Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Thương mại quốc tế luôn có những biến động buộc các quốc gia cần có những chính sách phù hợp để đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình khi thương mại quốc tế. Trong số các biện pháp được các nước sử dụng để tối ưu hóa lợi ích thương mại thì Hiệp định thương mại tự do (FTA) là công cụ hiệu quả nhất. Bài viết phân tích một số khía cạnh FTA bao gồm quá trình hình thành, đặc điểm và những đánh giá về sự thay đổi đổi chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ trong giai đoạn hình thành, phát triển của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định thương mại Hoa Kỳ – Mexico – Canada (USMCA). Việc nghiên cứu về chính sách thương mại của Hoa Kỳ ở Bắc Mỹ cũng sẽ rút kết một số gợi mở cho Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ thương mại với các quốc gia Bắc Mỹ nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung.
Từ khóa: Thương mại quốc tế, FTA, NAFTA, USMCA, pháp luật Hoa Kỳ.
Abstract: International trade is inherently volatile and constantly evolving and hence makes the countries to adjust their appropriate trade policies to protect legistimate interest in the global trade. Among the measures employed to optimize countries’ trade benefits, Free Trade Agreements (FTAs) are the most effective tools. This article analyzes several overarching aspects of FTAs, including the history, nature and characteristics of the North American Free Trade Agreement (NAFTA) and the United States– Mexico – Canada Agreement (USMCA) and the changes in the US’ trade policy due to opreation of these two FTAs. Studies of the U.S’s trade policies in North America provides valuable suggestions for Vietnam in establishing trade relations with North American countries specifically, and with other nations around the world.
Keywords: International Trade, FTA, NAFTA, USMCA, United States Law.
Quá trình hình thành, phát triển của thương mại quốc tế là một sự chuyển động không ngừng cũng như đã trải qua nhiều biến chuyển. Từ chủ nghĩa bảo hộ (Protectionism) hay bảo hộ thương mại (Trade Protectionism) cho đến thương mại tự do (Free Trade), luôn là hai trường phái đối lập và song song tồn tại cùng nhau và mỗi trường phái có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Khi nghiên cứu về chủ nghĩa bảo hộ, Douglas Irwin trong quyển Peddling Protectionism: Smoot – Hawley and the Great Depressioncho rằng “chủ nghĩa bảo hộ là nguyên nhân của một số cuộc khủng hoảng kinh tế, đáng chú ý nhất là đại suy thoái”[1] khi nhà nước can thiệp không cần thiết vào thị trường, ưu tiên phát triển doanh nghiệp nội địa mà tạo sức ép lên các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, chính phủ còn áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác và điều này đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế. Hiệu quả của chủ nghĩa bảo hộ chỉ thực sự được phát huy khi được sử dụng đúng thời điểm, đối tượng và mức độ phù hợp. Chính vì vậy, thương mại tự do là một công cụ thương mại mang xu hướng của thời đại toàn cầu hóa và được “các chuyên gia kinh tế hầu như nhất trí với chủ đề thương mại tự do”[2].
Khái niệm và nguồn gốc của thương mại tự do luôn tạo ra nhiều tranh luận và chưa có sự thống nhất. Nhà kinh tế học người Ý – Giovanni Arrighi cho rằng “thương mại tự do là một hệ thống bao gồm nhiều quốc gia có chủ quyền bắt nguồn từ một hình thức thô sơ ở Đế quốc Tây Ban Nha vào thế kỷXVI”[3] và có thể được hiểu là “một nền thương mại quốc tế trong đó các hoạt động thương mại diễn ra mà không vấp phải bất kỳ hàng rào cản trở nào như thuế quan, hạn ngạch hoặc các biện pháp kiểm soát hối đoái được đặt ra để cản trở sự di chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ giữa các nước”[4]. Theo đó, chính phủ của các quốc gia không can thiệp vào hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ được tự do lưu thông mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ rào cản thương mại không cần thiết. Tại Anh, vào những năm đầu thế kỷ XIX, quan điểm “bảo thủ” trong thương mại hàng hóa đã nhận được sự chỉ trích từ Quốc hội nước này. Doanh nghiệp Anh cho rằng, họ đã đủ năng lực để không cần sự bảo hộ của chính phủ trước các đối thủ cạnh tranh từ khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy, đến năm 1820, một bản kiến nghị của các thương nhân tại Luân Đôn do Thomas Tooke soạn thảo và tập tất cả chữ ký để gửi đến Quốc hội nhằm phản đối Luật Ngũ Cốc (Corn Law). Luật Ngũ Cốc được ban hành nhằm bảo vệ nông dân Anh bằng việc áp đặt thuế cao đối với ngũ cốc nhập khẩu từ nước khác, từ đó duy trì giá ngũ cốc nội địa. Tuy nhiên, các thương nhân cho rằng, điều này gây ảnh hưởng đến giá thực phẩm, tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng và nền kinh tế. Sự đấu tranh từ Luân Đôn kéo dài sang thành phố Manchester, Glosgow với mục tiêu chính là có được thương mại tự do[5] và hơn hai mươi năm sau đó (1846), Luật Ngũ cốc chính thức bị loại bỏ và thông qua đó, Anh đã chấp thuận cho phép các nước khác “tiếp cận thị trường ngũ của mình, Anh đã thay đổi cơ bản các động cơ kinh tế và chính trị của những người nông dân phương Tây và tạo điều kiện cho sự xuất hiện của liên minh thương mại tự do. Với việc đơn phương hạ thuế quan, Anh đã thành công trong việc đặt nền tảng và xây dựng một trật tự thương mại tự do trên thế giới”[6].
Nhìn chung, khi thương mại tự do chưa xuất hiện hoặc mức độ nhận diện chưa phổ biến tại thương trường quốc tế thì sự cạnh tranh giữa các quốc gia là điều không thể tránh khỏi. Khi đó, một cuộc chiến mới sẽ được hình thành với tên gọi là “chiến tranh thương mại” – cuộc chiến không thuốc súng nhưng vẫn giáng những đòn mạnh mẽ vào kinh tế của các nước tham chiến và các bên có liên quan. Chiến tranh thương mại sẽ tồn tại dưới những hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích hay xung đột lợi ích của từng quốc gia. Tuy nhiên, điểm chung giữa các cuộc chiến này là việc các quốc gia sử dụng thuế quan như là một loại vũ khí hiệu quả nhất nhằm triệt hạ đối thủ. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2018 là một minh chứng điển hình khi các biện pháp thuế quan lần lượt được áp dụng trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ hai cường quốc. Điều này không chỉ gây thiệt hại đối với Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà còn tác động gián tiếp vào nền kinh tế thế giới tại thời điểm đó. Có thể nói, thuế quan chính là rào cản thương mại tồn tại lâu đời đối với thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng đến việc trao đổi mua bán giữa các quốc gia. Sân chơi thương mại quốc tế dường như không tồn tại sự công bằng hay bình đẳng mà đó là cuộc chiến giữa các cường quốc khi sử dụng quyền lực kinh tế để đàn áp lẫn nhau. Kể cả khi, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và WTO (tiền thân là GATT 1947) ra đời nhưng vẫn không thể xóa bỏ hoàn toàn được hàng rào thuế quan trong các giao dịch thương mại giữa các nền kinh tế. Chính vì vậy, giải pháp thiết thực nhất đối với các quốc gia thành viên của WTO nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung chính là cùng nhau đàm phán các FTA để xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan nói riêng và các rào cản thương mại nói chung trong giao thương quốc tế.
