điều này dường như đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với kết luận của Ban Hội thẩm về các quy định môi trường ngoài thẩm quyền trong vụ US-Tuna (Mexico). Trong vụ đó, Ban Hội thẩm kết luận rằng Hoa Kỳ không có thẩm quyền ban hành chính sách ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt ngoài phạm vi tài phán của mình (đoạn 5.25 trở đi). Phán quyết này đã bị vượt qua 3 năm sau, khi một Ban Hội thẩm thứ hai xem xét đơn kiện của EC về lệnh cấm nhập khẩu thứ cấp đối với cá ngừ Mexico từ EC. Ban Hội thẩm, dù bác bỏ việc biện hộ theo Điều XX vì các lý do khác, đã tuyên bố rằng “không thể [...] nói rằng Hiệp định Chung cấm một cách tuyệt đối các biện pháp liên quan đến những điều hoặc hành động ngoài phạm vi thẩm quyền lãnh thổ của bên áp dụng biện pháp” (xem US-Tuna (EEC), các đoạn 5.15–5.16). Tuy nhiên, không có báo cáo nào trong hai báo cáo của Ban Hội thẩm được các bên ký kết chấp nhận như một giải pháp ràng buộc pháp lý, do đó, không thể coi chúng như một tuyên bố có thẩm quyền về luật GATT.

[40] US-Shrimp (AB), đoạn 133.

[41] Cơ quan Phúc thẩm WTO, European Communities-Measures Prohibiting the Importation and Marketing of Seal Products, Báo cáo, ngày 22 tháng 5 năm 2014, đoạn 5.173.

[42] Người ta cho rằng, sau khi các cơ quan giải quyết tranh chấp WTO trong vụ EU-Seal Products thừa nhận rằng các mối quan tâm về môi trường có thể ảnh hưởng đến đạo đức công cộng của công dân và người tiêu dùng của quốc gia nhập khẩu, vấn đề ngoại lãnh thổ sẽ trở nên kém quan trọng hơn. Xem: Young MA, Trade measures to address environmental concerns in faraway places: jurisdictional issues, Rev Eur Comp Int Environ Law 23:302–317 (2014), cho rằng “kiểm tra đủ mối liên hệ”, dù vẫn chưa chắc chắn, “có khả năng sẽ dễ dàng được đáp ứng do sự liên kết của các vấn đề môi trường, đặc biệt là nhận thức rằng các vấn đề này ảnh hưởng đến ‘đạo đức công cộng’ nhờ vào sự phát triển và mở rộng đạo đức môi trường” (tr. 317).

[43] Xem US-Gasoline (AB), tr. 22 và US-Shrimp (AB), đoạn 118 trở đi. Tóm lại, điều khoản mở đầu (*chapeau*) nhằm tránh sự lạm dụng các ngoại lệ chung, cụ thể là để ngăn chặn việc viện dẫn ngoại lệ một cách gián tiếp nhằm lách nghĩa vụ WTO mà không có ý định thực sự theo đuổi các mục tiêu hợp pháp được liệt kê trong Điều XX của GATT. Xem thêm US-Shrimp (AB), đoạn 158.

[44] US-Shrimp (AB), đoạn đoạn 156-160.

[45] Theo Cơ quan Phúc thẩm, việc áp dụng biện pháp này không đáp ứng được tiêu chuẩn, vì Hoa Kỳ đã không tiến hành “các cuộc đàm phán nghiêm túc, toàn diện” với tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng trước khi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu (US-Shrimp (AB), đoạn 166). Cụ thể, Cơ quan Phúc thẩm nhận thấy rằng các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và năm quốc gia Nam và Trung Mỹ, dẫn đến việc ký kết một hiệp ước khu vực (Công ước Liên Mỹ) về bảo tồn và quản lý rùa biển ở quy mô khu vực, cho thấy rõ ràng rằng Hoa Kỳ có thể lựa chọn một hướng hành động thay thế để đạt được mục tiêu chính sách hợp pháp của biện pháp, thay vì áp dụng các thủ tục cấm nhập khẩu đơn phương và không có sự đồng thuận theo Điều 609.

