Nghiên cứu lý luận

Quyền tiếp cận tài nguyên nước (Blue Rights): Pháp luật, thách thức và những gợi mở cho Việt Nam

Nguyễn Toàn Thắng Thứ năm, 10/07/2025 - 14:58
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp pháp lý và chiến lược đa tầng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi các quyền này. Những khuyến nghị chính bao gồm hài hòa hóa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả thực thi, giám sát và thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình, tăng cường hợp tác và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới hiệu quả. Bài viết khẳng định bảo vệ Blue Rights là nghĩa vụ pháp lý quan trọng để đạt Mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo tương lai bền vững cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Tóm tắt: Các quyền về tiếp cận tài nguyên nước (Blue Rights) là những quyền con người cơ bản, được ghi nhận rộng rãi trong pháp luật quốc tế và quốc gia. Mặc dù đã có những tiến bộ, việc thực thi Blue Rights vẫn đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, áp lực phát triển kinh tế và sự phức tạp trong quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Bài viết phân tích các khía cạnh pháp lý quốc tế của Blue Rights, xác định những thách thức chính trong thực thi như xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ nước, thách thức trong cơ chế thực thi, giám sát, và các tranh chấp xuyên biên giới chưa được giải quyết. Dựa trên nguyên tắc pháp luật quốc tế, thực tiễn các nước và bối cảnh pháp luật, thực tiễn Việt Nam, bài viết đề xuất các giải pháp pháp lý và chiến lược đa tầng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi các quyền này. Những khuyến nghị chính bao gồm hài hòa hóa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả thực thi, giám sát và thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình, tăng cường hợp tác và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới hiệu quả. Bài viết khẳng định bảo vệ Blue Rights là nghĩa vụ pháp lý quan trọng để đạt Mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo tương lai bền vững cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Từ khoá: Blue Rights, tài nguyên nước, quyền con người, luật quốc tế, nghĩa vụ của quốc gia.

Abstract: Blue Rights, or the rights to access water resources, are fundamental human rights widely recognized in international and national law. Despite progress, the implementation of Blue Rights faces numerous challenges due to the impacts of climate change, economic development pressures, and the complexities of transboundary water resource management. This paper analyzes the international legal dimensions of Blue Rights, identifying key implementation challenges such as the conflict between economic development and water protection, deficiencies in enforcement and monitoring mechanisms, and unresolved transboundary disputes. Drawing on international legal principles, international practices, and the Vietnamese legal and practical context, the paper proposes multi-layered legal and strategic solutions to enhance the effective enforcement of these rights. Key recommendations include harmonizing economic development with water resource protection, improving enforcement and monitoring effectiveness while establishing accountability mechanisms, and strengthening cooperation alongside building effective transboundary dispute resolution mechanisms. The paper affirms that protecting Blue Rights is a crucial legal obligation for achieving Sustainable Development Goals and ensuring a sustainable future for nations, including Vietnam.

Keywords: Blue Rights, water resources, human rights, international law, state obligations.

1. Dẫn luận

Đại dương, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đang trở thành những chủ đề quan trọng thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Song song với các vấn đề có tính truyền thống như bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tranh chấp về môi trường, quyền tiếp cận lương thực… hiện nay vấn đề bảo vệ các quyền con người liên quan đến nước, tài nguyên nước và vệ sinh với tên gọi là Blue Rights cũng không ít lần được đưa ra bàn luận tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe doạ trực tiếp đến sự an toàn và mức độ thụ hưởng các quyền này của người dân ở khắp nơi trên thế giới.

Blue Rights, bao gồm quyền con người được tiếp cận và sử dụng bền vững tài nguyên nước, là một khái niệm ngày càng được thừa nhận trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế gia tăng. Đây là một thuật ngữ mang tính biểu tượng, nhấn mạnh vào vai trò của việc tiếp cận nước như một quyền con người cơ bản. Trong bài viết này, Blue Rights được hiểu là các quyền về tiếp cận nước sạch và vệ sinh, quyền bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt và biển, và quyền khai thác bền vững tài nguyên nước.[1]

Nước sạch là nguồn tài nguyên vô giá và là nhu cầu thiết yếu đảm bảo sự sống của con người. Theo tài liệu của WHO và UNICEF, năm 2020, có 74% dân số toàn cầu sử dụng dịch vụ nước uống được quản lý an toàn, 60% ở nông thôn và 86% ở thành thị. Cũng trong năm này, có 54% dân số toàn cầu sử dụng dịch vụ vệ sinh được quản lý an toàn, 44% ở nông thôn và 62% ở thành thị.[2]

Biểu đồ 1: Sáu trong tám khu vực SDG đã ước tính về nước uống được quản lý an toàn vào năm 2022[3]

Tuy nhiên, cũng theo tài liệu của UNESCO, tính đến năm 2022, 2,2 tỷ người chưa có quyền tiếp cận với dịch vụ nước uống được quản lý an toàn (theo Mục tiêu Phát triển Bền vững 6.1),[4] khoảng 3,6 tỷ người đối mặt với tình trạng thiếu nước ít nhất một tháng mỗi năm. Dự báo con số này sẽ vượt quá 5 tỷ người vào năm 2050.[5] Bên cạnh đó, các tài liệu cũng chỉ ra rằng, vẫn có 3,6 tỷ người thiếu các dịch vụ được quản lý an toàn, bao gồm 1,9 tỷ người có các dịch vụ cơ bản, 580 triệu người có các dịch vụ hạn chế, 616 triệu người sử dụng các cơ sở chưa được cải thiện và 494 triệu người đi vệ sinh ngoài trời.[6] Báo cáo của UNESCO (2021) tiếp tục nhấn mạnh về sự bất bình đẳng trong phân bổ nguồn nước tại các khu vực, theo đó, tại nhiều nước châu Phi và châu Á, nước được phân bổ ưu tiên cho nông nghiệp xuất khẩu và công nghiệp, trong khi các khu dân cư không chính thức, đặc biệt ở vùng đô thị hóa nhanh, không có hệ thống cấp nước đáng tin cậy.[7]

Bình luận chung số 15 của Ủy ban về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hợp quốc (CESCR) khẳng định rằng, quyền tiếp cận nước là “không thể thiếu đối với một cuộc sống có phẩm giá con người và là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền khác”, bao gồm quyền được sống, quyền sức khỏe, và quyền được hưởng một mức sống đầy đủ.[8] Mối liên hệ giữa Blue Rights và quyền con người còn được khẳng định trong Nghị quyết số 64/292 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (2010), trong đó lần đầu tiên tuyên bố nước sạch và vệ sinh là một quyền con người độc lập, yêu cầu các quốc gia và tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để tăng khả năng tiếp cận nước cho người dân.[9]

Mặc dù đã được để cập đến trong các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người như Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sựu và chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979 (CEDAW), vấn đề đảm bảo các quyền Blue Rights vẫn đang còn những hạn chế và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoạn của biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng thường xuyên hơn, sức ép của sự gia tăng dân số, khủng hoảng kinh tế…đang trở thành gánh nặng và xung đột với mục tiêu phát triển kinh tế của các quốc gia, bao gồm các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Từ thực trạng đó, bài viết sẽ tập trung phân tích các khía cạnh pháp lý quốc tế về Blue Rights, những thách thức và giải pháp nhằm đảm bảo cho việc thực thi hiệu quả các quyền này nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 06 tại Việt Nam.

2. Khung pháp lý quốc tế về Blue Rights

2.1. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS )[10] là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, đặt ra khuôn khổ toàn diện cho việc quản lý và sử dụng các vùng biển và đại dương. Mặc dù không có những quy định trực tiếp về Blue Rights, với tư cách là bản hiến chương về biển và đại dương, UNCLOS cũng có những dẫn chiếu nhất định liên quan đến việc tiếp cận nguồn nước và tài nguyên. Theo UNCLOS, quyền tiếp cận biển và quản lý tài nguyên biển là quyền cơ bản của tất cả các quốc gia.[11] Quyền này đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong việc sử dụng các vùng biển và đại dương, bao gồm các quyề như quyền tự do hàng hải, quyền quá cảnh qua các eo biển quốc tế, quyền tiếp cận tài nguyên biển và nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. UNCLOS thiết lập một hệ thống các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc tiếp cận biển, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của các quốc gia và việc bảo tồn tài nguyên trong các vùng biển và đại dương. Tất nhiên, khi thực hiện các quyền này, mỗi quốc gia cần phải tôn trọng quyền của các quốc gia khác.

Trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, nhưng các quốc gia khác vẫn có quyền tiếp cận và khai thác nếu được sự đồng ý của quốc gia ven biển.[12] Điều 69 và 70 tạo cơ chế đặc biệt cho các quốc gia không có biển và quốc gia có hoàn cảnh địa lý đặc biệt, cho phép họ tiếp cận một phần việc khai thác tài nguyên sinh vật từ EEZ nếu quốc gia ven biển không khai thác hết khả năng. Tại vùng biển quốc tế, Điều 87 trao quyền tự do đánh bắt cá hải sản cho tất cả các quốc gia, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững. Đối với "Vùng" (đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển), Điều 136 - 140 xác định đây là tài sản chung của nhân loại, cho phép mọi quốc gia tiếp cận và khai thác, nhưng phải tuân thủ quy định của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA).

Cũng cần lưu ý rằng, theo quy định của UNCLOS, quyền tiếp cận biển không thể tách rời khỏi nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển nhằm đảm bảo hoạt động khai thác bền vững và tránh gây tổn hại đến hệ sinh thái biển. Theo đó, mọi quốc gia đều có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, không chỉ trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán mà còn trong vùng biển quốc tế.[13] Các quốc gia có quyền khai thác tài nguyên biển nhưng phải thực hiện điều này theo nguyên tắc phát triển bền vững, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm biển từ các hoạt động vận tải biển, khai thác dầu khí và tài nguyên dưới đáy biển.[14]

2.2. Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997

Việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997 (UN Watercourses Convention)[15] được xác lập trên nguyên tắc sử dụng công bằng, hợp lý, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia có chung nguồn nước (Điều 5). Đồng thời, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể gây tổn hại đáng kể đến quốc gia khác trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước chung (Điều 7). Nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia ven nguồn nước được đặt ra trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và cùng có lợi, nhằm thúc đẩy quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước (Điều 8). Việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia là bắt buộc để bảo đảm sự minh bạch, phối hợp trong giám sát, đánh giá tác động của các hoạt động liên quan đến nguồn nước quốc tế (Điều 9). Những quy định này không chỉ thiết lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng mà còn tạo tiền đề cho một cơ chế quản trị tài nguyên nước xuyên biên giới hiệu quả và bền vững.

