Tóm tắt: Hội đồng xử lý vụ việc HCCT (hạn chế cạnh tranh) là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh do Chủ tịch UBCTQG (Ủy ban
Cạnh tranh Quốc gia) quyết định thành lập để tiến hành xử lý vụ việc HCCT. Quy
định này đã bộc lộ một số bất cập trong việc tổ chức, hoạt động, phần nào
làm hạn chế hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Trong khi đó, ở nhiều nước phát
triển trên thế giới, mô hình cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh được xây dựng từ
rất sớm và hoạt động rất hiệu quả. Bài viết tiến hành phân tích quy định về Hội
đồng xử lý vụ việc HCCT, trên cơ sở đối sánh với kinh nghiệm của Nhật Bản, Hoa
Kỳ và Đài Loan, qua đó chỉ rõ một số điểm bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện
mô hình Hội đồng xử lý vụ việc HCCT nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc
HCCT tại Việt Nam.
Từ khóa: Hội đồng
xử lý; Hội đồng cạnh tranh; Hạn chế cạnh tranh; Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh
tranh.
Abstract: The Council for Handling
Anti-Competitive Case is an agency carrying out competition proceedings
established under the decision of the chair of the National Competition
Commission to handle the anti-competitive case. This regulation has
revealed a number of shortcomings in the organization and operation, partly
limiting the effectiveness of this agency. Meanwhile, in many developed countries
around the world, the competition case handling agency model was built very
early and works very effectively. The article analyzes the regulations of The
Council for Handling Anti-Competitive Case, on the basis of comparison with the
experiences of Japan, the United States, and Taiwan, thereby pointing out a
number of inadequacies and recommendations direction to perfect the model of
The Council for Handling Anti-Competitive Case in order to improve the
efficiency of handling anti-competitive cases in Vietnam.
Keywords: The council for handling; The
competition council; Anti-competitive; Agencies carrying out competition
proceedings.
Đặt vấn đề:
Trong điều kiện hội nhập
kinh tế quốc tế hiện nay, với trào lưu nở rộ của các FTA[1]
(Hiệp định Thương mại tự do) đã mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh cho ngành kinh tế,
đặc biệt là ngành sản xuất hàng hóa, nhưng cũng làm tăng nguy cơ, các doanh
nghiệp nội địa phải đối diện với các hành vi phản cạnh tranh là rất cao. Trong
bối cảnh này, để vừa thực hiện tốt các cam kết thương mại, đồng thời bảo vệ hiệu
quả cho doanh nghiệp và thị trường nội địa, buộc các quốc gia thành viên phải
thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ đã cam kết trong các FTA, đồng thời xây dựng
các thiết chế thực thi đủ mạnh và hiệu quả để bảo vệ môi trường cạnh tranh công
bằng, bình đẳng. Điều này cũng đã được Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế
quốc tế khẳng định: Một hiệp định
quốc tế tốt nhất sẽ không có nhiều giá trị nếu những nghĩa vụ của hiệp định này
không được thực thi… Do vậy, một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả sẽ làm
tăng giá trị thực tiễn của các cam kết mà các bên ký kết đã chấp thuận trong một
hiệp định quốc tế.[2]
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trước sự “tấn công” của các hành
vi HCCT trên thị trường, như một phản ứng tất yếu, các doanh nghiệp tìm đến sử
dụng pháp luật cạnh tranh để bảo vệ cho mình. Hiệu quả hỗ trợ của pháp luật
cạnh tranh đến đâu phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó chi phối và quyết định là
kết quả giải quyết của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT, với tư cách là cơ quan tiến
hành tố tụng cạnh tranh - chủ thể “trung
chuyển” pháp luật cạnh tranh đi vào đời sống thực tiễn. Bởi lẽ, phân
tích đến cùng,
dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu nếu không có con
người – chủ thể thực thi thì các quy định đó cũng chỉ là lý thuyết[3]. Điều này, cũng
đã được Lưu Kỳ Bảo khẳng định:
Sức sống pháp luật được thể hiện ở chỗ thi
hành pháp luật, uy quyền pháp luật cũng thể hiện ở chỗ thi hành, nếu như có luật
mà không thi hành, hoặc thi hành không hiệu quả, thì dù luật nhiều đến mấy cũng
chỉ là văn bản suông, quản lý đất nước theo pháp luật cũng trở thành lời nói
suông.[4]
Nhận thấy điều này, trước thời điểm LCT (Luật
Cạnh tranh) năm 2018 được ban hành và có hiệu lực, để điều tra, xử lý vụ việc cạnh
tranh, Việt Nam đã duy trì mô hình hai cơ quan cạnh tranh, bao gồm Cơ quan quản
lý cạnh tranh (là Cục Quản lý Cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương) và HĐCT (Hội
đồng cạnh tranh). Trong đó, đối với vụ việc HCCT, Cục quản lý Cạnh tranh là cơ
quan tiến hành điều tra[5]. Kết quả điều tra, gửi cho HĐCT, trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐCT ra quyết
định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc để giải quyết thông qua phiên điều trần[6].
Trong hơn 12 năm thực thi LCT năm 2004 với mô hình hai cơ quan cạnh tranh, đã bộc
lộ những điểm hạn chế như: Sự không độc lập về địa vị pháp lý của cơ quan cạnh
tranh[7]; Kéo
dài quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, kết quả giải quyết vụ việc luôn đi
sau diễn biến của thị trường và chưa thể hiện vai trò can thiệp kịp thời của
Nhà nước để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường. Không thể có cơ chế báo cáo thường xuyên giữa
điều tra viên và các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh[8]; Xem
xét kinh nghiệm quốc tế, trong số hơn
100 cơ quan cạnh tranh hiện nay trên thế giới, chỉ có duy nhất tại Việt Nam là
tồn tại mô hình hai cơ quan cạnh tranh trong đó gồm một cơ quan điều tra và một
cơ quan xử lý vi phạm, v.v.[9]
Vì thế, LCT năm 2018 được ban hành, với việc thiết kế mô hình một cơ quan cạnh
tranh để thay thế, có tên gọi là UBCTQG[10].
