Tóm tắt: Bài viết phân tích sự chuyển dịch của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) từ một cam kết tự nguyện sang một yêu cầu pháp lý nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với trách nhiệm xã hội và môi trường. Xu hướng này thể hiện qua sự quy phạm hóa CSR tại nhiều quốc gia. Tại Liên minh Châu Âu, CSR được điều chỉnh thông qua Chỉ thị 2014/95/EU về công bố thông tin phi tài chính. Hoa Kỳ lồng ghép CSR vào các đạo luật như Sarbanes-Oxley (2002) và Dodd-Frank (2010) để tăng cường minh bạch tài chính. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ áp dụng mô hình kết hợp giữa quy phạm pháp luật và chính sách khuyến khích, điển hình là quy định bắt buộc tại Luật Công ty 2013 của Ấn Độ. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết đề xuất hoàn thiện pháp luật về CSR tại Việt Nam thông qua việc quy phạm hóa trong hệ thống pháp luật quốc gia, nâng cao cơ chế giám sát, áp dụng chính sách ưu đãi và tăng cường nhận thức của doanh nghiệp. Những điều chỉnh này nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Từ khóa: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, pháp luật về CSR, kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị cho Việt Nam.
Abstract: The article analyzes the shift of Corporate Social Responsibility (CSR) from a voluntary commitment to a legal requirement, aiming to balance economic interests with social and environmental responsibilities. This trend is reflected in the codification of CSR in many countries. In the European Union, CSR is regulated through Directive 2014/95/EU on non-financial disclosure. In the United States, CSR is integrated into laws such as the Sarbanes-Oxley Act (2002) and the Dodd-Frank Act (2010) to enhance financial transparency. Japan, South Korea, China, and India adopt a hybrid model combining legal regulations and incentive policies, notably the mandatory provisions in India’s Companies Act of 2013. Based on a study of international experiences, the article proposes improving Vietnam’s CSR regulations by codifying them into the national legal system, enhancing supervisory mechanisms, implementing incentive policies, and raising corporate awareness. These adjustments aim to promote sustainable development and strengthen Vietnam’s competitiveness in the context of global economic integration.
Keywords: Corporate Social Responsibility, CSR Legal Framework, International Experience, Recommendations for Vietnam
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, CSR không còn giới hạn trong khuôn khổ một cam kết đạo đức mà đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia. Xu hướng chuyển dịch từ CSR tự nguyện sang quy phạm hóa phản ánh yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp và sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với các yêu cầu về phát triển bền vững[1]. Điều này cho thấy sự phát triển của pháp luật trong việc điều chỉnh hoạt động của các chủ thể kinh tế nhằm bảo vệ các lợi ích xã hội rộng lớn, đồng thời duy trì sự ổn định của hệ thống kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Sự đa dạng trong cách tiếp cận quy phạm hóa CSR tại các quốc gia phản ánh đặc thù về hệ thống pháp luật, bối cảnh kinh tế và định hướng chính sách của từng nước. Tại Liên minh Châu Âu (EU), khung pháp lý về CSR tập trung vào việc bắt buộc doanh nghiệp công bố thông tin phi tài chính và thực hiện trách nhiệm môi trường, tiêu biểu là Chỉ thị 2014/95/EU của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu[2]. Tại Hoa Kỳ, CSR được lồng ghép trong các đạo luật như Sarbanes-Oxley Act (2002) và Dodd-Frank Act (2010), nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động tài chính và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp[3]. Trong khi đó, các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc áp dụng mô hình kết hợp giữa quy phạm pháp luật và chính sách khuyến khích, theo đó doanh nghiệp được định hướng tuân thủ các chuẩn mực CSR thông qua các ưu đãi tài chính và chính sách hỗ trợ[4]. Tại Ấn Độ, CSR thậm chí đã trở thành nghĩa vụ pháp lý khi Luật Công ty năm 2013 quy định các doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận nhất định phải dành ít nhất 2% lợi nhuận sau thuế cho các hoạt động xã hội[5].
Tại Việt Nam, CSR được đề cập trong nhiều lĩnh vực pháp luật như pháp luật doanh nghiệp, pháp luật lao động, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định liên quan. Hiện nay, các cam kết thương mại quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (European Union – Vietnam Free Trade Agreement – EVFTA), đặt ra yêu cầu ngày càng cao về CSR. Các hiệp định này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn về lao động, môi trường và quản trị minh bạch theo chuẩn mực quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết hoàn thiện pháp luật về CSR nhằm tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Việc đưa các nội dung về CSR vào hệ thống pháp luật đặt ra câu hỏi liệu đây có thể được xem là quá trình “quy phạm hóa” hay không, trong bối cảnh CSR vốn được hiểu là những cam kết mang tính tự nguyện, vượt trên yêu cầu pháp lý tối thiểu. Trong bài viết này, khái niệm “quy phạm hóa” CSR được hiểu là quá trình tích hợp một phần hoặc toàn bộ các nguyên tắc về CSR vào hệ thống pháp luật quốc gia thông qua các quy định có hiệu lực bắt buộc hoặc các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ. Quy phạm hóa CSR không loại bỏ tính tự nguyện vốn có của CSR mà nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tạo ra cơ chế bảo đảm thực thi và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội một cách minh bạch, hiệu quả hơn. Cách tiếp cận quy phạm hóa có thể khác nhau tùy theo hệ thống pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Dựa trên nghiên cứu các mô hình pháp lý về CSR tại một số quốc gia tiêu biểu, bài viết phân tích xu hướng quy phạm hóa CSR trong bối cảnh toàn cầu và đề xuất các định hướng hoàn thiện pháp luật về CSR tại Việt Nam nhằm nâng cao tính hiệu quả và khả thi của quá trình này.
