Nghiên cứu lý luận

Xung đột giữa biện pháp hạn chế xuất khẩu và mục tiêu phát triển bền vững: Bài học từ tranh chấp giữa Liên minh Châu Âu và Indonesia

Đinh Khương Duy Thứ năm, 09/01/2025 - 08:04
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Với mục tiêu tăng trưởng bền vững, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm bảo vệ tài nguyên, gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp nội địa và phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này thường dẫn đến xung đột pháp lý giữa các quốc gia, gây ra tranh chấp trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bài viết này phân tích khái niệm hạn chế xuất khẩu và xem xét tranh chấp DS592 giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Indonesia về các biện pháp hạn chế xuất khẩu quặng niken của Indonesia. Trên cơ sở những thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế xanh và chống bảo hộ thương mại, bài viết đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam trong việc xây dựng và thực thi chính sách thương mại.

Từ khoá: hạn chế xuất khẩu, phát triển bền vững, tranh chấp, thương mại quốc tế, WTO

Abstract: With the goal of sustainable growth, many countries implement export restrictions to protect resources, enhance the value of domestic industries, and promote a green economy. However, the application of these measures often leads to legal conflicts between nations, resulting in disputes within the framework of the World Trade Organization (WTO). This article analyzes the concept of export restrictions and examines the DS592 dispute between the European Union (EU) and Indonesia regarding Indonesia’s export restrictions on nickel ore. In light of the challenges in balancing green economic development and anti-protectionism, the article provides some implications for Vietnam in formulating and implementing trade policies.

Từ khoá: export restriction, sustainable development, dispute, international trade, WTO

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn và thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị nội địa. Các biện pháp như hạn ngạch, thuế xuất khẩu hay yêu cầu chế biến nội địa, thường được áp dụng để đảm bảo an ninh kinh tế, duy trì nguồn cung nội địa và phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu thường gây nên xung đột trên khuôn khổ quốc tế, đặc biệt là tại WTO, khi một số quốc gia cho rằng các biện pháp này là dạng bảo hộ thương mại trá hình, vi phạm các cam kết tự do hóa thương mại.[1]

Tranh chấp DS592: Indonesia — Các biện pháp liên quan đến nguyên liệu thô (sau đây được gọi ngắn gọn là DS592) giữa EU và Indonesia về lệnh cấm xuất khẩu quặng niken của Indonesia là một ví dụ điển hình cho thấy sự xung đột giữa quyền bảo vệ tài nguyên quốc gia và nguyên tắc tự do thương mại của WTO.[2] EU cho rằng các biện pháp của Indonesia vi phạm Điều XI:1 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994)[3], gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thép của EU, trong khi Indonesia xem đây là biện pháp cần thiết để phát triển công nghiệp chế biến và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Bài viết này sẽ tập trung phân tích các quy định của WTO về biện pháp hạn chế xuất khẩu, làm rõ quan điểm của các bên trong tranh chấp DS592 và đánh giá phán quyết của WTO trong vụ việc này. Cuối cùng, bài viết rút ra những bài học và gợi ý cho Việt Nam trong việc áp dụng các biện pháp tương tự, đảm bảo cân bằng giữa phát triển bền vững và tuân thủ cam kết quốc tế.

2. Tổng quan về biện pháp hạn chế xuất khẩu trong khuôn khổ WTO

2.1. Khái niệm biện pháp hạn chế xuất khẩu

Biện pháp hạn chế xuất khẩu là các chính sách hoặc quy định của nhà nước nhằm kiểm soát hoặc hạn chế số lượng, khối lượng hay loại hàng hóa được phép xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Các biện pháp này có thể dưới nhiều hình thức như hạn ngạch xuất khẩu, lệnh cấm xuất khẩu, thuế xuất khẩu hoặc các yêu cầu kỹ thuật, giấy phép xuất khẩu, yêu cầu chế biến nội địa, và các quy định về nguồn gốc xuất xứ.[4]

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu thường được lý giải dựa trên các lợi ích quốc gia và có nhiều mục đích khác nhau. Các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên ít dồi dào thường áp dụng các biện pháp này để giảm thiểu việc khai thác quá mức. Bên cạnh đó, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô còn giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến trong nước, tạo việc làm và kiến tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngoài ra, để bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung ổn định về lương thực, năng lượng, hoặc các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng. Việc kiểm soát xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng trong ổn định giá cả trên thị trường nội địa, giúp giảm áp lực cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp trong nước khi giá cả hàng hóa tăng cao trên thị trường quốc tế. Cuối cùng, một số quốc gia còn áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu để chống lại các biện pháp thương mại bất bình đẳng từ nước ngoài, bảo vệ thị trường nội địa trước các chính sách thương mại không công bằng từ các quốc gia khác.[5]

Một số học giả cho rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh các quốc gia muốn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững. Theo Jeffrey Sachs[6] và Paul Collier[7], các quốc gia giàu tài nguyên cần kiểm soát và hạn chế xuất khẩu tài nguyên để tránh tình trạng “lời nguyền tài nguyên” (resource curse), trong đó khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên dẫn đến cạn kiệt và tác động xấu đến môi trường.

