Nghiên cứu lý luận

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Vũ Thị Hoà Như Thứ sáu, 16/05/2025 - 09:59
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết sẽ phân tích hai quan điểm học thuật chính về vấn đề này, làm rõ quan điểm của tác giả và đồng thời đánh giá khả năng áp dụng ITS tại Việt Nam.

Tóm tắt: Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) thiết lập một cơ chế mới để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS), được gọi là "Investment Tribunal System" (ITS). ITS có cấu trúc hai cấp xét xử thường trực gồm cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ “Tribunal” và tính chất thường trực hai cấp này đã làm nảy sinh tranh luận về bản chất pháp lý của ITS: là “tòa án” đầu tư quốc tế hay là “trọng tài” cải tiến? Bài viết sẽ phân tích hai quan điểm học thuật chính về vấn đề này, làm rõ quan điểm của tác giả và đồng thời đánh giá khả năng áp dụng ITS tại Việt Nam.

Từ khoá: EVIPA, ISDS, Toà án đầu tư quốc tế, Trọng tài đầu tư quốc tế.

Abstract:The Investment Protection Agreement between Vietnam and the European Union (EVIPA) establishes a new mechanism for resolving investor-state disputes (ISDS), known as the Investment Tribunal System (ITS). This system features a two-tier permanent structure, comprising a first instance tribunal and an appellate tribunal. However, the use of the term “Tribunal” and the permanent two-level design has sparked debate over the legal nature of ITS: is it an international investment court or a reformed model of arbitration? This article analyzes the two main scholarly perspectives on this issue, clarifies the author’s viewpoint, and assesses the feasibility of applying ITS in the Vietnamese legal system.

Keywords: EVIPA, ISDS, International Investment Court, International Investment Arbitration.

1. Mở đầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng các dòng vốn đầu tư xuyên biên giới, việc xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư minh bạch, hiệu quả và có tính ràng buộc cao đang trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Những hạn chế của cơ chế trọng tài quốc tế truyền thống – như thiếu minh bạch, không thống nhất và nghi ngại về tính độc lập của trọng tài viên đã đặt ra yêu cầu cải cách mạnh mẽ, đặc biệt trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết năm 2019 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong xu hướng cải cách đó, khi lần đầu tiên thiết lập một hệ thống giải quyết tranh chấp đầu tư hai cấp xét xử thường trực – còn gọi là “Investment Tribunal System” (ITS). Tuy nhiên, chính sự đổi mới này cũng đặt ra một loạt câu hỏi về bản chất pháp lý của ITS: Liệu đây có phải là một thiết chế tư pháp mang dáng dấp của một “tòa án đầu tư quốc tế”, hay là sự kế thừa và cải tiến trong khuôn khổ pháp lý của trọng tài đầu tư truyền thống? Việc phân định ranh giới giữa hai mô hình – tòa án và trọng tài – không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức nội luật hóa EVIPA tại các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích lý luận, đối chiếu so sánh để làm rõ bản chất pháp lý của ITS; phương pháp bình luận để luận giải các quan điểm học thuật đang được tranh cãi, đưa ra quan điểm cá nhân và đồng thời đề xuất định hướng tiếp cận phù hợp cho Việt Nam trong việc tiếp nhận và vận hành ITS trong tương lai.

2. Khái quát nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) được ký kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, đồng thời với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế – đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Sự ra đời của EVIPA xuất phát từ nhu cầu thiết lập một khuôn khổ pháp lý hiện đại, toàn diện và nhất quán nhằm điều chỉnh hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU, thay thế cho hơn hai mươi hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư (BITs) vốn đã lỗi thời, thiếu tính đồng bộ và không còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn[1].

Ban đầu, EVFTA và EVIPA được đàm phán trong một hiệp định thương mại – đầu tư tổng thể. Tuy nhiên, do sự phân chia thẩm quyền pháp lý trong nội bộ EU sau Hiệp ước Lisbon năm 2009, nội dung về đầu tư được xác định là thuộc thẩm quyền hỗn hợp, tức phải được phê chuẩn không chỉ bởi Nghị viện châu Âu mà còn bởi nghị viện của từng quốc gia thành viên. Trong khi đó, các nội dung thương mại trong EVFTA lại nằm trong thẩm quyền độc quyền của EU nên có thể nhanh chóng phê duyệt và có hiệu lực thi hành.[2] Vì vậy, để không làm chậm trễ việc thực thi EVFTA, nội dung về đầu tư được tách riêng ra thành một Hiệp định – đó là EVIPA. Cách xử lý này của EU vừa đảm bảo tiến độ thực hiện cam kết thương mại, vừa phản ánh sự linh hoạt trong chiến lược đàm phán của hai bên, đồng thời phù hợp với định hướng cải cách thể chế giải quyết tranh chấp đầu tư mà EU đang theo đuổi.

Về nội dung cốt lõi, EVIPA tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: (i) các nguyên tắc bảo hộ đầu tư, bao gồm đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ khỏi truất hữu phi pháp, và nguyên tắc đối xử quốc gia; (ii) cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư (ISDS); và (iii) quy định về công nhận và thi hành phán quyết. Trong đó, điểm mới nổi bật và đồng thời cũng là nội dung gây nhiều tranh luận nhất chính là việc EVIPA thiết lập cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực hai cấp, thay thế cho mô hình trọng tài vụ việc vốn phổ biến trong các hiệp định đầu tư truyền thống. Cơ quan mới này bao gồm Cấp sơ thẩm và Cấp phúc thẩm, với danh sách thành viên được chỉ định trước và hoạt động theo quy tắc thủ tục nghiêm ngặt, hướng đến tăng cường tính minh bạch, nhất quán và công bằng của quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, bản chất pháp lý của cơ chế này hiện vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Thuật ngữ tiếng Anh được sử dụng trong EVIPA là “Investment Tribunal System” (ITS) và khi chuyển sang tiếng Việt, các nhà nghiên cứu có cách diễn đạt khác nhau. Chẳng hạn, PGS.TS Trần Việt Dũng gọi đây là "Tòa Trọng tài đầu tư"[3], trong khi tác giả Trần Thị Hải An, trong luận án của mình, lại sử dụng khái niệm “Toà Đầu tư thường trực” [4]. Một số bài nghiên cứu khác lại sử dụng các thuật ngữ như: Toà án đầu tư, Toà án đầu tư thường trực[5]… Về phía các cơ quan nhà nước Việt Nam, trong bản dịch chính thức của EVIPA, lựa chọn cụm từ "hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực"[6] với mục tiêu trung hòa giữa yếu tố pháp lý và thực tiễn triển khai. Do chưa có sự thống nhất tuyệt đối về cách gọi bằng tiếng Việt, trong phạm vi bài viết này, tác giả lựa chọn sử dụng thuật ngữ viết tắt ITS – theo tên gọi gốc trong văn bản EVIPA – để chỉ cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực hai cấp được thiết lập theo EVIPA. Còn về bản chất pháp lý thực sự của ITS – liệu đây là một thiết chế tài phán mang tính chất tòa án quốc tế hóa hay là một mô hình trọng tài cải tiến – sẽ tiếp tục được tác giả phân tích và làm rõ ở các phần nội dung tiếp theo.

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp của ITS trong EVIPA

Để tiếp cận một cách khách quan và toàn diện trong việc đánh giá bản chất pháp lý của ITS, tác giả bắt đầu từ việc phân tích các quy định cụ thể của Hiệp định liên quan đến tổ chức, thẩm quyền và phương thức hoạt động của cơ quan này.