1. Nền tảng quy phạm hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
CSR đã trở thành một xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh hiện đại, phản ánh sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm đối với xã hội, môi trường. Theo đó, CSR không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn dần trở thành một nghĩa vụ pháp lý tại nhiều quốc gia. Việc xây dựng CSR dựa trên ba nền tảng chính: (i) Học thuyết nghĩa vụ xã hội của doanh nghiệp, (ii) Lý thuyết lợi ích các bên liên quan và (iii) Nguyên tắc phát triển bền vững. Mỗi trụ cột này không chỉ góp phần định hình cách doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội mà còn tạo cơ sở cho việc điều chỉnh bằng pháp luật nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản trị bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Học thuyết nghĩa vụ xã hội của doanh nghiệp nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không chỉ hoạt động nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường[6]. Quan điểm này đối lập với lập luận của Milton Friedman rằng trách nhiệm duy nhất của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận cho cổ đông trong khuôn khổ pháp luật[7]. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này chỉ ra rằng doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng[8]. Chính sự mở rộng phạm vi trách nhiệm này đã thúc đẩy sự hình thành và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến CSR trong nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, chẳng hạn như Chỉ thị 2014/95/EU của Liên minh Châu Âu, yêu cầu các doanh nghiệp lớn công khai báo cáo phi tài chính liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường[9].
Lý thuyết lợi ích các bên liên quan (Stakeholder Theory), do Edward Freeman phát triển, đã làm thay đổi cách tiếp cận về CSR. Theo lý thuyết này, doanh nghiệp không thể hoạt động độc lập mà phải cân nhắc tác động của mình đối với các bên liên quan như cổ đông, người lao động, khách hàng, cộng đồng và chính phủ[10]. Sự thay đổi trong tư duy quản trị doanh nghiệp theo hướng coi trọng lợi ích của nhiều nhóm đối tượng đã dẫn đến việc các quốc gia dần quy phạm hóa CSR nhằm đảm bảo tính công bằng và bền vững trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, tại Liên minh Châu Âu, Chỉ thị 2014/95/EU quy định các doanh nghiệp lớn phải công bố báo cáo ESG (Environmental, Social, and Governance) nhằm minh bạch hóa tác động môi trường và xã hội của doanh nghiệp.[11].
Nguyên tắc phát triển bền vững (Sustainable Development), được thiết lập trong Báo cáo Brundtland của Liên Hợp Quốc (1987), đã đặt nền tảng cho việc điều chỉnh CSR trong nhiều hệ thống pháp luật quốc gia[12]. Nguyên tắc phát triển bền vững (Sustainable Development), được khởi xướng và thiết lập rõ ràng trong Báo cáo Brundtland của Liên Hợp Quốc năm 1987, đã trở thành nền tảng quan trọng cho việc điều chỉnh CSR trong nhiều hệ thống pháp luật quốc gia. Nguyên tắc này yêu cầu doanh nghiệp phải cân bằng hài hòa giữa ba trụ cột chính: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai. Sự phát triển của các công cụ pháp lý quốc tế quan trọng như Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển năm 1992 (Rio Declaration on Environment and Development), Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế về Doanh nghiệp Đa quốc gia năm 2011 (OECD Guidelines for Multinational Enterprises), cùng với Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2015 (United Nations Sustainable Development Goals – SDGs), đã góp phần chuyển hóa CSR từ một nghĩa vụ mang tính tự nguyện sang trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống pháp luật bắt buộc tại nhiều quốc gia[13].
Xu hướng quy phạm hóa CSR ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia tiên phong khi đưa CSR trở thành nghĩa vụ pháp lý bắt buộc trong Luật Công ty năm 2013, theo đó các doanh nghiệp có lợi nhuận vượt mức nhất định phải dành ít nhất 2% lợi nhuận sau thuế cho các hoạt động xã hội[14]. Liên minh Châu Âu cũng đã ban hành Chỉ thị 2014/95/EU, bắt buộc các doanh nghiệp lớn công bố báo cáo CSR nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình[15]. Đồng thời, Liên minh châu Âu cũng đã ban hành Chỉ thị số 2014/95/EU, quy định bắt buộc các doanh nghiệp lớn phải công bố báo cáo về CSR nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
2. Khung pháp lý về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên thế giới
2.1. Các tiêu chuẩn quốc tế
CSR ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu trong quản trị doanh nghiệp toàn cầu, được định hình thông qua các tiêu chuẩn quốc tế có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn. Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng quy tắc ứng xử và báo cáo minh bạch mà còn là cơ sở để các quốc gia quy phạm hóa các quy định về quyền con người, tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường[16]. Các tiêu chuẩn quốc tế có thể mang tính “tự nguyện” dưới dạng hướng dẫn thực hành hoặc mang tính “bắt buộc” khi được quy phạm hóa thành quy định pháp luật trong từng quốc gia.
Một trong những khung tham chiếu quan trọng nhất là Hướng dẫn của OECD về doanh nghiệp đa quốc gia (OECD Guidelines for Multinational Enterprises), trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền con người, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, an toàn và bảo vệ môi trường[17]. Hướng dẫn này khuyến nghị doanh nghiệp không chỉ tránh gây ra tác động tiêu cực mà còn phải chủ động đóng góp vào sự phát triển bền vững thông qua tạo việc làm, hỗ trợ thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng cường tính minh bạch. Đây là một trong những bộ quy tắc có ảnh hưởng rộng rãi nhất đối với các chính sách CSR toàn cầu, được nhiều quốc gia sử dụng như nền tảng cho việc xây dựng khung pháp lý về trách nhiệm doanh nghiệp[18].
Bên cạnh đó, Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc (United Nations Global Compact - UNGC), được khởi xướng từ năm 2000, là một sáng kiến có tầm ảnh hưởng lớn trong việc thúc đẩy CSR. Hiệp ước này đề ra 10 nguyên tắc cốt lõi liên quan đến nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động theo hướng phát triển bền vững[19]. Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý mà thiên về “luật mềm” (soft law), nhưng UNGC đã tạo ra một nền tảng quan trọng để doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai CSR vào thực tiễn. Đặc biệt, từ năm 2015, Hiệp ước đã được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc, hướng doanh nghiệp tới 17 mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội[20].
