Thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng theo mẫu của bên đề nghị giao kết đối với người tiêu dùng
Tóm tắt: Bài viết trình bày đặc trưng về sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế tại các giai đoạn kể từ năm 1945 đến nay dựa trên việc phân tích các chính sách sở hữu, các chính sách phát triển và các chính sách tái phân phối giá trị của nền kinh tế. Qua đó, bài viết cho thấy quá trình chuyển dịch trong các chính sách can thiệp kinh tế của nhà nước Việt Nam, với xu hướng “tiệm tiến”, tuần tự kể cả trong giai đoạn tập trung hóa, kế hoạch hóa lẫn tự do hóa, thị trường hóa hiện nay. Việc mô tả sự can thiệp này qua các giai đoạn có ý nghĩa làm tiền đề cho các nghiên cứu mang tính khái quát và lý luận về quy luật biến đổi sự can thiệp của nhà nước Việt Nam vào nền kinh tế.
Từ khóa: Can thiệp, nhà nước, kinh tế.
Dẫn nhập: Kể từ khi giành được độc lập đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thử nghiệm và triển khai nhiều chính sách kinh tế khác nhau, trong đó phản ánh nhiều mô hình can thiệp khác nhau. Dựa trên việc phân tích các khía cạnh lớn trong thể chế kinh tế: chính sách sở hữu, chính sách phát triển và chính sách tái phân phối giá trị của nền kinh tế, bài viết khái quát các đặc trưng của từng giai đoạn và toàn bộ quá trình biến đổi nói chung. Bài viết là sự tiếp nối của những nghiên cứu về sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế đã đăng trên Tạp chí Pháp luật và phát triển từ 2018 đến nay[1].
1. Giai đoạn kinh tế kháng chiến kiến quốc (1945 – 1954)
Về mặt lịch sử, sau khi giành được độc lập năm 1945, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phải giải quyết nhiều vấn đề kinh tế hết sức bề bộn. Sau đó, cuộc kháng chiến bắt đầu từ cuối năm 1946 đến năm 1954 khiến chính quyền buộc phải thu hẹp phạm vi hoạt động và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khái quát nhất về bối cảnh kinh tế thời gian này chính là ở mục đích “xây dựng nền kinh tế độc lập, kháng chiến”[2]. Sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế trong giai đoạn này thể hiện ở một số điểm sau:
- Đối với các chính sách sở hữu:
Hiến pháp 1946, tại Điều 12, đã ghi nhận quyền tư hữu, không phân biệt đối với bất kỳ loại tài sản nào (kể cả đất đai). Bên cạnh đó, chế độ sở hữu được quy định rất tiến bộ như[3]: (1) Chủ thể sở hữu đa dạng và bình đẳng; (2) Khách thể sở hữu đa dạng và không bị hạn chế; và (3) Hình thức sở hữu đa dạng. Đánh giá về quy định này, có thể thấy nó đã đạt tới một số ưu điểm như[4]: (1) Đồng bộ với những quy định về nhân quyền trong đó tư tưởng chính là ghi nhận và bảo vệ một cách rộng rãi; (2) Phù hợp với bối cảnh một đất nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa, cần mở rộng tự do; và (3) Làm tiền đề cho việc thực hiện các quyền dân sự và kinh tế khác của người dân.
Về vấn đề thuế, ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công, các loại thuế vô lý - tàn dư của chế độ thuộc địa đã bị bãi bỏ[5]. Cách tính thuế, thu thuế cũng được thiết kế lại để đảm bảo công bằng, hợp lý. Nhiều loại tô, thuế được giảm để kích thích sản xuất nhưng cũng có một số loại thuế tăng lên để đảm bảo nguồn thu ngân sách[6]. Như vậy, chính sách thuế thời kỳ này chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và có điều tiết nhất định để bảo vệ những thành phần kinh doanh còn yếu như nông dân, người buôn bán nhỏ.
Đến cuối giai đoạn này, đặc biệt khi các vùng tự do được mở rộng, chính sách sở hữu của chính quyền có thay đổi nhất định. Xuất phát từ Cương lĩnh ruộng đất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua vào tháng 11 năm 1953, đến tháng 12, Nhà nước ban hành Luật Cải cách ruộng đất, trong đó có nhiều nội dung trong đó Nhà nước dùng các biện pháp như tịch thu, buộc trưng thu, trưng mua ruộng đất đối với một số thành phần như: thực dân, đế quốc xâm lược, địa chủ, Việt gian, phản động, cường hào gian ác, nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, các tổ chức tôn giáo, ngoại kiều. Những biện pháp mang đậm màu sắc của mô hình kinh tế chỉ huy này vừa mang màu sắc của các nước xã hội chủ nghĩa[7] nhưng cũng có mục đích thực tế là để “động viên sức người sức của cho tiền tuyến và bồi dưỡng sức dân”[8]. Có thể coi đây là một bước đệm để sau khi giành được độc lập trên một phần đất nước, Nhà nước bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.
- Đối với các chính sách phát triển:
Nhìn chung, màu sắc của các chính sách phát triển thời kỳ này đều mang đậm tính tự do và phục vụ kháng chiến. Cụ thể trên các mặt như sau[9]: (1) Về nông nghiệp, Nhà nước sửa chữa đê điều, khuyến khích tăng gia sản xuất, cho vay lãi suất thấp; (2) Về công nghiệp, đa phần các máy móc, cơ sở sản xuất thuộc về các tiểu chủ tư nhân; hoạt động sản xuất vừa tạo ra nhu yếu phẩm lại vừa phục vụ kháng chiến; và (3) Về thương nghiệp, tư nhân đóng vai trò chủ yếu, Nhà nước thành lập các cơ quan mậu dịch quốc doanh để thu mua sản phẩm của nhân dân theo giá thị trường. Như vậy, nhìn chung là trong các ngành sản xuất và thương mại, Nhà nước thực hiện chính sách tự do, cởi mở. Điều này là phù hợp với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế độc lập. Sự điều tiết và can thiệp của Nhà nước nhìn chung là ít, không mang tính mệnh lệnh, chỉ huy mà hỗ trợ và định hướng là nhiều.
