Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Tóm tắt: Bài viết phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập của pháp luật về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong quá trình áp dụng liên quan đến xác định tình trạng nghiện ma túy; thời hạn áp dụng biện pháp; cơ quan quản lý người nghiện ma túy trong thời gian chờ áp dụng quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Từ khóa: biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nghiện ma túy, vi phạm hành chính, chế tài hành chính.
Abstract: The article analyzes and evaluates the legal provisions on deportation to compulsory camp detoxification regarding determination of drug addiction level; the time limit for application of these measures; competent agency managing drug addicts to be sent to a compulsory detoxification establishment camp. Hence, the article makes a number of recommendations to improve the legal provisions on measures of deprtation to compulsory detoxification establishments.
Keywords: administrative handling measures, compulsory deportation to detoxification camp, drug addiction, administrative violations, administrative sanction.
Ma túy là những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể con người dưới bất kỳ hình thức nào sẽ làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý của người đó. Dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nguyễn Thị Vân (2015) cho rằng nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất khi một người sử dụng ma túy lặp đi lặp lại theo chu kỳ.[2] Tình trạng lệ thuộc này làm cho người đó luôn cảm thấy bức bách, phải dùng ma túy để thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma túy. Phan Xuân Tuy (2003) cho rằng nghiện ma túy là một tình trạng bệnh lý cần được điều trị.[3] Do đó, Lê Thị Thanh Huệ (2020) cho rằng để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào ma túy thì không còn cách nào khác là phải cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy.[4]
Theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thì cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy.[5] Pháp luật hiện hành quy định có ba hình thức cai nghiện ma túy gồm: cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy.[6] Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện ngay tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy. Việc cai nghiện ma túy tự nguyện này chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.[7] Hình thức cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy có hai biện pháp cai nghiện là cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Trần Quang Vũ (2022) cho rằng một trong những cách thức để cai nghiện ma túy bắt buộc cho người nghiện ma túy là áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.[8] Biện pháp này được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Từ đây, có thể hiểu, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một biện pháp cưỡng chế hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 để cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy đồng thời tạo điều kiện cho họ lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Từ khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
Một là, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng đối với cá nhân người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên là công dân Việt Nam.
Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với đối tượng cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với cá nhân là công dân Việt Nam. Nguyễn Thị Minh Phương (2020) cho rằng biện pháp này chỉ áp dụng đối với người mang quốc tịch Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên nghiện ma túy.[9] Như vậy, việc áp dụng biện pháp này phải chứng minh được các yếu tố là: i. người Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên: ii. người này được xác định là nghiện ma túy.
Hai là, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mang tính cách ly người bị áp dụng khỏi cộng đồng trong một khoảng thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng.
Nguyễn Cửu Việt (2009) cho rằng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp cưỡng chế hành chính đặc biệt vì biện pháp này trực tiếp hạn chế quyền tự do trong một giai đoạn nhất định bằng hình thức cách ly người bị áp dụng ra khỏi cộng đồng trong khoảng thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng.[10] Trong thời gian này, người nghiện ma túy phải cai nghiện ma túy, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ba là, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mang tính chất khắc nghiệt cao hơn nhiều so với các biện pháp cưỡng chế hành chính thông thường.
Biện pháp này được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên để cách ly họ khỏi xã hội. Thời gian cách ly dài nhất có thể lên đến 24 tháng. Thời gian cách ly khỏi xã hội này được xem xét là tương đối dài, gây bất lợi hơn so với bị xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí, Hà Quang Thanh (2021) cho rằng xét từ góc độ cưỡng chế thì biện pháp này còn có tính khắc nghiệt hơn so với một số hình phạt của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).[11]
Bốn là, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải theo thủ tục chặt chẽ và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Đây là đặc điểm rất quan trọng để phân biệt biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với việc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và với các biện pháp cưỡng chế hành chính khác. Hạn chế quyền con người thông qua biện pháp cách ly khỏi xã hội là vấn đề nhạy cảm, vì vậy cần phải thực hiện theo một thủ tục chặt chẽ. Ninh Viết Tùng và Bùi Tiến Đạt (2019) cho rằng việc bảo đảm quyền của người nghiện ma túy sẽ không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm quyền con người tại cơ sở cai nghiện mà còn phải xem xét, bảo đảm cả ở quá trình, thủ tục, trình tự đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Điều đó đòi hỏi phải có một thủ tục công bằng, tính vô tư khách quan của cơ quan ra phán quyết, minh bạch thủ tục pháp lý, tôn trọng tự do cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật.[12]
Thứ nhất, quy định pháp luật về xác định tình trạng nghiện ma túy còn nhiều khó khăn.
