Nghiên cứu lý luận

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Trần Kiên Thứ tư, 16/04/2025 - 10:39
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết đề xuất cách hiểu khoa học phù hợp hơn nên xem đơn vị sự nghiệp công lập là một pháp nhân phi thương mại có năng lực pháp luật dân sự không bị hạn chế và tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm cả tài sản công lẫn tài sản tư.

Tóm tắt. Bài viết phân tích các quy định và thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập. Qua phân tích, bài viết chỉ sự tồn tại của hai điểm nghẽn thể chế lớn trong lý thuyết và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành hạn về địa vị pháp lý của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) và phân loại tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ĐVSNCL. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất cách hiểu khoa học phù hợp hơn nên xem ĐVSNCL là một pháp nhân phi thương mại có năng lực pháp luật dân sự không bị hạn chế và tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của ĐVSNCL bao gồm cả tài sản công lẫn tài sản tư.

Từ khóa: Đơn vị sự nghiệp công lập; Thành lập doanh nghiệp; Tài sản góp vốn; Điểm nghẽn thể chế; Thương mại hóa sản phẩm

Abstracts: The article analyzes the laws and pratical application of contemporary Vietnamese statutory and regulatory provisions on property contributed to establish enterprises of public service units. Through the analysis, the article points out the existence of two major institutional bottlenecks in the theory and current Vietnamese laws on the legal status of public service units (PSUs) and the classification of property under the ownership and use of PSUs. On that basis, the article proposes a more appropriate understanding that PSUs are considered non-commercial legal persons with general civil legal capacity and property under the ownership or use of PSUs including both public and private property.

Keywords: Public service units; Enterprise establishment; Capital contribution; Institutional bottlenecks; Product commercialization

1. Đặt vấn đề

Ngày 22 tháng 12 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 là một trong những đột phá khẩu đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến lược xác định và tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế[1] - điểm nghẽn của các điểm nghẽn trong một lĩnh vực cụ thể là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; qua đó, đóng góp vào phát triển của quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.[2] Trên cơ sở chủ trương, chính sách và giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 57, ngày 19 tháng 02 năm 2025 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.[3] Cả hai Nghị quyết đã xác định nhiều điểm nghẽn thể chế hiện đang là rào cản hạn chế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Nghị quyết 193 cũng đã thể chế hóa và ban hành một số giải pháp pháp lý để tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế này, đặc biệt là giải pháp liên quan tới hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, một trong những hoạt động quan trọng nhất đóng góp vào phát tiển đất nước giàu mạnh, hùng cường nhưng lại đang là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.[4]

Hai trong những giải pháp pháp lý quan trọng nhất mà Nghị quyết 193 quy định là cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp. Giải pháp thứ hai là viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập.[5] Giải pháp này, trên thực tế, là sự kế thừa và phát triển của quy định tương tự trong Luật Thủ đô 2024.[6] Trong khi quy định của Luật Thủ đô 2024 thì rộng hơn về mặt chủ thể khi cho phép cả cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập có quyền thành lập doanh nghiệp nhưng lại giới hạn chỉ áp dụng cho các tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội thì Nghị quyết 193 lại rộng hơn Luật Thủ đô 2024 về mặt phạm vi khi cho phép tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công trên phạm vi toàn quốc có quyền thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Điều 3 Nghị quyết 193 và khoản 4 Điều 23 Luật Thủ đô 2024 thì các Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia và các chủ thể có liên quan trực tiếp như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), cơ quan nhà nước vẫn còn có những tranh cãi liên quan tới quy định, ý nghĩa, áp dụng các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Phòng, chống tham nhũng từ cả góc nhìn khoa học pháp lý, quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật. Các điểm nghẽn này liên quan trực tiếp tới pháp luật về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, đặc biệt là phân loại tài sản cũng như xác định quyền của đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng, định đoạt các loại tài sản cụ thể để góp vốn thành lập doanh nghiệp và góp thêm vốn điều lệ vào doanh nghiệp đã thành lập (sau đây gọi chung là góp vốn).

Nghiên cứu này sẽ bước đầu phân tích và giải quyết các điểm nghẽn thể chế ở trên từ cả góc độ khoa học pháp lý, giải thích và áp dụng quy phạm pháp luật. Nghiên cứu này sẽ đề xuất một cách hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất cho các quy định của pháp luật có liên quan; từ đó, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế do sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu này, nghiên cứu sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu luật học truyền thống là phân tích pháp luật thực định (doctrial research), phân tích vụ việc (case studies) và luật so sánh (comparative law). Nghiên cứu sẽ tập trung chủ yếu vào khoa học pháp lý và thực trạng quy định cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

2. Quyền thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Gần như không có bất kỳ nghiên cứu nào trước đây ở Việt Nam bàn về quyền thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập.[7] Đặc biệt là trong các khảo cứu chung về luật doanh nghiệp hay các nghiên cứu riêng về đơn vị sự nghiệp công lập.[8] Tuy tồn tài một số mô hình có những nét tương đồng trên thế giới, nhất là ở việc nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước[9] nhưng đơn vị sự nghiệp công lập mà một chế định khá đặc thù trong pháp luật Việt Nam và gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[10] Qua lịch sử hình thành và phát triển, đơn vị sự nghiệp công lập đã có nhiều tên gọi khác nhau với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Một thống kê gần đây nhất vào năm 2021 cho thấy cả nước có khoảng 52.534 đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động với khoảng 2.4 triệu viên chức làm việc trong năm lĩnh vực chính là giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao; thông tin truyền thông và lĩnh vực khác.[11] Con số thống kê này cho thấy vai trò và ảnh hưởng to lớn của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung ứng dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam đặc biệt là tư cách chủ thể, thẩm quyền nhất là quyền thành lập doanh nghiệp và quyền tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập và kèm theo đó là luật áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.[12] Dẫn đến việc hiểu và áp dụng các quy định có liên quan khác nhau. Liên quan trực tiếp tới vấn đề về thẩm quyền thành lập doanh nghiệp và tài sản góp vốn của đơn vị sự nghiệp công lập là quan điểm cho rằng đơn vị sự nghiệp công lập là một pháp nhân công, một cơ quan nhà nước và do đó chịu sự điều chỉnh của nguyên tắc là nhà nước chỉ được làm tất cả những gì luật cho phép.[13]