Cho đến khi xu hướng toàn cầu hóa xuất hiện và sự cạnh tranh thương mại ngày càng gia tăng đã khiến các quốc gia nhận thức một cách rõ ràng hơn về việc liên kết kinh tế khu vực nhằm tạo ra sự thuận lợi trong thương mại quốc tế. Hiện nay trên thế giới, FTA vẫn chưa có một định nghĩa hay khái niệm mang tính thống nhất. Một số giáo sư luật của Hoa Kỳ như Alan O. Sykes, John H. Jackson và William J. Davey đã đưa ra lý thuyết về FTA là “một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia mà thương mại giữa họ sẽ tự do, nghĩa là mỗi thành viên của hiệp định sẽ giảm thuế quan xuống 0% đối với các sản phẩm được nhập khẩu từ thành viên còn lại”[7]. Quan điểm của các học giả hướng đến việc thúc đẩy mô hình phi thuế quan áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước tham gia ký kết FTA. Đồng thời xác định mục tiêu của FTA là hướng đến một thị trường chung khi tiến hành giao thương quốc tế và bãi bỏ hoàn toàn thuế quan. Tương tự, quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về FTA là việc “các quốc gia đồng ý một số nghĩa vụ ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác”[8]. Quan điểm này có thể đáp ứng đầy đủ một số nội dung cốt lõi mà các nền kinh tế đang phải đối mặt và cần giải quyết. Tuy nhận định về FTA của Hoa Kỳ không đề cập trực tiếp đến thuế quan nhưng yếu tố này vẫn gián tiếp tồn tại vì thuế quan chính là mục tiêu then chốt để các FTA ra đời nhằm khắc phục và giải quyết những vấn đề mà thuế quan gây ảnh hưởng đối với hàng hóa nhập khẩu. Tại Australia, FTA được xem là một sự thỏa thuận “được thiết kế để giảm hoặc loại bỏ một số rào cản đối với thương mại và đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia”[9], qua đó tạo tiền đề phát triển quy mô kinh tế nội địa và khu vực. Nhìn chung, FTA được hiểu là việc hai hay nhiều quốc gia khác nhau tiến hành thỏa thuận và thống nhất các quan điểm, chính sách và trải qua nhiều vòng đàm phán để xác lập các nguyên tắc ứng xử thương mại, tuyên bố các cam kết, xây dựng những lợi ích và chế tài liên quan đến một số lĩnh vực như: thuế quan, mua bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ hay những lĩnh vực mới như lao động và môi trường. Ngoài ra, FTA có thể được xem là một loại khế ước giữa các quốc gia vì nó dựa trên sự thỏa thuận và ý chí của các chủ thể tham gia ký kết. Các quốc gia sẽ thống nhất những vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ và đề cập các nghĩa vụ ràng buộc để từ đó tạo ra những giá trị lợi ích, đáp ứng đa số nguyện vọng và yêu cầu của các bên tham gia ký kết FTA. Dựa vào cam kết tại FTA, các quốc gia sẽ tiến hành thiết lập các liên kết kinh tế. Thông qua đó “các nước tham gia dành cho nhau những ưu đãi về tiếp cận thị trường, về cắt giảm hay tiến tới việc xóa bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan trên nguyên tắc “nhân nhượng và đánh đổi có phạm vi và mức độ cam kết tự do hóa sâu rộng hơn”[10] so với các khu vực được ưu đãi thuế quan trước đây.
Trong quá trình phát triển của thương mại quốc tế, FTA như đã đề cập, được xem là “Khế ước giữa các quốc gia” nơi mà có những “điều khoản” quy định những hành vi phải làm và không được làm dựa trên sự “thỏa thuận” giữa các bên. Để gia tăng tính hiệu quả và phù hợp của loại khế ước này, các quốc gia đã cập nhật và thay đổi những điều khoản, nội dung mới mẻ và quan trọng. Từ FTA truyền thống cho đến FTA thế hệ mới với những thay đổi nhất định, đó là một quá trình liên lục vận động thích nghi. FTA truyền thống tập trung giải quyết rào cản thương mại như thuế quan, hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa hay là điều chỉnh việc xúc tiến và khuyến khích đầu tư giữa các nước thành viên trong FTA hoặc quy định cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa các chủ thể trong cùng hiệp định,v.v. Nhưng, trước sự thay đổi của bối cảnh thương mại toàn cầu, FTA truyền thống dần được nâng cấp lên FTA thế hệ mới với việc mở rộng nhiều lĩnh vực, nội dung trong các chương trình nghị sự đàm phán hơn. FTA thế hệ mới kế thừa những giá trị cốt lõi của FTA truyền thống và cập nhật những nội dung mang tính thời đại như tăng cường bảo vệ người lao động, tích cực thúc đẩy bảo vệ môi trường, ghi nhận về các nội dung liên quan đến công nghệ kỹ thuật,v.v. Sự cải tiến liên tục của FTA góp phần hỗ trợ các nước tham gia ký kết có nhiều cơ hội tiếp cận với những xu hướng thương mại mới để có những cải cách phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận sự tồn tại của nhiều FTA, tiêu biểu có thể kể đến như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu và Nhật Bản (JEFTA). Đặc biệt Hiệp định thương mại Hoa Kỳ, Mexico, Canada (USMCA) thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một trong những hiệp định đánh dấu bước một thời kỳ mới của thương mại Bắc Mỹ và có tác động sâu sắc đến thương mại quốc tế ở thế kỷ XXI.
Kể từ khi xuất hiện, FTA đã mang một sứ mệnh quan trọng mà các quốc gia gửi gắm, đó chính là xóa bỏ rào cản thương mại không cần thiết. Tại các hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)trước đây, tiêu biểu là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1947) đã thiết lập mục tiêu là giảm bớt và dần dần xóa bỏ các rào cản thương mại đặc biệt là hàng rào thuế quan. Theo đó, WTO sẽ lựa chọn một số thành viên phù hợp để tiến hành đàm phán về thuế quan với các quốc gia xin gia nhập tổ chức để đưa ra từng biểu thuế cho từng loại hàng hóa. Tuy nhiên, phương án này không đạt được hiệu quả cao cũng như không giải quyết triệt để và chỉ mang tính tạm thời. Chính vì vậy, FTA được xem có mức độ “khai phóng hóa” cao hơn các hiệp định của WTO khi cho phép các quốc gia xóa bỏ các rào cản thương mại ở mức độ cao hơn, tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. FTA bao gồm bốn đặc điểm cơ bản.