Ở miền Nam, do bất lợi về lực lượng, kinh tế ở những vùng kháng chiến chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, vì vậy đặc tính kinh tế chỉ huy có phần nổi trội hơn khi các đội sản xuất đều được giao và phải đạt chỉ tiêu[10]. Ngoài ra, ở vùng địch vận thì kinh tế nhìn chung là tự do, thậm chí phải tận dụng, tranh thủ mua bán với địch để tăng hiệu quả kinh tế[11].
Như vậy, đánh giá chung, có thể thấy trong giai đoạn này, sự can thiệp của Nhà nước đã thể hiện đúng bản chất “nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc”[12]. Ở đó có sự pha trộn của mô hình chủ nghĩa tự do và nhà nước kiến tạo phát triển. Điều đó thể hiện ở chỗ, trên nền tảng kinh tế tự do (về cả sở hữu lẫn sản xuất, thương mại); Nhà nước có những định hướng nhất định (thông qua thuế, thông qua các chính sách nông, công, thương nghiệp) để đạt được mục đích phát triển, đó là tập trung, huy động nguồn lực cho việc thực hiện công cuộc kháng chiến cứu quốc. Chỉ đến cuối giai đoạn này, những yếu tố của nền kinh tế chỉ huy mới bắt đầu được đưa vào và đánh dấu một bước chuyển biến đầu tiên sang giai đoạn tiếp theo.
2. Giai đoạn kinh tế hậu phương xã hội chủ nghĩa (1954 – 1975)
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai bộ phận, trong đó, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục duy trì ở miền Bắc. Một cách tổng thể, giai đoạn 1954 – 1975 có thể chia thành hai phần[13]: (1) Từ 1954 – 1958 là thời kỳ tiếp tục cải cách ruộng đất và khôi phục sản xuất; khi đó, kinh tế quốc doanh dần được gây dựng, kế hoạch sản xuất bắt đầu được áp dụng; và (2) Từ 1958 – 1975 là thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng hậu phương; trong đó, kinh tế tập thể dần được xây dựng, từ đó tập trung phát triển kinh tế phục vụ thời chiến. Sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế được thể hiện như sau:
- Về chính sách sở hữu:
Sau khi hoàn tất cải cách ruộng đất với nhiều sai lầm, nhìn chung thì đất đai đã thuộc sở hữu của nông dân, mà đa phần là sở hữu nhỏ; phú nông và địa chủ không còn mà chỉ có thành phần tiểu nông[14]. Hiến pháp 1959, tại Điều 11 đã quy định bốn hình thức sở hữu, trong đó có hai dạng tư hữu là của người lao động riêng lẻ và của nhà tư sản dân tộc. Tuy các điều 14, 15 khẳng định Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của hai đối tượng này nhưng lại đặt ra nghĩa vụ khuyến khích nông dân, người làm nghề thủ công, người lao động đơn lẻ tổ chức hợp tác xã và nhà tư sản dân tộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, có thể coi Hiến pháp này là một “sự chuyển tiếp” sang mô hình xã hội chủ nghĩa[15]. Cụ thể hơn, trong các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, sở hữu tập thể được coi là bộ phận quan trọng nhất, đóng vai trò cốt lõi trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Khi đó tồn tại quan niệm: “tổ đổi công là mầm mống chủ nghĩa xã hội, hợp tác xã bậc thấp là nửa chủ nghĩa xã hội, hợp tác xã bậc cao là chủ nghĩa xã hội”[16], vì vậy không khí hợp tác hóa rất cao độ. Các hợp tác xã đóng vai trò quan trọng đến mức dần dần nó không còn là một cơ chế mang tính chất kinh tế xã hội mà còn làm cả nhiệm vụ chính trị nữa, thậm chí “như là một cơ quan nhà nước thu nhỏ lại, đủ cả các bộ lệ”[17]. Vì thế, đây có thể coi là một biểu hiện của sự can thiệp cao độ của nhà nước khi vừa có sự thắt chặt đối với các hình thức sở hữu, lại vừa có sự tổ chức và ưu ái để thành phần kinh tế tập thể trở thành bộ phận quan trọng nhất. Với lý tưởng các hợp tác xã có thể đóng vai trò chủ chốt để phát triển kinh tế và xây dựng xã hội chủ nghĩa, mô hình kinh tế chỉ huy đã dần được xác lập.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của mô hình này, giai đoạn đầu, nó đã tạo được những hiệu quả nhất định, sản lượng nông nghiệp ngày càng cao. Năm 1965, miền Bắc đã có 18.600 hợp tác xã bậc cao, trong đó gần 700 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc trên một héc-ta[18]. Tinh thần lao động, sản xuất, thi đua ở nhiều địa phương rất hăng hái. Tuy nhiên, ở nhiều nơi đã nảy sinh những bất cập, trong đó nổi bật nhất là tình trạng “dong công, phóng điểm”, lãng phí nguồn lực. Vì vậy đã manh nha xuất hiện những thay đổi về cơ chế quản lý, giao người nông dân tự sản xuất và khoán sản phẩm[19].
