Tóm tắt: Doanh nghiệp xã hội là một trong loại hình doanh nghiệp đặc biệt được hình thành từ
những năm 60 của thế kỷ trước. Mặc dù vậy, doanh nghiệp xã hội vẫn tiếp tục đặt ra những thách
thức về nhận thức, về vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường cũng như các
giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nó trong xã hội hiện đại. Tuy còn có sự
khác biệt trong pháp luật của mỗi quốc gia, song từ phương diện pháp lý, doanh nghiệp xã hội được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn
đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những
người sáng lập. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm về doanh nghiệp xã hội (DNXH) của các quốc gia
Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc; so sánh với khái niệm
về DNXH của Việt Nam theo quy định của pháp luật; Từ đó đưa ra một số đề xuất,
kiến nghị để chỉnh sửa khái niệm này trong quy định cho phù hợp với quan điểm của
thế giới.
Từ
khoá: doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, khái niệm doanh nghiệp
xã hội
Abstract: One of the unique types
of businesses that emerged in the 1960s of the last centuries is the social
enterprise. Nonetheless, social enterprise still faces difficulties in terms of
public perception, its role in the market economy, and solutions to promote its
development in modern society. Legally speaking, social enterprises are born
out of social initiatives that are driven by the founders' entrepreneurial
spirit and the need for the community to address a particular social issue,
despite the fact that each country's laws vary. The article focuses on
clarifying the concept of social enterprises in the United States, the United
Kingdom, Thailand, China, and Korea, as well as comparing it to the concept of
social enterprises in Vietnam as defined by law. Following that, several proposals and recommendations are made to adjust
this concept in the regulations to reflect the global perspective.
Keywords: enterprise,
social enterprise, concept of social enterprise.
1. Mở đầu
Doanh nghiệp xã hội là chủ thể được
công nhận từ rất lâu ở các nước trên thế giới. Vì thế, các nghiên cứu chuyên
sâu về mô hình này cũng hình thành từ rất sớm, khoảng nửa cuối những năm 90.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi nhà nghiên cứu lại có quan điểm khác nhau khi đưa
ra khái niệm về DNXH. Bài viết này giới hạn ở việc tìm hiểu khái niệm về DNXH
của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hoa Kỳ và Vương
Quốc Anh là những quốc gia phát triển, tồn tại DNXH đầu tiên trên thế giới,
đồng thời, đến nay cũng là những quốc gia có hệ thống pháp lý phù hợp phát
triển DNXH tương đối tốt. Thái Lan là một trong những nước đi tiên phong trên
lĩnh vực phát triển DNXH trong khu vực Đông Nam Á. Còn Trung Quốc là quốc gia
có hệ thống chính trị và luật pháp tương đồng với Việt Nam, đồng thời cũng là
quốc gia có được mô hình DNXH phát triển. Hàn Quốc là một trong các quốc gia
châu Á công nhận DNXH và cho ra đời đầu tiên các quy định pháp lý dành cho
DNXH. Việc đưa ra quan điểm về DNXH của các quốc gia trên thế giới nhằm mục
đích so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam, phân tích được những điểm
giống và khác nhau trong quan điểm của Việt Nam với các quốc gia về vấn đề này;
từ đó đưa ra đề xuất điều chỉnh khái niệm DNXH trong Luật Doanh nghiệp phù hợp
với xu thế quốc tế.
2. Khái niệm về doanh
nghiệp xã hội của một số quốc gia trên thế giới - so sánh với Việt Nam
2.1. Khái niệm về doanh nghiệp xã hội ở một số quốc gia
trên thế giới
Khái niệm về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam có một
số điểm giống và khác với cách hiểu về loại hình doanh nghiệp này trong pháp
luật một số quốc gia trên thế giới. Sau đây, bài viết xin đi sâu so sánh giữa
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc để làm rõ sự khác nhau
này.
Tại Trung Quốc, mặc dù ý tưởng về DNXH
đã nhen nhóm từ những năm 1949, tới nay vẫn chưa có một định nghĩa pháp lý hay
một loại hình pháp lý chính thức dành cho loại doanh nghiệp này. Cách hiểu đơn
giản nhất về DNXH được các học giả đưa ra là các tổ chức kinh doanh vì mục tiêu
xã hội, vì vậy các tổ chức này theo đuổi đồng thời hai mục tiêu: kết hợp chiến
lược kinh doanh với mục tiêu xã hội lớn hơn.[1]
Tuy nhiên, việc xác định các đặc trưng cơ bản của DNXH hoặc đưa ra một định
nghĩa chung về loại hình doanh nghiệp này vẫn là vấn đề gây tranh cãi.[2]
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, DNXH chưa được Quốc hội, Chính phủ hoặc các cơ quan có
liên quan ở tiểu bang định nghĩa trong hệ thống pháp luật. Khoảng trống này
giúp cho các nhà nghiên cứu và bình luận đề xuất rất nhiều những định nghĩa khác nhau về DNXH, trong
đó thường nhấn mạnh đến việc thực hiện các hoạt động kinh doanh và phải có các
mục tiêu xã hội hoặc môi trường. Ví dụ, có thể kể đến một số định nghĩa sau
đây:[3]
-
Social Enterprise Alliance, một thành viên của tổ chức
DNXH quốc gia ở Hoa Kỳ đưa ra định nghĩa: DNXH là một tổ chức hoặc sáng kiến
kết hợp sứ mệnh xã hội của một chương trình phi lợi nhuận hoặc của chính phủ
với cách tiếp cận theo thị trường của một doanh nghiệp.
-
Giáo sư
Paul Light – Giáo sư dịch vụ công tại Đại học New York trong cuốn “Tìm kiếm
Doanh nhân xã hội” xuất bản năm 2008 đã nêu: DNXH là một tổ chức đạt được sứ
mệnh xã hội hoặc môi trường bằng việc sử dụng các phương pháp kinh doanh, điển
hình bằng cách điều hành một doanh nghiệp tạo doanh thu.
-
James Fishman – giáo sư Luật tại trường Luật Pace nêu
trong cuốn Wrong Way Corrigan và những phát triển gần đây trong lĩnh vực phi
lợi nhuận, xuất bản năm 2007: DNXH là một phương tiện đem lại lợi nhuận đã cam
kết thực hiện hoạt động từ thiện.
