Hơn 100 người ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý như thế nào?
Phương Thúy
Thứ năm, 28/11/2024 - 18:20
Nghe audio
0:00
(PLPT) - Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm ghi nhận khoảng 135 người có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị, sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng "Cô Ba" tại TP Vũng Tàu.
Hơn trăm người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì Cô Ba ở Vũng Tàu
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, đơn vị này nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng bánh mì Cô Ba (tại ngã tư Bến Đình, phường 7, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Đến chiều 27/11, có 135 người mắc với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt và phải nhập viện để điều trị.
Trước tình hình trên, Cục ATTP đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị khẩn trương điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Trong đó, ưu tiên trước mắt là chỉ đạo các bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Đồng thời, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Cục ATTP yêu cầu Sở Y tế Bà Rịa Vũng Tàu chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Cô Ba nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về ATTP của cơ sở này, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP và công khai kết quả.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện ATTP, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống…
Vụ việc trên là một dấu hiệu đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như lời nhắc nhở giúp nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề này. Qua vụ việc trên, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được quan tâm. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về an toàn thực phẩm và vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là gì?
Luật An toàn thực phẩm 2010 đưa ra khái niệm an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm như sau:
- An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
- Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý thế nào?
Đối với trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau. Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, phải bồi thường và khắc phục hậu quả nếu gây ra thiệt hại.
Căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm như sau:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản (1) được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Hình thức xử phạt hành chính đối với vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được chia làm 4 khung hình phạt sau đây:
Khung 1: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Làm chết người;
- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Làm chết 02 người;
- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội có thể chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
(PLPT) - Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng liên quan vụ "thổi giá" đất lên đến 30 tỷ đồng/m2 tại Sóc Sơn nhằm thao túng kết quả đấu giá quyền sử dụng đất. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trục lợi, gây thất thoát và làm rối loạn thị trường bất động sản.
(PLPT) - Môi giới hôn nhân là hành vi giới thiệu, tư vấn hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Mọi cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép mà hoạt động trong lĩnh vực này đều vi phạm pháp luật, được xem là môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép. Vậy, hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Một người phụ nữ ở Hà Nội bị kẻ giả mạo lừa cài đặt phần mềm để bổ sung thông tin, sau đó phát hiện tài khoản ngân hàng bị 'bay' mất 300 triệu đồng.
(PLPT) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - vừa ký văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
(PLPT) - Các đối tượng lợi dụng trào lưu mới, tạo ra các trang Facebook giả mạo mang tên "Liên đoàn Pickleball Việt Nam" nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia học chơi Pickleball.
(PLPT) - Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) theo mẫu mới. Vậy mẫu Sổ đỏ mới khác mẫu cũ như thế nào?
(PLPT) - Hành lang pháp lý dành cho chương trình tài chính vi mô còn rất thiếu hụt, gây khó khăn cho công tác thực hiện và giám sát. Để cải thiện tình hình, cần phải xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ và đầy đủ hơn cho chương trình tài chính vi mô.