Thứ nhất, về nguyên tắc đàm phán: Việc đàm phán sẽ dựa trên nguyên tắc “tự do”, “bình đẳng” về quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những phong cách đàm phán thương mại khác nhau nên nguyên tắc đàm phán cũng sẽ có sự linh hoạt và biến chuyển nhưng phải đảm bảo được đại đa số quyền lợi của các bên tham gia đàm phán FTA.
Thứ hai, về chủ thể đàm phán ký kết: Các quốc gia sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm đàm phán và ký kết các FTA. Những nhà hoạch định chính sách của các nước sẽ nghiên cứu tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để tham vấn cho các cấp lãnh đạo tiến hành đàm phán.
Thứ ba, về nội dung cam kết: FTA đề cao mục tiêu là xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan nên việc đàm phán những “tiêu chuẩn” làm căn cứ để hàng hóa được hưởng mức thuế 0% là điều cần thiết. Một số nội dung được cam kết xoay quanh các vấn đề về: xuất xứ hàng hóa, danh mục mặt hàng được cắt giảm, lộ trình cắt giảm. Ngoài ra, nội dung cam kết còn phụ thuộc vào ý kiến và yêu cầu của từng quốc gia tham gia ký kết FTA.
Thứ tư, về phạm vi áp dụng và lĩnh vực đàm phán: Phạm vi áp dụng bao gồm các nước tham gia ký kết FTA. Theo đó, các quốc gia thành viên phải tuân thủ đúng theo những cam kết, quy định được ghi nhận trong FTA. Lĩnh vực được đàm phán tại các FTA chủ yếu xoay quanh bốn trụ cột chính:
(i) Thương mại hàng hóa: Đây là lĩnh vực cơ bản và trọng yếu nhất trong bất kỳ một FTA nào trên thế giới, bất kể là FTA truyền thống hay FTA thế hệ mới. Đàm phán tập trung vào việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu giữa các nước thành viên, lộ trình cắt giảm thuế quan, thuận lợi hóa các thủ tục hải quan và các quy tắc xuất xứ hàng hóa cùng với một số điều kiện khác để được hưởng thuế quan ưu đãi đặc biệt. Mục tiêu hướng đến tạo thuận lợi trong việc giao thương giữa các quốc gia thành viên.
(ii) Thương mại dịch vụ: Đây là trụ cột xuất hiện xuyên suốt ở các FTA trên thế giới khi có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang địa hạt dịch vụ. Các quốc gia tham gia đàm phán về việc mở cửa trong việc tiếp cận thị trường dịch vụ ở các ngành như viễn thông, tài chính, kỹ thuật số, chuyển dữ liệu xuyên biên giới,v.v. Các quốc gia sẽ tiến hành điều chỉnh quy định nội địa một cách minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, xóa bỏ dần những rào cản còn tồn tại.
(iii) Đầu tư: Trụ cột này được ghi nhận trong FTA để thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư giữa các quốc gia với nhau. Các nước thành viên xây dựng chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đến từ các nước trong cùng FTA được thuận lợi trong việc tham gia hoạt động kinh tế. Bao gồm nhiều quy định như bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, ưu đãi đầu tư,v.v.
(iv) Sở hữu trí tuệ: Quy định về sở hữu trí tuệ được quy định khá chặt chẽ, rõ ràng trong các FTA nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm. Đồng thời, điều này tạo điều kiện cho các nước thành viên FTA có cơ hội tiếp cận tri thức mới, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế sáng tạo và hiện đại.
Bên cạnh bốn trụ cột chính trong các FTA truyền thống như phân tích trên, tại các FTA thế hệ mới, các quốc gia đề cao mục tiêu “phát triển bền vững” (Sustainable Development) nên một số nội dung mới sẽ được thảo luận tại các vòng đàm phán và được đưa vào chính thức trong văn kiện hiệp định. Một số lĩnh vực có thể kể đến: (i) Lĩnh vực Môi trường: tăng cường các quy định phát triển kinh tế bên cạnh việc bảo vệ môi trường. (ii) Lĩnh vực Lao động: tăng cường các quy định bảo hộ người lao động, ngăn cản hành vi phân biệt đối xử trong lao động. (iii) Các lĩnh vực khác như: Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thực hành quy định tốt, Thương mại kỹ thuật số, Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế Giải quyết tranh chấp giữa chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài,v.v.
Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada có hiệu lực kể từ năm 1994. NAFTA là một trong những FTA mẫu mực cho mô hình thương mại tự do khu vực có sự tham gia giữa nước phát triển (Hoa Kỳ, Canada) và đang phát triển (Mexico) vào thời điểm đó cũng như là ngoài những quy định liên quan đến thương mại, NAFTA còn quy định liên quan đến Lao động và Môi trường để đảm bảo việc thực thi hiệp định hiệu quả[11] và đề ra những nguyên tắc, quy tắc ứng xử thương mại mang tính thống nhất đối với các nước thành viên. NAFAT được chia thành 8 Phần và bao gồm 22 Chương, xoay quanh một số vấn đề chính như: (i) Đối xử quốc gia và tiếp cận thị trường hàng hóa (National Treatment and Market Access for Goods) quy định các vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ thuế quan và các biện pháp phi thuế quan. (ii) Quy tắc xuất xứ (Rules of Origin) là căn cứ quan trọng để áp dụng biểu thuế quan ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. (iii) Mua sắm chính phủ (Government Procurement). (iv) Đầu tư (Investment). (v) Thương mại dịch vụ xuyên biên giới (Cross – Border Trade in Services). (vi) Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên NAFTA. Ngoài ra, mặc dù không đề cập đến vấn đề Lao động và Môi trường nhưng bên lề NAFTA, các nước thành viên đã ký kết các hiệp định phụ để điều chỉnh bao gồm: Hiệp định hợp tác lao động Bắc Mỹ (NAALC) và Hiệp định hợp tác môi trường Bắc Mỹ (NAAEC). Hai hiệp định này có hiệu lực cùng thời điểm với NAFTA. Có thể thấy, kể từ khi NAFTA ra đời, một số nội dung của hiệp định đã tiệm cận với các FTA thế hệ mới khi thể hiện đầy đủ, bao quát những vấn đề liên quan đến thương mại và phi thương mại.