- Về chính sách phát triển
Trên nền tảng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, Nhà nước bắt đầu triển khai các kế hoạch 5 năm, đầu tiên là 1961 – 1965. Đặc biệt trong giai đoạn này, các kế hoạch sản xuất tập trung vào ngành công nghiệp để vừa phát triển kinh tế vừa phục vụ mục đích làm hậu phương cho miền Nam. Trong giai đoạn này, nền công nghiệp Việt Nam đặc biệt phát triển, từ gần như con số 0, đến năm 1975, sản phẩm công nghiệp đã chiếm 42% tổng sản phẩm xã hội, bảo đảm 28,7% thu nhập quốc dân[20]. Mặc dù chịu nhiều khó khăn, về cả yếu tố khoa học kỹ thuật thấp kém lẫn do chịu hậu quả của chiến tranh phá hoại, thành công trên phải nói là đã thể hiện phần nào hiệu quả của mô hình kế hoạch hóa. Cũng cần phải nói thêm là kế hoạch hóa trong công nghiệp dễ thực hiện hơn so với nông nghiệp bởi lĩnh vực này có độ chính xác cao và trong thời chiến thì thị trường sản phẩm công nghiệp cũng không quá phát triển trong người dân mà phục vụ chiến tranh vẫn là chủ yếu. Ngoài ra, sức chống chịu của ngành công nghiệp Việt Nam cũng đến từ viện trợ nước ngoài, đặc biệt là về chuyển giao công nghệ[21].
Đánh giá chung, có thể thấy mô hình kinh tế chỉ huy xã hội chủ nghĩa đã được triển khai sâu rộng và đạt được những thành tựu lớn ở miền Bắc trong giai đoạn 1945 – 1975. Một phần làm nên điều đó chính là sự kết hợp giữa mô hình kinh tế tập trung với sự đồng lòng của toàn dân trong việc xây dựng hậu phương, chi viện cho miền Nam kháng chiến. Chính sách hậu phương được coi là “nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh”, đặc biệt trong việc cổ vũ tinh thần “một người làm việc bằng hai”[22]. Bên cạnh đó còn là sự kết hợp giữa kế hoạch sản xuất với phong trào thi đua yêu nước[23] đã tạo sức mạnh tổng hợp mà nếu thiếu các phong trào này thì có lẽ việc kế hoạch hóa đã không thành công được. Như vậy, mô hình kinh tế chỉ huy đã ra đời và đạt được thành tựu trong một giai đoạn tương đối đặc biệt của lịch sử Việt Nam.
3. Giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ (1975 – 1986)
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trước nhiệm vụ chung là khôi phục, ổn định xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện hòa bình, Nhà nước đã tiến hành các chính sách kinh tế nhằm thống nhất hệ thống kinh tế với hai hướng chính: Củng cố và hoàn thiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất ở miền Bắc; cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam[24]. Mục đích của sự tập trung hóa cao độ kinh tế trong giai đoạn này đó là để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội IV của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “tổ chức lại tất cả các ngành sản xuất trong cả nước theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”[25]. Cụ thể, sự can thiệp của Nhà nước đến nền kinh tế trong giai đoạn này thể hiện như sau:
- Về chính sách sở hữu:
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng đã nhận định tình hình quan hệ sở hữu trên cả nước có nhiều khác biệt. Ngoài miền Bắc đã cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa trong hơn 20 năm (1954 – 1975) thì ở miền Nam vẫn còn những hoàn cảnh đặc biệt, mặc dù “phải cùng miền Bắc đi theo những quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” nhưng do đặc điểm đặc biệt nên vẫn phải “duy trì, trong một thời gian nhất định, một nền kinh tế nhiều thành phần”, trong đó có kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư doanh[26]. Sau khi quá trình cải tạo tư bản đã tương đối thành công, Việt Nam đã xây dựng lại chế độ sở hữu trong Hiến pháp 1980 với một số điểm chính như[27]: (1) Hiến pháp không quy định sở hữu tư nhân, Nhà nước chỉ bảo hộ tài sản thuộc sở hữu cá nhân với mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt; và (2) Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Để củng cố chế độ sở hữu dựa trên hai hình thức: toàn dân và tập thể, Nhà nước đã có nhiều phương pháp can thiệp mạnh, trong đó có thể kể tới như[28]: (1) Quốc hữu hóa và bắt buộc hợp tác hóa (đặc biệt là với thành phần tư sản mại bản, tư sản tư doanh ở miền Nam); (2) Đặt ra chế độ thu mua nghĩa vụ đối với sản xuất nhỏ lẻ (ví dụ mỗi lao động nông nghiệp có nghĩa vụ bán thịt lợn cho Nhà nước 8kg/người/năm); và (3) Tịch thu tài sản “bất minh” (Chỉ thị Z.30 năm 1983 cho tịch thu những nhà từ 2 tầng trở lên hoặc giàu có, khá giả; từ đó có câu ca dao: Tivi, tủ lạnh, Hon-đa/Có ba thứ ấy khám nhà như chơi). Bên cạnh đó, trong bối cảnh hợp tác hóa nông nghiệp, tuyệt đại đa số nông dân tham gia hợp tác xã, việc quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai không mâu thuẫn với bối cảnh và chưa gây ra những hệ lụy lớn. Tuy nhiên về thực tế thì việc đề cao sở hữu tập thể của hợp tác xã đã không thực sự hiệu quả. Cụ thể, trong khi ruộng của hợp tác xã không đem lại lợi ích kinh tế thì đa số các hộ xã viên sử dụng quỹ đất năm phần trăm[29] và đất vườn có hiệu quả[30]. Có thể nói chính chế độ sở hữu tập thể của hợp tác xã đã gây nên khủng hoảng trong chính giai đoạn này khi người dân không mặn mà với ruộng đất, sản lượng nông nghiệp đi xuống.