Hiệp định EVIPA đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong cơ chế ISDS khi thiết lập một hệ thống giải quyết tranh chấp thường trực gồm hai cấp – Cấp Sơ thẩm và Cấp Phúc thẩm – thay thế cho mô hình trọng tài vụ việc vốn phổ biến trong các hiệp định đầu tư trước đây. Quá trình giải quyết tranh chấp tại hệ thống này được thiết kế theo trình tự thủ tục chặt chẽ, kết hợp giữa các biện pháp phi tài phán và tài phán. Có thể hình dung khái quát về quá trình giải quyết tranh chấp theo sơ đồ sau:

Khi nhìn vào sơ đồ, có thể thấy rằng tranh chấp không ngay lập tức được giải quyết bằng cơ chế ITS, mà trước tiên phải trải qua giai đoạn tiền tố tụng với các biện pháp thay thế, nhằm khuyến khích các bên đạt được giải pháp thân thiện, tiết kiệm chi phí và giữ gìn quan hệ hợp tác.

3.1.Giai đoạn tiền tố tụng

Việc giải quyết tranh chấp bắt đầu bằng biện pháp tham vấn. Khi phát sinh tranh chấp, nhà đầu tư cần gửi yêu cầu tham vấn bằng văn bản đến Nhà nước tiếp nhận đầu tư. Tham vấn phải được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu và kết thúc trong vòng 45 ngày, trừ khi các bên thỏa thuận tiếp tục tham vấn. Mục tiêu của giai đoạn này là tạo cơ hội cho các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp, tránh việc phải đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán[7]. Nếu tham vấn không đạt kết quả, các bên có thể thỏa thuận tiến hành thủ tục hòa giải theo Phụ lục 9 của EVIPA. Hòa giải viên có thể được chọn từ danh sách thành viên của ITS hoặc theo thỏa thuận của các bên. Quá trình hòa giải nhằm tìm kiếm giải pháp thân thiện và hiệu quả cho tranh chấp. Khi các bên không hoà giải thành thì tranh chấp được chuyển sang giai đoạn tố tụng với sự tham gia xét xử của ITS.

3.2. Giai đoạn tố tụng

Nếu tranh chấp không được giải quyết thông qua tham vấn hoặc hòa giải, nhà đầu tư có thể khởi kiện quốc gia tiếp nhận đầu tư tại ITS. ITS là môt cơ quan thường trực được tổ chức thành hai cấp : Cấp Sơ thẩm và cấp Phúc thẩm .

(i) Cấp sơ thẩm (được quy định tại Điều 3.38)

Cấp sơ thẩm được tổ chức theo hình thức thường trực, với tổng số 09 thành viên do Ủy ban EVIPA bổ nhiệm. Thành phần được cơ cấu cân bằng giữa các bên, cụ thể: 03 thành viên là công dân của một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, 03 thành viên là công dân Việt Nam, và 03 thành viên là công dân của quốc gia thứ ba. Các thành viên được bổ nhiệm có nhiệm kỳ 04 năm và chỉ được gia hạn một lần duy nhất. Tuy nhiên, để bảo đảm tính liên tục và ổn định trong giai đoạn đầu, 05 trong số 09 thành viên sẽ có nhiệm kỳ 06 năm, được xác định thông qua hình thức bốc thăm ngẫu nhiên sau ngày Hiệp định có hiệu lực. Trường hợp một vị trí bị khuyết, việc bổ sung phải được thực hiện kịp thời; người được bổ nhiệm thay thế sẽ tiếp tục thực hiện phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

Khi xét xử một vụ tranh chấp đầu tư cụ thể, Cấp sơ thẩm sẽ thành lập một Hội đồng gồm 03 thành viên, được lựa chọn từ danh sách các thành viên đã được chỉ định sẵn. Cơ cấu hội đồng xét xử được quy định rõ ràng để bảo đảm tính cân bằng và khách quan: 01 thành viên là công dân của Liên minh châu Âu, 01 thành viên là công dân Việt Nam, và 01 thành viên là công dân của nước thứ ba, trong đó thành viên là công dân nước thứ ba sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng.

(ii) Cấp Phúc thẩm (quy định tại Điều 3.39)

Cơ quan Phúc thẩm trong ITS của EVIPA được tổ chức dưới hình thức thường trực, gồm 06 thành viên do Ủy ban EVIPA chỉ định. Tương tự như cấp Sơ thẩm, để bảo đảm tính đại diện và khách quan, cơ quan này được hình thành trên cơ sở phân bổ đều theo quốc tịch, bao gồm: 02 thành viên là công dân của một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, 02 thành viên là công dân Việt Nam, và 02 thành viên là công dân của quốc gia thứ ba. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban EVIPA có thể quyết định điều chỉnh số lượng thành viên của Cơ quan Phúc thẩm, miễn là việc chỉ định bổ sung vẫn bảo đảm nguyên tắc cân bằng về quốc tịch như tại cấp Sơ thẩm.Về nhiệm kỳ, các thành viên cấp Phúc thẩm có nhiệm kỳ 04 năm và chỉ được gia hạn bổ nhiệm một lần. Để bảo đảm tính ổn định thể chế trong giai đoạn đầu thực thi Hiệp định, 03 trong số 06 thành viên sẽ được bốc thăm để đảm nhiệm nhiệm kỳ 06 năm, tính từ thời điểm EVIPA có hiệu lực. Trường hợp một vị trí bị khuyết, việc bổ sung phải được thực hiện ngay, và người kế nhiệm sẽ hoàn thành phần thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

Khi xét xử kháng cáo từ Cấp sơ thẩm, Cơ quan Phúc thẩm sẽ thành lập một hội đồng gồm 03 thành viên, được lựa chọn từ danh sách thành viên của chính cơ quan này. Cơ cấu của Hội đồng xét xử phúc thẩm tương tự như ở cấp sơ thẩm, gồm một công dân EU, một công dân Việt Nam, và một công dân nước thứ ba; trong đó, thành viên là công dân nước thứ ba sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng. Như vậy, hai cấp của ITS trong EVIPA đều được tổ chức theo mô hình thường trực, còn Hội đồng xét xử vụ việc tại mỗi cấp chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp cụ thể, nhằm cân bằng giữa tính chuyên nghiệp hóa và hiệu quả chi phí trong vận hành hệ thống.

Về trình tự thủ tục, sau khi các thủ tục tham vấn, hòa giải hoặc trung gian không đạt kết quả, nhà đầu tư có thể khởi kiện vụ việc ra ITS. Vụ việc sẽ được chuyển đến cấp Sơ thẩm để thành lập hội đồng xét xử và tiến hành tố tụng. Tại cấp Sơ thẩm, sau khi hội đồng ba thành viên được thành lập, các bên trong tranh chấp sẽ được thông báo về các bước tiến hành tố tụng, bao gồm thời hạn nộp bản trình bày, phản biện, cung cấp chứng cứ, tổ chức phiên điều trần và các thủ tục khác theo quy tắc tố tụng thống nhất. Quá trình xét xử được thực hiện theo hướng minh bạch và công khai, có thể cho phép sự tham gia của bên thứ ba với tư cách bên có lợi ích liên quan. Sau khi xem xét đầy đủ lập luận, chứng cứ và tranh tụng của các bên, hội đồng Sơ thẩm sẽ ban hành phán quyết sơ thẩm, có giá trị ràng buộc và có thể bị kháng cáo.

Trong trường hợp một bên không đồng ý với kết quả xét xử sơ thẩm, họ có quyền kháng cáo lên cấp Phúc thẩm trong thời hạn được quy định. Cơ quan Phúc thẩm sẽ thành lập hội đồng xét xử gồm ba thành viên để xem xét lại toàn bộ hoặc một phần phán quyết sơ thẩm, dựa trên các căn cứ cụ thể, bao gồm: (i) sai sót trong áp dụng pháp luật; (ii) sai sót nghiêm trọng trong đánh giá chứng cứ hoặc diễn giải sự kiện; và (iii) vi phạm thủ tục có thể ảnh hưởng đến kết quả vụ việc. Hội đồng Phúc thẩm có thẩm quyền giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy phán quyết của cấp Sơ thẩm. Phán quyết của cấp Phúc thẩm là cuối cùng và có giá trị chung thẩm, không được tiếp tục kháng cáo hay xem xét lại trong khuôn khổ cơ chế ITS của EVIPA. Cả hai cấp đều hoạt động theo nguyên tắc tố tụng đã được các Bên thỏa thuận sẵn, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong giải quyết tranh chấp đầu tư.

4. Bản chất pháp lý của ITS trong EVIPA

Khi xuất hiện, cơ chế ITS trong EVIPA đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý đáng chú ý, đặc biệt liên quan đến việc xác định bản chất của hệ thống này trong mối quan hệ với trọng tài đầu tư truyền thống và tòa án quốc tế. Việc thiết kế một hệ thống có tính chất kết hợp giữa tính thường trực và tính trọng tài đã làm phát sinh hai quan điểm học thuật cần được làm rõ. Quan điểm thứ nhất cho rằng ITS mang bản chất của một tòa án đầu tư thường trực, với đầy đủ tính chất của cơ quan tư pháp. Trong khi đó, quan điểm thứ hai nhấn mạnh rằng ITS, xét về bản chất pháp lý, vẫn là một cơ chế trọng tài đầu tư được cải tiến. Sau đây tác giả sẽ phân tích cơ sở lập luận của từng quan điểm và đồng thời thể hiện quan điểm của cá nhân về bản chất pháp lý của ITS.

4.1. Quan điểm thứ nhất: ITS là “tòa án đầu tư”

Theo quan điểm này, cơ quan giải quyết tranh chấp trong EVIPA đánh dấu một bước chuyển hóa quan trọng từ mô hình trọng tài đầu tư truyền thống sang một thiết chế tài phán mang tính tư pháp công. Ủy ban châu Âu – “kiến trúc sư” của ITS – nhấn mạnh rằng thay vì giải quyết tranh chấp qua trọng tài ad hoc do các bên tùy ý chọn, EVIPA thiết lập một cơ quan tài phán với hai cấp xét xử thường trực, gồm một tòa sơ thẩm và một tòa phúc thẩm độc lập​[8]. Các “thành viên” của ITS được bổ nhiệm với nhiệm kỳ cố định, tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức - tương tự như cơ chế bổ nhiệm và hoạt động của thẩm phán tại các tòa án công. Việc làm này được kỳ vọng khắc phục những hạn chế vốn có của cơ chế trọng tài truyền thống như thiếu nhất quán, thiếu minh bạch và nguy cơ xung đột lợi ích[9], thông qua việc “tòa án hóa” quy trình giải quyết tranh chấp đầu tư[10].

Những đánh giá từ phía EU không phải là ý kiến đơn lẻ, mà còn được củng cố thêm bởi các tuyên bố chính thức trong khuôn khổ hiệp định với các đối tác thương mại khác. Tuyên bố Diễn giải chung giữa EU và Canada về Hiệp định CETA – một hiệp định có cơ quan giải quyết tranh chấp tương tự EVIPA tiếp tục khẳng định rằng: hệ thống tòa án đầu tư đã “hoàn toàn tách biệt với mô hình trọng tài đầu tư truyền thống”, đồng thời được xây dựng như một cơ quan tài phán độc lập, thường trực và vô tư, lấy cảm hứng từ các hệ thống tư pháp công của EU, các quốc gia thành viên và các tòa án quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR )[11]​. Đáng chú ý, Tổng luật sư của Tòa án Công lý EU đã mô tả ITS là “một thiết chế lai”, đại diện cho sự thỏa hiệp giữa mô hình trọng tài và một cơ quan tài phán quốc tế, thể hiện xu hướng “thiết chế hóa và tư pháp hóa” cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, tức là dịch chuyển khỏi mô hình trọng tài truyền thống và tiệm cận với một hệ thống tài phán công [12]​.

Nhận định của Ủy ban châu Âu đã tạo ra cơ sở vững chắc để các nhà nghiên cứu phát triển quan điểm: ITS không đơn thuần là một cơ chế trọng tài được cải tiến, mà thực sự mang bản chất của một tòa án đầu tư quốc tế. Điển hình là nhà nghiên cứu Hannes Lenk. Ông cho rằng ITS là kết quả của quá trình “tư pháp hóa". Theo ông, việc thiết lập danh sách thành viên cố định, áp dụng cơ chế bổ nhiệm có nhiệm kỳ cùng với thiết lập một cấp phúc thẩm độc lập đã làm mờ đi tính chất trọng tài và đưa ITS tiến gần hơn với mô hình các tòa án quốc tế như ICJ hay ECHR.[13]​ Tiếp nối lập luận đó,Vanina Sucharitkul(2021) nhấn mạnh đến sự khác biệt về quyền lựa chọn trọng tài viên. Nếu như trong trọng tài truyền thống, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn người xét xử thì ITS đã thay đổi hoàn toàn điều này: các thành viên của tòa được bổ nhiệm theo một cơ chế độc lập, nhiệm kỳ cố định và không phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể. Các bên chỉ được lựa chọn thành viên của Hội đồng xét xử trong danh sách của Toà. Điều này, theo bà, chính là điểm then chốt thể hiện tính độc lập và khách quan của Toà án đúng nghĩa[14].

Ở một góc độ khác, Lucy M. Winnington-Ingram (2021) đưa ra quan điểm bổ sung rằng việc thiết lập cấp xét xử thứ hai – tức cơ chế kháng cáo – là yếu tố nền tảng để xác lập Toà án đầu tư. Theo bà, không có hệ thống trọng tài nào trong lịch sử đầu tư quốc tế cho phép đánh giá lại phán quyết bởi một cơ quan cấp trên độc lập. Thêm vào đó, việc áp dụng quy tắc đạo đức và các tiêu chuẩn bổ nhiệm tương đương thẩm phán càng củng cố lập luận rằng đây là một “tòa án đầu tư”, chứ không đơn thuần là một “trọng tài cải tiến”[15].

Tại Việt Nam, xu hướng nhìn nhận ITS như một tòa án cũng được nhiều học giả công nhận. Theo Ngô Văn Hiệp & Phạm Thuỳ Dung (2021), "EVIPA không sử dụng cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế... mà thiết lập một thiết chế cố định để giải quyết tranh chấp đầu tư là tòa án đầu tư và xây dựng khung thời hạn tố tụng nhằm giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời"[16]. Dưới góc độ tổ chức và pháp lý, Nguyễn Mạnh Dũng & Đặng Vũ Minh Hà (2021) cho rằng ITS chính là một bước ngoặt thể chế trong luật đầu tư quốc tế, khi mà các đặc điểm tổ chức, hoạt động và quy trình bổ nhiệm trong EVIPA đều mang tính chất công quyền, thể hiện sự chuyển hóa từ giải quyết tranh chấp tư sang một mô hình tài phán mang tính quyền lực công[17]. Tương tự, tác giả Nguyễn Thị Hạnh (2023) gọi ITS là "toà án đầu tư quốc tế vì hội đồng xét xử bao gồm các thành viên được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ". Theo bà, yếu tố then chốt khiến hệ thống giải quyết tranh chấp trong EVIPA trở nên độc đáo chính là việc nó mang những đặc điểm cốt lõi giống như một tòa án, hơn là một cơ chế trọng tài đơn thuần.[18]

Từ sự phân tích và đối chiếu các lập luận của các nhà nghiên cứu nói trên, có thể rút ra một số lý do chính để củng cố quan điểm rằng ITS là một tòa án đầu tư đúng nghĩa:

Thứ nhất, ITS có cấu trúc hai cấp xét xử và mang tính thường trực, với danh sách thành viên cố định, hoạt động lâu dài chứ không thành lập ad hoc theo từng vụ việc;

Thứ hai, quy trình bổ nhiệm thẩm phán được thiết kế để đảm bảo tính độc lập và khách quan, không phụ thuộc vào ý chí riêng rẽ của các bên tranh chấp như trong mô hình trọng tài;

Thứ ba, ITS có cơ chế phúc thẩm chính thức, đảm bảo sự nhất quán của phán quyết và phát triển thành án lệ – điều mà trọng tài truyền thống không thể làm được;

Cuối cùng, bản thân EU và Ủy ban châu Âu, cũng công khai thừa nhận ITS là một cơ chế mang tính chất của tòa án quốc tế, được thiết lập như một phần của nỗ lực cải cách sâu rộng cơ chế ISDS hiện hành. Chính vì vậy, quan điểm coi ITS là một hệ thống tòa án đầu tư thường trực – thay vì là trọng tài – có cơ sở lập luận vững chắc và phản ánh một hướng tiếp cận đáng cân nhắc trong bối cảnh cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

4.2 Quan điểm coi cơ chế ITS là trọng tài đầu tư “cải tiến”

Trái ngược với quan điểm cho rằng ITS trong EVIPA là một hệ thống tòa án đầu tư thường trực, một số lượng đáng kể học giả và luật sư quốc tế vẫn khẳng định rằng cơ chế này, dù có vẻ ngoài mang tính "bán tư pháp"[19] nhưng về bản chất pháp lý vẫn là một hình thức trọng tài đầu tư quốc tế cải tiến. Quan điểm này được xây dựng dựa trên các yếu tố nền tảng: nguồn gốc thẩm quyền, thủ tục trọng tài, hình thức và thi hành phán quyết- những đặc điểm vốn là đặc trưng của trọng tài hơn là của một cơ quan tài phán tư pháp.

Thứ nhất là, theo nhà nghiên cứu Lê Đăng Khoa và Giáo sư August Reinisch, thẩm quyền của “Tribunal” trong EVIPA có nguồn gốc từ sự đồng thuận trọng tài, chứ không phải là thẩm quyền đương nhiên như các tòa án quốc tế truyền thống[20]. Mỗi vụ tranh chấp chỉ phát sinh khi có sự đồng ý của nhà đầu tư dựa trên điều khoản giải quyết tranh chấp trong EVIPA – một dạng thỏa thuận trọng tài giữa nhà đầu tư và Nhà nước tiếp nhận đầu tư. Cách thiết lập này tương đồng với cơ chế được quy định trong các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương (BITs). Bên cạnh đó, các thành viên của ITS không phải là thẩm phán thường trực mang thẩm quyền xét xử độc lập theo nghĩa truyền thống, mà là những trọng tài viên được chọn từ danh sách, phân công theo từng vụ việc. Như vậy, ITS không có thẩm quyền chung mà chỉ tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ vụ tranh chấp cụ thể – một dấu hiệu quan trọng để phân biệt với tòa án.[21]

Thứ hai là, thủ tục tố tụng trong ITS, mặc dù đã được cải tiến theo hướng tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa nhưng vẫn giữ cấu trúc và logic cơ bản của mô hình trọng tài đầu tư quốc tế. Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Bá Bình đã gọi ITS là Toà trọng tài và phân tích thủ tục của ITS theo thủ tục của trọng tài[22]. Qua đó, các đặc điểm nổi bật của thủ tục trọng tài được làm rõ như khởi kiện phát sinh từ đồng thuận; hội đồng trọng tài tự xây dựng và điều hành quy tắc tố tụng;quyền tự quyết trong việc công khai phiên xử; không áp dụng hệ thống tố tụng dân sự quốc gia với đầy đủ các giai đoạn bắt buộc như trong tố tụng tòa án. Như vậy, thủ tục tố tụng được quy định trong EVIPA có nhiều nét đặc trưng của mô hình trọng tài đầu tư truyền thống.

Cuối cùng là, phán quyết và cơ chế thi hành của ITS mang hình thức và hiệu lực của một phán quyết trọng tài, chứ không phải là bản án tư pháp. EVIPA sử dụng thuật ngữ “final award” để chỉ quyết định chung thẩm của ITS – khái niệm quen thuộc trong luật trọng tài. Đặc biệt, Hiệp định quy định rõ rằng các phán quyết này, vì mục đích thi hành, được coi là phán quyết trọng tài theo Công ước New York năm 1958. Điều này cho thấy bản chất pháp lý của phán quyết vẫn là sản phẩm của trọng tài thương mại quốc tế, không phải là bản án tư pháp có giá trị cưỡng chế độc lập như phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR). Học giả August Reinisch đã từng đặt vấn đề: “nếu ITS thực sự là một cơ quan tài phán tư pháp, thì phán quyết của nó phải được đối xử như bản án (judgment), chứ không phải như trọng tài award”​[23]. Việc EVIPA lựa chọn cơ chế thi hành của trọng tài quốc tế cho thấy ITS chưa tách rời khỏi truyền thống trọng tài.

Cơ chế thi hành phán quyết trong EVIPA càng củng cố bản chất trọng tài của ITS. Một đặc điểm cơ bản của tòa án là bản án có thể được thi hành trực tiếp trong hệ thống pháp luật quốc gia mà không cần công nhận. Ngược lại, phán quyết trọng tài đòi hỏi thủ tục công nhận và cho thi hành bởi tòa án quốc gia. Nhóm chuyên gia của EFILA (Diễn đàn châu Âu về Luật Đầu tư và Trọng tài) trong báo cáo năm 2016 A chỉ ra rằng ITS chỉ là "đổi tên” nhằm xoa dịu dư luận, còn nền tảng vẫn là trọng tài vì vấn đề của thi hành phán quyết[24]. Phán quyết của ITS phải dựa vào Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Mặc dù EVIPA cam kết rằng các phán quyết sẽ được thi hành như thể là bản án nội địa, nhưng Việt Nam đã bảo lưu áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm đầukể từ khi Hiệp định có hiệu lực[25]​. Như vậy, tại thời điểm hiện nay, phán quyết EVIPA được đối xử như phán quyết trọng tài nước ngoài và phải qua tòa án Việt Nam công nhận thì mới thi hành được. Tác giả Lê Thị Ánh Nguyệt (2020) nhận định rằng: về lý thuyết, ITS có thể đưa ra một “phán quyết trọng tài đẹp trên giấy”, nhưng nếu doanh nghiệp không có cơ chế hữu hiệu để buộc quốc gia thi hành bồi thường thì phán quyết đó cũng vô nghĩa[26]. Điều này cho thấy ITS chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành phán quyết độc lập như một tòa án thực thụ, vẫn phụ thuộc vào hệ thống công nhận của trọng tài quốc tế[27].

Tóm lại, phần lớn các nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng ITS là một cơ chế trọng tài và đang được cải tiến nhằm tăng tính minh bạch và khả năng kiểm soát chất lượng phán quyết. Việc giới hạn quyền lựa chọn trọng tài viên, thiết lập danh sách thành viên cố định và bổ sung cơ chế phúc thẩm là những cải cách kỹ thuật quan trọng, nhưng không làm thay đổi bản chất pháp lý của cơ chế trọng tài. Đó là tranh chấp vẫn do nhà đầu tư khởi kiện Nhà nước, xét xử bởi một hội đồng được thành lập riêng cho từng vụ việc, và được thi hành theo cơ chế công nhận phán quyết trọng tài quốc tế. Dưới góc nhìn này, ITS là một mô hình trọng tài đầu tư được “cải tiến”.

4.3. Quan điểm cá nhân- ITS là trọng tài”thế hệ mới”

Từ góc nhìn của người viết, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong EVIPA vẫn mang bản chất của trọng tài đầu tư quốc tế, dù có những cải tiến đáng kể về cấu trúc và quy trình. Những yếu tố như tính thường trực của danh sách trọng tài viên, cơ chế phúc thẩm hay tính minh bạch không làm thay đổi bản chất cốt lõi của phương thức mà chỉ phản ánh một nỗ lực cải tiến nhằm nâng cao tính chính danh và hiệu quả của cơ chế trọng tài. Nhận định này được củng cố thông qua việc tác giả phân tích các đặc điểm pháp lý nền tảng của ITS trong EVIPA, bao gồm cơ sở pháp lý về thẩm quyền xét xử, hình thức và hiệu lực pháp lý của phán quyết, cũng như các quy định về thủ tục tố tụng.

Thứ nhất, cơ sở pháp lý cho thẩm quyền của "Tribunal" trong EVIPA vẫn dựa trên thỏa thuận trọng tài – được hình thành từ điều ước quốc tế và sự chấp thuận của nhà đầu tư. Cơ chế này phản ánh nguyên tắc nền tảng của trọng tài quốc tế, đó là sự tự nguyện và đồng thuận của các bên. Khác với tòa án quốc gia có thẩm quyền đương nhiên hoặc được thành lập theo luật nội địa, "Tribunal" trong EVIPA chỉ có thẩm quyền khi các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp, tương tự như các cơ chế trọng tài đầu tư truyền thống.

Thứ hai, hình thức và hiệu lực pháp lý của phán quyết trong ITS vẫn là “phán quyết trọng tài” (final award), chứ không phải là bản án (judgment). EVIPA quy định rõ rằng các phán quyết này được thi hành theo Công ước New York năm 1958 hoặc Công ước ICSID – tức là dựa trên cơ chế công nhận và thi hành phán quyết trọng tài quốc tế. Dưới góc nhìn phản biện, nếu ITS thực sự được thiết kế như một tòa án quốc tế, thì hệ quả về mặt pháp lý là phán quyết của nó phải mang hình thức bản án, có hiệu lực thi hành độc lập, không cần qua thủ tục công nhận như đối với trọng tài. Việc EVIPA vẫn sử dụng thuật ngữ “award” thay vì “judgment” không chỉ là vấn đề kỹ thuật lập pháp, mà còn phản ánh sự kế thừa rõ ràng mô hình trọng tài đầu tư truyền thống, qua đó khẳng định bản chất pháp lý của ITS vẫn đặt trong khuôn khổ cơ chế trọng tài quốc tế, dù đã có những cải tiến nhất định.

Cuối cùng, việc EVIPA sử dụng thuật ngữ “Tribunal” thay vì “Court trong toàn văn hiệp định, cùng với quy định cho phép các bên lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế như UNCITRAL hoặc ICSID, tiếp tục củng cố lập luận rằng cơ chế này được định hình là diễn đàn trọng tài được cải tiến, chứ không phải là một thiết chế tư pháp theo nghĩa truyền thống của luật quốc tế công. ách tiếp cận này cho thấy EVIPA chủ động kế thừa nền tảng pháp lý của trọng tài đầu tư quốc tế, đồng thời bổ sung những yếu tố có tính tổ chức và kiểm soát chặt chẽ hơn – như cơ cấu xét xử thường trực, quy tắc ứng xử và cơ chế phúc thẩm – nhằm tăng cường minh bạch, nâng cao độ tin cậy và hạn chế nguy cơ lạm quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Từ góc nhìn cá nhân, tác giả cho rằng cơ chế ITS trong EVIPA là một mô hình trọng tài đầu tư "thế hệ mới" – tức là một cơ chế vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của trọng tài quốc tế, nhưng đã được điều chỉnh và hoàn thiện đáng kể về mặt thể chế và thủ tục. Cụm từ "thế hệ mới" được tác giả vận dụng từ khái niệm "Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới", nhằm nhấn mạnh đến tính đổi mới, toàn diện và hướng đến các chuẩn mực cao hơn về minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ lợi ích công. Trong các FTA thế hệ mới, việc thiết kế một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính thể chế rõ ràng, ổn định và minh bạch là hoàn toàn hợp lý và nhất quán với mục tiêu tổng thể của Hiệp định.

Ở góc độ nghiên cứu, việc xác định ITS là một hình thức trọng tài đầu tư thế hệ mới giúp tác giả có định hướng rõ ràng cho lập luận tiếp theo về vấn đề nội luật hóa. Trên cơ sở xác lập bản chất pháp lý của ITS là trọng tài chứ không phải tòa án, tác giả cho rằng nghĩa vụ nội luật hóa của Việt Nam cũng nên được thực hiện thông qua hệ thống pháp luật về trọng tài, thay vì pháp luật về tòa án. Bởi lẽ, giải quyết tranh chấp có thể diễn ra tại nhiều thiết chế tài phán khác nhau, nhưng khi bản chất của cơ chế là trọng tài thì hệ thống pháp luật quốc gia cần phản ánh đúng điều đó trong thiết kế lập pháp. Việc lựa chọn công cụ pháp lý phù hợp không chỉ có ý nghĩa về kỹ thuật, mà còn quyết định tính tương thích trong thực thi các cam kết quốc tế như EVIPA.

5. Đánh giá tính khả thi của việc nội luật hóa cơ chế ITS từ EVIPA vào hệ thống pháp luật trọng tài của Việt Nam

Trong quá trình thực thi EVIPA, một câu hỏi quan trọng được đặt ra đối với các quốc gia thành viên là: Liệu có cần thiết và hợp lý để nội luật hóa cơ chế ITS vào hệ thống pháp luật quốc gia về giải quyết tranh chấp đầu tư hay không? Câu hỏi này xuất phát từ yêu cầu tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa – tức là chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế vào trong pháp luật quốc gia để bảo đảm khả năng áp dụng và thực thi. Đối với Việt Nam, vấn đề đặt ra là: các quy định về cơ chế ITS trong EVIPA có nên – và có thể – được nội luật hóa vào Luật Trọng tài thương mại (TTTM) năm 2010 hay không? Theo tác giả, việc tích hợp các yếu tố đặc trưng của ITS vào hệ thống trọng tài thương mại trong nước cần được đánh giá hết sức thận trọng, từ việc xem xét đặc thù pháp lý của từng loại tranh chấp cũng như sự khác biệt về chức năng, mục tiêu và nguyên lý thiết kế giữa trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư. Sau đây là phân tích chi tiết ba lý do chính mà tác giả cho rằng việc nội luật hóa cơ chế ITS vào Luật TTTM hiện hành chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh pháp lý Việt Nam hiện nay.

Một là, tính chất khác biệt giữa trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư

Cơ chế ITS trong EVIPA được thiết kế riêng cho tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư, thuộc lĩnh vực pháp luật đầu tư quốc tế, với yêu cầu cao hơn về tính chính danh, minh bạch và cân bằng lợi ích công – tư. Trong khi đó, Luật Trọng tài thương mại Việt Nam chủ yếu điều chỉnh tranh chấp giữa các thương nhân với nhau, mang tính tư, tự nguyện, nhanh gọn, chi phí hợp lý. Nếu áp đặt các yếu tố như cơ chế hai cấp, tổ chức thường trực, hay danh sách thành viên cố định vào trọng tài thương mại, hệ thống pháp luật sẽ trượt khỏi các tiêu chí cốt lõi mà trọng tài thương mại theo đuổi, dẫn đến sự xung đột về mặt thiết kế lập pháp. Điều này không những làm giảm hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại, mà còn làm phức tạp hóa thủ tục, tăng chi phí và làm giảm tính hấp dẫn của trọng tài thương mại trong thực tiễn kinh doanh.