-
Kyle Westaway – Giảng viên Luật tại trường Luật Harvard
và là người sáng lập hãng
luật Westaway, trong cuốn: Những vấn đề mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể
thỏa thuận – xuất bản năm 2012 đã viết: DNXH là một thực thể cung cấp giải pháp
dựa trên thị trường cho các vấn đề xã hội và môi trường.
Như vậy, mặc dù cũng không tồn tại một định
nghĩa pháp lý chính thức cho DNXH, các nhà lập pháp lại chú trọng vào việc xây
dựng các mô hình tổ chức pháp lý đa dạng nhằm tạo điều kiện cho sự ra đời và
hoạt động của DNXH.[4]
Mỗi mô hình trên có ưu nhược điểm riêng, cho phép người thành lập DNXH có thể
lựa chọn mô hình phù hợp đáp ứng mục tiêu xã hội của doanh nghiệp đồng thời vẫn
tiếp cận được lợi thế của các mô hình công ty truyền thống. Ví dụ, mô hình Công
ty cổ phần vì mục đích xã hội (Social purpose corporations - SPC) đầu tiên được
thành lập tại bang Florida vào năm 2011 và sau đó mô hình này được mở rộng sang
các bang khác như California và Washington. Mô hình này tận dụng được các ưu
điểm của mô hình công ty cổ phần, đặc biệt là khả năng tiếp cận nguồn vốn, vì
việc huy động vốn được thực hiện giống như đối với CTCP. Cũng phát triển dựa
trên mô hình công ty cổ phần truyền thống, mô hình Công ty cổ phần vì lợi ích
(Benefit Corporation - BC) được đưa ra tại Maryland vào năm 2010 và sau đó mô
hình này nhanh chóng được thừa nhận trong khoảng hơn 30 bang khác tại Hoa Kỳ
(trong đó có Washington, DC). So với SPC thì mô hình BC tồn tại phổ biến hơn và
được thừa nhận trong pháp luật của nhiều bang hơn so với SPC. Một số ít bang
(California và Florida cho
phép thành lập cả SPC và BC). [5]
Bên cạnh mô hình công ty
cổ phần, mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn truyền thống cũng được các nhà làm
luật Hoa Kỳ khai thác và cải tiến để phù hợp với sự phát triển của các DNXH.
Bang Vermont là nơi đầu tiên cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn lợi
nhuận thấp (Low-profit limited liability companies – L3C) từ năm 2008. L3C sau
đó nhanh chóng lan rộng ra 10 bang khác bao gồm Illinois, Kansas, Louisiana,
Maine, Michigan, North Dakota, Rhode Island, Utah, và Wyoming. L3C là một công
ty trách nhiệm hữu hạn theo đuổi một mục tiêu mang tính nhân văn.[6]
Một mô hình khác tồn tại ở một số bang ở Hoa Kỳ là công ty trách nhiệm hữu hạn
vì lợi ích (Benefit limited liability companies – BLLC). So với các mô hình
trên thì BLLC kém phổ biến hơn, chỉ được thừa nhận tại bang Maryland và Oregon.[7]
Tương tự như BC, mục tiêu của BLLC
là tạo ra lợi ích công cộng chung, tức là trong hoạt động của công ty phải đánh
giá tác động của hoạt động kinh doanh tới toàn bộ các đối tượng có thể bị ảnh
hưởng. Các đặc điểm của BLLC phần lớn giống với BC, trừ điểm khác biệt cơ bản
là BLLC dựa trên loại hình CTTNHH trong khi BC là loại hình CTCP. Nhờ đó, BLLC
tận dụng được sự linh hoạt về tổ chức và chế độ báo cáo của CTTNHH. Ngoài ra,
chế độ trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong BLLC cũng không chặt chẽ
như đối với BC.[8]
Khác với Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo pháp luật tại Anh, khái niệm “DNXH” không được định nghĩa
trong các văn bản pháp luật của Nghị viện nhưng tồn tại trong một số văn bản
của các cơ quan Chính phủ Anh. Ví dụ, từ năm 2002 tới năm 2012, Bộ Thương mại
và Công nghiệp của Anh (Department of Trade and Industry) đã định nghĩa DNXH là
“doanh nghiệp với mục tiêu căn bản là mục
tiêu xã hội và phần lớn lợi nhuận tạo ra được tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc
đầu tư cho cộng đồng thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông và chủ sở hữu”.[9] Phát triển từ khái
niệm này, trong một nghiên cứu vào năm 2014, Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng
(Department for Business, Innovation & Skills - BIS) đưa ra khái niệm DNXH,
theo đó DNXH phải đáp ứng 4 tiêu chí sau:
(i) Tự coi mình là một DNXH;
(ii) Không trả cho cổ đông hoặc chủ sở hữu quá 50% lợi nhuận
của công ty;
(iii) Có ít nhất 75% doanh thu tới từ hoạt động thương mại hàng
hóa và dịch vụ;
(iv) Là một doanh nghiệp với mục tiêu cơ bản là mục tiêu xã
hội hoặc môi trường, mà phần lớn lợi nhuận được tái đầu tư vào kinh doanh hoặc
cộng đồng nhằm thực hiện các mục tiêu đó thay vì được trả cho cổ đông hoặc chủ
sở hữu” [92].
Định nghĩa này đưa ra cả các tiêu chí định tính và định
lượng để xác định DNXH, không chỉ đưa ra các yêu cầu chung chung về mục tiêu
của DNXH mà còn làm rõ các tiêu chí đó bằng cách bổ sung một số chỉ tiêu về con
số cụ thể. Các tiêu chí này được thừa nhận rộng rãi như là những đặc trưng cơ
bản của DNXH. Có thể kể đến một số tổ chức cũng sửa đổi, bổ sung một số thành
tố cho định nghĩa DNXH, điển hình là :
- Tổ chức DNXH Vương quốc Anh (Social Enterprise United
Kingdom – SEUK) – hiệp hội DNXH lớn nhất tại Anh, cũng đưa ra một số tiêu chí
bổ sung để một doanh nghiệp được thừa nhận là DNXH và được cấp chứng chỉ bởi tổ
chức này. Theo SEUK, DNXH là “một doanh nghiệp kinh doanh vì mục đích xã hội
hoặc môi trường. Doanh nghiệp có sứ mệnh xã hội rõ ràng, có nghĩa là doanh
nghiệp đó phải hiểu được sự khác biệt mà mình đang cố gắng tạo ra, đối tượng mà
doanh nghiệp muốn giúp đỡ, và cách thức, kế hoạch doanh nghiệp dự định tiến
hành. Doanh nghiệp đó sẽ dùng phần lớn hoặc toàn bộ lợi nhuận thu được từ cung
ứng hàng hóa hoặc dịch vụ vào sứ mệnh đó. Và doanh nghiệp cũng có sẽ những quy
định cụ thể về việc phân phối lợi nhuận, tái đầu tư để đạt được sứ mệnh xã hội.
DNXH là (i) những doanh nghiệp hướng tới tạo ra doanh thu thông qua cung cấp
hàng hóa và dịch vụ thay vì nhận các khoản trợ cấp hay tài trợ, (ii) được lập
ra để tạo ra sự khác biệt và (iii) tái đầu tư lợi nhuận thu được vào sứ mệnh xã
hội” [138]. Ngoài ra, để được SEUK công nhận là một DNXH thì doanh nghiệp đó
phải cụ thể hóa mục đích xã hội mà mình theo đuổi (thay vì các tuyên bố về sứ
mệnh xã hội chung chung) trong các văn bản thành lập và quản lý công ty.[10]
- Thương hiệu DNXH (Social Enterprise Mark – SEM) :
coi DNXH là một tổ chức thực hiện hoạt động thương mại – áp dụng nguyên tắc
kinh doanh tốt có lợi nhuận và bền vững – nhưng hướng đem lại lợi ích cho xã
hội bao gồm cả lợi ích về môi trường.[11]
Như vậy, dựa trên các tài liệu hướng dẫn từ SEUK và SEM
cho thấy các định nghĩa của hai tổ chức này có điểm chung và khác với định
nghĩa của Vụ Kinh doanh, đổi mới và Kỹ năng (BIS) ở những điểm sau:
- Đặt ra yêu cầu DNXH tham gia vào hoạt động kinh tế có tỷ
lệ phần trăm doanh thu từ việc kinh doanh nhất định (75% theo BIS và 50% theo
SEUK và SEM).
- Mục tiêu trước hết là hướng tới xã hội và/hoặc môi
trường; với SEUK và SEM đòi hỏi DNXH phải xác định các mục tiêu của họ trong
các văn bản quản trị.
- DNXH không được chi trả trên 50% lợi nhuận hoặc thặng dư
cho cổ đông (BIS) và hơn 50% lợi nhuận phải được tái đầu tư vào sứ mệnh xã hội
và môi trường (SEUK và SEM).
Ngoài ra, Nghị viện Anh đã phê chuẩn định nghĩa về DNXH
do Bộ Y tế đề xuất và chỉ dành cho các tổ chức y tế chăm sóc sức khỏe (2012).
Nghị viện quy định việc thành lập các tổ chức chăm sóc sức khỏe tại địa phương
ở Anh có trách nhiệm xã hội. Các tổ chức này chính là các DNXH. Trong bối cảnh
đó, Nghị viên quy định DNXH là một doanh nghiệp : Đảm bảo rằng không ít
hơn 50% lợi nhuận của nó được sử dụng cho mục đích hoạt động ; Thực hiện
các hoạt động vì lợi ích cộng đồng tại Anh ; Có các điều khoản yêu cầu nó
phải chuyển tài sản của mình cho một DNXH khác nếu giải thể.[12]
Chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh, Thái Lan cũng có nhiều nỗ lực trong
việc đưa ra và hoàn thiện một định nghĩa pháp lý về DNXH. Văn phòng DNXH của
Thái Lan (Thai Social Enterprise Office – TSEO), cơ quan nhà nước chịu trách
nhiệm về chứng nhận DNXH, đã đưa ra các tiêu chí mà một doanh nghiệp phải thỏa
mãn để được chính thức công nhận là DNXH, bao gồm:
(i)
Có mục tiêu chính là mục tiêu xã hội; và
(ii)
Có nguồn thu nhập chính (hơn 50% thu nhập) tới từ việc
cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ; và
(iii)
Dựa trên các nguyên tắc thương mại và sử dụng lao động
công bằng cũng như quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường;
và
(iv)
Tái đầu tư phần lớn lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh vì
mục tiêu xã hội hoặc sử dụng cho các hoạt động có lợi cho xã hội (tỷ lệ lợi
nhuận được phép phân chia dưới dạng cổ tức là không quá 30%)
(v)
Có cơ chế quản lý tốt và đảm bảo minh bạch.[13]
Như vậy, tương tự với cách tiếp cận của Anh, khái niệm
pháp lý về DNXH ở Thái Lan sử dụng cả các tiêu chí định tính và định lượng,
thông qua đó thể hiện được một số đặc trưng cơ bản của loại hình doanh nghiệp
này.
Trên thực tế, DNXH ở Thái Lan đã xuất hiện từ khá lâu,
chủ yếu dưới hình thức hợp tác xã và doanh nghiệp cộng đồng. Tuy nhiên, luật
pháp Thái Lan không đưa ra một thực thể pháp lý được thiết kế riêng để phục vụ
nhu cầu cụ thể của một DNXH. Năm 2018, Một dự án lập pháp mới được Hội đồng Cải
Cách quốc gia xem xét – và chính thức được đưa vào áp dụng từ giữa năm. Tuy
nhiên, trong đó cũng không quy chỉ định bất kỳ hình thức pháp lý cụ thể nào cho
các DNXH ở Thái Lan, mặc
dù đã chính thức đưa ra một số tính năng cụ thể liên quan trực tiếp đến loại
hình kinh doanh này. Các DNXH có thể có nhiều hình thức tổ chức khác nhau.
Chúng có thể được hình thành như một quỹ hoặc thậm chí là một công ty trách
nhiệm hữu hạn. Điều cần lưu ý là DNXH được coi là một hoạt động chứ không phải
là hình thức tổ chức. Vì thế bất kỳ tổ chức vì lợi nhuận hoặc tổ chức phi lợi
nhuận nào cũng có thể tham gia vào hoạt động của DNXH. Nói cách khác, hoạt động
xã hội doanh nghiệp không cần phải được thực hiện bởi các tổ chức thường được
gọi là “DNXH”.