Ngược lại, nhiều học giả cảnh báo rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu thường bị lạm dụng để thực hiện mục tiêu bảo hộ thương mại, tạo ra lợi thế không công bằng cho các ngành công nghiệp nội địa. Theo Michael Trebilcock, các biện pháp hạn chế xuất khẩu thường dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại và có thể gây xung đột, nhất là khi chúng được áp dụng mà không có căn cứ khoa học rõ ràng.[8] Quan điểm này cho rằng WTO cần thắt chặt các tiêu chuẩn để đảm bảo chỉ các biện pháp hạn chế xuất khẩu hợp lý mới được phép.

Thomas Cottier nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và hợp tác quốc tế trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Để tránh tình trạng xung đột thương mại, Cottier cho rằng các quốc gia cần công khai mục đích, dữ liệu và thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. WTO cũng nên phát triển quy định rõ ràng hơn về việc áp dụng các biện pháp này, khuyến khích sự hợp tác giữa các thành viên để đạt được mục tiêu chung về bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững.[9]

2.2. Quy định của WTO về biện pháp hạn chế xuất khẩu

WTO có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các biện pháp hạn chế thương mại của các quốc gia thành viên, bao gồm cả biện pháp hạn chế xuất khẩu, để đảm bảo tự do hóa thương mại và duy trì công bằng trong giao thương quốc tế. Quy định chính của WTO về các biện pháp hạn chế xuất khẩu được đặt ra trong Hiệp định GATT 1994, đặc biệt là trong Điều XI và Điều XX.

Điều XI:1 của GATT 1994: Quy định này nghiêm cấm các thành viên áp đặt các hạn chế số lượng (quantitative restrictions) đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ. Điều XI:1 đặt ra nền tảng cho nguyên tắc tự do thương mại, yêu cầu các thành viên không được áp dụng hạn chế xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả hạn ngạch, giấy phép và các biện pháp tương tự.

Điều XI:2 của GATT 1994: Mặc dù Điều XI:1 đặt ra quy định nghiêm ngặt, Điều XI:2 cung cấp một số ngoại lệ cụ thể cho các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Khoản (a) cho phép các quốc gia thành viên áp đặt các hạn chế tạm thời để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng của sản phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, để áp dụng được ngoại lệ này, quốc gia thành viên phải chứng minh được rằng tình trạng thiếu hụt thực sự xảy ra và các biện pháp hạn chế là tạm thời.

Điều XX của GATT 1994: Điều XX cung cấp các ngoại lệ chung cho phép các quốc gia thành viên áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại vì các lý do như bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật, và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, khoản (g) trong Điều XX cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp liên quan đến bảo tồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn, với điều kiện các biện pháp này không phân biệt đối xử một cách tùy tiện và không gây trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế.[10]

Nhìn chung, biện pháp hạn chế xuất khẩu là công cụ quan trọng trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, nhưng cũng dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý nếu vi phạm các quy định của WTO. Mặc dù WTO cho phép các ngoại lệ nhất định trong Điều XI:2 và Điều XX của GATT 1994, các thành viên WTO cần sử dụng biện pháp này một cách minh bạch, có căn cứ khoa học rõ ràng, và không nhằm mục đích bảo hộ thương mại. Các quan điểm học thuật đa chiều về biện pháp hạn chế xuất khẩu cho thấy rằng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện đại, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để cân bằng giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế.