Như đã trình bày, muốn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì trước hết phải xác định công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên nghiện ma túy. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, việc xác định tình trạng nghiện ma túy còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, theo Nghị định số 109/2021/NĐ-CP và Thông tư số 18/2021/TT-BYT thì để kết luận một người nghiện ma túy phải trải qua thủ tục chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy. Theo Thông tư số 18/2021/TT-BYT thì có sáu tiêu chuẩn chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy, bao gồm: a) Tiêu chuẩn 1: Ham muốn mạnh mẽ hoặc cảm giác bắt buộc phải sử dụng chất ma túy; b) Tiêu chuẩn 2: Khó khăn trong việc kiểm soát các hành vi sử dụng ma túy về thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc hoặc mức sử dụng; c) Tiêu chuẩn 3: Có hiện tượng dung nạp với chất ma túy; d) Tiêu chuẩn 4: Ngày càng trở nên thờ ơ với các thú vui hoặc sở thích khác do sử dụng chất ma túy; đ) Tiêu chuẩn 5: Tiếp tục sử dụng ma túy mặc dù đã biết về các hậu quả có hại của chất ma túy; e) Tiêu chuẩn 6: Có trạng thái cai ma túy (hội chứng cai ma túy) khi ngừng hoặc giảm sử dụng chất ma túy.
Người được chẩn đoán là nghiện ma túy khi có ít nhất 03 trong 06 tiêu chuẩn nêu trên xảy ra đồng thời trong vòng ít nhất 01 tháng hoặc nếu tồn tại trong khoảng thời gian ngắn hơn 01 tháng thì cần lặp đi lặp lại đồng thời trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người nghiện ma túy thông qua cách trả lời. Thông thường khi trả lời câu hỏi để xác định triệu chứng, người nghiện ma túy sẽ trốn tránh, không trả lời đúng tình trạng của mình.[13] Điều này làm cho việc xác định chính xác các triệu chứng theo quy định của Thông tư số 18/2021/TT-BYT trở nên khó khăn.
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư số 18/2021/TT-BYT, trong trường hợp không thỏa mãn 03/06 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy thì cơ sở y tế có thẩm quyền ghi kết luận “không nghiện ma túy” vào Phiếu tổng hợp theo dõi xác định tình trạng nghiện ma túy và trả ngay kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy cho cơ quan Công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy. Điều này dẫn đến tình trạng là nhiều người bị phát hiện sử dụng ma túy trái phép, xét nghiệm dương tính với ma túy, nhưng khi xác định tình trạng nghiện thì lại không nghiện ma túy. Từ đó không thỏa mãn điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ hai, theo điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì “việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”. Hiện nay, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ 12 tháng đến 24 tháng.
Cao Vũ Minh (2020) cho rằng pháp luật quy định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như vậy là để người có thẩm quyền trên thực tế căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm để quyết định thời hạn áp dụng dài hay ngắn.[14] Bên cạnh đó, Lê Đức Hiển (2017) cho rằng do đặc thù là phải cai nghiện cho người nghiện ma túy nên việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp này còn phải căn cứ vào khoảng thời gian mà người nghiện ma túy có khả năng cai nghiện thành công.[15]
Trong quản lý nhà nước, tính tùy nghi hành chính là cần thiết nhằm bảo đảm cho hoạt động chấp hành - điều hành được diễn ra liên tục, nhịp nhàng, điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Khanh (2021) cho rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ thì tùy nghi hành chính sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự lạm quyền, tùy tiện.[16] Tính tùy nghi trong việc quyết định áp dụng hình thức xử phạt, mức tiền phạt cụ thể trong xử phạt vi phạm hành chính được kiểm soát tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, tính tùy nghi trong việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lại không được quy định cụ thể. Câu hỏi đặt ra là Tòa án sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để quyết định “thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 12 tháng, 18 tháng hay 24 tháng” bởi pháp luật hiện hành cho phép áp dụng trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng? Lưu Xuân Sang (2017) cho rằng trên thực tế, việc quyết định thời hạn cụ thể đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoàn toàn tùy thuộc vào ý chỉ chủ quan của Tòa án có thẩm quyền.[17] Người bị áp dụng cho dù có quyền đưa ra chứng cứ, trình bày tại phiên họp nhưng lại không thể biết được thời hạn cụ thể áp dụng đối với bản thân mình là bao nhiêu tháng. Người bị áp dụng biện pháp này cũng không thể i>khiếu nại trong trường hợp này vì pháp luật cho phép người có thẩm quyền quyết định trong phạm vi từ “tối thiểu” đến “tối đa”.