- Về các chính sách phát triển
Đầu tiên là về chính sách tài chính – tiền tệ. Nếu trong những giai đoạn trước, nền tài chính chủ yếu phục vụ cân đối chi cho chiến tranh, với chính sách nặng về tiết kiệm thì trong giai đoạn điều hành kinh tế thời bình, Nhà nước đã phải đối mặt với những vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Đó là vấn đề lạm phát tăng cao, mức lương thấp và vật giá tăng. Tuy nhiên, cách thức mà Nhà nước sử dụng trong thời kỳ này lại mang nặng tính độc đoán của mô hình kinh tế chỉ huy, tiêu biểu nhất là in tiền để chi tiêu và cứu ngân sách. Việc in tiền vượt kế hoạch quay trở lại làm lạm phát gia tăng và cách cuối cùng được sử dụng là đổi tiền. Điều này đã khiến nền kinh tế hoàn toàn kiệt quệ và trở thành bài học “xương máu”, khiến việc đổi mới toàn diện mô hình kinh tế ngày một cấp bách[31].
Thứ hai là về các kế hoạch sản xuất, chúng dần bộc lộ những vấn đề như: (1) Nhà nước áp chỉ tiêu nhưng không đủ khả năng để lên kế hoạch một cách chính xác; (2) Doanh nghiệp không bị ràng buộc trách nhiệm đối với kết quả sản xuất, kinh doanh mà thiệt hại do Nhà nước chịu; và (3) Quan hệ hàng hóa – tiền tệ bị biến thành chế độ “cấp phát – giao nộp”. Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 – 1985) đã được thực hiện nhưng không đạt được mục tiêu, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước[32]. Vấn đề lớn nhất của việc kế hoạch hóa đó là cân đối giữa các yếu tố: tích lũy – tiêu dùng, tín dụng – tiền mặt, ngoại tệ – thanh toán quốc tế; trong khi đó ở Việt Nam thời kỳ này đã mắc sai lầm về việc không chú ý tới các yếu tố mang tính năng động của thị trường, cứng nhắc về khối lượng, con số[33].
- Về chính sách phân phối
Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ – thị trường bị xóa bỏ, chế độ phân phối giới hạn được thực hiện thông qua “tem phiếu”. Trong đó, vật phẩm tiêu dùng của người dân được phân thành định mức và phân phối trực tiếp chứ không dùng tiền. Việc định mức cho các đối tượng có phân chia thành các loại khác nhau (tùy vào tính chất công việc, vị trí công tác) nhưng nhìn chung là mang tính cào bằng[34]. Chính vì vậy, mô hình phân phối này đã để lại hệ quả là “công bằng xã hội” biến thành “chia đều sự nghèo khổ”[35]. Tuy vậy, chính quan hệ phân phối này đã sản sinh ra một bộ phận có đặc quyền, đặc lợi[36]; thậm chí tình trạng phân tầng xã hội cũng dần hình thành, làm mất đi bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa vốn đề cao công bằng.
Có thể thấy, vào giai đoạn này, chính sách hậu phương không còn là mục tiêu chính trị và quân sự chủ yếu nữa; bên cạnh đó Việt Nam đã gặp khó khăn khi bị Hoa Kỳ cấm vận và chiến tranh với Trung Quốc[37] trong khi Liên Xô và Đông Âu đang dần rơi vào khủng hoảng. Chính những yếu tố này đã khiến cố gắng xây dựng một hệ thống kinh tế chỉ huy, tập trung cao độ bị ảnh hưởng sâu sắc. Điều đó đã làm phát lộ những điểm yếu của mô hình can thiệp này và nhu cầu đổi mới đã ngày một trở nên bức thiết.
4. Giai đoạn kinh tế đổi mới, thích ứng và hội nhập (1986 – nay)
Đại hội lần thứ VI của Đảng, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật đã tạo ra bước ngoặt lớn trong chính sách kinh tế ở Việt Nam. Để khởi động cho Đổi Mới, trên tinh thần phê bình và tự phê bình, Đảng đã nhận lỗi trong công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế[38]. Điều này cho thấy phần nào những bất cập của mô hình can thiệp mạnh trước đây. “Cú hích” Đổi Mới đã mở đầu cho một giai đoạn gần 40 năm hết sức đặc biệt trong lịch sử kinh tế, ở đó có thể chia ra thành hai thời kỳ ngắn như sau: (1) 1986 – 1995 là giai đoạn khôi phục và thích ứng với cơ chế mới; và (2) 1995 – nay là giai đoạn hội nhập kinh tế mạnh mẽ[39]. Trong giai đoạn này, sự can thiệp của nhà nước thể hiện như sau:
- Về chính sách sở hữu
Hiến pháp 1992 không chỉ bảo hộ quyền sở hữu tư nhân về tài sản hợp pháp mà còn mở đường cho sự phát triển của các quan hệ sở hữu cũng như thành phần kinh tế khác. Với bối cảnh hội nhập, Hiến pháp 1992 được cho là đã góp phần đa dạng hóa cả chủ thể, khách thể sở hữu, với sự xuất hiện của các hình thức đầu tư nước ngoài cũng như các loại quyền tài sản mới[40]. Như vậy, sự can thiệp của Nhà nước theo hướng thắt chặt ở giai đoạn trước đã không còn nữa mà thậm chí lại có xu hướng mở rộng. Đầu tiên là ở chế độ sở hữu, nếu Hiến pháp 1992 cho tồn tại nhiều hình thức sở hữu nhưng vẫn khẳng định sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng thì đến Hiến pháp 2013 điều này đã không còn. Về thành phần kinh tế, trong khi kinh tế nhà nước luôn được coi là đóng vai trò chủ đạo thì quan niệm về kinh tế tư nhân đã có những thay đổi; từ “được phát triển” trong Đại hội VI đến “bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, rồi trở thành “một trong những động lực của nền kinh tế” tại Đại hội X và >“thực sự trở thành một động lực quan trọng” trong Đại hội XIII. Điều đó đã đặt ra vấn đề là làm thế nào để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng “không chèn lấn và làm giảm không gian kinh tế của khu vực tư nhân”[41]. Điều này là cần thiết bởi nếu coi khu vực kinh tế tư nhân đồng nghĩa với thị trường tự do thì chính việc quy định vai trò lấn át của kinh tế nhà nước cũng chính là một sự can thiệp lớn tới nền kinh tế.