Chính vì vậy, trong thực tiễn thực hiện pháp luật, có không ít các trường hợp một số chủ thể có liên quan đặc biệt công chức, viên chức khi áp dụng các quy định về thành lập doanh nghiệp của pháp luật về doanh nghiệp đã giải thích và xem đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan nhà nước và do đó không được phép thành lập doanh nghiệp theo điểm a khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020. Một số công chức, viên chức thì yêu cầu quyết định thành lập hoặc quy định về tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập phải quy định rõ đơn vị có thẩm quyền thành lập và tham gia thành lập doanh nghiệp; thể hiện rõ tư duy ĐVSNCL chỉ được làm những gì luật cho phép. Thậm chí, một số cơ quan đăng ký kinh doanh còn yêu cầu ĐVSNCL khi thành lập doanh nghiệp thì phải tuân thủ quy định doanh nghiệp do đơn vị thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đây vốn là nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và áp dụng cho doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vậy là trong cách hiểu của một số công chức, viên chức thì ĐVSNCL cũng chính là hoặc là một bộ phận của Nhà nước.[14] Cùng cách hiểu này, có quan điểm cho rằng ĐVSNCL không được phép tự mình thành lập doanh nghiệp mà chỉ được liên doanh, liên kết cùng cá nhân, tổ chức khác để thành lập pháp nhân mới theo quy định của pháp luật quản lý sử dụng tài sản công.[15]

Quan điểm coi ĐVSNCL là nhà nước hoặc cơ quan nhà nước và do đó bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp là một quan điểm thiếu cơ sở và không phù hợp với quy định của pháp luật. Đầu tiên, ĐVSNCL được định nghĩa là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.[16] Vậy, ở cốt lõi của khái niệm này thì ĐVSNCL là một pháp nhân và thứ hai có mục đích cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Câu hỏi đặt ra là ĐVSNCL có phải là Nhà nước hoặc cơ quan nhà nước và ĐVSNCL có bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp hay không? Câu trả lời cho cả hai câu hỏi đều là không.

Thứ nhất, ĐVSNCL không phải là Nhà nước hay cơ quan nhà nước. Đã từng có nhầm lẫn và đánh đồng giữa ĐVSNCL với các cơ quan hành chính nhưng nhầm lẫn này đã được bác bỏ một cách thuyết phục.[17] ĐVSNCL có thể được xem là một loại pháp nhân phi thương mại theo Bộ luật Dân sự 2015 do ĐVSNCL là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.[18] Chủ trương, chính sách hiện nay cũng là đang mạnh mẽ thúc đẩy cơ chế tự chủ[19] cho ĐVSNCL cũng như chuyển đổi ĐVSNCL sang mô hình doanh nghiệp.[20] Khái niệm Nhà nước và cơ quan nhà nước trong Bộ luật Dân sự 2015 cũng không bao gồm ĐVSNCL ở trong đó.[21] Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 tuy có khái niệm về cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội. Nhưng có thể khẳng định ngay rằng Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ áp dụng với các hành vi tham nhũng và quy định phòng, chống tham nhũng áp dụng cho cả khu vực nhà nước và cả khu vực tư nhân. Luật này không điều chỉnh quyền thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập cũng như vẫn có sự tách bạch rõ ràng giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, quyền thành lập doanh nghiệp của ĐVSNCL không bị hạn chế bởi bất kỳ quy định nào. Là một pháp nhân, đầu tiên Bộ luật Dân sự 2015 đã thiết lập một quy định tổng quát về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân theo đó: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.[22] Vậy, năng lực pháp luật dân sự của ĐVSNCL chỉ có thể bị hạn chế nếu có quy định của luật; văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành theo đúng tinh thần về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân.[23] Bên cạnh đó, cũng thấy Luật Viên chức hay kể cả Luật Phòng, chống tham nhũng cũng không có bất kỳ quy định nào hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp của ĐVSNCL cả. Quan trọng hơn, các luật chuyên ngành trực tiếp điều chỉnh quyền thành lập doanh nghiệp của ĐVSNCL đều minh thị trao quyền này cho ĐVSNCL. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cá nhân, tổ chức có quyền thành lập doanh nghiệp.[24] Và như trên đã phân tích, ĐVSNCL không phải là cơ quan nhà nước hay đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Vậy, về nguyên tắc chung mọi ĐVSNCL đều có quyền thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Trực tiếp hơn, các luật chuyên ngành điều chỉnh các loại hình ĐVSNCL như Luật Giáo dục đại học,[25] Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ[26] đều quy định trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hay tổ chức khoa học và công nghệ công lập thành lập doanh nghiệp trong cơ cấu, tổ chức của mình. Cuối cùng, tuy có phạm vi đối tượng điều chỉnh hẹp hơn Luật Doanh nghiệp nhưng Nghị quyết 193 và Luật Thủ đô 2024 đã nhắc lại một cách cụ thể thẩm quyền thành lập doanh nghiệp này của cơ sở giáo dục đại học công lập và tổ chức khoa học và công nghệ công lập (trên phạm vi cả nước) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (có trụ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội).

Cần khẳng định ĐVSNCL không phải là Nhà nước hoặc cơ quan nhà nước. ĐVSNCL không chịu sự điều chỉnh của nguyên tắc chung bất thành văn là Nhà nước chỉ được làm gì những gì luật cho phép. ĐVSNCL trên phạm vi cả nước có cả quyền thành lập doanh nghiệp dù là thành lập doanh nghiệp mới, tham gia cùng với cá nhân tổ chức khác để thành lập doanh nghiệp mới hoặc góp thêm vốn điều lệ vào doanh nghiệp đã thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật dân sự Việt Nam. Và doanh nghiệp do ĐVSNCL sở hữu 100% vốn điều lệ cũng không phải là doanh nghiệp nhà nước.

3. Tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

3.1. Tài sản góp vốn của đơn vị sự nghiệp công lập

Điểm nghẽn thể chế thứ hai cũng là một rào cản pháp lý khó khăn đối với ĐVSNCL khi thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ của mình là pháp luật về tài sản góp vốn. Cụ thể là các quy định về xác định loại tài sản dùng để góp vốn là tài sản công hay tài sản tư,[27] thẩm quyền sử dụng tài sản công hoặc định đoạt tài sản tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, và định giá tài sản góp vốn. Điểm nghẽn thể chế này bắt nguồn từ một nhận thức sai lầm và phổ biến cho rằng ĐVSNCL là pháp nhân công quyền, thuộc về khu vực nhà nước như đã nêu ở trên. Do đó, tất cả các tài sản do ĐVSNCL được giao quyền quản lý sử dụng hoặc xác lập quyền sở hữu đều là tài sản công và chịu sự điều chỉnh một cách chặt chẽ, cứng nhắc theo luật quản lý, sử dụng tài sản công. Sai lầm thứ nhất đã được phân tích và giải quyết ở tiểu mục trên.[28] Tiểu mục này sẽ phân tích và làm rõ các loại tài sản thuộc quyền quản lý sử dụng (tài sản công) và quyền sở hữu hoặc quyền tài sản khác (tài sản tư) của ĐVSNCL.

