Nghiên cứu lý luận

Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số: Những thách thức đặt ra cho pháp luật Việt Nam

Phan Quốc Nguyên, Đinh Vũ Hải Anh Chủ nhật, 28/07/2024 - 17:55
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Môi trường kỹ thuật số và mạng internet đã mở ra một thế giới mới trong việc truyền tải và quảng bá tác phẩm, kéo theo sự bùng phát của các hành vi xâm phạm quyền tác giả với quy mô lớn và mức độ nguy hiểm mà pháp luật chưa bao giờ gặp phải.

Tóm tắt. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tác động sâu sắc đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ quyền tác giả nói riêng. Môi trường kỹ thuật số và mạng internet đã mở ra một thế giới mới trong việc truyền tải và quảng bá tác phẩm, kéo theo sự bùng phát của các hành vi xâm phạm quyền tác giả với quy mô lớn và mức độ nguy hiểm mà pháp luật chưa bao giờ gặp phải. Những thách thức đó đặt ra các yêu cầu đối với việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ - bảo hộ quyền tác giả.

Từ khoá: sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, biện pháp công nghệ bảo vệ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Abstract. In recent years, the robust development of digital technology has profoundly influenced the realm of intellectual property in general, and copyright protection in particular. The digital environment and the internet have ushered in a new era of transmitting and promoting creative works, consequently leading to an exponential surge in copyright infringement activities of extensive scope and unprecedented legal implications. These challenges pose demands for the enhancement and regulatory refinement of legal frameworks within the domain of intellectual property and copyright protection.

Keywords: intellectual property, copyright, digital, artificial intelligence, technological protection measures, intermediary service provider

I. Khái quát về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số

Quyền tác giả là loại quyền sở hữu của một chủ thể pháp lý (người sáng tạo hoặc người sở hữu tác phẩm) đối với đối tượng là các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Về bản chất đây là quyền độc quyền dành cho người sáng tạo tác phẩm. Có thể định nghĩa quyền tác giả là khả năng được pháp luật bảo hộ cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm độc quyền khai thác lợi ích vật chất và tinh thần từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật do chính mình sáng tạo ra hoặc sở hữu[1]. Từ đó, bảo hộ quyền tác giả có thể hiểu là việc Nhà nước công nhận quyền của tác giả đối với tác phẩm, quy định và bảo vệ cho tác giả các quyền pháp lý cụ thể đối với tác phẩm nhằm làm cho tác giả thực sự hưởng được các lợi ích từ tác phẩm

Từ cuối thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, làn sóng công nghệ số ra đời với máy tính cá nhân và mạng thông tin toàn cầu internet. Môi trường kỹ thuật số có thể hiểu là hệ thống kiểu tín hiệu và định dạng dữ liệu dựa trên thuật số, ở dạng nhị phân với các đơn vị là các bit, dùng hai ký tự để biểu đạt một giá trị số, “0” và “1”[2]. Điều đó đồng nghĩa với việc, một bộ sách hàng nghìn trang hay bộ phim trước đây phải lưu bằng rất nhiều cuốn băng cassette, giờ có thể lưu trữ đơn giản và nhanh gọn bằng mã hoá các chuỗi số “0” và “1” trong bộ nhớ vô tận. Một phần quan trọng và chiếm vai trò nổi bật nhất của môi trường kỹ thuật số là internet. Internet bao gồm một số mạng khác nhau có liên kết với nhau và cùng kết nối hàng trăm triệu máy tính trên thế giới[3]. Có thể hiểu, internet là một kho dữ liệu với dung lượng khổng lồ và không giới hạn số lượt cũng như số người truy cập, cung cấp phong phú và đa dạng các dịch vụ.

Với khả năng lưu trữ và tìm kiếm dữ liệu mạnh mẽ cùng khả năng lan truyền thông tin tốc độ nhanh, môi trường kỹ thuật số đem đến nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả. Các tác phẩm dễ dàng bị sao chép, đổi tên, cắt xén hay sửa đổi, hoặc bị mua bán mà không có sự cho phép của tác giả. Thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm quyền tác giả diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, như trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, điện ảnh… Trong khi đó, biện pháp công nghệ bảo vệ tác phẩm cho phép tác giả kiểm soát hành vi truy cập, kiểm soát hành vi khai thác tác phẩm của người tiếp cận chưa thực sự hiệu quả. Đồng thời xuất hiện nhiều công nghệ tinh vi và thông minh hơn để sử dụng tác phẩm một cách phi pháp; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng chưa ý thức được nghĩa vụ và quyền hạn của mình để bảo vệ quyền tác giả.

Có thể nói, chính môi trường này đã thay đổi hoàn toàn cách thức sao chép, sử dụng, trao đổi, lưu hành, phổ biến các tác phẩm sáng tạo, cũng như đặt ra những thách thức to lớn cho luật pháp nói chung và vấn đề bảo hộ quyền tác giả nói riêng. Từ đó, làm nảy sinh một khái niệm mới: quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Trong môi trường kỹ thuật số, chủ thể của quyền tác giả vẫn giữ nguyên đối tượng là tác phẩm nhưng những tác phẩm đó được thể hiện dữ liệu dưới dạng số hoá, cùng với đó là một số hình thức truyền tải tác phẩm và cách thức bảo hộ đặc thù. Như vậy, quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số là quyền của tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm được bảo hộ trên nền tảng kỹ thuật số.

