Nghiên cứu lý luận

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Nguyễn Thành Luân Thứ năm, 10/07/2025 - 14:54
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết này tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực: luật Thương mại về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh; luật sở hữu trí tuệ; luật tài chính, chứng khoán, ngân hàng và tín dụng; luật thuế.

Tóm tắt: Bài viết này tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực: luật Thương mại về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh; luật sở hữu trí tuệ; luật tài chính, chứng khoán, ngân hàng và tín dụng; luật thuế. Không chỉ phân tích, đánh giá xu hướng đổi mới các pháp luật kinh tế của Hoa Kỳ bài viết còn chắt lọc, đúc kết những gợi ý phù hợp cho Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sungcác quy định pháp luật trong các lĩnh vực tương ứng nhằm thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và sánh vai với các cường quốc năm châu.

Từ khoá: Cách mạng công nghiệp 4.0, Hoa Kỳ, kinh tế, pháp luật, Việt Nam.

Abstract: This article focuses on analyzing and clarifying recent developments in commercial and economic law in the United States under the impact of the Fourth Industrial Revolution. It covers key areas such as commercial law as it relates to e-commerce, consumer protection, antitrust law, intellectual property law, financial regulation, securities regulation, banking and credit laws, and tax law. In addition to analyzing and assessing trends in the evolution of commercial and economic law in the United States, the article distills and offers practical recommendations for Vietnam regarding amendments and supplementation of its legal regulations in corresponding areas. The objective is to enable Vietnam to better adapt to the transformations brought about by Industry 4.0 and to facilitate a successful transition into a new era of national development. Under the leadership of the Communist Party, Vietnam aspires to build a prosperous and strong socialist nation that prioritizes democracy, equality, and civilization, comparable to the world's leading powers.

Keywords: Fourth Industrial Revolution, United States, commercial law, economic law, Vietnam.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, mang theo làn sóng chuyển đổi sâu rộng về công nghệ, cách thức sản xuất và mô hình kinh doanh. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain, Internet vạn vật (IoT), và các công nghệ tiên tiến khác đã làm thay đổi phương thức con người tương tác, sản xuất và tiêu dùng. Đây không chỉ là một bước tiến công nghệ, mà còn mở ra nhiều thách thức mới cho hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế như thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, tài chính, thuế, ngân hàng.

Hoa Kỳ, với vị trí là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, đã có những nỗ lực rất lớn trong việc hiện đại hóa và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế nhằm thích ứng với những thay đổi này. Các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại, luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ, quản lý tài chính và thuế luôn được điều chỉnh một cách liên tục để đảm bảo rằng các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi ích từ công nghệ mới trong khi cũng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và môi trường . Chẳng hạn, các đạo luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân và điều chỉnh các giao dịch sử dụng công nghệ blockchain đã được ban hành, tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế số.

Ở Việt Nam, mặc dù khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các về thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, tài chính, thuế, ngân hàng đã có những bước tiếnquan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc điều chỉnh pháp luật sao cho phù hợp với cuộc Cách mạng 4.0 và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

2. Khái quát kinh tế Hoa Kỳ và đặc điểm pháp luật về kinh tế Hoa Kỳ trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

2.1. Khái quát nền kinh tế Hoa Kỳ trước Cách mạng 4.0

Trước cuộc CMCN 4.0, nền kinh tế Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những nền kinh tế thị trường hàng đầu thế giới, giữ vai trò trung tâm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với cơ chế khuyến khích thị trường tự do cạnh tranh, bảo vệ sáng tạo và thúc đẩy hội nhập quốc tế, Hoa Kỳ đã xây dựng nền tảng vững chắc để dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và dịch vụ.

Trong những năm trước năm 2010, kinh tế Hoa Kỳ đạt được những thành tựu đáng kể, đồng thời duy trì vai trò tiên phong trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Theo số liệu năm 2010, GDP của Hoa Kỳ đạt khoảng 14,96 nghìn tỷ USD, chiếm gần 23% GDP toàn cầu, tiếp tục giữ vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sản xuất, từng là trụ cột của nền kinh tế, đã có sự suy giảm tương đối về tỷ trọng trong GDP, từ khoảng 15% năm 1997 xuống còn 12% năm 2015.[1] Thay vào đó, các ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính, bảo hiểm, bất động sản, cho thuê, dịch vụ chuyên môn và kinh doanh, đã trở thành động lực tăng trưởng chính. Ngành công nghệ thông tin và viễn thông phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng số với sự bùng nổ công nghệ tại Thung lũng Silicon - nơi hội tụ các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft và Google. Hoa Kỳ không chỉ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, mà còn tiên phong trong phát triển các công nghệ mới như AI, phần mềm và mạng lưới thông tin toàn cầu. Một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ là ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo tiền đề cho sự đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Năm 2010, Hoa Kỳ chiếm 36,2% chi tiêu toàn cầu cho R&D, với mức đầu tư lên tới 405 tỷ USD, vượt xa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.[2] Đồng thời, hệ thống chính sách tài chính linh hoạt và minh bạch đã thu hút vốn đầu tư quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ mở rộng thị trường ra thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế Hoa Kỳ trong giai đoạn này cũng đối mặt với những thách thức đáng kể. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, làm GDP giảm 4,3% trong năm 2009 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10%.[3] Hoa Kỳ đã phải áp dụng các gói kích thích kinh tế khẩn cấp để giải quyết tình hình, củng cố lòng tin vào thị trường và nhanh chóng tái khôi phục nền kinh tế.

Tóm lại, nền kinh tế Hoa Kỳ trước cuộc CMCN 4.0 không chỉ nổi bật với vị trí hàng đầu thế giới, sự hội nhập cao, hệ sinh thái kinh tế đa dạng mà còn biểu hiện năng lực đổi mới sáng tạo vượt trội. Đây chính là tiền đề quan trọng để Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vai trò dẫn đầu trong kỷ nguyên công nghiệp và công nghệ toàn cầu.

2.2. Đặc điểm của pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ

Để xây dựng và duy trì một nền kinh tế lớn mạnh, tự do cạnh tranh, sáng tạo và hội nhập sâu rộng như Hoa Kỳ, pháp luật đóng vai trò nền tảng và là “xương sống” của toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội và tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy hội nhập quốc tế. Vai trò của pháp luật Hoa Kỳ trong nền kinh tế được thể hiện thông qua nhiều đặc điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, đảm bảo sự sự cạnh tranh tự do, công bằng, bình đẳng của các chủ thể trong nền kinh tế

Pháp luật kinh tế Hoa Kỳ nhấn mạnh việc cạnh tranh tự do nhưng vẫn công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể. Đây chính là nguyên tắc cốt lõi của kinh tế thị trường. Các đạo luật chống độc quyền, tiêu biểu là Đạo luật Sherman năm (Sherman Antitrust Act,1890) và Đạo luật Clayton năm 1914 (Clayton Antitrust Act 1914), đã xây dựng cơ chế hiệu quả ngăn chặn độc quyền và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp lớn. Chính các đạo luật này đã tăng cường sự minh bạch và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong thị trường Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho sự đổi mới và cạnh tranh hiệu quả.

Thứ hai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo

Việc bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua các đạo luật như Đạo luật Bản quyền (Copyright Act), Đạo luật Sáng chế (Patent Act) và các điều ước quốc tế Hoa Kỳ tham gia. Bảo vệ quyền sáng chế đã tạo động lực quan trọng để thúc đẩy các hoạt động R&D. Theo dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Hoa Kỳ luôn nằm trong số các quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế đăng ký hàng năm, chiếm khoảng 22% sản lượng sáng chế toàn cầu trước cuộc CMCN 4.0.[4]

Thứ ba, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư và thương mại quốc tế

Pháp luật Hoa Kỳ thể hiện rõ sự cởi mở với thương mại và đầu tư quốc tế thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cũng như các quy định pháp luật trong nước phù hợp với thông lệ toàn cầu. Trước năm 2010, Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư nước ngoài, chiếm gần 20% dòng vốn toàn cầu trong năm 2009.[5] Điều này cho thấy môi trường pháp luật minh bạch và ổn định của Hoa Kỳ đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế.

Thứ tư, quy định chặt chẽ nhưng linh hoạt trong điều hành, quản lý nền kinh tế

Pháp luật Hoa Kỳ có sự cân bằng giữa tính chặt chẽ và linh hoạt, cho phép chính phủ điều chỉnh nền kinh tế phù hợp với các biến động trong nước và quốc tế. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, Đạo luật Ổn định Kinh tế khẩn cấp (Emergency Economic Stabilization Act, 2008) đã kịp thời ban hành và áp dụng để giải quyết tình trạng nguy cấp, cứu trợ các thể chế tài chính và giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.[6] Điều này cho thấy Hoa Kỳ có khả năng sử dụng pháp luật làm công cụ điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong các tình huống khủng hoảng kinh tế.

Thứ năm, thúc đẩy sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể trong nền kinh tế

Pháp luật Hoa Kỳ đặt ra các quy định về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư và các bên liên quan. Ví dụ như Đạo luật Sarbanes-Oxley (2002) đã tăng cường các yêu cầu về minh bạch tài chính, kiểm soát doanh nghiệp và chế tài vi phạm,[7] từ đó nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư và khôi phục sự ổn định cho thị trường sau khủng hoảng.

