Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam
Nguyễn Thị Châm
Thứ năm, 10/07/2025 - 14:51
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Bài viết này phân tích những quy định pháp luật về khởi kiện dân sự đề thu hồi tài sản tham nhũng và các ví dụ liên quan đến thực tiễn tại một số quốc gia, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Tóm tắt: Trong thời gian gần đây, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đã liên tục được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế. Cùng với phương thức thu hồi tài sản thông qua biện pháp hình sự, khởi kiện dân sự được coi là một công cụ đáng tin cậy và hiệu quả để các quốc gia thu hồi tài sản tham nhũng. Bài viết này phân tích những quy định pháp luật về khởi kiện dân sự đề thu hồi tài sản tham nhũng và các ví dụ liên quan đến thực tiễn tại một số quốc gia, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Từ khóa: Thu hồi tài sản tham nhũng; khởi kiện dân sự; UNCAC.
Abstract: In recent times, the issue of recovering corrupt assets has been continuously on the international agenda. Along with the method of recovering assets through criminal measures, civil lawsuits are considered a reliable and effective tool for countries to recover corrupt assets. This article analyzes the legal provisions on civil lawsuits to recover corrupt assets and examples related to the practice in some countries, thereby providing some recommendations for Vietnam.
Khi giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế, bên cạnh việc quan tâm đến hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng, dư luận xã hội còn đặc biệt quan tâm đến việc những tài sản do tham nhũng mà có được thu hồi như thế nào, khắc phục được bao nhiêu phần hậu quả. Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra hình phạt thích đáng cho những đối tượng phạm tội, như vậy, công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng sẽ chưa được triệt để, không khắc phục được hậu quả do tham nhũng gây ra. Vì vậy, thu hồi tài sản tham nhũng được xác định là công việc vô cùng quan trọng và là thước đo hiệu quả nhất của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài các phương thức thu hồi tài sản dựa trên truy tố hình sự; thu hồi tài sản không dựa trên kết án; thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính thì phương thức khởi kiện dân sự được coi là một trong những phương thức hữu hiệu để thu hồi tài sản tham nhũng. Phương thức khởi kiện dân sự đặc biệt hiệu quả khi các con đường luật hình sự không khả dụng hoặc có khả năng thành công thấp.
1. Khái quát về khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng và cơ sở pháp lý quốc tế
Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng là một dạng hành vi dân sự giữa hai chủ thể tại các tòa án, nguyên đơn khởi kiện về những thiệt hại bởi hành vi của bị đơn để yêu cầu được bồi thường tương xứng. Các tòa án ở một số nước có thể có thẩm quyền trong bất cứ trường hợp nào sau đây: (1) nếu bị đơn là cá nhân hoặc pháp nhân đang sinh sống hoặc sự gắn kết với nước này; (2) nếu tài sản ở bên trong hoặc được chuyển đến nước này; (3) hoặc nếu một hành vi tham nhũng hoặc rửa tiền đã được thực hiện trong nước này.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (viết tắt tiếng Anh là UNCAC) nhấn mạnh tầm quan trọng của các thủ tục tố tụng dân sự và biện pháp khắc phục trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điều 34 của UNCAC quy định rằng các quốc gia thành viên có thể coi tham nhũng là một yếu tố có liên quan để tuyên bố các giao dịch phát sinh từ các hoạt động tham nhũng là vô hiệu hoặc có thể coi tham nhũng là một yếu tố để bảo đảm việc hủy bỏ hợp đồng. Điều 35 của UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cần thiết và thiết lập các cơ chế thích hợp để đảm bảo rằng các thực thể hoặc cá nhân bị thiệt hại do hành vi tham nhũng có quyền khởi kiện để đòi bồi thường. Phương thức thu hồi tài sản dựa trên quy trình khởi kiện dân sự cũng đã được UNCAC khuyến nghị các quốc gia nghiên cứu để áp dụng: “Mỗi quốc gia thành viên, căn cứ vào pháp luật quốc gia sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội được quy định trong Công ước này” (Điều 53(a)).
Tương tự như vậy, sự công nhận của khu vực về tầm quan trọng của các thủ tục tố tụng dân sự trong cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được thông qua Công ước Luật dân sự của Hội đồng Châu Âu. Điều 1 của Công ước Luật dân sự của Hội đồng Châu Âu về Tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải cho phép cá nhân hoặc pháp nhân, bị thiệt hại do tham nhũng có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để bảo vệ quyền của họ.[1] Do đó, 35 quốc gia đã phê chuẩn công ước này có nghĩa vụ phải nội luật hoá vào quy định pháp luật pháp quốc gia để cho phép các nạn nhân của tham nhũng sử dụng nhiều hơn các biện pháp khắc phục dân sự.
2. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện dân sự về thu hồi tài sản tham nhũng
2.1. Nguyên đơn
Về lý thuyết, bất kỳ cá nhân hay pháp nhân đều có thể là nạn nhân của hành vi tham nhũng (hối lộ, tham ô, sử dụng sai mục đích tài sản của công ty, v.v.). Trên thực tế, phạm vi của các nguyên đơn tiềm năng trong vụ kiện dân sự về thu hồi tài sản tham nhũng bị giới hạn ở các bên có lợi ích pháp lý cụ thể trong vụ án. Ở hầu hết các khu vực pháp lý, quy tắc chung là bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào bị thiệt hại do tham nhũng hoặc ký kết hợp đồng bị ảnh hưởng bởi tham nhũng đều có thể có quyền khởi kiện một vụ án dân sự và đòi bồi thường thiệt hại. Các quốc gia và các cơ quan chính phủ bị thiệt hại bởi hành vi tham nhũng cũng là những nguyên đơn phổ biến trong các vụ kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Các thực thể công địa phương cũng có thể khởi kiện dân sự khi họ chứng minh rằng họ trực tiếp chịu thiệt hại do hành vi sai trái của một cựu lãnh đạo địa phương. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể có lợi ích trong việc khởi kiện dân sự.[2]
Nhiều quốc gia đã công nhận quyền của các quốc gia nước ngoài được khởi kiện tại tòa án dân sự của họ. Các điều khoản về việc đưa ra khiếu nại khi một bên bị thiệt hại do tham nhũng có thể được đưa vào các bộ luật dân sự hoặc hình sự hoặc trong luật chống tham nhũng. Ví dụ, tại Kenya, Đạo luật chống tham nhũng và tội phạm kinh tế năm 2003 quy định tại Điều 51 rằng “[một] người thực hiện bất kỳ hành vi nào cấu thành tham nhũng hoặc tội phạm kinh tế phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai bị thiệt hại do hậu quả của hành vi đó với số tiền bồi thường đầy đủ cho khoản thiệt hại đã phải chịu”. Tại Hoa Kỳ, theo luật về các tổ chức tham nhũng và bị ảnh hưởng bởi tống tiền (RICO), các chính phủ nước ngoài hoặc công dân nước ngoài đóng vai trò là nguyên đơn dân sự có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do các hành vi tham nhũng trái pháp luật gây ra.[3] Một ví dụ về vụ kiện dân sự thành công do một quốc gia đưa ra trước tòa án nước ngoài và dẫn đến việc bồi thường là vụ kiện Diepreye Alamieyeseigha của Nigeria sau đây: Alamieyeseigha là thống đốc bang Bayelsa từ tháng 5 năm 1999 cho đến khi bị luận tội vào tháng 9 năm 2005. Vào tháng 11 năm 2005, Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính Nigeria đã buộc tội hình sự ông với 40 tội danh rửa tiền và tham nhũng. Ông đã nhận tội tại Nigeria vào năm 2007. Hơn 17 triệu đô la tài sản ở nước ngoài đã bị tịch thu và hồi hương về Nigeria như là tiền thu được từ tội phạm thông qua các vụ kiện dân sự mà Nigeria đệ trình ở nước ngoài. Nhận ra rằng việc yêu cầu tương trợ tư pháp trong một vụ án hình sự sẽ tốn thời gian, Nigeria đã đưa ra các thủ tục tố tụng dân sự tại Vương quốc Anh. Trong các phán quyết vào năm 2006 và 2007, dựa trên Đạo luật về Tiền thu được từ Tội phạm của Vương quốc Anh, Tòa án Công lý Tối cao London đã phán quyết rằng Nigeria là chủ sở hữu thực sự của ba bất động sản nhà ở tại London và số dư tín dụng của một số tài khoản ngân hàng, lên tới khoảng 2,7 triệu đô la Mỹ (được giữ tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland dưới tên của Santolina Investment Corporation), cũng như 1,5 triệu đô la Mỹ bị tịch thu tại thời điểm bị bắt. [4]
2.2. Bị đơn
Trong các vụ kiện dân sự nhằm đòi bồi thường thiệt hại do các hoạt động tham nhũng gây ra, bị đơn rõ ràng sẽ là công chức/viên chức tham nhũng hoặc người đưa hối lộ. Một yếu tố cần xem xét khi tìm cách thu hồi số tiền tham nhũng từ các công chức/viên chức tham nhũng là quyền miễn trừ khỏi bị truy tố hình sự, hoặc thậm chí khỏi các vụ kiện dân sự mà họ có thể được hưởng.[5] Tuy nhiên, rất ít công chức/viên chức tham nhũng nắm giữ tài sản dưới tên của chính họ. Do đó, người thân, cộng sự thân cận hoặc công ty do công chức/viên chức tham nhũng kiểm soát cũng có thể là bị đơn. Sự tham gia của tổ chức tài chính có thể rất quan trọng, ví dụ, trong việc giúp công chức/viên chức tham nhũng đánh cắp, che giấu và có thể rửa tiền thu được từ các hành vi tham nhũng. Nguyên đơn có thể kiện những người cố tình hỗ trợ che giấu tài sản hoặc những người nhận tài sản đó làm trung gian trong việc rửa tiền thu được từ tham nhũng.