UBCTQG là cơ quan thuộc BCT (Bộ
Công thương), có tư cách pháp nhân, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh,
kiểm soát TTKT (tập trung kinh tế), quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận
HCCT bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy
định của pháp luật.[11] Để xử lý vụ việc HCCT, Chủ tịch UBCTQG thành
lập Hội đồng xử lý vụ việc HCCT, với số lượng là 3 hoặc 5 thành viên thuộc
UBCTQG để giải quyết vụ việc thông qua phiên điều trần[12].
Tuy vậy, qua phân tích cho thấy, việc thiết kế
mô hình Hội đồng xử lý vụ việc HCCT như hiện nay, chưa đảm bảo được tính độc lập
về vị trí pháp lý trong quá trình tiến hành tố tụng, cũng như chưa đảm bảo tính
hợp lý, chuyên sâu trong cách bố trí thành viên. Điều này dẫn đến, các kết luận
xử lý của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT sẽ khó đảm bảo được tính chuyên sâu, thuyết
phục, đồng thời rất dễ bị tác động từ chủ thể thứ ba xuất phát từ sự so sánh về
vị thế kinh tế, chính trị, ngoài giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt,
vấn đề càng đáng lo ngại hơn, khi thế giới đang chứng kiến xu hướng bảo hộ
thương mại của các nước lớn ngày càng diễn ra sâu sắc, với việc Mỹ đã rút khỏi
nhiều hiệp định song và đa phương, tăng cường các biện pháp bảo hộ cho doanh
nghiệp trong nước[13].
Hay chính sách của Joe Biden là ưu tiên và
khuyến khích người Mỹ thực hiện chính sách “Mua hàng hóa Mỹ”[14].
Hơn nữa, Chiến dịch Quân sự đặc biệt mà Nga đang áp dụng đối với Ukraine
đang dần làm thay đổi cán cân thương mại thế giới khi xu hướng phân hóa các mối
quan hệ chính trị, ngoại giao đang diễn ra rất phức tạp giữa các quốc gia[15].
Vì thế, cần thiết phải nghiêm túc phân tích, đánh giá lại các quy định của pháp
luật Việt Nam về Hội đồng xử lý vụ việc HCCT, nhằm có các đề xuất để tiếp tục
hoàn thiện, nâng cao hiệu quả xử lý vụ việc HCCT của chủ thể này trong bối cảnh
đất nước hiện nay.
1. Vị trí pháp lý của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế
cạnh tranh
1.1. Quy định của pháp luật
Việc
thực hiện hành vi HCCT trên thị trường của doanh nghiệp xuất phát từ nhiều động
cơ, mục đích khác nhau, có thể nhằm loại bỏ, triệt tiêu đối thủ cạnh tranh trên
thị trường để cũng cố, duy trì sức mạnh thị trường; cũng có thể nhằm lôi kéo,
thu hút khách hàng một cách bất chính để tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, mức độ
nguy hiểm và hậu quả gây ra của các hành vi phản cạnh tranh không giống nhau.
Do đó, để kiểm soát hiệu quả các hành vi này, các quốc gia đã phân loại hành vi
phản cạnh tranh thành nhiều nhóm dựa vào tính chất, mức độ và hậu quả của từng
hành vi để thành lập một hoặc một số cơ quan tiến hành xử lý. Điển hình như Hoa
Kỳ, là quốc gia có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật cạnh
tranh. Quốc gia này đã bố trí USFTC[16] (Ủy
ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ) và DOJ[17] (Cục
Cạnh tranh thuộc Bộ Tư pháp)
để
chịu trách nhiệm thực thi một số mảng của LCT. Trong đó, USFTC có chức năng
ngăn chặn hành vi kinh doanh phản cạnh tranh hoặc gây bất lợi đối với người
tiêu dùng; tăng cường quyền lựa chọn của người tiêu dùng và nhận thức của công
chúng về cạnh tranh; hoàn thành nhiệm vụ trên nhưng không gây ra bất kì rào cản
hay gánh nặng pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.[18] Khác
với USFTC, DOJ phụ trách việc đẩy mạnh cạnh tranh kinh tế thông qua việc thi
hành và hướng dẫn thi hành Luật chống độc quyền và các quy định liên quan.[19] Nếu
như Hoa Kỳ xây dựng 02 cơ quan để thực thi LCT, Điều 25 Luật Thương mại lành
mạnh của Đài Loan quy định TFTC[20] (Ủy
ban Thương mại Đài Loan) là cơ quan duy nhất được thiết lập để thực thi LCT.
TFTC có chức năng điều tra và xử lý các vụ việc theo khiếu nại của doanh nghiệp
đối với bất kì vi phạm nào theo quy định của luật tác động xấu đến lợi ích
chung.
Ở Việt Nam, để kiểm
soát hành vi phản cạnh tranh trên thị trường, LCT năm 2018 chia thành: Nhóm
hành vi HCCT; Nhóm hành vi CTKLM (cạnh tranh không lành mạnh); Nhóm hành vi
TTKT. Mỗi nhóm hành vi được giao cho cơ quan giải quyết khác nhau. Đối với nhóm
hành vi CTKLM và TTKT thì Cơ quan điều tra vụ việc thuộc UBCTQG tiến hành điều
tra và Chủ tịch UBCTQG là người tiến hành xử lý bằng quyết định hành chính[21].