Các quốc gia NAFTA phải cam kết xóa bỏ các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu xuyên biên giới của hàng hóa và dịch vụ giữa các nước. Vấn đề này được giải quyết thông qua cơ chế thay đổi và bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu đến từ các nước thành viên ngay lập tức hoặc theo quy trình từ 5 năm đến 15 năm. Chính sách thuế nhập khẩu giữa Hoa Kỳ, Mexico, Canada có sự khác biệt đáng kể, hầu hết các biện pháp mở cửa thị trường quy định tại NAFTA dẫn đến việc Mexico phải loại bỏ thuế quan và hạn ngạch mà nước này áp dụng đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ và Canada. Bởi vì thuế quan của Mexico cao hơn so với Hoa Kỳ, nên người ta kỳ vọng “rằng hiệp định này sẽ khiến xuất khẩu của Hoa Kỳ mở rộng nhanh hơn so với nhập khẩu từ Mexico” [12]. Điển hình là vào năm 1993, con số 2,07% là mức thuế trung bình mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa đến từ Mexico. Trong khi đó, Mexico áp đặt mức thuế 10% cho hàng hóa nguồn gốc từ Hoa Kỳ (theo Nghiên cứu về Hoạt động và ảnh hưởng của NAFTA từ Văn phòng tổng thống Hoa Kỳ tháng 7 năm 1997). Sự không đồng nhất về thuế nhập khẩu giữa các nước đã dẫn đến việc các quốc gia thành viên NAFTA cần phải cam kết xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan và thực thi cam kết nghiêm ngặt vì đây cũng chính là mục tiêu quan trọng mà các FTA thường hướng đến. Nhìn chung, nội dung của NAFTA bao gồm những lĩnh vực, khía cạnh cơ bản, đúng với đặc điểm của một FTA truyền thống. Có thể nhận thấy rằng, NAFTA có thể được xem một hiệp định mang tính vượt thời đại khi ghi nhận, điều chỉnh hai lĩnh vực Môi trường và Lao động, mặc dù chỉ ghi nhận thông qua hai hiệp định phụ đính kèm theo NAFTA.
Tuy nhiên, sau gần ba mươi năm tồn tại, NAFTA dần xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Gốc rễ của sự xung đột này chủ yếu xuất phát từ phía Hoa Kỳ. Bắt đầu vào năm 2008, Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu đàm phán lại NAFTA khi nhận thấy NAFTA gây ra những hệ quả tiêu cực đối với kinh tế Hoa Kỳ khi đã “khiến khoảng 700.000 việc làm bị mất khi hoạt động sản xuất chuyển sang Mexico”[13]. NAFTA còn khiến thâm hụt thương mại gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ. Thời điểm NAFTA còn hiệu lực, “hầu hết các nghiên cứu đều kết luận rằng NAFTA chỉ có tác động tích cực khiêm tốn đến GDP của Hoa Kỳ”[14] khi tại báo cáo về NAFTA sau 20 năm của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ giàu thêm 127 tỷ USD nhờ thương mại. Tuy nhiên, nếu như nhìn vào tổng thể thì vào khoảng thời điểm năm 2014, “Hoa Kỳ với dân số 320 triệu người, lợi ích kinh tế thuần túy là gần 400 USD/người”[15], một con số không quá khả quan tại quốc gia có mức sống như Hoa Kỳ. Ngoài ra, NAFTA không có quy định liên quan đến thương mại kỹ thuật số bởi vì thời điểm đó, lĩnh vực này chưa phát triển như giai đoạn sau này. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến tỉ lệ xác định hàng hóa có nguồn gốc cũng không còn phù hợp. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, để được xem là hàng hóa có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, NAFTA quy định 62.5% tỉ lệ linh kiện (Điểm a, Khoản 5, Điều 403) nhưng sau này, hiệp định thay thế NAFTA là USMCA quy định tỉ lệ là 75% vào năm 2025 (Điểm a, Điều 8, “Phụ lục quy định liên quan đến nguyên tắc xuất xứ đặc biệt đối với hàng hóa ô tô”), kiểm soát một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.
Từ những mâu thuẫn với lợi ích và sự cấp thiết cần cập nhật những quy định mới cho tình hình mới nên khiến Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy việc đàm phán lại NAFTA và là cơ sở cho sự đời của USMCA trong khoảng thời gian sau đó.
Để lấp đầy những “khoảng trống” và khắc phục, giải quyết các xung đột lợi ích, mâu thuẫn về chính sách thương mại giữa ba nước Bắc Mỹ mà NAFTA mang đến, dưới thời Donald Trump, Hoa Kỳ đã đẩy nhanh quá trình đàm phán hiệp định mới thay thế NAFTA. Quá trình thương thảo kéo dài từ năm 2017 đến năm 2019, Hoa Kỳ, Mexico, Canada đã đàm phán thành công một thỏa thuận mới với sự ra đời của Hiệp định thương mại Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA), hiệp định có hiệu lực kể từ ngày01/07/2020. Với tổng số 34 Chương, USMCA đã tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến thương mại và phi thương mại tại Bắc Mỹ trước tình hình mới của khu vực và quốc tế, nhất là sau “Cáchmạng công nghiệp 4.0”. Giống như các FTA từ trước đến nay trên thế giới, các nội dung về: xóa bỏ các hàng rào thương mại; tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa thương mại; thương mại bình đẳng và công bằng,v.v. Đây đều là những khía cạnh trọng tâm, cốt lõi mà USMCA quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, các lĩnh vực, nội dung nổi bật hiện nay cũng được cập nhật tại USMCA như: Thương mại kỹ thuật số, Chống Tham nhũng, Thực hành quản trị tốt, Lao động, Môi trường,… đều được quy định chi tiết và cụ thể và có giá trị ràng buộc giữa các nước thành viên.
Nhìn chung, có thể xem USMCA là một FTA thế hệ mới trên cơ sở kế thừa và phát triển NAFTA với nhiều nội dung điều chỉnh phù hợp và là sản phẩm của sự thương lượng và cam kết thực thi giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada. Ba nước thành viên đã cùng nhau cam kết thiết lập một thị trường chung, duy trì tự do hóa thương mại và thúc đẩy hội nhập kinh tế ở Bắc Mỹ. Đồng thời, những trụ cột kinh tế Bắc Mỹ cũng có những cam kết nhất quán trong việc ưu tiên phát triển các chính sách tốt nhất về lao động, môi trường song song với phát triển kinh tế.
Trải qua gần ba thập kỷ, kể từ thời điểm hình thành quan điểm về sự liên kết kinh tế Bắc Mỹ vào những năm 1980 cho đến khi NAFTA ra đời vào năm 1994, sau đó được thay thế bằng USMCA thông qua vào năm 2020 đã phần nào cho thấy ba nước thành viên đều có những thay đổi nhất định về chính sách thương mại tại khu vực Bắc Mỹ. Trong đó, Hoa Kỳ được xem là quốc gia có những động thái rõ ràng hơn Mexico và Canada. Thông qua hai hiệp định thương mại, chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ đã có những thay đổi nhằm phù hợp với từng giai đoạn cũng như phù hợp với bối cảnh kinh tế khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Sự chuyển giao từ NAFTA tới USMCA đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương mại mà Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ.