3. Thẩm quyền của Tòa án
Trước khi đệ đơn kiện, quốc gia bị thiệt hại hoặc bên bị tổn hại phải tìm cách xác định xem tòa án nơi đệ đơn kiện có thẩm quyền hay không. Thẩm quyền là quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề. Để thực hiện thẩm quyền và đưa ra các quyết định ràng buộc, tòa án phải có thẩm quyền về vấn đề liên quan đến tài sản và thẩm quyền cá nhân, tức là khả năng xác định quyền của những người và tài sản liên quan.[6] Có thể có nhiều hơn một tòa án có thẩm quyền. Hình ảnh dưới đây minh họa những cân nhắc về địa điểm có thể đưa vụ án ra khởi kiện:
Nhìn chung, vụ kiện có thể được đưa ra tại những nơi có liên quan đến các sự kiện, người và tài sản mà khiếu nại liên quan đến. Các mối liên hệ không cần phải quá nhiều và đôi khi được gọi là "liên hệ tối thiểu".[7] Ngoài ra, tòa án phải thấy rằng vụ kiện được đưa ra tại đó là hợp lý. Cơ sở của những giới hạn này là tính công bằng chỉ ra rằng một người không thể bị kiện tại một nơi mà người đó không có liên hệ, vì điều đó sẽ khiến người đó phải chịu chi phí và bất tiện rất lớn.
Mặc dù có các quy tắc khác nhau tùy theo từng khu vực pháp lý, nhưng nhìn chung tòa án có thẩm quyền thụ lý các thủ tục liên quan đến hành vi tham nhũng gây ra tổn thất về tiền tệ nếu: (1) Bị đơn cư trú hoặc thường xuyên kinh doanh tại đó; (2) Bị đơn đã tự nguyện đồng ý với thẩm quyền của tòa án (ví dụ: theo các thỏa thuận hợp đồng); (3) Hành vi tham nhũng diễn ra tại đó; (4) Tiền thu được từ hành vi tham nhũng đang được đề cập được đặt hoặc đã được tẩy rửa tại đó; hoặc (5) Hợp đồng đã được thực hiện tại đó.[8]
Trên thực tế, ở hầu hết các khu vực pháp lý, người ta thường có thể bị kiện ở nơi họ cư trú. Ví dụ, trong Liên minh Châu Âu (EU), thẩm quyền được xác định ở quốc gia EU nơi bị đơn cư trú, bất kể quốc tịch của người đó.[9] Ở một số khu vực pháp lý khác, một người có thể bị kiện tại nơi có tài sản của mình - tài sản mà người đó sở hữu hoặc kiểm soát, đặc biệt nếu những tài sản đó liên quan đến vụ kiện. Liên minh Châu Âu đưa ra một ví dụ điển hình về các khiếu nại dựa trên tài sản bằng cách tiến xa hơn và cho phép quyền tài phán độc quyền, bất kể nơi cư trú của các bên, đối với tòa án của quốc gia thành viên nơi có bất động sản hoặc quyền thuê bất động sản.[10]
Thực tiễn cho thấy các yếu tố chính cần xem xét khi quyết định lựa chọn Toà án giải quyết vụ việc thường là nơi tài sản được đặt và nơi bị đơn có liên hệ. Quyết định nơi khởi kiện có thể bị phụ thuộc rất nhiều bởi nơi tài sản có được do tham nhũng được đặt. Nếu có phán quyết tại nơi có tài sản, sẽ dễ dàng tịch thu tài sản hoặc có thể đưa ra phán quyết có giá trị tương đương từ các tài sản khác của bị đơn. Tòa án thường có thẩm quyền, đôi khi là độc quyền, nơi có bất động sản là đối tượng của tranh chấp. Ví dụ, trong các vụ án dân sự chống lại cựu tổng thống Zambia dưới đây, sự hiện diện của các tài khoản ngân hàng có liên quan ở London là một yếu tố mạnh mẽ ủng hộ việc đệ đơn kiện tại Vương quốc Anh:
Chiluba đã rời khỏi chức tổng thống vào năm 2002. Vào tháng 2 năm 2003, ông bị buộc tội hình sự tại Zambia cùng với cựu giám đốc tình báo của mình, Xavier Chungu và một số quan chức với 168 tội danh biển thủ và rửa tiền hơn 40 triệu đô la Mỹ trong quỹ nhà nước. Năm 2004, tại Vương quốc Anh, tổng chưởng lý Zambia, thay mặt cho Cộng hòa Zambia, đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Chiluba và 19 cộng sự của ông để đòi lại số tiền đã được Bộ Tài chính chuyển từ năm 1995 đến năm 2001. Số tiền đang được đề cập được cho là đã được chuyển để trả các khoản nợ của chính phủ. Tổng chưởng lý Zambia thừa nhận rằng một số tiền thực sự đã được sử dụng cho mục đích đó nhưng phần lớn thì không. Năm 2007, tòa án Vương quốc Anh đã tuyên Chiluba và các bị cáo đồng phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi biển thủ 46 triệu đô la Mỹ. Việc đưa vụ kiện ra tòa tại London có một số lợi thế vì mối liên hệ chặt chẽ giữa tài sản và bị cáo với London. Phần lớn số tiền bị cáo buộc đánh cắp đã được chuyển qua hoặc lưu giữ trong các tài khoản ở London. Hầu hết các khoản tiền được chuyển từ Zambia đã đi qua các công ty luật và tài khoản ngân hàng ở Vương quốc Anh. Cuối cùng, các phán quyết có thể được thi hành dễ dàng và ngay lập tức mà không cần hành động pháp lý nào khác.[11]
Việc dễ dàng thi hành phán quyết là một yếu tố ủng hộ việc tòa án đồng ý thụ lý vụ án, như minh họa đã thảo luận ở trên. Ngược lại, nếu người đó không có tài sản tại khu vực tài phán nơi vụ kiện được đưa ra, nguyên đơn có thể phải đưa phán quyết của mình ra tòa án ở khu vực tài phán khác và yêu cầu họ thi hành lệnh của tòa án đầu tiên. Điều đó thường khó khăn và tốn kém hơn. Việc lựa chọn nơi khởi kiện dân sự cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nơi một vụ hình sự đã chờ xử lý. Nếu bị đơn đã bị truy tố trong một vụ án hình sự, tòa án của quốc gia đó có thể là một lựa chọn bổ sung cho một vụ kiện dân sự.[12] Tuy nhiên, tại một số khu vực pháp lý vụ kiện dân sự có thể bị đình chỉ cho đến khi vụ án hình sự được giải quyết.[13] Song song đó, trong các khu vực pháp lý theo truyền thống dân luật, nếu một vụ án hình sự đang chờ xử lý, nạn nhân có thể có quyền tham gia với tư cách là một bên dân sự trong vụ án hình sự và có thể dùng con đường đó như một phương tiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp thủ tục tố tụng hình sự trước tòa án trong nước kéo dài, một vụ kiện dân sự tại khu vực tài phán nơi tài sản được định vị hoặc thậm chí tham gia với tư cách là một bên dân sự trong một thủ tục tố tụng hình sự ở nước ngoài có thể là cơ hội duy nhất để thu hồi tài sản, đặc biệt là nếu yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự dựa trên vụ án hình sự trong nước không có khả năng thành công. Ngoài ra, ở một số khu vực tài phán, đặc biệt là các chế độ chuyển đổi dân chủ, chính quyền địa phương có thể không thể chuẩn bị một yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự phù hợp để tìm cách thu hồi tài sản ở nước ngoài do thiếu bằng chứng chống lại các cựu quan chức cấp cao. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật tại khu vực tài phán nơi tài sản được định vị thường có thể khởi xướng vụ án hình sự đối với những người đó, dựa trên các báo cáo ngân hàng và các bằng chứng khác được thu thập tại đó. Trong tình huống đó, việc xuất hiện với tư cách là một bên dân sự trước tòa án nước ngoài có thể giúp các quốc gia nạn nhân thu thập bằng chứng cần thiết để sau đó chuẩn bị một yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự một cách phù hợp.[14]
Một yếu tố thú vị khác cần xem xét khi các quốc gia và các thực thể chính phủ hình dung về vụ kiện dân sự tại một khu vực tài phán nước ngoài là rủi ro bị phơi bày trước các yêu cầu phản tố tiềm tàng phát sinh từ cùng một mối quan hệ pháp lý. Nguyên tắc rằng một quốc gia có chủ quyền không thể bị kiện tại tòa án của một quốc gia nước ngoài là một quy tắc đã được thiết lập rõ ràng theo luật pháp quốc tế thông thường. Các quốc gia có thể từ bỏ quyền miễn trừ hoặc đồng ý kiện tụng. Họ có thể làm như vậy một cách rõ ràng, bằng cách ban hành luật hoặc ngầm định bằng cách thực hiện quyền khởi kiện của mình. Trong tình huống đó, việc kiện tụng có thể xóa bỏ một số quyền miễn trừ. Vấn đề về các phản tố tiềm tàng xuất hiện ở cấp độ trong nước nhưng thậm chí còn có liên quan hơn khi lựa chọn diễn đàn bao gồm thẩm quyền tài phán nước ngoài. Do đó, việc lựa chọn thẩm quyền tài phán nước ngoài và việc giảm hoặc từ bỏ quyền miễn trừ khỏi thẩm quyền tài phán nước ngoài sau đó phải được các cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia nguyên đơn (nạn nhân) cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định.[15]
4. Các hình thức khởi kiện để thu hồi tài sản tham nhũng
4.1. Yêu cầu khởi kiện về quyền sở hữu đối với tài sản (một nhà nước khởi kiện để khẳng định quyền sở hữu đối với một tài sản cụ thể)
Khởi kiện khẳng định quyền sở hữu là cách mà một người sở hữu một thứ gì đó và yêu cầu tòa án trả lại vật đó hoặc giá trị tương đương. Theo Công ước Liên hợp quốc chống tham nhũng một quốc gia, khi là chủ sở hữu hợp pháp của một tài sản, sẽ có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình đối với tài sản đó, bất kể ai sở hữu nó.[16] Tòa án nhiều nước trên thế giới có thể chấp thuận yêu cầu của một quốc gia khác về việc trả lại tài sản cho quốc gia đó, nếu có đủ bằng chứng để kết luận rằng nguồn tiền được sử dụng để mua tài sản đó là của quốc gia yêu cầu. Những kẻ tham nhũng thường xuyên tham gia vào nhiều giao dịch để che giấu tài sản tham nhũng. Quốc gia yêu cầu khởi kiện có thể theo dõi dấu vết tài sản tham nhũng và thực hiện yêu cầu của mình ngay cả khi đã có nhiều giao dịch liên tiếp liên quan đến tài sản. Tuy nhiên, liên quan đến người mua ngay tình, cần nhấn mạnh một số điểm khác biệt giữa các hệ thống pháp luật. Các quốc gia theo hệ thống luật dân sự (ví dụ như Thụy Sĩ, Nhật Bản hoặc Đức) có thể bảo vệ những người mua ngay tình, sự bảo vệ này sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định kể từ ngày xảy ra hành vi tham nhũng.[17] Trong khi đó, ở các quốc gia theo luật chung, người mua ngay tình tiếp theo không được sở hữu tài sản bị đánh cắp vì tài sản bị đánh cắp không thể chuyển giao quyền sở hữu hợp pháp.
Ví dụ dưới đây minh họa cách tòa án có thể chấp thuận yêu cầu của một nhà nước về việc trả lại tài sản, nếu có đủ bằng chứng để kết luận rằng nguồn tiền được sử dụng để mua tài sản là của của nhà nước đó:
Vào tháng 12 năm 2011, nhà nước Libya đã đệ đơn kiện lên Tòa án cấp cao ở London để giành quyền sở hữu một ngôi nhà trị giá 10 triệu bảng Anh tại London thuộc sở hữu của Capitana Seas Limited (Capitana), một công ty của Quần đảo Virgin thuộc Anh do Saadi Qadafi (con trai của cựu lãnh đạo Libya, Muammer Qadafi) kiểm soát. Cả Saadi Qadafi và Capitana đều không ra tòa để bào chữa Sau đó, luật sư của Libya đã đệ đơn xin phán quyết vắng mặt. Thẩm phán đã quyết định rằng bất động sản đã được mua một cách sai trái và bất hợp pháp bằng tiền thuộc về nguyên đơn. Do đó, thẩm phán đã trao tài sản cho quốc gia yêu cầu bồi thường là Libya.[18]
4.2. Yêu cầu khởi kiện đối với cá nhân
Yêu cầu khởi kiện về quyền sở hữu đối với tài sản và biện pháp khắc phục có thể sẽ không khả dụng trong tất cả các trường hợp. Ví dụ, chúng có thể không khả dụng nếu không thể truy tìm được số tiền thu được vì chúng đã được rửa sạch hoàn toàn, khiến không thể tạo ra mối liên hệ giữa các khoản tiền ban đầu và các khoản tiền cuối cùng được xác định trong tài sản của bị đơn. Trong trường hợp đó, có thể đưa ra các yêu cầu khởi kiện cá nhân đối với những người nắm giữ tài sản đang được đề cập hoặc những người đã tham gia vào hành vi tham nhũng hoặc rửa tiền sau đó. Ngược lại với việc khẳng định rằng nhà nước nguyên đơn là chủ sở hữu thực sự (hoặc chủ sở hữu) của một tài sản, nhà nước có thể tuyên bố, ví dụ, rằng họ đã phải chịu thiệt hại về kinh tế và yêu cầu được trả tiền hoặc bồi thường bởi người gây ra thiệt hại. Đây được gọi là những yêu cầu khởi kiện cá nhân. Những yêu cầu khởi kiện đối với cá nhân có thể bao gồm: (1) Khởi kiện dựa trên hợp đồng (2) Khởi kiện để đòi bồi thường (3) Khởi kiện dựa trên hành vi làm giàu bất hợp pháp.