Đối với nhóm hành vi HCCT, Cơ quan điều tra vụ việc HCCT tiến hành điều tra, kết
quả gửi UBCTQG, trên cơ sở đó, Chủ tịch UBCTQG ra quyết định thành lập Hội đồng
xử lý vụ việc HCCT để giải quyết vụ việc thông qua phiên điều trần[22].
Hội đồng xử lý vụ việc HCCT được Chủ tịch UBCTQG quyết định thành lập theo vụ
việc nhằm giải quyết các hành vi HCCT thông qua phiên điều trần[23].
Quy định trên cho
thấy, Hội đồng xử lý vụ việc HCCT do Chủ tịch UBCTQG quyết định thành lập theo
vụ việc để giải quyết hành vi HCCT thông qua phiên điều trần. Để làm rõ về địa
vị pháp lý của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT, LCT năm 2018 đã quy định, Hội đồng
xử lý vụ việc HCCT là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh[24],
do Chủ tịch UBCTQG quyết định thành lập để giải
quyết vụ việc HCCT và chỉ định thư ký phiên điều trần trong số thành viên của
UBCTQG, chấm dứt hoạt động và tự
giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.[25] Khi xử lý vụ việc HCCT, Hội đồng xử
lý vụ việc HCCT hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, hoạt
động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.[26]
Tóm lại, Hội đồng xử lý vụ việc HCCT do Chủ
tịch UBCTQG quyết định thành lập để xử lý vụ việc HCCT cụ thể. Như vậy, đây là
cơ quan giúp việc cho UBCTQG, trực thuộc cơ quan hành pháp, được thành lập để
giải quyết từng vụ việc cụ thể. Tuy là cơ quan thuộc nhánh hành pháp nhưng có
nhiệm vụ, quyền hạn áp dụng pháp luật để phán quyết đúng sai theo nguyên tắc tập
thể, quyết định theo đa số thông qua phiên điều trần như chức năng của một cơ
quan tư pháp.
1.2. Đánh giá quy định của pháp luật
Với việc quy định Hội đồng xử lý vụ việc HCCT
là cơ quan giúp việc cho UBCTQG là cơ quan trực thuộc sự điều hành, quản lý của
BCT, chưa tạo được vị trí pháp lý độc lập, khách quan trong xử lý các vụ việc
HCCT hiện nay ở Việt Nam. Điều mà doanh nghiệp lo ngại nhất đó là sự tác động, chi phối của các mệnh lệnh
hành chính làm “méo mó” kết quả xử lý vụ việc HCCT. Vì lẽ rằng,
trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, điều tra, xử
lý vụ việc HCCT liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, không đơn thuần là áp dụng chế tài kinh tế để trừng phạt đối với hành vi phản cạnh
tranh, lúc này vai trò răn đe của chế tài đã vượt qua giới hạn của một biện pháp kinh tế đơn thuần khi nó tác động tới
mối tương quan về vị thế kinh tế, chính trị, đối ngoại giữa các quốc gia với
nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà quan hệ đối tác giữa các quốc
gia được thiết lập dựa trên sự so sánh về vị thế kinh tế, chính trị và quan hệ
ngoại giao, dẫn đến các quốc gia có vị thế kinh tế yếu hơn như Việt Nam, muốn thiết lập mối quan hệ để phát triển với các quốc gia như
Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Trung Quốc thì phải có những chính sách “khoan nhượng”, và
kết quả các mệnh lệnh hành chính sẽ được “dội xuống” nếu đối tượng bị điều tra, xử lý trong vụ việc HCCT là doanh nghiệp của
các nước này. Trong lịch sử xử lý vụ việc vi phạm trên thế giới, cũng đã
có không ít những nghiên cứu đưa ra kết luận chứng minh điều này, Michael Moore
kết luận: “Những đơn kiện từ những đơn vị bầu cử có sự
thiên vị cho nhóm lợi ích nào đó khi nhóm này đòi phải được áp dụng thuế chống
bán phá giá đối với doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài”.[27]
Hay R. Baldwin and J. Steagall cũng đã kết luận: “Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, ITC đúng là đã có dấu hiệu bị
tác động bởi những áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ, các phán quyết về chống bán phá
giá nhằm tới bảo hộ cho ngành công nghiệp trong nước”.[28]
Không chỉ trên thế giới, ở Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu “lo ngại” về thực
tế này, Nguyễn Quý Trọng đã nhận định: “Một vấn đề khác cần được quan tâm là phải
chăng hoạt động của cơ quan điều tra trong quá trình thực thi có chịu sức ép
hay không? Hay trong trường hợp này, chúng ta phải chịu sức ép về chính trị nhiều
hơn sức ép về kinh tế?”.[29] Vì thế, Nguyễn Quý Trọng đã đề
xuất trong công trình rằng: “Cần sớm
xây dựng một thiết chế đủ mạnh bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân và Nhà nước
trong sức cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
kinh tế quốc tế”.[30]
Để
giải quyết thực tế nêu trên, nhà làm luật
Việt Nam đã chọn ý tưởng xây dựng một mô hình cơ quan cạnh tranh là UBCTQG, đảm
bảo sự thống nhất, nhanh chóng từ việc ra quyết định thành lập, quyết định điều
tra cho đến xử lý vụ việc HCCT, để tiến kịp với những diễn biến của thị trương
mà vẫn đảm bảo tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng xử lý vụ việc.