3. Phân tích tranh chấp DS592 giữa EU và Indonesia

3.1 Nguyên nhân tranh chấp

Vụ kiện do EU khởi xướng vào năm 2020, sau khi Indonesia áp dụng các biện pháp cấm xuất khẩu quặng niken và yêu cầu gia tăng hàm lượng chế biến nội địa. Indonesia cho rằng đây là biện pháp cần thiết để phát triển ngành công nghiệp chế biến trong nước và bảo vệ tài nguyên quốc gia. Ngược lại, EU cho rằng các biện pháp này ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp thép của EU và vi phạm Điều XI:1 của GATT 1994, quy định các thành viên không được áp đặt các hạn chế số lượng xuất khẩu ngoại trừ các trường hợp miễn trừ nhất định.[11]

Indonesia là một trong những nước có trữ lượng niken lớn nhất thế giới. Do nhận thấy nhu cầu niken ngày càng tăng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như sản xuất pin xe điện, Indonesia đã quyết định thực hiện các biện pháp nhằm giữ lại tài nguyên niken trong nước. Chiến lược này không chỉ giúp Indonesia nâng cao giá trị gia tăng mà còn củng cố vị thế của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu về các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều đang tìm cách kiểm soát nguồn cung tài nguyên chiến lược. Indonesia mong muốn chuyển từ vai trò nhà cung cấp nguyên liệu thô sang nhà sản xuất sản phẩm hoàn thiện có giá trị cao hơn, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế bền vững.[12]

Ngược lại, EU, một trong những nhà nhập khẩu lớn của niken từ Indonesia, phụ thuộc vào nguồn cung niken để sản xuất thép không gỉ và các sản phẩm công nghiệp khác. Với lệnh cấm xuất khẩu niken, EU gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế với chi phí hợp lý. Điều này đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp thép không gỉ của EU, cũng như các ngành công nghiệp công nghệ cao cần đến niken. Do đó, EU lập luận rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Indonesia đã vi phạm Điều XI:1 của GATT 1994, vốn quy định các thành viên WTO không được áp dụng các hạn chế xuất khẩu trừ những ngoại lệ nhất định.[13]

Từ quan điểm của EU, các biện pháp của Indonesia không chỉ đơn thuần là biện pháp bảo vệ tài nguyên mà còn có tính chất bảo hộ thương mại, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa Indonesia, gây bất lợi cho các ngành công nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào nguồn cung niken từ Indonesia. Theo EU, việc yêu cầu chế biến niken nội địa để sản xuất pin và thép là một cách để Indonesia tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước trong khi EU và các quốc gia khác phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung hoặc chi phí nguyên liệu cao hơn.[14]

Một nguyên nhân sâu xa khác của tranh chấp là cách nhìn nhận khác nhau giữa hai bên về PTBV. Indonesia lập luận rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu niken là để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên cho các thế hệ tương lai và góp phần vào phát triển kinh tế xanh. Trong khi đó, dù thừa nhận rằng PTBV là quan trọng, nhưng EU cho rằng các biện pháp của Indonesia không đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch và tính tạm thời của GATT, do đó chúng không phù hợp với quy định WTO và cản trở tự do thương mại.[15]

3.2. Luận điểm của các bên[16]

EU lập luận rằng lệnh cấm xuất khẩu và yêu cầu chế biến trong nước (DPR) của Indonesia đối với niken vi phạm Điều XI:1 của Hiệp định GATT 1994, cấm các hạn chế xuất khẩu trừ thuế hoặc các biện pháp thuế quan. EU cho rằng các quy định của Indonesia, như Nghị định số 11/2019 của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản và Nghị định số 96/2019 của Bộ Thương mại, tạo ra một lệnh cấm xuất khẩu rõ ràng, hạn chế nguồn cung niken của các quốc gia khác, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp của EU. EU cho rằng biện pháp này không nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng thiếu hụt sản phẩm quan trọng, mà là để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước của Indonesia, bao gồm sản xuất thép và pin xe điện, qua đó Indonesia đạt lợi ích không công bằng trong chuỗi cung ứng toàn cầu​.

Indonesia phản bác bằng cách tuyên bố rằng lệnh cấm xuất khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đối với niken, một sản phẩm mà Indonesia coi là thiết yếu cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của mình, phù hợp với Điều XI:2(a) của GATT 1994. Indonesia nhấn mạnh rằng niken đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong ngành thép và sản xuất pin cho các phương tiện điện. Indonesia cũng lập luận rằng DPR khuyến khích chế biến trong nước nhằm tạo ra giá trị gia tăng, tạo việc làm, và đảm bảo sự phát triển bền vững​. Indonesia lập luận thêm rằng các biện pháp này là cần thiết để tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của mình, và do đó hợp lệ theo Điều XX(d) của GATT 1994. Tuy nhiên, EU phản đối, cho rằng các quy định này không nhất thiết phải tuân thủ các quy định môi trường mà chỉ là một phần trong chính sách bảo hộ công nghiệp của Indonesia​(592R)