- Về chính sách phát triển
Một cách tổng thể thì chính sách phát triển có sự điều chỉnh qua một số thời kỳ: (1) 1986 – 1995 là thời kỳ phục hồi, khôi phục thị trường; (2) 1996 – 2005 là thời kỳ bắt đầu đi vào chiều sâu; và (3) 2005 – nay là thời kỳ hội nhập toàn diện. Cụ thể sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế trong giai đoạn này thể hiện trên một số mặt chính sách như sau:
Đầu tiên là chính sách tài khóa – tiền tệ, ngay từ thời kỳ đầu Đổi Mới, Nhà nước đã có xu hướng kiểm soát chặt chẽ về mặt này và nhờ vậy khủng hoảng tiền tệ 1985 được cho là đã ổn định khá nhanh dù hệ thống tài chính yếu kém[42]. Trong giai đoạn này, còn nhiều lần Nhà nước phải thắt chặt chính sách tài khóa để ngăn chặn ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng năm 1997 và 2008; và về mặt hiệu quả thì Việt Nam cơ bản đã giữ được mức tăng trưởng cũng như tránh lạm phát[43]. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một cơ chế kiểm soát tỷ giá theo hướng khống chế biên độ và được coi là “điều hành thận trọng”, trong đó giá trị của đồng nội tệ không tuân theo thị trường tự do mà có sự kiểm soát, ấn định; nhằm phục vụ những mục tiêu vĩ mô, trong đó có tăng cường xuất khẩu[44]. Như vậy, về mặt tài khóa – tiền tệ, Nhà nước vẫn có xu hướng can thiệp cao, tuy nhiên không mạnh mẽ, tùy tiện và hành chính hóa như trước mà đã có sự cân đối, vận dụng các công cụ kinh tế. Điều này là tương đồng với các nhà nước điều tiết mà tiêu biểu là Hoa Kỳ.
- Về các chính sách đầu tư kinh doanh
Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời trong khi nền tảng hiến pháp vẫn chưa cho phép các thành phần kinh tế này tồn tại. Có thể coi đây là biểu hiện của sự “khao khát” cơ sở pháp lý cho kinh doanh trong nước, khi mà nếu chiếu theo Hiến pháp 1980 thì rõ ràng hai văn bản trên vi hiến. Tuy nhiên văn bản này vẫn mang màu sắc bao cấp và can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp với cơ chế “xin – cho”, “tiền kiểm” hết sức nhiêu khê[45]. Đến Luật Doanh nghiệp 1999, tư duy “quản được đến đâu mở đến đó” đã được thay đổi bằng tư duy người dân được làm những điều pháp luật không cấm[46]. Tinh thần này được kế thừa trong những văn bản luật sau này. Như vậy, xét về góc độ môi trường đầu tư kinh doanh, xu hướng chung của Nhà nước là giảm dần sự can thiệp, tạo không gian cho doanh nghiệp tự thân vận động. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở đường cho tư nhân thì khối kinh tế nhà nước vẫn tìm cách để khẳng định vị thế chủ đạo của mình. Tại Hội nghị Trung ương 3 Khóa IX (2001), Đảng ra chủ trương về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế trong một số lĩnh vực có thế mạnh. Các tập đoàn này sử dụng một nguồn vốn rất lớn nhưng đã thất bại vì nhiều nguyên nhân (hệ thống quản trị rườm rà, tham nhũng, độc quyền); nhưng điều chính yếu đó là về bản chất, các tập đoàn kinh tế đều hình thành theo quy luật tự nhiên, tích tụ vốn và phát triển công nghệ; còn tập đoàn kinh tế ở Việt Nam lại hình thành trên cơ sở quyết định hành chính[47]. Chủ trương này là một sự can thiệp lớn vào nền kinh tế, gây ra những hệ lụy không hề nhỏ đối với đất nước trong giai đoạn này.
- Về các chính sách phân phối giá trị kinh tế
Sau khi cơ chế thị trường được áp dụng, việc cao bằng trong phân phối không còn được thực hiện; vấn đề bù đắp những chênh lệch xã hội thông qua một hệ thống an sinh bài bản dần được quan tâm. Vì vậy, chính sách an sinh ở Việt Nam chỉ được chú trọng trong thời gian gần đây, nhất là từ năm 1994 khi có Bộ luật Lao động đầu tiên[48]. Đánh giá chung[49]: Trước hết, các chính sách an sinh, đặc biệt là chính sách giảm nghèo đã không chỉ bảo đảm tốt các quyền cơ bản của người dân mà còn tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hệ thống an sinh của Việt Nam nhìn chung còn yếu, tiền ngân sách để dành cho an sinh chưa nhiều vì vẫn còn phải dành tiền cho đầu tư phát triển.
Tóm lại, trong giai đoạn từ sau Đổi Mới đến nay, Nhà nước đã có những thay đổi lớn trong cách thức cũng như mức độ can thiệp vào nền kinh tế. Sự giằng co giữa xu hướng hội nhập với những định kiến chính trị khiến hệ thống chính sách kinh tế luôn có những điểm vướng mắc. Tuy nhiên, xu hướng chung là ngày càng tự do hóa, tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế về quản lý kinh tế và thị trường.
Kết luận
Trải qua nhiều giai đoạn với những bối cảnh lịch sử khác nhau, Việt Nam đã thử nghiệm những mô hình can thiệp tương đối đa dạng và có sự vận dụng trên cơ sở đặc thù về chính trị, văn hóa và xã hội của riêng mình. Qua việc nghiên cứu các giai đoạn nói trên, có thể thấy sự biến đổi trong cách thức can thiệp của nhà nước Việt Nam vào nền kinh tế có xu hướng “tiệm tiến”, dần dần, chậm và chắc. Trong mỗi giai đoạn đều có sự kế thừa của những yếu tố cũ và sự thử nghiệm của các yếu tố mới. Điều này mở ra những nghiên cứu về khía cạnh quy luật trong quá trình biến đổi sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế mà chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG, NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT 75 NĂM NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 – 2/9/2020), NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 2020.
2. BỘ NGOẠI GIAO, SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA, NXB SỰ THẬT, (1979).
3. Bùi Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Ngọc Diễn, “Gió đại phong”, “Sóng Duyên hải”, “Cờ ba nhất”, “Trống Bắc Lý" trong phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc 1954-1975, Tạp chí Giáo dục lý luận số 4, (2017).
4. Bùi Văn Hùng, Vài nét về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới (1986 – 2005), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 8, (2006).
5. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN IV, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, (1977).
6. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẢNG TOÀN TẬP, TẬP 36, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, (2004).
7. ĐẶNG PHONG, KINH TẾ VIỆT NAM 1945 – 1954 CHỦ TRƯƠNG VÀ THÀNH TỰU, TRONG SÁCH: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 80 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, (2010).
8. ĐẶNG PHONG, TƯ DUY KINH TẾ VIỆT NAM – CHẶNG ĐƯỜNG GIAN NAN VÀ NGOẠN MỤC 1975 - 1989, NXB TRI THỨC, HÀ NỘI, (2008).
9. Diệp Đình Hoa, Truyền thống với sự thử thách quyết liệt đối với việc đổi mới vùng lưu vực sông Hồng, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1+2, (1988).
10. Đỗ Khánh Chi, Một số nghiên cứu về cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1953 – 1957, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 1, (2018).
11. Đỗ Thế Dương, Sự khác nhau cơ bản của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam so với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời kỳ trước Đổi Mới, Tạp chí Công thương số 25, (2021).
12. Hoàng Ngọc Thỉnh, Sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân qua các bản hiến pháp của Việt Nam, Tạp chí Luật học số 6, (1999).
13. LÊ MẬU HÃN, TRẦN BÁ ĐỆ, NGUYỄN VĂN THƯ (CHỦ BIÊN), ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VIỆT NAM, TẬP 3, NXB GIÁO DỤC, HÀ NỘI, (1998).
14. Lê Quỳnh Nga, Tìm hiểu chính sách ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3, (2007).
15. Lương Thị Hồng, Viện trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3, (2017).
16. Lưu Văn Quyết, Một số hoạt động kinh tế kháng chiến ở Nam Bộ (1945 – 1954), Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một số 1, (2021).
17. NGUYỄN ĐĂNG DUNG, VŨ CÔNG GIAO, ĐẶNG MINH TUẤN, NGUYỄN MINH TUẤN, LÃ KHÁNH TÙNG, ABC VỀ HIẾN PHÁP 83 CÂU HỎI – ĐÁP, NXB THẾ GIỚI, 43, (2013).
18. Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Thị Hồng Điệp, Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Quan điểm của Đảng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản số 4, (2017).
19. Nguyễn Quang Đức, Chế độ sở hữu trong các hiến pháp Việt Nam, (Luận án Tiến sĩ Luật học), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, (2020).
20. NGUYỄN QUANG NGỌC (CHỦ BIÊN), TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM, NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM, HÀ NỘI, (2021).
21. NGUYỄN THÀNH BANG, VÕ DUY KIỆT, PHẠM VĂN NGHIÊN, DANH SƠN, VÕ HUY TỪ, KẾ HOẠCH HÓA VÀ QUAN HỆ THỊ TRƯỜNG, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, (1991).
22. Nguyễn Thị Dung, Tổng quan những đổi mới căn bản pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cải cách hành chính, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: Nghiên cứu pháp luật doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh cải cách hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội, (2019).
23. Nguyễn Thị Kim Thanh, Không đơn giản chỉ là phá giá đồng tiền, Tạp chí Ngân hàng số 10, (2010).
24. Nguyễn Trọng Tháp, Bàn về vai trò của tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và dự báo số 14, (2014).
25. Nguyễn Văn Tuân, An sinh xã hội ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 7, (2016).
26. Nguyễn Vinh Quang, Hộ gia đình nghèo ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ thực trạng và giải pháp giảm nghèo, (Luận án Tiến sĩ Triết học), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 8, (1996).
27. PHẠM ĐỖ CHÍ, TRẦN NAM BÌNH, ĐÁNH THỨC CON RỒNG NGỦ QUÊN – KINH TẾ VIỆT NAM ĐI VÀO THẾ KỶ 21, NXB THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, (2001).
28. Phan Huyền Dân, Tác động của hợp tác xã nông nghiệp tới đời sống kinh tế hộ gia đình tại nông thôn Thái Bình giai đoạn 1976 – 1986, Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới số 6, (2018).
29. Tô Kim Ngọc, Lê Thị Tuấn Nghĩa, Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 6, (2012).
30. TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT AN SINH XÃ HỘI, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, (2012).
31. VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM, LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TẬP 11, 2006.
[1]* ThS Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyệt đăng 12/6/2023. Email: dauconghiep@hlu.edu.vn.
Xem thêm: Đậu Công Hiệp, Nhà nước nhìn từ góc độ kinh tế học – một số khái niệm và lý thuyết cơ bản (kỳ 1), Tạp chí Pháp luật và phát triển, số 9, (2018); Đậu Công Hiệp, Nhà nước nhìn từ góc độ kinh tế học – một số khái niệm và lý thuyết cơ bản (kỳ 2), Tạp chí Pháp luật và phát triển số 11, (2018), Đậu Công Hiệp, Quy luật tồn tại và vận động của các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Á, Tạp chí Pháp luật và phát triển số 6, (2022), Đậu Công Hiệp, Biểu hiện của một số chính sách kinh tế nhìn từ góc độ các mô hình can thiệp của nhà nước, Tạp chí Pháp luật và phát triển số 1, (2023).