Đầu tiên, cần phân tích khái niệm tài sản và phân loại tài sản công và tài sản tư theo pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm một số quốc gia mà Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc ví dụ như Pháp hay Liên Xô. Từ góc độ luật so sánh thì tài sản và phân loại tài sản là chế định pháp luật nền tảng, quan trọng của bất kỳ nền tài phán hoặc truyền thống pháp luật nào.[29] Luật so sánh cổ điển đã thành công trong việc xây dựng tri thức để nhận diện và phân loại các truyền thống pháp luật chính trên thế giới như Civil Law – Dân luật, Common Law – Thông luật, Socialist Law – Luật xã hội chủ nghĩa, Mixed Legal System – Luật hỗn hợp, Muslim Law – Luật Hồi giáo, Far East Law – Luật Đông Á… dựa trên một trong những chế định cơ bản mà mọi nền tài phán đều có là chế định tài sản và phân loại tài sản.[30]

Từ góc độ luật so sánh thì có thể đưa ra hai nhận xét ngắn gọn về khái niệm tài sản và phân loại tài sản thành tài sản công và tài sản tư. Thứ nhất, đa số các nền tài phán lớn trên thế giới đều nhìn nhận khái niệm tài sản theo pháp luật là một khái niệm động, có thể thay đổi qua thời gian để có thể bao quát các hiện tượng mới nổi. Do vậy, gần như không có quốc gia nào đưa ra một khái niệm chính thức, cứng về tài sản trong pháp luật thành văn của quốc gia mình trừ Việt Nam.[31]

Thứ hai, thay vào việc đưa ra một định nghĩa cứng về tài sản thì các quốc gia lại thường xuyên xây dựng các cách phân loại tài sản dựa trên các tiêu chí khác nhau. Các quốc gia thuộc truyền thống pháp luật châu Âu lục địa vốn chịu ảnh hưởng của luật La Mã như Pháp, Đức và kể cả Liên Xô về cấu trúc và kỹ thuật pháp lý thường xuyên phân loại tài sản thành tài sản/vật vô hình (biens incorporels) và tài sản/vật hữu hình (biens corporels); bất động sản và động sản; quyền đối vật (rights in rem) và quyền đối nhân (rights in persona); và tài sản công (biens publics) và tài sản tư (biens privés) bên cạnh các cách phân loại khác.[32] Thực ra, luật La Mã phân loại tài sản (things) thành common (không thuộc sở hữu của ai), public (sở hữu công), và private (sở hữu tư nhân).[33] Cách phân loại tài sản thành ba loại này vẫn còn được lưu giữ trong pháp luật của nhiều nền tài phán chịu ảnh hưởng của luật La Mã và luật của Pháp ví dụ như Bộ luật Dân sự của tiểu bang Louisiana với khuynh hướng chuyển dịch trọng tâm từ sở hữu công (public things) sang sử dụng công (public use). Như vậy, một tài sản sẽ được coi là công hay tư không chỉ dựa trên chủ thể sở hữu mà còn dựa vào mục đích sử dụng của tài sản. Có những tài sản có thể do Nhà nước sở hữu nhưng vẫn là tài sản tư nếu nó không phục vụ cộng đồng như những tài sản sử dụng riêng cho một pháp nhân công. Ngược lại có những tài sản do nhà nước sở hữu khi nó sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng như đường xá, cầu, cảng thì sẽ được xem là tài sản công.[34] Một quan sát khác cho biết dường như tồn tại hai cách tiếp cận để pháp điển hóa tài sản công. Cách thứ nhất là pháp điển hóa luật chuyên ngành về tài sản công dù vẫn duy trì các quy định chung về tài sản có thể là ở trong Bộ luật Dân sự. Như vậy trên thực thế thì luật áp dụng cho tài sản công và tài sản tư sẽ có sự khác biệt. Đây là cách của nhiều nước theo truyền thống Dân luật. Cách thú hai là không ban hành luật riêng về tài sản công. Mà áp dụng quy định chung của luật tài sản cho cả tài sản công và tài sản tư. Ví dụ như các nước Thông luật.[35] Như vậy, Việt Nam có vẻ tương đồng với cách tiếp cận của các nước theo truyền thống Dân luật. Tuy nhiên, thực tiễn phân loại và điều chỉnh tài sản công và tài sản tư ở một số nền tài phán lớn trên thế giới cũng hết sức đa dạng với nhiều điểm tương đồng lẫn khác biệt.[36]

Ở Việt Nam, pháp luật tài sản kể từ thời Pháp thuộc tới hiện tại đã trải qua nhiều lần thay đổi theo các truyền thống và cấu trúc khác nhau. Tuy nhiên, dường như dù là Pháp hay Liên Xô và giờ là luật quốc nội thì pháp luật tài sản vẫn có một điểm hội tụ nằm ở việc gắn tài sản với các vật quyền, đặc biệt là quyền sở hữu và cách phân loại tài sản thành tài sản công và tài sản tư. Ví dụ như Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 sau khi phân loại tài sản thành bất động sản và động sản thì đã tiếp tục phân loại các tài sản đó thành tài sản thuộc sở hữu công và tài sản của riêng tư nhân.[37] Sau khi giành được độc lập, Việt Nam du nhập mô hình pháp luật tài sản xã hội chủ nghĩa của Xô Viết cũng trên căn bản phân loại tài sản thành tài sản xã hội chủ nghĩa bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (tức là sở hữu của toàn dân) và tài sản thuộc quyền sở hữu của hợp tác xã và các tổ chức hợp pháp khác của nhân dân (tức là sở hữu của tập thể) và tài sản riêng hay tài sản tư hữu của công dân.[38] Cho tới Bộ luật Dân sự 1995, 2005 và 2015 thì tuy có điểm khác biệt với truyền thống pháp luật dân sự châu Âu lục địa là cả bộ luật này đều đưa ra một định nghĩa tài sản theo kinh nghiệm của các bộ luật dân sự Xô Viết cũ theo đó tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.[39] Nhưng mặt khác cả ba bộ luật này vẫn duy trì cách phân loại tài sản thành sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân bên cạnh các loại hình sở hữu khác và cách phân loại kiểu này vẫn được tiếp tục duy trì với những thay đổi không đáng kể về bản chất và hình thức qua các bộ luật, vẫn gắn chặt với chế định vật quyền cơ bản nhất là quyền sở hữu. Một bổ sung có tính cách hình thức nhưng lại khá hệ trọng là Bộ luật Dân sự 2015 đã minh thị sử dụng thuật ngữ tài sản công để chỉ tài sản thuộc sở hữu toàn dân[40], mở đường cho việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Cùng với một loạt luật khác có liên quan như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu… tạo nên một hệ thống các quy phạm pháp luật khá tách biệt điều chỉnh việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công ở Việt Nam trong đó có quyền sử dụng tài sản công làm tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của ĐVSNCL.