Một tiêu chuẩn quan trọng khác trong lĩnh vực lao động là Tuyên bố ba bên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội. Được ban hành lần đầu vào năm 1977 và cập nhật vào năm 2017, tuyên bố này cung cấp hướng dẫn cho doanh nghiệp về việc làm, điều kiện lao động, đào tạo, an sinh xã hội và an toàn lao động[21]. Tuyên bố này kêu gọi doanh nghiệp, bất kể quy mô hay quốc gia xuất xứ, phải đóng góp tích cực vào nền kinh tế và xã hội thông qua việc đảm bảo việc làm bền vững, loại bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhiều quốc gia đã sử dụng tuyên bố này làm cơ sở để ban hành các quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm xã hội trong quan hệ lao động, chẳng hạn như Đạo luật Lao động Công bằng của Hoa Kỳ và các quy định của Liên minh Châu Âu về bảo vệ quyền lợi người lao động[22]. Ngoài các tiêu chuẩn trên, một số công cụ pháp lý khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quy tắc CSR ở cấp độ toàn cầu, bao gồm ISO 26000 về trách nhiệm xã hội, Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh và quyền con người (UNGPs), hay Nguyên tắc Equator (Equator Principles - EPs)[23]. ISO 26000 cung cấp hướng dẫn toàn diện về cách thức doanh nghiệp có thể tích hợp trách nhiệm xã hội vào hoạt động kinh doanh của mình. Trong khi đó, Nguyên tắc Equator là một bộ tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng cho ngành tài chính, yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trước khi cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn[24].
Những tiêu chuẩn này không chỉ góp phần xây dựng khung pháp lý quốc tế mà còn tạo nền tảng để nhiều quốc gia quy phạm hóa các yêu cầu về CSR. Xu hướng này thể hiện rõ qua việc nhiều quốc gia đã ban hành luật yêu cầu doanh nghiệp công bố báo cáo CSR, chẳng hạn như Chỉ thị 2014/95/EU của Liên minh Châu Âu hay Luật Công ty 2013 của Ấn Độ[25]. Các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
2.2. Pháp luật về CSR tại một số quốc gia châu Âu
Tại châu Âu, CSR đã phát triển từ một mô hình tự nguyện sang cơ chế bắt buộc, với các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ nhằm đảm bảo doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Liên minh Châu Âu (EU) không chỉ sở hữu hơn 300 chỉ thị và quy định về môi trường mà còn đặt nền móng cho CSR thông qua Sách Xanh (Green Paper) năm 2001 của Ủy ban Châu Âu. Văn bản này tuyên bố CSR là một công cụ tự nguyện, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc doanh nghiệp phải tuân thủ các chuẩn mực nhân quyền, lao động và bảo vệ môi trường. Sách Xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình pháp điển hóa CSR khi tích hợp nhiều sáng kiến quốc tế, như Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UN Global Compact), Tuyên bố của ILO về doanh nghiệp đa quốc gia và Hướng dẫn của OECD, vào hệ thống pháp lý và chính sách của EU[26].
Từ năm 2011, EU bắt đầu chuyển hướng từ CSR tự nguyện sang bắt buộc và tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan công quyền. Một trong những văn bản quan trọng nhất là Chỉ thị 2014/95/EU về Báo cáo phi tài chính (Non-Financial Reporting Directive - NFRD), yêu cầu các công ty lớn phải công bố thông tin về các tác động môi trường, trách nhiệm xã hội, quyền con người và chống tham nhũng trong báo cáo thường niên. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về phạm vi áp dụng, Chỉ thị này đã được thay thế bởi Chỉ thị về Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (Corporate Sustainability Reporting Directive - CSRD) năm 2022, mở rộng đối tượng áp dụng và nâng cao tính minh bạch trong báo cáo CSR. CSRD yêu cầu tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán EU, cũng như các công ty ngoài EU có doanh thu trên 150 triệu EUR tại khu vực này, phải công bố báo cáo bền vững theo chuẩn ESRS (European Sustainability Reporting Standards)[27]. Ngoài ra, EU cũng ban hành Hệ thống Quản lý và Kiểm toán môi trường (Eco-Management and Audit Scheme - EMAS), một tiêu chuẩn quản lý môi trường cao hơn ISO 14001, yêu cầu doanh nghiệp định kỳ đánh giá tác động môi trường và đảm bảo sự tham gia của người lao động trong giám sát môi trường[28]. Đây là một phần trong chiến lược Tài chính Xanh của EU nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Ở cấp độ quốc gia, Pháp là một trong những nước tiên phong trong việc luật hóa CSR. Luật Nouvelles Régulations Économiques (NRE) năm 2001 quy định các công ty niêm yết phải công khai các tác động môi trường và xã hội của mình. Tuy nhiên, quy định này chủ yếu yêu cầu hình thức niêm yết công khai thông tin mà chưa quy định rõ ràng về nội dung bắt buộc hoặc biện pháp thực thi cụ thể. Do thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả, việc tuân thủ các quy định này trong thực tế ban đầu gặp nhiều hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm giám sát, có thể là cơ quan nhà nước, các tổ chức độc lập hoặc cộng đồng xã hội, và phạm vi giám sát cần được làm rõ, liệu chỉ giám sát việc công bố thông tin theo quy định hay mở rộng sang giám sát toàn diện việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hay CSR. Việc làm rõ các khía cạnh này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Để khắc phục vấn đề này, Pháp đã ban hành Luật Nghĩa vụ Cảnh giác (Loi de Vigilance) năm 2017, buộc các công ty lớn phải giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền, lao động cưỡng bức và tác động tiêu cực đến môi trường[29]. Để khắc phục những vấn đề này, Pháp đã ban hành Luật Nghĩa vụ Cảnh giác (Loi de Vigilance) năm 2017. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường giám sát trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Luật này yêu cầu các công ty lớn phải giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền, lao động cưỡng bức và tác động tiêu cực đến môi trường. Mặc dù điều này mang lại sự khích lệ cho các hoạt động CSR, nhưng cũng tồn tại một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng.
Một số ý kiến phản biện cho rằng, việc bắt buộc các công ty lớn giám sát chuỗi cung ứng có thể dẫn đến việc “chuyển giao trách nhiệm” cho các nhà cung cấp nhỏ hơn, mà không thực sự giải quyết được vấn đề gốc rễ của CSR. Việc tuân thủ quy định này có thể đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khi phải kiểm soát hàng nghìn nhà cung cấp và đối tác, mà không đảm bảo được tính minh bạch và hiệu quả của toàn bộ quá trình giám sát. Thực tế, nhiều công ty đã phản ánh rằng việc tuân thủ các quy định này khiến họ phải đối mặt với những chi phí quản lý và kiểm tra cao, đôi khi không mang lại lợi ích tương xứng về mặt xã hội và môi trường. Ngoài ra, trong khi Luật Nghĩa vụ Cảnh giác được xem là một bước đi tích cực trong việc ngăn ngừa vi phạm, vẫn có một số quan ngại về tính khả thi của việc thực thi và giám sát quy định này. Do các công ty phải tự giám sát và báo cáo các hành vi vi phạm, có nguy cơ xảy ra sự thiếu minh bạch trong quá trình này. Các doanh nghiệp có thể chỉ báo cáo những thông tin thuận lợi, trong khi bỏ qua những vấn đề nhạy cảm hoặc khó xử lý.