a) Khởi kiện dựa trên hợp đồng
Trong nhiều trường hợp tham nhũng, sẽ tồn tại mối quan hệ hợp đồng giữa nhà nước và thủ phạm của hành vi tham nhũng. Đối với hối lộ, tình huống dễ nghĩ đến nhất là hợp đồng lao động giữa người đứng đầu (nhà nước) và người đại diện của người đó (người nhận hối lộ) hoặc hợp đồng thực hiện công việc giữa nhà nước và công ty tư nhân (người đưa hối lộ).
Nếu nhà nước có thể chứng minh rằng một hợp đồng là vô hiệu hoặc bên kia đã vi phạm hợp đồng, thì nhà nước có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng tiền hoặc hoàn trả theo hợp đồng hoặc có thể từ chối thực thi hợp đồng. Sự vô hiệu của hợp đồng được dựa trên căn cứ rằng, hợp đồng có được là do gian lận và sự đồng thuận bị tác động bởi tham nhũng. Ví dụ dưới đây là một minh chứng cụ thể cho trường hợp này: Năm 1989, Kenya ban đầu ký kết thỏa thuận với Công ty miễn thuế thế giới (WDF) về việc xây dựng, bảo trì và vận hành các khu phức hợp miễn thuế tại các sân bay quốc tế Nairobi và Mombasa. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng để có được hợp đồng với chính phủ Kenya, WDF đã phải hối lộ cựu tổng thống Kenya, Daniel Arap Moi, với số tiền tương đương 2 triệu đô la Mỹ. WDF đã đưa ra khiếu nại trước tòa trọng tài, Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID), và tuyên bố rằng Kenya đã vi phạm hợp đồng. Chính phủ Kenya lập luận rằng việc WDF mua lại thỏa thuận thông qua hối lộ là vi phạm chính sách công quốc tế. Tòa trọng tài tuyên bố rằng hối lộ là trái với chính sách công quốc tế của hầu hết các quốc gia, nếu không muốn nói là tất cả. Do đó, tòa trọng tài không thể duy trì các khiếu nại dựa trên hợp đồng có được nhờ tham nhũng và chính phủ có quyền hợp pháp để tránh các nghĩa vụ hợp đồng theo luật pháp Anh và Kenya áp dụng cho hợp đồng.[19]
b)Khởi kiện đòi bồi thường
Khi hành vi tham nhũng xảy ra, nguyên đơn thường phải chứng minh rằng mình đã phải chịu thiệt hại có thể bồi thường, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ và có mối liên hệ nhân quả giữa tham nhũng và thiệt hại. Một số khu vực pháp lý chỉ yêu cầu nguyên đơn chứng minh rằng hành vi hoặc thiếu sót của bị đơn đã gây ra thiệt hại cho nguyên đơn.
Các pháp nhân và cá nhân trực tiếp và cố ý tham gia vào hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm chính về thiệt hại. Ngoài trách nhiệm của những người trực tiếp khởi xướng hoặc thực hiện hành vi đang được đề cập, tòa án có thể buộc những người tạo điều kiện cho hành vi tham nhũng hoặc không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn tham nhũng phải chịu trách nhiệm. Điều đó có thể đúng đối với các luật sư hoặc người trung gian đã hỗ trợ các hành vi tham nhũng hoặc đối với các công ty mẹ và người sử dụng lao động không thực hiện quyền kiểm soát thích hợp đối với các công ty con hoặc nhân viên của họ.[20] Nó cũng có thể bao gồm các ngân hàng mà các khoản tiền đã đi qua, các luật sư có tài khoản của khách hàng đã được sử dụng để chuyển giao tài sản bị đánh cắp hoặc các nhà cung cấp dịch vụ ủy thác và công ty tham gia vào việc thành lập và quản lý các công ty vỏ bọc. Trách nhiệm pháp lý như vậy có thể được xác lập dựa trên sự tham gia tích cực của họ vào hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù khó chứng minh hơn, nhưng nó cũng có thể dựa trên sự bất cẩn của họ trong việc xác minh nguồn gốc của tiền hoặc mục đích của giao dịch, tức là thiếu sự thẩm định cần thiết.
Những hành vi vi phạm dân sự có thể được thực hiện trực tiếp bởi những người đưa hối lộ và người nhận hối lộ hoặc viên chức chính phủ biển thủ tiền. Trong các vụ án hối lộ, tòa án ở một số khu vực pháp lý có thể xem xét rằng người hối lộ và người nhận hối lộ đã phạm tội chung, trong đó nạn nhân có quyền được bồi thường toàn bộ tổn thất từ một trong hai bên. Quy tắc cơ bản để xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng quy định rằng nạn nhân phải được đặt càng gần càng tốt với hoàn cảnh mà họ sẽ gặp phải nếu không có hành vi tham nhũng. Do đó, tất cả các chi phí hoặc lợi nhuận bị mất do hành vi tham nhũng gây ra phải được bồi thường. Trường hợp dưới đây là ví dụ tiêu biểu cho việc khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại:
Hàn Quốc muốn mua thiết bị quân sự và đã mời chào các nhà sản xuất đấu thầu cạnh tranh. Nguyên đơn Korea Supply Company (KSC) là một tập đoàn tham gia vào hoạt động đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị quân sự trong các giao dịch với Hàn Quốc. Vào giữa những năm 1990, Hàn Quốc đã mời chào các nhà thầu thiết bị để quân đội sử dụng. KSC đã đại diện cho MacDonald Dettwiler, một công ty Canada, trong nỗ lực giành được hợp đồng và nhận được khoản hoa hồng hơn 30 triệu đô la Mỹ. Cuối cùng, hợp đồng đã được trao cho một đối thủ cạnh tranh, Loral (sau này được gọi là Lockheed Martin). Tại tòa án Hoa Kỳ, KSC cho rằng mặc dù giá thầu của MacDonald Dettwiler thấp hơn và thiết bị của họ vượt trội hơn, nhưng họ vẫn không được trao hợp đồng vì Loral Corporation và đại lý của họ đã hối lộ và quan hệ tình dục với các quan chức chủ chốt của Hàn Quốc. KSC đã khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại kinh tế do hành vi của bị đơn gây ra. Trong trường hợp này, Tòa án Tối cao California đã chấp nhận với những yêu cầu của KSC về việc kiện đòi bòi thường thiệt hại.[21]
c)Khởi kiện dựa trên hành vi làm giàu bất hợp pháp hoặc không công bằng
Khởi kiện dựa trên hành vi làm giàu bất hợp pháp hoặc không công bằnglà việc khởi kiện yêu cầu bị đơn từ bỏ các lợi ích thu được một cách sai trái để đền bù cho nguyên đơn.[22] Trách nhiệm bồi thường chủ yếu được điều chỉnh bởi nguyên tắc làm giàu bất chính: Một người đã được làm giàu bất chính bằng chi phí của người khác thì phải bồi thường. Nguyên tắc này bắt nguồn từ luật La Mã:“Theo luật tự nhiên, không ai được hưởng lợi từ mất mát hoặc thương tích của người khác".[23]