Tại Hàn Quốc, một định nghĩa
về DNXH đã chính thức được ghi nhận năm 2007 trong Đạo luật Thành lập DNXH
(theo Social Enterprise Promotion Act – SEPA). Điều 2 của Luật này xác định:
“DNXH là một doanh nghiệp được chứng nhận là phù hợp với Điều 7 về những mục
tiêu xã hội bằng cách cung cấp cho những nhóm dễ bị tổn Thương các dịch vụ xã
hội hoặc việc làm trong khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán
hàng hóa và dịch vụ,…”. DNXH phải có hình thức pháp lý cụ thể. Tuy nhiên các
hình thức được phép áp dụng rất rộng, bao gồm các loại hình doanh nghiệp có lợi
nhuận và phi lợi nhuận. Vì vậy, tương tự ở nhiều quốc gia khác, DNXH ở Hàn Quốc
có thể tự lựa chọn cho mình một hình thức pháp lý phù hợp. Các DNXH tại nước
này có thể phân loại vào một trong 5 loại sau: Loại hình tạo việc làm: mục đích
chính của DNXH này là cung cấp các công việc cho nhóm người dễ bị tổn
thương; Kiểu hỗn hợp là loại hình kết
hợp mục đích tạo việc làm đồng thời cung cấp các dịch vụ xã hội; Loại hình đóng
góp cho cộng đồng địa phương, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng
tại một địa phương nhất định; Và các loại khác.[14]
Tại Điều 7 của SEPA quy định rằng DNXH phải đáp
ứng các yêu cầu để được Bộ lao động và Việc làm chứng nhận. Điều 8 đưa ra danh
sách các yêu cầu để DNXH được chứng nhận, cụ thể là: Mục tiêu xã hội; Cung cấp
cho nhóm dễ bị tổn thương những dịch vụ xã hội hoặc công việc, hoặc đóng góp
cho cộng đồng địa phương. Dịch vụ xã hội có thể là giáo dục, y tế, phúc lợi xã
hội, môi trường, văn hóa và các dịch vụ tương tự khác; Có trả lương cho người
lao động và tiến hành các hoạt động kinh doanh như sản xuất, hán hàng hóa, dịch
vụ; Đảm bảo rằng 2/3 lợi nhuận được chi cho các mục tiêu xã hội đặt ra, còn 1/3
lợi nhuận có thể được phân bổ cho các mục đích khác (chỉ áp dụng với loại hình
DNXH được phép phân phối lợi nhuận); Sử dụng cơ chế cho phép sự tham gia của
các cá nhân trong việc đưa ra quyết định doanh nghiệp; Đáp ứng các yêu cầu cụ
thể đối với doanh thu tối thiểu, báo cáo và phân phối tài sản; Được Bộ lao động
và Việc làm Hàn Quốc chứng nhận là một DNXH.[15]
2.2. Khái niệm về doanh nghiệp xã hội theo pháp luật
Việt Nam
LDN Việt Nam quy định về DNXH trong duy nhất Điều
10. Với 03 khoản, Điều 10 đưa ra tiêu chí để xác định DNXH, quyền và nghĩa vụ
và trách nhiệm, khuyến khích của các bên với DNXH.
Về khái niệm DNXH, có thể thấy Luật doanh nghiệp
(LDN) năm 2014 và 2020 không đưa ra định nghĩa về DNXH mà chỉ có các tiêu chí
để xác định DNXH. Theo Điều 10, một doanh nghiệp được coi là DNXH khi:
- Là doanh nghiệp
được đăng ký thành lập theo quy định của luật này. Tiêu chí này có nghĩa là
DNXH ở Việt Nam phải tồn tại dưới hình thức doanh nghiệp và chỉ có thể lựa chọn
một trong các loại hình pháp lý là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công
ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Quy định DNXH trước hết phải là
doanh nghiệp dẫn đến các DNXH được đăng ký thành lập theo LDN năm 2020 để thực
hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh với mục đích lợi nhuận. Do đó, các mô
hình như hợp tác xã, các quỹ, hội, hiệp hội… đều không được chấp nhận là DNXH
và không được hưởng các chính sách dành cho DNXH.
- DNXH phải có mục
tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng
đồng với việc sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm cho các mục tiêu này.
Tiêu chí này thể hiện bản chất và giá trị của các DNXH phổ biến trên thế giới
và được tiếp nhận vào Việt Nam. Mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường
phải là mục tiêu đầu tiên, quan trọng nhất trong quá trình thành lập và hoạt
động của DNXH. Khác với doanh nghiệp truyền thống, có mục tiêu chính là lợi
nhuận, các DNXH hướng đến các mục tiêu xã hội/môi trường, còn kinh doanh chỉ là
phương tiện để thực hiện các mục tiêu này. Từ quy định này, có thể hiểu DNXH là
doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo LDN, với mục tiêu hoạt động nhằm giải
quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, trong đó sử dụng ít nhất
51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi
trường. Như vậy, có thể hiểu, 49% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp có thể
được sử dụng vào các mục đích khác phù hợp với quy định của LDN. Bởi lẽ, về cơ
bản, các chủ thể khi thành lập DNXH họ cũng phải có động lực lợi nhuận (lợi
tức/cổ tức) thì mới thành lập DNXH, vì thế khó có thể yêu cầu họ dành 100% lợi
nhuận vì mục tiêu xã hội. Ngoài ra, LDN 2020 tạo ra khoảng cách giữa DNXH theo
luật định và DNXH thực tế đang tồn tại trên thị trường. Tức là hình thức pháp
lý của DNXH phải là một trong các loại hình doanh nghiệp theo LDN 2020. Tuy
nhiên hiện tại ở Việt Nam các tổ chức mang tính chất DNXH đang hoạt động dưới
bốn loại hình thức: Doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm, câu lạc bộ - hiệp hội.