Trong môi trường kỹ thuật số, bảo hộ quyền tác giả vẫn là sự đảm bảo bằng pháp luật của Nhà nước cho các quyền dành cho tác giả sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học với các tác phẩm được số hoá. Cũng giống như việc bảo hộ quyền tác giả nói chung, đặc điểm quan trọng và hiển nhiên nhất của việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số là Nhà nước bảo đảm bằng pháp luật đối với người chủ sở hữu quyền tác giả, cũng như việc bảo hộ các quyền pháp lý khác. Sự bảo hộ của Nhà nước đối với quyền tác giả mang tính đương nhiên, tự động, tuy nhiên nó chỉ được bảo hộ trên phạm vi lãnh thổ quốc gia.

Các quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm được Nhà nước bảo hộ bao gồm quyền nhân thân (quyền tinh thần) và quyền tài sản (quyền kinh tế). Pháp luật quốc tế và quốc gia thường quy định quyền nhân thân bao gồm: quyền đặt tên, đứng tên cho tác phẩm, quyền công bố tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn nội dung tác phẩm. Quyền tài sản đối với tác phẩm là quyền mà người sáng tạo hay người sở hữu có để khai thác lợi ích vật chất do tác phẩm mang lại, gồm: quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Hiện nay, pháp luật quốc tế và quốc gia thường công nhận thêm quyền truyền thông bản thân tác phẩm tới công chúng[4].

Pháp luật Việt Nam quy định nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả trong môi trường truyền thống cũng như môi trường kỹ thuật số. Nhìn chung, các biện pháp này có thể chia thành hai nhóm: Áp dụng các biện pháp công nghệ từ phía tác giả và chủ sở hữu quyền và áp dụng các biện pháp pháp lý từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó các biện pháp pháp lý bao gồm biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả của chủ sở hữu tác phẩm, biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự. Bài viết tập trung nghiên cứu và phân tích những thách thức trong việc áp dụng biện pháp kỹ thuật và các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số.

II. Tác động của môi trường kỹ thuật số đến bảo hộ quyền tác giả

Tuy có nhiều lợi ích, song công nghệ kỹ thuật số cũng đặt nhiều vấn đề pháp lý cho việc bảo hộ quyền tác giả. Sự ra đời của môi trường kỹ thuật số đem đến cho các nhà lập pháp những thách thức và yêu cầu phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền tác giả nói riêng. Đa số người dùng coi sử dụng internet đồng nghĩa với việc trao đổi, thu thập và hưởng thụ miễn phí thông tin, kiến thức. Từ thói quen sử dụng miễn phí đến thói quen sử dụng với đầy đủ ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với các thông tin trên internet có một khoảng cách. Ước tính thiệt hại toàn cầu từ sách, sản phẩm âm nhạc và phần mềm giải trí vi phạm bản quyền trên môi trường kỹ thuật số lên tới hàng tỷ đô la[5]. Như vậy, môi trường kỹ thuật số đã đặt ra vấn đề với cả quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả.

Không thể phủ nhận internet đã góp phần giúp tác phẩm được công chúng biết đến rộng rãi hơn, song chính độ lan toả đó đã khiến tác giả không thể kiểm soát được mức độ phổ biến của tác phẩm. Có vô vàn trường hợp những tác phẩm trở nên “vô danh” hay tên tác giả biến thành “nguồn: internet” sau vài cái nhấn chuột chia sẻ. Thêm vào đó, khái niệm tác giả cũng ngày càng rộng hơn trong thời đại công nghệ số ngày nay. Khái niệm “tác giả” có thể giải thích theo hướng rộng mở hơn[6]. Tác giả không chỉ còn là một cá nhân mà có thể là một nhóm người, khi các tác phẩm được tạo ra theo hướng đường truyền và nối tiếp ngày càng nhiều. Điều này xâm phạm một cách nghiêm trọng đến quyền nhân thân của tác giả. Giống như một số quốc gia thuộc hệ thống luật bản quyền “droit d’auteur” như Pháp, Đức, pháp luật Việt Nam rất coi trọng quyền nhân thân của tác giả. Tuy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT năm 2022) đã bổ sung quy trường hợp tác giả có thể “thương mại hoá” quyền nhân thân của mình với “chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản” song quyền nhân thân trong pháp luật Việt Nam vẫn mang tính cá nhân rất rõ rệt, gắn liền vĩnh viễn với tác giả (được bảo hộ vô thời hạn) và đa số không được chuyển nhượng.