Do đó, một quốc gia có thể tìm cách khởi kiện để yêu cầu hoàn trả từ các viên chức tham nhũng đã lợi dụng để làm giàu cho bản thân. Nguyên đơn sẽ thành công trong vụ kiện về hành vi làm giàu bất chính nếu họ có thể chứng minhrằng: (1) bị đơn đã được làm giàu;(2) nguyên đơn đã phải chịu sự tước đoạt tương ứng; và (3) việc làm giàu của bị đơn và sự tước đoạt tương ứng của nguyên đơn xảy ra khi không có lý do pháp lý.[24]
5. Đánh giá ưu điểm, hạn chế của phương thức thu hồi tài sản tham nhũng thông qua khởi kiện dân sự
Hạn chế cơ bản của biện pháp này là khi khởi kiện tại nước ngoài, nguyên đơn trong vụ án sẽ gặp phải những thách thức và chi phí cho việc truy tìm tài sản khi không có công cụ điều tra hình sự và những phí tổn cao của vụ kiện dân sự tại nước ngoài. Trong một số trường hợp khi nhà nước có khiếu nại có căn cứ, chi phí kiện tụng tư nhân (bao gồm luật sư, điều tra viên, chuyên gia, kế toán và những người khác) là trở ngại nghiêm trọng đối với việc theo đuổi tố tụng dân sự. Hơn nữa, các các nhân/tổ chức được ủy quyền cho nhà nước đứng ra khởi kiện phải chịu trách nhiệm và phải biện minh cho việc sử dụng các quỹ công để tài trợ cho các tố tụng dân sự nhằm thu hồi tài sản bị đánh cắp. Điều này có thể là thách thức đối với các nhà nước ngay cả trong những tình huống mà chi phí ước tính của tố tụng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số tài sản được yêu cầu. Thêm vào đó, việc lựa chọn được luật sư/công ty luật phù hợp cũng là một thách thức không hề nhỏ. Các trường hợp thu hồi tài sản thường nhạy cảm về mặt chính trị, cả ở quốc gia mà tiền bị đánh cắp và ở quốc gia mà tiền được giấu. Luật sư phải am hiểu về chính trị và có thể điều hướng nhiều hệ thống chính trị theo cách ngoại giao nhưng hiệu quả. Luật sư phải có khả năng giao tiếp và đôi khi phối hợp giao tiếp giữa các bên liên quan trong chính phủ ở mỗi quốc gia, cũng như các bên liên quan khác trong nước. Luật sư nói chung phải quen thuộc với hệ thống pháp luật của các quốc gia có liên quan và sẵn sàng và có khả năng làm việc với cố vấn ở các quốc gia khác. Một số khu vực pháp lý có các quy tắc rất nghiêm ngặt về việc tiết lộ và luật sư phải cẩn thận không làm ảnh hưởng đến khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự trong khi theo đuổi các biện pháp khắc phục dân sự. Nguyên đơn phải ghi nhớ rằng bản chất đa thẩm quyền của vụ kiện đòi bồi thường tài sản thường đòi hỏi họ phải thuê luật sư ở nhiều thẩm quyền khác nhau và đảm bảo rằng họ có thể làm việc theo nhóm. Thông thường, một luật sư (hoặc thậm chí một công ty luật duy nhất) sẽ không đủ để theo đuổi một vấn đề phức tạp, đa thẩm quyền về đòi bồi thường tài sản. Hơn nữa, các luật sư có thể cần xác định và thuê thêm các chuyên gia, bao gồm các chuyên gia như kế toán pháp y, điều tra viên và các luật sư khác. Việc xác định một luật sư phù hợp cũng bao gồm một số suy nghĩ sơ bộ về nơi sẽ khởi kiện vì thông thường sẽ cần một luật sư được cấp phép và hành nghề tại khu vực pháp lý nơi vụ kiện được đưa ra.
Tuy nhiên, khởi kiện dân sự và bồi thường dân sự đưa ra nhiều lợi thế mà không có ở các biện pháp bồi thường khác. Một vài lợi thế cơ bản của kiện dân sự gồm các yêu cầu chứng tỏ mối liên hệ giữa tài sản và người vi phạm là thấp hơn, hướng tới khởi kiện thiệt hại nói chung hơn là khối tài sản cụ thể, và chọn lựa đối tượng bị khởi kiện là rộng hơn (gồm cả bên thứ ba).[25]
Mặc dù có những ưu điểm và hạn chế của khởi kiện dân sự, nói chung việc khởi kiện này rõ ràng có giá trị để cân nhắc.
Một là, tại phiên tòa dân sự, các tiêu chuẩn bằng chứng thường thấp hơn so với tố tụng hình sự. Chẳng hạn, các nước theo thông luật thường cho phép người khởi kiện chứng minh vụ án dân sự bằng việc sử dụng bằng chứng ở “Xác suất phải chăng”, nghĩa là người khởi kiện chỉ cần chứng minh sự thật đưa ra có nhiều khả năng là đúng hơn là không đúng (that a fact is more likely than not).[26]
Hai là, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại nói chung trong vụ kiện dân sự có thể giải quyết được một số khó khăn về bằng chứng khi sự liên hệ giữa tài sản và hành vi vi phạm là yếu theo các tiêu chuẩn bằng chứng hình sự. Khi việc xác định mối liên hệ giữa hành vi tham nhũng và tài sản bị đánh cắp, tham nhũng là không thể, thì khởi kiện dân sự có thể vẫn có các cơ hội để thành công. Số lượng lớn tài sản tham nhũng được chi dùng ở những nơi cách xa quốc gia mà tài sản đó bị đánh cắp. Tài sản tham nhũng được tẩy rửa qua nhiều giao dịch, cuối cùng để mua bất động sản, đầu tư kinh doanh hoặc mua những đồ trị giá. Tại nhiều nền tư pháp, chỉ các tài sản trực tiếp liên quan đến tội phạm mới có thể thu hồi, các tài sản được mua bằng tiền được tẩy rửa không thể bị thu hồi hình sự. Vấn đề này rõ ràng hơn trong nền tư pháp chỉ công nhận thu hồi dựa trên tài sản cụ thể (hành động pháp lý để thu hồi tài sản cụ thể) và thu hồi dựa trên giá trị rất ít được cho phép (hành động pháp lý để thu hồi các lợi ích có được từ nguồn gốc của hành vi phạm tội và qui định hình phạt tiền tương ứng với giá trị có được từ tham nhũng). Trong bất kỳ trường hợp nào, thủ tục dân sự có thể quy định một khoản bồi thường đối với vấn đề nêu trên bởi việc khởi kiện đối với những thiệt hại nói chung.
Ba là, tại nền tư pháp một số nước, trách nhiệm hình sự không mở rộng đến các công ty và các pháp nhân khác (không áp dụng trách nhiệm hình sự pháp nhân), và chỉ có cá nhân mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, bồi thường dân sự và kiện dân sự được xem như một công cụ quyền lực để các quốc gia trong nỗ lực của mình để thu hồi các khoản tiền tham nhũng.
Cuối cùng, khởi kiện dân sự và bồi thường dân sự có thể mở rộng phạm vi các bị đơn và trách nhiệm, nghĩa là “mở rộng các khoản tiền” bị kiện. Bên bị tổn hại có thể tìm kiếm một vụ kiện dân sự và yêu cầu bồi thường từ bên thứ ba. Bên thứ ba có thể gồm bất kỳ ai người hỗ trợ cho bị đơn chính, như các thành viên gia đình và các đồng nghiệp, luật sư, các ngân hàng, người điều hành ngân hàng. Bên thứ ba có thể là người không phải chịu trách nhiệm hình sự bởi không đủ bằng chứng để chứng tỏ “Không còn lý do chính đáng để nghi ngờ” nhưng có thể chứng minh được nếu áp dụng tiêu chuẩn chứng cứ thấp hơn. Điều quan trọng để lưu ý, trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức và tài sản của họ không thể được hưởng quyền miễn trừ giống như trong hình sự.[27]
6. Liên hệ thực tiễn tại Việt Nam
Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định trực tiếp nào về thu hồi tài sản tham nhũng. Bộ luật chỉ quy định về quyền của chủ sở hữu đối với tài sản (Điều 158, 186, 190, 194). Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, chiếm hữu phải hoàn trả tài sản (Điều 163, 164); yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó (Điều 166) và có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình bồi thường thiệt hại theo Điều 170.
Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp, bị thiệt hại do hành vi xâm phạm trái pháp luật gây ra, bao gồm cả hành vi tham nhũng, tài sản bị chiếm hữu, sử dụng, được lợi không có căn cứ pháp luật (bao gồm cả tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng) thì chủ sở hữu có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền đòi lại các tài sản đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi tham nhũng gây ra và yêu cầu hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Như vậy mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định trực tiếp nào về thu hồi tài sản tham nhũng và khởi kiện vụ án dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng nhưng hoàn toàn có thể dựa vào những quy định chung của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự để làm căn cứ khởi kiện vụ án dân sự.
Về chủ thể khởi kiện, pháp luật Việt Nam không giới hạn phạm vi chủ thể có quyền khởi kiện để thu hồi tài sản. Khoản 4 Điều 187 Bộ luật Dân sự quy định:“Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật” (Khoản 4 Điều 187). Điều luật này không giới hạn phạm vi cụ thể loại vụ án mà cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện.
Về tư cách tham gia tổ chức của cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước: Theo khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự về đương sự trong vụ việc dân sự thì cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn. Với tư cách là nguyên đơn, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.[28]
Về quyền của cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước: Bên cạnh những quyền của đương sự/nguyên đơn thông thường, cơ quan, tổ chức khi khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước có quyền kiến nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.[29] Tuy nhiên, khái niệm “cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình” được hiểu bao gồm những loại cơ quan nào thì chưa được làm rõ và quyền khởi kiện theo khoản 4 Điều 187 Bộ luật này, thường đang được hiểu là quyền khởi kiện dành cho các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước mà không nhằm tới cơ quan thực hiện hoạt động tố tụng là cơ quan điều tra hay cơ quan kiểm sát.
Có thể nhận thấy rằng, pháp luật Việt Nam hiện tại mặc dù đã có những quy định bước đầu tạo điều kiện cho việc khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng, tuy nhiên những quy định này chưa đủ chi tiết, rõ ràng và đồng bộ.[30] Thực tế cho thấy, đối với những trường hợp chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự do người phạm tội mất tích, chết hoặc bỏ trốn thì hậu quả sẽ dẫn đến các biện pháp đình chỉ điều tra, truy nã…theo đúng quy định hiện hành của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc thu hồi tài sản trong những trường hợp này phần lớn rơi vào bế tắc, khó có thể thu hồi ngay tài sản và trong thời gian đó tài sản sẽ có nhiều nguy cơ bị tẩy rửa, tẩu tán và càng gây khó khăn nhiều hơn cho quá trình thu hồi sau này.[31] Trong những trường hợp này nếu pháp luật đã có những quy định cụ thể chi tiết về khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản thì rõ ràng hiệu quả thu hồi sẽ tăng lên đáng kể và cũng góp phần ngăn chặn tài sản bị tẩy rửa, tẩu tán trong quá trình vụ án hình sự bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ.
Để tạo điều kiện cho việc thu hồi sản tham nhũng, đặc biệt là tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài đạt được hiệu quả cao nhất cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng quy định chi tiết trách nhiệm khởi kiện vụ án dân sự để khẳng định quyền sở hữu đối với tài sản, đòi bồi thường thiệt hại hoặc vi phạm hợp đồng của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức sở hữu và quản lý tài sản nhà nước…[32] Quy định pháp luật cũng cần quy định theo hướng mở cho phép bên thứ ba khởi kiện trong trường hợp các thực thể nhà nước nêu trên không thể khởi kiện vụ án dân sự. Trong một số vụ án tham nhũng nổi tiếng tại Trung Quốc, khi tài sản được tẩu tán ra nước ngoài, nhiều cơ quan nhà nước (bao gồm Chính quyền địa phương, Viện kiểm sát…) và các doanh nghiệp nhà nước theo quy định pháp luật đã được cho phép đại diện quyền lợi của nhà nước đứng ra là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng.[33]
Trong những trường hợp người phạm tội mất tích, chết hoặc bỏ trốn và không thể tiếp tục vụ án hình sự, và đặc biệt có căn cứ để khẳng định tiền, tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng được tẩu tán ra nước ngoài, cần có quy định chỉ định một cơ quan trung ương của Việt Nam là nguyên đơn để thực hiện thủ tục khởi kiện dân sự tại nước ngoài. Đối với Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được đề xuất là một cơ quan phù hợp.
Các quy định của một số luật quy định về nội dung như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giao dịch điện tử…cần phải được rà soát một cách đồng bộ để đồng nhất một số vấn đề liên quan đến xác định thời hiệu, căn cứ khởi kiện, loại tài sản… nhất là trong bối cảnh công nghệ số khi mà các loại tài sản đang được phát triển dưới nhiều dạng thức.[34]
Nghĩa vụ chứng minh, tiêu chuẩn chứng cứ, các biện pháp khẩn cấp tạm thời… phù hợp trong vụ kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng cũng cần được nghiên cứu để có những quy định cụ thể góp phần thu hồi tài sản một cách hiệu quả nhất. Một số gợi ý sau đây có thể cần được cân nhắc: (1)Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp trước khi khởi kiện vụ án dân sự nhằm phong tỏa những tài sản bị nghi ngờ là nguồn gốc bất minh; (2) Miễn thủ tục thu nộp án phí, lệ phí; (3) Nghĩa vụ chứng minh: Nguyên đơn và bị đơn đều có quyền và nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản, nhưng cần áp dụng đường lối xét xử theo nguyên tắc nếu bị đơn không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì tài sản sẽ bị thu hồi, ngay cả khi cơ quan Nhà nước không chứng minh được tài sản đó liên quan đến tội phạm như thế nào nhưng có thể chứng minh được mối liên quan giữa người sở hữu, chiếm hữu tài sản và người phạm tội (mặc dù người này chưa bị kết tội); (4) Thủ tục áp dụng Lệnh của Tòa án thu hồi tài sản; quyền khiếu nại, chứng minh đối với Lệnh này của Tòa án.
Kết luận
Trên thực tế tất cả các con đường thu hồi tài sản, dù là hình sự hay dân sự, đều nên được thực hiện đồng thời để giải quyết tham nhũng từ mọi góc độ và đạt được mục tiêu răn đe và thực thi. Trong khi biện pháp hình sự thể hiện sự phản đối của xã hội đối với các hành vi tham nhũng và hướng đến mục tiêu ngăn chặn, trừng phạt và tịch thu số tiền thu được bất hợp pháp, biện pháp dân sự tập trung vào lợi ích của nạn nhân và hướng đến mục tiêu bồi thường và hoàn trả. Các thủ tục này đôi khi diễn ra song song, đôi khi diễn ra tuần tự. Do đó, để đạt được hiệu quả thu hồi tài sản cao nhất đòi hỏi phải sử dụng đồng thời cả biện pháp khắc phục của luật hình sự và luật dân sự để đạt được kết quả mong muốn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Civil Law Convention on Corruption, Nov. 4, 1999, Europ. T.S. No.174, Article 1
2. Regulation of the European Parliament and of the Council amending Regulation (EU) No. 1215/2012,of December 12, 2012, which will enter into force on January 10, 2015, Article 4.