Như vậy, với các đặc điểm nổi bật như bảo đảm cạnh tranh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi và thúc đẩy minh bạch là nền tảng giúp Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới trước thềm cuộc CMCN 4.0. Đây cũng chính là những tiền đề để Hoa Kỳ hội nhập sâu rộng và giữ vai trò tiên phong trong nền kinh tế toàn cầu.

3. Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế Hoa kỳ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và gợi ý cho Việt Nam

3.1. Những điểm mới của Luật Thương mại về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng và hợp đồng trực tuyến và gợi ý cho Việt Nam

3.1.1. Những điểm mới

Cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức thương mại hoạt động trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, nơi thương mại điện tử và các nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đã phát sinh các vấn đề mới liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật thông tin và hợp đồng thông minh, đã thúc đẩy việc cải tiến khung pháp lý về thương mại nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong môi trường trực tuyến.

Một trong những nền tảng pháp lý quan trọng nhất đối với thương mại điện tử tại Hoa Kỳ chính là Đạo luật về Chữ ký điện tử trong thương mại toàn cầu (E-Sign Act, 2000).[8] Đạo luật này công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử, đặt cơ sở cho việc hợp thức hóa các giao dịch qua phương tiện điện tử. Theo E-Sign Act, các bên tham gia có thể ký kết và thực hiện hợp đồng trực tuyến với hiệu lực pháp lý tương đương như hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, luật chỉ thực sự có hiệu lực nếu các bên đồng ý rõ ràng với việc sử dụng phương tiện điện tử. Án lệ Specht v. Netscape Communications Corp., 306 F.3d 17 (2001) đã khẳng định:“Một người không thể bị ràng buộc bởi các điều khoản hợp đồng nếu họ không có cơ hội thực sự để xem xét chúng”[9]. Đây chính là cơ sở quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh các giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng.Đồng thời, Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng liên bang (Federal Trade Commission Act – FTC Act) được sửa đổi và áp dụng trong lĩnh vực thương mại điện tử đã trao quyền lớn hơn cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) nhằm đối phó với các hành vi lừa đảo và gian lận trực tuyến. FTC đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xử lý các vấn đề nhức nhối như quảng cáo sai lệch, chính sách hoàn tiền mập mờ hoặc các hoạt động buôn bán không minh bạch.[10] Một ví dụ nổi bật là vụ án FTC v. LeanSpa, LLC (2016), trong đó LeanSpa, một công ty tiếp thị sản phẩm giảm cân, bị phát hiện lừa đảo người tiêu dùng thông qua quảng cáo gian dối. FTC đã buộc các bên vi phạm hoàn trả hàng triệu đô la cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng,[11] điều này cho thấy sự bảo vệ mạnh mẽ của pháp luật cho người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại số. Cùng với E-Sign Act, Đạo luật Uniform Electronic Transactions Act (UETA) đã được ban hành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khung pháp lý cho các hợp đồng điện tử, bảo đảm các hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng truyền thống.[12] Tuy nhiên, luật vẫn yêu cầu việc trình bày các điều khoản trong hợp đồng điện tử phải minh bạch, rõ ràng cho người tiêu dùng. Án lệ Nguyen v. Barnes & Noble, Inc.,[13]minh chứng cho điều này khi Tòa án ra phán quyết rằng việc bấm “đồng ý” qua các giao diện trực tuyến chỉ có hiệu lực nếu các điều khoản được hiển thị và người dùng được thông báo đầy đủ. Điều này đảm bảo trách nhiệm của các nền tảng số trong việc tạo ra một môi trường thương mại minh bạch. Đồng thời, ngay từ năm 2003, Đạo luật Controlling the Assault of Non-Solicited Pornography And Marketing Act (CAN-SPAM)[14] được banhành quy định rõ ràng về việc kiểm soát thư rác và bảo vệ người tiêu dùng trước các nội dung tiếp thị lừa đảo, gian dối hoặc gây hiểu nhầm. Theo đó, CAN-SPAM thiết lập các quy tắc mà người gửi email thương mại phải tuân thủ, đồng thời trao quyền cho người nhận có thể từ chối nhận email.

Sự phát triển của thương mại điện tử dẫn đến việc thông tin, dữ liệu cá nhân được thu thập,[15] sử dụng một cách phổ biến bởi các công ty thương mại điện tử tận dụng dữ liệu người dùng để thúc đẩy kinh doanh nhưng cũng đặt ra thực tế là thông tin, dữ liệu cá nhân bị thu thập, sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật. California là tiểu bang tiên phong của Hoa Kỳ ban hành Đạo luật Quyền riêng tư người tiêu dùng California (California Consumer Privacy Act – CCPA Act) vào năm 2018. [16] Đây là một trong những đạo luật về quyền riêng tư toàn diện đầu tiên tại Hoa Kỳ, quy định cho người tiêu dùng quyền lớn hơn đối với cách các doanh nghiệp thu thập, sử dụng và chia sẻ thông tin cá nhân của họ trong môi trường số. Theo đó, người tiêu dùng bằng có các quyền cụ thể như quyền biết dữ liệu nào đang được thu thập, quyền yêu cầu xóa bỏ dữ liệu cá nhân, và quyền từ chối việc bán dữ liệu cho bên thứ ba. Quy định này không chỉ áp dụng tại bang California mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các công ty lớn hoạt động trên toàn nước Mỹ. Điều này được thể hiện qua vụ việc Facebook bị FTC phạt Facebook 05 tỷ USD vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng vào năm 2019.[17]

Gần đây, hợp đồng thông minh đã được và ứng dụng bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong thương mại điện tử. Hợp đồng thông minh cho phép tự động hóa quy trình tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu, như tự động cấp hoặc thu hồi quyền truy cập dữ liệu cá nhân, giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc thu thập, sử dụng dữ liệu, và đảm bảo mọi hành động liên quan đến dữ liệu đều minh bạch, không thể thay đổi nhờ vào ưu điểm của công nghệ chuỗi khối blockchain.[18] Nhờ đó, các giao dịch số và quá trình xử lý dữ liệu cá nhân trở nên an toàn, minh bạch hơn, đồng thời nâng cao quyền kiểm soát của người dùng đối với dữ liệu của chính mình, phù hợp với tinh thần của CCPA Act.

3.1.2. Gợi ý cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thương mại trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học giá trị cho việc phát triển khung pháp lý phù hợp, hướng đến thương mại số hiệu quả và bền vững.

Trước hết, cần tập trung vào việc thiết lập khung pháp lý rõ ràng nhằm công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch thương mại điện tử, chữ ký điện tử và hợp đồng trực tuyến, tương tự như E-Sign Act và UETA Act của Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các giao dịch ngày càng chuyển sang nền tảng số tại Việt Nam nhưng vẫn tồn tại khoảng trống pháp lý về hiệu lực của một số hành vi và hợp đồng điện tử được thực hiện qua internet, cụ thể hiện nay Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử nhưng lại chưa quy định rõ ràng công nhận hiệu lực của hợp đồng điện tử đối các trường hợp cụ thể điều này gây khó khăn gây khó khăn cho các bên tham gia và làm phát sinh tranh chấp dẫn đến việc Toà án phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu.[19]

Thứ hai, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cần được đưa vào trọng tâm của luật pháp, tương tự như những sửa đổi trong FTC Act tại Hoa Kỳ. Việt Nam cần đưa ra các quy định cụ thể để kiểm soát hành vi lừa đảo thương mại trực tuyến, quảng cáo không trung thực hoặc hoạt động thương mại không minh bạch, sử dụng thư rác để quảng cáo,…. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gian lận trong thương mại điện tử, như được thể hiện rõ trong vụ FTC v. LeanSpa, LLC (2014), sẽ là công cụ cần thiết để tạo lập một môi trường thương mại số an toàn cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử là một vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu khi Việt Nam bước sâu vào kỷ nguyên số. Hoa Kỳ với CCPA Act đã xây dựng yêu cầu cụ thể về quyền riêng tư, như phải công khai, minh bạch cách thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân, quyền từ chối hoặc yêu cầu xóa bỏ thông tin với các bên liên quan. Việt Nam nên tham khảo luật này để khẩntrương ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân thay vì chỉ để ở mức độ Nghị định điều chỉnh vấn đề này.[20]

Cuối cùng, Việt Nam cần chú trọng phát triển các quy định liên quan đến hợp đồng thông minh (smart contracts), thương mại blockchain, tiền kĩ thuật số và AI là những lĩnh vực đang định hình tương lai thương mại số toàn cầu. Hoa Kỳ dù chưa hoàn thiện nhưng đang mở rộng khung pháp lý để quản lý các giao dịch điện tử hiện đại này một cách hiệu quả, đặc biệt trong việc xác định trách nhiệm pháp lý và giải quyết tranh chấp.[21]

3.2. Những điểm mới về luật cạnh tranh của Hoa Kỳ trong cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam

3.2.1. Những điểm mới

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự độc quyền ngày càng tăng của các doanh nghiệp công nghệ lớn (Big Tech) và việc thao túng thị trường nhờ khai thác dữ liệu và quyền lực trên các nền tảng trực tuyến.[22] Các tập đoàn như Google, Apple, Amazon, Meta (trước đây là Facebook) chịu sự giám sát chặt chẽ từ nhà nước để đảm bảo rằng các họ không lạm dụng vị thế độc quyền nhằm kiểm soát thị trường. Như đã đề cập, Đạo luật Sherman và Đạo luật Clayton vẫn được áp dụng trong môi trường công nghệ số, nhưng cũng có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng thách thức mới, đặc biệt là về sinh thái dữ liệu trên nền tảng số. Cụ thể, trên cơ sở quy định của hai đạo luật này,vụ kiện United States v. Google LLC (2020) đã được Chính phủ thực hiện với cáo buộc Google lạm dụng vị thế độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo kỹ thuật số. Chính phủ khẳng định rằng Google đã thực hiện các hành vi vi phạm Sherman Antitrust Act, như trả tiền cho các nhà sản xuất thiết bị để thiết lập Google làm công cụ tìm kiếm mặc định, qua đó duy trì quyền kiểm soát gần 90% thị phần tìm kiếm.[23]