Công bằng trong khai thác tài nguyên nước

Chủ quyền lãnh thổ là nền tảng pháp lý cho quyền sử dụng tài nguyên nước quốc tế của các quốc gia ven sông. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền đảm bảo rằng mọi quốc gia ven sông đều có quyền sử dụng nguồn nước một cách bình đẳng về chất lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bình đẳng về quyền sử dụng không đồng nghĩa với việc chia đều các mục đích sử dụng và lợi ích từ nguồn nước, hay chia đều bản thân nguồn nước. Công ước nhấn mạnh việc sử dụng nguồn nước một cách công bằng (Điều 5). Điều này có nghĩa: không quốc gia nào được độc quyền sử dụng lưu vực nước mà phải tính đến quyền lợi của các quốc gia khác cùng chia sẻ tài nguyên đó; mỗi quốc gia có quyền sử dụng lưu vực nước trong phạm vi lãnh thổ mình, nhưng quyền này không phải là tuyệt đối mà bị giới hạn bởi nghĩa vụ đảm bảo các quốc gia liên quan cũng được hưởng lợi ích tương tự. Theo Stephen McCaffrey, nguyên tắc công bằng trong Công ước không ưu tiên quốc gia thượng nguồn hay hạ nguồn mà tìm cách phân bổ lợi ích một cách cân bằng và hợp lý, dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng lưu vực nước.[16] Do tính chất phức tạp của công bằng, việc xác định và áp dụng nguyên tắc này đòi hỏi sự linh hoạt và cân nhắc kỹ lưỡng (Điều 6).

Hợp lý trong khai thác tài nguyên nước

Cùng với nguyên tắc công bằng, Công ước đặt ra yêu cầu khai thác tài nguyên nước một cách hợp lý (Điều 5, 6). Các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng lưu vực nước quốc tế theo cách không gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác và phù hợp với các điều kiện tự nhiên, xã hội của lưu vực. "Hợp lý" ở đây không phải phục vụ lợi ích của một quốc gia, mà hướng tới tối đa hóa lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông, đáp ứng nhu cầu của họ, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo rằng việc sử dụng không vượt quá khả năng chịu đựng của hệ sinh thái hoặc gây bất lợi không cần thiết cho các quốc gia khác. Điều 5(1) kết hợp với Điều 7 (nghĩa vụ không gây thiệt hại đáng kể) để tạo ra một tiêu chuẩn đánh giá tính hợp lý, trong đó các quốc gia phải cân nhắc tác động xuyên biên giới của hành động do mình thực hiện. Bên cạnh đó, Điều 6 cung cấp khung chi tiết để đánh giá tính "hợp lý" thông qua các yếu tố như đặc điểm tự nhiên của lưu vực nước (Điều 6(1)(a)), các hình thức sử dụng hiện tại và tiềm năng (Điều 6(1)(e)), và sự sẵn có của các lựa chọn thay thế (Điều 6(1)(g)). Laurence Boisson de Chazournes nhận định rằng các yếu tố trong Điều 6 giúp cụ thể hóa khái niệm "hợp lý" bằng cách buộc các quốc gia xem xét cả khía cạnh kỹ thuật (như bảo tồn tài nguyên) và khía cạnh xã hội (như nhu cầu của dân số phụ thuộc).[17] Điều 6(2) cũng khuyến khích tham vấn giữa các quốc gia khi cần thiết, nhằm đảm bảo rằng việc sử dụng được coi là hợp lý trong bối cảnh tổng thể.

Tính "hợp lý" còn được củng cố bởi yêu cầu sử dụng bền vững, phản ánh xu hướng hiện đại trong luật quốc tế về bảo vệ môi trường. Điều này được nhấn mạnh bởi Tòa án công lý quốc tế (ICCJ), đặc biệt là trong vụ Gabčíkovo-Nagymaros (Hungary v Slovakia) năm 1997.[18]

Tính hợp lý không đòi hỏi việc sử dụng hiệu quả nhất hoặc công nghệ tiên tiến nhất. Tính hợp lý khác với các khái niệm sử dụng có lợi hoặc tốt nhất có thể. Tuy nhiên, ngay cả khi việc sử dụng được xác định là hợp lý, nó vẫn có thể bị thách thức thông qua lăng kính công bằng. Nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý công nhận công bằng là một phạm vi rộng hơn, trong đó tính hợp lý trở nên tương đối. Điều này có nghĩa là những gì một quốc gia coi là hợp lý có thể không công bằng khi xem xét tổng thể việc sử dụng nguồn nước và nhu cầu của các quốc gia khác. Do đó, việc sử dụng hợp lý vẫn phải tuân theo sự phân bổ công bằng.

Sự tương quan giữa hợp lý và công bằng trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế là một vấn đề phức tạp. Việc sử dụng hợp lý được đánh giá dựa trên các tiêu chí khách quan, nhấn mạnh tính bền vững và trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên; trong khi công bằng yêu cầu cân nhắc đến lợi ích của tất cả các quốc gia ven sông. Tính công bằng đòi hỏi sự cân bằng lợi ích giữa các quốc gia, đặc biệt là khi có sự khác biệt về năng lực kinh tế và công nghệ. Do đó, việc sử dụng hợp lý phải được xem xét trong bối cảnh công bằng để đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng cho tất cả các quốc gia liên quan. Nguyên tắc này đòi hỏi sự hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia ven sông để đạt được sự đồng thuận về việc sử dụng nguồn nước quốc tế.[19]

2.3. Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước (1971)

Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước (Công ước Ramsar)[20] đặt ra nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Điều 2 của Công ước quy định rằng mỗi quốc gia thành viên phải chỉ định các vùng đất ngập nước trong lãnh thổ của mình để đưa vào Danh mục Ramsar. Việc chỉ định này không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng, mà còn là sự cam kết của quốc gia trong việc quản lý và bảo vệ hệ sinh thái này. Trong trường hợp quốc gia phải thu hẹp hoặc xóa bỏ một vùng đất ngập nước đã được chỉ định vì lợi ích quốc gia cấp thiết, Công ước yêu cầu quốc gia đó phải đền bù tối đa tổn thất. Biện pháp đền bù này bao gồm việc tạo lập khu bảo tồn thay thế để duy trì hệ sinh thái và nơi cư trú cho các loài động, thực vật phụ thuộc. Nghĩa vụ này thể hiện sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo sự bền vững của các hệ sinh thái nước ngọt.[21]

Điều 3 và Điều 4 của Công ước Ramsar quy định nghĩa vụ bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái nước ngọt, bao gồm cả việc bảo tồn đa dạng sinh học. Các quốc gia thành viên phải lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp bảo tồn, sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước để bảo vệ hệ sinh thái. Điều này đòi hỏi sự chủ động trong việc quản lý và giám sát các hoạt động có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Trong trường hợp có sự thay đổi về đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước do phát triển, ô nhiễm hoặc các tác động khác, quốc gia thành viên phải thông báo kịp thời cho Ban Thư ký Ramsar.[22] Công ước cũng khuyến khích việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái nước ngọt.[23] Nếu có sự suy giảm hoặc mất mát vùng đất ngập nước, quốc gia đó phải bù đắp thiệt hại bằng các biện pháp bảo tồn và phục hồi khác. Ngoài ra, việc nghiên cứu khoa học, trao đổi dữ liệu và đào tạo cán bộ chuyên môn về hệ sinh thái nước ngập cũng được khuyến khích để hỗ trợ công tác bảo tồn.

Công ước Ramsar không chỉ đặt ra nghĩa vụ cho từng quốc gia mà còn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt. Điều 5 quy định rằng các quốc gia có chung hệ thống sông, hồ hoặc đầm lầy xuyên biên giới phải hợp tác với nhau để bảo vệ và quản lý bền vững các hệ sinh thái này. Hoạt động hợp tác bao gồm việc bàn bạc và phối hợp các chính sách bảo tồn, đảm bảo việc khai thác tài nguyên nước không ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia khác.[24] Điều 6 yêu cầu các quốc gia thành viên tổ chức hội nghị tham vấn để đánh giá việc thực hiện Công ước và đề ra các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt. Điều 7 và Điều 8 quy định trách nhiệm giám sát và báo cáo, bao gồm việc cử chuyên gia tham gia hội nghị quốc tế và Ban Thư ký Ramsar giám sát việc thực thi Công ước. Những quy định này tạo ra một cơ chế giám sát và hợp tác hiệu quả, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của quốc gia thành viên.

2.4. Công ước về Đa dạng sinh học (1992)

Công ước về Đa dạng sinh học (CBD)[25] không có điều khoản riêng biệt dành riêng cho hệ sinh thái biển và nước ngọt, nhưng các quy định của Công ước áp dụng cho tất cả các hệ sinh thái. Điều 2 Công ước định nghĩa “đa dạng sinh học” là sự biến thiên giữa các sinh vật sống từ mọi nguồn, bao gồm cả hệ sinh thái trên cạn, biển và nước ngọt. Định nghĩa này nhấn mạnh rằng đa dạng sinh học bao gồm tất cả các hệ sinh thái, không phân biệt môi trường sống. Điều 6 yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng chiến lược, kế hoạch hoặc chương trình quốc gia nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Các biện pháp này phải được tích hợp vào kế hoạch và chương trình phát triển quốc gia. Như vậy, CBD đặt ra nghĩa vụ chung cho các quốc gia trong việc bảo vệ và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, bao gồm cả hệ sinh thái biển và nước ngọt.

Điều 7 của CBD yêu cầu các quốc gia xác định các thành tố của đa dạng sinh học quan trọng đối với bảo tồn và sử dụng bền vững, giám sát các thành tố này và duy trì dữ liệu liên quan. Điều 8 quy định các biện pháp bảo tồn trong môi trường tự nhiên của các thành tố đa dạng sinh học, như thiết lập các khu bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại. Điều 10 khuyến khích các quốc gia tích hợp xem xét bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên sinh học vào các quyết định quốc gia và hỗ trợ sử dụng bền vững các tài nguyên sinh học. Như vậy, CBD đặt ra các nghĩa vụ cụ thể về giám sát, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, áp dụng cho cả hệ sinh thái biển và nước ngọt.