[46] US-Shrimp (AB), đoạn 168. Tại đây, Cơ quan Phúc thẩm lại nhắc đến nhiều công cụ của luật môi trường quốc tế—chẳng hạn như Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, Chương trình Nghị sự 21, Công ước về Đa dạng Sinh học, Công ước về Bảo tồn Các Loài Động vật Di cư Hoang dã—kêu gọi các nỗ lực “phối hợp và hợp tác” để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Mặc dù UNCLOS không được đề cập đến trong đoạn này, điều này gián tiếp xác nhận rằng UNCLOS có thể đóng vai trò là một công cụ quan trọng trong việc diễn giải Điều XX GATT.

[47] Knox JH, The judicial resolution of conflicts between trade and the environment, Harv Environ Law Rev 28, tr. 41−44 (2004), theo đó, các Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMOs) và các Hiệp định Môi trường về Nghề cá khác “rất phù hợp để đáp ứng” các tiêu chí được thiết lập bởi điều khoản mở đầu của Điều XX GATT).

[48] Ban Thư ký WTO, Ủy ban Thương mại và Môi trường của WTO, Lợi ích Môi trường từ Việc Xóa bỏ Hạn chế và Biến dạng Thương mại: Ngành Nghề Cá, ngày 16 tháng 10 năm 2000, đoạn 28. Cách tiếp cận đa phương trong việc bảo vệ môi trường cũng được ủng hộ bởi báo cáo năm 1996 của Ủy ban Thương mại và Môi trường (CTE): “CTE ủng hộ các giải pháp đa phương dựa trên sự hợp tác và đồng thuận quốc tế như là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để các chính phủ giải quyết các vấn đề môi trường có tính chất xuyên biên giới hoặc toàn cầu.”

[49] Xem Tuyên bố Bộ trưởng được thông qua vào ngày 14 tháng 11 năm 2001, Hội nghị Bộ trưởng, Phiên họp thứ tư tại Doha, 9-14 tháng 11 năm 2001 (Tuyên bố Bộ trưởng Doha), ngày 20 tháng 11 năm 2001.

[50] Với vai trò then chốt mà các quy định của UNCLOS giao cho các Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RMFOs) và các Thỏa thuận Quản lý Nghề cá Khu vực (RMFAs), việc các tổ chức này được coi là Hiệp định Môi trường Đa phương (MEAs) khiến vấn đề về mối quan hệ giữa UNCLOS và WTO trong lĩnh vực này gắn chặt với mối quan hệ giữa WTO và các MEAs. UNFSA và PSMA cũng được liệt kê trong danh sách các MEA trong phiên bản cập nhật mới nhất của tài liệu Ban Thư ký WTO có tựa đề “Ma trận về Các Biện pháp Thương mại Theo Các Hiệp định Môi trường Đa phương Được Chọn” (WTO Doc. WT/CTE/W/160/Rev.8, ngày 9 tháng 10 năm 2017).

[51] Hiệp định năm 1995 về Quy tắc Xuất xứ—là một phần của Phụ lục 1A trong Hiệp định thành lập WTO—cung cấp các tiêu chí cơ bản để xác định nơi sản xuất của một hàng hóa nhất định (theo Điều 1, quy tắc xuất xứ là các “luật, quy định và quyết định hành chính có tính chất chung mà bất kỳ Thành viên nào áp dụng để xác định quốc gia xuất xứ của hàng hóa”). Hiệp định cũng thiết lập, theo Điều 4, Ủy ban về Quy tắc Xuất xứ (CRO), bao gồm đại diện của từng Thành viên. Nhiệm vụ chính của CRO là Chương trình Hài hòa Quy tắc Xuất xứ, kết quả của chương trình này sẽ được đưa vào Hiệp định. Chương trình, được khởi động vào năm 1995, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 1998. Tuy nhiên, do sự phức tạp của các vấn đề liên quan trong quá trình đàm phán và các quan điểm khác nhau của các quốc gia Thành viên, chương trình đã bị kéo dài nhiều lần và vẫn chưa được kết thúc.