Hai là, nguy cơ mâu thuẫn với nguyên lý tự do thỏa thuận trong trọng tài thương mại

Một trong những nguyên lý nền tảng của Luật TTTM (2010) là nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên. Pháp luật cho phép các bên tự do lựa chọn hình thức trọng tài (tổ chức hoặc ad hoc), trọng tài viên, luật áp dụng, địa điểm và ngôn ngữ tố tụng. Quá trình xét xử bí mật và không công khai. Chính sự linh hoạt nhưng “kín đáo” này tạo nên ưu thế của trọng tài thương mại so với tố tụng tại tòa án, đặc biệt trong môi trường kinh doanh năng động, nơi doanh nghiệp mong muốn được chủ động kiểm soát quy trình giải quyết tranh chấp nhưng không muốn bị lộ những thông tin bất lợi. Tuy nhiên, cơ chế ITS trong EVIPA lại được thiết kế theo hướng ngược lại: danh sách thành viên Tribunal được chỉ định sẵn, các bên không có quyền lựa chọn trọng tài viên; cơ chế xét xử hai cấp được áp dụng bắt buộc và quy trình tố tụng được quy định công khai, có sự tham gia của bên thứ ba. Chính điều này làm nảy sinh mâu thuẫn cốt lõi: trong khi Luật TTTM trao cho các bên quyền tự quyết đối với gần như toàn bộ quy trình trọng tài, thì cơ chế ITS lại hạn chế đáng kể khả năng này bằng những thiết kế mang tính định chế hóa.Sự đối lập này không chỉ đặt ra thách thức về mặt kỹ thuật lập pháp nếu tích hợp ITS vào Luật TTTM, mà còn làm thay đổi bản chất của cơ chế trọng tài thương mại, khi nó chuyển từ một công cụ do các bên kiến tạo theo nhu cầu cụ thể thành một cơ chế có tính áp đặt và khuôn mẫu. Trong dài hạn, điều đó có thể làm suy giảm niềm tin vào cơ chế trọng tài, và thúc đẩy các bên quay trở lại tòa án truyền thống hoặc lựa chọn trung tâm trọng tài quốc tế khác có tính linh hoạt cao hơn. Do vậy, việc đưa các yếu tố của cơ chế ITS vào Luật Trọng tài thương mại cần được cân nhắc thận trọng, tránh nguy cơ làm lu mờ ranh giới giữa trọng tài tư và tài phán công, và quan trọng hơn, bảo đảm không làm tổn hại đến nguyên tắc tự do thỏa thuận – nền tảng pháp lý cốt lõi của trọng tài thương mại hiện đại.

Ba là, kinh nghiệm từ các quốc gia thành viên của EVIPA đều chưa nội luật hoá cơ chế ITS vào trong pháp luật quốc gia.

Khi nhìn từ góc độ so sánh lập pháp, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu – dù đồng sáng lập mô hình ITS trong EVIPA – vẫn không tích hợp cơ chế xét xử hai cấp hay danh sách trọng tài viên cố định vào luật trọng tài thương mại quốc gia. Tại Đức, Pháp hay Hà Lan, cơ chế trọng tài thương mại vẫn được điều chỉnh theo UNCITRAL Model Law hoặc quy định riêng của từng quốc gia, với tính chất một cấp, phán quyết chung thẩm và quyền tự do lựa chọn trọng tài viên. Đặc biệt, Canada – quốc gia ký kết Hiệp định CETA với EU có cơ chế ITS tương tự EVIPA – cũng không tích hợp cơ chế này vào luật trọng tài thương mại, mà quy định trong một khung pháp lý riêng. Cách tiếp cận này thể hiện rõ xu hướng tách bạch giữa trọng tài đầu tư và trọng tài thương mại trong các hệ thống pháp luật hiện đại.

Từ thực tiễn lập pháp quốc tế nêu trên, có thể thấy rằng việc tích hợp mô hình ITS vào Luật Trọng tài thương mại Việt Nam là không phù hợp, vì sẽ làm thay đổi bản chất linh hoạt, hiệu quả, thân thiện với doanh nghiệp – vốn là giá trị cốt lõi của cơ chế trọng tài thương mại. Thay vào đó, Việt Nam có thể xây dựng một khung pháp lý độc lập cho tranh chấp đầu tư quốc tế, thông qua hình thức một đạo luật chuyên biệt hoặc một chương riêng trong Luật Đầu tư hoặc Luật Trọng tài. Cách tiếp cận này sẽ cho phép phân tầng pháp lý giữa trọng tài thương mại (mang tính tư) và trọng tài đầu tư quốc tế (mang tính công). Qua đó, hệ thống pháp luật Việt Nam không chỉ đáp ứng được các yêu cầu thực thi cam kết từ các FTA thế hệ mới như EVIPA, mà vẫn duy trì được ưu thế về tính đơn giản, hiệu quả và quyền tự quyết – những giá trị cốt lõi của trọng tài thương mại nội địa.

Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia đã xây dựng thành công khung pháp lý chuyên biệt cho trọng tài quốc tế, chẳng hạn như Úc và Singapore. Úc ban hành Đạo luật Trọng tài Quốc tế (International Arbitration Act) từ năm 1974 và liên tục cập nhật, sửa đổi trong những năm gần đây (2010, 2015 và 2018). Đạo luật này quy định cụ thể về công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài nước ngoài, đồng thời điều chỉnh hoạt động trọng tài thương mại quốc tế tại Úc. Điểm đặc biệt của đạo luật này là đã tích hợp trực tiếp Luật Mẫu UNCITRAL và Công ước New York năm 1958, qua đó tạo ra một khung pháp lý thống nhất, minh bạch và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về trọng tài[28].Tương tự, Singapore cũng là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng một hệ thống pháp lý độc lập và hiện đại cho trọng tài quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các dòng vốn đầu tư xuyên biên giới. Singapore ban hành Luật Trọng tài Quốc tế (International Arbitration Act – IAA) từ năm 1994 và gần đây nhất được sửa đổi vào năm 2021. Khác với Luật Trọng tài nội địa (Arbitration Act) – vốn chỉ áp dụng cho tranh chấp thương mại trong nước, IAA được xây dựng để điều chỉnh riêng các tranh chấp trọng tài quốc tế phát sinh tại hoặc có liên quan đến Singapore, bao gồm cả các tranh chấp đầu tư quốc tế nếu có thỏa thuận trọng tài phù hợp giữa các bên. IAA cũng áp dụng các nguyên tắc chính của Luật Mẫu UNCITRAL (phiên bản năm 1985, sửa đổi năm 2006) và trực tiếp công nhận hiệu lực của Công ước New York năm 1958, tạo thuận lợi tối đa cho việc công nhận và thi hành các phán quyết trọng tài quốc tế tại Singapore[29].

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tác giả cho rằng Việt Nam không nên tích hợp cơ chế ITS vào Luật TTTM để áp dụng chung cho mọi loại tranh chấp. Thay vào đó, cần xây dựng theo hướng bổ sung vào Luật này một chương riêng về trọng tài quốc tế, trong đó quy định cụ thể về giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS). Cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật TTTMđã được ghi nhận rõ ràng tại Khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020: “Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”. Quy định này tạo cơ hội để trọng tài Việt Nam đóng vai trò giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong những trường hợp không có điều ước quốc tế điều chỉnh hoặc khi các bên không có thỏa thuận riêng. Vì vậy, trong tương lai gần, Luật Trọng tài thương mại hoàn toàn có thể trở thành cơ sở pháp lý nội địa hữu hiệu để xử lý các tranh chấp ISDS. Để làm được điều đó, tác giả tiếp tục đề xuất đổi tên Luật TTTM (2010) thành "Luật Trọng tài" và mở rộng phạm vi điều chỉnh với hai nội dung chính:

(i) Trọng tài thương mại – giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại thuần túy giữa các chủ thể kinh doanh. Luật TTM hiện hành còn tồn tại một số bất cập cần được sửa đổi, hoàn thiện. Trong quá trình sửa đổi này, kinh nghiệm từ EVIPA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể được tham khảo và tiếp thu một cách chọn lọc, nhằm bảo đảm tính đơn giản, linh hoạt và hiệu quả – những giá trị cốt lõi của trọng tài thương mại. Việc phân tách như vậy sẽ giúp doanh nghiệp trong nước không bị ảnh hưởng bởi các quy định quá phức tạp và cồng kềnh, vốn chỉ phù hợp cho trọng tài đầu tư quốc tế.