Thứ ba, theo khoản 3 Điều 54 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, sau khi có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, cơ quan Công an cấp huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp cơ sở cai nghiện không còn khả năng tiếp nhận đối tượng thì thời hạn được phép kéo dài không quá 03 tháng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo bằng văn bản cho Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định biết và nêu rõ lý do. Câu hỏi đặt ra là >“trong khoảng thời gian kéo dài này thì chủ thể nào sẽ quản lý người nghiện ma túy đã có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?”.
Xem xét các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi không tìm thấy câu trả lời cho vấn đề pháp lý vừa nêu. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, lực lượng Công an cấp xã quản lý sau cai nghiện ma túy;[18] cơ sở bảo trợ xã hội quản lý người bị áp dụng sau khi đã chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp họ là người ốm yếu không còn khả năng lao động hoặc người chưa thành niên mà không xác định được nơi cư trú.[19] Đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do cơ cơ cai nghiện bắt buộc không còn khả năng tiếp nhận thì hoàn toàn không có chủ thể nào có trách nhiệm quản lý. Bất cập này dẫn đến thực tế là người bị áp dụng biện pháp này tuy đã có quyết định áp dụng nhưng vẫn ở ngoài xã hội. Thậm chí đối tượng này vẫn có thể tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và làm cho tình trạng nghiện ma túy trở nên trầm trọng hơn.
Thứ tư, như đã trình bày, thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng. Xét ở góc độ nào đó, thời gian cách ly người bị áp dụng khỏi xã hội còn cao hơn so với một số trường hợp tội phạm bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo Điều 117 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định, thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Trường hợp bị Tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù thì người đó có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Lợi dụng quy định này, nhiều người nghiện ma túy trốn tránh việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bằng cách cố tình vi phạm pháp luật hình sự ở những tội mà khung hình phạt có thời gian cách ly ngắn hơn thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như Tội vu khống,[20] Tội chiếm giữ trái phép tài sản,[21] Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác…[22] Tuy tội phạm có thể để lại án tích nhưng với những người nghiện ma túy có tiền án, tiền sự phức tạp thì họ không quan tâm đến vấn đề này miễn sao thời gian cách ly khỏi xã hội là ngắn nhất. Theo thống kê trên địa bàn của tỉnh Bạc Liêu từ năm 2019 đến tháng 9 năm 2022 đã có 45 trường hợp “cố tình” vi phạm pháp luật hình sự ở những tội có thời gian chấp hành hình phạt tù ngắn hơn thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm trốn tránh việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.[23] Tình trạng trên cũng xuất hiện tại một số tỉnh lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng.[24]
Một là, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy theo tiêu chuẩn chẩn đoán tại Thông tư số 18/2021/TT-BYT quá phức tạp. Trong nhiều trường hợp lại không mang lại kết quả chính xác bởi các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người nghiện ma túy thông qua cách trả lời của họ. Xác định tình trạng nghiện ma túy thông qua cách trả lời sẽ không thể mang lại kết quả chính xác bằng cách xác định mang tính y khoa khoa học. Do đó, cần phải sửa đổi quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy. Cụ thể, trong trường hợp xác định có tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, cùng với việc xét nghiệm dương tính với ma túy là khẳng định người đó nghiện ma túy để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hai là, hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản dưới luật không đưa ra nguyên tắc để từ đó có thể xác định chính xác thời hạn đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong các trường hợp cụ thể. Do đó, nhà làm luật cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc áp dụng thời hạn đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc áp dụng thời hạn cụ thể có thể căn cứ vào các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ. Những nội dung này sẽ là căn cứ quan trọng để quyết định thời hạn cụ thể áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy. Khi có quy định cụ thể thì người bị áp dụng mới có những cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền của mình.