Trong số đó, trung tâm là hình thức ưa chuộng hơn cả với 33%, loại hình doanh
nghiệp, đứng thứ hai gần 30%, câu lạc bộ và hiệp hội chiếm khoảng 15% và hợp
tác xã khoảng 10%.[16]
Vì vậy các quy định DNXH là doanh nghiệp đã loại trừ một số tổ chức thực tế
được hình thành từ lâu và đang thực hiện hoạt động vì cộng đồng như DNXH. Hơn
nữa, quy định về DNXH ở Việt Nam còn một số mâu thuẫn giữa LDN 2020 và Bộ luật
Dân sự năm 2015. Mặc dù LDN 2020 đã thay thế LDN 2014, nhưng sự khác biệt giữa hai văn bản luật (BLDS và
LDN) do Quốc hội ban hành cho thấy quan điểm về DNXH chưa được thống nhất. Cụ
thể:
Thứ nhất, xét từ định
nghĩa “doanh nghiệp”, mục đích thành lập doanh nghiệp là nhằm thực hiện chức
năng kinh doanh thu lợi nhuận, nên được Điều 75 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 xếp
vào nhóm pháp nhân thương mại. Trong khi đó, theo Điều 76 BLDS 2015, DNXH là
một pháp nhân phi thương mại, vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận nhưng đó không là
mục tiêu chính và điều quan trọng là nếu có lợi nhuận thì không được chia cho
các thành viên. Theo LDN năm 2020 thì DNXH thuộc phạm trù “doanh nghiệp”, hiểu
theo logic đó thì DNXH phải là một pháp nhân thương mại, nhưng BLDS đã không
theo hướng đó. Dường như theo tinh thần của BLDS 2015, thì DNXH là một loại
hình nằm ngoài khái niệm doanh nghiệp.
Thứ hai, theo BLDS 2015, DNXH là
một pháp nhân phi thương mại, có nghĩa là phải tổ chức thành lập đáp ứng các
điều kiện theo quy định của BLDS 2015, vì vậy với quy định trên DNXH sẽ không
được thành lập dưới hình thức là doanh nghiệp tư nhân, do doanh nghiệp tư nhân
không có tư cách pháp nhân. Như vậy, LDN 2020 và BLDS 2015 vẫn chưa có quy định
thống nhất về tư cách pháp nhân của DNXH trong trường hợp DNXH tồn tại dưới
dạng là doanh nghiệp tư nhân.
Thứ ba, theo quy định của LDN
2020, DNXH phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để
tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Quy định
này tạo sự cân bằng trong việc thực hiện mục tiêu xã hội và hoạt động kinh
doanh. Tuy nhiên với quy định trên, câu hỏi đặt ra là phần lợi nhuận còn lại
nhiều nhất là 49% sẽ được giải quyết như thế nào. Khoản 3 Điều 7 LDN 2020 quy
định doanh nghiệp có quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và
sử dụng vốn. Như vậy theo quy định của LDN 2020, DNXH có thể sử dụng 49% lợi
nhuận theo cách thức do doanh nghiệp lựa chọn và quyết định. Thậm chí, nếu các
thành viên trong công ty quyết định sử dụng 49% chia cho các thành viên trong
năm tài chính thì cũng được coi là hợp pháp, và 49% lợi nhuận này không còn
được coi là vốn của công ty nữa; Và chỉ khi quyết định giữ lại khoản lợi nhuận
đó, thì nó sẽ được xếp vào nhóm lợi nhuận chưa chia, thì lúc đó mới là một phần
nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, và doanh nghiệp mới có thể sử dụng khoản
lợi nhuận đó như là vốn. Tuy nhiên, khác với LDN 2020, BLDS 2015 có quy định
chặt chẽ hơn về sử dụng lợi nhuận của DNXH theo đó DNXH được xác định là pháp
nhân phi thương mại, không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi
nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên (Điều 76). Có thể thấy,
quy định của LDN 2020 và BLDS 2015 thể hiện hai cách tiếp cận khác nhau. LDN
2020 tiếp cận theo hướng mở, linh hoạt, quy định phù hợp với nét đặc thù của
DNXH, hướng tới sự cân bằng giữa mục tiêu xã hội và mục tiêu kinh doanh, tức là
tạo nên sự cân bằng giữa việc thực hiện các mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp
hướng tới và việc tạo nên lợi nhuận cho các thành viên thành lập nên doanh
nghiệp đó. Trong khi đó, với quy định của BLDS, khi khoản lợi nhuận còn lại
(tối đa 49%) không được sử dụng cho các mục tiêu xã hội và cũng không được chia
cho các thành viên, thì có thể không tạo nên động lực cho các tổ chức, cá nhân
thành lập DNXH.
2.3. So sánh khái niệm về doanh nghiệp xã hội của Việt
Nam và một số quốc gia trên thế giới
So sánh giữa khái niệm của Việt Nam và một số quốc
gia trên thế giới, có thể thấy khái niệm về doanh nghiệp xã hội của Việt Nam có
những điểm giống và khác nhau cơ bản như sau:
Thứ nhất, các khái niệm
đều nhấn mạnh đến tính chất phi lợi nhuận của DNXH: các DNXH có thể là các tổ chức tư nhân vì lợi nhuận, phi lợi nhuận và
lai tạo với một sứ mệnh xã hội sử dụng cách tiếp cận kinh doanh để đạt được mục
tiêu của họ. DNXH là một mô hình có tính năng động, linh hoạt rất cao, và
cũng làm cho quan điểm về khái niệm DNXH rất đa dạng. Thậm chí, có quốc gia vẫn
chưa đưa ra một định nghĩa thống nhất mang tính pháp lý, ví dụ như Trung Quốc.