Điều 12 của CBD thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu đóng góp cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, đặc biệt trong các nước đang phát triển. Điều 13 thúc đẩy và khuyến khích hiểu biết về tầm quan trọng của các biện pháp bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học thông qua giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Như vậy, CBD nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, bao gồm cả hệ sinh thái biển và nước ngọt.

2.5. Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu (2015)

Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu (Paris Agreement)[26] chứa đựng nhiều quy định liên quan nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước. Mặc dù Điều 4 của Hiệp định không quy định trực tiếp về tài nguyên nước, nhưng việc giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính là rất quan trọng để hạn chế các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu lên chu trình thủy văn. Các lĩnh vực như năng lượng và nông nghiệp, có lượng nước sử dụng đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu. Điều 7 về thích ứng cung cấp cơ sở pháp lý trực tiếp nhất để các quốc gia thực hiện những biện pháp cụ thể nhằm quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh khí hậu thay đổi. Nghĩa vụ tham gia vào lập kế hoạch và thực hiện thích ứng, bao gồm cả thông qua Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAPs), cho phép các quốc gia giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu và nước. Các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp thích ứng, bao gồm quản lý tài nguyên nước để giảm thiểu tác động của hiện tượng hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng. Các nước đang phát triển dễ bị tổn thương cần được công nhận và hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để bảo vệ nguồn tài nguyên nước của họ.

Mặt khác, Hiệp định nhấn mạnh vai trò của tài chính và công nghệ trong việc bảo vệ tài nguyên nước khỏi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Điều 9 quy định nghĩa vụ của các nước phát triển trong việc cung cấp tài chính để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện biện pháp thích ứng và giảm nhẹ, trong đó có bảo vệ tài nguyên nước. Việc huy động tài chính phải đảm bảo cân bằng giữa thích ứng và giảm nhẹ, đặc biệt chú trọng đến các quốc gia dễ bị tổn thương về tài nguyên nước. Ngoài ra, Điều 13 yêu cầu các bên đệ trình Báo cáo minh bạch hai năm một lần (BTRs), bao gồm thông tin về các tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể bao gồm thông tin về các chiến lược quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như báo cáo về việc thực hiện chính sách và biện pháp liên quan đến nước nhằm giảm phát thải khí nhà kính và cung cấp thông tin về các hành động thích ứng trong lĩnh vực nước.[27]

3. Những thách thức trong thực thi Blue Rights

Trên thực tế, việc chuyển hóa các quyền này thành hiện thực phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể. Các thách thức chính bao gồm sự xung đột cố hữu giữa nhu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, sự thiếu hụt các cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, cùng với các tranh chấp xuyên biên giới phức tạp liên quan đến việc chia sẻ và quản lý nguồn nước chung.

3.1. Xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước

Quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp hóa và nông nghiệp thâm canh, thường tạo ra áp lực lớn lên tài nguyên nước, dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và ô nhiễm nghiêm trọng, trực tiếp đe dọa quyền tiếp cận nước sạch của cộng đồng và sự bền vững của hệ sinh thái.

Khai thác nước quá mức ảnh hưởng đến quyền tiếp cận nước của cộng đồng: Khai thác tài nguyên nước vượt quá khả năng tái tạo tự nhiên là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất cân bằng trong phân phối và sử dụng nước, tác động tiêu cực đến quyền tiếp cận nước sạch – một quyền con người cơ bản được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR)[28] và Nghị quyết 64/292 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2010.[29] Nhu cầu nước gia tăng mạnh mẽ cho các hoạt động kinh tế, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, đã thúc đẩy các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân khai thác nước với quy mô lớn, thường xuyên bỏ qua các giới hạn bền vững, gây ra những hậu quả lâu dài cho cả cộng đồng và môi trường.

Tại Việt Nam, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng đông dân cư như Đồng bằng sông Cửu Long. Nước ngầm là nguồn cung cấp chính cho sinh hoạt và sản xuất của hàng chục triệu người dân, nhưng tốc độ khai thác đã vượt xa khả năng bổ sung tự nhiên. Điều này dẫn tới hệ quả là hiện tượng sụt lún mặt đất, với mức độ nghiêm trọng tại các tỉnh như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nơi mặt đất có thể sụt trung bình từ 1,1 đến 1,6 cm mỗi năm.[30] Sụt lún không chỉ gây hư hại cơ sở hạ tầng mà còn làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, khiến nguồn nước ngọt quý giá bị nhiễm mặn, đe dọa sinh kế và hoạt động canh tác của người dân.

Bên cạnh đó, khai thác nước quá mức làm cạn kiệt các mạch nước ngầm và hạ thấp mực nước các nguồn nước mặt (sông, hồ), vốn đóng vai trò thiết yếu. Điều này làm tăng chi phí khai thác và xử lý nước, gây khó khăn đặc biệt cho các hộ gia đình thu nhập thấp và các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, làm gia tăng bất bình đẳng. Thiếu nước sạch còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do sử dụng nước ô nhiễm và tăng gánh nặng y tế. Trên phạm vi toàn cầu, thực trạng này cũng rất đáng báo động. Nhiều nghiên cứu chỉ ra gần 2/3 dân số thế giới sống trong điều kiện “căng thẳng về nước” ít nhất một phần trong năm. Tổ chức Đối tác nước toàn cầu (Global Water Partnership) cảnh báo rằng nếu không có sự điều chỉnh, đến năm 2030, nhu cầu nước toàn cầu có thể vượt cung tới 40%, đe dọa quyền tiếp cận nước của hàng tỷ người và tiềm ẩn nguy cơ xung đột xã hội, bất ổn kinh tế và di cư. Do đó, kiểm soát khai thác, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, tái sử dụng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước là chìa khóa để hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ quyền con người.[31]

Ô nhiễm từ các ngành công nghiệp làm suy giảm chất lượng nước: Ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động công nghiệp là một thách thức quản lý nan giải. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng mang lại lợi ích kinh tế nhưng cũng tạo ra lượng lớn chất thải, trong khi hệ thống xử lý nước thải tại nhiều nơi còn lạc hậu, thiếu hiệu quả hoặc không tồn tại. Hậu quả là nước mặt và nước ngầm ngày càng suy giảm chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, hệ sinh thái và quyền cơ bản được tiếp cận nước sạch, an toàn. Các ngành như dệt nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm, hóa chất, khai khoáng, luyện kim thường xả nước thải chứa chất ô nhiễm hữu cơ, kim loại nặng (chì, thủy ngân, cadimi, asen), hóa chất độc hại, dầu mỡ và vi sinh vật. Nếu không được xử lý đạt chuẩn, các chất này sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tiếp nhận. Ví dụ điển hình tại Việt Nam là tình trạng ô nhiễm tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy và sông Cầu, nơi các thông số ô nhiễm như BOD5, COD, amoni, coliform thường xuyên vượt quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân chủ yếu là nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu.[32]

Hậu quả của ô nhiễm công nghiệp rất nghiêm trọng. Nó làm suy giảm chất lượng nước cấp, buộc người dân sử dụng nước ô nhiễm, dẫn đến gia tăng các bệnh về tiêu hóa, da, rối loạn nội tiết và ung thư. Về lâu dài, ô nhiễm còn làm suy thoái hệ sinh thái thủy sinh, giết chết sinh vật, làm mất cân bằng sinh thái và giảm khả năng tự làm sạch của sông ngòi, ảnh hưởng đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước, cửa sông, ven biển quan trọng. Giải pháp đòi hỏi sự đồng bộ giữa siết chặt quy định pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, tái sử dụng nước và nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp.[33]

3.2. Thiếu cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả

Mặc dù nhiều điều ước quốc tế đề cập đến quyền tiếp cận nước sạch và quản lý tài nguyên nước, hiệu lực thực thi của chúng thường bị hạn chế do thiếu các cơ chế cưỡng chế mạnh mẽ và hệ thống giám sát độc lập, hiệu quả.

Nhiều điều ước quốc tế không có cơ chế cưỡng chế mạnh mẽ: Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc thực thi Blue Rights là sự thiếu vắng các cơ chế cưỡng chế hiệu quả trong luật pháp quốc tế. Phần lớn các điều ước quốc tế đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia nhưng lại thiếu các thiết chế giám sát độc lập và chế tài cụ thể khi nghĩa vụ bị vi phạm. Luật quốc tế, về bản chất, chủ yếu dựa trên sự tự nguyện tuân thủ, thiện chí và hợp tác của các quốc gia. Không có một cơ quan tư pháp quốc tế có thẩm quyền bắt buộc chung, trừ khi các quốc gia liên quan đồng ý đưa tranh chấp ra các cơ quan như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ)[34] hay Tòa án Trọng tài thường trực (PCA).[35]

Ví dụ, UNCLOS quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và sử dụng bền vững tài nguyên, nhưng việc thực thi phụ thuộc lớn vào thiện chí của các quốc gia.[36] Tương tự, UN Watercourses Convention đưa ra các nguyên tắc quan trọng như sử dụng công bằng, không gây tổn hại đáng kể, nhưng không thiết lập cơ quan giám sát độc lập và cơ chế cưỡng chế.[37] Việc giải quyết tranh chấp cũng dựa trên sự đồng thuận, dẫn đến nhiều xung đột về nước xuyên biên giới (ví dụ: sông Nile, Mekong, Tigris-Euphrates) kéo dài.[38] Ngay cả Công ước Ramsar về vùng đất ngập nước (1971), dù là nền tảng quan trọng, cũng hoạt động chủ yếu dựa trên cam kết chính trị và hợp tác, không có cơ chế trừng phạt.[39] Sự thiếu ràng buộc này càng trở nên nghiêm trọng khi các quốc gia ưu tiên lợi ích kinh tế hoặc chính trị quốc gia trước các nghĩa vụ quốc tế.

Trách nhiệm của các quốc gia trong việc bảo vệ Blue Rights chưa được thực thi đầy đủ: Mặc dù các công ước quốc tế như ICESCR, UNCLOS, UN Watercourses Convention và Công ước Ramsar đặt ra các nghĩa vụ cụ thể, việc thực hiện trách nhiệm này trên thực tế còn rất hạn chế, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển hoặc nơi có xung đột lợi ích.