Tuy có sự tách biệt nhưng cũng cần khẳng định lại là tài sản công là một loại tài sản thuộc hình thức sở hữu toàn dân. Các quy định chung nhất về tài sản, quyền sở hữu và quyền khác với tài sản, các chi phân quyền sở hữu, chiếm hữu, căn cứ xác lập quyền, bảo vệ quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, thời hiệu có liên quan tới tài sản công đều được điều chỉnh trong bộ luật dân sự với tư cách là luật gốc, luật chung. Các luật khác điều chỉnh tài sản công cần được nhìn nhận là luật chuyên ngành trong mối quan hệ với bộ luật dân sự.[41] Do đó, nguyên tắc áp dụng luật vẫn là ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành nhưng nếu luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng các quy định chung của bộ luật dân sự. Cách hiểu này sẽ giúp bổ khuyết cho các thiếu sót cơ bản tồn tại trong các luật chuyên ngành liên quan tới tài sản công.

3.2. Các loại tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam quy định doanh nghiệp phải có vốn điều lệ. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.[42] Muốn trở thành cổ đông hay thành viên công ty thì cá nhân, tổ chức phải góp vốn tức là góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.[43] Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác hay chính là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tài sản đó có thể là bất động sản hoặc động sản; tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; tài sản thuộc sở hữu toàn dân nếu luật cho phép, sở hữu riêng hoặc sở hữu chung; tài sản cố định vô hình hoặc tài sản cố định hữu hình… Luật cũng nhấn mạnh chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp (chắc là với tài sản riêng) hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối (chắc là tài sản công) mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.[44]

Góp vốn là một hợp đồng có hiệu lực chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người góp vốn sang người nhận góp vốn. Góp vốn là hợp đồng cùng loại với các hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay. Do đó, Luật Doanh nghiệp yêu cầu để góp vốn thì phải chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ thành viên, cổ đông sang cho doanh nghiệp.[45] Yêu cầu này là tương đồng với các quy định của luật công ty trên thế giới và cũng để đáp ứng yêu cầu pháp nhân phải có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác của Bộ luật Dân sự 2015.[46] Trừ một số trường hợp cụ thể khi luật quy định rõ vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp trong một số ngành nghề kinh doanh nhất định thì luật doanh nghiệp không quy định rõ mức vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, luôn luôn phải có vốn điều lệ tức là phải góp vốn bằng tài sản bất kể giá trị nhiều hay ít. Do đó, ĐVSNCL khi thành lập doanh nghiệp thì cũng phải góp vốn bằng tài sản của mình. Cho đến giờ, pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam có vẻ vẫn chưa chấp nhận góp vốn bằng những thứ phi tài sản ví dụ như uy tín cá nhân để thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, như trên đã phân tích hiện đang tồn tại một quan điểm khá phổ biến đặc biệt là của một số cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên, kế toán viên các ĐVSNCL cho rằng toàn bộ tài sản do ĐVSNCL xác lập quyền sở hữu hay được giao quản lý, sử dụng thì đều là tài sản công. Hay nói cách khác ĐVSCNL không có tài sản nào thuộc sở hữu riêng hoặc tài sản thuộc sở hữu chung của mình. Theo cách hiểu này thì toàn bộ tài sản của ĐVSNCL bao gồm cả hành vi pháp lý góp vốn bằng tài sản công để thành lập doanh nghiệp sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành trước. Cách hiểu này sẽ tạo ra ba điểm nghẽn thể chế lớn, cản trở hành vi pháp lý thành lập doanh nghiệp của ĐVSNCL. Và do đó, cũng cản trở luôn mục tiêu thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm của đất nước.

Thứ nhất, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có một yêu cầu mang tính cấm đoán đặt ra đối với việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết là “Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao”.[47] Chỉ với quy định này thôi thì toàn bộ yêu cầu phải chuyển giao quyền sở hữu với tài sản khi góp vốn thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp đã trở thành vô nghĩa. ĐVSNCL sẽ không bao giờ có quyền và dám quyết định sử dụng tài sản công lập để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Vi phạm yêu cầu này còn có thể phạm tội hình sự ví dụ như tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.[48] Có lẽ vì lo ngại này mà Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã phải thay đổi ý nghĩa của khái niệm góp vốn khi sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết. Theo Nghị định 151 thì góp vốn không còn nghĩa là chuyển giao quyền sở hữu tài sản công sang cho doanh nghiệp nữa mà chỉ là việc: “các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và hợp đồng liên doanh, liên kết.”[49]

Thứ hai, theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì ĐVSNCL chỉ được dùng tài sản công để (1) kinh doanh; (2) cho thuê; (3) liên doanh, liên kết với với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước không thành lập pháp nhân mới hoặc có thành lập pháp nhân mới.[50] Cách hiểu phổ biến hiện này là ĐVSNCL chỉ được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức khác chứ không được tự mình thành lập pháp nhân mới (bao gồm cả doanh nghiệp) mà chỉ có thể tham gia thành lập doanh nghiệp ví dụ như công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Cách hiểu hạn hẹp này không chỉ bắt nguồn từ ngữ nghĩa của các quy định có liên quan[51] mà rõ ràng còn bắt nguồn từ tư duy coi ĐVSNCL như nhà nước và chỉ được làm những gì luật cho phép một cách rất cứng nhắc. Mà kể cả khi liên doanh, liên kết cùng cá nhân, tổ chức khác thì ĐVSNCL cũng không được chuyển giao quyền sở hữu tài sản công để góp vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp. Như vậy là không đảm bảo tuân thủ yêu cầu của Luật Doanh nghiệp và có thể cả Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện công nhận pháp nhân như đã phân tích ở trên.