Đức cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, thể hiện qua Đạo luật Chuỗi Cung ứng (Supply Chain Due Diligence Act - SCDDA) năm 2021, yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo tuân thủ quyền lao động và tiêu chuẩn môi trường. Luật này áp dụng cho tất cả các công ty có trên 3.000 nhân viên (từ năm 2023) và trên 1.000 nhân viên (từ năm 2024), với chế tài xử phạt lên tới 2% tổng doanh thu toàn cầu nếu vi phạm[30].
Tại các quốc gia Bắc Âu, chính sách CSR có xu hướng tiến bộ và mang tính bền vững. Thụy Điển thành lập Hiệp hội Đối tác Trách nhiệm Toàn cầu (Global Responsibility Partnership) từ năm 2002, khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ OECD Guidelines và UN Global Compact. Trong khi đó, Đan Mạch ban hành Đạo luật CSR năm 2008, quy định tất cả các công ty nhà nước và công ty đại chúng phải công bố báo cáo CSR trong báo cáo tài chính hàng năm[31].
Tuy nhiên, mặc dù SCDDA có những mục tiêu tích cực, nhưng việc áp dụng và thực thi luật này cũng gặp phải một số vấn đề và thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là khả năng giám sát và kiểm tra thực tế của các công ty. Việc yêu cầu các công ty kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng có thể gặp phải khó khăn lớn, nhất là đối với các công ty đa quốc gia với chuỗi cung ứng phức tạp và trải dài ở nhiều quốc gia khác nhau. Các công ty có thể gặp khó khăn trong việc kiểm tra và đảm bảo rằng mọi nhà cung cấp của mình đều tuân thủ đầy đủ các quy định về quyền lao động và bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, mặc dù các chế tài xử phạt nghiêm khắc có thể tạo ra động lực thúc đẩy các công ty tuân thủ, nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng các quy định này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp chỉ thực hiện “hình thức” các biện pháp kiểm tra mà không thực sự cải thiện điều kiện làm việc hay tác động môi trường. Điều này có thể gây ra tình trạng “greenwashing” hoặc “social washing”, khi các công ty chỉ tập trung vào việc chứng minh tuân thủ mà không thực sự cải thiện thực tế.
2.3. Pháp luật về CSR tại một số quốc gia Châu Á
Các quốc gia châu Á có sự tiếp cận khác nhau đối với CSR, chịu ảnh hưởng từ mức độ phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu và mô hình kinh doanh đặc thù của từng nước. Một số nghiên cứu ban đầu của các học giả phương Tây nhận định rằng, so với các quốc gia phát triển, các nước châu Á có mức độ quan tâm đến CSR không đồng đều và thiếu sự thống nhất về cách tiếp cận[32]. Quan điểm này xuất phát từ sự khác biệt lớn về trình độ phát triển, mức độ ảnh hưởng của toàn cầu hóa và mô hình quản trị doanh nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nền kinh tế châu Á đang ngày càng chấp nhận và áp dụng CSR theo các mô hình pháp lý đa dạng như cơ chế bắt buộc và chính sách khuyến khích.
Tại Nhật Bản, CSR gắn với chiến lược doanh nghiệp và quản trị bền vững. Nhật Bản có cách tiếp cận CSR theo hướng chiến lược kết hợp giữa quy định pháp luật và thực tiễn doanh nghiệp. Đạo luật Công bố thông tin về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Disclosure Act) yêu cầu các công ty niêm yết công khai thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong báo cáo tài chính[33]. Ngoài ra, Bộ Tiêu chuẩn Nhật Bản (Japanese Industrial Standards - JIS) đã ban hành hướng dẫn về CSR phù hợp với ISO 26000, nhấn mạnh đạo đức kinh doanh, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra Đạo luật Khuyến khích đầu tư bền vững (Sustainable Investment Promotion Act), yêu cầu các công ty công khai chính sách ESGtrong báo cáo thường niên, và áp dụng các tiêu chuẩn tài chính xanh nhằm giảm thiểu tác động môi trường[34]. Các tập đoàn lớn như Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Mizuho Financial Group đều có chiến lược CSR toàn diện, tập trung vào tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và cải thiện điều kiện lao động.
Một số ý kiến phản biện chỉ ra rằng mặc dù các tập đoàn lớn đã có chiến lược CSR rõ ràng, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế trong việc thực thi các chính sách này. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp lớn chỉ tập trung vào việc xây dựng chiến lược CSR nhằm cải thiện hình ảnh của mình, thay vì thực sự thay đổi các hoạt động kinh doanh của mình theo hướng bền vững. Cũng có những ý kiến cho rằng mặc dù các chính sách tài chính xanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ là tích cực, nhưng chúng vẫn còn thiếu tính khả thi và không phải tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều có khả năng triển khai và hưởng lợi từ những chính sách này. Bên cạnh đó, việc yêu cầu công khai thông tin về ESG trong báo cáo tài chính có thể gây ra khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ, khi họ thiếu các nguồn lực để thực hiện đầy đủ các báo cáo này, dẫn đến việc thực thi không đồng đều giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Một số nhà phê bình cho rằng, mặc dù các quy định này có thể giúp nâng cao tính minh bạch, nhưng lại có thể tạo ra một gánh nặng lớn cho những doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính và nhân lực để thực hiện các nghĩa vụ này.
Trung Quốc siết chặt CSR trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc ngày càng siết chặt quy định về CSR nhằm đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mực xã hội và môi trường. Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2018 (Company Law Amendment 2018) quy định các công ty phải thực hiện trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh[35]. Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) cũng ban hành hướng dẫn CSR đối với doanh nghiệp nhà nước (SOEs), yêu cầu các công ty này đóng góp vào phát triển bền vững thông qua các chính sách lao động và môi trường.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Law) năm 2015 yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về phát thải khí nhà kính và chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường[36]. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng việc giám sát và kiểm tra việc tuân thủ quy định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc trung bình, vẫn chưa có đủ khả năng để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đúng đắn và báo cáo minh bạch. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn tài chính xanh (Green Finance Standards), yêu cầu ngân hàng và tổ chức tín dụng chỉ cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường. Các tiêu chuẩn này có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, nhưng lại vấp phải một số vấn đề trong việc thực thi, đặc biệt là khi có sự thiếu đồng nhất trong cách đánh giá tính “xanh” của các dự án, dẫn đến sự mơ hồ và khó khăn trong việc phân loại các dự án thực sự bền vững.