Thứ nhất, nhiều quốc gia chưa nội luật hóa đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền nước. Quyền tiếp cận nước sạch, dù được Đại hội đồng LHQ công nhận là quyền con người, thường không được quy định rõ ràng trong luật quốc gia, khiến người dân khó có thể yêu cầu thực thi hoặc bồi thường. Báo cáo của UN-Water cho thấy khoảng 2,2 tỷ người vẫn thiếu nước uống an toàn, phần lớn sống ở các quốc gia thiếu cơ chế pháp lý hiệu quả để bảo vệ quyền này.[40]

Thứ hai, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nước và biển thường chỉ mang tính hình thức. Áp lực kinh tế khiến nhiều quốc gia nới lỏng quy định môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng. Các hệ sinh thái nước ngọt bị suy thoái do khai thác quá mức, lấn chiếm, ô nhiễm. Mặc dù Công ước Ramsar yêu cầu bảo vệ và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, hơn 35% diện tích đất ngập nước toàn cầu đã biến mất kể từ năm 1970.[41]

Thứ ba, nghĩa vụ hợp tác xuyên biên giới trong quản lý nguồn nước chung chưa được thực hiện đầy đủ. Các nguyên tắc của UN Watercourses Convention về sử dụng công bằng, không gây hại, thông báo và tham vấn thường bị bỏ qua. Nhiều quốc gia vẫn tiến hành các dự án lớn (xây đập, chuyển nước) mà không có sự hợp tác hoặc chia sẻ thông tin đầy đủ với các nước láng giềng, vi phạm luật quốc tế và gia tăng nguy cơ xung đột.

Cuối cùng, ở cấp độ chính sách, nội dung về quyền nước thường chưa được lồng ghép đầy đủ vào các chiến lược phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu hay xóa đói giảm nghèo. Điều này khiến các nhóm dễ bị tổn thương như cộng đồng nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em tiếp tục bị gạt ra ngoài lề trong quản lý và phân phối tài nguyên nước.

3.3. Tranh chấp xuyên biên giới về tài nguyên nước

Sự khan hiếm ngày càng tăng và tầm quan trọng chiến lược của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước xuyên biên giới, đã làm nảy sinh nhiều tranh chấp phức tạp và kéo dài giữa các quốc gia.

Sự khác biệt trong luật pháp quốc gia gây khó khăn cho việc hợp tác: Một trong những trở ngại lớn cho hợp tác quản lý nước xuyên biên giới là sự khác biệt trong hệ thống pháp luật và chính sách giữa các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước. Mỗi quốc gia có thể có cách tiếp cận khác nhau về quyền sở hữu, quyền sử dụng nước, tiêu chuẩn môi trường và cơ cấu quản lý, gây khó khăn cho việc xây dựng lòng tin và đạt được thỏa thuận chung. Khái niệm "quyền sử dụng nước" có thể khác biệt giữa các hệ thống pháp luật (ví dụ: nước là "tài sản công cộng" do nhà nước quản lý so với quyền sở hữu hoặc sử dụng lâu dài của tư nhân). Sự thiếu nhất quán về tiêu chuẩn chất lượng nước và quy định môi trường cũng tạo ra sự bất cân xứng về trách nhiệm và gây tâm lý "đổ lỗi". Ví dụ, tình trạng ô nhiễm sông Mekong cho thấy sự phức tạp khi các hoạt động ở thượng nguồn (Trung Quốc, Lào) gây hậu quả cho hạ nguồn (Việt Nam) trong bối cảnh thiếu cơ chế ràng buộc chung hiệu quả. Hơn nữa, nhiều quốc gia chưa lồng ghép đầy đủ các nguyên tắc hợp tác quốc tế (như không gây hại đáng kể, chia sẻ thông tin, tham vấn theo UN Watercourses Convention) vào luật pháp quốc gia. Theo IUCN, chưa đến một nửa số quốc gia có sông xuyên biên giới đã ký kết thỏa thuận chia sẻ nước chính thức, và nhiều thỏa thuận hiện có còn lỏng lẻo, thiếu cơ chế cưỡng chế. Khác biệt về ngôn ngữ pháp lý, hệ thống tòa án, và mô hình hành chính cũng làm chậm quá trình hợp tác.[42]

Các xung đột về quyền khai thác nước giữa các quốc gia chưa được giải quyết triệt để: Nhiều tranh chấp về quyền khai thác và phân phối nước xuyên biên giới vẫn chưa được giải quyết triệt để, phản ánh sự thiếu hiệu quả của khuôn khổ pháp lý quốc tế hiện hành và sự bất cân xứng quyền lực. Ví dụ điển hình là tranh chấp trên lưu vực sông Nile, nơi Ai Cập và Sudan giữ quyền kiểm soát phần lớn lưu lượng dựa trên các điều ước quốc tế thời thuộc địa, gây bất bình cho các quốc gia thượng nguồn. Việc Ethiopia xây dựng đập Đại Phục Hưng (GERD) từ năm 2011 đã làm bùng phát căng thẳng nghiêm trọng, và các cuộc đàm phán kéo dài vẫn chưa đạt được thỏa thuận ràng buộc toàn diện.[43] Tại châu Á, sông Mekong là điểm nóng khác, với việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập lớn ở thượng nguồn mà không có tham vấn hiệu quả, gây tác động tiêu cực đến các nước hạ lưu. Dù có Ủy hội sông Mekong (MRC), vai trò hạn chế của Trung Quốc (chỉ là đối tác đối thoại) và sự thiếu vắng một hiệp định pháp lý toàn diện đã khiến xung đột âm ỉ.[44] Các tranh chấp tương tự cũng tồn tại ở lưu vực sông Jordan, Tigris-Euphrates và nhiều tầng chứa nước ngầm xuyên biên giới khác. Điểm chung thường là sự chênh lệch quyền lực, thiếu khung pháp lý được tất cả các bên công nhận và thiếu thiết chế quốc tế đủ mạnh để buộc tuân thủ các nguyên tắc công bằng, hợp lý và không gây hại đáng kể. Mặc dù UN Watercourses Convention cung cấp nền tảng nguyên tắc, tính tự nguyện phê chuẩn và thiếu cơ chế cưỡng chế đã hạn chế hiệu quả thực tiễn của nó.

4. Đề xuất giải pháp pháp lý nhằm tăng cường thực thi Blue Rights ở cấp độ quốc tế và quốc gia

Để giải quyết những thách thức trong việc thực thi Blue Rights, cần có một cách tiếp cận đa tầng, kết hợp việc giải quyết xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, hoàn thiện cơ chế thực thi, giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình, đồng thời thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp xuyên biên giới hiệu quả.

4.1. Hài hòa hóa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước: Nền tảng pháp lý và chiến lược toàn diện

Xung đột cố hữu giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thông qua công nghiệp hóa và nông nghiệp thâm canh, với yêu cầu cấp thiết về bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái liên quan, là một trong những thách thức lớn nhất trong việc thực thi Blue Rights tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác.[45] Để giải quyết vấn đề này, cần một cách tiếp cận đa chiều, kết hợp giữa việc củng cố nền tảng pháp lý quốc gia, tích hợp các nguyên tắc bảo vệ nước vào mọi chiến lược phát triển, và thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững hơn.

Tăng cường hiệu lực và hiệu quả của khung pháp lý quốc gia về tài nguyên nước: Nền tảng pháp lý quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc điều tiết các hoạt động khai thác, sử dụng và xả thải vào nguồn nước, qua đó giảm thiểu tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, việc tiếp tục hoàn thiện và thực thi nghiêm minh các đạo luật trụ cột như Luật Thủy sản 2017, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan là ưu tiên hàng đầu. Quá trình này cần tập trung vào việc lồng ghép một cách thực chất các nguyên tắc cốt lõi của Blue Rights, bao gồm nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước,[46] nghĩa vụ bảo vệ hệ sinh thái,[47] và quyền con người được tiếp cận nước sạch.[48] Điều này đòi hỏi các quy định phải vượt ra ngoài tính hình thức, đi vào các cơ chế cụ thể để đảm bảo quyền được ưu tiên cho nước sinh hoạt, đặc biệt cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.[49]

Một trong những thách thức, như đã đề cập tại Mục 3.1, là tình trạng khai thác nước quá mức, đặc biệt là nước ngầm tại các khu vực trọng yếu như Đồng bằng sông Cửu Long. Để giải quyết, pháp luật cần quy định và thực thi nghiêm ngặt cơ chế hạn ngạch khai thác (extraction quotas) dựa trên các đánh giá khoa học, toàn diện về trữ lượng, khả năng bổ sung tự nhiên của nguồn nước, và nhu cầu sử dụng bền vững.[50] Cơ chế này phải đi kèm với hệ thống giám sát, kiểm tra minh bạch và chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm. Tương tự, đối với vấn đề ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp, việc siết chặt các tiêu chuẩn xả thải, bắt buộc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, tuần hoàn và tái sử dụng nước (Best Available Techniques - BAT), đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể gây ô nhiễm là vô cùng cần thiết.[51] Việc thực thi hiệu quả nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền" (Polluter Pays Principle - PPP) không chỉ dừng lại ở việc thu phí mà cần bao gồm cả việc định giá đầy đủ các thiệt hại về môi trường và sức khỏe con người, buộc các chủ thể phải có trách nhiệm bồi thường và khắc phục hậu quả một cách thỏa đáng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng việc áp dụng PPP hiệu quả đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng, cơ quan thực thi có năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong giám sát.[52]

Tích hợp toàn diện các mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước vào chiến lược và quy hoạch phát triển: Bảo vệ tài nguyên nước không thể là một lĩnh vực biệt lập mà phải được coi là yếu tố xuyên suốt, tích hợp vào mọi chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, từ trung ương đến địa phương. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy hoạch định chính sách, nơi các yếu tố về nước (số lượng, chất lượng, khả năng phục hồi của hệ sinh thái) được xem xét ngang hàng với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.[53] Các quy hoạch ngành, đặc biệt là công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và phát triển đô thị, cần phải trải qua quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) một cách nghiêm ngặt, trong đó tác động đến tài nguyên nước và Blue Rights phải là một nội dung trọng tâm. Việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là SDG 6 (Nước sạch và vệ sinh) và SDG 14 (Tài nguyên và môi trường biển),[54] vào các kế hoạch hành động quốc gia cũng cần được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, lộ trình và nguồn lực rõ ràng. Sự phối hợp liên ngành chặt chẽ và cơ chế giám sát, đánh giá độc lập là cần thiết để đảm bảo việc tích hợp này không chỉ dừng lại ở văn bản mà được triển khai hiệu quả trên thực tế.[55]

Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải và các giải pháp dựa vào tự nhiên: Chuyển đổi sang các mô hình kinh tế bền vững hơn là một giải pháp cốt lõi để giảm áp lực lên tài nguyên nước. Kinh tế tuần hoàn (circular economy), với trọng tâm là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, cần được khuyến khích mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý nước, đặc biệt là xử lý và tái sử dụng nước thải trong công nghiệp, nông nghiệp và đô thị.[56]Điều này không chỉ giúp giảm lượng nước khai thác từ nguồn tự nhiên mà còn giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc ưu tiên và đầu tư vào các Giải pháp dựa vào Tự nhiên (Nature-based Solutions - NbS) ngày càng được công nhận là một cách tiếp cận hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích.[57] Các NbS như phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ và khôi phục các vùng đất ngập nước (theo tinh thần Công ước Ramsar), trồng rừng đầu nguồn, và áp dụng các biện pháp nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh với khí hậu (climate-smart agriculture) không chỉ góp phần tăng cường khả năng giữ nước, điều hòa dòng chảy, cải thiện chất lượng nước mà còn tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho cộng đồng.[58] Ví dụ, việc phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ giúp bảo vệ bờ biển, giảm thiểu xâm nhập mặn mà còn tạo ra nguồn lợi thủy sản và du lịch sinh thái quan trọng. Pháp luật và chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi, bao gồm cả cơ chế tài chính và kỹ thuật, để thúc đẩy nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn và NbS trong quản lý tài nguyên nước.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp pháp lý và chiến lược nêu trên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc thực thi hiệu quả Blue Rights, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

4.2. Nâng cao hiệu quả thực thi, giám sát và thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình minh bạch cho Blue Rights

Sự thiếu vắng các cơ chế thực thi, giám sát hiệu quả và trách nhiệm giải trình rõ ràng là một trong những trở ngại chính khiến các cam kết pháp lý về Blue Rights, cả ở cấp độ quốc tế và quốc gia, chưa được chuyển hóa thành hành động cụ thể và kết quả thực tiễn như kỳ vọng.[59] Để khắc phục điểm yếu này, cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực của bộ máy nhà nước, thiết lập các quy trình trách nhiệm giải trình minh bạch, và nâng cao hiệu lực của các công cụ pháp lý quốc tế.

Củng cố năng lực thực thi và giám sát của hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên nước: Hiệu quả thực thi Blue Rights phụ thuộc rất lớn vào năng lực, nguồn lực và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Tại Việt Nam, việc đầu tư nâng cao năng lực cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường là một yêu cầu cấp thiết. Điều này bao gồm việc tăng cường nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn và pháp luật, cung cấp đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, và đảm bảo tính độc lập tương đối trong quá trình thực thi công vụ, tránh sự can thiệp không phù hợp từ các lợi ích kinh tế cục bộ. Bên cạnh đó, việc xây dựng một cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường là tối quan trọng. Sự chồng chéo hoặc thiếu phối hợp giữa các cơ quan có thể dẫn đến bỏ lọt vi phạm hoặc xử lý không triệt để.

Một trong những lĩnh vực then chốt là giám sát và quản lý thông minh tài nguyên nước và biển. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như viễn thám (remote sensing), hệ thống thông tin địa lý (GIS), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang mở ra những khả năng mới. Các công nghệ này cho phép giám sát hiệu quả hơn chất lượng và trữ lượng nước theo thời gian thực,[60] theo dõi sự thay đổi của các hệ sinh thái ven biển và biển, phát hiện sớm các nguồn ô nhiễm và dự báo chính xác hơn các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, hạn hán.[61] Trong quản lý tài nguyên biển, chúng hỗ trợ việc giám sát hoạt động khai thác, đặc biệt là nghề cá, giúp chống lại khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các hệ thống theo dõi tàu thuyền và truy xuất nguồn gốc hải sản.[62] Công nghệ blockchain còn hứa hẹn tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chuỗi cung ứng và cấp phép tài nguyên.[63]

Thiết lập và vận hành cơ chế trách nhiệm giải trình rõ ràng và minh bạch: Để các quy định pháp lý và cam kết quốc tế về Blue Rights không chỉ tồn tại trên văn bản mà còn được thực thi hiệu quả, việc thiết lập các cơ chế trách nhiệm giải trình rõ ràng và minh bạch là yêu cầu quan trọng. Các cơ chế này tạo thành một hệ thống đảm bảo rằng các quốc gia và các chủ thể liên quan phải chịu trách nhiệm về hành động hoặc thiếu sót của mình trong việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường biển, cũng như đảm bảo quyền con người liên quan đến nước. Hệ thống này bao gồm việc làm rõ trách nhiệm pháp lý của quốc gia, cung cấp các phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, và đảm bảo vai trò giám sát, tham gia của công chúng.

Nền tảng của trách nhiệm giải trình nằm ở việc làm rõ và áp dụng hiệu quả các nguyên tắc về trách nhiệm quốc gia (State Responsibility) trong pháp luật quốc tế. Các nguyên tắc này, được hệ thống hóa một cách có hệ thống trong các Điều khoản về Trách nhiệm của quốc gia đối với các hành vi vi phạm luật quốc tế do Ủy ban pháp luật quốc tế (ILC) soạn thảo, quy định rằng một quốc gia phải chịu trách nhiệm pháp lý khi hành vi của mình (hành động hoặc không hành động) cấu thành sự vi phạm một nghĩa vụ quốc tế.[64] Trong bối cảnh Blue Rights, điều này có nghĩa là các quốc gia phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt và biển theo các điều ước như CBD hay Công ước Ramsar, hoặc khi gây ra ô nhiễm xuyên biên giới đáng kể vi phạm nghĩa vụ không gây hại,[65] hoặc không thực hiện thẩm định cần thiết (due diligence) để ngăn chặn các hoạt động gây hại từ lãnh thổ của mình. Việc áp dụng hiệu quả các nguyên tắc này đòi hỏi sự sẵn sàng của các quốc gia trong việc thừa nhận trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ khắc phục hậu quả, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, vai trò của tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương là không thể thiếu trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình. Các tổ chức xã hội, cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp thường là những người đầu tiên phát hiện ra các vấn đề môi trường, thu thập bằng chứng và chịu tác động từ việc quản lý yếu kém tài nguyên nước và biển. Do đó, cần đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của họ vào toàn bộ quá trình, từ hoạch định chính sách, ra quyết định về các dự án phát triển, đến giám sát việc thực thi pháp luật và báo cáo vi phạm.[66] Các nguyên tắc về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng và tiếp cận công lý trong các vấn đề môi trường, như được nêu trong Công ước Aarhus, dù có phạm vi địa lý hạn chế, đã cung cấp một khuôn khổ quan trọng cần được thúc đẩy rộng rãi. Điều quan trọng là phải trao quyền cho cộng đồng, cung cấp cho họ thông tin cần thiết và năng lực để họ có thể bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời đảm bảo họ được bảo vệ khỏi các hành vi trả đũa khi lên tiếng. Sự giám sát từ công chúng tạo ra áp lực cần thiết đối với các chính phủ và doanh nghiệp để tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý và đạo đức.

Tăng cường hiệu lực và mức độ tuân thủ các cam kết pháp lý quốc tế: Song song với nỗ lực quốc gia, việc tăng cường hiệu lực của pháp luật quốc tế là không thể thiếu. Cần thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế cốt lõi. Các quốc gia cần sớm tham gia các công ước quan trọng như UN Watercourses Convention (1997), bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết theo UNCLOS, Công ước Ramsar, Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hơn nữa, cần xây dựng các quy tắc, hướng dẫn cụ thể hơn thông qua các nghị định thư, phụ lục hoặc hướng dẫn kỹ thuật để giải quyết các vấn đề mới nổi và phức tạp như ô nhiễm nhựa đại dương,[67] quản lý bền vững tài nguyên biển ở vùng nước sâu (như tinh thần của Hiệp định BBNJ),[68] và tác động cụ thể của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước. Cuối cùng, cần tăng cường cơ chế giám sát và tuân thủ hiện có, như hệ thống báo cáo quốc gia và rà soát định kỳ theo các công ước,[69] đồng thời nghiên cứu khả năng thành lập các cơ quan giám sát độc lập hoặc tăng cường vai trò của các tổ chức quốc tế liên quan như UNEP, FAO, IMO trong việc thúc đẩy tuân thủ và phát triển pháp luật.

4.3. Tăng cường hợp tác và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới hiệu quả

Quản lý tài nguyên nước và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng nguồn nước chung là một trong những thách thức phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế, đòi hỏi sự tin cậy, hợp tác thực chất và các cơ chế pháp lý hiệu quả. Đối với các quốc gia cùng chia sẻ lưu vực sông hoặc biển, như Việt Nam trong bối cảnh sông Mê Kông và Biển Đông, việc xây dựng và củng cố khuôn khổ hợp tác, đồng thời thiết lập các phương thức giải quyết tranh chấp công bằng và bền vững là yếu tố then chốt để đảm bảo Blue Rights và an ninh nguồn nước cho tất cả các bên liên quan.

Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ dữ liệu và xây dựng lòng tin: Nền tảng của mọi cơ chế hợp tác xuyên biên giới hiệu quả là sự minh bạch, tin cậy lẫn nhau và chia sẻ thông tin một cách kịp thời. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, việc quản lý bền vững các lưu vực sông, hồ và tầng chứa nước ngầm chung là một trong những nội dung hợp tác quốc tế mang tính cấp thiết nhất. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn đòi hỏi cơ chế phối hợp hiệu quả để ngăn ngừa xung đột, tối ưu hóa lợi ích và bảo vệ hệ sinh thái. Một trong những hướng đi quan trọng là củng cố vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức lưu vực sông hiện có, như Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) đối với lưu vực sông Mê Kông. Các tổ chức này đóng vai trò là diễn đàn để đối thoại, điều phối chính sách và triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể.[70]

Một trong những trụ cột của hợp tác là việc xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ thống chia sẻ dữ liệu và thông tin (data and information sharing mechanisms) về thủy văn, chất lượng nước, dòng chảy, các hình thức sử dụng nước và các dự án phát triển có khả năng tác động xuyên biên giới.[71] Thủ tục Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) của MRC là một ví dụ điển hình về cơ chế nhằm đảm bảo tính minh bạch và sự tham gia của các quốc gia hạ nguồn đối với các dự án phát triển ở thượng nguồn.[72] Việc thực hiện Đánh giá Tác động môi trường xuyên biên giới (Transboundary Environmental Impact Assessment - TbEIA) một cách nghiêm túc, có sự tham gia của tất cả các bên bị ảnh hưởng, cũng là một yêu cầu cốt lõi để ngăn ngừa các tác động tiêu cực và xây dựng lòng tin. Công ước Espoo về Đánh giá tác động môi trường trong bối cảnh xuyên biên giới cung cấp một khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng cho vấn đề này.[73]

Đối với hợp tác trong bảo vệ môi trường biển, UNCLOS cung cấp khuôn khổ pháp lý tổng thể, nhưng việc thúc đẩy hợp tác thực chất theo UNCLOS là cần thiết để biến các quy định thành hành động hiệu quả. Cần tăng cường hợp tác ở cả cấp độ khu vực và quốc tế để thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước, đặc biệt là Phần XII về Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Trong khu vực Đông Nam Á, các khuôn khổ như ASEAN và các cơ chế liên quan đến Biển Đông cần được tận dụng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể. Điều này bao gồm việc kiểm soát ô nhiễm biển từ các nguồn trên đất liền và từ tàu biển, thông qua việc thực thi hiệu quả Công ước MARPOL;[74] bảo tồn đa dạng sinh học biển qua việc thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển và quản lý các loài di cư; thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển chung; quản lý nghề cá bền vững và hợp tác chống khai thác IUU (bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định);[75] và xây dựng năng lực ứng phó chung đối với các sự cố ô nhiễm như tràn dầu và hóa chất độc hại.[76]

Đồng thời, cộng đồng quốc tế cần hợp tác để giải quyết các "khoảng trống" pháp lý và các thách thức mới trong quản trị đại dương. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một ví dụ điển hình, đòi hỏi một thỏa thuận quốc tế ràng buộc pháp lý như tinh thần của Nghị quyết UNEA 5/14.[77] Một bước tiến lịch sử khác là việc thông qua Hiệp định BBNJ vào năm 2023. Hiệp định này nhằm quản lý các hoạt động và bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng biển cả, chiếm phần lớn diện tích đại dương. Việc thực thi hiệu quả Hiệp định BBNJ, bao gồm các quy định về chia sẻ nguồn gen biển, đánh giá tác động môi trường, thiết lập công cụ quản lý theo vùng và xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ biển, sẽ là ưu tiên hàng đầu và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế sâu rộng.[78]

Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học chung, các dự án thí điểm về quản lý nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học cũng góp phần xây dựng hiểu biết chung và củng cố lòng tin giữa các quốc gia. Sự khác biệt về hệ thống pháp luật và năng lực kỹ thuật giữa các quốc gia có thể là một rào cản, do đó, các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cần được thúc đẩy.[79]

Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng và giải quyết tranh chấp hiệu quả:

Hợp tác về tài nguyên nước xuyên biên giới không nên chỉ dừng lại ở việc phân bổ nguồn nước mà cần hướng tới việc chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý (equitable and reasonable benefit-sharing) từ việc sử dụng bền vững nguồn nước. Lợi ích này có thể bao gồm thủy điện, giao thông thủy, nông nghiệp, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái khác. Đồng thời, các quốc gia cũng cần chia sẻ trách nhiệm trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực và chi phí bảo vệ nguồn nước. Việc xây dựng các cơ chế chia sẻ lợi ích đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và cam kết chính trị mạnh mẽ từ tất cả các bên.[80]

Khi tranh chấp xảy ra, điều quan trọng là phải có sẵn các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, linh hoạt và được các bên chấp nhận. Hiến chương Liên hợp quốc đặt ra nghĩa vụ cơ bản cho các quốc gia thành viên là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình.[81] Các điều ước quốc tế liên quan đến nước và biển thường cũng bao gồm các điều khoản về giải quyết tranh chấp. Cần khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, bao gồm các biện pháp như: đàm phán, trung gian, hòa giải, và các cơ chế tài phán như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) cũng như trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả của các cơ quan tài phán thường phụ thuộc vào sự đồng ý của các quốc gia liên quan về thẩm quyền.[82] Do tính chất phức tạp và kỹ thuật của các vấn đề môi trường và tài nguyên nước, cần nghiên cứu khả năng thành lập các cơ chế giải quyết tranh chấp chuyên biệt hơn. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các tòa án môi trường quốc tế hoặc khu vực mới, nơi có thể tập trung các chuyên gia và phát triển án lệ chuyên sâu. Kinh nghiệm từ các lưu vực sông trên thế giới cho thấy rằng việc có một cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng, được các bên tin cậy, là yếu tố quan trọng để duy trì sự hợp tác và ngăn ngừa xung đột leo thang.[83]

Những giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ, có sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ các quốc gia và sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Đối với Việt Nam, việc chủ động hoàn thiện pháp luật quốc gia, tích cực tham gia và thực thi các cam kết quốc tế, tăng cường hợp tác khu vực (đặc biệt trong vấn đề sông Mê Kông và Biển Đông), và ứng dụng khoa học công nghệ là những ưu tiên hàng đầu để bảo vệ Blue Rights, đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

KẾT LUẬN

Blue Rights – quyền tiếp cận và sử dụng bền vững tài nguyên nước – ngày càng khẳng định vị trí trung tâm trong hệ thống quyền con người hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng nghiêm trọng. Với nền tảng là các điều ước quốc tế quan trọng như UNCLOS, UN Watercourses Convention, Công ước Ramsar, CBD và Paris Agreement, khái niệm Blue Rights đã được định hình rõ nét trong pháp luật quốc tế và định hướng hành động cho các quốc gia trong bảo vệ quyền con người liên quan đến nước, hệ sinh thái nước và môi trường biển.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các quyền này, cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên, thiếu cơ chế thực thi hiệu quả, và tranh chấp xuyên biên giới chưa được giải quyết triệt để. Trường hợp Việt Nam cho thấy, dù đã đạt được một số tiến bộ trong cải cách pháp luật và thúc đẩy hợp tác khu vực, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong nước, nâng cao năng lực thể chế, ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp dựa vào tự nhiên, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực trong quản lý nguồn nước và bảo vệ môi trường biển.

Việc bảo vệ Blue Rights không chỉ là một nghĩa vụ pháp lý, mà còn là một lựa chọn chính trị và đạo đức, phản ánh cam kết của các quốc gia đối với tương lai bền vững và công bằng cho mọi thế hệ. Trong kỷ nguyên phát triển bền vững, Blue Rights không nên bị coi là lựa chọn, mà cần được bảo đảm như một quyền phổ quát, không thể bị thương lượng. Việt Nam, với vai trò là quốc gia ven biển và có nhiều lưu vực sông liên quốc gia, cần chủ động, tích cực và trách nhiệm hơn nữa trong việc nội luật hóa, thực thi và bảo vệ các quyền này, không chỉ vì lợi ích quốc gia, mà còn vì lợi ích chung của nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. An Minh, ‘Sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau/Serious subsidence and landslides in Ca Mau’, vnexpress.net (28 February 2024) accessed 2 April 2025

2. Boyle A, ‘Further Development Of The Law Of The Sea Convention: Mechanisms For Change’ ,54 International & Comparative Law Quarterly 563 (2005)

3. CESCR, General Comment No. 15 (2002), The Right to Water (Arts. 11 and 12 of the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights) (UN, 2003) accessed 3 April 2025

4. Chazournes LB de and others (eds), The UN Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Watercourses: A Commentary, Oxford University Press (2018)

5. Delli Priscoli J and Wolf AT, Managing and Transforming Water Conflicts ,Cambridge University Press (2009)

6. Duy NL and others, ‘Groundwater Dynamics in the Vietnamese Mekong Delta: Trends, Memory Effects, and Response Times’, 33 Journal of Hydrology: Regional Studies 100746 (2021)

7. Ellen MacArthur Foundation, ‘Towards the Circular Economy Vol. 1: An Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition’ (1 January 2013) accessed 14 May 2025

8. Falkner R, ‘The Paris Agreement and the New Logic of International Climate Politics’ , 92 International Affairs 1107 (2016)

9. FAO, ‘Climate Smart Agriculture Sourcebook’ (2017) accessed 15 May 2025

10. FAO, ‘Global Record of Fishing Vessels, Refrigerated Transport Vessels and Supply Vessels’ accessed 3 April 2025

11. Folke C and others, ‘Reconnecting to the Biosphere’ (2011) 40 AMBIO 719

12. Friedman S, ‘The Interaction of the BBNJ Agreement and the Legal Regime of the Area, and Its Influence on the Implementation of the BBNJ Agreement’, 167 Marine Policy 106235 (2024)

13. Gardner RC and Davidson NC, ‘The Ramsar Convention’ in Ben A LePage (ed), Wetlands: Integrating Multidisciplinary Concepts (Springer Netherlands 2011) accessed 4 April 2025

14. Global Water Partnership, ‘GWP in Action - 2023 Annual Report’ (2024) accessed 3 April 2025

15. Hoffmann WA, ‘Benefit-Sharing’ in Henk ten Have (ed), Encyclopedia of Global Bioethics (Springer International Publishing 2016) accessed 15 May 2025

16. ICJ, ‘Gabčíkovo-Nagymaros Project (Hungary/Slovakia)’ (1997) accessed 4 April 2025

17. International Crisis Group, ‘Bridging the Gap in the Nile Waters Dispute’ (20 March 2019) accessed 3 April 2025

18. IUCN, International Union for Conservation of Nature : West Asia Regional Office Annual Report 2020(IUCN 2021) accessed 3 April 2025

19. IUCN, ‘Nature-Based Solutions’ accessed 3 April 2025

20. Klaus D and others, ‘Best Available Techniques (BAT) Reference Document for Common Waste Gas Management and Treatment Systems in the Chemical Sector’ [2023] JRC Research Reports

21. Lindelien MC, ‘Sharing the Benefits from River Basin Management: From Theory to Practice’ (The IUCN Water Knowledge Platform, 19 June 2024) accessed 3 April 2025

22. Longo SB, Isgren E and Carolan M, ‘Critical Sustainability Science: Advancing Sustainability Transformations’ [2025] Sustainability Science accessed 14 May 2025

23. Luppi B, Parisi F and Rajagopalan S, ‘The Rise and Fall of the Polluter-Pays Principle in Developing Countries’, 32 International Review of Law and Economics, 135 (2012)