Môi trường kỹ thuật số không chỉ gây khó khăn trong việc bảo hộ quyền đặt tên, quyền đứng tên tác phẩm mà còn gây khó khăn cho chính việc xác định tác giả của tác phẩm. Sự phát triển của khoa học trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đã đặt thêm cho pháp luật một “bài toán” khó: xác định tác giả của tác phẩm do AI tạo nên. Thực tế những tháng đầu năm 2023, môi trường kỹ thuật số Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của AI ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer). ChatGPT có khả năng trả lời và tạo dựng văn bản bằng việc tổng hợp kho dữ liệu có sẵn do người lập trình cài đặt và việc học hỏi qua các lần sử dụng với tính chính xác cao trong thời gian vô cùng ngắn, điều này đã khiến người dùng sử dụng ChatGPT từ viết đoạn văn, sách, báo đến soạn phần mềm. Tuy nhiên về bản chất, ChatGPT giống một công cụ tìm kiếm (như Google) dạng tin nhắn (chat)[7], nghĩa là các câu trả lời của AI này được tạo ra dựa theo những dữ liệu đã có trong kho dữ liệu, tức từ những “tác phẩm” của các “tác giả” nào đó. Vậy đây có được coi hành vi vi phạm quyền tác giả không hay chỉ là việc người dùng AI “mượn chất liệu”, tham khảo nguồn để tạo ra tác phẩm của mình? Và nếu trong trường hợp đó ai sẽ là tác giả của tác phẩm, ChatGPT cũng như các AI khác có là tác giả của các tác phẩm đó không?

Thêm vào đó, công nghệ phát triển, người dùng có nhiều công cụ hơn để chỉnh sửa các tác phẩm. Việc cải biên trái phép tác phẩm diễn ra ngày một phổ biến, dù pháp luật quốc tế và quốc gia đã có những quy định về bảo hộ sự toàn vẹn của tác phẩm nhưng làm sao để kiểm soát được hành vi cải biên phi pháp, nhất là trong môi trường kỹ thuật số vẫn là một vấn đề nan giải.

Không chỉ vậy, bản chất phi tập trung của internet[8] khiến bất cứ người dùng nào cũng có thể sao chép một tác phẩm thành vô vàn bản sao và phát tán vô hạn thông qua một cái nhấp chuột. Bất cứ ai cũng có thể tái sản xuất tác phẩm trên ổ cứng máy tính, một đĩa cứng di động hay điện toán đám mây mà không cần bản sao hữu hình. Việc sao chép tác phẩm diễn ra tràn lan, bất chấp có sự cho phép của tác giả hay không, thậm chí tác giả cũng không kiểm soát được việc tác phẩm của mình bị sao chép một cách bất hợp pháp. Luật SHTT năm 2022 đã quy định lại các hành động sao chép xâm phạm QTG khi “sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ các trường hợp ngoại lệ”. Với quy định mới này, việc sao chép một phần tác phẩm chính thức được xem là hành vi sao chép, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục được những vướng mắc do pháp luật không rõ ràng trong nhiều vụ việc liên quan đến quyền tác giả. Tuy đã có bổ sung và thắt chặt quy định về hành vi sao chép, luật pháp Việt Nam lại chưa có những bổ sung tương ứng về việc xử lý những hành vi trái phép này trên môi trường kỹ thuật số.

Không chỉ vậy, những bản sao chép này có thể bị buôn bán, trao đổi ngay trên môi trường kỹ thuật số, thậm chí trong thế giới hữu hình. Một ví dụ điển hình của hành vi vi phạm quyền sao chép là trường hợp website www.phimmoi.net. Mặc dù, cơ chế bảo hộ quyền tác giả được quy định rất rõ ràng theo luật nhưng trang web Phimmoi.net (và rất nhiều trang web khác) đã thực hiện các hành vi sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và tiến hành kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền lớn trong thời gian dài. Các tác phẩm điện ảnh bị xâm phạm không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Việt Nam mà cả những tác phẩm quốc tế. Dù tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, trang web này vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Các biện pháp bảo vệ kỹ thuật chỉ tác động vào bản thân trang web, tức trang web có tên miền phimmoi.net, sau khi bị các biện pháp ngăn chặn và vô hiệu hoá, trang web này lại trở lại với một tên miền khác, từ phimmoiz.net đến phimmoizz.net…

Để ngăn chặn những tác động tiêu cực, cũng như khuyến khích tác giả sáng tạo và truyền thông sản phẩm sáng tạo trên môi trường kỹ thuật số, pháp luật Việt Nam đã đặt ra ba nhóm biện pháp để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả: dân sự, hành chính và hình sự. Tuy nhiên, không phải biện pháp nào cũng phát huy được hiệu quả. So với số lượng các hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra trên thực tế, tranh chấp dân sự được giải quyết tại Toà án còn rất hạn chế. Trên trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Toà án Nhân dân tối cao, chỉ ghi nhận năm vụ án tranh chấp về quyền tác giả[9]. Các trường hợp xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trên mạng internet lại càng ít hơn mặc dù số lượng hành vi xâm phạm rất lớn.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các hành vi vi phạm ngày một trở nên tinh vi và khó giải quyết hơn. Tuy đã có các biện pháp công nghệ bảo vệ (Technological Protection Measure - TPM) song việc áp dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bởi lẽ một kỹ thuật công nghệ hoàn toàn có thể bị vô hiệu hoá bởi một kỹ thuật công nghệ khác, ví dụ như việc sử dụng mã độc, virus, điều này sẽ dẫn đến việc sử dụng, lưu hành trái phép các tác phẩm được bảo hộ. Một ví dụ điển hình là trang web xem phim bản quyền Netflix đã sử dụng các TPM ngăn live stream màn hình hay chụp ảnh màn hình, đồng thời ra các tính năng chia sẻ trải nghiệm (Netflix Party) để hạn chế việc vi phạm nhưng các TPM đó vẫn dễ dàng bị phá bỏ. Đồng thời, do quyền tự bảo vệ tác phẩm bằng biện pháp công nghệ cho phép chủ sở hữu quyền tác giả chủ động kiểm soát mọi hành vi của người dùng liên quan đến tác phẩm một cách tự động[10], vậy nên các biện pháp công nghệ có thể ngăn chặn truy cập hoặc khai thác tác phẩm trái phép nhưng cũng làm cho các trường hợp giới hạn quyền tác giả trở nên khó thực thi[11].

Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm quyền tác giả liên quan đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng vấp phải những vướng mắc khó giải quyết. Trong khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả và cần phải chịu trách nhiệm khi quyền tác giả bị xâm phạm. Theo Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022 thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật số để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet. Như vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian chính là chủ thể đầu tiên có khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc tạo điều kiện để hành vi xâm phạm diễn ra. Tuy nhiên thực tế các hành vi xâm phạm này không được ngăn chặn nhanh chóng và kịp thời như vậy. Tại thời điểm World Cup 2018, Đài Truyền hình Việt Nam đã phải gửi đơn đến Bộ Thông tin và Truyền thông vì phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng trên internet[12], trong đó phần lớn là các trang mạng xã hội.

Mặc dù những biện pháp trên được đặt ra để bảo đảm quyền lợi của tác giả cũng như bảo vệ tác phẩm, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng việc quá “khắt khe” trong các quy định sẽ cản trở khả năng tiếp cận tác phẩm của công chúng. Một bộ phận người dùng lý luận rằng quyền cơ bản của công dân là quyền tiếp cận thông tin và các quy định cũng như biện pháp bảo vệ đã và đang cản trở quyền này. Tuy đây là cách hiểu sai lầm khi dùng để biện hộ cho hành vi vi phạm quyền tác giả, song đây vẫn là thực tế phổ biến và đáng buồn ở một bộ phận lớn công chúng. Có thể thấy, yếu tố “cân bằng về lợi ích giữa tác giả và công chúng” đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền của tác giả[13], trong môi trường kỹ thuật số, yếu tố cân bằng về lợi ích giữa tác giả và công chúng lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn. Không chỉ vậy, giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian và tác giả cũng cần đạt một thoả thuận phù hợp. Việc quy hoàn toàn trách nhiệm trong mọi trường hợp cho những doanh nghiệp này cũng có thể khiến cho tâm lý e sợ, trốn tránh và tìm cách “lách luật” diễn ra nhiều hơn, khiến cho quyền tác giả không được triệt để đảm bảo.

III. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số ở Việt Nam

Nhìn chung, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã xây dựng được một khung pháp lý cơ bản, song với sự thay đổi và phát triển từng ngày của công nghệ, việc “vượt rào” pháp luật càng trở nên phổ biến và dễ dàng. Đồng thời, đứng trước xu thế toàn cầu hoá, hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo cũng như yêu cầu của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và những Hiệp định thương mại Việt Nam tham gia, việc thay đổi và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ quyền tác giả nói riêng là điều vô cùng cần thiết.

3.1. Bổ sung các quy định về biện pháp công nghệ

Pháp luật nước ta đã có một số quy định cơ bản về biện pháp công nghệ bảo vệ (TPM). Tuy nhiên, cần nhận thức rõ ràng rằng, những gì một công nghệ có thể làm, một công nghệ khác có thể phá vỡ nó nên TPM cũng có thể dễ dàng bị vô hiệu hoá bởi người dùng internet. Hiệp ước WIPO về Quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty -WCT) quy định về TPM tại Điều 11 như sau:

Các Bên ký kết phải quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ được tác giả sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình theo Hiệp ước này hoặc Công ước Berne và ngăn chặn các hành vi mà không được tác giả cho phép hoặc không được phép theo luật đối với tác phẩm.

Như vậy, sự bảo vệ pháp lý đối với các TPM chỉ có thể được cấp cho các biện pháp công nghệ được chủ thể quyền tác giả sử dụng trong khi thực hiện các quyền của mình đối với các tác phẩm, hơn nữa các quyền này phải là các quyền được quy định trong Hiệp ước WCT hoặc Công ước Berne. Nóicách khác, sự bảo vệ pháp lý đối với các TPM sẽ trở nên vô hiệu khi chúng không được sử dụng bởi tác giả, các chủ thể có quyền khác hoặc TPMs áp dụng trên các tác phẩm không được bảo hộ theo quy định.

Đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, chương Sở hữu trí tuệ của (Điều 18.68) đã coi TPM là đối tượng được bảo vệ theo quyền tác giả. Điều này ngụ ý rằng không chỉ các quyền của tác giả và các quyền liên quan được bảo vệ, mà các công nghệ được sử dụng để bảo vệ các tác phẩm này cũng nhận được sự bảo vệ chống lại hành vi xâm phạm. Nghĩa là, việc xâm phạm các TPM đã được coi là xâm phạm quyền tác giả, chưa cần thực hiện hành vi sao chép trái phép tác phẩm.

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã ghi nhận cho chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ có quyền “[á]p dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Ngay tại quy định này mục đích của việc sử dụng TPM đã được quy định là nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam đi theo hướng quy định các TPM là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, điều này khác với cách tiếp cận của WCT và của một số quốc gia khác quy định các TPM dùng để bảo vệ tác phẩm có bản quyền.