Tại quốc gia này, những nét đặc thù của loại hình doanh nghiệp này dường như
chưa được pháp luật thừa nhận mà pháp luật chỉ đơn thuần coi đây là các tổ chức
theo đuổi mục tiêu xã hội. Về bản chất, DNXH khác với các tổ chức phi lợi nhuận
(về bản chất là hoạt động từ thiện) và cũng khác với một doanh nghiệp thương
mại (về bản chất là hoạt động nhằm tạo ra lợi nhuận). DNXH là mô hình “hỗn hợp”
ở giữa, thể hiện cả đặc trưng về tính chất tạo ra lợi ích cho xã hội và tạo ra
lợi nhuận. Vì vậy, các mô hình tổ chức phi lợi nhuận hoặc mô hình doanh nghiệp
thương mại thuần túy sẽ không thể hiện được các nét đặc trưng này, đồng thời
không thể tạo điều kiện để DNXH phát triển giá trị riêng của họ. Trong khi mà
các tiêu chí để “nhận diện” DNXH còn là một vấn đề gây tranh cãi, điều này cũng
thể hiện một phần thực tế là DNXH chưa được Nhà nước thừa nhận chính thức như
một khái niệm pháp lý, do đó có phần coi nhẹ vai trò của các doanh nghiệp này
trong nền kinh tế. Nguyên nhân có thể lý giải là: Về nguồn gốc của DNXH, ở một
số quốc gia các DNXH chủ
yếu từ khu vực công cộng như các doanh nghiệp có thu nhập thấp và từ khu vực
phi lợi nhuận (hoặc từ khu vực vì lợi nhuận). Nguồn gốc của DNXH ở các quốc gia
này ảnh hưởng đến các đặc điểm chính của các DNXH; Về mục đích của DNXH, một số
quan điểm cho rằng DNXH bao gồm bất kỳ hoạt động nào, miễn là giúp cộng đồng,
trong khi những người khác cho rằng DNXH tập trung vào một hoạt động cụ thể như
cung cấp dịch vụ cho người nghèo hoặc việc làm cho các nhóm người thiệt thòi.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều cho rằng DNXH cần có một mục tiêu xã hội
hoặc môi trường rõ ràng; Về vấn đề phân phối lợi nhuận: Một số quy định ở các
nước chỉ định mức phân phối lại lợi nhuận và bổ sung các hạn chế về tư nhân hóa
tài sản.
Thứ hai, cách tiếp cận
khi xây dựng khái niệm DNXH của Việt Nam không hoàn toàn giống với các nước nêu
trên. Mỗi định nghĩa lại có phương pháp tiếp cận về DNXH khác nhau. Mỗi phương
pháp lại bộc lộ những ưu điểm và hạn chế nhất định, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ
thể của mỗi nước. Theo nghiên cứu kinh nghiệm, ta nhận thấy trên thế giới có
một số cách quy định về DNXH như sau:
- Định nghĩa về
DNXH được quy định trong luật do cơ quan lập pháp ban hành. Khái niệm này có
thể đưa ra dưới dạng mô tả chung về bản chất của DNXH hoặc liệt kê các yếu tố
khác nhau mà một tổ chức cần phải đáp ứng để trở thành DNXH. Cách tiếp cận này
có một số ưu điểm. Một là nhấn mạnh tầm quan trọng của DNXH được thừa nhận rõ
ràng trong luật, từ đó mang tới hiệu quả tích cực cho khu vực tư nhân và cung
cấp một khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho DNXH. Hơn nữa, với một khái niệm pháp lý
được quy định rõ ràng trong luật thì có thể tạo ra hiệu quả tích cực cho khu
vực tư nhân và tác động đến các nhà đầu tư bằng cách cung cấp một khuôn khổ
pháp lý và hỗ trợ cho các DNXH. Việc có một định nghĩa rõ ràng trong văn bản
pháp luật giúp cho những người sáng lập doanh nghiệp có một có sở hay tiêu chí
để thúc đẩy doanh nghiệp của mình tiến gần hơn đến tiêu chuẩn trở thành DNXH.
Các doanh nghiệp hội đủ những điều kiện trở thành một DNXH sẽ được gắn tên DNXH
rõ ràng, điều này tạo sự thoải mái, yên tâm cho các bên liên quan về sứ mệnh xã
hội của doanh nghiệp, kể cả các nhà đầu tư. Hơn nữa, một định nghĩa được thông
qua ở cấp Nghị viện sẽ không dễ dàng bị sửa đổi trong trường hợp có thay đổi về
chính trị, kinh tế, xã hội như các định nghĩa tạm thời khác. Tuy nhiên, cách
tiếp cận này cũng không tránh khỏi những bất cập. Khái niệm trong luật thường
thiếu tính linh hoạt: trong trường hợp có những thay đổi trong cách hiểu về
DNXH hoặc thực tiễn hoạt động kinh doanh đa dạng phát sinh những vấn đề mới thì
quá trình sửa đổi luật thường phức tạp và tốn nhiều thời gian.[17]
Vì vậy, các quốc gia thường tìm cách
giảm thiểu quy trình sửa luật này bằng cách đưa ra một văn bản dưới luật để
cung cấp thêm những quy định về vấn đề đó. Hay nói cách khác, định nghĩa pháp
lý cần được diễn giải, bổ sung bằng nhiều phương thức linh hoạt khác. Nếu không
nó sẽ mang lại cái nhìn hạn chế về khu vực DNXH. Hơn nữa, định nghĩa này dường
như không đủ để thúc đẩy sự phát triển của DNXH, không mang lại lợi ích xã hội
và kinh tế bền vững. Chẳng hạn như Hàn Quốc, có thể các DNXH nhận được sự hỗ
trợ của nhà nước, nhưng nhóm doanh nghiệp này lại có tốc độ tăng trưởng chậm và
tính bền vững tài chính hạn chế.
- Một định nghĩa
về DNXH có thể được đưa ra bởi cơ quan hành pháp và được coi như tiêu chuẩn
nhằm xem xét và hỗ trợ DNXH. Vương quốc Anh là ví dụ tiêu biểu của cách tiếp
cận này. Các bộ, ngành của Anh đưa ra các định nghĩa về DNXH khác nhau tương
ứng phù hợp với lĩnh vực của ngành và phục vụ các mục đích khác nhau trong hoạt
động hành pháp. Ví dụ, BIS đưa ra các tiêu chí xác định DNXH để phục vụ các
cuộc điều tra, khảo sát nhằm theo dõi và thống kê các DNXH ở Anh. Cách tiếp cận
này cũng khá rõ ràng và giúp doanh nghiệp có thể xác định được các điều kiện
cần đáp ứng để được coi là DNXH. Ngoài ra, ưu điểm nổi bật của phương pháp này
là đảm bảo tính linh hoạt. Theo thời gian, các cơ quan hành pháp có thể bổ
sung, thay đổi các yếu tố để giúp khái niệm DNXH có tính “động” nhất định, theo
kịp sự phát triển của kinh tế- xã hội.