24. McCaffrey S, The Law of International Watercourses ,2nd edition, Oxford University Press (2007)

25. Mekong River Commission, ‘MRC Annual Report 2021 Part 1’ (15 August 2022) accessed 3 April 2025

26. MRC, ‘Mekong River Commission’ accessed 3 April 2025

27. MRC, ‘PNPCA Prior Consultations – Mekong River Commission’ accessed 3 April 2025

28. MRC, ‘Procedures for Data and Information Exchange and Sharing (PDIES)’ accessed 3 April 2025

29. Ngọc Hân, ‘Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp/Current status and solutions for environmental protection in industrial zones’ ,Tạp chí Cộng sản/Communist Journal (2021)

30. Nguyễn Thị Thu Trang, ‘Quyền Tiếp Cận Biển và Khai Thác Tài Nguyên Sinh Vật Biển Của Các Quốc Gia Nội Lục Theo UNCLOS’ (22 February 2022) accessed 3 April 2025

31. OECD, ‘Blockchain Technologies as a Digital Enabler for Sustainable Infrastructure’ accessed 3 April 2025

32. Quang Thế, ‘Tập trung xử lý ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy/Focus on pollution treatment in Nhue - Day river basin’ , Tuoi tre Online (25 January 2025) accessed 3 April 2025

33. Ramsar Convention, ‘Resolution XIV.7: Ramsar Regional Initiatives’ (2022) accessed 4 April 2025

34. Ramsar Convention Secretariat, ‘The Global Wetland Outlook: Special Edition 2021’ (Global Wetland Outlook, 2021) accessed 3 April 2025

35. Ramsar Regional Center – East Asia, The Designation and Management of Ramsar Sites – A Practitioner’s Guide (2017) accessed 4 April 2025

36. Scheidel A and others, ‘Environmental Conflicts and Defenders: A Global Overview’ (2020) 63 Global Environmental Change 102104

37. Shelton D, Remedies in International Human Rights Law, Oxford University Press (2015)

38. Tanzi A and Arcari M, The United Nations Convention on the Law of International Watercourses: A Framework for Sharing (BRILL 2021)

39. ‘THE 17 GOALS | Sustainable Development’ accessed 14 May 2025

40. UNDP, ‘Nature-Based Solutions for Water’ (2018) accessed 3 April 2025

41. UNESCO, The United Nations World Water Development Report 2021: Valuing Water (2021) accessed 3 April 2025

42. UNESCO, ‘The United Nations World Water Development Report 2023: Partnerships and Cooperation for Water (UNESCO 2023)’ (2023) accessed 3 April 2025

43. UNESCO, The United Nations World Water Development Report 2024: Water for Prosperity and Peace(2024) accessed 3 April 2025

44. UN-Water, ‘Summary Progress Update 2021: SDG 6 — Water and Sanitation for All’ (24 February 2021) accessed 3 April 2025

45. Vierros MK and Harden-Davies H, ‘Capacity Building and Technology Transfer for Improving Governance of Marine Areas Both beyond and within National Jurisdiction’ , 122 Marine Policy 104158(2020)

46. WHO & UNICEF, Progress on Household Drinking Water, Sanitation and Hygiene, 2000-2020: Five Years into the SDGs (2021) accessed 3 April 2025

47. WHO & UNICEF, Progress on Household Drinking Water, Sanitation and Hygiene 2000-2022: Special Focus on Gender (2023) accessed 3 April 2025

48. Winkler I, The Human Right to Water: Significance, Legal Status and Implications for Water Allocation , Hart Publishing (2012)

49. WMO, State of Global Water Resources 2023 (2024) accessed 3 April 2025

50. World Meteorological Organization, ‘HydroHub - The Global Hydrometry Support Facility’ (World Meteorological Organization, 3 July 2023) accessed 3 April 2025

* TS. Nguyễn Toàn Thắng - Trường Đại học Luật Hà Nội

[1] Trên thực tế, có hai cách tiếp cận liên quan đến “Blue Rights”. Ở cách tiếp cận thư nhất, "Blue Rights" là các quyền tự do cơ bản thuộc thế hệ thứ nhất của quyền con người, bao gồm các quyền dân sự và chính trị như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền được xét xử công bằng và quyền không bị tra tấn. Ở cách tiếp cận thứ hai, "Blue Rights" là các quyền thực tiễn liên quan đến nước, bao gồm tiếp cận nước sạch, bảo vệ hệ sinh thái nước, và khai thác bền vững, phản ánh mối quan hệ giữa con người và tài nguyên thiên nhiên. Đây là cách tiếp cận gần với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (thế hệ thứ hai) hoặc thậm chí quyền tập thể (thế hệ thứ ba), chẳng hạn như quyền phát triển bền vững và quyền sống trong môi trường lành mạnh.

[2] WHO & UNICEF, Progress on Household Drinking Water, Sanitation and Hygiene, 2000-2020: Five Years into the SDGs (2021), https://data.unicef.org/resources/progress-on-household-drinking-water-sanitation-and-hygiene-2000-2020/.

[3] WHO & UNICEF, Progress on Household Drinking Water, Sanitation and Hygiene 2000-2022: Special Focus on Gender (2023), https://data.unicef.org/resources/jmp-report-2023/.

[4] UNESCO, The United Nations World Water Development Report 2024: Water for Prosperity and Peace (2024), https://www.unesco.org/reports/wwdr/en/2024/download.

[5] WMO, State of Global Water Resources 2023 (2024), https://wmo.int/publication-series/state-of-global-water-resources-2023.

[6] WHO & UNICEF, supra note 3.

[7] UNESCO, The United Nations World Water Development Report 2021: Valuing Water (2021), https://www.unesco.org/reports/wwdr/2021/en.

[8] CESCR, General Comment No. 15 (2002), The Right to Water (Arts. 11 and 12 of the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights) (2003), https://digitallibrary.un.org/record/486454.

[9] UN General Assembly, The Human Right to Water and Sanitation, Res 64/292 UN Doc A/RES/64/292 (2010), https://digitallibrary.un.org/record/687002.

[10] UN, United Nations Convention on the Law of the Sea, United Nations, Treaty Series, vol. 1833 3 (1982), https://treaties.un.org/Pages/showDetails.aspx?objid=0800000280043ad5.

[11] Nguyễn Thị Thu Trang, Quyền Tiếp Cận Biển và Khai Thác Tài Nguyên Sinh Vật Biển Của Các Quốc Gia Nội Lục Theo UNCLOS, Feb. 22, 2022, https://vupc.monre.gov.vn/linh-vuc-bien-va-hai-dao/4140/quyen-tiep-can-bien-va-khai-thac-tai-nguyen-sinh-vat-bien-cua-cac-quoc-gia-noi-luc-theo-unclos.

[12] UN, supra note 10 at 56(1), 62.

[13] Id. at 192–194.

[14] Id. at 207–222.

[15] UN, Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Watercourses 1997, United Nations, Treaty Series , vol. 2999. Doc. A/51/869 77, https://unece.org/environment-policy/water/un-watercourses-convention (last visited Apr. 3, 2025).

[16] Stephen McCaffrey, The Law of International Watercourses 384–410 (2nd edition ed. 2007).

[17] The UN Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Watercourses: A Commentary 95–110 (Laurence Boisson de Chazournes et al. eds., 2018).

[18] ICJ, Gabčíkovo-Nagymaros Project (Hungary/Slovakia), (1997), https://www.icj-cij.org/case/92.

[19] Attila Tanzi & Maurizio Arcari, The United Nations Convention on the Law of International Watercourses: A Framework for Sharing(2021).

[20] Convention on Wetlands of International Importance Especially as Waterfowl Habitat, 996 UNTS 245 (1971), https://treaties.un.org/pages/showDetails.aspx?objid=0800000280104c20.

[21] Royal C. Gardner & Nick C. Davidson, The Ramsar Convention, in Wetlands: Integrating Multidisciplinary Concepts 189 (Ben A. LePage ed., 2011), https://doi.org/10.1007/978-94-007-0551-7_11.

[22] Ramsar Convention Secretariat, Workplan of the Secretariat for 2023-2025, https://www.ramsar.org/document/workplan-secretariat-2023-2025 (last visited Apr. 4, 2025).

[23] Ramsar Regional Center – East Asia, The Designation and Management of Ramsar Sites – A Practitioner’s Guide (2017), https://www.ramsar.org/document/designation-management-ramsar-sites.

[24] Ramsar Convention, Resolution XIV.7: Ramsar Regional Initiatives, (2022), https://www.ramsar.org/document/resolution-xiv7-ramsar-regional-initiatives.

[25] UN, Convention on Biological Diversity, United Nations, Treaty Series, vol. 1760 79 (1992), https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXVII-8&chapter=27.

[26] UN, Paris Agreement, United Nations, Treaty Series, vol. 3156 79 (2015), https://treaties.un.org/pages/viewdetails.aspx?src=treaty&mtdsg_no=xxvii-7-d&chapter=27&clang=_en.

[27] Robert Falkner, The Paris Agreement and the New Logic of International Climate Politics, 92 International Affairs 1107 (2016).

[28] International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, United Nations, Treaty Series, vol. 993 3 (1976), https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-3&chapter=4&clang=_en.

[29] UN General Assembly, supra note 9.

[30] An Minh, Sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau/Serious subsidence and landslides in Ca Mau, vnexpress.net, Feb. 28, 2024, https://vnexpress.net/sut-lun-sat-lo-nghiem-trong-o-ca-mau-4715903.html.

[31] Global Water Partnership, GWP in Action - 2023 Annual Report, (2024), https://www.gwp.org/annualreport2023/.

[32] Quang Thế, Tập trung xử lý ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy/Focus on pollution treatment in Nhue - Day river basin, Tuoi tre Online, Jan. 25, 2025, https://tuoitre.vn/tap-trung-xu-ly-o-nhiem-tren-luu-vuc-song-nhue-day-20250125210152387.htm.

[33] Ngọc Hân, Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp/Current status and solutions for environmental protection in industrial zones, Tạp chí Cộng sản/Communist Journal (2021).

[34] ICJ, International Court of Justice, https://www.icj-cij.org/home (last visited Apr. 3, 2025).

[35] PCA, Permanent Court of Arbitration, https://pca-cpa.org/home/ (last visited Apr. 3, 2025).

[36] Alan Boyle, Further Development Of The Law Of The Sea Convention: Mechanisms For Change, 54 International & Comparative Law Quarterly 563 (2005).

[37] UN, supra note 15.

[38] McCaffrey, supra note 16.