3. Regulation (EC) No. 44/2001 or Brussels I Regulation, to be modified by the new Article 24 of the Regulation of the European Parliament and of the Council amending Regulation (EU) No. 1215/2012, of December 12, 2012, that will enter into force on January 10, 2015, Article 22, 24.
4. Brussels I Regulation, Article 5 paragraph 4
5. Công ước Liên Hợp Quốc phòng chống tham nhũng, điều 53 đến điều 55.
6. Nigeria v. Santolina Investment Corp. and Ors. EWHC 3053 (Q.B.) (UK High Court decision in Nigeria v. Santolina Investment Corp. and Ors. December 3, 2007 Case No: HC05 CO3602) (2007).
7. Attorney General of Zambia v. Meer Care & Desai (a firm) & Ors., EWHC 952, at § 1 (2007).
8. World Duty Free Company Limited v. The Republic of Kenya, ICSID Case No. ARB/00/7, ITA LAW, (September 25, 2006), http://ita.law.uvic.ca/documents/WDFv.KenyaAward.pdf
9. JEAN-PIERRE BRUN; LARISSA GRAY; CLIVE SCOTT; KEVIN M. STEPHENSON, ASSETRECOVERY HANDBOOK, WORLD BANK PUBLISHER, WASHINGTON, D.C, (2011)
10. JEAN-PIERRE BRUN; DUBOIS, PASCALE HELENE; VAN DER DOES DE WILLEBOIS, EMILE; HAUCH, JEANNE; JAÏS, SARAH; MEKKI, YANNIS; SOTIROPOULOU, ANASTASIA; SYLVESTER, KATHERINE ROSE; AND UTTAMCHANDANI, MAHESH, PUBLIC WRONGS, PRIVATE ACTIONS: CIVIL LAWSUITS TO RECOVER STOLEN ASSETS, WORLD BANK PUBLISHER, WASHINGTON, D.C, (2015)
11. GARY BORN, INTERNATIONAL CIVIL LITIGATION IN UNITED STATES COURTS:COMMENTARY AND MATERIALS, KLUWER LAW INTERNATIONAL PUBLISHER, U.S,(1997)
12. THEODORE S. GREENBERG, LINDA M. SAMUEL, WINGATE GRANT, AND LARISSA GRAY,STOLEN ASSET RECOVERY-A GOOD PRACTICES GUIDE FOR NON-CONVICTION BASEDASSET FORFEITURE, WORLD BANK PUBLISHER WASHINGTON, D.C (2009)
13. BERND H. KLOSE, ASSET TRACING AND RECOVERY, THE FRAUDNET WORLDCOMPENDIUM, ERICH SCHMIDT VERLAG PUBLISHER, BERLIN (2009)
14. Hà Lệ, Thủy, Trần Thị Len, Thu hồi tài sản tham nhũng từ kinh nghiệm lập pháp của Liên minh châu Âu và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, (02/02/2024), https://tapchitoaan.vn/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-tu-kinh-nghiem-lap-phap-cua-lien-minh-chau-au-va-khuyen-nghi-hoan-thien-phap-luat-viet-nam10270.html
15.OLAF MEYER, THE CIVIL LAW CONSEQUENCES OF CORRUPTION, NOMOS PUBLISHER, BADEN-BADEN (2009)
16.CHARLES MITCHELL; PAUL MITCHELL; STEPHEN WATTERSON, GOFF & JONES LAW OF UNJUST ENRICHMENT, SWEET & MAXWELL PUBLISHER, ENGLAND (2011)
17. MARK PIETH, RECOVERING STOLEN ASSETS WITH A PREFACE BY EVA JOLY, PETER LANG VERLAG PUBLISHER, SWITZERLAND (2008)
18. Lê Tiến Sinh, Lê Tiến Viên, Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng, Tạp chí điện tử Kiểm sát, (25/11/2021), https://kiemsat.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-62706.html
19. Lê Sơn, Giải pháp trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, Báo Điện tử Chính phủ, (31/07/2022), https://baochinhphu.vn/giai-phap-trong-viec-thu-hoi-tai-san-bi-chiem-doat-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-102220731173331118.htm
20. Nguyễn Hà Thanh, Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp số 11- T6 (2020).
21. Lê Minh Trung, Cơ chế thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội ở một số nước trên thế giới và tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí điện tử Pháp lý, (28/07/2023), https://phaply.net.vn/co-che-thu-hoi-tai-san-bat-hop-phap-khong-qua-thu-tuc-ket-toi-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-tham-khao-cho-viet-nam-ky-1-a256519.html
22. Emile van der Does de Willebois, Using Civil Remedies in Corruption and Asset Recovery Cases, CASE WESTERN RESERVE JOURNAL OF INTERNATIONAL LAW (2013), https://scholarlycommons.law.case.edu/jil/vol45/iss3/6
* Nguyễn Thị Châm - Vụ Hợp tác quốc tế - Tòa án nhân dân tối cao.
[1] Civil Law Convention on Corruption, Nov. 4, 1999, Europ. T.S. No.174, Article 1, “Each Party shall provide in its internal law for effective remedies for persons who have suffered damage as a result of acts of corruption, to enable them to defend their rights and interests, including the possibility of obtaining compensation for damage.”
[2] JEAN-PIERRE BRUN; DUBOIS, PASCALE HELENE; VAN DER DOES DE WILLEBOIS, EMILE; HAUCH, JEANNE; JAÏS, SARAH; MEKKI, YANNIS; SOTIROPOULOU, ANASTASIA; SYLVESTER, KATHERINE ROSE; AND UTTAMCHANDANI, MAHESH, PUBLIC WRONGS, PRIVATE ACTIONS: CIVIL LAWSUITS TO RECOVER STOLEN ASSETS, WORLD BANK PUBLISHER, WASHINGTON, D.C,6 (2015)
[3] RICO is a United States federal law enacted as section 901(a) of the Organized Crime Control Act of 1970 and can be found at Title 18 United States Code (U.S.C.) Section 1964.
[4] Nigeria v. Santolina Investment Corp. and Ors. EWHC 3053 (Q.B.) (UK High Court decision in Nigeria v. Santolina Investment Corp. and Ors. December 3, 2007 Case No: HC05 CO3602) (2007).
[5] GARY BORN, INTERNATIONAL CIVIL LITIGATION IN UNITED STATES COURTS: COMMENTARY AND MATERIALS, KLUWER LAW INTERNATIONAL PUBLISHER, U.S, 3 (1997)
[6] Emile van der Does de Willebois, Using Civil Remedies in Corruption and Asset Recovery Cases, CASE WESTERN RESERVE JOURNAL OF INTERNATIONAL LAW (2013), https://scholarlycommons.law.case.edu/jil/vol45/iss3/6
[7] MARK PIETH, RECOVERING STOLEN ASSETS WITH A PREFACE BY EVA JOLY, PETER LANG VERLAG PUBLISHER, SWITZERLAND, 249 (2008)
[8] THEODORE S. GREENBERG, LINDA M. SAMUEL, WINGATE GRANT, AND LARISSA GRAY, STOLEN ASSET RECOVERY-A GOODPRACTICES GUIDE FOR NON-CONVICTION BASED ASSET FORFEITURE, WORLD BANK PUBLISHER WASHINGTON, D.C, 122 (2009)
[9] Regulation of the European Parliament and of the Council amending Regulation (EU) No. 1215/2012, of December 12, 2012, which will enter intoforce on January 10, 2015, Article 4.