Tại Hàn Quốc, CSR gắn với bảo vệ quyền lao động và phát triển bền vững. CSR tại Hàn Quốc tập trung vào bảo vệ quyền lợi người lao động và quản trị doanh nghiệp bền vững. Luật Phát triển bền vững (Sustainable Development Act) năm 2007 quy định doanh nghiệp phải đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các tiêu chuẩn lao động và môi trường[37]. Năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật Công bố thông tin CSR (Corporate Social Responsibility Disclosure Act), yêu cầu các công ty niêm yết phải báo cáo chi tiết tác động xã hội và môi trường của mình. Ngoài ra, Đạo luật Quyền Lao động của Hàn Quốc (Labor Rights Act) đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ người lao động, cấm bóc lột sức lao động, yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và công bằng[38]. Tuy nhiên, mặc dù có những quy định nghiêm ngặt, một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc thực thi các tiêu chuẩn lao động tại một số doanh nghiệp vẫn chưa hoàn hảo. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền lợi người lao động và điều kiện làm việc an toàn vẫn là một thách thức lớn, do thiếu nguồn lực và sự thiếu hiểu biết về các quy định pháp lý.
Tại Ấn Độ, CSR trở thành nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Trước khi CSR trở thành nghĩa vụ bắt buộc, Chính phủ Ấn Độ đã có lộ trình dài hạn nhằm lồng ghép CSR vào thực tiễn doanh nghiệp. Bộ Quan hệ doanh nghiệp (Ministry of Corporate Affairs) ban hành hướng dẫn tự nguyện về CSR năm 2009, khuyến nghị các doanh nghiệp nên có chiến lược CSR cụ thể. Đến năm 2011, hướng dẫn này được cập nhật với các nguyên tắc chi tiết hơn, nhấn mạnh đạo đức kinh doanh, minh bạch và trách nhiệm giải trình[39]. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới biến CSR thành nghĩa vụ pháp lý. Mục 135 của Đạo luật Công ty 2013 (Companies Act, 2013) yêu cầu các doanh nghiệp có doanh thu hoặc lợi nhuận vượt ngưỡng nhất định phải dành ít nhất 2% lợi nhuận sau thuế cho các hoạt động CSR[40]. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ mô hình CSR tự nguyện sang bắt buộc cũng đặt ra một số câu hỏi về hiệu quả và tính khả thi của việc thực thi các quy định này.
Mặc dù quy định bắt buộc CSR tại Ấn Độ là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng việc áp dụng này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề thực tế. Các doanh nghiệp lớn có thể thực hiện CSR hiệu quả, trong khi doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do thiếu nguồn lực. Hơn nữa, việc thiếu giám sát và minh bạch trong việc sử dụng ngân sách CSR có thể dẫn đến tình trạng CSR hình thức hoặc các dự án không có tác động lâu dài. Quy định này có thể tạo ra cơ hội cho tham nhũng và cấu kết giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước, làm suy yếu mục tiêu ban đầu của việc thúc đẩy CSR. Để đảm bảo CSR thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng và không bị lợi dụng, chính phủ Ấn Độ cần cải thiện cơ chế giám sát, minh bạch hóa việc sử dụng ngân sách CSR và tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào các sáng kiến xã hội, từ các doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ.
Việt Nam hướng đến quy phạm hóa CSR. Việt Nam hiện chưa có một văn bản pháp luật riêng biệt điều chỉnh toàn diện về CSR. Luật Doanh nghiệp 2020 có đề cập đến CSR nhưng chưa có quy định cụ thể về nội dung, phạm vi hoặc cơ chế thực hiện. Các nghĩa vụ liên quan đến CSR được quy định rải rác trong các luật như:Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Lao động 2019, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Bên cạnh đó, một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện CSR đã được triển khai. Bộ Công Thương có cơ chế khen thưởng các doanh nghiệp thực hiện tốt CSR, khuyến khích lập báo cáo CSR hàng năm[41]. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và phát triển bền vững, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về CSR, tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế.
Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến trong việc đưa CSR vào các chính sách và luật pháp, nhưng việc thiếu một văn bản pháp lý riêng biệt và khung pháp lý toàn diện khiến cho việc thực hiện CSR tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp vẫn thực hiện CSR chủ yếu dựa trên khuyến khích tự nguyện, thiếu các quy định bắt buộc và cơ chế giám sát mạnh mẽ. Điều này tạo ra sự không đồng đều trong việc thực thi CSR và khiến cho một số doanh nghiệp chỉ thực hiện CSR mang tính hình thức mà không thực sự tạo ra tác động tích cực cho xã hội và môi trường. Để thúc đẩy CSR thực sự có hiệu quả và bền vững, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ và có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo rằng các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động CSR một cách nghiêm túc và hiệu quả.
3. Xu hướng quy phạm hóa quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vấn đề đặt ra cho Việt Nam
3.1. Xu hướng quy phạm hóa quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Ban đầu, CSR mang tính tự nguyện, thể hiện trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa kinh tế và tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) đã đặt ra yêu cầu phải có những quy định chặt chẽ hơn về CSR nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Điều này đặc biệt trở nên cấp thiết sau hàng loạt vụ bê bối môi trường, vi phạm tiêu chuẩn lao động, cũng như yêu cầu tăng cường tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp[42].
Việc các doanh nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ, tham gia vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội đã trở thành một nguyên tắc quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế bền vững của nhiều quốc gia[43]. Trước áp lực ngày càng gia tăng từ xã hội, nhiều quốc gia đã chuyển dịch mô hình CSR từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc, biến trách nhiệm xã hội thành nghĩa vụ pháp lý thông qua các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Một số quan điểm lo ngại rằng việc áp đặt nghĩa vụ CSR có thể làm hạn chế tính sáng tạo của doanh nghiệp, gia tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến lợi nhuận[44]. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng quy phạm hóa CSR có thể đạt được mục tiêu kép: một mặt ràng buộc khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững, mặt khác giúp doanh nghiệp gia tăng lợi ích dài hạn thông qua sự công nhận của xã hội, lợi thế thương mại và ưu đãi thuế[45]. Quá trình quy phạm hóa CSR đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế phát triển mà còn lan rộng đến các quốc gia đang phát triển. Quá trình quy phạm hóa có thể thực hiện theo hai phương thức chính: (i) Chuyển hóa các tiêu chuẩn quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia (như Chỉ thị của Liên minh Châu Âu về báo cáo phi tài chính). (ii) Xây dựng các quy định nội địa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia.