Ngoài việc kiểm soát hành vi độc quyền truyền thống, một khía cạnh quan trọng khác là sự phát triển của các quy định liên quan đến dữ liệu và cạnh tranh trên nền tảng trực tuyến. Nắm giữ và thao túng dữ liệu, thông tin cá nhân người dùng đã trở thành công cụ tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các công ty lớn về công nghệ (Big Tech), dẫn đến sự cần thiết phải đưa thêm các nguyên tắc về quyền bảo mật dữ liệu, thông và minh bạch vào luật cạnh tranh. Đạo luật Sherman đã được áp dụng để xử lý các hành vi thâu tóm dữ liệu nhằm tăng cường sức mạnh độc quyền, Cụ thể vụ án FTC v. Meta Platforms, Inc. (2020), trong đó chính phủ kiện Facebook vì hành vi mua lại các đối thủ cạnh tranh như Instagram và WhatsApp để loại bỏ sự cạnh tranh từ các nền tảng nhỏ. Chiến lược thâu tóm này của Meta, theo FTC, không chỉ hạn chế sự đổi mới mà còn tận dụng dữ liệu của hàng tỷ người dùng để duy trì quyền lực thống trị trên thị trường quảng cáo và truyền thông xã hội.[24]

Hơn nữa, các dự thảo luật mới đã được đề xuất, điển hình là American Innovation and Choice Online Act vào năm 2021 (AICOA Act) do Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (thuộc Đảng Dân chủ) và Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (thuộc Đảng Cộng hoà) đã cùng nhau đề xuất một giải pháp nhằm tăng cường cạnh tranh trực tuyến và hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn, được coi là “người gác cổng kỹ thuật số”. Mục tiêu của dự luật bao gồm việc mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối thủ cạnh tranh mới và thúc đẩy sự minh bạch trong các quy định cạnh tranh trực tuyến.[25] Theo đó dự luật này cấm các tập đoàn như Amazon hay Apple thao túng thị trường bằng cách ưu tiên sản phẩm của chính họ trên các nền tảng mà họ sở hữu, ví dụ như việc Amazon ưu tiên hiển thị sản phẩm nhãn hàng riêng của mình trước các nhà bán hàng khác. Mặc dù hiện nay, dự thảo AICOA Act vẫn chưa được thông qua,[26] nhưng đã đóng vai trò lớn trong việc định hướng chính sách, thúc đẩy tranh luận xã hội, gia tăng áp lực cải cách đối với ngành công nghệ tại Hoa Kỳ và minh chứng cho làn sóng mới chống độc quyền và nỗ lực cân bằng giữa đổi mới công nghệ với bảo vệ cạnh tranh công bằng.[27]

Những thay đổi này không chỉ điều chỉnh hành vi cạnh tranh trực tiếp mà còn bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ khỏi áp lực bị Big Tech loại bỏ khỏi thị trường.

3.2.2. Gợi ý cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm Hoa Kỳ trong việc kiểm soát các Big Tech và điều chỉnh cạnh tranh trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh nhằm ứng phó với các thách thức từ quá trình chuyển đổi số.

Đầu tiên, Việt Nam cần tập trung xây dựng và thực thi những quy định chặt chẽ để giám sát các hành vi độc quyền trong các ngành công nghệ số, đặc biệt là các tập đoàn nắm giữ vị thế thống trị thị trường như nền tảng thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm, hay mạng xã hội. Tương tự như vụ việc United States v. Google LLC (2020) tại Hoa Kỳ, khi Google bị cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền để thao túng thị trường tìm kiếm và quảng cáo kỹ thuật số, Việt Nam cần đảm bảo rằng các BigTech, bao gồm cả các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam, không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như loại bỏ đối thủ thông qua thâu tóm hoặc áp đặt các điều kiện hạn chế quyền của bên thứ ba trên nền tảng của mình.

Ngoài ra, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chuyên biệt tập trung vào sức mạnh của dữ liệu trong cạnh tranh cũng là hết sức cần thiết. Từ vụ kiện FTC v. Facebook (2020), trong đó FTC cáo buộc Facebook dùng chiến lược thâu tóm Instagram và WhatsApp để củng cố vị thế độc quyền bằng cách khai thác dữ liệu của hàng tỷ người dùng. Việt Nam có thể tham khảo để bổ sung các quy định liên quan đến việc sử dụng dữ liệu một cách bình đẳng, minh bạch và có thêm quy định rõ ràng về việc lợi dụng dữ liệu như một công cụ tạo ra sự bất bình đẳng hoặc ngăn cản sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới, đồng thời đảm bảo quyền riêng tư và quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tham khảo đề xuất xây dựng luật như AICOA Act, để kiểm soátcác nền tảng số hoạt động như một “vừa là sân chơi, vừa là người chơi”. Theo đó, cần có quy định ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp sở hữu nền tảng số ưu tiên sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, gây bất lợi cho các bên thứ ba. Ví dụ, các doanh nghiệp lớn như sàn thương mại điện tử hoặc ứng dụng đặt hàng trực tuyến không được phép ưu tiên hiển thị để thị phần của mình chiếm ưu thế so với các nhà cung cấp nhỏ lẻ hoặc mới nổi. Quy định này nhằm bảo vệ sự công bằng của thị trường số và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được phát triển.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần bổ sung các quy định liên quan đến công nghệ mới như AI, blockchain, và hợp đồng thông minh (smart contracts, bởi đây là những lĩnh vực có khả năng tạo ra các cơ chế thị trường sáng tạo, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các vấn đề mới về cạnh tranh.Thực tế cho thấy, nhiều công nghệ mới như AI và blockchain có thể được sử dụng để thiết lập các thế độc quyền mềm hoặc tạo ra rào cản không lành mạnh trên thị trường. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu, thông tin người tiêu dùng không minh bạch, phân biệt giá cả hoặc thao túng hành vi tiêu dùng, dẫn đến sự méo mó của thị trường. Blockchain và hợp đồng thông minh cũng mở ra những thách thức với việc giám sát giao dịch và việc thực thi pháp luật khi các giao dịch này diễn ra ngoài phạm vi quản lý truyền thống.[28] Vì vậy, pháp luật cần có quy định không chỉ để bảo vệ sự sáng tạo và phát triển công nghệ mà còn để ngăn chặn những hành vi lạm dụng, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

3.3. Những điểm mới về Luật Sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ trong cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam

3.3.1. Những điểm mới

Cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ AI, blockchain, IoT và các nền tảng số đã phát sinh các vấn đề của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) như quyền sở hữu tác phẩm được tạo ra bởi AI, bảo vệ các tài sản trí tuệ trong môi trường số, và mở rộng phạm vi bảo vệ sáng chế liên quan đến công nghệ tiên tiến.

Trước hết, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm được tạo ra bởi AI. Theo Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ (U.S. Copyright Act, 17 U.S.C.), các tác phẩm do con người sáng tạo được công nhận quyền tác giả và được pháp luật bảo vệ nhưng không trực tiếp điều chỉnh đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Vụkiện Thaler v. Hhfeld (2021) đã làm rõ vấn đề này, khi Stephen Thaler là nhà sáng chế AI có tên DABUS, đệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho các phát minh do AI của ông tạo ra. Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) và sau đó là tòa án đã từ chối cấp bằng sáng chế, với lý do rằng một “nhà sáng chế” phải là một con người.[29] Phán quyết này được đánh giá là đưa các sản phẩm do AI tạo ra rơi vào “vùng xám” thiếu cơ chế bảo hộ rõ ràng.[30] Bởi các sản phẩm như sách, tranh vẽ, hay thiết kế công nghệ từ AI có nguy cơ bị sao chép tự do. Để giải quyết vấn đề này, giới chuyên gia đề xuất hai hướng: (1) cải cách luật sáng chế bằng cách công nhận quyền sở hữu kép (kết hợp giữa người tạo AI và người vận hành) cùng cơ chế đăng ký đặc biệt, hoặc (2) xem AI như một công cụ nâng cao để quyền sở hữu thuộc về người sử dụng cuối cùng.[31]

Tiếp đó, blockchain và tài sản kỹ thuật số cũng đặt ra các thách thức mới đối với Luật SHTT về bản quyền. Blockchain đã mở ra khả năng lưu giữ và bảo vệ các tài sản trí tuệ một cách phi tập trung, minh bạch, nhưng điều đó không loại trừ các hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng số. Đạo luật Bản quyền trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act – DMCA, 1998)[32] đã được áp dụng để xử lý các vi phạm bản quyền trực tuyến, điển hình như việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm trên nền tảng kỹ thuật số theo cơ chế “thông báo và gỡ bỏ” (notice-and-takedown) được quy định tại Section 512. Tuy nhiên, vụ kiện Capitol Records, LLC v. ReDigi Inc. (2018) đã cho thấy quy định hiện hành vẫn chưa đủ để điều chỉnh các giao dịch phức tạp trên môi trường số, khi ReDigi – một nền tảng kỹ thuật số cho phép người dùng tái bán nhạc số mà họ sở hữu – bị cáo buộc vi phạm bản quyền, dù nền tảng này tuyên bố rằng mình chỉ đơn thuần chuyển nhượng “quyền sở hữu hợp pháp” từ người bán sang người mua. Tòa án đã phán quyết việc nhân bản dữ liệu dù có mục đích gì đi nữa vẫn vi phạm bản quyền, điều này nhấn mạnh quy định luật hiện hành cần được sửa đổi và mở rộng để điều chỉnh phù hợp với các giao dịch kỹ thuật số mới.[33]