Sáng kiến thiết lập một liên kết kinh tế khu vực và đàm phán một hiệp định thương mại giữa ba quốc gia tại Bắc Mỹ đã xuất hiện vào đầu thập niên 1980 thế kỷ XX, người khởi xướng là tổng thống Hoa Kỳ - Ronald Reagan. Giáo sư Richard N. Cooper nhận định đặc trưng trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ ở thời điểm đó là việc nước này “sử dụng áp lực nặng nề để khuyến khích mở cửa thị trường nước ngoài cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ được phát triển”[16] bằng các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương để tạo thuận lợi hóa trong thương mại và kiểm soát các nền kinh tế khác.
Đối với Canada, năm 1988, Hoa Kỳ và Canada chính thức ký kết FTA nhằm loại bỏ thuế quan và một số vấn đề khác gây cản trở đối với thương mại hai nước. Không chỉ áp dụng đối với hàng hóa mà FTA điều chỉnh ngành dịch vụ và đầu tư nước ngoài. Khi đệ trình dự thảo FTA Hoa Kỳ – Canada, Quốc hội Hoa Kỳ đã dễ dàng chấp nhận, nơi mà “quan điểm bảo hộ thương mại vẫn diễn ra mạnh mẽ nhưng dường như thường nhắm đến các đối tác thương mại xa hơn: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan”[17] hơn là nhắm đến các đối tác thương mại gần kề như Canada.
Đối với Mexico, Hoa Kỳ cũng áp dụng chính sách thương mại thân thiện. Bởi vì những rào cản còn tồn tại nên việc thuận lợi hóa thương mại giữa hai nước không được tối ưu hóa. Để giải quyết vấn đề, sau khi ký kết FTA với Canada, Hoa Kỳ mong muốn hiệp định này được áp dụng cho cả Mexico, điều mà trong lịch sử thương mại thế giới gần như chưa từng xảy ra. Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho Mexico cùng đàm phán để xây dựng FTA mới có sự hiện diện của Mexico.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, Hoa Kỳ áp dụng chính sách thương mại vừa thân thiện, vừa kiểm soát đối với Bắc Mỹ với mục đích là để khu vực này trở thành vùng đệm để Hoa Kỳ vươn xa hơn trên bản đồ thương mại quốc tế. Đến những năm 1990, động thái đàm phán về một FTA giữa các nước Bắc Mỹ đã dần xuất hiện một cách rõ nét – nền tảng đầu tiên về sự ra đời của NAFTA.
NAFTA đánh dấu cột mốc quan trọng đối với kinh tế Bắc Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, trở thành khuôn mẫu chuẩn mực chung cho cả hệ thống FTA trên thế giới sau này. Trong đó, Hoa Kỳ là thành viên đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trung gian kết nối các thành viên. Thời gian đầu thực thi NAFTA, Hoa Kỳ đã duy trì áp dụng chính sách thương mại thân thiện để thể hiện được sự đúng đắn cũng như hiệu quả của NAFTA tại khu vực. Điển hình là việc Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ Mexico trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế năm 1994 – 1995 khi đã “phê duyệt khoản vay từ Bộ tài chính nước này trị giá 20 tỷ USD nhằm giúp Mexico giải quyết khủng hoảng kinh tế”[18] cũng như giúp nước này “tái hòa nhập thị trường vốn quốc tế vào năm 1997”[19]. Có thể nói, việc thi hành chính sách thương mại thân thiện cũng là bước đi hiệu quả của Hoa Kỳ khi nước này mong muốn có đồng minh ủng hộ thành lập WTO, thay thế cho GATT 1947 đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. Thời điểm năm 2000, “tỉ lệ xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường NAFTA tăng 16% và tăng 107% kể từ năm 1994 khi NAFTA chính thức có hiệu lực”[20]. Đây là một con số ấn tượng đối với thương mại Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục khẳng định chính sách thương mại đúng đắn của nước này đối với các thành viên còn lại của NAFTA khi ưu tiên phát triển kinh tế Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương với nhiều nước trên thế giới. Hoa Kỳ cho rằng, “các hiệp định thương mại tự do được theo đuổi chủ yếu liên quan các lý do về chính sách đối ngoại, bởi vì những lợi ích thương mại được hứa hẹn là rất nhỏ”[21] và nước này dùng FTA để củng cố vị thế siêu cường của mình.
Về sau, Hoa Kỳ còn thể hiện mong muốn tái đàm phán một hiệp định thương mại mới thay thế NAFTA khi NAFTA không còn phù hợp. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến năm 2017, Hoa Kỳ chưa có sự rõ ràng, quyết đoán đối với sự tồn tại của NAFTA khi hiệp định này có những hạn chế, xung đột lợi ích (theo quan điểm của Hoa Kỳ) sau gần 20 năm có hiệu lực. Thay vào đó, Hoa Kỳ sử dụng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để “chắp vá” tạm thời những thiếu sót của NAFTA nhưng vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi và được đánh giá chính sách cồng kềnh của Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại Bắc Mỹ vào thời điểm lúc bấy giờ.
Đến giai đoạn này, sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại khu vực Bắc Mỹ được thể hiện một cách rõ ràng sau những bế tắc mà NAFTA mang lại đối với kinh tế Hoa Kỳ. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại một lần nữa tiếp tục quay trở lại và chi phối chính sách của Hoa Kỳ không chỉ tại Bắc Mỹ mà còn ở các lục địa khác. Năm 2017, Donald Trump trở thành tống thứ 45 của Hoa Kỳ và ông đánh giá “NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử”[22] và chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ cũng có sự thay đổi mới. Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chủ trương bãi bỏ NAFTA, thúc đẩy việc thỏa thuận một hiệp định mới thay thế cho hiệp định cũ đã lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình tại thời điểm đó. Hoa Kỳ cho rằng, NAFTA đã xâm phạm và gây ảnh hưởng đối với kinh tế Hoa Kỳ. Giai đoạn Trump cầm quyền được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với thương mại của cả ba quốc gia Bắc Mỹ cũng như là dấu ấn quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ. Hoa Kỳ đã thực thi chính sách thương mại cứng rắn với Canada bằng cách áp đặt thuế quan cao ở một số mặt hàng nếu Canada không chấp nhận nhượng bộ thương mại. Đối với Mexico, Hoa Kỳ dường như dễ dàng kiểm soát và buộc nước này chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán lại NAFTA.
USMCA thay thế NAFTA có hiệu lực vào năm 2020 được đánh giá là một đòn bẩy quan trọng hỗ trợ mạnh mẽ cho Hoa Kỳ, cũng như đã hoàn thành sứ mệnh quan trọng là kết thúc một hiệp định lỗi thời và bắt đầu một kỷ nguyên mới đối với thương mại Bắc Mỹ. Chính quyền Donald Trump đã đạt được thắng lợi quan trọng khi đã khắc phục những thiếu sót, hạn chế của NAFTA, thay vào đó là USMCA có lợi hơn rất nhiều cho nền kinh tế Hoa Kỳ. USMCA đã góp phần hỗ trợ Hoa Kỳ điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, đặt mục tiêu khôi phục sự thịnh vượng quốc gia, củng cố vị thế quốc tế và tập trung mọi nguồn lực đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2018.