[52] Tuyên bố Bộ trưởng Doha, bởi Nhóm Đàm phán về Quy tắc (NGR), đoạn 28.

[53] Myers BK, Trade measures and the environment: can the WTO and UNCLOS be recon- ciled?, UCLA Journal of Environmental Law and Policy, tr. 68 (2005) chỉ ra rằng trợ cấp cho ngành nghề cá đại diện cho “một lĩnh vực mà các nguyên tắc của WTO rõ ràng ủng hộ bảo vệ môi trường”.

[54] Hộp này đã hết hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, theo Điều 8(9) của Hiệp định SCM.

[55] Về một số lý do có thể giải thích cho sự thiếu vắng của các vụ kiện liên quan đến trợ cấp nghề cá được đề cập đến bởi Young MA, Fragmentation or interaction: the WTO, fisheries subsidies, and international law, World Trade Review, Cambridge University Press, tr. 487−488(2009)

[56] FAO Fisheries Report No. 293 FIPP/R293, xem tại: https://www.fao.org/4/x5608e/x5608e09.htm (truy cập ngày 7/4/2025).

[57] Stone CD, Too many fishing boats, too few fish: can trade laws trim subsidies and restore the balance in global fisheries? Ecology Law Quarterly, Ecology Law Quarterly, Vol. 24, No. 3, tr. 525 (1997)

[58] Dostal DJ, Global fisheries subsidies: will the WTO reel in effective regulations?, University Penn Carey Law Journals, Vol. 26, No. 4, tr. 815–839 (2005)

[59] Tuyên bố Bộ trưởng được thông qua vào ngày 18 tháng 12 năm 2005, Hội nghị Bộ trưởng, Phiên họp thứ sáu tại Hồng Kông, từ ngày 13 đến 18 tháng 12 năm 2005, ngày 22 tháng 12 năm 2005, Phụ lục D, đoạn 9.

[60] Xem Mục tiêu Phát triển Bền vững 14.6, ngày 21 tháng 10 năm 2015.

[61] Xem tài liệu WTO TN/RL/W/273, ngày 28 tháng 7 năm 2017.

[62] Xem https://www.wto.org/english/news_e/news17_e/fish_03nov17_e.htm

[63] Xem Quyết định Bộ trưởng về Trợ cấp Nghề cá, ngày 13 tháng 12 năm 2017, ngày 18 tháng 12 năm 2017.

Cùng chuyên mục

Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada: Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada: Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

(PLPT) - Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ các quy định của pháp luật hình sự Canada hiện hành về đối tượng áp dụng, cơ chế giám sát, quyền của người bị giám sát điện tử và các biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada, từ đó sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về vấn đề này.

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất cách hiểu khoa học phù hợp hơn nên xem đơn vị sự nghiệp công lập là một pháp nhân phi thương mại có năng lực pháp luật dân sự không bị hạn chế và tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm cả tài sản công lẫn tài sản tư.

Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ về hành vi đưa hối lộ; chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia trên về việc xác định hành vi đưa hối lộ, chủ thể tham gia, chứng cứ hối lộ và chế tài áp dụng đối với hành vi đưa hối lộ. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam.

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về xác định vị trí thống lĩnh thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trên nền tảng số trung gian tại Việt Nam.

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích khung pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; từ đó, nhận diện những hạn chế trong quy định của pháp luật thực định và thực tiễn thi hành để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và những biện pháp nâng cao đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ ở Việt Nam.

Một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ Các-bon ở Việt Nam

Một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ Các-bon ở Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ ý nghĩa của việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước cũng như thực trạng pháp luật Việt Nam về vấn đề này và từ đó đưa ra một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam.