Nghiên cứu lý luận

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Nguyễn Chí Linh Thứ năm, 10/07/2025 - 14:39
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết phân tích chính sách, pháp luật của một số quốc gia có chọn lọc gồm Trung Quốc và các nước EU về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, các quy định của Công ước BASEL về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép.

Tóm tắt: Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu ngày càng được chú trọng cả ở phạm vị quốc gia và phạm vi quốc tế. Kiểm soát chất thải, kể cả việc kiểm soát qua hải quan ở phạm vi quốc tế được điều chỉnh bởi công ước BASEL. Các quốc gia dù là thành viên của công ước hay chưa phải là thành viên của Công ước BASEL đề có những quy định pháp luật về kiểm soát nhập khẩu phế liệu với mục tiêu không để quốc gia mình bị biến thành bãi chứa rác thác, tác động xấu đến môi trường và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết phân tích chính sách, pháp luật của một số quốc gia có chọn lọc gồm Trung Quốc và các nước EU về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, các quy định của Công ước BASEL về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép. Từ những nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và nước ngoài, bài viết đề xuất một số kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật về kiểm soát hải quan đối phế liệu sắt thép.

Từ khóa: Công ước Basel, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, kiểm soát hải quan, nhập khẩu phế liệu, bảo vệ môi trường, chất thải nguy hại, quy định quốc tế.

Abstract: Customs control of scrap imports is increasingly focused on both national and international levels. Waste control, including customs control at international level, is regulated by the BASEL Convention. Countries, whether members of the convention or not, have legal regulations on scrap import control with the goal of not allowing their country to become a dumping ground for waste, negatively affecting the environment and the implementation of sustainable development goals. The article analyzes the policies and laws of some selected countries including China and EU countries on customs control of scrap imports, the provisions of the BASEL Convention on customs control of scrap iron and steel imports. From the research of international and foreign experiences, the article proposes some experiences that Vietnam can refer to in building, perfecting and implementing laws on customs control of scrap iron and steel.

Keywords: Basel Convention, European Union, China, customs control, scrap imports, environmental protection, hazardous waste, international regulations.

1. Dẫn nhập

Pháp luật quốc tế, chính sách, pháp luật của một số quốc gia về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là các phế liệu làm nguyên liệu sản xuất như sắt thép hiện đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Sở dĩ như vậy là bối cảnh mà bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang trở thành trụ cột của chiến lược phát triển bền vững trong phạm vi toàn cầu và trong mỗi quốc gia.

Ở phạm vi quốc tế, Công ước Basel 1989 là một thỏa thuận quan trọng, bao trùm trong kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới. Mục đích của công ước là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước tác động của chất thải nguy hại. Các quốc gia tham gia công ước có quyền cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu các chất thải nguy hại, trong đó có phế liệu. Công ước này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng các quốc gia nghèo trở thành bãi rác thải của các quốc gia phát triển. Việt Nam, với tư cách là thành viên của công ước phải tuân thủ các quy định quốc tế về nhập khẩu phế liệu.

Liên minh Châu Âu (EU) đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là chất thải. Mặc dù các quốc gia EU thường hạn chế việc nhập khẩu

phế liệu, nhưng vẫn có một số quốc gia như Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường, như yêu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý phế liệu và giám sát các hoạt động tái chế.

Trung Quốc, với nhu cầu lớn về nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là phế liệu, đã trở thành quốc gia nhập khẩu chất thải rắn lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đã áp dụng chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp quản lý của Trung Quốc bao gồm yêu cầu giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn môi trường, các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm. Chính phủ Trung Quốc cũng đã hợp tác với các cơ quan liên quan và các quốc gia khác để ngăn chặn nhập khẩu trái phép chất thải.

Bài viết nghiên cứu kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu qua trục chính xuyên qua 3 phạm vi: Phạm vi quốc tế với Công ước Basel làm trọng tâm phân tích, Liên minh Châu Âu (EU) với mục đích nghiên cứu thiết chế khu vực và Trung Quốc với tư cách là quốc gia riêng lẽ. Chọn Trung Quốc là vì Trung Quốc là ví dụ điển hình của việc gây ô nhiễm và kiểm soát hoạt động ô nhiễm như là hai xu hướng đối lập.

Từ các kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế. Các biện pháp như yêu cầu giấy phép nhập khẩu, kiểm tra chất lượng, và xử lý nghiêm các vi phạm là những bước quan trọng để đảm bảo hoạt động nhập khẩu phế liệu diễn ra một cách bền vững và có lợi cho nền kinh tế.

2. Pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu

1.1. Điều chỉnh pháp luật về kiểm soát hải quan đối với phế liệu theo Công ước BASEL

Hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật quốc tế như các Công ước BASEL về vận chuyển các chất thải nguy hại xuyên biên giới; Hiệp định TBT trong WTO, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu quy định những vấn đề chung về sử dụng công nghệ trong các hoạt động ở mỗi quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển bền vững. Thỏa thuận về hàng rào kỹ thuật (TBT) của WTO có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khi cho phép các quốc gia thành viên sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong hoạt động thương mại để bảo vệ môi trường. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng để hạn chế hoặc loại bỏ việc xuất nhập khẩu các loại hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, có tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, Hiệp định TBT không có những quy định trực tiếp về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Dĩ nhiên, nếu đưa ra những biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phế liệu thì các quốc gia thành viên phải tuân thủ các quy trình, thủ tục được quy định trong Hiệp định TBT.

Quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, bao gồm cả giám sát quản đối với nhập khẩu phế liệu, bao gồm cả sắt thép làm nguyên liệu sản xuất được điều chỉnh khá đầy đủ và toàn diện bởi Công ước BASEL. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm gia nhập Công ước BASEL ngay từ đầu. Mục đích tổng thể của Công ước Basel là bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường chống lại những tác động tiềm tàng ừ chất thải. Các nước tham gia Công ước đều ý thức được những thiệt hại mà các loại phế thải, đặc biệt là phế thải nguy hiểm thể gây ra đối với sức khoẻ con người và môi trường, kể cả nước xuất khẩu lẫn nước nhập khẩu cũng như đối với các nước, các cộng đồng mà chất thải nguy hại đi qua trong quá trình vận chuyển. Công ước Basel thừa nhận mọi quốc gia có quyền cấm việc đưa vào hoặc tiêu huỷ các phế thải độc hại và các phế thải khác của nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Tại Điều 5 Công ước Basel quy định về nghĩa vụ chung của các nước thành viên đó là: có quyền cấm nhập khẩu các chất thải nguy hiểm hoặc các chất thải khác để tiêu huỷ, cấm hoặc không cho phép xuất khẩu các phế thải vào lãnh thổ của các thành viên khác đã cấm nhập các loại phế thải đó. Công ước Basel là một thoả thuận pháp lý quốc tế quan trọng về vấn đề vận chuyển, nhập khẩu phế thải qua biên giới giữa các quốc gia. Nó giúp ngăn chặn một cách hữu hiệu tình trạng xuống cấp của môi trường do tác động của việc vận chuyển và nhập khẩu phế thải ngây ra, hạn chế việc biến các nước nghèo trở thành bãi rác thải của các nước giàu có. Hiện nay, hiện tượng các doanh nghiệp của các nước phát triển đang cố gắng tìm cách xuất khẩu rác thải. Trong năm 2021, Mỹ là quốc gia không phê chuẩn công ước Basel và đã xuất khẩu 800 triệu pound chất thải nhựa vào Mexico, Việt Nam, Malaysia, India và một số nước thành viên của Công ước Basel.[1] Có nhiều lý do thúc đẩy họ thực hiện hoạt động này song chủ yếu là do chi phí cho việc tái chế, tiêu huỷ, xây dựng kho bãi chứa rác thải là rất cao và xuất khẩu một số phế liệu kèm theo mang lại giá trị tài nguyên.[2] Là thành viên của Công ước này, Việt Nam cần tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước trong hoạt động nhập khẩu phế liệu trong bối cảnh có rất nhiều địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh môi trường để đổi sự tăng trưởng.

1.2. Kiểm soát hải quan đối với phế liệu ở một số nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng của thương mại quốc tế, nhập khẩu phế liệu, bao gồm cả các loại chất thải tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia. EU, với vai trò là một thị trường lớn và có hệ thống pháp lý chặt chẽ, đã xây dựng khung quy định và cơ chế kiểm soát hải quan nhằm đảm bảo rằng các lô phế liệu nhập khẩu không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng mà còn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường.

EU đã ban hành một loạt các văn bản pháp lý và quy định liên quan nhằm quản lý việc nhập khẩu phế liệu, trong đó nổi bật là Quy định về Vận chuyển chất thải (Waste Shipment Regulation) cùng các chỉ thị về chất thải và bảo vệ môi trường. Theo đó, các lô hàng phế liệu nhập khẩu phải đi kèm với đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc, chất lượng cũng như việc có được sự đồng ý trước của cơ quan chức năng (prior informed consent) của quốc gia nhập khẩu. Cơ quan hải quan của các nước thành viên EU được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám định lô hàng dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được nội luật hóa. Họ áp dụng phương pháp kiểm tra rủi ro, qua đó tập trung vào những lô hàng có khả năng gây ra tác động tiêu cực cho môi trường, đồng thời sử dụng các hệ thống số hóa để theo dõi và giám sát quá trình nhập khẩu.

EU là thành viên của Công ước Basel, cam kết kiểm soát các hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới. Tuy nhiên, trong quá trình nội luật hóa, EU đã xây dựng một hệ thống pháp lý phức hợp, trong đó tích hợp các nguyên tắc của Basel Convention nhưng cũng có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của thị trường nội bộ. Một số quy định của EU cho phép nhập khẩu các loại chất thải có tính chất tái chế nếu các lô hàng này đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về xử lý và tái sử dụng, mặc dù theo tiêu chuẩn của Basel, một số loại chất thải có thể bị hạn chế. Điều này cho thấy EU không tuân thủ “mù quáng” theo Basel Convention mà điều chỉnh nội luật sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và cạnh tranh kinh tế, đồng thời vẫn bảo lưu một số quy định nhằm bảo vệ môi trường.

Trong thực tiễn, hệ thống kiểm soát hải quan của EU về nhập khẩu phế liệu được đánh giá là có hiệu quả cao nhờ vào sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan hải quan, các cơ quan bảo vệ môi trường và cơ quan quản lý chất thải. Các nước thành viên thường thực hiện kiểm tra định kỳ, áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro và sử dụng công nghệ hiện đại để giám sát các lô hàng nhập khẩu. Điều này giúp đảm bảo rằng các lô phế liệu không đạt chuẩn bị phát hiện kịp thời và xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập. Cụ thể, quy trình kiểm tra phức tạp và khối lượng giấy tờ hành chính đôi khi gây ra sự chậm trễ trong thông quan. Hơn nữa, sự khác biệt về năng lực giám định giữa các cửa khẩu ở các nước thành viên có thể dẫn đến việc áp dụng quy định không đồng nhất, từ đó tạo ra những khoảng trống cho hành vi gian lận hoặc lợi dụng các kẽ hở pháp luật.

Về mặt tích cực, EU đã xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ và toàn diện. Hệ thống này dựa trên các nguyên tắc của Basel Convention, đồng thời được bổ sung và điều chỉnh bằng các quy định nội địa phù hợp với đặc thù của thị trường nội bộ. Nhờ đó, các cơ quan chức năng có khả năng kiểm soát chặt chẽ dòng chất thải nhập khẩu, đảm bảo rằng chỉ những lô hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mới được phép lưu thông. Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp kiểm tra hiện đại với hệ thống số hóa, đánh giá rủi ro và công nghệ giám định tiên tiến đã giúp nâng cao hiệu quả trong việc kiểm tra và xác định chất lượng phế liệu. Sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hải quan, cơ quan bảo vệ môi trường và các cơ quan quản lý chất thải còn tạo nên một hệ thống giám sát toàn diện, góp phần giảm thiểu khả năng gian lận và sai phạm trong quá trình nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát hải quan của EU cũng tồn tại một số hạn chế. Quy trình kiểm tra và các thủ tục hành chính phức tạp đôi khi dẫn đến sự chậm trễ trong thông quan, gây áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, sự không đồng nhất về năng lực giám định và trang thiết bị giữa các cửa khẩu ở các nước thành viên có thể dẫn đến việc áp dụng quy định không nhất quán, tạo ra những khoảng trống pháp lý. Hơn nữa, mặc dù EU đã nội luật hóa các nguyên tắc của Basel, nhưng vẫn còn tồn tại một số kẽ hở cho phép nhập khẩu chất thải dưới dạng nguyên liệu tái chế mà không đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Những bất cập này đòi hỏi EU phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định cũng như tăng cường năng lực giám định để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn.

Nhằm bảo vệ môi trường cũng như sức khoẻ cộng đồng, các nước EU đặt ra những tiêu chuẩn chặt chẽ đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào châu Âu. Chính vì vậy, chất thải từ các quốc gia ngoài khu vực rất khó xâm nhập vào lãnh thổ các quốc gia này. Tuy nhiên, một số quốc gia EU vẫn cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các loại sắt thép phế liệu. Ví dụ như trường hợp của Ukraina, sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu áp dụng tăng thuế xuất khẩu thép phế liệu thêm 30 euro/tấn (tháng 10/2002) - có nghĩa là thép phế liệu sẽ ở lại trong biên giới của Ukraina, tạo điều kiện cho các Công ty sản xuất thép trong nước. Ngay lập tức, các Nhà máy luyện thép của EU lên tiếng phản đối việc làm này của Ukraina. Các Nhà máy EU kêu gọi các biện pháp trả đũa và bảo vệ sau khi Ukraina áp dụng thuế quan xuất khẩu thép phế (thuế quan sẽ có hiệu lực từ 1/1/2003)[3].

Các nhà máy thép tại EU cũng đã phản ứng gay gắt đề xuất của Hiệp hội Thép Mỹ về việc hạn chế lượng thép phế xuất khẩu với lý do nguồn cung trong nước đã cạn kiệt trước sự bùng nổ nhu cầu ở khu vực Đông Á. Nếu việc cắt giảm này được thực hiện thì nó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thép phế liệu ở EU. Lý do là, lúc đó các khách hàng tại Đông Á sẽ phải chuyển hướng tìm kiếm nguồn hàng ở thị trường này. Dĩ nhiên, nguồn cung ứng phế liệu sắt thép tại các quốc gia thuộc EU sẽ không thể đáp ứng sự gia tăng nhu cầu và điều này sẽ tác động mạnh đến giá thép phế liệu trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất thép của các nước trong khối. Những thông tin trên cho thấy, các quốc gia Châu Âu, trong đó có EU vẫn cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép làm nguyên liệu sản xuất. Nhu cầu nhập khẩu phế liệu sắt thép của các quốc gia này là tương đối cao. Biến động về giá, sự không ổn định về nguồn cung phế liệu sắt thép thường gây nên những lo ngại đối với các nhà sản xuất thép ở đây. Song song với việc cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép làm nguyên liệu sản xuất, các quốc gia này đặt ra các quy định về bảo vệ môi trường rất khắt khe đối với các chủ thể kinh doanh, sử dụng chúng. Các nước này thường áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc kiểm tra, giám sát cũng như xử lý chất thải từ quá trình tái chế phế liệu sắt thép nhập khẩu[4].

1.3. Kiểm soát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu ở Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh và đã trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới trong những năm gần đây (hiện Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ), các ngành sản xuất phát triển nhanh và mạnh, kèm theo đó là nhu cầu về nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu cho ngành sản xuất ngày càng cao, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ngày một nhiều và có nguy cơ cạn kiệt thì nhu cầu nhập khẩu các loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tăng mạnh ở Trung Quốc[5].

Theo thống kê, các nước mà Trung Quốc nhập khẩu chất thải rắn nhiều nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Hồng Kông. Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 13,93 triệu tấn chất thải rắn từ Hoa Kỳ, chiếm 32% tổng lượng chất thải rắn nhập khẩu, giá trị nhập khẩu là 5,5 tỷ USD, chiếm 21% tổng lượng chất thải rắn nhập khẩu. Ngoài ra, năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 796 triệu tấn chất thải rắn từ Nhật Bản và 347 triệu tấn chất thải rắn Vương quốc Anh, với giá trị nhập khẩu là 30 tỷ USD ở Nhật Bản và 1,4 tỷ USD ở Anh. Hồng Kông có tỷ lệ doanh thu tương đối cao là buôn bán chất thải rắn[6].

Năm 2017 Chính phủ Trung Quốc có chính sách cấm nhập khẩu giấy thải chưa phân loại, nhựa, v.v. đối với 24 loại phế liệu, chất thải rắn. Về nhập khẩu, việc điều chỉnh chính sách này được cho là có nhiều tác động hơn so với năm 2014 (lần điều chỉnh chính sách năm 2014 giảm được khoảng 5 triệu tấn chất thải nhập khẩu)[7].

Các biện pháp quản lý nhập khẩu chất thải rắn có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2011 và được thực hiện bởi các Bộ, ngành liên quan sau: Bộ Bảo vệ môi trường, Bộ Thương nại, Tổng cục Hải quan, Tổng cục giám sát, thanh tra và bảo trì chất lượng, với nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, các hình thức cấm nhập khẩu.

Nhằm kiểm soát tốt các hoạt động nhập khẩu chất thải rắn, Chính phủ có kế hoạch kết hợp sử dụng hợp lý lượng chất thải rắn từ nước ngoài nhập khẩu vào quốc gia để làm nguyên liệu sản xuất và kết hợp các kế hoạch khác của quốc gia để hướng tới tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải ra ngoài môi trường. Chính phủ yêu cầu các phòng ban môi trường, thương mại, giám sát chất lượng phải nỗ lực phối hợp và tăng cường giám sát các doanh nghiệp nhập khẩu chất thải rắn hoặc có những hoạt động về nhập khẩu chất thải rắn vào Trung Quốc.

Gần đây nhất, Bộ Sinh thái và Môi trường, Bộ Thương mại, Ủy ban Cải cách và Phát triển và Tổng cục Hải quan đã cùng ban hành "Thông báo điều chỉnh" và điều chỉnh "Danh mục quản lý chất thải nhập khẩu" theo lô: kim loại phế liệu, tàu phế liệu, phụ tùng xe phế liệu, 16 loại chất thải rắn, như xỉ luyện và nhựa thải công nghiệp, đã được điều chỉnh để cấm nhập khẩu và được thực hiện từ ngày 31 tháng 12 năm 2018; 16 chất thải rắn như chất thải thép không gỉ, chất thải titan và chất thải gỗ đã được điều chỉnh để cấm nhập khẩu sẽ được thực hiện từ ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Việc hạn chế và cấm nhập khẩu chất thải rắn là một biện pháp chính để thực hiện công cuộc phát triển mới, tập trung vào việc cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và bảo vệ an ninh sinh thái quốc gia và sức khỏe của người dân. Báo cáo của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã xác định rõ việc tăng cường xử lý chất thải rắn và chất thải là một phần quan trọng trong nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường. Báo cáo công tác của Chính phủ kể từ năm 2019 sẽ tăng cường xử lý chất thải rắn và rác thải, và cấm nhập rác thải nước ngoài vào cuối 2019.

Thứ hai, giấy phép nhập khẩu

Chất thải rắn nhập vào lãnh thổ Trung Quốc với mục đích sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sẽ không được phép nhập khẩu nếu như doanh nghiệp nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu

Thứ ba, tiêu chuẩn môi trường, thanh tra, kiểm tra và kiểm định

Đối với những loại chất thải được phép nhập khẩu vào lãnh thổ Trung Quốc phải đạt các yêu cầu sau:

- Đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường quốc gia và được xem xét là đủ điều kiện sau khi kiểm tra, giám sát và kiểm định với các cơ quan chức năng có thẩm quyền;

- Chất thải từ nước ngoài không được xuất sang Trung Quốc cho tới khi đủ các điều kiện của Chính phủ Trung Quốc nêu ra (Thực hiện kiểm tra trước khi xuất hàng).

Thứ tư, hình thức xử phạt

Khi có những hình thức nhập khẩu trái với quy định và pháp luật Trung Quốc thì các chủ hàng phải chịu hình thức xử phạt sau:

- Đối tượng vận chuyển chất thải rắn từ các quốc gia khác vào lãnh thổ Trung quốc để chôn lấp, lưu trữ hoặc thải bổ các chất thải nói trên; Doanh nghiệp, cá nhân không có giấy phép nhập khẩu thì sẽ bị yêu cầu chuyển về nơi xuất khẩu và bị xử phạt hành chính;

- Đối tượng vận chuyển chất thải nguy hại qua lãnh thổ Trung Quốc sẽ bị Hải Quan yêu cầu ra khỏi lãnh thổ và có thể chịu mức hình phạt;

- Đối tượng buôn bán trái phép chất thải rắn, chất lỏng, các chất thải khí...vào lãnh thổ Trung Quốc có thể đối mặt với bản án hình sự 5 năm tù, ngoài ra còn phải chịu mức phạt hành chính.

Thứ năm, hợp tác và phối hợp liên ngành

- Hợp tác với các cơ quan liên quan, các quốc gia khác để cùng nhau ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép.

+ Bộ Môi trường là cơ quan chủ trì trong việc quản lý xuất, nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất có trách nhiệm sau:

- Tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các quy định, luật, danh mục chất thải và các chính sách về xuất, nhập khẩu phế liệu;

- Tổ chức, phối hợp với các đơn vị khác thực hiện quản lý xuất, nhập khẩu phế liệu;

- Chịu trách nhiệm thực hiện công ước Basel và các giấy phép liên quan đến xuất, nhập khẩu phế liệu;

- Giám sát, ngăn chặn ô nhiễm từ các bên xuất khẩu và những đối tượng sử dụng rác thải nhập khẩu.

+ Tổng cục giám sát, kiểm tra và kiểm định chất lượng (AQSIQ)

- Đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài (bên xuất khẩu) và bên nhận ở trong nước;

- Thực hiện kiểm tra trước khi xuất hàng hoặc hàng vào lãnh thổ đảm bảo tiêu chuẩn kiểm soát môi trường;

- Thực hiện các vấn đề về Hải quan để rời khỏi cảng đối với các loại hàng được chập nhận nhập vào;

+ Tổng cục Hải Quan (GACC)

- Chịu trách nhiệm về nhập hàng, thu thuế, giải phóng mặt bằng đối với những trường hợp được phép nhập cảng;

- Yêu cầu tàu chở về nước xuất khẩu đối với những lô hàng không đạt tiêu chuẩn;

- Chống nạn buôn lậu chất thải;

+ Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, Bộ Thương Mại

- Đưa ra các biện pháp đối với nhập khẩu chất thải và điều chỉnh, sửa đổi danh mục chất thải.

Hình 1: Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan với nhau

2. Thực trạng pháp luật Việt Nam về kiểm soát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu và các hàm ý từ kinh nghiệm quốc tế

2.1. Thực trạng pháp luật về kiểm soát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu ở Việt Nam

Phế liệu nhập khẩu là một nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành thép, giấy, nhựa tái chế. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc nhập khẩu phế liệu có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe con người. Do đó, pháp luật về kiểm soát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động này diễn ra theo đúng quy định

Hiện nay, việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chính sau: Luật Hải quan 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2018, quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có phế liệu (Quốc hội, 2014). Luật Bảo vệ Môi trường 2020, quy định điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Quốc hội, 2020). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Chính phủ, 2022). Thông tư số 02/2022/TT-BTNMTcủa Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về quy chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2022).

Trong những năm qua, cơ quan Hải quan Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường công tác kiểm soát đối với phế liệu nhập khẩu. Các biện pháp này đã mang lại một số kết quả tích cực. Cụ thể, cơ quan Hải quan đã tăng cường kiểm tra chuyên sâu đối với các mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm cao, giúp giảm thiểu việc nhập khẩu phế liệu không đạt chuẩn. Song song với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan đã được đẩy mạnh, tạo nên một hệ thống số hóa giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình kiểm soát. Hơn nữa, sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đã góp phần cải thiện quy trình giám định chất lượng phế liệu, từ đó tạo nên một hệ thống quản lý nhập khẩu chặt chẽ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Một số doanh nghiệp vẫn lợi dụng các kẽ hở trong khung pháp luật hiện hành để nhập khẩu phế liệu kém chất lượng, từ đó gây ra những rủi ro không nhỏ cho môi trường. Hơn nữa, quy trình kiểm tra đôi khi còn kéo dài, dẫn đến việc tăng thời gian thông quan và chi phí cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực giám định tại một số cửa khẩu còn hạn chế, khi chưa được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại và nhân lực chuyên môn, điều này ảnh hưởng đến độ chính xác trong việc đánh giá chất lượng phế liệu nhập khẩu.

Dưới đây là bảng số liệu thống kê về tình hình kiểm soát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu tại Việt Nam từ năm 2018 đến 2022

NămTổng số phế liệu nhập khẩu (triệu tấn)Số lô hàng kiểm traTỷ lệ đạt chuẩn (%)Số vụ vi phạmGiá trị xử phạt (tỷ VND
20181,6109221,5
20191,65129332,9
20201,8169553,2
20211,75159653,3
20221,85169763,2
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Số liệu cho thấy xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,6 triệu tấn năm 2018, 1,65 triệu tấn năm 2019, đạt 1,8 triệu tấn năm 2020, giảm nhẹ xuống 1,75 triệu tấn năm 2021 và tăng lại lên 1,85 triệu tấn năm 2022. Điều này phản ánh nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đang tăng dần, dù có biến động nhẹ theo từng năm. Tỷ lệ đạt chuẩn của các lô hàng kiểm tra cũng có xu hướng cải thiện qua thời gian, từ 92% năm 2018, 93% năm 2019, lên đến 95% năm 2020, 96% năm 2021 và đạt 97% năm 2022. Điều này cho thấy rằng nhờ việc tăng cường kiểm tra và cải thiện quy trình giám định, chất lượng phế liệu nhập khẩu đã được nâng cao, góp phần giảm thiểu nguy cơ nhập khẩu các hàng không đạt chuẩn. Số vụ vi phạm được ghi nhận tăng dần: từ 2 vụ năm 2018, 3 vụ năm 2019, tăng mạnh lên 5 vụ năm 2020 và 2021, rồi đạt 6 vụ năm 2022. Sự gia tăng này do việc mở rộng phạm vi kiểm tra dẫn đến việc phát hiện nhiều vi phạm hơn.

2.2. Các biện pháp kiểm soát Hải quan để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trước các tác động tiêu cực của nhập khẩu phế liệu

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật

Chính quyền cần rà soát, cập nhật và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện về bảo vệ môi trường. Việc ban hành các quy định mới và sửa đổi các lỗ hổng trong pháp luật sẽ tạo ra khung kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo rằng chỉ những lô hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mới được phép thông quan. Đồng thời, các tiêu chuẩn này cần phải phù hợp với tiến bộ công nghệ và các yêu cầu môi trường hiện hành, giúp giảm thiểu rủi ro ô nhiễm từ phế liệu nhập khẩu.

Thứ hai, Áp dụng công nghệ hiện đại trong kiểm tra và giám định

Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống quét, cảm biến và phân tích dữ liệu sẽ giúp tự động hóa quá trình kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu. Các thiết bị hiện đại không chỉ tăng tính chính xác mà còn rút ngắn thời gian kiểm tra, giảm thời gian lưu kho và thông quan. Điều này góp phần hạn chế việc lưu thông các lô hàng không đạt chuẩn, đồng thời giảm thiểu rủi ro về ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, nâng cao năng lực và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ hải quan

Để đảm bảo hiệu quả của các biện pháp kiểm soát, các cán bộ hải quan cần được đào tạo bài bản về các quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình kiểm tra phế liệu nhập khẩu. Các khóa đào tạo chuyên sâu, các buổi hội thảo và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ giúp cán bộ cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực giám định. Từ đó, họ có thể thực hiện công tác kiểm tra một cách chính xác và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường một cách toàn diện.

Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế

Công tác kiểm soát phế liệu nhập khẩu không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của Hải quan mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan chuyên môn khác. Đồng thời, hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm quản lý phế liệu và tổ chức quốc tế cũng sẽ giúp Việt Nam học hỏi và áp dụng các giải pháp tiên tiến, từ đó nâng cao hiệu quả giám định và kiểm soát.

Thứ năm, xây dựng hệ thống giám định độc lập và minh bạchViệc thành lập các trung tâm giám định độc lập với chứng nhận hợp lệ sẽ tạo ra một cơ chế kiểm soát khách quan và minh bạch. Hệ thống này sẽ đảm bảo rằng các lô hàng phế liệu được kiểm tra bởi các chuyên gia độc lập, giúp phát hiện sớm các vi phạm và ngăn chặn việc lưu thông hàng không đạt chuẩn. Sự minh bạch trong quy trình giám định sẽ nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường chế tài xử phạt và giám sát sau kiểm tra

Để răn đe các hành vi vi phạm, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn. Song song với đó, việc giám sát sau kiểm tra (post-clearance audit) cũng cần được thực hiện định kỳ, đảm bảo rằng các doanh nghiệp đã và đang thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục. Cơ chế xử phạt và giám sát chặt chẽ sẽ là động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phế liệu nhập khẩu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thứ bảy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý nội địa

Bên cạnh việc kiểm soát nhập khẩu, việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư vào công nghệ xử lý, tái chế phế liệu sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu. Các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và đào tạo kỹ thuật sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng công nghệ sạch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành công nghiệp nội địa.

Thứ tám, áp dụng phương thức “tiền kiểm” nghiêm ngặt

Trước khi hàng hóa phế liệu được bốc dỡ và đưa vào lãnh thổ, việc áp dụng phương thức “tiền kiểm” nhằm bắt buộc các lô hàng phải trải qua quá trình kiểm tra chất lượng tiên tiến ngay tại cảng hoặc điểm nhập khẩu. Phương pháp này cho phép các cơ quan chức năng đánh giá, kiểm định ngay tại nguồn, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn môi trường đã được đáp ứng trước khi hàng hóa được thông quan. Ưu điểm nổi bật của phương thức này là khả năng phát hiện sớm các lô hàng không đạt chuẩn, từ đó hạn chế việc lưu thông phế liệu không đúng quy định – một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc “tiền kiểm” còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý, kiểm soát vi phạm một cách kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro lan rộng trong quá trình vận chuyển và lưu kho.

Thứ chín, triển khai hệ thống quản lý rủi ro theo mô hình số hóa

Việc sử dụng các hệ thống thông tin và công nghệ số hóa để thu thập, phân tích dữ liệu của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sẽ là bước đột phá trong công tác giám sát. Mô hình đánh giá rủi ro được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu như nguồn gốc, thành phần, và lịch sử nhập khẩu của hàng hóa giúp hải quan có cái nhìn tổng thể về mức độ nguy cơ của từng lô hàng. Nhờ đó, các lô hàng có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên kiểm tra, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu thời gian kiểm tra đối với các lô hàng có nguy cơ thấp. Hơn nữa, hệ thống số hóa này còn cung cấp dữ liệu minh bạch cho các cơ quan kiểm soát môi trường, tạo nên một cơ chế theo dõi liên tục và hiệu quả, góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thứ mười, tăng cường phối hợp liên ngành giữa Hải quan và các cơ quan chức năng khác

Để đảm bảo rằng các biện pháp kiểm tra chất lượng và bảo vệ môi trường được thực hiện một cách toàn diện, việc thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý Chất lượng cùng các đơn vị kiểm tra độc lập là hết sức cần thiết. Sự phối hợp này giúp nhanh chóng phát hiện và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đồng thời đánh giá được tác động môi trường của các lô hàng phế liệu. Qua đó, việc kiểm soát được thực hiện một cách đồng bộ, giảm thiểu trường hợp “lác chác” giữa các cơ quan chức năng và tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường một cách triệt để.

Thứ mười một, thiết lập hệ thống chứng nhận và theo dõi truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Để đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc và chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu, cần thiết lập một hệ thống chứng nhận bắt buộc. Theo đó, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng nhận chất lượng do các tổ chức kiểm định độc lập cấp, đồng thời áp dụng hệ thống theo dõi truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR hoặc các giải pháp số hóa khác. Hệ thống này không chỉ giúp các cơ quan hải quan dễ dàng kiểm tra, theo dõi quá trình nhập khẩu và sử dụng phế liệu, mà còn tạo điều kiện cho việc giám sát sau nhập khẩu, từ đó xử lý kịp thời khi có phát hiện vi phạm tiêu chuẩn về môi trường.

Thứ mười hai, đào tạo và trang bị công nghệ cho cán bộ hải quan chuyên trách

Việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hải quan là yếu tố then chốt trong công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Nhà nước cần đầu tư đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật kiểm tra các mặt hàng nhạy cảm với môi trường, đồng thời trang bị cho cán bộ các thiết bị hiện đại như máy quét, thiết bị phân tích mẫu và phần mềm hỗ trợ kiểm tra. Khi đội ngũ hải quan được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và công nghệ tiên tiến, khả năng phát hiện sớm các lô hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ được cải thiện rõ rệt, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Thứ mười ba, xây dựng các quy định xử phạt nghiêm khắc đối với vi phạm

Để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và răn đe các hành vi vi phạm, việc xây dựng và thực thi các quy định xử phạt nghiêm khắc là hết sức cần thiết. Các biện pháp xử phạt cụ thể cần được áp dụng đối với doanh nghiệp hoặc lô hàng vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng và bảo vệ môi trường. Công bố minh bạch các trường hợp vi phạm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo sức mạnh cảnh báo, khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đã được đề ra. Qua đó, nguy cơ nhập khẩu hàng không đạt chuẩn gây tác động tiêu cực tới môi trường sẽ được giảm thiểu tối đa.