Và thực tế, thay vì mô hình, một cơ quan điều tra, một cơ quan xử lý như trước
đây thì với việc Chủ tịch UBCTQG ra quyết định điều tra và thành lập hội đồng xử
lý theo từng vụ việc cụ thể, đã rút ngắn được khá nhiều các thủ tục cũng như thời
gian để đưa vụ việc ra xử lý, đảm bảo giải quyết kịp thời các hành vi phản cạnh
tranh trong thực tiễn. Đồng thời, để đảm bảo tính độc lập trong xử lý vụ việc,
khoản 3 Điều 60 LCT năm 2018 cũng đã nhấn mạnh: Hội đồng xử lý vụ việc HCCT hoạt
động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy vậy, ý tưởng này rất dễ “phá sản”
trong đời sống thực tiễn, bởi lẽ:
(i) Để đảm bảo được
tính độc lập, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, trước hết phải đảm bảo được vị
trí pháp lý độc lập trong cơ cấu tổ chức, vì lẽ, lợi ích luôn đi đôi với nhiệm
vụ, nếu lợi ích bị phụ thuộc thì nhiệm vụ sẽ khó hoàn thành. Trong lúc đó, pháp
luật quy định, Hội đồng xử lý vụ việc HCCT hoạt động độc lập và chỉ tuân theo
pháp luật, nhưng thành phần tham gia Hội đồng lại do Chủ tịch UBCTQG chỉ định.
Dẫu rằng, thành phần tham gia Hội đồng là thành viên của UBCTQG được Thủ tướng
Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm từ các công chức của BCT và các bộ, ngành liên
quan[31].
Xét về khía cạnh ý chí cá nhân, phần nào đó có sự độc lập, khách quan trong quá
trình xử lý vụ việc. Tuy vậy, UBCTQG là cơ quan trực thuộc sự chỉ đạo về mặt quản
lý nhà nước của BCT, câu hỏi đặt ra, liệu rằng thành viên Hội đồng xử lý vụ việc
HCCT có thể hoạt động độc lập, khách quan nếu hành vi vi phạm liên quan đến
doanh nghiệp do BCT và các bộ khác quản lý. Ngược lại với Việt Nam, năm 2003,
nhận thấy sự phụ thuộc của cơ quan điều tra, giải quyết vụ việc cạnh tranh vào
các bộ, từ chỗ được đặt dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ và Bưu chính Viễn thông,
Nhật Bản đã bố trí JFTC[32]
(Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản) trở thành một cơ quan trực thuộc Chính phủ.[33] Chính sự thay đổi này, đã
đảm bảo nguyên tắc quan trọng
hàng đầu đối với hiệu quả trong hoạt động tố tụng cạnh tranh của JFTC là tính độc
lập về sau này. Hay theo Luật
Thương mại lành mạnh của Đài Loan quy định, để đảm bảo tính độc lập trong xét xử
các hành vi phản cạnh tranh, quốc gia này đã bố trí TFTC
là cơ quan nhà nước cấp bộ được thành lập vào ngày 27/01/1992 theo quyết định của
nội các Đài Loan.[34] Ủy viên của TFTC là những người kinh nghiệm trong các lĩnh
vực kinh tế, chính trị, kế toán do Thủ tướng đề cử và được Tổng thống bổ nhiệm.[35]
(ii) Điều này càng
khó, khi trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường với vai trò “dẫn dắt” nền
kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay thì luôn tiềm ẩn các mệnh lệnh
từ cơ quan thứ ba tác động lên kết quả xử lý vụ việc. Dẫu biết rằng, các bên
liên quan cũng đã giải thích rằng, độc lập không hoàn toàn có nghĩa là phải đứng
độc lập, riêng rẽ về mặt tổ chức, không phụ thuộc cơ quan chủ quản nào mà yếu tố
cốt lõi là phải độc lập về hoạt động cũng như nhiệm vụ, quyền hạn.[36]
Nhưng, thực tiễn xử lý vụ việc phản cạnh tranh cho thấy, sau hơn 13 năm tồn tại,
LCT năm 2004 chỉ xử lý dứt điểm được 06 vụ việc HCCT[37].