Luật SHTT năm 2022 đã bổ sung khái niệm biện pháp công nghệ bảo vệ là “biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ QTG, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu quyền liên quan”. Các TPM chỉ được coi là “hữu hiệu” khi:

[C]hủ thể quyền tác giả, quyền liên quan kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa thông qua các ứng dụng kiểm soát truy cập, quy trình bảo vệ hoặc cơ chế kiểm soát sao chép.

Như vậy, tuy đã có sự bổ sung nhưng pháp luật Việt Nam vẫn coi mục đích của TPM là công cụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ được bảo vệ pháp lý khi được coi là “hữu hiệu”. Việc không quy định cụ thể TPM là một đối tượng của quyền tác giả khiến việc áp dụng và bảo vệ TPM tại Việt Nam không thực sự hiệu quả và chặt chẽ. Việc bổ sung quy định này là một hướng đi hợp lý nhằm thắt chặt hơn việc áp dụng TPM, đồng thời cũng tăng thêm “hàng rào bảo vệ” cho các tác phẩm và tác giả của chúng. Đồng thời điều đó cũng tuân thủ theo quy định của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết, đơn cử như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

3.2. Xây dựng quy định về bảo hộ quyền tác giả trong vấn đề trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, pháp luật nước ta chưa quy định về bảo hộ quyền tác giả trong vấn đề trí tuệ nhân tạo. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền SHTT chỉ được đặt ra đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra. Cụ thể, pháp luật SHTT quy định chủ thể quyền là chủ sở hữu quyền SHTT hoặc tổ chức cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHTT. Dù cho tác phẩm có đáp ứng đủ mọi điều kiện bảo hộ tuy nhiên tác giả không phải là con người thì tác phẩm đó cũng không được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ kỹ thuật số phát triển, AI từng bước thay thế con người trong công việc, việc mở rộng các quy định pháp luật về khía cạnh trí tuệ nhân tạo là điều cần thiết. Trong các quy phạm về SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng vẫn chưa có quy định nào đề cập về AI. Trong quy định của Công ước Berne và các điều ước quốc tế khác, cũng như pháp luật SHTT Việt Nam, một tác phẩm muốn được bảo hộ phải đảm bảo các yếu tố: (i) Được thể hiện dưới một hình thức nhất định; (ii) Tác phẩm phải là thành quả của hoạt động sáng tạo tinh thần; (iii) Manh tính nguyên gốc. Con người lấy các chất liệu sẵn có để tạo nên tác phẩm mang dấu ấn riêng của tác giả (tính nguyên gốc) thì có thể lập luận việc AI lấy các dữ liệu để tạo nên sản phẩm là tương đương với quá trình sáng tạo của con người không, nếu các dữ liệu đó là sản phẩm của chung nhân loại?

Mặt khác, AI tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của người dùng mà không có quyền từ chối, nếu trong trường hợp người dùng sử dụng AI để tạo ra các mã độc phá bỏ các TPM thì trách nhiệm pháp lý lúc này được quy cho ai? Theo lý thuyết, người tạo ra mã độc này là chủ thể vi phạm, nhưng nếu chỉ viết câu lệnh đơn giản thì có được coi là tạo ra mã độc đó không? Các sửa đổi, bổ sung của Điều 28 Luật SHTT năm 2005 chỉ quy định các hành vi loại bỏ hoặc phá bỏ các giải pháp công nghệ chỉ gồm “sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ”.

Như vậy, việc bổ sung các quy định về trí tuệ nhân tạo trong bảo hộ quyền tác giả là yêu cầu hợp lý. Nếu việc quy định quyền tác giả chỉ dành riêng cho AI là chưa phù hợp thì pháp luật có thể trao cho người sử dụng và AI quyền tác giả của tác phẩm do người đó sử dụng AI để tạo ra. Điều này đã được pháp luật một số quốc gia khác quy định. Pháp luật của Vương quốc Anh đã thể hiện quan điểm ghi nhận quyền tác giả cho những người tạo ra những điều kiện cần thiết để tác phẩm được thực hiện tại Điều 9(3) của Đạo luật Bản quyền, thiết kế và bằng sáng chế Vương quốc Anh 1988: Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật do máy tính tạo ra, tác giả sẽ được coi là người mà đã tạo ra các điều kiện cần thiết cho tác phẩm được thực hiện”[14]. Pháp luật Liên minh châu Âu cũng hướng tới bảo vệ quyền cho con người là nhà sản xuất tác phẩm có sự hỗ trợ của AI.

Có thể nhận thấy, môi trường kỹ thuật số tiềm tàng nhiều nguy cơ đe doạ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Vậy nên việc có văn bản pháp luật riêng về bảo hộ quyền tác giả cũng như quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số là yêu cầu cần thiết. Để làm được điều đó các cơ quan, tổ chức có liên quan cần phải có các chiến lược cụ thể, đặc biệt là chiến lược trong việc tạo ra một hệ sinh thái phù hợp chống lại các hành vi phạm tội trên mạng; tạo ra được những khuôn khổ pháp lý và cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn kỹ thuật vừa mang tính mở để hỗ trợ việc phát triển công nghệ, tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm an ninh mạng; thúc đẩy giáo dục và đào tạo; hỗ trợ thông tin…[15]