Những giải pháp trên, khi được triển khai đồng bộ và hiệu quả, sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác kiểm soát Hải quan đối với phế liệu nhập khẩu, từ đó bảo vệ môi trường một cách toàn diện và bền vững.

2.3. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong công tác kiểm soát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu

Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, nhập khẩu phế liệu sắt thép làm nguyên liệu sản xuất đang là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng chúng ta nên cấm nhập phế liệu (trong đó có phế liệu sắt thép), quan điểm khác lại cho rằng việc nhập khẩu phế liệu sắt thép là cần thiết. Khi đã cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép thì Nhà nước có cơ chế, chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này? Các chủ thể liên quan phải có những biện pháp gì ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép? Việc rút ra những bài học kinh nghiệm từ một một số quốc gia trên giải đáp phần nào những câu hỏi đó. Những bài học kinh nghiệm từ các nước trên có thể sử dụng trong việc hoàn thiện chính sách nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phế liệu sắt thép của Việt Nam là:

Thứ nhất, cần khẳng định rằng việc cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chính vì vậy, để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì nó phải được quán triệt một cách mạnh mẽ trong tất cả các văn bản, chính sách có liên quan. Các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cần nắm rõ chủ trương này, trên cơ sở đó xây dựng và triển khai các qui định một cách có hiệu quả nhất.

Thứ hai, để hoạt động nhập khẩu diễn ra một cách thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường, cần có một bộ tiêu chuẩn cụ thể liên quan tới các loại phế liệu được phép nhập khẩu. Bộ tiêu chuẩn này càng rõ ràng, chi tiết bao nhiêu thì các mục tiêu kinh tế và môi trường mà Nhà nước và doanh nghiệp hướng tới càng cao bấy nhiêu.

Thứ ba, trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là loại phế liệu được phép nhập khẩu theo tiêu chuẩn đã đưa ra, cần có một cơ quan kiểm tra chất lượng có đủ năng lực về con người và kỹ thuật. Đối với Việt Nam, cơ quan này có thể là Hải quan hoặc một cơ quan chuyên môn độc lập.

Thứ tư, việc kiểm tra xem xét các loại phế liệu phải được thực hiện trước khi bốc dỡ và vận chuyển vào lãnh thổ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với qui định về kiểm tra chất lượng hàng hóa hiện nay. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, phương thức phổ biến trong việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu hiện này là hậu kiểm – tức là thông quan trước rồi mới kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, đối với một số loại hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng thì cần cân nhắc áp dụng phương pháp tiền kiểm – tức là kiểm tra chất lượng trước rồi mới cho thông quan sau. Với phương pháp này cũng tránh được không ít rắc rối của các cơ quan chức năng hiện nay khi đối phó với tình trạng nhập khẩu phế liệu không đúng qui định, nhập khẩu rác thải mà buộc doanh nghiệp tái xuất không được.

Thứ năm, bên cạnh chính sách cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Nhà nước cần khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp chuyên về tái chế. Nhà nước cũng cần kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này thông qua những ưu đãi hết sức cụ thể. Có như vậy thì mới phát huy một cách tối đa hiệu quả của chính sách nhập khẩu phế liệu.

Thứ sáu, xem xét việc hạn chế các công ty hoạt động như một cơ sở phân phối hay kinh doanh phế liệu. Qui định này cũng hoàn toàn hợp lý khi năng lực kiểm soát các vấn đề môi trường không có. Nếu cho phép các công ty hoạt động với hình thức phân phối hay kinh doanh thì nguy cơ tác động tới môi trường là rất lớn. Hay nói một cách khác, phế liệu nhập khẩu chỉ được sử dụng cho mục tiêu sản xuất.

KẾT LUẬN

Việc kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu cho thấy đây là một vấn đề phức tạp, liên quan đến cả yếu tố pháp lý, môi trường và kinh tế. Các quy định quốc tế, đặc biệt là Công ước Basel và các thỏa thuận quốc tế khác, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là phế liệu có khả năng gây hại đến môi trường và sức khỏe con người. Các quốc gia và khu vực như Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam đã xây dựng các hệ thống kiểm soát hải quan chặt chẽ nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo việc tái chế chất thải an toàn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng thương mại quốc tế, việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu trở thành một thách thức lớn. Các quốc gia cần xây dựng các cơ chế giám sát và quy định pháp lý nghiêm ngặt để đảm bảo việc nhập khẩu phế liệu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chính phủ các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy các giải pháp bền vững trong quản lý chất thải.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các chính sách quản lý chất thải, đặc biệt là phế liệu, đã có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi các quy định này. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Việc áp dụng các công nghệ tái chế hiện đại và phát triển cơ sở hạ tầng quản lý chất thải sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc nhập khẩu phế liệu, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý chất thải, đặc biệt là trong việc kiểm soát các dòng chất thải nhập khẩu. Các cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ với nhau và với các tổ chức quốc tế để triển khai các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn, đồng thời tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tái chế và xử lý chất thải. Chỉ khi các chính sách này được thực thi nghiêm ngặt và đồng bộ, Việt Nam mới có thể đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) (2019). Công ước Basel: Thực hiện Công ước Basel và các Nghị định thư. Liên Hợp Quốc.