Từ khi LCT năm 2018 được ban hành để thay thế cho đến nay, mới có 04 vụ việc
HCCT được xử lý[38]. Tổng cộng
trong gần 20 năm tồn tại, LCT mới xử lý được 10 vụ việc HCCT, bình quân mất khoảng
2 năm thì mới xử lý được 01 vụ việc. Thực sự, đây là con số rất “khiêm tốn” so
với số lượng các hành vi có dấu hiệu vi phạm trong đời sống thực tiễn. Minh chứng,
năm 2018, Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Công
ty TNHH Grab Taxi (Grab Taxi) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về hành vi phạm pháp luật cạnh
tranh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi, gây thiệt hại về doanh
thu, lợi nhuận cho Vinasun. Kết quả, Tòa án đã giải quyết yêu cầu bồi thường
ngoài hợp đồng cho Vinasun. Tuy vậy, qua phân tích cho thấy, hành vi vi phạm của Grab Taxi
có nhiều dấu hiệu của hành vi phản cạnh tranh như hành vi tăng giảm
giá cước taxi một cách
bất hợp lý nhiều lần trong ngày; phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị gây thiệt
hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi
ích nhà nước, lợi ích xã hội, v.v[39], nhưng
các hành vi này chưa được cơ quan cạnh tranh điều tra, xử lý theo quy định. Hay
năm 2019, Hội đồng xử lý vụ việc HCCT đã ra quyết định, không chấp nhận đề
nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc
phục tác động HCCT đối với hành vi mua lại doanh nghiệp giữa Grab Taxi và Uber
Việt Nam, với lý giải, do việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa
hai Công ty này không cấu thành hành vi TTKT theo hình thức mua lại doanh nghiệp,
quy định tại khoản 3 Điều 17 của LCT.[40]
Quyết định này đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh luận, bởi quá trình điều tra
chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã xác định việc TTKT giữa
Grab Taxi và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
Do đó, hành vi TTKT này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Mục 3 Chương II của
LCT.[41]
1.3. Đề xuất hoàn thiện quy định của
pháp luật về vị trí pháp lý của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh
Việc
lựa chọn mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh là vấn đề quan trọng
và có nhiều quan điểm khác nhau tại các nước trên thế giới. Và thực tế, LCT năm
2018 của Việt Nam đã lựa chọn ý tưởng thiết lập một mô hình thay cho mô hình
hai cơ quan trước đây. Có thể thấy, mô hình một cơ quan có các ưu điểm làm tinh
gọn bộ máy, rút ngắn các thủ tục hành chính giữa hai cơ quan, từ đó có thể rút
ngắn quá trình tố tụng, đảm bảo việc giải quyết vụ việc cạnh tranh theo kịp diễn
biến của thị trường, nhưng chưa đảm bảo được vị trí độc lập, khách quan của
UBCTQG khi vẫn bố trí cơ quan này trực thuộc BCT. Dẫn đến, các cơ quan giúp việc
cho UBCTQG, trong đó có Hội đồng xử lý vụ việc HCCT vẫn không thể thực hiện nhiệm
vụ một cách độc lập, khách quan như kỳ vọng. Vì thế, để đảm bảo hoạt động tố tụng cạnh tranh đạt hiệu quả,
việc xây dựng mô hình một cơ quan là phù hợp, nhưng cần tách cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh thành một cơ quan độc lập,
trực thuộc Chính phủ, thay vì trực thuộc BCT như hiện nay. Điều
này giúp khắc phục được sự phụ
thuộc về vị trí pháp lý của Hội đồng xử lý vụ
việc HCCT. Bởi lẽ, khi UBCTQG trực thuộc Chính phủ, lúc này
Hội đồng xử lý vụ việc HCCT với vị trí là cơ quan giúp việc cho
cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ quản lý sẽ giảm bớt sự tác động bởi mệnh
lệnh hành chính từ cơ quan thứ ba, đặc biệt là từ các bộ có doanh nghiệp vi phạm
pháp luật cạnh tranh.
2. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh
2.1. Quy định của pháp luật
Hội đồng xử lý vụ việc HCCT do Chủ tịch
UBCTQG quyết định thành lập theo từng vụ việc, có số lượng là 03 hoặc 05 thành
viên được lựa chọn trong số các công chức của UBCTQG, trong đó có 01 thành viên
được phân công là Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc HCCT.[42] Nhiệm vụ của Hội
đồng xử lý vụ việc HCCT là quyết định mở phiên điều trần; Triệu tập người tham
gia phiên điều trần; Triệu tập người làm chứng theo yêu cầu của các bên; Quyết
định trưng cầu giám định; quyết định thay đổi người giám định, người phiên
dịch; Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành điều tra bổ sung;
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc HCCT; Quyết định xử lý vụ việc HCCT; Đề
nghị Chủ tịch UBCTQG thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; Nhiệm vụ,
quyền hạn khác theo quy định của LCT[43].
Cùng với đó, Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc HCCT có nhiệm vụ, quyền hạn là tổ
chức xử lý vụ việc HCCT; Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ
việc HCCT; Ký văn bản của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT; Nhiệm vụ, quyền hạn khác
theo quy định của Luật này.[44]
Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc HCCT có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia đầy đủ
phiên họp của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT; Thảo luận và biểu quyết về những vấn
đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT.[45]
Điểm lại các quy định trên cho thấy, nhà làm luật đã tập
trung làm rõ cơ cấu, tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT với các nôi dung: Hội đồng xử lý vụ việc HCCT do Chủ tịch
UBCTQG quyết định thành lập; Số lượng là 03 hoặc 05 thành viên; Thành viên do Chủ tịch UBCTQG quyết định
lựa chọn trong số các công chức của UBCTQG, trong đó có 01 thành viên được phân
công làm Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc HCCT. Hội đồng xử lý vụ việc HCCT có quyền hạn và thực hiện các
nhiệm vụ như quyết định mở phiên điều trần, quyết định xử lý vụ việc HCCT, v.v.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng xử lý vụ việc HCCT hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp
luật, theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Hội đồng xử lý vụ việc HCCT chấm dứt hoạt động và tự giải
thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
2.2. Đánh giá quy định của pháp luật
Cùng
với việc làm rõ vị trí pháp lý, pháp luật cũng quy định về cơ cấu, tổ chức của
Hội đồng xử lý vụ việc HCCT. Theo đó, số lượng thành viên Hội đồng là 03 hoặc
05 thành viên, do Chủ tịch UBCTQG quyết định lựa chọn trong số các thành viên
UBCTQG, trong đó có 01 thành viên được phân công là Chủ tịch Hội đồng[46].
Đối sánh với quy định trước đây cho thấy, cơ cấu thành viên của Hội đồng xử lý
vụ việc HCCT hiện nay có những điểm mới. Nếu như trước đây, thành viên của Hội
đồng xử lý vụ việc HCCT được lựa chọn từ nhiều bộ ngành khác nhau, và số lượng
thành viên Hội đồng xét xử do Chủ tịch HĐCT quyết định[47],
thì hiện nay, các thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT do Chủ tịch UBCTQG
quyết định và được lựa chọn từ thành viên của UBCTQG, số lượng là 03 hoặc 05
thành viên.