Thứ ba, trừ các tài sản không phải định giá là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng[52] thì với các tài sản công khác khi ĐVSNCL sử dụng để góp vốn vào mục đích liên doanh, liên kết thì phải xác định giá.[53] Thực tiễn ban hành và thực hiện các quy định xác định giá tài sản công hiện nay là rất khó khăn và gần như không thể áp dụng được trên thực tế. Đặc biệt là với tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước (toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách nhà nước). Một mặt là đang tồn tại các quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau về xác định giá trị của cùng một loại tài sản công, ví dụ như quyền sử dụng đất.[54] Nguyên nhân khác là với một số tài sản công đặc thù như quyền sở hữu trí tuệ hay với tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước thì gần như chưa có bất kỳ thực tiễn nào mà một doanh nghiệp thẩm định giá hoặc tổ chức có chức năng tư vấn về giá phát hành cung cấp chứng thư thẩm định giá và báo cáo kết quả thẩm định giá theo quy định của hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hoặc báo cáo kết quả xác định giá trị tài sản.[55] Một lý do quan trọng là các chủ thể này sợ trách nhiệm trước tình trạng có nhiều phương pháp định, thẩm định giá khác nhau có thể dẫn tới kết quả có thể sai lệch. Mà nếu kết quả sai lệch thì các chủ thể này có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc kể cả hình sự. Tuy Nghị quyết 193 đã mạnh dạn bỏ quy trình, thủ tục về việc giao quyền quản lý, sử dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Và đồng thời mạnh dạn trao quyền sở hữu quyền tài sản đối với các kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ của người khác mà không cần thực hiện thủ tục về việc giao quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì. Nhưng khi bán, chuyển nhượng tài sản; góp vốn bằng tài sản để liên doanh, liên kết có hình thành pháp nhân mới thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Vậy là vẫn quay về với điểm xuất phát của một vòng luẩn quẩn không lối thoát.[56]

3.3. Phân loại tài sản góp vốn của đơn vị sự nghiệp công lập

Nhận thức nêu trên coi toàn bộ tài sản của ĐVSNCL bất kể nguồn gốc và căn cứ xác lập đều là tài sản công không chỉ là một nhận thức sai lầm cả về khoa học pháp lý lẫn pháp luật thực định mà còn gây tác hại to lớn là làm vô hiệu hóa toàn bộ các quy định tiến bộ trao quyền và thúc đẩy ĐVSNCL góp vốn thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ do đơn vị sở hữu. Qua đó góp phần vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia dân tộc. Một phần nguyên do của nhận thức sai lầm này có lẽ đến từ việc cán bộ, công chức, viên chức áp dụng luật chưa có kiến thức đầy đủ về luật tài sản, bao gồm một hệ thống các quy định ở nhiều nguồn luật khác nhau bao gồm cả bộ luật dân sự, luật ngân sách nhà nước, luật phí lệ phí, luật giá… Từ đó mới có thể có nhận thức đầy đủ về tài sản và phân loại tài sản của ĐVSNCL. Một phần lý do là tư duy làm việc theo lối mòn, thói quen tuy dễ cho mình nhưng lại thiếu đi sự suy xét, phản biện để hiểu rõ quy định khi áp dụng.

Đầu tiên, cần xác định một cách khái quát các loại tài sản mà ĐVSNCL có quyền sở hữu hoặc sử dụng. Sau đó cần phân loại các loại tài sản này là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân hay tài sản tư thuộc sở hữu riêng hoặc chung của ĐVSNCL.

Đầu tiên, có thể nhận định rằng ĐVSNCL sở hữu hoặc sử dụng nhiều loại tài sản khác nhau. Danh mục tài sản này rất đa dạng gồm cả bất động sản hoặc động sản. Khó có thể liệt kê đầy đủ các loại tài sản song các tài sản cơ bản bao gồm a) Đất và tài sản gắn liền với đất: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ ; b) Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị; lợi nhuận thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân; tiền thu từ cho thuê tài sản công. Trong số các tài sản đó có cả tài sản công và tài sản thuộc sở hữu pháp nhân được hình thành theo đúng quy định pháp luật. Bảng phân loại dưới đây cho thấy tài sản công và tài sản tư của ĐVSNCL.

Bảng 1: Tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

STTTài sản côngCăn cứ
1Đất và tài sản gắn liền với đất: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ. Nếu do Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước Điều 28 & 29 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 
2Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị. Nếu do Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước Điều 28 & 29 Luật quản lý, sử dụng tài sản công
3Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệuNếu do Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước Điều 28 & 29 & Khoản 4 Điều 54 Luật quản lý, sử dụng tài sản công;
4Tiền thuộc ngân sách nhà nướcLuật Ngân sách nhà nước và khoản 1 Điều 11 Nghị định 60/2021/NĐ-CP 
5Vốn đầu tư côngLuật Đầu tư công
6Tiền thu từ phí và lệ phí bao gồm cả nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phíLuật Phí và lệ phí
7Tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nướcLuật Khoa học & Công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị quyết 193
8Vốn ODA, vốn vay ưu đãiNghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
9Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luậtĐiều 106 & 107 Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. 
10Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; Tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.Điểm b, c Điều 50 Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Chú ý chỉ tài sản được hình thành từ hoặc được đầu tư mua sắm mới là tài sản công. Còn tự thân vốn vay hay quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là tài sản tư thuộc sở hữu riêng của ĐVSNCL như phân tích ở dưới.

Bảng 2: Tài sản tư thuộc sở hữu riêng hoặc chung của ĐVSNCL

STTTài sản riêngCăn cứ
1Tiền thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công ví dụ như học phí, viện phí, lệ phí tuyển sinh etc Chú ý, học phí, viện phí, lệ phí tuy có chữ phí nhưng bản chất là giá dịch vụ theo quy định pháp luật về giá chứ không phải là phí hoặc lệ phí theo pháp luật phí và lệ phí. Do đó, tiền thu từ học phí hay viện phí không phải là nguồn thu thuộc ngân sách nhà nước và do đó không phải là tài sản công.Luật Giá và Luật Ngân sách nhà nước. Không nằm trong danh sách tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công
2Tiền thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp côngĐiểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Không nằm trong danh sách tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công
3Tiền thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công. Điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Không nằm trong danh sách tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công
4Nguồn vốn vay; vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luậtTrừ ODA là tài sản công. Không nằm trong danh sách tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công
5Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có) ví dụ như tài sản được cá nhân và pháp nhân trong và ngoài nước tặng cho ĐVSNCLKhông nằm trong danh sách tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công
6Tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước; Nếu do ĐVSNCL tự xác lập quyền sở hữu bằng các nguồn thu liệt kê từ 1-5 ở bảng này; không phải do nhà nước giao hoặc mua sắm bằng ngân sách nhà nước; Luật sở hữu trí tuệ và Nghị quyết 193.
7Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị; Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu nếu không phải do Nhà nước giao.Nếu do ĐVSNCL tự xác lập quyền sở hữu bằng các nguồn thu liệt kê từ 1-5 ở bảng này; không phải do nhà nước giao hoặc mua sắm bằng ngân sách nhà nước 