3.3. Phán quyết của WTO

Sau khi xem xét các bằng chứng và lý lẽ từ hai bên, WTO ra phán quyết rằng các biện pháp của Indonesia không phù hợp với các quy định của GATT 1994, cụ thể là Điều XI:1, vì các biện pháp này hạn chế xuất khẩu và không thỏa mãn các điều kiện miễn trừ trong Điều XX(d) của GATT. WTO khuyến nghị Indonesia điều chỉnh lại chính sách xuất khẩu của mình để tuân thủ các cam kết quốc tế.[17]

Ban Hội thẩm đã xem xét từng lập luận của các bên và đưa ra các kết luận sau:

Về Điều XI:1 của GATT 1994: Ban Hội thẩm kết luận rằng lệnh cấm xuất khẩu và yêu cầu chế biến trong nước của Indonesia là vi phạm Điều XI:1, vì các biện pháp này hạn chế tự do thương mại và gây ảnh hưởng đến các nước thành viên WTO khác. Ban Hội Thẩm cho rằng các biện pháp của Indonesia đã tạo ra sự cản trở không cần thiết cho việc xuất khẩu quặng niken, gây bất lợi cho EU.

Về Điều XI:2(a) của GATT 1994: Ban Hội thẩm không chấp nhận lập luận của Indonesia rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu là để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong nước. Ban Hội thẩm chỉ ra rằng Indonesia không thể chứng minh rằng lượng niken hiện tại đang trong tình trạng thiếu hụt hoặc có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng.

Về Điều XX(d) và XX(g) của GATT 1994: Ban Hội thẩm cũng bác bỏ lập luận của Indonesia rằng các biện pháp này là cần thiết để đảm bảo tuân thủ luật trong nước hoặc để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ban Hội thẩm nhận định rằng Indonesia chưa chứng minh được sự cần thiết của các biện pháp này và rằng chúng không hoàn toàn phù hợp với mục tiêu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

3.4. Sự xung đột giữa mục tiêu phát triển bền vững

Mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) được đề cập ngay trong Lời nói đầu của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức WTO.[18] Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh tại WTO phản ánh những thách thức mà WTO đang gặp phải trong việc dung hòa giữa tự do thương mại và các mục tiêu PTBV.

Lời nói đầu của Hiệp định Marrakesh khẳng định rằng tổ chức WTO cam kết thúc đẩy một hệ thống thương mại mở và công bằng, đồng thời đảm bảo rằng thương mại góp phần vào PTBV và bảo vệ môi trường. Các quốc gia thành viên đã nhất trí rằng, bên cạnh mục tiêu tự do hóa thương mại, WTO còn phải hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao mức sống cho người dân.

Lời nói đầu nhấn mạnh thương mại quốc tế không chỉ là mục tiêu, mà là phương tiện để đạt được các giá trị và mục tiêu phát triển lớn hơn. Đây là một cam kết quan trọng của các thành viên, đặc biệt là từ phía các thành viên đang phát triển, vì nó cho thấy rằng các lợi ích kinh tế từ thương mại cần được gắn kết với các giá trị bền vững và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các vụ tranh chấp như DS592 cho thấy rằng WTO vẫn chủ yếu ưu tiên nguyên tắc tự do thương mại, và thường áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ về minh bạch và không phân biệt đối xử khi đánh giá các biện pháp hạn chế thương mại của các thành viên. Trong vụ DS592, Indonesia áp dụng lệnh cấm xuất khẩu quặng niken và yêu cầu chế biến nội địa, một phần để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, các biện pháp này bị EU cáo buộc vi phạm quy định của GATT 1994 và Ban Hội thẩm WTO cuối cùng đã ra phán quyết rằng các biện pháp của Indonesia không thỏa mãn các điều kiện miễn trừ về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong Điều XX của Hiệp định GATT 1994.

Vụ DS592 chỉ là một trong nhiều ví dụ mà WTO ra phán quyết bất lợi với các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của các nước thành viên khi chúng gây ra sự cản trở đối với thương mại tự do. Một trường hợp khác là Hoa Kỳ đã thắng Trung Quốc trong vụ kiện DS431 liên quan đến các hạn chế của Trung Quốc về xuất khẩu các loại đất hiếm, vonfram và molypden.[19] Điều này dẫn đến các câu hỏi về khả năng thực sự của WTO trong việc dung hòa giữa tự do thương mại và phát triển bền vững. Liệu rằng tổ chức này có đủ linh hoạt để hỗ trợ các biện pháp phát triển kinh tế xanh của các quốc gia thành viên hay không?