(ii) Trọng tài đầu tư quốc tế – giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là trong trường hợp thiếu vắng điều ước quốc tế điều chỉnh trực tiếp hoặc theo các thỏa thuận trọng tài cụ thể. Việc phân biệt rõ loại hình tranh chấp này sẽ giúp xây dựng một cơ chế ISDS phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hiện đại. Cụ thể, Việt Nam có thể áp dụng linh hoạt các tiêu chuẩn cao hơn về tính minh bạch, đạo đức, và cơ chế xét xử hai cấp như trong EVIPA cho trọng tài đầu tư quốc tế mà không ảnh hưởng đến tính đơn giản, nhanh chóng và linh hoạt của trọng tài thương mại. Hơn nữa, cách tiếp cận này giúp Việt Nam chủ động xử lý các tranh chấp đầu tư quốc tế ngay cả khi chưa ký hiệp định đầu tư với quốc gia liên quan, giảm thiểu rủi ro pháp lý và nâng cao khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tóm lại, với đề xuất sửa đổi và bổ sung Luật TTTM (2020) với hai phần riêng biệt này sẽ làm cho hệ thống pháp luật trọng tài của Việt Nam rõ ràng và minh bạch hơn, đồng thời đáp ứng hiệu quả các yêu cầu thực tiễn hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các FTA thế hệ mới với cơ chế ISDS.

6. Kết luận

Cơ chế ITS trong EVIPA là một biểu hiện điển hình của xu hướng cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) hiện nay, với mô hình hai cấp xét xử và cơ cấu tổ chức mang tính thể chế cao hơn. Tranh luận học thuật xoay quanh bản chất pháp lý của ITS cho thấy cơ chế này nằm ở ranh giới giữa trọng tài đầu tư truyền thống và tòa án quốc tế – một cơ chế “lai” với những yếu tố giao thoa về hình thức và chức năng. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích lý luận và thực tiễn, bài viết khẳng định ITS vẫn mang bản chất của trọng tài đầu tư quốc tế thế hệ mới, được cải tiến để phù hợp hơn với yêu cầu minh bạch, hiệu quả và cân bằng lợi ích trong bối cảnh toàn cầu hóa. Là một quốc gia thành viên, khi thực thi EVIPA, Việt Nam cần xác lập quan điểm rõ ràng về bản chất pháp lý của ITS, chủ động hoàn thiện thể chế và lựa chọn cách thức nội luật hóa phù hợp. Điều này sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam phát triển một hệ thống giải quyết tranh chấp đầu tư độc lập, hiện đại và có khả năng hội nhập sâu vào trật tự pháp lý quốc tế đang hình thành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Đầu tư (2020)

2. Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA)

3. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Canada ( CETA)

4. Luật Trọng tài quốc tế Singapore (1994)

5. Trần Việt Dũng, Nguyễn Thị Lan Hương, Các cơ chế trọng tài đầu tư quốc tế- Quy tắc, thủ tục và thực tiễn thực hiện, NXB Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh (2021)

6. TRẦN VIỆT DŨNG, NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG, "GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ", NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH (2018)

7. Trần Thị Hải An, Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước Việt Nam theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Eu, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện khoa học xã hội (2023);

8. Hà Thị Thanh Bình, Cam kết của Việt Nam theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Liên minh châu Âu – EU và Việt Nam (EVIPA)- Một số điểm đáng chú ý, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, Số 01, tr. 01-18 (2022)

9. Đinh Công Tuấn, Hiệp ước Li-xbon với tiến trình nhất thể hoá châu Âu, Tạp chí Cộng sản (22-04-2021, 10:42 AM), https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/2119/hiep-uoc-li-xbon-voi-tien-trinh-nhat-the-hoa-chau-au.aspx?utm

10.Dương Thái Hậu & TS. Đinh Mạnh Tuấn, Thực thi EVIPA: Cơ hội và thách thức đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam, Tạp chí Cộng sản (12-10-2021) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/824162/thuc-thi-evipa--co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viec-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-tu-lien-minh-chau-au-vao-viet-nam.aspx?utm

11.Ngô Văn Hiệp & Phạm Thuỳ Dung, "Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Nhà đầu tư trong EVIPA", Luật sư Việt Nam, số 4, tr29-33 (2021)

12.Nguyen Manh Dzung and Dang Vu Minh Ha, "12- ISDS Reform and the EU- Vietnam Invest ment Protection Agreement Challenge Accepted", Asia on Trade and Investment, Published online by Cambridge University Press: 13 August 2021, https://doi.org/10.1017/9781108675772.012

13.Nguyễn Thị Hạnh, Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đáp ứng yêu cầu thực thi các Hiệp định thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Tạp chí Công thương số 12, tr 76-80 (2023)

14.Nguyễn Bá Bình, Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư bằng trọng tài theo EVIPA , Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 4, tr 83-93 (2020)

15.Lê Thị Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp sẽ dễ đòi bồi thường hơn trong EVIPA, Saigon Times (20-6-2020), https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-se-de-doi-boi-thuong-hon-trong-evipa/#:~:text=Thông%20qua%20EVIPA%2C%20doanh%20nghiệp,sẽ%20bớt%20được%20gánh%20lo;

16.CNC, Giải quyết tranh chấp đầu tư thông qua Toà án đầu tư trong EVIPA (06-12-23), https://cnccounsel.com/tin-tuc/giai-quyet-tranh-chap-dauu-tu-trong-evipa;

17.Trọng tài quốc tế, Trọng tài quốc tế tại Úc: Khung pháp lý và thể chế, (22-03-2021) https://www.international-arbitration-attorney.com/vi/international-arbitration-in-australia-legal-and-institutional-framework/?utm ;

20.Hannes Lenk, An Investment Court System for the New Generation of EU Trade and Investment Agreements: A Discussion of the Free Trade Agreement with Vietnam and the Comprehensive Economic and Trade Agreement with Canada, https://www.europeanpapers.eu/europeanforum/investment-court-system-new-generation-eu-trade-and-investment-agreements#:~:text=Commission%20has%20seized%20the%20opportunity,risks%20a%20negative%20opinion%20

21.Guillermo Schumann BarraGán, The investment arbitration in the new generation free trade agreements: A national analysis from the Perspective of the right to an effective judicial remedy, e-revistas.uc3m.es;

22.Eias, Innovative but Insufficient? The Investment Court System (ICS) in the EU-Vietnam Investment Protection Agreement (EVIPA), (17-08-2021), https://eias.org/publications/op-ed/innovative-but-insufficient-the-investment-court-system-ics-in-the-eu-vietnam-investment-protection-agreement-evipa/#:~:text=The%20EVIPA%20is%20viewed%20by,to%20engage%20with%20a%20question

23.Iclg, Investor-State Arbitration Laws and Regulations: The impact of EU law on ISDS, Intra-EU BITS, the ECT and the MIC 2025, (20-11-2024), https://iclg.com/practice-areas/investor-state-arbitration-laws-and-regulations/02-the-impact-of-eu-law-on-isds-intra-eu-bits-the-ect-and-the-mic

24.August Reinisch, "Will the EU’s Proposal Concerning an Investment Court System for CETA and TTIP Lead to Enforceable Awards?—The Limits of Modifying the ICSID Convention and the Nature of Investment Arbitration" Journal of International Economic Law, Oxford University Press, vol. 19(4), pages 761-786 (2016); Link xem bài viết : https://ideas.repec.org/a/oup/jieclw/v19y2016i4p761-786..htm

* ThS Vũ Thị Hoà Như - Gỉảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyệt đăng 15/5/2025. Email: vuhoanhu@gmail.com

[1] Dương Thái Hậu & TS. Đinh Mạnh Tuấn, Thực thi EVIPA: Cơ hội và thách thức đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam, Tạp chí Cộng sản (12/10/2021 12:40) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/824162/thuc-thi-evipa--co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viec-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-tu-lien-minh-chau-au-vao-viet-nam.aspx?utm