Như vậy, với tài sản công ở Bảng 1 thì ĐVSNCL có thể sử dụng để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới (doanh nghiệp) theo các trình tự, thủ tục, điều kiện, thẩm quyền do pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định. Tuy nhiên, qua phân tích ở trên có thể thấy pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chính là một điểm nghẽn thể chế lớn ngăn cản và làm triệt tiêu mọi hoạt động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhất là thương mại hóa sản phẩm của các ĐVSNCL; ngăn cản các ĐVSNCL đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cần phải nghiên cứu sâu để cải cách các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; mạnh mẽ tháo gỡ các rào cản có liên quan nếu thật sự mong muốn thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Ngược lại, với các tài sản tư thuộc quyền sở hữu riêng của ĐVSNCL ở Bảng 2 thì đơn vị hoàn toàn có quyền sở hữu đầy đủ giống như các cá nhân và pháp nhân khác theo pháp luật dân sự và pháp luật doanh nghiệp. Do đó, ĐVSNCL có quyền định đoạt tài sản tư của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp mà không cần phải tuân thủ các quy định quản lý, sử dụng tài sản công vốn là rào cản đang triệt tiêu động lực và hoạt động thương mại hóa sản phẩm của ĐVSNCL. Cũng có thể tồn tại ý kiến cho rằng do Nghị định 60/2021/NĐ-CP không minh thị quy định cho phép ĐVSNCL được phép dùng các tài sản tư này để góp vốn thành lập doanh nghiệp do đó ĐVSNCL không được phép làm. Lập luận này hoàn toàn có thể bị bác bỏ như sau:

Thứ nhất, thẩm quyền và nội dung chi thường xuyên giao tự chủ và chi thường xuyên không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của ĐVSNCL được quy định trong nghị định, một văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành. Chính phủ hoàn toàn có thể ban hành một nghị định khác để bổ sung thẩm quyền và nội dung chi cho phép ĐVSNCL được sử dụng các tài sản tư của ĐVSNCL nhất là nguồn thu hoạt động sự nghiệp để làm tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Thứ hai, bản thân Nghị định 60/2021/NĐ-CP cũng để mở khả năng sử dụng các tài sản tư của ĐVSNCL nhất là nguồn thu hoạt động sự nghiệp để làm tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 12.

Thứ ba, như trên đã lập luận ĐVSNCL không phải Nhà nước hay cơ quan nhà nước. Do đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì ĐVSNCL có quyền làm tất cả những gì luật không cấm thay vì chỉ được làm những gì luật cho phép. Không có quy định thuộc bộ luật hay đạo luật nào do Quốc hội ban hành cấm ĐVSNCL được sử dụng tài sản tư của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Kết luận

Qua phân tích câu hỏi nghiên cứu từ góc độ khoa học pháp lý, luật so sánh và nhất là phân tích pháp luật thực định như đã trình bày, có thể thấy ĐVSNCL không phải là Nhà nước hay cơ quan nhà nước chịu sự điều chỉnh của nguyên tắc chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Trái lại, ĐVSNCL là một pháp nhân phi thương mại có năng lực pháp luật không bị hạn chế trừ khi có quy định của luật do Quốc hội ban hành. Do đó, toàn bộ ĐVSNCL đều có quyền thành lập và góp vốn thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam. Quan trọng hơn không phải tất cả tài sản của ĐVSNCL đều là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân. Các tài sản của ĐVSNCL có thể là tài sản công mà đơn vị có quyền quản lý, sử dụng hoặc tài sản tư thuộc quyền sở hữu riêng hoặc chung của đơn vị. Đối với cả hai loại tài sản này thì ĐVSNCL đều có quyền đinh đoạt để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu là tài sản công thì cần tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công khi góp vốn liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới. Còn nếu là tài sản tư thì ĐVSNCL có quyền tự định đoạt theo quy định của pháp luật daân sự và pháp luật về doanh nghiệp./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Công trình nghiên cứu

1. Tổng bí thư Tô Lâm, Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (20 tháng 03 năm 2025) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-119241021113227895.htm

2. ĐINH VĂN TOÀN (CHỦ BIÊN), PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ ĐẾN THỰC TIỄN VIỆT NAM (SÁCH CHUYÊN KHẢO), NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI (2019).

3. TRƯƠNG NHẬT QUANG, PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN, NXB DÂN TRÍ, HÀ NỘI, (TÁI BẢN LẦN 2, 2024).

4. NGUYỄN QUỐC SỬU, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG Ở VIỆT NAM, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI (2022)

5. TẠ NGỌC HẢI, ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, (2023)


6. NGUYỄN MINH PHƯƠNG, TỔ CHỨC LẠI HỆ THỐNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 13-24 (2021)

7. TỔNG CỤC THỐNG KÊ, TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021: KẾT QUẢ SƠ BỘ, NXB THỐNG KÊ, HÀ NỘI, 88-92 (2022).

8. DAG DETTER & STEFAN FOLSTER, QUẢN LÝ HIỆU QUẢ TÀI SẢN CÔNG, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 87-115 (2017)

9. ĐINH TUẤN MINH & PHẠM THẾ ANH (CHỦ BIÊN), TỪ NHÀ NƯỚC ĐIỀU HÀNH SANG NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN, NXB TRI THỨC, HÀ NỘI, 378 – 425 (2016)

10.ĐINH TRUNG TỤNG (CHỦ BIÊN), BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 QUYỀN 1 BÌNH LUẬN PHẦN THỨ NHẤT VÀ PHẦN THỨ HAI, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 151 – 209 (2021).

11.MICHELE GRAZIADEI AND LIONEL D SMITH (EDS), COMPARATIVE PROPERTY LAW: GLOBAL PERSPECTIVES, EDWARD ELGAR PUBLISHING, LONDON (2017); SJEF VAN ERP, ‘COMPARATIVE PROPERTY LAW’ IN MATHIAS REIMANN AND REINHARD ZIMMERMANN (EDS), SJEF VAN ERP, THE OXFORD HANDBOOK OF COMPARATIVE LAW, OXFORD UNIVERSITY PRESS, OXFORD (2006).

12.RENE DAVID & JOHN.E.C. BRIERLEY, MAJOR LEGAL SYSTEMS IN THE WORLD TODAY: AN INTRODUCTION TO THE COMPARATIVE STUDY OF LAW, BRIERLEY. STEVENS & SONS, LONDON, 1-22; 81-94; 290-296; 335-352 (3RD ED, 1985)

13.KONRAD ZWEIGERT & HEIN KÖTZ, AN INTRODUCTION TO COMPARATIVE LAW: VOLUME I, CLARENDON PRESS, LONDON, 63-76 (TONY WEIR TRANS, 2ND REVISED EDITION, 1987).

14.SOPHIE SCHILLER, DROIT DES BIENS, DALLOZ, PARIS, 18 (10E ÉD, 2021);

15.WILLIAM BLACKSTONE, COMMENTARIES ON THE LAWS OF ENGLAND, THE LEGAL CLASSICS LIBRARY, LONDON, VOL II, BK II, CH 1, 2 ( 1765).

16.CHRISTIAN LARROUMET AND BLANDINE MALLET-BRICOUT, TRAITÉ DE DROIT CIVIL. TOME 2: LES BIENS, DROITS RÉELS PRINCIPAUX, ECONOMICA, PARIS, 8 (6E ÉD, 2019).