[39] supra note 20.

[40] UN-Water, Summary Progress Update 2021: SDG 6 — Water and Sanitation for All, (Feb. 24, 2021), https://www.unwater.org/publications/summary-progress-update-2021-sdg-6-water-and-sanitation-all.

[41] Ramsar Convention Secretariat, The Global Wetland Outlook: Special Edition 2021, Global Wetland Outlook (2021), https://www.global-wetland-outlook.ramsar.org/outlook.

[42] IUCN, International Union for Conservation of Nature : West Asia Regional Office Annual Report 2020 (2021), https://portals.iucn.org/library/node/49501.

[43] International Crisis Group, Bridging the Gap in the Nile Waters Dispute, (Mar. 20, 2019), https://www.crisisgroup.org/africa/horn-africa/ethiopia/271-bridging-gap-nile-waters-dispute.

[44] Mekong River Commission, MRC Annual Report 2021 Part 1, (Aug. 15, 2022), https://www.mrcmekong.org/publications/mrc-annual-report-2021-part-1/.

[45] Arnim Scheidel et al., Environmental Conflicts and Defenders: A Global Overview, 63 Global Environmental Change 102104 (2020).

[46] UN, supra note 15.

[47] Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea) (concluded 10 December 1982, entered into force 16 November 1994) 1833 UNTS 3 ('UNCLOS') art 192, 194; Công ước về Đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity) (concluded 5 June 1992, entered into force 29 December 1993) 1760 UNTS 79 ('CBD') art 8.

[48] UNGA Res 64/292 (28 July 2010) UN Doc A/RES/64/292 ('The human right to water and sanitation'); CESCR, General Comment No 15: The Right to Water (Arts 11 and 12 of the Covenant) (20 January 2003) UN Doc E/C.12/2002/11.

[49] Inga Winkler, The Human Right to Water: Significance, Legal Status and Implications for Water Allocation (2012).

[50] Nguyen Le Duy et al., Groundwater Dynamics in the Vietnamese Mekong Delta: Trends, Memory Effects, and Response Times, 33 Journal of Hydrology: Regional Studies 100746 (2021).

[51] Daginnus Klaus et al., Best Available Techniques (BAT) Reference Document for Common Waste Gas Management and Treatment Systems in the Chemical Sector, JRC Research Reports (2023).

[52] Barbara Luppi, Francesco Parisi & Shruti Rajagopalan, The Rise and Fall of the Polluter-Pays Principle in Developing Countries, 32 International Review of Law and Economics 135 (2012).

[53] Carl Folke et al., Reconnecting to the Biosphere, 40 AMBIO 719 (2011).

[54] THE 17 GOALS | Sustainable Development, https://sdgs.un.org/goals (last visited May 14, 2025).

[55] Stefano B. Longo, Ellinor Isgren & Michael Carolan, Critical Sustainability Science: Advancing Sustainability Transformations, Sustain Sci(2025), https://doi.org/10.1007/s11625-025-01667-x.

[56] Ellen MacArthur Foundation, Towards the Circular Economy Vol. 1: An Economic and Business Rationale for an Accelerated Transition, (Jan. 1, 2013), https://www.ellenmacarthurfoundation.org/towards-the-circular-economy-vol-1-an-economic-and-business-rationale-for-an.

[57] IUCN, Nature-Based Solutions, https://iucn.org/our-work/nature-based-solutions (last visited Apr. 3, 2025).

[58] FAO, Climate Smart Agriculture Sourcebook, (2017), https://www.fao.org/climate-smart-agriculture-sourcebook/en/; UNDP, Nature-Based Solutions for Water, (2018), https://www.undp.org/publications/nature-based-solutions-water.

[59] Dinah Shelton, Remedies in International Human Rights Law (2015).

[60] UNESCO, The United Nations World Water Development Report 2023: Partnerships and Cooperation for Water (UNESCO 2023), (2023), https://www.unesco.org/reports/wwdr/2023/en.

[61] World Meteorological Organization, HydroHub - The Global Hydrometry Support Facility, World Meteorological Organization (Jul. 3, 2023), https://wmo.int/site/wmo-hydrohub.

[62] FAO, Global Record of Fishing Vessels, Refrigerated Transport Vessels and Supply Vessels, https://www.fao.org/global-record/en/ (last visited Apr. 3, 2025).

[63] OECD, Blockchain Technologies as a Digital Enabler for Sustainable Infrastructure, OECD Environment Working Papers No 152 (2019), https://www.oecd.org/en/topics/environment.html.

[64] ILC, Draft Articles on Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts, 2, https://legal.un.org/ilc/texts/9_6.shtml (last visited Apr. 3, 2025).

[65] Nguyên tắc này được khẳng định trong nhiều vụ việc, ví dụ Trail Smelter Arbitration (United States v Canada) (1938, 1941) 3 RIAA 1905; và được phản ánh trong Draft articles on Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts và luật môi trường quốc tế nói chung. Xem thêm UN Watercourses Convention, UNGA Res 51/229, Annex, art 7.

[66] Xem Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển (Rio Declaration on Environment and Development) UN Doc A/CONF.151/26 (vol I) (12 August 1992), Principle 10.

[67] United Nations Environment Assembly, End Plastic Pollution: Towards an International Legally Binding Instrument, UNEP/EA.5/Res.14(2022), https://digitallibrary.un.org/record/3999257?v=pdf.

[68] UN, BBNJ Agreement | Agreement on Marine Biodiversity of Areas beyond National Jurisdiction, A/RES/79/271 (2023), https://www.un.org/bbnjagreement/en.

[69] Ví dụ: các cơ chế báo cáo và rà soát theo CBD https://www.cbd.int/reports/, accessed 2 April 2025 or UNFCCC https://unfccc.int/Transparency, accessed 2 April 2025.

[70] MRC, Mekong River Commission, https://www.mrcmekong.org/ (last visited Apr. 3, 2025).

[71] MRC, Procedures for Data and Information Exchange and Sharing (PDIES), https://portal.mrcmekong.org/procedure/pdies-overview (last visited Apr. 3, 2025).

[72] MRC, PNPCA Prior Consultations – Mekong River Commission, https://www.mrcmekong.org/news_and_events_cat/pnpca-prior-consultations/ (last visited Apr. 3, 2025).

[73] Convention on Environmental Impact Assessment in a Transboundary Context (Espoo Convention), United Nations,Treaty Series , vol. 1989 309 (1991), https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXVII-4&chapter=27&clang=_en; Maria Carreno Lindelien, Sharing the Benefits from River Basin Management: From Theory to Practice, The IUCN Water Knowledge Platform (Jun. 19, 2024), https://waterandnature.org/sharing-the-benefits-from-river-basin-management-from-theory-to-practice/.

[74] Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (International Convention for the Prevention of Pollution from Ships), 1973, sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (MARPOL 73/78).

[75] Ví dụ: Kế hoạch Hành động Khu vực ASEAN về Chống Khai thác IUU (ASEAN Regional Plan of Action for Combating IUU Fishing); FAO, Agreement on Port State Measures to Prevent, Deter and Eliminate Illegal, Unreported and Unregulated Fishing (2009), https://www.fao.org/port-state-measures/en/, accessed 2 April 2025.

[76] Ví dụ: Công ước quốc tế về hợp tác, sẵn sàng và ứng phó với ô nhiễm dầu (International Convention on Oil Pollution Preparedness, Response and Co-operation - OPRC) (1990).

[77] United Nations Environment Assembly, supra note 67.

[78] Shani Friedman, The Interaction of the BBNJ Agreement and the Legal Regime of the Area, and Its Influence on the Implementation of the BBNJ Agreement, 167 Marine Policy 106235 (2024).

[79] Marjo K. Vierros & Harriet Harden-Davies, Capacity Building and Technology Transfer for Improving Governance of Marine Areas Both beyond and within National Jurisdiction, 122 Marine Policy 104158 (2020).

[80] Willem A. Hoffmann, Benefit-Sharing, in Encyclopedia of Global Bioethics 246 (Henk ten Have ed., 2016), https://doi.org/10.1007/978-3-319-09483-0_38; Lindelien, supra note 73.

[81] UN, United Nations Charter, 1 UNTS XVI 2(3), 33, https://www.un.org/en/about-us/un-charter/full-text (last visited Apr. 3, 2025).

[82] ICJ, Statute of the International Court of Justice, 36, https://www.icj-cij.org/statute (last visited Apr. 3, 2025).

[83] Jerome Delli Priscoli & Aaron T. Wolf, Managing and Transforming Water Conflicts (2009).

Cùng chuyên mục

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Nghiên cứu lý luận -  3 phút trước

(PLPT) - Bài viết này tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực: luật Thương mại về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh; luật sở hữu trí tuệ; luật tài chính, chứng khoán, ngân hàng và tín dụng; luật thuế.

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  7 phút trước

(PLPT) - Bài viết này phân tích những quy định pháp luật về khởi kiện dân sự đề thu hồi tài sản tham nhũng và các ví dụ liên quan đến thực tiễn tại một số quốc gia, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  18 phút trước

(PLPT) - Bài viết phân tích chính sách, pháp luật của một số quốc gia có chọn lọc gồm Trung Quốc và các nước EU về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, các quy định của Công ước BASEL về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép.

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luật hóa đối chứng trong tố tụng dân sự nhằm tăng tính minh bạch, công bằng và hiệu quả xét xử.

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích những điểm tiến bộ cũng như những thách thức phát sinh trong quá trình thực thi các quy định pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị có thể vận dụng vào bối cảnh Việt Nam, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản trị doanh nghiệp.

Khung pháp lý sàn giao dịch kinh doanh bất động sản trong thời đại số: Phân tích mô hình Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Khung pháp lý sàn giao dịch kinh doanh bất động sản trong thời đại số: Phân tích mô hình Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết này nghiên cứu pháp lý của sàn giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) trong nền kinh tế thị trường hiện đại, với trọng tâm là mô hình tổ chức và điều tiết tại Trung Quốc, qua đó đề xuất định hướng sửa đổi pháp luật tại Việt Nam theo hướng minh bạch hóa, số hóa và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.

Điều chỉnh pháp luật đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Điều chỉnh pháp luật đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích sự chuyển dịch của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) từ một cam kết tự nguyện sang một yêu cầu pháp lý nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết sẽ phân tích hai quan điểm học thuật chính về vấn đề này, làm rõ quan điểm của tác giả và đồng thời đánh giá khả năng áp dụng ITS tại Việt Nam.