Có thể thấy sự xung đột giữa PTBV và thương mại tự do chủ yếu xuất phát từ hai cách tiếp cận khác nhau trong hệ thống WTO:

Tự do thương mại là mục tiêu cốt lõi của WTO, được thiết lập qua các quy định nghiêm ngặt trong GATT về việc hạn chế các biện pháp làm cản trở thương mại, đặc biệt là Điều XI và Điều XX của GATT 1994. WTO nhấn mạnh vào tính không phân biệt đối xử, minh bạch, và cam kết giảm các rào cản thương mại. Do đó, khi các quốc gia như Indonesia áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu để bảo vệ tài nguyên, các biện pháp này thường bị coi là gây cản trở tự do thương mại và cần phải được biện minh một cách rõ ràng và minh bạch.

Phát triển bền vững đòi hỏi phải cân nhắc về bảo vệ tài nguyên, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và có trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy các mô hình phát triển công nghiệp bền vững. Các nước như Indonesia, với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, muốn bảo vệ nguồn lực quốc gia cho các thế hệ sau và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua chế biến nội địa. Đối với các nước đang phát triển, bảo vệ tài nguyên và xây dựng năng lực công nghiệp nội địa là một phần quan trọng trong chiến lược PTBV, nhưng thường không được WTO chấp nhận nếu nó mâu thuẫn với các nguyên tắc thương mại tự do.

4. Hàm ý của tranh chấp DS592 đối với Việt Nam

4.1. Liên hệ với Việt Nam

Tranh chấp DS592 giữa EU và Indonesia về các biện pháp hạn chế xuất khẩu quặng niken đã đặt ra những vấn đề quan trọng liên quan đến tự do thương mại, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển công nghiệp nội địa. Tranh chấp này có sự liên quan mật thiết và ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì các lý do sau:

Thứ nhất, Việt Nam và Indonesia đều là những quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu tài nguyên, từ khoáng sản, dầu khí đến các sản phẩm nông nghiệp. Với mục tiêu tăng giá trị gia tăng trong nước, Việt Nam đã và đang cân nhắc các chính sách thúc đẩy chế biến sâu để giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Tranh chấp DS592 là một minh chứng cho thấy nếu Việt Nam áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hoặc phát triển công nghiệp trong nước, các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ hoặc Trung Quốc có thể phản đối nếu những biện pháp này gây thiệt hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, bài học từ tranh chấp này giúp Việt Nam nhận thức được những rủi ro pháp lý có thể gặp phải khi muốn hạn chế xuất khẩu.

Thứ hai, Việt Nam hiện cũng đang theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế thông qua phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Các ngành như điện tử, thép, hóa chất và chế biến nông sản đều đang được thúc đẩy. Trong nỗ lực phát triển này, Việt Nam có thể phải cân nhắc việc áp dụng các chính sách khuyến khích chế biến nội địa, mà trong một số trường hợp có thể vi phạm quy tắc thương mại quốc tế nếu không được thiết kế hợp lý. Tranh chấp DS592 cho thấy bất kỳ chính sách nào liên quan đến hạn chế xuất khẩu hoặc yêu cầu chế biến nội địa đều phải được xây dựng kỹ lưỡng để vừa thúc đẩy PTBV vừa không vi phạm cam kết trong WTO.

Thứ ba, Việt Nam đang đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, bao gồm việc bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Tranh chấp DS592 nhấn mạnh rằng các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đặc biệt khi những biện pháp này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng quốc tế. Trong trường hợp Việt Nam muốn bảo vệ các tài nguyên có giới hạn như bauxite hoặc dầu thô để sử dụng cho các ngành công nghiệp trong nước, việc thiết kế các biện pháp phù hợp và minh bạch sẽ giúp tránh được những tranh cãi pháp lý tại WTO như Indonesia đã gặp phải với EU.

4.2. Một số bài học và kiến nghị cho Việt Nam

4.2.1. Bài học về cân bằng giữa phát triển kinh tế bền vững và nghĩa vụ thương mại quốc tế

Vụ việc DS592 nhấn mạnh rằng các quốc gia cần phải cẩn trọng trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên. Đối với Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển bền vững và quản lý tài nguyên thiên nhiên là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, bài học từ tranh chấp này là các biện pháp hạn chế xuất khẩu phải được thiết kế sao cho không vi phạm các quy định của WTO hoặc có thể biện minh hợp lý theo các điều khoản miễn trừ như Điều XX của GATT 1994.