Thứ ba, công nghệ NFT (Non-Fungible Tokens) đã đặt ra vấn đề trong việc phân định ranh giới giữa quyền sở hữu token và bản quyền tác phẩm kỹ thuật số. Về bản chất, NFT chỉ xác nhận quyền sở hữu một phiên bản kỹ thuật số duy nhất của tác phẩm, nhưng không tự động chuyển giao quyền sao chép, phân phối hoặc thương mại hóa tác phẩm gốc, trừ khi được quy định rõ trong hợp đồng thông minh. [34] Tranh chấp tiêu biểu như vụ kiện Miramax, LLC v. Quentin Tarantino (2022)[35] đã làm rõ rủi ro pháp lý khi người bán NFT không có đủ quyền cấp phép liên quan đến bản quyền. Trong vụ này, Quentin Tarantino đã bị kiện bởi Miramax vì bán NFT liên quan đến kịch bản gốc của bộ phim “Pulp Fiction”, dù Miramax khẳng định rằng hãng mới là chủ sở hữu bản quyền nội dung. Đây là một ví dụ điển hình của sự mâu thuẫn giữa quyền sở hữu token (NFTs) và quyền tác giả đối với nội dung liên quan, cho thấy rõ thách thức hiện nay khi luật pháp chưa điều chỉnh chặt chẽ vấn đề này trong bối cảnh công nghệ blockchain phát triển. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị tích hợp Hợp đồng thông minh các điều khoản tự động, để làm rõ giới hạn quyền của NFT trong việc sao chép, phân phối hoặc chia sẻ lợi nhuận từ giao dịch. Điều này không chỉ tăng cường tính minh bạch mà còn giúp giảm tranh chấp pháp lý. Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các dự thảo đạo luật như NFT Licensing Clarification Act (2023) tại California đã được xây dựng để yêu cầu người bán công khai rõ ràng các quyền sở hữu trí tuệ đi kèm với NFT, đảm bảo thông tin minh bạch và quyền lợi cho người mua.[36] Ngoài ra, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cũng có khuyến nghị quan trọng trong tài liệu NFTs and Intellectual Property (2023). WIPO nhấn mạnh rằng quyền sở hữu token phải được tách biệt rõ ràng với quyền tác giả gốc, đồng thời yêu cầu các nền tảng NFT công khai các thông tin pháp lý liên quan nhằm hạn chế rủi ro.[37]

3.3.2. Gợi ý cho Việt Nam

Từ những điểm mới của Hoa Kỳ trong lĩnh vực luật SHTT trong CMCN 4.0, Việt Nam có thể tham khảo để hoàn thiện pháp luật về SHTT như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần xác định rõ quyền SHTT đối với tác phẩm tạo bởi AI, tham khảo từ phán quyết trong vụ Thaler v. Hhfeld (2021). Để tránh nguy cơ các sản phẩm AI rơi vào “vùng xám” pháp lý. Việt Nam có thể sửa đổi Luật SHTT hiện hành theo hai hướng: (1) công nhận quyền kép (kết hợp giữa người phát triển AI và người vận hành), hoặc (2) xem AI như công cụ hỗ trợ, trao quyền sở hữu cho người sử dụng cuối. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế đăng ký đặc biệt cho sáng chế AI, tương tự mô hình IPChain của EU, để quản lý một cách minh bạch.[38]

Thứ hai, Việt Nam cần bổ sung quy định về bảo vệ tài sản số và blockchain, tham khảo từ vụ Capitol Records v. ReDigi (2018). Theo đó, Việt Nam cần bổ sung khái niệm “bản sao hợp pháp (legal copy)” trong Luật SHTT và các văn bản dưới luật hiện hành để cho phép chuyển nhượng tài sản số mà không vi phạm. Bên cạnh đó, ứng dụng blockchain vào hệ thống đăng ký bản quyền sẽ giúp xác thực quyền sở hữu, ngăn chặn tranh chấp.

Thứ ba, tranh chấp NFT cần được giải quyết thông qua hợp đồng thông minh và luật chuyên biệt, tham khảo từ vụ kiện Miramax v. Tarantino (2022). Việt Nam nên có quy định tích hợp hợp đồng thông minh vào NFT, ghi rõ giới hạn quyền (ví dụ: chỉ quyền trưng bày, không sao chép thương mại). Đồng thời, xây dựng luật tài sản số dựa trên dự thảo NFT Licensing Clarification Act (2023) của Mỹ, yêu cầu công khai quyền SHTT đi kèm NFT. Kết hợp với khuyến nghị của WIPO, Việt Nam cũng cần tham gia WIPO Blockchain Taskforce để tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đào tạo doanh nghiệp về rủi ro pháp lý khi phát hành NFT.

3.4. Những điểm mới về lĩnh vực luật tài chính, chứng khoán, ngân hàng và tín dụng tại Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam

3.4.1. Những điểm mới

Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ như Fintech (công nghệ tài chính), blockchain, AI và tài sản kỹ thuật số trong cuộc CMCN 4.0 đã mang lại bước đột phá mang tính toàn cầu trong quá trình số hóa, tự động hóa hệ thống tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển của các công nghệ mới này cũng tạo ra hàng loạt khoảng trống pháp lý, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc thiết lập các quy định mới để quản lý. Tại Hoa Kỳ, các cơ quan như SEC, Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (Office of the Comptroller of the Currency - OCC) đã và đang phối hợp chặt chẽ để quản lý tài sản số và các giao dịch trực tuyến, hướng đến việc bảo vệ nhà đầu tư và duy trì tính minh bạch, ổn định của hệ thống tài chính.

Đặc biệt, Bitcoin và Ethereum – hai đồng tiền số có giá trị rất lớn và được thừa nhận nhận trong phạm vi toàn cầu là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong cách thức giao dịch tài chính hiện nay. Tuy nhiên, với đặc tính phi tập trung và thiếu sự quản lý của nhà nước, tiền điện tử đã gây ra mối lo ngại liên quan đến rửa tiền, trốn thuế, và tài trợ khủng bố. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng khung pháp lý hiện hành. Năm 2013, Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) đã ban hành hướng dẫn xác định các sàn giao dịch và nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử là “Money Services Businesses (MSBs)”, bắt buộc họ phải tuân thủ Đạo luật Ngân hàng bí mật (Bank Secrecy Act - BSA). Điều này bao gồm việc lưu giữ hồ sơ giao dịch, báo cáo các hoạt động nghi vấn và thực hiện kiểm tra danh tính khách hàng.[39] Đồng thời, Đạo luật Chống Rửa Tiền 2020 (Anti-Money Laundering Act of 2020, ALM Act) đã mở rộng phạm vi áp dụng của BSA để bao gồm mọi giao dịch tài sản kỹ thuật số, nhằm tăng cường quản lý thị trường và bảo vệ người dùng.[40]

Cùng với sự sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thì sự giám sát của các cơ quan như FinCEN, SEC đóng vai trò quan trọng giảm thiểu rủi ro liên quan tài chính số. Vụ kiện SEC v. Ripple Labs Inc. (2020) là một minh chứng rõ ràng. Theo đó, SEC cáo buộc Ripple Labs cùng hai lãnh đạo của công ty đã vi phạm luật chứng khoán liên bang bằng cách phát hành và phân phối token XRP mà không đăng ký dưới dạng chứng khoán. SEC lập luận rằng XRP là một chứng khoán theo tiêu chuẩn “Howey test” của Toà án Tối cao Hoa Kỳ thiết lập.[41] Theo đó, một giao dịch là chứng khoán nếu thỏa mãn bốn yếu tố: (1) có đầu tư tiền bạc, (2) vào một doanh nghiệp chung, (3) có kỳ vọng thu lợi nhuận và (4) lợi nhuận chủ yếu đến từ nỗ lực của bên khác. Ngược lại, Ripple khẳng định XRP không phải chứng khoán mà là tài sản kỹ thuật số phi tập trung, đồng thời lập luận rằng SEC đã không cung cấp các hướng dẫn rõ ràng về quy định đối với tiền điện tử. Ngày 13/7/2023, tòa án liên bang tại Quận Nam New York đã ra phán quyết rằng XRP không phải chứng khoán khi được bán trên thị trường thứ cấp (ví dụ: sàn giao dịch tiền điện tử), nhưng lại là chứng khoán trong các lần bán trực tiếp cho tổ chức đầu tư. Phán quyết này được xem là chiến thắng quan trọng của Ripple, nhưng cũng công nhận quyền giám sát của SEC đối với giao dịch tài sản kỹ thuật số trong một số trường hợp cụ thể.[42] Đến nay, vụ kiện này vẫn chưa kết thúc và sẽ kéo dài nếu có kháng cáo,[43] nhưng phán quyết của Tòa án liên bang tại Quận Nam New York đã xác lập một số nguyên tắc pháp lý quan trọng, có lợi cho Ripple, nhưng cũng tạo tiền lệ cho SEC đối với các trường hợp bán tài sản số cho nhà đầu tư tổ chức.

Thêm vào đó, các nền tảng fintech và giải pháp thanh toán trực tuyến như Robinhood, PayPal và Square đang phát triển nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống tài chính truyền thống. Nhờ môi trường số hóa, chúng cung cấp các dịch vụ giao dịch, cho vay và đầu tư hoàn toàn trực tuyến, thay đổi cách người tiêu dùng tiếp cận tài chính. Robinhood, một nền tảng giao dịch chứng khoán nổi bật với triết lý “miễn phí hoa hồng”, là một minh chứng điển hình. Theo đó, trong vụ khủng hoảng GameStop (2021), Robinhood đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư cá nhân đồng loạt mua cổ phiếu GameStop, gây ra hiện tượng tăng giá đột biến. Đối mặt với biến động, Robinhood hạn chế giao dịch cổ phiếu này, làm dấy lên tranh cãi lớn về quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ và vai trò của nền tảng. Kết quả là các cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ và sự giám sát chặt chẽ hơn từ SEC đối với các nền tảng fintech, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thị trường tài chính kỹ thuật số.[44] Đồng thời, Giấy phép Ngân hàng Fintech (Fintech Charter) đã được OCC triển khai vào năm 2016 nhằm tạo khung pháp lý cho các công ty fintech hoạt động như ngân hàng quốc gia. Fintech Charter giúp các công ty giảm chi phí xin giấy phép tại từng tiểu bang, không yêu cầu nhận tiền gửi và phải tuân thủ các quy định như quản lý rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng.[45] Tuy nhiên, điều này gây tranh cãi khi các ngân hàng truyền thống và các cơ quan quản lý bang lo ngại về tính công bằng và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Sau sự phản đối pháp lý ban đầu, chương trình tiếp tục mở rộng từ 2021 và được xem như biện pháp thúc đẩy đổi mới trong tài chính số.

3.4.2. Gợi ý cho Việt Nam

Từ những điểm mới đã nêu trên, để để xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật, quản lý hiệu quả tiền điện tử, tài chính số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam có thể tham khảo Hoa Kỳ một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, Việt Nam cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số tương tự như cách Hoa Kỳ đã triển khai thông qua các đạo luật như BSA và AML.Công nhận và quản lý tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số bằng pháp luật, quy định nghĩa vụ của các sàn giao dịch phải đăng ký, giám sát danh tính khách hàng, lưu giữ hồ sơ và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch của các giao dịch mà còn phòng ngừa các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền hoặc lừa đảo.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh giám sát hoạt động fintech và giao dịch tài chính thông qua việc thiết lập một cơ quan chuyên trách hoặc tăng cường quyền hạn cho Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Tham khảo từ vụ kiện SEC v. Ripple Labs Inc., Việt Nam có thể áp dụng các tiêu chí như “Howey test” để phân loại tài sản số và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý và ngăn chặn các lỗ hổng tài chính.

Thứ ba, Việt Nam cần phát triển cơ chế cấp phép đặc thù dành cho các công ty fintech, tương tự như Fintech Charter của Hoa Kỳ. Chính sách này sẽ cho phép các công ty fintech hoạt động hợp pháp mà không phải chịu những quy định phức tạp của ngân hàng truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới nhưng vẫn bảo đảm quản lý rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ tư, Việt Nam cần phải tăng cường tính minh bạch và bảo mật trong thị trường tài chính thông qua việc áp dụng công nghệ như blockchain để hạn chế gian lận, sai lệch dữ liệu. Việt Nam có thể thamkhảo từ kinh nghiệm Hoa Kỳ trong việc bắt buộc các tổ chức tài chính tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý về bảo mật thông tin cá nhân và chống thao túng thị trường để bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Thứ năm, từ vụ khủng hoảng GameStop - Robinhood, Hoa Kỳ đã cho thấy sự cần thiết trong việc áp dụng các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân trước sự chi phối của các nền tảng giao dịch. Việt Nam cần ban hành các quy định tương tự để hạn chế nguy cơ thao túng thị trường từ những nền tảng giao dịch kỹ thuật số.

3.5. Những điểm mới về Luật Thuế của Hoa Kỳ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và gợi ý cho Việt Nam

3.5.1. Những điểm mới

Sự phát triển của tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số trong cuộc CMCN 4.0 đã buộc các nhà làm luật Hoa Kỳ phải điều chỉnh các quy định pháp luật để quản lý hiệu quả các giao dịch tài sản kỹ thuật số và đảm bảo nghĩa vụ thuế của các chủ thể. Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (Internal Revenue Service - ) đã có quyđịnh cụ thể nhằm đưa tiền điện tử vào hệ thống quản lý thuế thông qua các hướng dẫn.

Theo quy định của , tiền điện tử được coi là một loại tài sản (property) mà không phải tiền tệ, điều này có nghĩa là các giao dịch mua, bán hoặc trao đổi tiền điện tử đều phải tính thuế lợi tức hoặc lỗ tùy thuộc vào giá trị gia tăng của tài sản đó tại thời điểm giao dịch ( Notice 2014-21). Quy định này tương tự như cách tính thuế đối với cổ phiếu hoặc bất động sản.[46] Ví dụ, nếu một cá nhân mua Bitcoin ở mức giá $10,000 và bán nó với giá $15,000, khoản lợi nhuận $5,000 sẽ được tính là thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường tiền điện tử đã khiến nhận thấy nhiều nhà đầu tư không tuân thủ nghĩa vụ thuế. Năm 2016, trên cơ sở quy định Notice 2014-21, đã khởi kiện Coinbase (một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới) tại Tòa án Quận Bắc California về việc phải cung cấp thông tin về người dùng đã thực hiện các giao dịch lớn tại Coinbase để xem xét liệu người dùng có tuân thủ nghĩa vụ thuế hay không. Coinbase đã phản đối yêu cầu này, nhưng đến năm 2017, Tòa án Quận Bắc California đã phán quyết Coinbase phải cung cấp thông tin về khoảng 14.000 tài khoản người dùng có các giao dịch trị giá trên $20,000 từ năm 2013-2015 cho .[47] Vụ kiện này có ý nghĩa khẳng định quyền của trong việc yêu cầu cung cấp thông tin từ các sàn giao dịch tiền điện tử để thu thập dữ liệu về người dùng nhằm chống trốn thuế và giúp các nhà làm luật Hoa Kỳ nhận ra những khoảng trống pháp lý trong việc giám sát thị trường tiền điện tử. Trên cơ sở đó, Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm (Infrastructure Investment and Jobs Act 2021), do Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 11/2021,[48] đã quy định các sàn giao dịch tiền điện tử có nghĩa vụ báo cáo thông tin giao dịch chi tiết của người dùng cho theo Mẫu 1099-B tương tự như các công ty môi giới chứng khoán nhằm quản lý một cách toàn diện, nhanh chóng và loại bỏ hạn chế từ cách thức truy xuất dữ liệu riêng lẻ trước đây với các trát đòi thông tin và phán quyết từ tòa án khiến cho việc kiểm soát giao dịch để thu thuế không hiệu quả.

Trong giai đoạn 2023–2024, tiếp tục quy định tiền điện tử là tài sản chịu thuế, áp dụng thuế lãi vốn hoặc thu nhập thường tuỳ theo loại giao dịch. Đáng chú ý, đã mở rộng định nghĩa “người môi giới” (broker) để bao gồm các sàn giao dịch tiền điện tử, nền tảng DeFi và các tổ chức trung gian liên quan, buộc các đơn vị này phải báo cáo chi tiết giao dịch của khách hàng cho cơ quan thuế từ năm 2025. Biểu mẫu khai thuế 2023 cũng bổ sung câu hỏi về tài sản kỹ thuật số trên tờ khai 1040, yêu cầu người nộp thuế công khai mọi giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Những cập nhật này thể hiện nỗ lực của trong việc tăng cường giám sát, minh bạch hóa và mở rộng phạm vi quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch tiền điện tử cũng như tài sản kỹ thuật số tại Hoa Kỳ.[49]

Đáng chú ý, sự phát triển nền kinh tế số đã thúc đẩy sự hợp tác giữa và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm thiết lập các nguyên tắc thuế quốc tế mới. Tiêu biểu là sáng kiến “Suy giảm cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận 2.0” (Base Erosion and Profit Shifting – BEPS 2.0),[50] gồm hai trụ cột quan trọng được hơn 135 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên OECD đồng thuận thực hiện: (1) thay đổi nguyên tắc thu thuế bằng cách đánh thuế dựa trên địa điểm kinh doanh, thay vì nơi đăng ký công ty. Điều này đảm bảo các công ty đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số như Amazon và Google, phải nộp thuế công bằng ở các quốc gia nơi lợi nhuận được tạo ra. Trụ cột này yêu cầu phân bổ lại phần lợi nhuận vượt ngưỡng các quốc gia có nguồn tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ;[51] (2) quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, yêu cầu các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro mỗi năm trở lên phải chịu mức thuế tối thiểu là 15%. Quy định này nhằm ngăn chặn suy giảm cơ sở thuế khi các công ty chuyển lợi nhuận tới các “thiên đường thuế” để giảm gánh nặng thuế.[52] Điều này góp phần ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn thu thuế, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế bền vững của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, việc chủ động tham gia và định hình các nguyên tắc thuế quốc tế củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trong quản trị kinh tế số.