- Trong trường hợp
cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều không đưa ra định nghĩa về DNXH, các học
giả, hiệp hội có thể lấp khoảng trống này bằng các đề xuất khái niệm về DNXH.
Đây là cách tiếp cận của Hoa Kỳ. Thay vì việc đưa ra các tiêu chuẩn cứng nhắc
để được “công nhận” là DNXH, các nhà làm luật Hoa Kỳ khuyến khích sự sáng tạo
của giới kinh doanh, để họ tự định hình sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp và
lựa chọn một mô hình pháp lý mà họ cho là phù hợp. Với cách quy định này, quyền
tự do và sự sáng tạo của giới khởi nghiệp được khuyến khích và đề cao. Một điểm
thú vị khác là sự thiếu vắng một định nghĩa pháp lý về DNXH lại thúc đẩy sự
tham gia của các học giả và các hiệp hội tham gia xây dựng và phát triển các
(bộ) tiêu chí để nhận diện và đánh giá DNXH. Ví dụ, B Labs – một tổ chức phi
nhuận với mục tiêu thúc đẩy và ghi nhận các doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích
xã hội – hoạt động rất mạnh tại Hoa Kỳ. Một trong các hoạt động của tổ chức này
là xây dựng các bộ tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp (bao
gồm ảnh hưởng của doanh nghiệp tới cộng đồng và môi trường, tính minh bạch
trong hoạt động, trách nhiệm pháp lý với xã hội,…). Khi một doanh nghiệp đáp
ứng các tiêu chuẩn này thì sẽ được chứng nhận là B Corporation[18] –
qua đó quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín và thể hiện cam kết mạnh mẽ của doanh
nghiệp.
Tuy nhiên, cách quy định của Hoa Kỳ cũng có một số
nhược điểm. do thiếu một định nghĩa pháp lý về DNXH, nếu chỉ dựa vào các mô
hình tổ chức doanh nghiệp thì sẽ rất khó để xác định chính xác doanh nghiệp nào
là DNXH. Thực tiễn cho thấy không phải tất cả các doanh nghiệp vì lợi ích cộng
đồng (dù hội tụ đầy đủ những đặc điểm của DNXH) đều lựa chọn đăng ký thành lập
dưới một trong các mô hình chuyên biệt mà các nhà làm luật Hoa Kỳ đã tạo ra. Do
đó, nếu thiếu một định nghĩa thống nhất thì rất khó để “nhận dạng” DNXH tại Hoa
kỳ. Điều này có thể dẫn tới bất cập trong công tác thống kê cũng như khó khăn
nếu Hoa Kỳ muốn triển khai chính sách điều chỉnh, quản lý hoặc hỗ trợ DNXH trên
phạm vi rộng.
3. Một số đề xuất cho ViệtNam
Từ kinh nghiệm của một
số quốc gia trên thế giới như đã phân tích, thì DNXH được coi là một hoạt động
chứ không phải là hình thức tổ chức. Bất kỳ tổ chức vì lợi nhuận hoặc tổ chức
phi lợi nhuận nào cũng có thể tham gia vào hoạt động của DNXH. Nói cách khác,
hoạt động xã hội doanh nghiệp không cần phải được thực hiện bởi các tổ chức
thường được gọi là “DNXH” hay một doanh nghiệp. Khi quy định về khái niệm DNXH,
pháp luật của một số quốc gia trên thế giới chỉ quy định DNXH là mô hình hoặc
tổ chức thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Điều này là hợp lí bởi sứ mệnh
của DNXH không nhằm mục tiêu phát triển các mô hình kinh doanh mà là nâng cao
trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đối với xã hội. Nhà nước và cộng
đồng đều được hưởng những lợi ích từ trách nhiệm này của DNXH. Vì thế từ góc độ
pháp lý, chúng ta không
nên có những quy định hạn chế sự ra đời của DNXH hoặc loại trừ những tổ chức có
mong muốn đóng góp cho xã hội. Việc bó hẹp DNXH chỉ trong bốn hình thức pháp lý
được quy định trong luật DNXH là chưa thực sự hợp lý, làm giảm khả năng lan
rộng của mô hình DNXH đồng thời gây khó khăn cho những DNXH để thực hiện các
sáng tạo xã hội liên quan. Do vậy, điều cần thiết là các nhà làm luật cần phải
tiếp tục làm rõ các tiêu chí nhận diện DNXH và có các hướng dẫn chi tiết nhằm
Khuyến khích sự phát triển của loại hình này. Về khái niệm DNXH, tác giả có đưa
ra khái niệm theo quan điểm riêng, cụ thể đó là: DNXH là doanh nghiệp có mô hình hoặc dự án kinh
doanh mà phần lớn lợi nhuận thu được dùng cho các mục tiêu xã hội, môi trường.
Bằng việc học hỏi kinh
nghiệm lập pháp trên thế giới, LDN hiện hành đã xác định được tiêu chí nhận
diện DNXH, tuy nhiên vẫn chưa đưa ra một khái niệm chính xác về DNXH là gì. Mặc
dù có thể coi những tiêu chí đã được quy định là một cách để định nghĩa nhưng
những tiêu chí này lại chưa thực sự đầy đủ, chưa lột tả rõ ràng được bản chất,
chưa nhấn mạnh vào yếu tố kinh doanh mà chỉ tập trung vào yếu tố mục tiêu xã
hội của DN. Yếu tố kinh doanh của DNXH chính là các giải pháp sáng tạo và bền
vững được thực hiện bằng hình thức kinh doanh, đây chính là khung xương mang
lại ưu thế cho DNXH so với các tổ chức phi chính phủ và từ thiện khác, nhờ có
yếu tố kinh doanh mà DNXH chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Sự ra đời của Nghị định 96/2015/NĐ-CP và Nghị định 47/2021/NĐ-CP cũng không góp
phần làm rõ khái niệm này.