4.2.2. Thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa mà không vi phạm quy tắc WTO

Indonesia lập luận rằng việc hạn chế xuất khẩu niken nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp luyện kim trong nước và tạo giá trị gia tăng nội địa. Tương tự, Việt Nam có nhiều ngành công nghiệp đang hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm, từ các ngành khai thác tài nguyên như khoáng sản đến nông sản. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này mà không vi phạm quy tắc của WTO, Việt Nam cần tìm cách hỗ trợ phát triển công nghiệp nội địa thông qua các biện pháp khác như hỗ trợ tài chính, cải thiện công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực lao động thay vì sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

4.2.3. Tăng cường năng lực quản lý và minh bạch trong các biện pháp bảo vệ tài nguyên

Vụ việc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và khả năng biện minh hợp lý cho các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trong trường hợp của Indonesia, Ban Hội thẩm kết luận rằng nước này không thể chứng minh được tính cần thiết của các biện pháp và không đáp ứng các tiêu chuẩn của WTO về tính minh bạch. Đối với Việt Nam, việc nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo tính minh bạch trong các chính sách thương mại và môi trường là vô cùng quan trọng.

4.2.4. Tăng cường tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO

Vụ DS592 một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO trong việc điều chỉnh các xung đột thương mại và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế. Đối với Việt Nam, việc tham gia và học hỏi từ các tranh chấp tại WTO có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng năng lực bảo vệ quyền lợi của mình và chuẩn bị cho các tình huống tương tự trong tương lai.

4.2.5. Đẩy mạnh cam kết phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế

Một trong những điểm nhấn từ tranh chấp DS592 là cam kết phát triển bền vững của Indonesia, dù chưa được công nhận là lý do chính đáng trong trường hợp này. Đối với Việt Nam, cam kết PTBV đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Việt Nam có thể xem xét điều chỉnh các quy định pháp lý để đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển công nghiệp nội địa đều phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và không gây trở ngại cho thương mại quốc tế.

4.2.6. Đề xuất cải cách trong WTO để tăng cường tính linh hoạt cho các biện pháp phát triển bền vững

Với những xung đột hiện tại, cần có những cải cách trong hệ thống WTO để tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp bảo vệ tài nguyên và phát triển kinh tế xanh mà không gây ra tranh chấp thương mại. Trong quá trình tham gia đàm phán tại WTO, Việt Nam có thể ủng hộ đề xuất các giải pháp như:

Nới lỏng các tiêu chuẩn miễn trừ trong Điều XX của GATT: Các quy định về miễn trừ trong Điều XX hiện tại yêu cầu các quốc gia phải chứng minh tính cần thiết và minh bạch của biện pháp, đồng thời đảm bảo không gây ra sự phân biệt đối xử. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này đôi khi quá khắt khe và không linh hoạt. WTO có thể cân nhắc nới lỏng các điều kiện để cho phép các biện pháp hạn chế xuất khẩu có liên quan đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hoặc phát triển bền vững được áp dụng dễ dàng hơn, đồng thời thiết lập các hướng dẫn rõ ràng hơn về việc áp dụng.

Tăng cường vai trò của WTO trong các vấn đề môi trường toàn cầu: Trong bối cảnh các thách thức môi trường toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên, WTO có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc phối hợp với các tổ chức quốc tế khác như Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) hoặc Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) để tạo ra các hướng dẫn hoặc quy tắc thống nhất về phát triển bền vững trong thương mại quốc tế.

Khuyến khích các quốc gia xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong khuôn khổ WTO: WTO có thể phát triển các cơ chế để hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng chiến lược phát triển bền vững, bao gồm các biện pháp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển công nghiệp xanh, trong khuôn khổ tuân thủ các quy định thương mại quốc tế. Ví dụ, WTO có thể cung cấp tư vấn kỹ thuật hoặc hỗ trợ nghiên cứu để giúp các quốc gia đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường mà không vi phạm nguyên tắc tự do thương mại.

5. Kết luận

Vụ tranh chấp DS592 là một ví dụ điển hình về những xung đột giữa tự do thương mại và các mục tiêu phát triển bền vững. Khi mà các nước đang phát triển mong muốn tăng cường chế biến nội địa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, họ lại gặp phải rào cản từ các quy định thương mại quốc tế. Để đạt được sự cân bằng giữa phát triển bền vững và thương mại tự do, WTO cần linh hoạt hơn trong các trường hợp tranh chấp liên quan đến bảo vệ môi trường và tài nguyên.