Trên tiến trình hình thành và phát triển của Hoa Kỳ, mỗi chính sách quân sự hay kinh tế của nước này đa số bị chi phối bởi quan điểm của đảng phái cầm quyền và chủ trương của tổng thống đương nhiệm. Vì lẽ đó, trong suốt nhiệm kỳ của mình, Trump đã thực thi những chính sách đặt lợi ích của Hoa Kỳ lên trên hết. Trump chính thức đưa Hoa Kỳ rút khỏi đàm phán TPP và một số tổ chức quốc tế khác khi nhận thấy những tổ chức này không còn phù hợp với chính sách “Hoa Kỳ trên hết”. Lịch sử thương mại tại Bắc Mỹ đã cho thấy quan điểm của Hoa Kỳ dường như chưa thật sự là “Thương mại tự do” (Free Trade) hay “Thương mại công bằng” (Fair Trade) bất kể là xác lập quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ – Mexico hay Hoa Kỳ – Canada. Mục đích của Hoa Kỳ chủ yếu tạo ra thị trường chung ở Bắc Mỹ nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại quốc gia. Khi lợi ích bị xâm phạm, Hoa Kỳ sẽ sử dụng quyền lực chính trị để tác động đến kinh tế. Tác giả tạm gọi chính sách của Hoa Kỳ ở thời điểm này là “Tự do thương mại dưới chiếc ô bảo hộ” khi USMCA hiện thân là một hiệp định thương mại chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Nhìn chung, ở giai đoạn Trump là tổng thống Hoa Kỳ thì quan điểm bảo hộ thương mại được áp dụng một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
Tại Hoa Kỳ, bảo hộ thương mại và thương mại tự do là hai trường phái, hai hệ tư tưởng luôn tồn tại song song cùng nhau. Có thời điểm trường phái này sẽ chiếm ưu thế hơn trường phái kia và ngược lại. Dưới thời tổng thống Trump, tại khu vực Bắc Mỹ, Hoa Kỳ thường có xu hướng bảo hộ thương mại mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp của Mexico hay Canada trong giai đoạn. Đến giai đoạn Biden nắm quyền, quan điểm bảo hộ thương mại vẫn tiếp tục thống trị tại Hoa Kỳ và đánh giá cao đúng đắn của USMCA. Đây được xem là hiệp định thương mại tự do nhận được sự ủng hộ trong lưỡng đảng tại nước này và xem “USMCA là “bản thiết kế” cho các hiệp định thương mại trong tương lai”[23]. USMCA được thiết kế, tạo dựng để phục vụ cho lợi ích Hoa Kỳ, cùng với đó chính sách kinh tế dưới thời Biden là hướng đến người lao động Hoa Kỳ nên việc bảo hộ thương mại được tiếp tục duy trì, hạn chế sự cạnh tranh từ Mexico và Canada. Tuy nhiên, chính quyền Biden không quá khắt khe khi áp dụng chính sách thương mại đối với hai nước còn lại tại Bắc Mỹ, vẫn tạo điều kiện để các quốc gia cùng nhau thúc đẩy phát triển vì sự thịnh vượng và ổn định của liên kết kinh tế khu vực này.
Có thể thấy, sau khi USMCA thay thế NAFTA, Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách bảo hộ thương mại dưới danh nghĩa hiệp định thương tự do đối với Mexico và Canada. Phải chăng sau những thiếu sót, mâu thuẫn mà NAFTA mang lại nên đối USMCA, Hoa Kỳ đã có những bước đi thận trọng hơn để không lặp lại tình trạng khi NAFTA còn hiệu lực. Hoa Kỳ có cách hiểu về thương mại tự do “kiểu Hoa Kỳ”, nơi mà quyền lợi của Hoa Kỳ được đảm bảo tốt nhất, cao nhất thì được xem là thị trường, khu vực thương mại công bằng, tự do. Ngược lại, khi lợi ích của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng thì hệ tư tưởng bảo hộ thương mại được trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không chỉ đối với trường hợp tại Bắc Mỹ mà hầu như đối với các quốc gia khác trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn sử dụng kiểu chính sách như vậy.
Hiệp định thương mại tự do không chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận đơn thuần mà còn phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng, hoàn cảnh, mục tiêu kinh tế và phong cách xử sự của cường quốc. Do đó, khi gia nhập một thị trường thương mại tự do, đòi hỏi các quốc gia phải cân nhắc, nhượng bộ, đánh đổi và chấp nhận một số rủi ro nhất định để tận dụng những giá trị lợi ích, phục vụ cho sự phát triển thương mại trong nước và thương mại quốc tế hiện nay.
Kể từ khi tiến hành đổi mới, theo thời gian “Việt Nam đã được nhiều quốc gia xem như một nền kinh tế thị trường bình thường trên trái đất này”[24]. Việc được công nhận này là một yếu tố vô cùng quan trọng và then chốt để Việt Nam phát triển và hội nhập. Khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, cũng là thời điểm NAFTA đã có hiệu lực. Trong quá trình phát triển quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã chứng kiến việc USMCA thay thế NAFTA. Do đó, hai hiệp định này cũng đã gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng quan hệ thương mại với các nước Bắc Mỹ trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, Việt Nam cần nghiên cứu những FTA, liên kết kinh tế mà Hoa Kỳ tham gia nhằm xây dựng phương án và chính sách phù hợp với tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Cần tiến hành rà soát và nghiên cứu những tiêu chí mà Hoa Kỳ đặt ra trong từng hiệp định nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu và sàng lọc các quy định mà phía Hoa Kỳ thường đề xuất. Qua đó, Việt Nam sẽ có những phương án đàm phán phù hợp trên tinh thần bình đẳng về lợi ích và ưu tiên lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc lên hàng đầu bởi vì đi kèm sự hợp tác kinh tế còn là vấn đề liên quan đến an ninh chính trị.
Thứ hai, Việt Nam cần hợp tác với Hoa Kỳ trong việc chuyển giao công nghệ, vì đó là chìa khóa để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế hiện tại, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần có lộ trình đàm phán và quá trình chuyển giao một cách rõ ràng theo từng giai đoạn nhất định. Cần xem xét kỹ càng đến các điều kiện phía Hoa Kỳ đưa ra để quản trị rủi ro một cách hiệu quả trong mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng hàng hóa và dịch vụ bởi vì hàng hóa được nhập khẩu vào Hoa Kỳ cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao. Thời gian trước đây, hàng hóa của Việt Nam cần phải thông qua trung gian chế biến cho phù hợp với tiêu chuẩn Hoa Kỳ thì mới được phép nhập khẩu đã dẫn đến lợi nhuận không đạt được tối ưu hóa. Do đó, việc chuyển giao công nghệ là một điều cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua là một điều xứng đáng được ghi nhận. Hai quốc gia đã có những chính sách phù hợp nhằm đạt được lợi ích về thương mại song phương. Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ “là một chặng đường đáng chú ý, được đánh dấu bằng những bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao và kinh tế”[25]. Kể từ thời điểm, Hiệp định quan hệ Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2000 và tiếp đó là việc Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 cho đến khi hai nước nâng cấp quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vào năm 2023 đã khẳng định sự đúng đắn trong các chính sách mà hai quốc gia dành cho nhau.