2. Ban Thư ký Công ước Basel (2020). Công ước Basel về Kiểm soát Di chuyển Phế liệu qua biên giới và Xử lý của chúng. Công ước Basel.

3. Ủy ban Châu Âu (2020). Luật về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn của EU. Ủy ban Châu Âu.

4. Ủy ban Châu Âu (2021). Quy định về Vận chuyển Chất thải: Tổng quan về các quy định của Châu Âu đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu chất thải. Ủy ban Châu Âu.

5. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (2021). Các trợ cấp gây hại đến môi trường và vai trò của chúng trong quản lý chất thải. OECD.

6. Cục Hải quan Trung Quốc (2020). Quy định về việc nhập khẩu phế liệu vào Trung Quốc. Hải quan Trung Quốc.

7. Cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia Trung Quốc (NEPA) (2018). Hướng dẫn quản lý nhập khẩu vật liệu phế thải ở Trung Quốc. NEPA.

8. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (2021). Thương mại và Môi trường: Công ước Basel và Chính sách Thương mại. WTO.

9. Ngân hàng Thế giới (2020). Tác động của thương mại chất thải đối với môi trường: Các nghiên cứu trường hợp từ các quốc gia đang phát triển. Ngân hàng Thế giới.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE) (2021). Quy định về quản lý chất thải rắn tại Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường.

11. Bộ Tài chính Việt Nam (2021). Thủ tục hải quan và chính sách đối với việc nhập khẩu vật liệu tái chế tại Việt Nam. Bộ Tài chính.

12. Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) (2019). Chất thải và Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm của Châu Âu và các tác động chính sách. EEA.

13. Hiệp hội Quản lý Chất thải Rắn Quốc tế (ISWA) (2020). Quản lý chất thải toàn cầu và thực hành tái chế: Một cái nhìn quốc tế. ISWA.

14. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) (2020). Quản lý chất thải bền vững và tái chế ở các nền kinh tế đang phát triển. UNDP.

15. Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP)(2021). Quản trị môi trường và quản lý chất thải: Thực hành và thách thức khu vực. ESCAP.

* ThS. Nguyễn Chí Linh, Chi cục Hải quan Hà Nam. Duyệt đăng 30/3/2025. Email: chqchilinh@gmail.com

[1] Roseph Winters, Rich countries are illegally exporting plastic trash to poor countries, data suggests, investigatewest.org 18/4/2022, https://www.investigatewest.org/news/rich-countries-are-illegally-exporting-plastic-trash-to-poor-countries-data-suggests-17691823, truy cập 17/2/2025; Xem thêm: Michael Jedelhauser, The rich countries practice waste colonialism, https://www.dandc.eu/en/article/industrialised-countries-are-disposing-large-volumes-their-waste-poorer-countries, truy cập 17/1/2025

[2] [2] Roseph Winters, tlđd, 1

[3] . Reuters - Ukraine scrap steel tax decision

[4] . Reuters - EU scrap steel regulations and environmental standards

[5] Trang web của Bộ Môi trường Trung Quốc, Phương pháp quản lý nhập khẩu chất thải rắn (http://www.mep.gov.cn/gkml/hbb/bl/201105/t20110520_210978.htm).

[6] . https://tuoitre.vn/trung-quoc-cam-nhap-khau-tat-ca-rac-thai-de-ngan-o-nhiem-0201128095705417.htm?utm_source=chatgpt.com

[7] . https://startuptower.movads.vn/trung-quoc-cam-nhap-khau-phe-lieu-thi-truong-tai-che-toan-cau-lao-dao/

Cùng chuyên mục

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luật hóa đối chứng trong tố tụng dân sự nhằm tăng tính minh bạch, công bằng và hiệu quả xét xử.

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích những điểm tiến bộ cũng như những thách thức phát sinh trong quá trình thực thi các quy định pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị có thể vận dụng vào bối cảnh Việt Nam, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản trị doanh nghiệp.

Khung pháp lý sàn giao dịch kinh doanh bất động sản trong thời đại số: Phân tích mô hình Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Khung pháp lý sàn giao dịch kinh doanh bất động sản trong thời đại số: Phân tích mô hình Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết này nghiên cứu pháp lý của sàn giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) trong nền kinh tế thị trường hiện đại, với trọng tâm là mô hình tổ chức và điều tiết tại Trung Quốc, qua đó đề xuất định hướng sửa đổi pháp luật tại Việt Nam theo hướng minh bạch hóa, số hóa và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.

Điều chỉnh pháp luật đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Điều chỉnh pháp luật đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích sự chuyển dịch của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) từ một cam kết tự nguyện sang một yêu cầu pháp lý nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết sẽ phân tích hai quan điểm học thuật chính về vấn đề này, làm rõ quan điểm của tác giả và đồng thời đánh giá khả năng áp dụng ITS tại Việt Nam.

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết này khám phá mối quan hệ phức tạp giữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong bối cảnh các vụ kiện của Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) đặt ra vấn đề về sự xung đột giữa tự do thương mại và bảo vệ tài nguyên biển.

Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada: Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada: Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ các quy định của pháp luật hình sự Canada hiện hành về đối tượng áp dụng, cơ chế giám sát, quyền của người bị giám sát điện tử và các biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada, từ đó sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về vấn đề này.

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Pháp luật Việt Nam về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghiên cứu lý luận -  2 tháng trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất cách hiểu khoa học phù hợp hơn nên xem đơn vị sự nghiệp công lập là một pháp nhân phi thương mại có năng lực pháp luật dân sự không bị hạn chế và tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm cả tài sản công lẫn tài sản tư.