Đối với Việt Nam, vụ tranh chấp này là một minh chứng cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng các biện pháp thương mại phù hợp, hợp pháp và minh bạch nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và tránh các rủi ro tranh chấp thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thông qua vụ tranh chấp DS592, Việt Nam có thể thấy rõ vai trò của WTO trong việc duy trì sự cân bằng giữa tự do thương mại và quyền lợi quốc gia. Vụ việc này là một cơ hội để Việt Nam rút ra kinh nghiệm trong việc xây dựng các chính sách thương mại đáp ứng mục tiêu phát triển trong nước mà vẫn tuân thủ cam kết quốc tế. Từ đó, Việt Nam có thể cải thiện năng lực pháp lý và khả năng bảo vệ quyền lợi trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

● VĂN BẢN PHÁP LUẬT

1. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) 1994.

2. Hiệp định Marrakesh 1994.

● TÀI LIỆU THAM KHẢO

o SÁCH CHUYÊN KHẢO, THAM KHẢO

1. CHIEN-HUEI WU, LAW AND POLITICS ON EXPORT RESTRICTIONS (WTO AND BEYOND), CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS (2021).

2. COLLIER, P., THE PLUNDERED PLANET: WHY WE MUST – AND HOW WE CAN – MANAGE NATURE FOR GLOBAL PROSPERITY, OXFORD UNIVERSITY PRESS (2010).

3. COTTIER, T., & OESCH, M., INTERNATIONAL TRADE REGULATION: LAW AND POLICY IN THE WTO, THE EUROPEAN UNION, AND SWITZERLAND, LONDON: CAMERON MAY (2005).

4. SACHS, J., & WARNER, A., THE CURSRSE OF NATURAL RESOURCES, EUROPEAN ECONOMIC REVIEW 827-838 (2001).

5. TREBILCOCK, M., HOWSE, R., & ELIASON, A., THE REGULATION OF INTERNATIONAL TRADE, ROUTLEDGE (2013).

6. JACKSON, J.H., THE WORLD TRADING SYSTEM: LAW AND POLICY OF INTERNATIONAL ECONOMIC RELATIONS, MIT PRESS (1997).

7. MATSUSHITA, M., SCHOENBAUM, T. J., & MAVROIDIS, P. C. (2006), THE WORLD TRADE ORGANIZATION: LAW, PRACTICE, AND POLICY, OXFORD UNIVERSITY PRESS (2006).

o WEBSITE TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO)

1. WTO, DS431: China — Measures Related to the Exportation of Rare Earths, Tungsten and Molybdenum, WORLD TRADE ORGANIZATION (2015), https://www.wto.org/English/tratop_E/dispu_e/cases_e/ds431_e.htm

2. WTO, DS592: Indonesia – Measures Relating to Raw Materials, WORLD TRADE ORGANIZATION (2022), https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds592_e.htm

3. WTO, Report of the Panel in “Indonesia – Measures Relating to Raw Materials” (WT/DS592/R), WORLD TRADE ORGANIZATION (Nov. 30, 2022), https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/SS/directdoc.aspx?filename=q:/WT/DS/592R.pdf&Open=True Phụ lục B-1 “Integrated executive summary of the arguments of the European Union”, tại trang 24.

4. WTO, Report of the Panel in “Indonesia – Measures Relating to Raw Materials” (WT/DS592/R), WORLD TRADE ORGANIZATION (Nov. 30, 2022), https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/SS/directdoc.aspx?filename=q:/WT/DS/592R.pdf&Open=True Phụ lục B-2 “Integrated executive summary of the arguments of the European Union”, tại trang 34.

5. WTO, Understanding the WTO 5th Edition, WORLD TRADE ORGANIZATION https://www.wto.org/english/theWTo_e/whatis_e/tif_e/understanding_e.pdf

o TẠP CHÍ, BÁO ONLINE

1. David Hutt, EU faces green dilemma in Indonesian nickel, Indonesia Nature and Environment (Jul. 16, 2024), https://www.dw.com/en/eu-faces-green-dilemma-in-sourcing-nickel-from-indonesia/a-69681557

2. Eddie Spence, Nickel Flowing to Europe Shows Indonesia’s Grip on Global Supply, Bloomberg (Sep. 13, 2024, 3:32 PM), https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-09-13/nickel-flowing-to-europe-shows-indonesia-s-grip-on-global-supply?embedded-checkout=true

3. Kim Jeonghoi, Recent Trends in Export Restrictions, OECD Trade Policy Papers No.101 (Jul. 19, 2010), https://read.oecd-ilibrary.org/trade/recent-trends-in-export-restrictions_5kmbjx63sl27-en#page1

* TS Đinh Khương Duy, Khoa Luật, Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. Duyệt đặng 25/12/2024. Email: duydk@ueh.edu.vn

[1] CHIEN-HUEI WU, LAW AND POLITICS ON EXPORT RESTRICTIONS (WTO AND BEYOND), CAMBRIDGE UNIVERSITY PRESS 20-111, 20 (2021).