USMCA là một FTA nhằm “xoa dịu” Hoa Kỳ khi Mexico và Canada chấp nhận nhượng bộ một số vấn đề để đi đến một thống nhất chung. Hoa Kỳ luôn có những thay đổi chính sách thương lượng hay thơng mại “không thể lường trước”. Vì vậy, Mexico và Canada luôn mở rộng hợp tác với các nền kinh tế khác, chẳng hạn như các quốc gia thuộc những liên kết kinh tế mà hai nước này là thành viên. Đây được xem là thời điểm vàng để Việt Nam tìm kiếm cơ hội tăng cường quan hệ thương mại với Canada và Mexico. Do đó, tác giả đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam trong việc thiết lập quan hệ thương mại với Mexico và Canada, bao gồm:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng các cam kết tại những FTA mà Việt Nam, Canada, Mexico (tiêu biểu là CPTPP) cùng là thành viên để hưởng những ưu đãi như được xóa bỏ rào cản thương mại, đặc biệt là hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam đi vào hai thị trường này. Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc rõ ràng đối với những đề nghị từ phía Canada và Mexico. Khi hai quốc gia này là cửa ngõ đến tiến vào Bắc Mỹ nói riêng và châu Mỹ nói chung, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ hai, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình hợp tác thương mại với Canada và Mexico, tận dụng ác ưu thế của mình. Việt Nam là nước có vị trí địa lí quan trọng đối với hàng hải quốc tế . Chính vì vậy sẽ có nhiều tiềm năng phát triển, tăng cường giao lưu thương mại với các quốc gia, trong đó bao gồm Canada và Mexico. Do đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển quan hệ thương mại với Mexico và Canada để góp phần xây dựng đường thương mại liên lục địa, hỗ trợ thuận lợi trong giao thương quốc tế. Cần có những chiến lược, phương án cụ thể khi xây dựng tuyến đường thương mại này bao gồm chi phí, rủi ro, nguồn nhân lực, sự đảm bảo ổn định, an toàn trong việc lưu thông của hàng hóa, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.
Hiệp định thương mại tự do là một trong những công cụ hiệu quả để hỗ trợ và thúc đẩy việc thuận lợi hóa thương mại giữa các quốc gia. Tại Bắc Mỹ, NAFTA ra đời khi xu hướng toàn cầu hóa và liên kết kinh tế khu vực dần xuất hiện vào thập niên 90 của thế kỷ XX. Giai đoạn này đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với kinh tế khu vực, trong đó Hoa Kỳ được xem là cầu nối quan trọng. Và khi kinh tế thế giới có những biến chuyển, các quốc gia Bắc Mỹ hoàn tất thỏa thuận và cho ra đời USMCA nhằm khắc phục những hạn chế của NAFTA và để đáp ứng yêu cầu của xu hướng kinh tế ở thời kỳ mới. Nhìn chung, các chính sách thương mại của Hoa Kỳ đều có tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ đã có những thay đổi về chính sách thương mại trong từng giai đoạn khác nhau ở khu vực Bắc Mỹ, từ thân thiện, tích cực hỗ trợ đến kiểm soát chặt chẽ và chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với Bắc Mỹ luôn có sự thay đổi khi nước này nhận thấy lợi ích của quốc gia bị xâm phạm, gây ảnh hưởng đến vị thế của Hoa Kỳ.
Từ những chính sách thương mại của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ được trình bày trong phạm vi bài viết đãphần nào rút kết được nhiều kinh nghiệm, gợi mở và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách phù hợp để thiết lập quan hệ thương mại với Hoa Kỳ cũng như Mexico và Canada trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế hiện nay. Sự hợp tác thương mại với các nước Bắc Mỹ có thể góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng khi tiếp cận thị trường thương mại tiềm năng, chất lượng cao. Mặt khác, Việt Nam cũng cần cẩn trọng khi đàm phán các chính sách thương mại với các nước Bắc Mỹ, ưu tiên lợi ích quốc gia, hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt:
1. Nguyễn Thùy Linh, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và vấn đề cải cách thể chế kinh tế ở nước ta, Nghiên cứu Lập pháp số 21, 26 (2014)
2. NGUYỄN VĂN NGỌC, TỪ ĐIỂN KINH TẾ HỌC, NXB ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN, HÀ NỘI, 531 (2006).
3. PHẠM DUY NGHĨA, GIÁO TRÌNH LUẬT KINH TẾ, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, 11 (2015).
Tiếng nước ngoài:
1. GIOVANNI ARRIGHI, THE LONG TWENTIETH CENTURY: MONEY, POWER, AND THE ORIGINS OF OUR TIMES, VERSO, P.58 (1994).
2. Richard N. Cooper, An Appraisal of Trade Policy during the Reagan Administration, Harvard International Review, 11(3), 92 (1989).
3. Grampp, William D, How Britain Turned to Free Trade, The Business History Review 61, 88, 96 (1987).
4. Andrew Glass, Clinton bails out Mexico, Jan. 31, 1995, Politico, (2019) https://www.politico.com/story/2019/01/31/this-day-in-politics-jan-31-1995-1129932
5. Ana Swanson & Emily Cochran, Ways and Means Chairman Pushes for Reopening Trade Talks with EU, WASH. POST, Dec. 11, 2020, at A3
6. Jeff Faux, NAFTA’s Impact on U.S. Workers, Economic Policy Institute, (2013), https://www.epi.org/blog/naftas-impact-workers/
7. Milton Friedman, Landon Lecture Series on Public Issues, Kansas State University (1978), https://www.k-state.edu/landon/speakers/milton-friedman/transcript.html
8. Mauro Guillén, NAFTA’s Impact on the U.S. Economy: What Are the Facts?, Knowledge at Wharton, (2016), https://knowledge.wharton.upenn.edu/ article/naftas-impact-u-s-economy-facts/
9. Gary Clyde Hufbauer, Cathl een Cimino, & Tyler Mora, NAFTA 20 years later - NAFTA at 20: Misleading Charges and Positive Achievements, The Peterson Institute for International Economics, 23, 2014.’
10.James SC, Lake DA, The second face of hegemony: Britain’s repeal of the Corn Laws and the American Walker Tariff of 1846, International Organization, 2, (1989)
11.DOUGLAS A. IRWIN, PEDDLING PROTECTIONISM: SMOOT-HAWLEY AND THE GREAT DEPRESSION, PRINCETON UNIVERSITY PRESS, VII–XVIII (2011).