[2] NGUYỄN QUANG NGỌC (CHỦ BIÊN), TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM, NXB GIÁO DỤC VIỆT NAM, HÀ NỘI, 316, (2021).
[3] Hoàng Ngọc Thỉnh, Sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân qua các bản hiến pháp của Việt Nam, Tạp chí Luật học số 6, (1999).
[4] Nguyễn Quang Đức, Chế độ sở hữu trong các hiến pháp Việt Nam, (Luận án Tiến sĩ Luật học), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 82 – 85, (2020).
[5] Ví dụ Sắc lệnh số 11, ngày 7 tháng 9 năm 1945 quy định “chế độ thuế khóa hiện hành sẽ thay đổi dần” và “bãi bỏ thuế thân”. Ngoài ra còn có thuế lương bổng, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp, thuế thổ trạch, thuế du hí đánh vào các cuộc vui chơi công cộng, thuế đặc biệt vận tải. Bên cạnh đó, chế độ độc quyền muối cũng được bãi bỏ, thuế môn bài với việc kinh doanh, buôn bán nhỏ bị bãi bỏ.
[6] Ví dụ một số loại thuế tăng lên như: thuế hàng nhập khẩu; thuế thuốc lào, thuốc lá; thuế trước bạ. Xem thêm tại: ĐT, Tài chính Việt Nam - vừa xây dựng nền móng vừa phục vụ cho công cuộc kiến thiết đất nước (15:54 11/05/2015) https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=BTC318364.
[7] Cụ thể, mục tiêu của chính sách ruộng đất của các nước xã hội chủ nghĩa là đưa vào sở hữu tập thể. Muốn như vậy, cần phải thực hiện nhiều bước để xóa bỏ quyền tự do canh tác của nông dân, bắt đầu từ tịch thu ruộng đất của địa chủ. Xem: Thanh Tùng, Lịch sử cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, Đại biểu nhân dân (00:00 18/10/2008) https://daibieunhandan.vn/Viet-Nam-va-cac-nuoc/Lich-su-cai-cach-ruong-dat-o-Trung-Quoc-i213481/ Truy cập ngày 04/9/2022.
[8] Lê Quỳnh Nga, Tìm hiểu chính sách ruộng đất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3, (2007).
[9] ĐẶNG PHONG, KINH TẾ VIỆT NAM 1945 – 1954 CHỦ TRƯƠNG VÀ THÀNH TỰU, TRONG SÁCH: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 80 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, (2010).
[10] Theo chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam về việc động viên cơ quan và bộ đội sản xuất tự túc, Số 23/CT-CU, ngày 18/9/1951 thì mỗi đơn vị phải tiến tới làm đủ ăn, đủ mặc, mỗi người trong cơ quan đơn vị phải thiết tha với việc sản xuất tự túc như người trong gia đình. Bất cứ cơ quan lớn hay nhỏ, bộ đội chủ lực hay địa phương, từ cán bộ đến nhân viên, đội viên mỗi tháng phải sản xuất 10 ngày, làm việc 20 ngày. Nghĩa là mỗi người trong một năm phải để ra 120 ngày tham gia sản xuất, và một người sản xuất phải nuôi 3 người.
[11] Lưu Văn Quyết, Một số hoạt động kinh tế kháng chiến ở Nam Bộ (1945 – 1954), Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một số 1, (2021).
[12] BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG, NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT 75 NĂM NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 – 2/9/2020), NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 11, 2020.
[13] LÊ MẬU HÃN, TRẦN BÁ ĐỆ, NGUYỄN VĂN THƯ (CHỦ BIÊN), ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VIỆT NAM, TẬP 3, NXB GIÁO DỤC, HÀ NỘI, 134 – 147, (1998).
[14] Đỗ Khánh Chi, Một số nghiên cứu về cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1953 – 1957, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội số 1, (2018).
[15] Nguyễn Quang Đức, Tlđd, trang 88.
[16] Trần Quốc Toản, Nhìn lại quá trình thay đổi quan hệ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một số nước, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận trung ương, (26/06/2019) http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/nhin-lai-qua-trinh-thay-doi-quan-he-so-huu-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-o-mot-so-nuoc.html.
[17] Diệp Đình Hoa, Truyền thống với sự thử thách quyết liệt đối với việc đổi mới vùng lưu vực sông Hồng, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1+2, (1988).
[18] VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM, LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TẬP 11, 167, 2006.
[19] Sớm nhất phải kể tới chủ trương ở Vĩnh Phúc được thể hiện trong Nghị quyết số 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay. Trong đó đề ra chế độ ba khoán: khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ.
[20] NGUYỄN ĐÌNH LÊ, TRƯƠNG THỊ TIẾN, BIẾN ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM (1945 – 2000), NXB KHOA HỌC XÃ HỘI, HÀ NỘI, 61, 2014.
[21] Lương Thị Hồng, Viện trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3, (2017).
[22] Dương Hồng Anh, Hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tạp chí Cộng sản điện tử, (22:11 30/9/2015) https://www.tapchicongsan.org.vn/truyen-thong-hien-tai/-/2018/35427/hau-phuong-mien-bac-xa-hoi-chu-nghia-trong-khang-chien-chong-my%2C-cuu-nuoc.aspx.
[23] Trong giai đoạn này, miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội để tạo ra của cải vật chất chi viện cho miền Nam. Đảng đã phát động phong trào thi đua ngay trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Từ đó nhiều điểm hình tiên tiến được phát động toàn miền Bắc, như các phong trào “Cờ Ba nhất”, “Gió Đại phong”, “Sóng Duyên hải”, “Trống Bắc Lý” các phong trào thi đua lan rộng toàn miền Bắc và đã tỏ rõ tinh thần yêu nước quên mình vì miền Nam ruột thịt. Xem: Bùi Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Ngọc Diễn, “Gió đại phong”, “Sóng Duyên hải”, “Cờ ba nhất”, “Trống Bắc Lý" trong phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc 1954-1975, Tạp chí Giáo dục lý luận số 4, (2017).