Xu hướng quy phạm hóa CSR không chỉ nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều tác động đối với nền kinh tế. Các quy định pháp lý giúp định hướng hoạt động doanh nghiệp theo hướng minh bạch, có trách nhiệm hơn, từ đó nâng cao lòng tin của nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng[46]. Việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin phi tài chính giúp cải thiện quản trị công ty, góp phần vào sự phát triển bền vững. Đặc biệt, quy phạm hóa CSR đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các yêu cầu về báo cáo ESG, tuân thủ quy định môi trường hoặc đóng góp tài chính có thể tạo ra áp lực lớn về chi phí và nguồn lực, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của SMEs so với các tập đoàn lớn[47].
3.2. Một số nhận xét và khuyến nghị cho Việt Nam
Tại Việt Nam, CSR chưa được quy định trong một đạo luật riêng biệt, nhưng các nghĩa vụ liên quan đã xuất hiện rải rác trong nhiều văn bản pháp luật. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải và thực hiện đánh giá tác động môi trường. Luật Lao động năm 2019 quy định quyền lợi của người lao động, điều kiện làm việc an toàn, bảo hiểm xã hội và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Mặc dù các quy định này đã đề cập đến một số khía cạnh của CSR, nhưng cách tiếp cận phân tán khiến việc thực thi thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Việc không có một khuôn khổ pháp lý tổng thể cũng gây khó khăn trong giám sát, đánh giá mức độ tuân thủ và thực thi chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trước xu hướng hội nhập quốc tế và áp lực từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, việc quy phạm hóa CSR tại Việt Nam là cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đảm bảo sự phát triển bền vững. Một số định hướng chính sách có thể xem xét bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về CSR
Việc hoàn thiện khung pháp lý về CSR tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và chịu sự tác động mạnh mẽ của các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Tuy nhiên, trong việc xác định phương thức triển khai quy định CSR, cần phải cân nhắc thận trọng giữa việc ban hành một đạo luật độc lập về CSR và việc lồng ghép CSR vào các đạo luật hiện có. Điều này xuất phát từ đặc điểm của CSR, vốn không chỉ là một yếu tố pháp lý riêng biệt mà liên quan đến tất cả các lĩnh vực và hành vi kinh doanh của doanh nghiệp, do đó cần được tích hợp một cách linh hoạt và đồng bộ vào hệ thống pháp lý hiện hành. Cơ sở lý luận cho việc thận trọng với đề xuất ban hành một đạo luật độc lập về CSR có thể được tìm thấy trong thực tế của các quốc gia tiên phong trong việc quy phạm hóa CSR. Các quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia EU đều không ban hành một đạo luật độc lập về CSR mà thay vào đó, lồng ghép các yêu cầu về CSR vào các bộ luật khác, chẳng hạn như luật lao động, quản trị công ty, chứng khoán, thuế, tài chính và tín dụng. Cách tiếp cận này không chỉ giúp duy trì tính đồng bộ của hệ thống pháp luật mà còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng thích ứng mà không tạo ra gánh nặng pháp lý thêm. Thực tế cho thấy, việc lồng ghép CSR vào các lĩnh vực pháp lý khác là phương thức hiệu quả để thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà không làm phức tạp hệ thống pháp luật, cũng như không tạo ra các rào cản hành chính không cần thiết.
Từ đó, đối với Việt Nam, phương án khả thi và thực tế hơn là lồng ghép các quy định về CSR vào các đạo luật hiện có, bao gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và các luật liên quan khác. Việc này không chỉ giúp đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả của các quy định mà còn làm giảm thiểu chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Các quy định lồng ghép này có thể bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp công khai báo cáo CSR theo các tiêu chuẩn quốc tế như OECD Guidelines for Multinational Enterprises, UN Global Compact, ISO 26000 và các tiêu chuẩn ESG khác, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các cam kết về bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động theo các tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và nhất quán về CSR, đặc biệt là lồng ghép các yêu cầu về CSR vào các bộ luật hiện có, sẽ là công cụ quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế bền vững, công bằng và có trách nhiệm hơn trong tương lai.
Thứ hai, tăng cường cơ chế giám sát và chế tài thực thi CSR
Tăng cường cơ chế giám sát và chế tài thực thi CSR là cần thiết để đảm bảo tính thực chất trong triển khai trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tránh tình trạng CSR mang tính hình thức hoặc chỉ dừng lại ở mức độ tự nguyện. Hiện nay, Việt Nam thiếu một hệ thống giám sát hiệu quả và chế tài đủ mạnh để buộc doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ CSR. Việc thiết lập một hệ thống giám sát độc lập, với sự tham gia của các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức kiểm toán độc lập, sẽ đảm bảo tính minh bạch và khách quan, giúp hạn chế tình trạng báo cáo CSR mang tính đối phó. Giám sát CSR cần được thực hiện định kỳ với yêu cầu doanh nghiệp công khai báo cáo theo các tiêu chuẩn quốc tế như OECD, UN Global Compact, ISO 26000 hoặc ESG reporting standards. Điều này không chỉ giúp thống nhất phương pháp giám sát mà còn đảm bảo doanh nghiệp thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Để tăng cường tính răn đe, cần áp dụng chế tài mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp vi phạm CSR, như xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc cấm tham gia đấu thầu các dự án công. Một số quốc gia như Pháp và Đức đã áp dụng mô hình xếp hạng CSR, giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh. Việc triển khai hệ thống xếp hạng CSR tại Việt Nam sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy thực hiện CSR một cách thực chất. Như vậy, kết hợp giám sát độc lập, chế tài mạnh mẽ và hệ thống xếp hạng CSR sẽ tạo ra cơ chế thực thi hiệu quả, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường.