3.5.2. Gợi ý cho Việt Nam

Từ những điểm mới của Hoa Kỳ đã nêu trên, để hoàn thiện pháp luật về thuế trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số thì Việt Nam cần lưu ý những nội dung sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hiệu quả thị trường tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số. Tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ với hướng dẫn Notice 2014-21, Việt Nam có thể xem xét quy định tiền điện tử là “tài sản” (property), thay vì đơn thuần coi là tiền tệ. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý để quản lý các giao dịch tiền điện tử, tính thuế dựa trên lợi nhuận hoặc lỗ từ các giao dịch, tương tự cách đánh thuế thu nhập vốn từ cổ phiếu hoặc bất động sản. Quy định này sẽ lấp đầy khoảng trống pháp lý hiện nay, đảm bảo việc thu thuế minh bạch và hiệu quả từ các cá nhân và tổ chức đầu tư vào tiền điện tử.

Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường năng lực giám sát và thu thập dữ liệu giao dịch tiền điện tử. Như Hoa Kỳ đã làm với vụ kiện Coinbase, Việt Nam có thể nghiên cứu ban hành quy định bắt buộc các sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động trong nước phải cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản và giao dịch của người dùng cho cơ quan thuế. Các sàn giao dịch toàn cầu mà người dùng Việt Nam tham gia cũng có thể bị yêu cầu cung cấp dữ liệu theo các thỏa thuận quốc tế. Việc áp dụng báo cáo thuế tự động (tương tự Mẫu 1099-B tại Hoa Kỳ) sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ trốn thuế hoặc thực hiện giao dịch không minh bạch.

Thứ ba, Việt Nam cần chủ động tham gia và học hỏi từ các sáng kiến quốc tế như BEPS 2.0 của OECD, đặc biệt liên quan đến việc đánh thuế các công ty đa quốc gia trong nền kinh tế kỹ thuật số. Trụ cột 1 có thể là giải pháp để Việt Nam đánh thuế công bằng các tập đoàn xuyên quốc gia tạo ra doanh thu lớn từ người tiêu dùng Việt Nam (như Google, Facebook, Amazon), dù không có trụ sở ở Việt Nam. Trụ cột 2 với quy định thuế tối thiểu toàn cầu 15% cũng là một tham khảo quan trọng nhằm ngăn chặn việc các công ty sử dụng Việt Nam làm nơi chuyển dịch lợi nhuận để giảm thuế bất hợp pháp.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền điện tử, tài sản kỹ thuật số và thu thuế quốc tế. Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế như OECD, cũng như các diễn đàn chia sẻ thông tin tài chính và thuế (như CRS - Common Reporting Standard, FATCA). Sự hợp tác này không chỉ giúp đảm bảo dòng chảy thông tin minh bạch giữa các quốc gia mà còn hỗ trợ Việt Nam xử lý những trường hợp trốn thuế xuyên quốc gia.

4. Kết luận

CMCN 4.0 mang lại những thay đổi lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặt ra thách thức lớn cho các hệ thống pháp luật. Những thay đổi trong pháp luật kinh tế của Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, tài chính, và thuế, thể hiện một sự chủ động trong việc điều chỉnh để thích ứng với những mô hình kinh tế mới. Các quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý các Big Tech, và việc tích hợp các công nghệ mới như blockchain, tiền kỹ thuật số đã giúp Hoa Kỳ vừa kiểm soát rủi ro vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ kinh tế.

Đối với Việt Nam, bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đòi hỏi một hệ thống pháp luật linh hoạt, hiện đại và tiên tiến. Việc tham khảo từ Hoa Kỳ, kết hợp với tình hình thực tiễn trong nước, có thể mang lại những định hướng quan trọng trong việc sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật. Việt Nam cần tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, tăng cường quản lý tài sản kỹ thuật số, và hoàn thiện chính sách thuế, từ đó xây dựng một nền kinh tế bền vững, minh bạch và công bằng. Sự thay đổi kịp thời của các quy định pháp luật không chỉ giúp Việt Nam thích nghi hiệu quả với các thách thức mà còn tạo điều kiện để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, lãnh đạo và tổ chức thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. International Monetary Fund, World Economic Outlook Database: Gross Domestic Product (GDP), October 2010, https://www.imf.org/en/Publications/WEO (last visited Feb. 25, 2025).

2. National Science Foundation, Science and Engineering Indicators 2012: Research and Development, https://www.nsf.gov/statistics/seind12/ last visited Feb. 25, 2025).

3. Congressional Budget Office, The Budget and Economic Outlook: An Update, August 2010, https://www.cbo.gov/publication/21670 (last visited Feb. 25, 2025).

4. World Intellectual Property Organization (WIPO), World Intellectual Property Indicators 2010, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/intproperty/941/wipo_pub_941_2010.pdf (last visited Feb. 25, 2025).

5. United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD), World Investment Report 2010, https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/wir2010_en.pdf (last visited Feb. 25, 2025).

6. U.S. Congress, Emergency Economic Stabilization Act of 2008, Public Law, https://www.congress.gov/110/plaws/publ343/PLAW-110publ343.htm (last visited Feb. 25, 2025).

7. U.S. Congress, Sarbanes-Oxley Act of 2002, Public Law, https://www.congress.gov/bill/107th-congress/house-bill/3763 (last visited Feb. 25, 2025).

8. U.S. Congress, Electronic Signatures in Global and National Commerce Act of 2000, https://www.congress.gov/bill/106th-congress/senate-bill/761 (last visited Feb. 25, 2025).

9. Justia, Specht v. Netscape Communications Corp., available at https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/FSupp2/150/585/2468233/ (last visited Feb. 25, 2025).

10. Federal Trade Commission, Consumer Protection, available at https://www.ftc.gov/consumer-protection (last visited Feb. 25, 2025).

11. Justia, FTC v. LeadClick Media, LLC, No. 15-1009 (2d Cir. 2016), available athttps://law.justia.com/cases/federal/appellate-courts/ca2/15-1009/15-1009-2016-09-23.html (last visited Feb. 25, 2025).

12. Uniform Electronic Transactions Act (1999), https://www.uniformlaws.org (last visited Apr. 10, 2022).

13. Nguyen v. Barnes & Noble Inc., No. 12-56628, 763 F.3d 1171 (9th Cir. 2014), available at https://cdn.ca9.uscourts.gov/datastore/opinions/2014/08/18/12-56628.pdf (last visited Feb. 25, 2025).

14. Federal Trade Commission, The CAN-SPAM Act: A Compliance Guide for Business (2003), https://www.ftc.gov/business-guidance/resources/can-spam-act-compliance-guide-business (last visited Feb. 25, 2025).

15. Xia Liu & Hong Zhao, Consumer Privacy Risks and Privacy Protection in the Era of Artificial Intelligence, 13 J. Sys. Sci. & Info. 187 (2025), https://doi.org/10.12012/JSSI-2023-0050.

16. AB-375, Privacy: Personal Information: Businesses, California State Legislature (2018), available at https://leginfo.legislature.ca.gov/faces/billTextClient.xhtml?bill_id=201720180AB375 (last visited Feb. 25, 2025).

17. David Shepardson, Facebook to pay record $5 billion U.S. fine over privacy; faces antitrust probem, Thomson Reuters, available at https://www.reuters.com/article/technology/facebook-to-pay-record-5-billion-us-fine-over-privacy-faces-antitrust-probe-idUSKCN1UJ1L9/ (last visited Feb. 25, 2025).

18. Ihtesham Makhdoom, Inayatullah Zhou, Mehdi Abolhasan, Jason Lipman & Wei Ni, PrivySharing: A Blockchain-Based Framework for Privacy-Preserving and Secure Data Sharing in Smart Cities, Computers & Security (2020), https://doi.org/10.1016/J.COSE.2019.101653

16. Nguyễn Văn Thái, Giao dịch điện tử: 'Chốt đơn' trên zalo, facebook... có giá trị pháp lý? (2024), Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, truy cập tại https://plo.vn/giao-dich-dien-tu-chot-don-tren-zalo-facebook-co-gia-tri-phap-ly-post804344.html (truy cập ngày 18/08/2024).

20. Chính phủ, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân (2023), Thư viện pháp luật, truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-13-2023-ND-CP-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-465185.aspx. (truy cập ngày 26/02/2025)

21. Pınar Çağlayan Aksoy, Smart Contracts: To Regulate or Not? Global Perspectives, Law and Financial Markets Review 212, 212–41 (2022).

22. Katherine Brand, Christopher Garmon & Tyler Rosenbaum, In the Shadow of Antitrust Enforcement: Price Effects of Hospital Mergers from 2009 to 2016, 66 J.L. & ECON. 639 (2023).

23. United States v. Google LLC, No. 1:20-cv-03010 (D.D.C. filed Oct. 20, 2020), available athttps://www.justice.gov/atr/media/1378036/dl?inline (last visited Feb. 26, 2025).

24. Federal Trade Commission v. Meta Platforms, Inc., No. 1:2020cv03590, Doc. 384 (D.D.C. 2024), available at https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/district-of-columbia/dcdce/1:2020cv03590/224921/384/ (last visited Feb. 27, 2025).

25. Sen. Amy Klobuchar & Sen. Chuck Grassley, American Innovation and Choice Online Act, H.R. 3780, 117th Cong. (2021), available at https://www.congress.gov/bill/117th-congress/house-bill/3780 (last visited Feb. 27, 2025).

26. Bloomberg Law, Landmark U.S. Antitrust Bill for Big Tech Stalls in Congress (Jan. 2024), https://news.bloomberglaw.com/antitrust/landmark-u-s-antitrust-bill-for-big-tech-stalls-in-congress

27. Robert W. Crandall & Thomas W. Hazlett, Antitrust in the Information Economy: Digital Platform Mergers, 65 J.L. & ECON. S499 (2022).