17.I.2.1.1 JUSTINIAN’S INSTITUTES, CORNELL UNIVERSITY PRESS, (PETER BIRKS & GRANT MCLEOD TRANS, 1987).

18.H MAURER, DROIT ADMINISTRATIF ALLEMAND, LGDJ, 53 (1994).

19.PIERRE BON, JEAN-BERNARD AUBY AND PHILIPPE TERNEYRE, DROIT ADMINISTRATIF DES BIENS, DALLOZ, 6 (2020).

20.N. Yiannopoulos, Common, Public, and Private Things in Louisiana: Civilian Tradition and Modern Practice Law. L. Rev số 21, 697-748 (1961) lên mạng ngày 20 tháng 03 năm 2025 https://digitalcommons.law.lsu.edu/lalrev/vol21/iss4/3

21.Ngô Huy Cương, Tổng quan về luật tài sản, VNU Journal of Science: Legal Studies số 19, 41 - 52 (2003).

22.Christophe Grzegorczyk, ‘Le Concept De Bien Juridique : L’impossible Définition ?’ (1979) Tome 24 : Les Biens Et Les Choses Archives De Philosophie Du Droit 259

23.Lương Thanh Cường, Bàn thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước số 321, 9, 9-14 (2021)

24.Nguyễn Thành Phương, Pháp luật về cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập – Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn số 46, 63-71 (2021)

25.Phạm Thị Thúy Hằng, Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quản, quản lý sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghệ An, Kinh tế & Phát triển số 324, 70-77 (2024)

26.Nguyễn Thị Hải Vân & Nguyễn Khắc Linh, Giải pháp hoàn thiện quản lý tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Mở Hà Nội số 80, 13 – 20 (2021)

27.Thái Thị Tuyết Dung, Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập – Từ thực tiễn của các cơ sở giáo dục đại học công lập, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ - Kinh tế-Luật và Quản lý số 7(S1), 128-134 (2023)

28.Mai Hữu Bốn, Luận bàn về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập từ thực tiễn tự chủ đại học, Tạp chí Công Thương số 20 (2024) tại https://tapchicongthuong.vn/luan-ban-ve-tu-chu-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-tu-thuc-tien-tu-chu-dai-hoc-131442.htm?print=print

29.Lê Thị Thu Hằng, Giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Quản lý nhà nước số 346, 23-28 (2024)

30.Phùng Văn Hiền & Phùng Thị Thùy Linh, Quản lý tài chính, tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Quản lý nhà nước số 331, 64-67 (2023)

Văn bản quy phạm pháp luật

1. Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

2. Nghị quyết 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 Quốc hội của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

3. Luật Chuyển giao công nghệ - Luật số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung năm 2023).

4. Luật Thủ đô – Luật số 39/2024/QH15 ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội.

5. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp – Luật số 69/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội.

6. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công – Luật số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung các năm 2021, 2022, 2023, 2024).

7. Luật Viên chức – Luậtsố 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

8. Bộ luật Dân sự - Luật số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội.

9. Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi bổ sung năm 2022).

10.Luật Giáo dục đại học – Luật số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung 2013, 2014, 2015, 2018).

11.Luật Khoa học và Công nghệ - Luật số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung năm 2018 và 2022).

12.Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931.

13.Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21 tháng 10 năm 1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

14.Bộ luật Dân sự 1995

15.Bộ luật Dân sự 2005;

16.Bộ luật Hình sự - Luật số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung năm 2017).

17.Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

18.Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

19.Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước;

20.Thông tư 10/2019/TT-BTC ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN.

* PGS.TS Trần Kiên, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Luật So sánh. Duyệt đăng 15 tháng 4 năm 2025. Email: trankienlaw@gmail.com

** Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 505.01-2021.03

[1] Tổng Bí thư Tô Lâm, Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (20 tháng 03 năm 2025) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-119241021113227895.htm

[2] Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

[3] Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

[4] Về khái niệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xem thêm quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung năm 2023).

[5] Điều 3 Nghị quyết số 193/2025/QH15.

[6] Khoản 4 Điều 23 Luật Thủ đô – Luật số 39/2024/QH15 ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội.

[7] Nghiên cứu có liên quan nhất lại là một nghiên cứu từ góc độ kinh tế học. ĐINH VĂN TOÀN (CHỦ BIÊN), PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC: TỪ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ ĐẾN THỰC TIỄN VIỆT NAM (SÁCH CHUYÊN KHẢO), NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI (2019).

[8] Ví dụ như TRƯƠNG NHẬT QUANG, PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN, NXB DÂN TRÍ, HÀ NỘI (TÁI BẢN LẦN 2, 2024). Hay NGUYỄN QUỐC SỬU, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG Ở VIỆT NAM, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI (2022) và TẠ NGỌC HẢI, ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, (2023)

[9] NGUYỄN MINH PHƯƠNG, TỔ CHỨC LẠI HỆ THỐNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXBCHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 13-24 (2021),.

[10] Lương Thanh Cường, Bàn thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay Tạp chí Quản lý nhà nước số 321, 9, 9-14 (2021)

[11] TỔNG CỤC THỐNG KÊ, TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021: KẾT QUẢ SƠ BỘ, NXB THỐNG KÊ, HÀ NỘI, 88-92 (2022).

[12] DAG DETTER & STEFAN FOLSTER, QUẢN LÝ HIỆU QUẢ TÀI SẢN CÔNG, NX B CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 87-115 (2017); ĐINH TUẤN MINH & PHẠM THẾ ANH (CHỦ BIÊN), TỪ NHÀ NƯỚC ĐIỀU HÀNH SANG NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN, NXB TRI THỨC, HÀ NỘI, 378 – 425 (2016); NGUYỄN MINH PHƯƠNG, TỔ CHỨC LẠI HỆ THỐNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXBCHÍNH TRỊ QUỐC GIA, 58-79 (2021); VÀ TẠ NGỌC HẢI, ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 27-52 (2023).

[13] NGUYỄN MINH PHƯƠNG, TỔ CHỨC LẠI HỆ THỐNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXBCHÍNH TRỊ QUỐC GIA, 24-27(2021).

[14] Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp – Luật số 69/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội.

[15] Điều 55, 58 Luật quản lý, sử dụng tài sản công – Luật số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung các năm 2021, 2022, 2023, 2024).

[16] Khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức – Luật số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

[17] NGUYỄN MINH PHƯƠNG, TỔ CHỨC LẠI HỆ THỐNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, 28-35 (2021).

[18] Điều 75 Bộ luật Dân sự - Luật số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội.

[19] Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

[20] Khoản 2, 3 Điều 9 Luật Viên chức.