3.3. Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là một chủ thể tương đối mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Hoạt động của những chủ thể này đóng vai trò không nhỏ trong việc truyền đạt, phân phối các tác phẩm đến với công chúng, bao gồm cả việc làm tăng hoặc giảm giá trị của tác phẩm. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian chính là chủ thể đầu tiên có khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc tạo điều kiện để hành vi xâm phạm diễn ra[16]. Có thể nói đây là chủ thể có vai trò quan trọng trong hoạt động truyền đạt tác phẩm và bảo vệ quyền tác giả. Như vậy, nếu các đơn vị này thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể được kiểm soát, giúp chủ thể quyền tác giả yên tâm sáng tạo và công chúng cũng được tiếp cận nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với chủ thể bị xâm phạm quyền tác giả xuất phát từ học thuyết trách nhiệm gián tiếp[17]. Trong khoa học pháp lý học thuyết trách nhiệm thay thế là hình thức đặc trưng trong luật dân sự. Theo đó thuyết áp đặt trách nhiệm lên người đứng đầu hoặc pháp nhân đối với hành vi của người làm công hoặc đại lý. Theo cách luận giải của học thuyết này, pháp nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của bất kỳ người làm công hay đại lý của mình nếu giữa pháp nhân và người làm công hay đại lý đó có mối quan hệ ràng buộc theo pháp luật hoặc hợp đồng[18]. Xét trong trường hợp này, khi quyền tác giả bị xâm phạm, các bên liên quan đến hành vi xâm phạm đó đều có trách nhiệm pháp lý mà không cần xem xét hành vi của chủ thể nào đóng vai trò trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy, tác giả có thể khởi kiện người đã trực tiếp xâm phạm quyền tác giả của mình nhưng cũng có thể khởi kiện chủ thể chịu trách nhiệm gián tiếp mà ở đây là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Luật SHTT năm 2022 đã bổ sung trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Điều 198b, thể hiện sự quan tâm đúng mức của nhà lập pháp đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải chịu trách nhiệm nếu có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ trường hợp được quy định miễn trừ. Các trách nhiệm đó có thể kể đến như gỡ bỏ, dừng đường truyền và xoá nội dung thông tin xâm phạm quyền tác giả, cung cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đặc biệt là trực tiếp chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, các quy định về quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trung gian vẫn chưa thực sự toàn diện.

Theo quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải có trách nhiệm trong việc dừng hoạt động phát trực tuyến trái pháp luật, gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ thể quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Có thể nhận xét, việc tạm dừng hay gỡ bỏ đường truyền khi có yêu cầu của cơ quan chức năng là điều đương nhiên. Tuy nhiên trong quá trình tiếp nhận, xác thực và giải quyết của Nhà nước hành vi xâm phạm này có thể đã lan rộng và gây thiệt hại lớn, nhất là trong môi trường kỹ thuật số, khi thông tin được truyền đi với tốc độ rất nhanh và khó để kiểm soát. Vậy nên sẽ hợp lý và hiệu quả hơn nếu mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu ngừng và tạm ngừng đường truyền internet bao gồm tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, bên được nhận quyền sử dụng quyền tác giả cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan chức năng. Thêm vào đó có thể xây dựng quy trình xác minh quyền tác giả đối với tác phẩm khi tác giả có yêu cầu tạm dừng, tránh gây bất lợi cho tác giả và cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Thêm vào đó, vấn đề trách nhiệm bồi thường do xâm phạm QTG của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng là một điểm cần lưu ý. Luật SHTT không quy định cụ thể về các trường hợp bồi thường thiệt hại mà theo hướng cho phép Chính phủ quy định chi tiết[19]. Khoản 5 Điều 5 Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và liên quan trên môi trường mạng internet và viễn thông[20] ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Tuy nhiên, việc “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại” không được quy định một cách rõ ràng.

Giả sử doanh nghiệp cung cấp một nền tảng cho phép người dùng phát trực tuyến sản phẩm xâm phạm quyền tác giả, thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có quyền khởi kiện người dùng, chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian hay cả hai? Cụm từ “trực tiếp” cho thấy doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có thể là bị đơn khi chủ thể quyền khởi kiện tại Tòa án. Nhưng nếu phân tích các quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 587 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại; Điều 288 BLDS năm 2015 cũng quy định nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Như vậy, tác giả có quyền khởi kiện yêu cầu một hoặc hai bên bồi thường thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, việc pháp luật SHTT không quy định rõ ràng về trách nhiệm của người dùng trong trường hợp trên có thể dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người dùng, đồng thời chủ sở hữu quyền tác giả cũng khó khăn trong việc xác định đúng các quyền mà mình có. Đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số, các nền tảng trung gian ngày một phát triển, các hành vi vi phạm sẽ càng gia tăng, vậy nên việc có các quy định và căn cứ pháp lý rõ ràng là vô cùng cần thiết. Đồng thời, các Hiệp định thương mại quốc tế cũng yêu cầu rất rõ về việc luật pháp quốc gia thành viên phải có những quy định cụ thể về việc xử phạt các hành vi vi phạm như trên.