[10] Regulation (EC) No. 44/2001 or Brussels I Regulation, to be modified by the new Article 24 of the Regulation of the European Parliament and of the Council amending Regulation (EU) No. 1215/2012, of December 12, 2012, that will enter into force on January 10, 2015, Article 22. There is no substantive change on that provision. Article 24 just provides more explicitly that the existing exclusive jurisdiction rule includes claims regardless of the domicile of the parties, whereas it previously mentioned only “regard- less of domicile.”
[11] Attorney General of Zambia v. Meer Care & Desai (a firm) & Ors., EWHC 952, at § 1. For more information on the legal theories of the case, see box 1.9 in chapter 1 (Zamtrop conspiracy case) (2007).
[12] Brussels I Regulation, Article 5 paragraph 4, one can bring a civil claim for damages or restitution which is based on an act giving rise to criminal proceedings, in the court hearing the criminal case, to the extent that that court has jurisdiction under its own law to entertain civil proceedings, as long as the defendant has a domicile in any of the states party to the convention.
[13] JEAN-PIERRE BRUN ET AL, PRIVATE ACTIONS: CIVIL LAWSUITS TO RECOVER STOLEN ASSETS, WORLD BANK PUBLISHER, WASHINGTON, D.C, 6 (2015).
[14] Emile van der Does de Willebois, Using Civil Remedies in Corruption and Asset Recovery Cases, CASE WESTERN RESERVE JOURNAL OF INTERNATIONAL LAW (2013), https://scholarlycommons.law.case.edu/jil/vol45/iss3/6
[15] OLAF MEYER, THE CIVIL LAW CONSEQUENCES OF CORRUPTION, NOMOS PUBLISHER, BADEN-BADEN, 15 (2009)
[16] Công ước Liên Hợp Quốc phòng chống tham nhũng, điều 53 đến điều 55.
[17] OLAF MEYER, THE CIVIL LAW CONSEQUENCES OF CORRUPTION, NOMOS PUBLISHER, BADEN-BADEN, 15 (2009)
[18] Xem mô tả vụ án tại http://star.worldbank.org/corruption-cases/node/19587; http://www.thebureauinvestigates. com/2012/03/09/saadi-gaddafi-ordered-by-high-court-to-hand-over-10m-london-house-to-people-of-libya/; and http://www.anticorruptionlaw.com/blog.aspx?entry=5238.
[19] World Duty Free Company Limited v. The Republic of Kenya, ICSID Case No. ARB/00/7, ITA LAW, (September 25, 2006), http://ita.law.uvic.ca/documents/WDFv.KenyaAward.pdf
[20] JEAN-PIERRE BRUN; LARISSA GRAY; CLIVE SCOTT; KEVIN M. STEPHENSON, ASSET RECOVERY HANDBOOK, WORLD BANK PUBLISHER, WASHINGTON, D.C, 3 (2011)
[21] Korea Supply Co. v. Lockheed Martin Corp. 29 Cal.4th 1134, 63 P.3d 937 (Cal., 2003).
[22] BERND H. KLOSE, ASSET TRACING AND RECOVERY, THE FRAUDNET WORLD COMPENDIUM, ERICH SCHMIDT VERLAG PUBLISHER, BERLIN (2009)
[23] CHARLES MITCHELL; PAUL MITCHELL; STEPHEN WATTERSON, GOFF & JONES LAW OF UNJUST ENRICHMENT, SWEET & MAXWELL PUBLISHER, ENGLAND (2011)
[24] Emile van der Does de Willebois, Using Civil Remedies in Corruption and Asset Recovery Cases, CASE WESTERN RESERVE JOURNAL OF INTERNATIONAL LAW (2013), https://scholarlycommons.law.case.edu/jil/vol45/iss3/6
[25] BERND H. KLOSE, ASSET TRACING AND RECOVERY, THE FRAUDNET WORLD COMPENDIUM, ERICH SCHMIDT VERLAG PUBLISHER, BERLIN, 116 (2009)
[26] Emile van der Does de Willebois, Using Civil Remedies in Corruption and Asset Recovery Cases, CASE WESTERN RESERVE JOURNAL OF INTERNATIONAL LAW (2013), https://scholarlycommons.law.case.edu/jil/vol45/iss3/6
[27] JEAN-PIERRE BRUN ET AL, PRIVATE ACTIONS: CIVIL LAWSUITS TO RECOVER STOLEN ASSETS, WORLD BANK PUBLICATIONS, WASHINGTON, D.C, 6 (2015).
[28] Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh.
[29] Điều 134 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[30] Hà Lệ, Thủy, Trần Thị Len, Thu hồi tài sản tham nhũng từ kinh nghiệm lập pháp của Liên minh châu Âu và khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, (02/02/2024), https://tapchitoaan.vn/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-tu-kinh-nghiem-lap-phap-cua-lien-minh-chau-au-va-khuyen-nghi-hoan-thien-phap-luat-viet-nam10270.html
[31] Lê Sơn, Giải pháp trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế,Báo Điện tử Chính phủ, (31/07/2022), https://baochinhphu.vn/giai-phap-trong-viec-thu-hoi-tai-san-bi-chiem-doat-trong-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-102220731173331118.htm
[32] Nguyễn Hà Thanh, Khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam, Nghiên cứu lập pháp số 11- T6 (2020).
[33] Lê Minh Trung, Cơ chế thu hồi tài sản bất hợp pháp không qua thủ tục kết tội ở một số nước trên thế giới và tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí điện tử Pháp lý, (28/07/2023), https://phaply.net.vn/co-che-thu-hoi-tai-san-bat-hop-phap-khong-qua-thu-tuc-ket-toi-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-tham-khao-cho-viet-nam-ky-1-a256519.html
[34] Lê Tiến Sinh, Lê Tiến Viên, Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng, Tạp chí điện tử Kiểm sát, (25/11/2021), https://kiemsat.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-62706.html
(PLPT) - Bài viết phân tích chính sách, pháp luật của một số quốc gia có chọn lọc gồm Trung Quốc và các nước EU về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, các quy định của Công ước BASEL về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép.
(PLPT) - Bài viết phân tích những điểm tiến bộ cũng như những thách thức phát sinh trong quá trình thực thi các quy định pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị có thể vận dụng vào bối cảnh Việt Nam, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản trị doanh nghiệp.
(PLPT) - Bài viết này nghiên cứu pháp lý của sàn giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) trong nền kinh tế thị trường hiện đại, với trọng tâm là mô hình tổ chức và điều tiết tại Trung Quốc, qua đó đề xuất định hướng sửa đổi pháp luật tại Việt Nam theo hướng minh bạch hóa, số hóa và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.
(PLPT) - Bài viết phân tích sự chuyển dịch của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) từ một cam kết tự nguyện sang một yêu cầu pháp lý nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với trách nhiệm xã hội và môi trường.
(PLPT) - Bài viết sẽ phân tích hai quan điểm học thuật chính về vấn đề này, làm rõ quan điểm của tác giả và đồng thời đánh giá khả năng áp dụng ITS tại Việt Nam.
(PLPT) - Bài viết này khám phá mối quan hệ phức tạp giữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong bối cảnh các vụ kiện của Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) đặt ra vấn đề về sự xung đột giữa tự do thương mại và bảo vệ tài nguyên biển.
(PLPT) - Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ các quy định của pháp luật hình sự Canada hiện hành về đối tượng áp dụng, cơ chế giám sát, quyền của người bị giám sát điện tử và các biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada, từ đó sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về vấn đề này.