28. European Union Blockchain Observatory and Forum, Blockchain and the Law: Assessing the Legal and Regulatory Framework (2022), available at https://www.eublockchainforum.eu/.

29. Thaler v. Hhfeld, No. 1:20-cv-903, 2021 WL 393700 (E.D. Va. Feb. 3, 2021), https://dockets.justia.com/docket/circuit-courts/cafc/21-2347

30. The Evolving Landscape of IP Law in the Age of AI, ABC Legal Blog (Feb. 15, 2023), http://www.abclegal.com/blog/the-evolving-landscape-of-ip-law-in-the-age-of-ai.

31. WIPO, Artificial Intelligence and Intellectual Property Policy (2020), https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=4516.

32. Digital Millennium Copyright Act, Pub. L. No. 105-304, 112 Stat. 2860 (1998) (codified as amended at 17 U.S.C. §§ 512, 1201–1205).

33. Capitol Recs., LLC v. ReDigi Inc., 934 F.3d 649 (2d Cir. 2019),https://law.justia.com/cases/federal/appellate-courts/ca2/16-2321/16-2321-2018-12-12.html

34. Roc-A-Fella Recs., Inc. v. Damon Dash, No. 1:21-cv-05411 (S.D.N.Y. 2021), https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/new-york/nysdce/1:2021cv05411/562168/86/

35. Miramax, LLC v. Quentin Tarantino, No. 2:22-cv-08979 (C.D. Cal. 2022), https://grr.com/publications/the-nft-wars-ft-came-the-nfts-then-came-the-lawsuits-jay-z-lil-yachty-miramax-nike-and-hermes-file-nft-related-infringement-lawsuits/

36. NFT Licensing Clarification Act (Cal. 2023) (proposed) , https://www.lawoftheledger.com/2024/10/articles/nfts/new-california-law-targets-sellers-of-digital-goods-applicability-to-nfts-is-uncertain/

37. World Intellectual Prop. Org. [WIPO], NFTs and Intellectual Property: Considerations for Creators and Platforms 14 (2023), https://www.wipo.int/nft-guide

38. European Union Intellectual Property Office (EUIPO), EUIPO Authentication Blockchain Infrastructure Enters a Promotion Phase, EUIPO, https://www.euipo.europa.eu/sv/news/observatory/euipo-authentication-blockchain-infrastructure-enters-a-promotion-phase (last visited Mar. 24, 2025).

39. Financial Crimes Enforcement Network, Guidance on Virtual Currencies and Money Services Businesses, FIN-2013-G001 (Mar. 18, 2013).

40. Anti-Money Laundering Act of 2020, Pub. L. No. 116-283, §§ 6101-6110, 134 Stat. 3388 (2021), https://www.congress.gov/crs-product/R47255.

41. The Howey Test: Is Your Crypto Token a Security?, Gordon Law Group (last visited Oct. 12, 2023), https://gordonlaw.com/learn/howey-test-is-your-token-security/.

42. Securities and Exchange Commission v. Ripple Labs Inc. et al., No. 1:20-cv-10832, Document 103 (S.D.N.Y. 2021), https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/new-york/nysdce/1:2020cv10832/551082/103/.

43. Jody Godoy, U.S. Judge Rejects SEC Bid to Appeal Ripple Labs Crypto Case, REUTERS (Oct. 3, 2023), https://www.reuters.com/legal/us-judge-rejects-sec-bid-appeal-ripple-labs-crypto-case-2023-10-03/

44. Game Stopped? Who Wins and Loses When Short Sellers, Social Media, and Retail Investors Collide: Hearing Before the H. Comm. on Financial Services, 117th Cong. (2021),https://www.congress.gov/event/117th-congress/house-event/112590

44. Office of the Comptroller of the Currency, Exploring Special Purpose National Bank Charters for FinTech Companies (Dec. 2016), https://www.icba.org/our-positions-a-z/previous/fintech-charter

45. Notice 2014-21, I.R.S., 2014, available at https://www..gov/individuals/international-taxpayers/frequently-asked-questions-on-virtual-currency-transactions.

46. Coinbase, Inc. v. Internal Revenue Serv., No. 17-cv-01431-JST (N.D. Cal. Nov. 28, 2017), available at https://www.law.cornell.edu/courtdecisions/summary/coinbase-v-.

47. Infrastructure Investment and Jobs Act, Pub. L. No. 117-58, 135 Stat. 429 (2021), available at https://www.congress.gov.

48. Internal Revenue Serv., Frequently Asked Questions on Virtual Currency Transactions (2024), https://www..gov/businesses/small-businesses-self-employed/virtual-currencies

49. OECD, Global Anti-Base Erosion Model Rules (Pillar Two), OECD (2023), https://www.oecd.org/en/topics/sub-issues/global-minimum-tax/global-anti-base-erosion-model-rules-pillar-two.html.

50. KPMG, BEPS 2.0: Pillar One and Pillar Two, KPMG (2023), https://kpmg.com/xx/en/our-insights/risk-and-regulation/beps-2-0-pillar-one-and-pillar-two.html.

51. Tax Policy Center, What are OECD Pillar 1 and Pillar 2 international taxation reforms, Tax Policy Center (2023), https://taxpolicycenter.org/briefing-book/what-are-oecd-pillar-1-and-pillar-2-international-taxation-reforms.

* TS. Nguyễn Thành Luân - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Đại Nam

Email: nguyenthanhluan@dainam.edu.vn; thanhluanbdbp@gmail.com

[1] International Monetary Fund, World Economic Outlook Database: Gross Domestic Product (GDP), October 2010, https://www.imf.org/en/Publications/WEO (last visited Feb. 25, 2025).

[2] National Science Foundation, Science and Engineering Indicators 2012: Research and Development, https://www.nsf.gov/statistics/seind12/last visited Feb. 25, 2025).

[3] Congressional Budget Office, The Budget and Economic Outlook: An Update, August 2010, https://www.cbo.gov/publication/21670 (last visited Feb. 25, 2025).

[4] World Intellectual Property Organization (WIPO), World Intellectual Property Indicators 2010, https://www.wipo.int/edocs/pubdocs/en/intproperty/941/wipo_pub_941_2010.pdf (last visited Feb. 25, 2025).

[5] United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD), World Investment Report 2010, https://unctad.org/en/PublicationsLibrary/wir2010_en.pdf (last visited Feb. 25, 2025).

[6] U.S. Congress, Emergency Economic Stabilization Act of 2008, Public Law, https://www.congress.gov/110/plaws/publ343/PLAW-110publ343.htm (last visited Feb. 25, 2025).

[7] U.S. Congress, Sarbanes-Oxley Act of 2002, Public Law, https://www.congress.gov/bill/107th-congress/house-bill/3763 (last visited Feb. 25, 2025).

[8]U.S. Congress, Electronic Signatures in Global and National Commerce Act of 2000, https://www.congress.gov/bill/106th-congress/senate-bill/761 (last visited Feb. 25, 2025).

[9] Justia, Specht v. Netscape Communications Corp., available at https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/FSupp2/150/585/2468233/(last visited Feb. 25, 2025).

[10] Federal Trade Commission, Consumer Protection, available at https://www.ftc.gov/consumer-protection (last visited Feb. 25, 2025).

[11] Justia, FTC v. LeadClick Media, LLC, No. 15-1009 (2d Cir. 2016), available at https://law.justia.com/cases/federal/appellate-courts/ca2/15-1009/15-1009-2016-09-23.html (last visited Feb. 25, 2025).

[12] Uniform Electronic Transactions Act (1999), https://www.uniformlaws.org (last visited Apr. 10, 2022).

[13] Nguyen v. Barnes & Noble Inc., No. 12-56628, 763 F.3d 1171 (9th Cir. 2014), available at https://cdn.ca9.uscourts.gov/datastore/opinions/2014/08/18/12-56628.pdf (last visited Feb. 25, 2025).

[14] Federal Trade Commission, The CAN-SPAM Act: A Compliance Guide for Business (2003), https://www.ftc.gov/business-guidance/resources/can-spam-act-compliance-guide-business (last visited Feb. 25, 2025).

[15] Xia Liu & Hong Zhao, Consumer Privacy Risks and Privacy Protection in the Era of Artificial Intelligence, 13 J. Sys. Sci. & Info. 187 (2025), https://doi.org/10.12012/JSSI-2023-0050.

[16]AB-375, Privacy: Personal Information: Businesses, California State Legislature (2018), available at https://leginfo.legislature.ca.gov/faces/billTextClient.xhtml?bill_id=201720180AB375 (last visited Feb. 25, 2025).

[17] David Shepardson, Facebook to pay record $5 billion U.S. fine over privacy; faces antitrust probem, Thomson Reuters, available athttps://www.reuters.com/article/technology/facebook-to-pay-record-5-billion-us-fine-over-privacy-faces-antitrust-probe-idUSKCN1UJ1L9/ (last visited Feb. 25, 2025).

[18] Ihtesham Makhdoom, Inayatullah Zhou, Mehdi Abolhasan, Jason Lipman & Wei Ni, PrivySharing: A Blockchain-Based Framework for Privacy-Preserving and Secure Data Sharing in Smart Cities, Computers & Security (2020), https://doi.org/10.1016/J.COSE.2019.101653

[19] Nguyễn Văn Thái, Giao dịch điện tử: 'Chốt đơn' trên zalo, facebook... có giá trị pháp lý? (2024), Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, truy cập tại https://plo.vn/giao-dich-dien-tu-chot-don-tren-zalo-facebook-co-gia-tri-phap-ly-post804344.html (truy cập ngày 18/08/2024).