[21] ĐINH TRUNG TỤNG (CHỦ BIÊN), BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 QUYỀN 1 BÌNH LUẬN PHẦN THỨ NHẤT VÀ PHẦN THỨ HAI, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 151 – 209 (2021).

[22] Khoản 1 Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015.

[23] Khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự 2015. “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

[24] Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.

[25] Điểm đ khoản 1 Điều 14 Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung 2013, 2014, 2015, 2018).

[26] Điều 13 Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung năm 2018 và 2022).

[27] Tác giả tạm dùng khái niệm tài sản tư để phân biệt với khái niệm tài sản công được quy định trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2025 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

[28] Nguyễn Thành Phương, Pháp luật về cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập – Thực trạng và kiến nghị Tạp chí Pháp luật và thực tiễn số 46, 63-71 (2021); Phạm Thị Thúy Hằng, Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quản, quản lý sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghệ An Kinh tế & Phát triển số 324, 70-77 (2024); Nguyễn Thị Hải Vân & Nguyễn Khắc Linh, Giải pháp hoàn thiện quản lý tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Mở Hà Nội số 80, 13 – 20 (2021); Thái Thị Tuyết Dung, Hoàn thiện quy định pháp luật về quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập – Từ thực tiễn của các cơ sở giáo dục đại học công lập Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ - Kinh tế-Luật và Quản lý số 7(S1), 128-134 (2023); Mai Hữu Bốn, Luận bàn về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập từ thực tiễn tự chủ đại học Tạp chí Công Thương số 20 (2024) ( 23/12/2024) https://tapchicongthuong.vn/luan-ban-ve-tu-chu-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-tu-thuc-tien-tu-chu-dai-hoc-131442.htm?print=print; Lê Thị Thu Hằng, Giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập Tạp chí quản lý nhà nước số 346, 23-28 (2024); Phùng Văn Hiền & Phùng Thị Thùy Linh, Quản lý tài chính, tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập Tạp chí Quản lý nhà nước số 331, 64-67 (2023);

[29] MICHELE GRAZIADEI AND LIONEL D SMITH (EDS), COMPARATIVE PROPERTY LAW: GLOBAL PERSPECTIVES, EDWARD ELGAR PUBLISHING, LONDON (2017); SJEF VAN ERP, ‘COMPARATIVE PROPERTY LAW’ IN MATHIAS REIMANN AND REINHARD ZIMMERMANN (EDS), SJEF VAN ERP, THE OXFORD HANDBOOK OF COMPARATIVE LAW, OXFORD UNIVERSITY PRESS, OXFORD (2006).

[30] RENE DAVID & JOHN.E.C. BRIERLEY, MAJOR LEGAL SYSTEMS IN THE WORLD TODAY: AN INTRODUCTION TO THE COMPARATIVE STUDY OF LAW, BRIERLEY. STEVENS & SONS, LONDON, 1-22; 81-94; 290-296; 335-352 (3RD ED, 1985); KONRAD ZWEIGERT & HEIN KÖTZ, AN INTRODUCTION TO COMPARATIVE LAW: VOLUME I, CLARENDON PRESS, LONDON, 63-76 (TONY WEIR TRANS, 2ND REVISED EDITION, 1987).

[31] SOPHIE SCHILLER, DROIT DES BIENS, DALLOZ, PARIS, 18 (10E ÉD, 2021); Christophe Grzegorczyk, ‘Le Concept De Bien Juridique : L’impossible Définition ?’ (1979) Tome 24 : Les Biens Et Les Choses Archives De Philosophie Du Droit 259 ; WILLIAM BLACKSTONE, COMMENTARIES ON THE LAWS OF ENGLAND, THE LEGAL CLASSICS LIBRARY, LONDON, VOL II, BK II, CH 1, 2 ( 1765). Ngô Huy Cương, Tổng quan về luật tài sản VNU Journal of Science: Legal Studies số 19, 41 - 52 (2003).

[32] CHRISTIAN LARROUMET AND BLANDINE MALLET-BRICOUT, TRAITÉ DE DROIT CIVIL. TOME 2: LES BIENS, DROITS RÉELS PRINCIPAUX, ECONOMICA, PARIS, 8 (6E ÉD, 2019).

[33] I.2.1.1 JUSTINIAN’S INSTITUTES, CORNELL UNIVERSITY PRESS, (PETER BIRKS & GRANT MCLEOD TRANS, 1987).

[34] A. N. Yiannopoulos, Common, Public, and Private Things in Louisiana: Civilian Tradition and Modern Practice La. L. Rev số 21, 697-748 (1961)

[35] H MAURER, DROIT ADMINISTRATIF ALLEMAND, LGDJ, 53 (1994).

[36] PIERRE BON, JEAN-BERNARD AUBY AND PHILIPPE TERNEYRE, DROIT ADMINISTRATIF DES BIENS, DALLOZ, 6 (2020).

[37] Điều 458, 459, 460, 461 Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931.

[38] Điều 1 Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21 tháng 10 năm 1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[39] Điều 172 Bộ luật Dân sự 1995; Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005; và khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.

[40] Điều 197 Bộ luật Dân sự 2015.

[41] Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015.

[42] Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.

[43] Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.

[44] Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020.

[45] Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020.

[46] Điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015.

[47] Điểm c khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017

[48] Điều 219 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội (sửa đổi bổ sung năm 2017).

[49] Điểm c khoản 4 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

[50] Điều 50-58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

[51] Khoản 4 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ

[52] Khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020.

[53] Khoản 3 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

[54] Điều 158 Luật Đất đai 2024; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017.

[55] Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; Thông tư 10/2019/TT-BTC ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN.

[56] Điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 Quốc hội

Cùng chuyên mục

Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

(PLPT) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ về hành vi đưa hối lộ; chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia trên về việc xác định hành vi đưa hối lộ, chủ thể tham gia, chứng cứ hối lộ và chế tài áp dụng đối với hành vi đưa hối lộ. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam.

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về xác định vị trí thống lĩnh thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trên nền tảng số trung gian tại Việt Nam.

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích khung pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; từ đó, nhận diện những hạn chế trong quy định của pháp luật thực định và thực tiễn thi hành để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và những biện pháp nâng cao đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ ở Việt Nam.

Một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ Các-bon ở Việt Nam

Một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ Các-bon ở Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ ý nghĩa của việc phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước cũng như thực trạng pháp luật Việt Nam về vấn đề này và từ đó đưa ra một số định hướng về phát triển nền tảng pháp lý cho thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam.

Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cùng với đó là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp của đối tượng này.

Thực trạng pháp luật Việt Nam về thu hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản

Thực trạng pháp luật Việt Nam về thu hồi giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động là một trong các chế tài đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản. Chế tài này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động và rút lui khỏi thị trường.