Phân
tích quy định này, nhận thấy có những điểm chưa hợp lý và thuyết phục. Cụ thể,
khi một hành vi phản cạnh tranh được thực hiện trên thị trường, sẽ tác động đến
rất nhiều ngành nghề, thậm chí liên quan đến thị trường và doanh nghiệp nước
ngoài. Vì thế, để xử lý vụ việc HCCT một cách khách quan, chuyên sâu, cần phải
có đại diện của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ là các
thành viên của UBCTQG như quy định hiện nay. Dẫu rằng, thành viên của UBCTQG được
Thủ tướng bổ nhiệm từ công chức của BCT, các Bộ, ngành có liên quan, các chuyên
gia và nhà khoa học theo đề nghị của Bộ trưởng BCT[48].
Nhưng không thể chắc chắn rằng, các lĩnh vực thuộc chuyên môn của thành viên
UBCTQG đảm nhiệm đã bao quát hết tất cả các tình huống xảy ra trong thực tiễn.
Hơn nữa, thực tiễn xử lý, có những nguyên do khách quan mà thành viên được lựa
chọn không thể tham gia hội đồng xử lý vụ việc HCCT. Trong các trường hợp này,
việc quy định Chủ tịch UBCTQG chỉ được lựa chọn từ thành viên của UBCTQG sẽ ảnh
hưởng đến năng lực của Hội đồng xử lý trong từng vụ việc cụ thể. Một vấn đề
khác, mặc dù được Thủ tướng bổ nhiệm từ công chức của BCT và các bộ, ngành liên
quan, nhưng do là thành viên của UBCTQG nên phải chịu sự quản lý, điều hành của
Bộ trưởng BCT. Trong khi đó, 3 hoặc 5 thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc
HCCT đều phải lựa chọn từ thành viên của UBCTQG. Cách tổ chức này, vừa không đảm
bảo tính đại diện của các chuyên gia đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, đồng thời
chịu sự ràng buộc về mặt quản lý, điều hành của Bộ trưởng BCT sẽ làm ảnh hưởng
đến sự chủ động, khách quan trong các quyết định của thành viên Hội đồng.
Hơn
nữa, số lượng thành viên tham gia Hội đồng xử lý vụ việc HCCT nhiều hay ít tùy
thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của mỗi vụ việc để quyết định thành lập.
Do đó, việc quy định số lượng thành viên Hội đồng xử lý vụ việc HCCT từ 03 hoặc
05 thành viên là cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn. Kinh nghiệm của các quốc
gia thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh cho thấy, thành viên của cơ quan cạnh
tranh được bố trí gồm nhiều thành viên nhằm đảm bảo rằng các thành viên đưa ra
những ý kiến chuyên môn chuyên sâu, khách quan đối với các công việc mang tính
thực thi pháp luật cạnh tranh. Ví như, pháp luật Nhật Bản quy định, JFTC có tổng
số 05 thành viên, cụ thể là 01 chủ tịch và 04 ủy viên.[49]
Những thành viên này do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, có tuổi đời từ 35 trở
lên, lấy trong số các chuyên gia về pháp luật và kinh tế, trên cơ sở sự đồng
thuận của cả Thượng viện và Hạ viện, riêng bổ nhiệm chủ tịch JFTC do Nhật Hoàng
thông qua[50]. Hay
pháp luật Đài Loan quy định, TFTC được
cơ cấu bởi 09 ủy viên thường trực làm việc theo nhiệm kì 03 năm và có thể được
bổ nhiệm thêm một nhiệm kì nữa. Trong số các ủy viên sẽ có một người làm chủ tịch
TFTC và được coi là cán bộ được bổ nhiệm đặc biệt, sẽ điều hành các hoạt động của
TFTC, đồng thời có quyền bổ nhiệm phó chủ tịch để hỗ trợ chủ tịch trong việc điều
phối TFTC. Ủy viên của TFTC là những người kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh
tế, chính trị, kế toán do Thủ tướng đề cử và được Tổng thống bổ nhiệm[51].
2.3. Đề xuất hoàn thiện quy định của
pháp luật về cơ cấu, tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh
Để nâng cao hiệu
quả hoạt động của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT ở Việt Nam trong thời gian tới, cần
thiết phải sửa đổi các quy định của LCT năm 2018, đặc biệt là Điều 60 theo hướng,
quy định cơ cấu thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT phải đảm bảo tính đại
diện, linh động và chuyên sâu về chuyên môn. Cụ thể, với
đề xuất xây dựng vị trí pháp lý của UBCTQG trực thuộc Chính phủ, lúc này thành
viên của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT do Chủ tịch UBCTQG quyết định với tư cách
là thủ trưởng của cơ quan ngang bộ. Ở vị thế này, các “mệnh lệnh” tác động lên
kết quả xử lý của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT sẽ hạn chế hơn so với mô hình trực
thuộc BCT như hiện nay. Đồng thời, không quy định ấn định số lượng thành viên,
điều này giao cho Chủ tịch UBCTQG quyết định dựa vào tính chất, mức độ nghiêm
trọng của từng vụ việc. Đặc biệt, thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT cần
phải được lựa chọn đa dạng các chuyên gia từ nhiều bộ ngành thuộc nhiều lĩnh vực
khác nhau, phù hợp với mức độ và tính chất của mỗi vụ việc.