Về mặt lý luận, tình tiết giảm nhẹ được áp dụng như một sự khoan hồng của Nhà nước đối với người nghiện ma túy có ý thức hướng thiện. Trong khi đó, tình tiết tăng nặng là nhằm trừng trị nghiêm khắc hơn đối với những người ngoan cố, chống đối. Do đó, việc chủ thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có càng nhiều tình tiết giảm nhẹ (hoặc tăng nặng) thì càng phải được đối xử khoan hồng (hoặc nghiêm khắc) hơn so với chủ thể khác. Vì vậy, có thể bổ sung nguyên tắc xác định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như sau:
“Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cụ thể là mức trung bình của khung thời gian. Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình.
Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức tối thiểu của khung thời hạn. Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ”.
Ba là, Chính phủ cần quy định trách nhiệm quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do cơ sở cai nghiện bắt buộc không còn khả năng tiếp nhận. Cao Nhất Phiến (2015) cho rằng khi pháp luật quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý sẽ hạn chế tình trạng người nghiện ma túy tiếp tục lún sâu vào con đường nghiện ma túy.[25]
Hiện nay, Điều 113 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Người được hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú”. Do đó, nhà làm luật có thể quy định trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi phát hiện nghiện ma túy quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do cơ cơ cai nghiện bắt buộc không còn khả năng tiếp nhận. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã phát hiện người đó tiếp tục sử dụng ma túy thì báo cho cơ quan Công an cấp huyện để cơ quan này phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ngay lập tức đưa người đó vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cuối cùng, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là nhằm tạo điều kiện để người bị áp dụng chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề. Như vậy, biện pháp này được áp dụng trước hết nhằm cai nghiện cho người nghiện ma túy. Bên cạnh đó, biện pháp này còn hướng đến mục đích giáo dục người nghiện ma túy thông qua việc cải tạo các mối quan hệ với cộng đồng, gia đình và xã hội. Từ đó giúp lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Trong thời gian bị áp dụng biện pháp này, người bị áp dụng được học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người bị áp dụng mới là giải pháp lâu dài, có giá trị trong việc ngăn ngừa tình trạng tái nghiện trong tương lai. Có thể nói, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp hữu hiệu trong việc cai nghiện và phòng ngừa tái nghiện. Do đó, không thể để chế tài hình sự vô hiệu hóa việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện nay, Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định “thời hạn chấp hành hình phạt tù theo nguyên tắc cứ 1,5 ngày chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bằng 01 ngày chấp hành hình phạt tù”. Do đó, có thể sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng buộc người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu thời gian này dài hơn thời hạn chấp hành hình phạt tù giam. Đơn cử, một người nghiện ma túy bị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 18 tháng. Ngay sau đó, người này thực hiện hành vi phạm tội và bị Tòa án tuyên phạt 06 tháng tù giam. Cứ 01 ngày tù giam bằng 1,5 ngày chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, sau khi chấp hành 06 tháng tù giam (tương đương 09 tháng chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), người này còn phải tiếp tục chấp hành 09 tháng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo chúng tôi, sửa đổi này có ý nghĩa quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng trốn tránh việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.
1. Báo cáo số 364/BC-CSCNMT của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu, ngày 05/9/2022;
2. Báo cáo số 121/BC-TTKSBT của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, ngày 12/9/2022.
3. Báo cáo số 17/BC-TTKSBT của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, ngày 18/10/2022
4. Báo cáo số 67/BC-CSCNMT của cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, ngày 26/10/2022
5. Công văn số 1878/BCĐ-CAT ngày 26/05/2022 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn) về việc sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người và phòng, chống ma túy 06 tháng đầu năm 2022.
6. Nguyễn Nhật Khanh, “Kiểm soát quyền tùy nghi trong việc xây dựng và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hành chính”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, No. 04 (2021) 14 - 26.
7. Lê Đức Hiển, “Kết quả 3 năm thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy và giải pháp trong thời gian tới”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 544 (2017) 55- 57.
8. Lê Thị Thanh Huệ, “Nỗ lực trong triển khai các mô hình thúc đẩy công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở Quảng Ninh”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 636 (2020) 65 - 66.
