Đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được quan tâm đúng mực
Ninh Gia
Thứ ba, 05/11/2024 - 12:50
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho phát triển. Tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho sự phát triển. Tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế. Do đó, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện hay trường đại học công lập hiện nay khi tự chủ là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.
“Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Với thực tế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao.
Quan tâm đến việc các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa được quan tâm thấu đáo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý chủ yếu là của ba quỹ, gồm: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ. Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, số dư của ba quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.
“Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có hoàn thành không? Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ điều này, kể cả các vấn đề đại biểu khác đề cập, như tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay”, đại biểu Hà Sỹ Đồng thảo luận.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, theo các chuyên gia, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trong khi có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách, cũng như chính bản thân cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố.
Liên quan đến việc điều hành tồn dư tiền gửi kho bạc nhà nước, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, nhờ quyết tâm chính trị, từ năm 2017 Bộ Tài chính chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia…
Tuy nhiên, trên thực tiễn quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc kho bạc nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại ở các ngân hàng thương mại mà có những lúc không phù hợp về thời điểm, về liều lượng, kỳ hạn, hay mức lãi suất chào.
“Những việc như vậy nhiều khi đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động của ngân hàng. Do đó, Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn hiện nay một cách tốt nhất” - đại biểu đề nghị.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đưa ra là 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%, ông Đồng cho rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được với điều kiện có các giải pháp thực sự quyết liệt và mạnh mẽ.
Về việc tháo gỡ thể chế, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Việc này phải bằng những chính sách cụ thể như: Thẩm quyền đề xuất phê duyệt triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện các Luật mới như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… Đây là những vấn đề có tác động mạnh mẽ đến thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu…
Với năng lực của các địa phương, cần phải đi kèm với năng lực thực thi. Chính sách đã phân cấp, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện; điều này phải được thực thi bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, cần phải có giải pháp quan tâm hơn đến thị trường vốn, để doanh nghiệp hấp thu và đưa vào sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, khi các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu, cần có chương trình, dự án để hỗ trợ quyết liệt, vì các sản phẩm xuất khẩu được cũng là động lực để giúp tăng trưởng kinh tế.
Theo chương trình kỳ họp, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.