[2] Đinh Công Tuấn, Hiệp ước Li-xbon với tiến trình nhất thể hoá châu Âu, Tạp chí Cộng sản (22/04/2011 10:42)

https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/2119/hiep-uoc-li-xbon-voi-tien-trinh-nhat-the-hoa-chau-au.aspx?utm

[3] PGS.TS TRẦN VIỆT DŨNG, CÁC CƠ CHẾ TRỌNG TÀI ĐẦU TƯ QUỐC TẾ- QUY TẮC, THỦ TỤC VÀ THỰC TIỄN, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA T.P HỒ CHÍ MINH (2021);

[4] Trần Thị Hải An, Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước Việt Nam theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Eu, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện khoa học xã hội (2023), Tr 102;

[5] CNC, Giải quyết tranh chấp đầu tư thông qua Toà án đầu tư trong EVIPA (06-12-23), https://cnccounsel.com/tin-tuc/giai-quyet-tranh-chap-dauu-tu-trong-evipa;

[6] Xem bản dịch tại trang web : https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong;

[7] Xem Điều 3.3. Của Hiệp định EVIPA

[8] European Commision, The Investment Court System, https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/ investment-courtsystem#:~:text=Disputes%20between%20foreign%20investors%20and,submitted%20to% 20strict% 20ethical%20rules

[9] Eias, Innovative but Insufficient? The Investment Court System (ICS) in the EU-Vietnam Investment Protection Agreement (EVIPA), (17-08-2021),

https://eias.org/publications/op-ed/innovative-but-insufficient-the-investment-court-system-ics-in-the-eu-vietnam-investment-protection-agreement-evipa/#:~:text=The%20EVIPA%20is%20viewed%20by,to%20engage%20with%20a%20question

[10] Eias, tlđd, 10

[11] Guillermo Schumann BarraGán, The investment arbitration in the new generation free trade agreements: A national analysis from the Perspective of the right to an effective judicial remedy, (1-10-2020), e-revistas.uc3m.ese-revistas.uc3m.es

[12] Guillermo Schumann BarraGán , tlđd, 14

[13] Hannes Lenk, tlđd, 8

[14] Vanina Sucharitkul, From Arbitration to the Investment Court System (ICS): Comparing CETA, EVIPA, and TTIP trong cuốn Handbook of International Investment Law and Policy, Springer, 2021

[15] Winnington-Ingram, L.M. (2021). “From ISDS to ICS: A Judicialized Future for Investment Disputes?”.

[16] Ngô Văn Hiệp & Phạm Thuỳ Dung, "Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và Nhà đầu tư trong EVIPA", Luật sư Việt Nam, số 4, tr29-33 (2021)

[17] Nguyen Manh Dzung and Dang Vu Minh Ha, "12- ISDS Reform and the EU- Vietnam Invest ment Protection Agreement Challenge Accepted", Asia on Trade and Investment, Published online by Cambridge University Press: 13 August 2021, https://doi.org/10.1017/9781108675772.012

[18] Nguyễn Thị Hạnh, Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đáp ứng yêu cầu thực thi các Hiệp định thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Tạp chí Công thương số 12, tr 76-80 (2023)

[19] TRẦN VIỆT DŨNG, NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG, "GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ", NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH, TR 75 (2018)

[20] August Reinisch, "Will the EU’s Proposal Concerning an Investment Court System for CETA and TTIP Lead to Enforceable Awards?—The Limits of Modifying the ICSID Convention and the Nature of Investment Arbitration," Journal of International Economic Law, Oxford University Press, vol. 19(4), pages 761-786 (2016)

Link xem bài viết : https://ideas.repec.org/a/oup/jieclw/v19y2016i4p761-786..html

[21] Lê Đăng Khoa, An overview of the dispute settlement mechanism in the European Union - Vietnam Investment Protection Agreement: What is a Court-like system? (27-02-2020),

https://www.linkedin.com/pulse/overview-dispute-settlement-mechanism-european-union-dang-khoa-le#:~:text=An%20important%20thing%20making% 20arbitration,like%20the%20domestic%20Court%20system

[22] Nguyễn Bá Bình, Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư bằng trọng tài theo EVIPA , Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 4, tr 83-93 (2020)

[23] Guillermo Schumann BarraGán , tlđd, 14

[24] Dr. Nikos Lavranos LLM- Secretary General of EFILA, The Shortcomings of the Proposal for an “International Court System”, (2-2-2016) , https://efilablog.org/2016/02/02/the-shortcomings-of-the-proposal-for-an-international-court-system-ics/#:~:text=8,the%20recognition%20and%20enforcement%20of

[25] Hà Thị Thanh Bình, Cam kết của Việt Nam theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Liên minh châu Âu – EU và Việt Nam (EVIPA)- Một số điểm đáng chú ý, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, Số 01, tr. 01-18 (2022)

https://intapi.sciendo.com/pdf/10.2478/vjls-2022-0001#:~:text=According%20to%20paragraph%202%2C%20Article,of%20foreign%20or%20international%20court

[26] Lê Thị Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp sẽ dễ đòi bồi thường hơn trong EVIPA, Sai Gòn Times (20-6-2020), https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-se-de-doi-boi-thuong-hon-trong-evipa/#:~:text=Thông%20qua%20EVIPA%2C%20doanh%20nghiệp,sẽ%20bớt%20được%20gánh%20lo

[27] Iclg, Investor-State Arbitration Laws and Regulations: The impact of EU law on ISDS, Intra- EU BITS, the ECT and the MIC 2025, (20-11-2024), https://iclg.com/practice-areas/investor-state-arbitration-laws-and-regulations/02-the-impact-of-eu-law-on-isds-intra-eu-bits-the-ect-and-the-mic, truy cập ngày 20/4/2025

[28] Trọng tài quốc tế, Trọng tài quốc tế tại Úc: Khung pháp lý và thể chế, (22-03-2021) https://www.international-arbitration-attorney.com/vi/international-arbitration-in-australia-legal-and-institutional-framework/?utm ;

[29] Luật Trọng tài Quốc tế năm 1994 của Singapore, được đăng tại trang web: https://sso.agc.gov.sg//Act/IAA1994

Cùng chuyên mục

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Nghiên cứu lý luận -  3 ngày trước

(PLPT) - Bài viết này khám phá mối quan hệ phức tạp giữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong bối cảnh các vụ kiện của Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) đặt ra vấn đề về sự xung đột giữa tự do thương mại và bảo vệ tài nguyên biển.

Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada: Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada: Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

(PLPT) - Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ các quy định của pháp luật hình sự Canada hiện hành về đối tượng áp dụng, cơ chế giám sát, quyền của người bị giám sát điện tử và các biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada, từ đó sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về vấn đề này.

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất cách hiểu khoa học phù hợp hơn nên xem đơn vị sự nghiệp công lập là một pháp nhân phi thương mại có năng lực pháp luật dân sự không bị hạn chế và tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm cả tài sản công lẫn tài sản tư.

Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Pháp luật về hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ về hành vi đưa hối lộ; chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia trên về việc xác định hành vi đưa hối lộ, chủ thể tham gia, chứng cứ hối lộ và chế tài áp dụng đối với hành vi đưa hối lộ. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm hạn chế hành vi đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước tại Việt Nam.

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp chủ quản nền tảng số trung gian trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về xác định vị trí thống lĩnh thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trên nền tảng số trung gian tại Việt Nam.

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Một số mô hình lý luận, kinh nghiệm lập pháp về trách nhiệm hình sự đối với trí tuệ nhân tạo và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản - Thực trạng và hướng hoàn thiện

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết tập trung phân tích khung pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; từ đó, nhận diện những hạn chế trong quy định của pháp luật thực định và thực tiễn thi hành để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chào bán trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Liêm chính trong hoạt động công vụ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và những biện pháp nâng cao đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ ở Việt Nam.