3. Kết luận. Hội
đồng xử lý vụ việc HCCT là cơ quan giúp việc cho UBCTQG, do Chủ tịch UBCTQG
quyết định thành lập để xử lý từng vụ việc HCCT cụ thể. Tuy nhiên, phân tích
nhận thấy, các quy định hiện nay về Hội đồng xử lý vụ việc HCCT còn những điểm
hạn chế trong tổ chức hoạt động, như vị trí pháp lý chưa đảm bảo tính độc lập,
khách quan trong thực hiện nhiệm vụ; quy định về thành viên của Hội đồng xử lý
vụ việc HCCT còn cứng nhắc, chưa đảm bảo tính đại diện và chuyên sâu về chuyên
môn. Vì vậy,
để Hội đồng xử lý vụ việc HCCT có vị trí pháp lý độc lập với các bộ, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng xây dựng mô hình một
cơ quan cạnh tranh trực thuộc Chính phủ thay vì trực thuộc BCT như hiện nay. Đồng
thời, cần quy định cơ cấu thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc HCCT đảm bảo
tính đại diện lĩnh vực, chuyên sâu về chuyên môn, phù hợp với mức độ và tính chất
của mỗi vụ việc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Văn bản pháp luật
[1] Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH-11, ngày 3 tháng 12
năm 2004.
[2] Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14, ngày 12 tháng 6
năm 2018.
[3] Nghị định 05/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006 quy định về
việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức của Hội đồng cạnh
tranh.
[4] Nghị định 03/2023/NĐ-CP ngày 10/2/2023 quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
II. Các báo cáo của cơ quan nhà nước
[5] Bộ Công thương, Báo cáo Tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh,
(6/9/2017).
[6] Cục Quản lý Cạnh tranh, Báo cáo rà soát các quy định
của Luật Cạnh tranh Việt Nam, (22/2/2013).
III. Các công trình nghiên cứu
[7] Bộ Công
thương, Kết quả đạt được sau 2 năm
thực hiện Luật Cạnh tranh: Góc nhìn từ cơ quan quản lý (13/9/2021 16:36), https://congthuong.vn/ket-qua-dat-duoc-sau-2-nam-thuc-hien-luat-canh-tranh-goc-nhin-tu-co-quan-quan-ly-164004.html.
[8] Hải
Duyên, Xử phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab (12:21 (GMT+7) 10/3/2020),
https://vnexpress.net/xu-phuc-tham-vu-vinasun-kien-grab-4066943.html.
[9] Hồng Hạnh, Biden cũng cố chính sách kinh tế thời
Trump (19:06 (GMT+7) 25/1/2021), https://vnexpress.net/biden-cung-co-chinh-sach-kinh-te-thoi-trump-4226369.html.
[10] Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội thảo lý luận lần
thứ 10 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Chính trị
Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.
[11] Mai Xuân Hợi & Đỗ Đức Hồng Hà, Một số mô
hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới – Kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp
chí Khoa học Pháp lý, 01(86), (2015).
[12] Mai Xuân Hợi & Nguyễn Sơn Hà, Cơ quan tiến
hành tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội,
(2023).
[13] Võ Đại Lược, Điều chỉnh chính sách kinh tế của các cường quốc và tác động đến Việt
Nam (14:40 15/5/2029), http://tapchikhxh.vass.gov.vn/dieu-chinh-chinh-sach-kinh-te-cua-cac-cuong-quoc-va-tac-dong-den-viet-nam-n50278.html.
[14] Anh Minh, Vì sao Việt Nam không phạt vu Grab
mua Uber như các nước? ( 19:57 (GMT+7 23/6/2019),
https://vnexpress.net/vi-sao-viet-nam-khong-phat-vu-grab-mua-uber-nhu-cac-nuoc-3941522.html.
[15] Michael Moore, Rules or politics? An empirical analysis of
ITC antidumping decisions, George
Washington, University, (1990).
[16] R. Baldwin and J.
Steagall,
An analysis of factors
influencing ITC decisions in antidumping, countervailing and safeguards cases, Carleton University – University of Wiscosin, Ohawa, Canada, (1991).
[17] Nguyễn Qúy Trọng, Pháp luật về tự vệ trong nhập
khẩu hàng nước ngoài vào Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Tư
pháp, Hà Nội, (2013).
[18] Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc
tế, Sổ tay về hệ thống giải quyết
tranh chấp của WTO. Nxb. Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, (2006).
[19] VnEconomy, Một năm trôi qua, xung
đột Nga-Ukraine vẫn là cú sốc dai dẳng đối với kinh tế toàn cầu, (19:31 20/02/2023), https://vneconomy.vn/mot-nam-troi-qua-xung-dot-nga-ukraine-van-la-cu-soc-dai-dang-doi-voi-kinh-te-toan-cau.htm
* TS Mai Xuân Hợi, Giảng viên Trường Đại học Luật Huế.
Duyệt đăng 19/1/2024. Email: hoilu09@gmail.com
** Trần Thị Phương Ly, Giảng viên Trường Đại học Luật
Huế
[1] Free Trade Agreement.
[2] Ủy ban Quốc gia về Hợp tác
Kinh tế quốc tế, Sổ tay về hệ thống giải
quyết tranh chấp của WTO. Nxb. Trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh,
28, (2006).
[3] Mai Xuân Hợi & Nguyễn
Sơn Hà, Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh theo pháp luật Việt Nam, Nxb. Công
an nhân dân, Hà Nội, 8, (2023).
[4] Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội thảo lý luận lần thứ 10 giữa
Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 54, (2015).
[5] Luật Cạnh tranh số
27/2004/QH-11, ngày 3 tháng 12 năm 2004, chương 4 Điều 49.