[24] Nguyễn Đức Luận, Đường lối kinh tế của Đảng từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay, (15/9/2009) https://vnuf.edu.vn/duong-loi-kinh-te-cua-dang-tu-khi-dat-nuoc-hoan-toan-giai-phong-den-nay.html.
[25] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN IV, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, 61, (1977).
[26] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẢNG TOÀN TẬP, TẬP 36, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, 321, (2004).
[27] NGUYỄN ĐĂNG DUNG, VŨ CÔNG GIAO, ĐẶNG MINH TUẤN, NGUYỄN MINH TUẤN, LÃ KHÁNH TÙNG, ABC VỀ HIẾN PHÁP 83 CÂU HỎI – ĐÁP, NXB THẾ GIỚI, 43, (2013).
[28] ĐẶNG PHONG, TƯ DUY KINH TẾ VIỆT NAM – CHẶNG ĐƯỜNG GIAN NAN VÀ NGOẠN MỤC 1975 - 1989, NXB TRI THỨC, HÀ NỘI, 75, 203, 216, (2008).
[29] Hay còn gọi là “ruộng năm phần trăm”. Khi người nông dân tham gia vào hợp tác xã thì 95% đất được xung vào quỹ của hợp tác xã và giữ lại 5%. Theo: Điều lệ tóm tắt của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1969.
[30] Phan Huyền Dân, Tác động của hợp tác xã nông nghiệp tới đời sống kinh tế hộ gia đình tại nông thôn Thái Bình giai đoạn 1976 – 1986, Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới số 6, (2018).
[31] Cao Sỹ Kiêm, Bài học từ cuộc cải cách giá - lương - tiền, Đại biểu nhân dân (07:31 07/01/2017) https://daibieunhandan.vn/luat-trong-cuoc-song-quoc-hoi-va-cu-tri/Bai-hoc-tu-cuoc-cai-cach-gia--luong--tien-i244300/ Truy cập ngày 05/9/2022.
[32] Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư (chủ biên), Tlđd, trang 303.
[33] NGUYỄN THÀNH BANG, VÕ DUY KIỆT, PHẠM VĂN NGHIÊN, DANH SƠN, VÕ HUY TỪ, KẾ HOẠCH HÓA VÀ QUAN HỆ THỊ TRƯỜNG, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, TRANG 14, 15, (1991).
[34] Đỗ Thế Dương, Sự khác nhau cơ bản của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam so với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời kỳ trước Đổi Mới, Tạp chí Công thương số 25, (2021).
[35] Nguyễn Vinh Quang, Hộ gia đình nghèo ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ thực trạng và giải pháp giảm nghèo, (Luận án Tiến sĩ Triết học), Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, 8, (1996).
[36] Vào thời kỳ đó đã có câu thơ phản ánh điều này:
Tông Đản là chợ vua quan
Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng
[37] Thực tế, những khó khăn về kinh tế do Trung Quốc gây ra với Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1973 với những động thái mang tính “phá rối” như ngăn Việt Nam thăm dò, khai thác tài nguyên, kích động người Hoa, in tiền giả, đầu cơ tích trữ, nâng giá hàng. Sau Chiến tranh Biên giới 1979, Trung Quốc chính thức bao vây kinh tế Việt Nam. Từ một nước viện trợ rất lớn về cả vũ khí lẫn tiền bạc, việc đóng cửa kinh tế với Trung Quốc đã tác động hết sức tiêu cực tới Việt Nam. Xem: BỘ NGOẠI GIAO, SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA, NXB SỰ THẬT, 5 – 10, (1979).
[38] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
[39] Thực ra, ngay từ Đại hội VII (1991), Việt Nam đã có chủ trương “muốn là bạn với tất cả các nước”, tuy nhiên, phải sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (1995) thì chúng ta mới có cơ sở để thực hiện điều này. Xem thêm: Bùi Văn Hùng, Vài nét về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới (1986 – 2005), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 8, (2006).
[40] Hoảng Ngọc Thỉnh, Tlđd.
[41] Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Thị Hồng Điệp, Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Quan điểm của Đảng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản số 4, (2017).
[42] PHẠM ĐỖ CHÍ, TRẦN NAM BÌNH, ĐÁNH THỨC CON RỒNG NGỦ QUÊN – KINH TẾ VIỆT NAM ĐI VÀO THẾ KỶ 21, NXB THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 61, (2001).
[43] Tô Kim Ngọc, Lê Thị Tuấn Nghĩa, Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 6, (2012).
[44] Nguyễn Thị Kim Thanh, Không đơn giản chỉ là phá giá đồng tiền, Tạp chí Ngân hàng số 10, (2010).
[45] Nguyễn Thị Dung, Tổng quan những đổi mới căn bản pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cải cách hành chính, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: Nghiên cứu pháp luật doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh cải cách hành chính, Trường Đại học Luật Hà Nội, (2019).
[46] Hội thảo: “20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách” (19/11/2019) http://ciem.org.vn/tin-tuc/6609/hoi-thao-20-nam-luat-doanh-nghiep-thanh-tuu-bai-hoc-va-yeu-cau-cai-cach?newsgroup=TIN%20T%E1%BB%A8C%20-%20S%E1%BB%B0%20KI%E1%BB%86N%09.
[47] Nguyễn Trọng Tháp, Bàn về vai trò của tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và dự báo số 14, (2014).
[48] TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT AN SINH XÃ HỘI, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, 5, 53, (2012).
[49] Nguyễn Văn Tuân, An sinh xã hội ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 7, (2016).