12.DOUGLAS A. IRWIN, CLASHING OVER COMMERCE: A HISTORY OF U.S. TRADE POLICY, UNIVERSITY OF CHICAGO PRESS, CHICAGO, 676 (2017).
13.JOHN H. JACKSON, WILLIAM J. DAVEY, & ALAN O. SYKES, LEGAL PROBLEMS OF INTERNATIONAL ECONOMIC RELATIONS: CASES, MATERIALS, AND TEXT ON THE NATIONAL AND INTERNATIONAL REGULATION OF TRANSNATIONAL ECONOMIC RELATIONS, ST. PAUL: WEST GROUP, 4TH ED (2002)
14.Rachel McCulloch, The United States-Canada Free Trade Agreement, Proceedings of the Academy of Political Science, 37(4), 81 (1990).
15.Scotland Marciel, From Foe to Friend: Explaining the Development of US–Vietnam Relations, The Walter H. Shorenstein Asia-Pacific Research Center-Stanford University, (2023), https://aparc.fsi.stanford.edu/news/foe-friend-explaining-development-us-vietnam-relations
16.The Australian Government, Department of Foreign Affairs and Trade, About free trade agreements (FTAs), https://www.dfat.gov.au/trade/about-ftas/about-free-trade-agreements
17.The Council on Foreign Relations, U.S. – Mexico Relations, https://www.cfr.org/timeline/us-mexico-relations
18.The Guardian, NAFTA: what is it and why is Trump trying to renegotiate?, (2018) https://www.theguardian.com/us-news/2018/aug/30/nafta-what-is-it-why-is-trump-trying-to-renegotiate
19.The International Trade Administration, Free Trade Agreement Overview, https://www.trade.gov/free-trade-agreement-overview
20.The Office of United States Trade Representative, U.S Trade in 2000, 2000 Annual Report, 4 (2000).
21. Sehgal, S., The Evolution of NAFTA, India Quarterly: A Journal of International Affairs, 66(3), 309, 2010.
22.M. Angeles Villarreal & Ian F. Fergusson, The North American Free Trade Agreement (NAFTA), Congressional Research Service, 5, 2017.
* Nguyễn Lư Tấn Giang, Chuyên viên Pháp chế, C.P. Vietnam Corporation. Duyệt đăng 27/12/2024. giangnguyen.legal@gmail.com
[1] DOUGLAS A. IRWIN, PEDDLING PROTECTIONISM: SMOOT-HAWLEY AND THE GREAT DEPRESSION, PRINCETON UNIVERSITY PRESS, VII–XVIII (2011).
[2] Milton Friedman, Landon Lecture Series on Public Issues, Kansas State University (1978), https://www.k-state.edu/landon/speakers/milton-friedman/transcript.html
[3] GIOVANNI ARRIGHI, THE LONG TWENTIETH CENTURY: MONEY, POWER, AND THE ORIGINS OF OUR TIMES, VERSO, 58(1994).
[4] NGUYỄN VĂN NGỌC, TỪ ĐIỂN KINH TẾ HỌC, NXB ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN, HÀ NỘI, 531 (2006).
[5] Grampp, William D, “How Britain Turned to Free Trade”, The Business History Review 61, 88, 96 (1987).
[6] James SC, Lake DA, The second face of hegemony: Britain’s repeal of the Corn Laws and the American Walker Tariff of 1846, International Organization,2, (1989)
[7] JOHN H. JACKSON, WILLIAM J. DAVEY, & ALAN O. SYKES, LEGAL PROBLEMS OF INTERNATIONAL ECONOMIC RELATIONS: CASES, MATERIALS, AND TEXT ON THE NATIONAL AND INTERNATIONAL REGULATION OF TRANSNATIONAL ECONOMIC RELATIONS, ST. PAUL: WEST GROUP, 4TH ED (2002)
[8] The International Trade Administration, Free Trade Agreement Overview, https://www.trade.gov/free-trade-agreement-overview
[9] The Australian Government, Department of Foreign Affairs and Trade, About free trade agreements (FTAs), https://www.dfat.gov.au/trade/about-ftas/about-free-trade-agreements
[10] Nguyễn Thùy Linh, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và vấn đề cải cách thể chế kinh tế ở nước ta, Nghiên cứu Lập pháp số 21, 26(2014)
[11] Sehgal, S., The Evolution of NAFTA. India Quarterly: A Journal of International Affairs, 66(3), 309, 2010.
[12] M. Angeles Villarreal & Ian F. Fergusson, The North American Free Trade Agreement (NAFTA), Congressional Research Service, 5, 2017.
[13] Jeff Faux, NAFTA’s Impact on U.S. Workers, Economic Policy Institute, (2013), https://www.epi.org/blog/naftas-impact-workers/
[14] Mauro Guillén, NAFTA’s Impact on the U.S. Economy: What Are the Facts?, Knowledge at Wharton, (2016), https://knowledge.wharton.upenn.edu/article/naftas-impact-u-s-economy-facts/
[15] Gary Clyde Hufbauer, Cathl een Cimino, & Tyler Mora , NAFTA 20 years later - NAFTA at 20: Misleading Charges and PositiveAchievements, The Peterson Institute for International Economics, 23, 2014.
[16] Richard N. Cooper, An Appraisal of Trade Policy during the Reagan Administration, Harvard International Review, 11(3), 92 (1989).
[17] Rachel McCulloch, The United States-Canada Free Trade Agreement, Proceedings of the Academy of Political Science, 37(4), 81 (1990).
[18] Andrew Glass, Clinton bails out Mexico, Jan. 31, 1995, Politico, (2019) https://www.politico. com/story/2019/01/31/this-day-in-politics-jan-31-1995-1129932
[19] The Council on Foreign Relations, U.S. – Mexico Relations, https://www.cfr.org/timeline/us-mexico-relations,
[20] The Office of United States Trade Representative, U.S Trade in 2000, 2000 Annual Report, 4 (2000).
[21] DOUGLAS A. IRWIN, CLASHING OVER COMMERCE: A HISTORY OF U.S. TRADE POLICY, UNIVERSITY OF CHICAGO PRESS,CHICAGO, 676 (2017).
[22] The Guardian, NAFTA: what is it and why is Trump trying to renegotiate?, (2018) https://www.theguardian.com/us-news/2018/aug/30/nafta-what-is-it-why-is-trump-trying-to-renegotiate
[23] Ana Swanson & Emily Cochran, Ways and Means Chairman Pushes for Reopening Trade Talks with EU, WASH. POST, Dec. 11, 2020, at A3
[24] PHẠM DUY NGHĨA, GIÁO TRÌNH LUẬT KINH TẾ, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI, 11 (2015).
[25] Scotland Marciel, From Foe to Friend: Explaining the Development of US–Vietnam Relations, The Walter H. Shorenstein Asia-Pacific Research Center-Stanford University, (2023), https://aparc.fsi.stanford.edu/news/foe-friend-explaining-development-us-vietnam-relations