Cuối cùng, cần phải hiểu việc quy định trách nhiệm của ISP phải cân bằng giữa hai lợi ích[21]: thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trung gian trực tuyến và tạo điều kiện cho chủ thể quyền giải quyết hiệu quả các vi phạm bản quyền xảy ra trên môi trường trực tuyến. Vậy nên việc quy định chặt chẽ trách nhiệm của các ISP đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ trung gian do mình cung cấp là vô cùng cần thiết. Nhưng đồng thời các thoả thuận này cũng phải nêu rõ những trường hợp mà ISP được miễn trừ trách nhiệm pháp lý.

IV. Kết luận

Công nghệ số đã mở ra một thế giới mới với những ưu thế trong việc sáng tạo, truyền tải, phổ biến tác phẩm đến với công chúng nhưng mặt trái của nó là sự bùng phát của những hành vi vi phạm quyền tác giả. Các chế tài xử lý hành vi xâm phạm mặc dù đã được quy định nhưng chưa thực sự hiệu quả. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

Có thể nhận định rằng, cốt lõi của việc bảo hộ quyền tác giả nằm ở vấn đề cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tác phẩm. Như vậy, để quyền tác giả được bảo vệpháp luật phải có những quy định làm hài hòa lợi ích của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng; phải tìm ra một cơ chế bảo hộ thích hợp nhất để một mặt vừa khuyến khích được tác giả đầu tư sáng tạo ra nhiều tác phẩm và tác phẩm có giá trị, đảm bảo được lợi ích vật chất cũng như tinh thần của họ; mặt khác, tạo điều kiện cho người sử dụng được tiếp cận, sử dụng, thưởng thức tác phẩm một cách hợp pháp, góp phần vào sự phát triển văn hóa của đất nước. Với sự ra đời của loại hình doanh nghiệp mới: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, pháp luật phải cân bằng được mối quan hệ doanh nghiệp - tác giả - công chúng, đảm bảo quyền lợi của cả ba chủ thể. Chắc chắn đây sẽ là một thách thức lớn với không chỉ pháp luật Việt Nam mà còn cả pháp luật quốc tế, nhưng việc nghiên cứu chuyên sâu để sửa đổi và bổ sung pháp luật sẽ dần dần hài hoà được quyền lợi của các chủ thể; đó cũng là sự khích lệ phát triển với doanh nghiệp, sáng tác với tác giả và tăng mức độ hài lòng của số đông công chúng. Thêm vào đó, việc thiết lập các quy định về trí tuệ nhân tạo là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh công nghệ kĩ thuật ngày một tân tiến hơn. Nó cũng thúc đẩy sự phát triển của nước ta cả về mặt công nghệ - kỹ thuật và kinh tế thị trường, vươn xa và hội nhập khi thế giới càng ngày càng phát triển và công nghệ ngày càng được chú trọng.

Pháp luật thay đổi dựa trên sự phát triển của công nghệ. Môi trường kỹ thuật số đã đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để pháp luật quốc gia ngày một hoàn thiện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

1. Bộ luật Dân sự năm 2015 số 91/2015/QH13

2. Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

3. Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2019)

4. Copyright, Designs and Patents Act 1988 (Đạo luật Bản quyền, thiết kế và bằng sáng chế Vương quốc Anh)

5. WIPO Copyright Treaty (Hiệp ước về quyền tác giả năm 1996)

Công trình trong nước

6. Lê Thị Nam Giang, Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội trong bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 6 (2009)

7. Vũ Thị Phương Lan và những người khác, Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội (2018)

8. Phan Quốc Nguyên, Một số vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ liên quan đến Luật không gian mang (Cyber Law) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Công trình nước ngoài

9. Alfred C. Yen, Internet Service Provider Liability for Subscriber Copyright Infringement, Enterprise Liability, And The First Amendment, Georgetown Law Journal (2000)

10.Bechtold S, From Copyright to Information Law: Implications of Digital Rights Management, Lecture Notes in Computer Science, Nxb. Springer (2002).

11.Becker E, Buhse W, Gunnewig D và Rump N, Digital Rights Management: Technological, Economic, Legal and Political Aspects, Nxb. Springer (2004).

12. Fareed Ahmad Rafiqi & Iftikhar Hussian Bhat, Copyright Protection in Digital Environment: Emerging Issues, International Journal of Humanities and Social Science Invention (2013)

13.Nick Vogel, The Great Decentralization: How Web 3.0 Will Weaken Copyrights, John Marshall Review of Intellectual Property Law, Vol. 15, No. 1, 137 (2016)

14.Priyambada Mishra and Angsuman Dutta, Striking a Balance between Liability of Internet Service Providers and Protection of Copyright over the Internet: A Need of the Hour, Journal of Intellectual Property Rights Vol 14, 7 (2009)

Tài liệu tham khảo từ các trang web

15. Toà án Nhân dân Tối cao, Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của toà, congbobanan.toaan.gov.vn

16. Minh Hoàng, ChatGPT khác biệt gì so với tìm kiếm Google, VnExpress, vnexpress.net

17. Vũ Hoài Nam (10:15 07/8/2023), Tìm hiểu thêm về học thuyết trách nhiệm thay thế trong khoa học luật hình sự, Bộ Tư Pháp, moj.gov.vn

18. Nguyễn Phương Thảo, Bảo vệ quyền tác giả trong hoạt động phát trực tuyến (streaming) - trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung giani>, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bao-ve-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-phat-truc-tuyen-streaming-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-trung-gian6554.html