Thứ ba, triển khai chính sách ưu đãi để khuyến khích CSR
Triển khai chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện CSR là giải pháp quan trọng để thúc đẩy trách nhiệm xã hội hiệu quả và bền vững. Một biện pháp ưu đãi hiệu quả là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp có thành tích tốt trong CSR, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động. Chính sách này đã thành công ở nhiều quốc gia như Pháp, Đức và Nhật Bản, nơi doanh nghiệp tuân thủ CSR được hưởng ưu đãi thuế hoặc khấu trừ thuế cho các sáng kiến xanh. Bên cạnh ưu đãi thuế, tín dụng xanh cũng là giải pháp quan trọng. Các ngân hàng có thể cung cấp gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn CSR quốc tế như ESG, tương tự như các mô hình tại Singapore và Hàn Quốc. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn cho các dự án bền vững. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức như UNDP, IFC và ADB để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo và cung cấp tài chính cho CSR. Những chính sách ưu đãi này không chỉ tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện CSR mà còn thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và năng lực thực thi CSR
Nâng cao nhận thức và năng lực thực thi CSR là yếu tố then chốt trong việc tích hợp CSR vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù CSR đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu rõ lợi ích và triển khai CSR hiệu quả. Do đó, cần triển khai các biện pháp cụ thể để nâng cao nhận thức và năng lực thực thi CSR trong cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết, cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về CSR, giúp doanh nghiệp hiểu rõ các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường mà CSR mang lại, đồng thời hướng dẫn cách thức triển khai phù hợp với từng ngành nghề và quy mô doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo có thể được phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế như UNDP, IFC, ADB, đảm bảo chất lượng và tính thực tiễn. Một số quốc gia đã áp dụng thành công mô hình này, ví dụ Nhật Bản triển khai chương trình đào tạo CSR cho SMEs, hay EU yêu cầu doanh nghiệp lớn có bộ phận chuyên trách về CSR. Bên cạnh đào tạo, cần xây dựng bộ quy tắc đạo đức kinh doanh theo từng ngành để định hướng doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Các bộ quy tắc này có thể dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như OECD Guidelines, UN Global Compact, ISO 26000, hoặc các tiêu chuẩn ngành tại Việt Nam, như nguyên tắc Equator trong ngân hàng hay ISO 14001 trong sản xuất để giảm tác động môi trường. Việc kết hợp giữa đào tạo, xây dựng bộ quy tắc đạo đức và truyền thông sẽ giúp nâng cao nhận thức và năng lực thực thi CSR trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển CSR tại Việt Nam trong tương lai.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. European Parliament & Council, Directive 2014/95/EU of the European Parliament and of the Council of 22 October 2014 on Disclosure of Non-Financial and Diversity Information by Certain Large Undertakings and Groups, Official Journal of the European Union, L330, 1-9 (2014).
2. European Parliament, Directive (EU) 2022/2464 on Corporate Sustainability Reporting (CSRD), Official Journal of the European Union, L 322/15 (2022).
3. Government of China, Company Law Amendment 2018, Beijing (2018).
4. Government of Denmark, Danish Financial Statements Act No. 448 (2008) on Corporate Social Responsibility, Copenhagen (2008).
5. Government of France, Loi relative au devoir de vigilance des sociétés mères et des entreprises donneuses d’ordre, Journal Officiel de la République Française (2017).
6. Government of Germany, Lieferkettensorgfaltspflichtengesetz (Supply Chain Due Diligence Act - SCDDA), Bundesgesetzblatt (2021).
7. Government of India, The Companies Act, 2013, Ministry of Corporate Affairs, New Delhi (2013).
8. Government of Korea, Sustainable Development Act, Seoul (2007).
9. Ministry of Employment and Labor (MOEL), Labor Rights Act, Seoul (2019).
10. National People’s Congress (NPC), Environmental Protection Law, Beijing (2015).
11. U.S. Congress, Dodd-Frank Wall Street Reform and Consumer Protection Act, Public Law 111-203 (2010).
12. European Commission, Non-Financial Reporting Directive (NFRD): Enhancing Business Transparency, retrieved from https://ec.europa.eu/finance/docs/policy/2014-nfrd_en.pdf (last accessed Mar. 10, 2025).
13. European Commission, Eco-Management and Audit Scheme (EMAS), retrieved from https://ec.europa.eu/environment/emas (last accessed Mar. 10, 2025).
14. Financial Services Agency (FSA), Japan’s Corporate Disclosure Act and ESG Reporting Standards, Tokyo (2020).
15. International Labour Organization, Tripartite Declaration of Principles concerning Multinational Enterprises and Social Policy, ILO, 4th ed. (2017).
16. International Organization for Standardization, ISO 26000: Guidance on Social Responsibility, ISO, Geneva (2010).
17. OECD, Guidelines for Multinational Enterprises, OECD Publishing (2011).
18. OECD, Corporate Social Responsibility: Emerging Good Practices, OECD Publishing (2019).
19. OECD, SMEs and the Sustainability Transition, OECD Publishing (2021).
20. United Nations, Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future (Brundtland Report), Oxford University Press (1987).
21. United Nations, Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development, General Assembly Resolution 70/1, adopted on 25 September 2015.
22. United Nations Global Compact, Annual Progress Report 2022, retrieved from https://www.unglobalcompact.org (last accessed Mar. 10, 2025).
23. United Nations Global Compact, The Ten Principles of the UN Global Compact, retrieved from https://www.unglobalcompact.org/what-is-gc/mission/principles (last accessed Mar. 10, 2025).
24. Bowen, H. R., Social Responsibilities of the Businessman, University of Iowa Press (1953).
25. Carroll, A. B., & Shabana, K. M., The Business Case for Corporate Social Responsibility, International Journal of Management Reviews, 12(1), 85-105 (2010).
26. Freeman, R. E., Strategic Management: A Stakeholder Approach, Cambridge University Press (1984).
27. Friedman, M., The Social Responsibility of Business is to Increase its Profits, The New York Times Magazine, 32 (Sept. 13, 1970).
28. Husted, B. W., & Allen, D. B., Corporate Social Responsibility in the Developing World: Business and Development, Journal of Business Research, 57(1), 26-38 (2004).
29. Jamali, D., CSR in Developing Countries: Evolutionary or Revolutionary Process?, Journal of Business Ethics, 87(1), 21-39 (2009).