[6] Luật Cạnh tranh, tlđd, 5,
chương 5 Điều 54, Điều 79 và Điều 80.
[7] Bộ Công thương, Báo cáo Tổng
kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, 29,
(6/9/2017).
[8] Bộ Công thương, tlđd, 7,
30.
[9] Bộ Công thương, tlđd, 7,
30.
[10] Luật Cạnh tranh số
23/2018/QH14, ngày 12 tháng 6 năm 2018, chương 7 Điều 46.
[11] Nghị định số
03/2023/NĐ-CP, ngày 10 tháng 2 năm 2023, Điều 1.
[12] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 7 Điều 50 và chương 8 Điều 59 và Điều 60.
[13] Võ Đại Lược, Điều
chỉnh chính sách kinh tế của các cường quốc và tác động đến Việt Nam (14:40 15/5/2029),
http://tapchikhxh.vass.gov.vn/dieu-chinh-chinh-sach-kinh-te-cua-cac-cuong-quoc-va-tac-dong-den-viet-nam-n50278.html.
[14] Hồng Hạnh, Biden cũng cố chính sách kinh tế thời
Trump (19:06 (GMT+7) 25/1/2021), https://vnexpress.net/biden-cung-co-chinh-sach-kinh-te-thoi-trump-4226369.html.
[15] VnEconomy, Một năm trôi qua, xung đột
Nga-Ukraine vẫn là cú sốc dai dẳng đối với kinh tế toàn cầu, (19:31 20/02/2023), https://vneconomy.vn/mot-nam-troi-qua-xung-dot-nga-ukraine-van-la-cu-soc-dai-dang-doi-voi-kinh-te-toan-cau.htm.
[16] Federal Trade Commission.
[17] Competition Bureau under the Ministry of
Justice.
[18] Cục Quản lý Cạnh tranh,
Báo cáo rà soát các quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam, 268, (22/2/2013).
[19] Cục Quản lý Cạnh tranh, tlđd,
18, 268.
[20] Taiwan Trade Commission.
[21] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 7 Điều 50 và chương 8 Điều 59.
[22] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 7 Điều 50 và chương 8 Điều 59.
[23] Luật Cạnh
tranh, tlđd, 10, chương 8 Điều 59.
[24] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 58.
[25] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 60.
[26] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 60.
[27] Michael Moore,
Rules or politics? An empirical
analysis of ITC antidumping decisions, George
Washington, University,
(1990).
[28] R. Baldwin and
J. Steagall, An analysis of factors influencing ITC decisions in
antidumping, countervailing and safeguards cases, Carleton
University – University of Wiscosin, Ohawa, Canada, (1991).
[29] Nguyễn Qúy Trọng, Pháp luật
về tự vệ trong nhập khẩu hàng nước ngoài vào Việt Nam – Những vấn đề lý luận và
thực tiễn, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2013, 152.
[30] Nguyễn Qúy Trọng, tlđd,
29, 178.
[31] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 7 Điều 48, khoản 3.
[32] Japan Fair Trade
Commission.
[33] Cục Quản lý Cạnh tranh Việt
Nam, xem thêm, 18, 21-22. Theo đó, Tính độc lập của Ủy ban Thương mại
lành mạnh là độc lập về mặt lợi ích với các chủ thể đồng thời phải độc lập và
trung lập trong quyết định của chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban Thương mại
lành mạnh.
[34] Cục Quản lý Cạnh tranh, tlđd,
18, 279.
[35] Cục Quản lý Cạnh tranh,
tlđd, 18, 279.
[36] Bộ Công thương, tlđd, 7,
43.
[37] Bộ Công thương Việt Nam, tlđd,
7, 8.
[38] Bộ Công thương, Kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Luật Cạnh
tranh: Góc nhìn từ cơ quan quản lý (13/9/2021 16:36), https://congthuong.vn/ket-qua-dat-duoc-sau-2-nam-thuc-hien-luat-canh-tranh-goc-nhin-tu-co-quan-quan-ly-164004.html.
[39] Hải Duyên, Xử phúc thẩm
vụ Vinasun kiện Grab (12:21(GMT+7) 10/3/2020),
https://vnexpress.net/xu-phuc-tham-vu-vinasun-kien-grab-4066943.html.
[40] Anh Minh, Vì sao Việt
Nam không phạt vu Grab mua Uber như các nước? (19:57(GMT+7) 23/6/2019), https://vnexpress.net/vi-sao-viet-nam-khong-phat-vu-grab-mua-uber-nhu-cac-nuoc-3941522.html.
[41] Anh Minh, xem thêm,
40.
[42] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 60.
[43] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 61.
[44] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 61.
[45] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8 Điều 61.
[46] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 8, Điều 60.
[47] Nghị định số
05/2006/NĐ-CP, ngày 9 tháng 1 năm 2006, quy định về việc thành lập và chức năng
nhiệm vụ và cơ cấu, tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh, Điều 3 và Điều 4.
[48] Luật Cạnh tranh, tlđd, 10,
chương 7, Điều 48, khoản 2, khoản 3.
[49] Mai Xuân Hợi & Đỗ Đức
Hồng Hà, Một số mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới – Kinh nghiệm
cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học Pháp lý, 01(86), 63, (2015), như được trích từ
Website của JFTC
http://www.jftc.go.jp/en/about_jftc/index.files/JFTC_organizational_chart_201309.pdf
[50] Cục Quản lý Cạnh tranh,
tlđd, 18, 255.
[51] Xem thêm Cục Quản lý Cạnh
tranh, tlđd, 18, 280.