[2] WTO, DS592: Indonesia – Measures Relating to Raw Materials, WORLD TRADE ORGANIZATION (2022), https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds592_e.htm

[3] Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Điều XI về Triệt tiêu chung các hạn chế định lượng.

[4] Kim, Jeonghoi, Recent Trends in Export Restrictions, OECD TRADE POLICY PAPERS NO.101 (Jul. 19, 2010), https://read.oecd-ilibrary.org/trade/recent-trends-in-export-restrictions_5kmbjx63sl27-en#page1 II (4), 5-6.

[5] WTO, Understanding The WTO 5th Edition, WORLD TRADE ORGANIZATION https://www.wto.org/english/theWTo_e/whatis_e/tif_e/understanding_e.pdf I (3), 13-14.

[6] SACHS, J., & WARNER, A., THE CURSRSE OF NATURAL RESOURCES, EUROPEAN ECONOMIC REVIEW 827-838 (2001).

[7] COLLIER, P., THE PLUNDERED PLANET: WHY WE MUST – AND HOW WE CAN – MANAGE NATURE FOR GLOBAL PROSPERITY, OXFORD UNIVERSITY PRESS (2010).

[8] TREBILCOCK, M., HOWSE, R., & ELIASON, A., THE REGULATION OF INTERNATIONAL TRADE, ROUTLEDGE (2013).

[9] COTTIER, T., & OESCH, M., INTERNATIONAL TRADE REGULATION: LAW AND POLICY IN THE WTO, THE EUROPEAN UNION, AND SWITZERLAND, LONDON: CAMERON MAY (2005).

[10] Hiệp định GATT 1994, Điều XX về Các ngoại lệ chung.

[11] WTO, DS592: Indonesia – Measures Relating to Raw Materials, WORLD TRADE ORGANIZATION (2022), https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds592_e.htm

[12] Eddie Spence, Nickel Flowing to Europe Shows Indonesia’s Grip on Global Supply, Bloomberg (Sep. 13, 2024, 3:32 PM), https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-09-13/nickel-flowing-to-europe-shows-indonesia-s-grip-on-global-supply?embedded-checkout=true

[13] WTO, Report of the Panel in “Indonesia – Measures Relating to Raw Materials” (WT/DS592/R), WORLD TRADE ORGANIZATION (Nov. 30, 2022), https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/SS/directdoc.aspx?filename=q:/WT/DS/592R.pdf&Open=True Phụ lục B-1 “Integrated executive summary of the arguments of the European Union”, 24.

[14] Xem chú thích trên, trang 34.

[15] David Hutt, EU faces green dilemma in Indonesian nickel, Indonesia Nature and Environment (Jul. 16, 2024), https://www.dw.com/en/eu-faces-green-dilemma-in-sourcing-nickel-from-indonesia/a-69681557

[16] Tác giả tóm lược các luận điểm chính dựa trên nội dung Báo cáo của Ban Hội thẩm trong vụ tranh chấp này.

[17] Xem chú thích 13, phần 8, 102-103.

[18] Hiệp định Marrakesh 1994 về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/04-wto_e.htm

[19] WTO, DS431: China — Measures Related to the Exportation of Rare Earths, Tungsten and Molybdenum, WORLD TRADE ORGANIZATION (2015), https://www.wto.org/English/tratop_E/dispu_e/cases_e/ds431_e.htm

Cùng chuyên mục

Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững

Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững

Nghiên cứu lý luận -  3 ngày trước

Áp dụng quy định pháp luật thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết

Áp dụng quy định pháp luật thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Chi trả cổ tức bằng cổ phần nhằm chia tách cổ phần - Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông

Chi trả cổ tức bằng cổ phần nhằm chia tách cổ phần - Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Hiến tạng tại Việt Nam - Các khía cạnh tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa và pháp luật

Hiến tạng tại Việt Nam - Các khía cạnh tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa và pháp luật

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Hiệp định thương mại tự do: Những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ và gợi mở cho Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do: Những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Cho thuê - Mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn: Một số gợi mở dưới góc độ pháp lý cho Việt Nam

Cho thuê - Mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn: Một số gợi mở dưới góc độ pháp lý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Đọc nhiều