30. Matten, D., & Moon, J., “Implicit” and "Explicit" CSR: A Conceptual Framework for a Comparative Understanding of CSR in Europe and the United States, Academy of Management Review, 33(2), 404-424 (2008).
31. Porter, M. E., & Kramer, M. R., Creating Shared Value: How to Reinvent Capitalism, Harvard Business Review, 89(1/2), 62-77 (2011).
* PGS.TS. Bành Quốc Tuấn, Trưởng ban - Ban Quản lý đào tạo sau đại học, Trường Đại học Thủ Dầu Một. Duyệt đăng 16/5/2025. Email: quoctuan178@yahoo.com
** ThS. Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.
[1] Porter, M. E., & Kramer, M. R., Creating shared value, Harvard Business Review, 89(1/2), 62-77 (2011)
[2] European Parliament & Council., Directive 2014/95/EU of the European Parliament and of the Council of 22 October 2014 on disclosure of non-financial and diversity information by certain large undertakings and groups, Official Journal of the European Union, L330, 1-9 (2014)
[3] U.S. Congress., Dodd-Frank Wall Street Reform and Consumer Protection Act, Public Law 111-203 (2010)
[4] Financial Services Agency, Corporate Governance Code: Seeking Sustainable Corporate Growth and Increased Corporate Value over the Mid- to Long-Term. Tokyo, Japan (2015)
[5] Government of India, The Companies Act, 2013, Ministry of Corporate Affairs (2013)
[6] Carroll, A. B., Corporate social responsibility: Evolution of a definitional construct, Business & Society, 38(3), 268–295 (1999)
[7] Milton Friedman, The Social Responsibility of Business is to Increase its Profits, The New York Times Magazine, 32 (Sept. 13, 1970).
[8] Howard R. Bowen, Social Responsibilities of the Businessman, University of Iowa Press, 153 (1953).
[9] Directive 2014/95/EU, tlđd, f 2.
[10] R. Edward Freeman, Strategic Management: A Stakeholder Approach, Cambridge University Press, 78 (1984).
[11] European Commission, Non-Financial Reporting Directive (NFRD): Enhancing Business Transparency, retrieved from https://ec.europa.eu/finance/docs/policy/2014-nfrd_en.pdf (last accessed Mar. 10, 2025).
[12] United Nations, Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future (Brundtland Report), Oxford University Press, 43 (1987).
[13] OECD, Guidelines for Multinational Enterprises, OECD Publishing, 21 (2011).
[14] Companies Act 2013, Section 135, India.
[15]European Commission, Corporate Sustainability Reporting Directive (CSRD), retrieved from https://ec.europa.eu/finance/docs/policy/2022-csrd_en.pdf (last accessed Mar. 10, 2025).
[16] OECD, Corporate Social Responsibility: Emerging Good Practices, OECD Publishing, 18 (2019).
[17] OECD, tlđd, footnote 12.
[18] UN Global Compact, Annual Progress Report 2022, retrieved from https://www.unglobalcompact.org (last accessed Mar. 10, 2025)
[19] UN Global Compact, tlđd, 17
[20] United Nations, Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development, General Assembly Resolution 70/1, adopted on 25 September 2015
[21] International Labour Organization, Tripartite Declaration of Principles concerning Multinational Enterprises and Social Policy, ILO, 4th ed. (2017).
[22] Directive 2014/95/EU, tlđd, 2.
[23] International Organization for Standardization, ISO 26000: Guidance on Social Responsibility, ISO, Geneva, 2010
[24] Equator Principles Association, The Equator Principles, 2020 Edition, retrieved from https://equator-principles.com (last accessed Mar. 10, 2025).
[25] Companies Act 2013, Section 135, India
[26] European Commission, Promoting a European framework for corporate social responsibility (Green Paper), COM (2001) 366 final, Brussels, 18 July 2001.
[27] Directive 2014/95/EU, tlđd, 2.
[28]European Commission, Eco-Management and Audit Scheme (EMAS), retrieved from https://ec.europa.eu/ environment/emas (last accessed Mar. 10, 2025).
[29] Government of France, Loi relative au devoir de vigilance des sociétés mères et des entreprises donneuses d’ordre, Journal Officiel de la République Française, 27 March 2017.
[30] Government of Germany, Lieferkettensorgfaltspflichtengesetz (Supply Chain Due Diligence Act - SCDDA), Bundesgesetzblatt, 22 July 2021.
[31] Government of Denmark, Danish Financial Statements Act No. 448 (2008) on Corporate Social Responsibility, Copenhagen, 1 June 2008.
[32] Husted, B. W., & Allen, D. B., Corporate Social Responsibility in the Developing World: Business and Development, Journal of Business Research, 57(1), 26-38 (2004).
[33] Financial Services Agency (FSA), Japan’s Corporate Disclosure Act and ESG Reporting Standards, Tokyo (2020).
[34] Japan Industrial Standards Committee (JISC), Guidelines on CSR (ISO 26000 Alignment), Tokyo (2021).
[35] Government of China, Company Law Amendment 2018, Beijing (2018).
[36] National People’s Congress (NPC), Environmental Protection Law, Beijing (2015).
[37] Government of Korea, Sustainable Development Act, Seoul (2007).
[38] Ministry of Employment and Labor (MOEL), Labor Rights Act, Seoul (2019).
[39] Ministry of Corporate Affairs (MCA), CSR Guidelines 2009, New Delhi (2009).
[40] Ministry of Corporate Affairs (MCA), CSR Guidelines 2009, New Delhi (2009).
[41] Ministry of Industry and Trade (MOIT), Vietnam CSR Policy, Hanoi (2023).
[42] Husted & Allen, tlđd, 31.
[43] Porter, M. E., & Kramer, M. R., Creating Shared Value: How to Reinvent Capitalism, Harvard Business Review, 89(1/2), 62-77 (2011).
[44] Carroll, A. B., & Shabana, K. M., The Business Case for Corporate Social Responsibility, International Journal of Management Reviews, 12(1), 85-105 (2010).
[45] Matten, D., & Moon, J., "Implicit" and "Explicit" CSR: A Conceptual Framework for a Comparative Understanding of CSR in Europe and the United States, Academy of Management Review, 33(2), 404-424 (2008).
[46] Jamali, D., CSR in Developing Countries: Evolutionary or Revolutionary Process, Journal of Business Ethics, 87(1), 21-39 (2009).
[47] OECD, SMEs and the Sustainability Transition, Paris (2021).