[20] Chính phủ, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân (2023), Thư viện pháp luật, truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-13-2023-ND-CP-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-465185.aspx. (truy cập ngày 26/02/2025)

[21] Pınar Çağlayan Aksoy, Smart Contracts: To Regulate or Not? Global Perspectives, Law and Financial Markets Review 212, 212–41 (2022).

[22] Katherine Brand, Christopher Garmon & Tyler Rosenbaum, In the Shadow of Antitrust Enforcement: Price Effects of Hospital Mergers from 2009 to 2016, 66 J.L. & ECON. 639 (2023).

[23] United States v. Google LLC, No. 1:20-cv-03010 (D.D.C. filed Oct. 20, 2020), available at https://www.justice.gov/atr/media/1378036/dl?inline (last visited Feb. 26, 2025).

[24] Federal Trade Commission v. Meta Platforms, Inc., No. 1:2020cv03590, Doc. 384 (D.D.C. 2024), available at https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/district-of-columbia/dcdce/1:2020cv03590/224921/384/ (last visited Feb. 27, 2025).

[25] Sen. Amy Klobuchar & Sen. Chuck Grassley, American Innovation and Choice Online Act, H.R. 3780, 117th Cong. (2021), available at https://www.congress.gov/bill/117th-congress/house-bill/3780 (last visited Feb. 27, 2025).

[26] Bloomberg Law, Landmark U.S. Antitrust Bill for Big Tech Stalls in Congress (Jan. 2024), https://news.bloomberglaw.com/antitrust/landmark-u-s-antitrust-bill-for-big-tech-stalls-in-congress

[27] Robert W. Crandall & Thomas W. Hazlett, Antitrust in the Information Economy: Digital Platform Mergers, 65 J.L. & ECON. S499 (2022).

[28] European Union Blockchain Observatory and Forum, Blockchain and the Law: Assessing the Legal and Regulatory Framework (2022), available at https://www.eublockchainforum.eu/.

[29] Thaler v. Hhfeld, No. 1:20-cv-903, 2021 WL 393700 (E.D. Va. Feb. 3, 2021), https://dockets.justia.com/docket/circuit-courts/cafc/21-2347

[30] The Evolving Landscape of IP Law in the Age of AI, ABC Legal Blog (Feb. 15, 2023), http://www.abclegal.com/blog/the-evolving-landscape-of-ip-law-in-the-age-of-ai.

[31] WIPO, Artificial Intelligence and Intellectual Property Policy (2020), https://www.wipo.int/publications/en/details.jsp?id=4516.

[32] Digital Millennium Copyright Act, Pub. L. No. 105-304, 112 Stat. 2860 (1998) (codified as amended at 17 U.S.C. §§ 512, 1201–1205).

[33] Capitol Recs., LLC v. ReDigi Inc., 934 F.3d 649 (2d Cir. 2019), https://law.justia.com/cases/federal/appellate-courts/ca2/16-2321/16-2321-2018-12-12.html

[34] Roc-A-Fella Recs., Inc. v. Damon Dash, No. 1:21-cv-05411 (S.D.N.Y. 2021), https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/new-york/nysdce/1:2021cv05411/562168/86/

[35] Miramax, LLC v. Quentin Tarantino, No. 2:22-cv-08979 (C.D. Cal. 2022), https://grr.com/publications/the-nft-wars-ft-came-the-nfts-then-came-the-lawsuits-jay-z-lil-yachty-miramax-nike-and-hermes-file-nft-related-infringement-lawsuits/

[36] NFT Licensing Clarification Act (Cal. 2023) (proposed) , https://www.lawoftheledger.com/2024/10/articles/nfts/new-california-law-targets-sellers-of-digital-goods-applicability-to-nfts-is-uncertain/

[37] World Intellectual Prop. Org. [WIPO], NFTs and Intellectual Property: Considerations for Creators and Platforms 14 (2023), https://www.wipo.int/nft-guide

[38] European Union Intellectual Property Office (EUIPO), EUIPO Authentication Blockchain Infrastructure Enters a Promotion Phase, EUIPO, https://www.euipo.europa.eu/sv/news/observatory/euipo-authentication-blockchain-infrastructure-enters-a-promotion-phase (last visited Mar. 24, 2025).

[39] Financial Crimes Enforcement Network, Guidance on Virtual Currencies and Money Services Businesses, FIN-2013-G001 (Mar. 18, 2013).

[40] Anti-Money Laundering Act of 2020, Pub. L. No. 116-283, §§ 6101-6110, 134 Stat. 3388 (2021), https://www.congress.gov/crs-product/R47255.

[41] The Howey Test: Is Your Crypto Token a Security?, Gordon Law Group (last visited Oct. 12, 2023), https://gordonlaw.com/learn/howey-test-is-your-token-security/.

[42] Securities and Exchange Commission v. Ripple Labs Inc. et al., No. 1:20-cv-10832, Document 103 (S.D.N.Y. 2021), https://law.justia.com/cases/federal/district-courts/new-york/nysdce/1:2020cv10832/551082/103/.

[43] Jody Godoy, U.S. Judge Rejects SEC Bid to Appeal Ripple Labs Crypto Case, REUTERS (Oct. 3, 2023), https://www.reuters.com/legal/us-judge-rejects-sec-bid-appeal-ripple-labs-crypto-case-2023-10-03/

[44] Game Stopped? Who Wins and Loses When Short Sellers, Social Media, and Retail Investors Collide: Hearing Before the H. Comm. on Financial Services, 117th Cong. (2021), https://www.congress.gov/event/117th-congress/house-event/112590

[45] Office of the Comptroller of the Currency, Exploring Special Purpose National Bank Charters for FinTech Companies (Dec. 2016),https://www.icba.org/our-positions-a-z/previous/fintech-charter

[46] Notice 2014-21, I.R.S., 2014, available at https://www..gov/individuals/international-taxpayers/frequently-asked-questions-on-virtual-currency-transactions.

[47] Coinbase, Inc. v. Internal Revenue Serv., No. 17-cv-01431-JST (N.D. Cal. Nov. 28, 2017), available at https://www.law.cornell.edu/courtdecisions/summary/coinbase-v-.

[48] Infrastructure Investment and Jobs Act, Pub. L. No. 117-58, 135 Stat. 429 (2021), available at https://www.congress.gov.

[49] Internal Revenue Serv., Frequently Asked Questions on Virtual Currency Transactions (2024), https://www..gov/businesses/small-businesses-self-employed/virtual-currencies

[50] OECD, Global Anti-Base Erosion Model Rules (Pillar Two), OECD (2023), https://www.oecd.org/en/topics/sub-issues/global-minimum-tax/global-anti-base-erosion-model-rules-pillar-two.html.

[51] KPMG, BEPS 2.0: Pillar One and Pillar Two, KPMG (2023), https://kpmg.com/xx/en/our-insights/risk-and-regulation/beps-2-0-pillar-one-and-pillar-two.html.

[52] Tax Policy Center, What are OECD Pillar 1 and Pillar 2 international taxation reforms, Tax Policy Center (2023), https://taxpolicycenter.org/briefing-book/what-are-oecd-pillar-1-and-pillar-2-international-taxation-reforms.

Cùng chuyên mục

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 phút trước

(PLPT) - Bài viết này phân tích những quy định pháp luật về khởi kiện dân sự đề thu hồi tài sản tham nhũng và các ví dụ liên quan đến thực tiễn tại một số quốc gia, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  15 phút trước

(PLPT) - Bài viết phân tích chính sách, pháp luật của một số quốc gia có chọn lọc gồm Trung Quốc và các nước EU về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, các quy định của Công ước BASEL về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép.

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luật hóa đối chứng trong tố tụng dân sự nhằm tăng tính minh bạch, công bằng và hiệu quả xét xử.

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích những điểm tiến bộ cũng như những thách thức phát sinh trong quá trình thực thi các quy định pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị có thể vận dụng vào bối cảnh Việt Nam, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản trị doanh nghiệp.

Khung pháp lý sàn giao dịch kinh doanh bất động sản trong thời đại số: Phân tích mô hình Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Khung pháp lý sàn giao dịch kinh doanh bất động sản trong thời đại số: Phân tích mô hình Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết này nghiên cứu pháp lý của sàn giao dịch kinh doanh bất động sản (BĐS) trong nền kinh tế thị trường hiện đại, với trọng tâm là mô hình tổ chức và điều tiết tại Trung Quốc, qua đó đề xuất định hướng sửa đổi pháp luật tại Việt Nam theo hướng minh bạch hóa, số hóa và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.

Điều chỉnh pháp luật đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Điều chỉnh pháp luật đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết phân tích sự chuyển dịch của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) từ một cam kết tự nguyện sang một yêu cầu pháp lý nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp đầu tư trong hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU - Mô hình trọng tài “thế hệ mới”

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết sẽ phân tích hai quan điểm học thuật chính về vấn đề này, làm rõ quan điểm của tác giả và đồng thời đánh giá khả năng áp dụng ITS tại Việt Nam.

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Mối quan hệ giữa công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại trong giải quyết tranh chấp của WTO

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết này khám phá mối quan hệ phức tạp giữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong bối cảnh các vụ kiện của Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) đặt ra vấn đề về sự xung đột giữa tự do thương mại và bảo vệ tài nguyên biển.