9. Cao Vũ Minh, “Cơ sở xây dựng các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, No. 3 (2020) 12 - 26.
10. Lưu Xuân Sang, “Những vấn đề rút ra qua công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Tạp chí Kiểm sát, No. 02 (2017) 30 - 36.
11. Cao Nhất Phiến, “Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy hiện nay”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 494 (2015) 14 - 16.
12. Nguyễn Thị Minh Phương, “Quy định của pháp luật về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị”, Tạp chí Nghề luật, No. 01 (2020) 38 - 43.
13. Phan Xuân Tuy, “Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh và vấn đề đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Tạp chí Kiểm sát, No. 03 (2003) 28 - 31.
14. Hà Quang Thanh, “Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và những nội dung cần hướng dẫn thi hành”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, No. 18 (2021) 47 - 50.
15. Ninh Viết Tùng - Bùi Tiến Đạt, “Quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: thực trạng và kiến nghị”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, No. 23 (2019) 25 - 32.
16. Nguyễn Cửu Việt, “Một số vấn đề đổi mới pháp luật về vi phạm hành chính ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, No. 01 (2009) 18 - 27.
17. Nguyễn Thị Vân, “Nhận thức mới về nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy: Cơ hội và thách thức”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 521 (2015) 20 - 23.
18. Trần Quang Vũ, “Bảo đảm quyền của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, No. 59 (2022) 99 - 103.
TS, Cao Vũ Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 14/6/2020. Email: caovuminh.dhl@gmail.com>
[2] Nguyễn Thị Vân, “Nhận thức mới về nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy: Cơ hội và thách thức”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 521 (2015) 20 - 23.
[3] Phan Xuân Tuy, “Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh và vấn đề đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Tạp chí Kiểm sát, No. 03 (2003) 28 - 31.
[4] Lê Thị Thanh Huệ, “Nỗ lực trong triển khai các mô hình thúc đẩy công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở Quảng Ninh”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 636 (2020) 65 - 66.
[5] Khoản 13 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
[6] Các khoản 1, 2 Điều 28 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
[7] Khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
[8] Trần Quang Vũ, “Bảo đảm quyền của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Tạp chí Khoa học kiểm sát, No. 59 (2022) 99 - 103.
[9] Nguyễn Thị Minh Phương, “Quy định của pháp luật về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị”, Tạp chí Nghề luật, No. 01 (2020) 38 - 43.
[10] Nguyễn Cửu Việt, “Một số vấn đề đổi mới pháp luật về vi phạm hành chính ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, No. 01 (2009) 18 - 27.
[11] Hà Quang Thanh, “Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và những nội dung cần hướng dẫn thi hành”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, No. 18 (2021) 47 - 50.
[12] Ninh Viết Tùng - Bùi Tiến Đạt, “Quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: thực trạng và kiến nghị”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, No. 23 (2019) 25 - 32.
[13] Công văn số 1878/BCĐ-CAT ngày 26/05/2022 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Lạng Sơn (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn) về việc sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người và phòng, chống ma túy 06 tháng đầu năm 2022.
[14] Cao Vũ Minh, “Cơ sở xây dựng các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, No. 3 (2020) 12 - 26.
[15] Lê Đức Hiển, “Kết quả 3 năm thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy và giải pháp trong thời gian tới”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 544 (2017) 55- 57.
[16] Nguyễn Nhật Khanh, “Kiểm soát quyền tùy nghi trong việc xây dựng và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hành chính”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, No. 04 (2021) 14 - 26.
[17] Lưu Xuân Sang, “Những vấn đề rút ra qua công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Tạp chí Kiểm sát, No. 02 (2017) 30 - 36.
[18] Các điều 77, 78, 79 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
[19] Điều 63, khoản 2 Điều 85 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
[20] Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vu khống quy định thời hạn phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
[21] Điều 164 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác quy định thời hạn phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
[22] Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định thời hạn phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
[23] Xem thêm: Báo cáo số 364/BC-CSCNMT của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu, ngày 05/9/2022; Báo cáo số 121/BC-TTKSBT của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, ngày 12/9/2022.
[24] Báo cáo số 17/BC-TTKSBT của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, ngày 18/10/2022; Báo cáo số 67/BC-CSCNMT của cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, ngày 26/10/2022.
[25] Cao Nhất Phiến, “Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy hiện nay”, Tạp chí Lao động và xã hội, No. 494 (2015) 14 - 16.