19. Phi Yến, VTV “kêu cứu” về 700 tài khoản “ăn cắp” World Cup 2018, Bộ Thông tin Truyền thông ra tay, Lao động, https://laodong.vn/the-thao/vtv-keu-cuu-ve-700-tai-khoan-an-cap-world-cup-2018-bo-thong-tin-truyen-thong-ra-tay-613808.ldo

20. Binary and Its Advantages, https://computerscience.chemeketa.edu/cs160Reader/Binary/Binary.html

21. Margaret Rouse, What Does the Internet Mean? (19h09 30/3/2023), Techopedia, https://www.techopedia.com/definition/2419/internet

* PSG.TS. Phan Quốc Nguyên, Giảng viên Trường Đại học Luật – ĐHQGHN. Nhận ngày28/07/2023. Duyệt đăng 20/08/2023. Email pqnguyen77@yahoo.com
** Đinh Vũ Hải Anh, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội

[1] VŨ THỊ PHƯƠNG LAN VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC, BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG MÔI TRƯỜNG KỸ THUẬT SỐ THEO ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 7 (2018).

[2] Binary and Its Advantages (13:24 01/4/2023) , https://computerscience.chemeketa.edu /cs160Reader/ Binary/Binary.html

[3] Margaret Rouse, What Does the Internet Mean? techopedia 30/3/2023, https://www.techopedia. com/definition/2419/internet

[4] Article 8, World Intellectual Property Organization (11h53 30/3/2023), “(…) communication to the public of their works (…)”,https://www.wipo.int/wipolex/en/text/295166

[5] FAREED AHMAD RAFIQI & IFTIKHAR HUSSIAN BHAT, COPYRIGHT PROTECTION IN DIGITAL ENVIRONMENT: EMERGING ISSUES, INTERNATIONAL JOURNAL OF HUMANITIES AND SOCIAL SCIENCE INVENTION, p.7 (2013).

[6] Vũ Thị Phương Lan, tlđd, tr. 28.

[7] Minh Hoàng, ChatGPT khác biệt gì so với tìm kiếm Google, VnExpress 19/7/2023, https://vnexpress. net/chatgpt-khac-biet-gi-so-voi-tim-kiem-google-4565312.html.

[8] Nick Vogel, The Great Decentralization: How Web 3.0 Will Weaken Copyrights, John Marshall Review of Intellectual Property Law, Vol. 15, No. 1, 137 (2016).

[9] Toà án Nhân dân Tối cao, Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của toà án (10h42 10/3/2023) https://congbobanan.toaan.gov.vn/0t15at1cvn1/Tra-cu-ban-an.

[10] BECKER E, BUHSE W, GUNNEWIG D AND RUMP N, DIGITAL RIGHTS MANAGEMENT: TECHNOLOGICAL, ECONOMIC, LEGAL AND POLITICAL ASPECTS, SPRINGER, 22 (2004).

[11] BECHTOLD S, FROM COPYRIGHT TO INFORMATION LAW: IMPLICATIONS OF DIGITAL RIGHTS MANAGEMENT, LECTURE NOTES IN COMPUTER SCIENCE, SPRINGER, P213-214 (2002).

[12] Phi Yến (17:03 27/3/2023), VTV “kêu cứu” về 700 tài khoản “ăn cắp” World Cup 2018, Bộ Thông tin Truyền thông ra tay, Lao động, https://laodong.vn/the-thao/vtv-keu-cuu-ve-700-tai-khoan-an-cap-world-cup-2018-bo-thong-tin-truyen-thong-ra-tay-613808.ldo.

[13] Lê Thị Nam Giang, Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội trong bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 6 (2009).

[14] Acticle 9(3) Copyright, Designs and Patents Act 1988 (22h23 31/3/2023), “In the case of a literary, dramatic, musical or artistic work which is computer-generated, the author shall be taken to be the person by whom the arrangements necessary for the creation of the work are undertaken.”

https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1988/48/section/9.

[15] Phan Quốc Nguyên, Một số vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ liên quan đến Luật không gian mang (Cyber Law) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tr.5.

[16] Nguyễn Phương Thảo (10h25 31/3/2023), Bảo vệ quyền tác giả trong hoạt động phát trực tuyến (streaming) - trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bao-ve-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-phat-truc-tuyen-streaming-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-trung-gian6554.html

[17] Alfred C. Yen, Internet Service Provider Liability for Subscriber Copyright Infringement, Enterprise Liability, And The First Amendment, Georgetown Law Journal, 89 (2000).

[18] Vũ Hoài Nam, Tìm hiểu thêm về học thuyết trách nhiệm thay thế trong khoa học luật hình sự (10h15 07/8/2023), Bộ Tư Pháp,https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1697

[19] Khoản 6 Điều 198b Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

[20] 5. Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan trong các trường hợp sau:

a) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

b) Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

c) Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có.

[21] Priyambada Mishra and Angsuman Dutta, Striking a Balance between Liability of Internet Service Providers and Protection of Copyright over the Internet: A Need of the Hour, Journal of Intellectual Property Rights Vol 14, 7 (2009).

Cùng chuyên mục

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Bàn về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi người tặng cho chết nhưng chưa đăng ký biến động tài sản

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Cần đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Công bằng và bảo đảm công bằng trong thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bảo vệ quyền con người trong tình trạng khẩn cấp theo Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  3 tháng trước