Từ kinh nghiệm của Thái
Lan, thời gian đầu, quốc gia này luôn có sự thay đổi trong các khái niệm được
quy định trong những văn bản khác nhau. Từ kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy sự
ra đời của định nghĩa hoàn chỉnh về DNXH để tránh các doanh nghiệp khác không
phải DNXH lợi dụng sự lỏng lẻo nhằm đạt được những ưu đãi đặc biệt. Trong khi
đó, kinh nghiệm của Anh và Hoa Kỳ cũng cho thấy việc đưa ra một khái niệm DNXH
cứng nhắc trong luật có thể hạn chế sự linh hoạt vì các DNXH là một xu thế mới,
thường có tính sáng tạo cao, đặc biệt về cơ cấu tổ chức cũng như phương thức
kinh doanh.
Quay trở lại Việt Nam, Điều 10 LDN vẫn quy định
DNXH dựa trên sự rõ ràng về tiêu chí, nhưng những tiêu chí này chưa thực sự dễ
dàng cho DNXH và cơ quan quản lý để xác định thế nào là DNXH. Thay vào đó, một
khái niệm DNXH ngoài bao gồm các tiêu chí nhận diện còn có cả các quy định tính
chất bắt buộc như:
(1) quá trình sản xuất, việc thực hiện công
việc, cho đến các sản phẩm, dịch vụ không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, sức
khỏe và môi trường về lâu dài
(2) có sự quản lý, tổ
chức tốt; (3) có khả năng tự tạo sự ổn định về tài chính cho doanh nghiệp về
lâu dài;
(4) lợi nhuận phần lớn
được tái đầu tư trở lại để mở rộng doanh nghiệp nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra,
hoặc đem lợi ích thu được đó đầu tư trở lại cho xã hội hoặc người sử dụng dịch
vụ;
(5) Có sự đa dạng về
hình thức tổ chức, kinh doanh. Như vậy, có thể bảo đảm DNXH, công chúng khi
nhìn vào đều có thể mường tượng rõ về DNXH và đủ chặt chẽ để những cá nhân, tổ
chức khác không có cơ hội trục lợi từ mô hình DNXH
Kết luận: Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như đã
phân tích (bao gồm quan điểm của Hoa Kỳ, Anh quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn
Quốc), thì DNXH được coi là một hoạt động chứ không phải là hình thức tổ chức.
Bất kỳ tổ chức vì lợi nhuận hoặc tổ chức phi lợi nhuận nào cũng có thể tham gia
vào hoạt động của DNXH. Nói cách khác, hoạt động xã hội doanh nghiệp không cần
phải được thực hiện bởi các tổ chức thường được gọi là “DNXH” hay một doanh
nghiệp. Khi quy định về khái niệm DNXH, pháp luật của một số quốc gia trên thế
giới chỉ quy định DNXH là mô hình hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động vì cộng
đồng. Điều này là hợp lí bởi sứ mệnh của DNXH không nhằm mục tiêu phát triển
các mô hình kinh doanh mà là nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ
chức đối với xã hội. Điều 10 LDN Việt Nam vẫn quy định DNXH dựa trên sự rõ ràng
về tiêu chí, nhưng những tiêu chí này chưa thực sự dễ dàng cho DNXH và cơ quan
quản lý để xác định thế nào là DNXH. Thay vào đó, một khái niệm DNXH ngoài bao
gồm các tiêu chí nhận diện còn có cả các quy định tính chất bắt buộc. Bài viết
đưa ra một số đề xuất, kiến nghị điều chỉnh về khái niệm DNXH trong hệ thống
pháp luật Việt Nam nhằm phù hợp với quan điểm quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.
Bộ
Luật Dân sự Việt Nam năm 2015
2.
Chính
phủ, nghị định số 96/2015/ NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2015 của Chính Phủ quy
định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
3.
Chính
phủ, nghị định số 47/2021/ NĐ-CP ban hành ngày 01/4/2021 của Chính Phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
4.
Luật
Doanh nghiệp Việt Nam năm 2015; năm 2020
5.
Anna
Triponel and Natalia Agapitova, Legal
Frameworks for social enterprise – Lessons from a Comparative Study of Italy,
Malaysia, South Korea, United Kingdom and United States, World Bank Group
2016,
6.
British
Council, Báo cáo hiện trạng DNXH tại Việt Nam, 2019
7.
Eric
Bidet & Eum Hyung-sik, Social
enterprise in South Korea: History and Diversity, Social enterprise journal,
Vol.7, 66-85 (2011)
8.
Heng
Qu and Una Osili, “Beyond Grantmaking: An Investigation of Program-Related
Investments by US Foundations”, Nonprofit
and Voluntary Sector Quarterly, (2017) 46(2), 305-32
9.
Li
Ding, “How China’s Social Enterprises Can Prosper Alongside the Country’s
State-Run Businesses” World Economic Forum, 2017, xem tại www.weforum.org/agenda/2017/06/how-china-s-socialenterprises-can-prosper-alongside-the-country-s-state-run-businesses/
truy cập ngày 24/6/2023
10.
Nuchpiam,
Prapin (2016) A Comparative Study of Legal Forms for Social Enterprises in the
UK and Thailand, Durham theses, Durham University
11.
Social
Enterprise UK, Hidden revolution: Size and Scale of Social Enterprise in 2018,
xem tại https://www.socialenterprise.org.uk/Handlers/Download.ashx?IDMF=4284a743-4846-4084-b625-ccbc7967bf09 truy cập ngày 23/02/2023
12.
South
Korea, Social Enterprise Promotion Act, 2007
13.
UK
Department of Trade and Industry, Social
Enterprise: A strategy for success, 2002
14.
https://bcorporation.net/about-b-corps truy cập ngày 23/02/2023
[1] Li Ding, “How China’s Social Enterprises Can Prosper Alongside the
Country’s State-Run Businesses” World Economic Forum, 2017, xem tại: www.weforum.org/agenda/2017/06/how-china-s-socialenterprises-can-prosper-alongside-the-country-s-state-run-businesses/
truy cập ngày 24/6/2023
[2] Li Ding, tlđd,
1 (2017)
[3] Anna Triponel and Natalia Agapitova, Legal Frameworks for social enterprise – Lessons from a Comparative
Study of Italy, Malaysia, South Korea, United Kingdom and United States, World
Bank Group 2016, 12
(2016)
[4] Heng Qu and Una Osili, Beyond Grantmaking:
An Investigation of Program-Related Investments by US Foundations, Nonprofit and Voluntary Sector Quarterly,
46(2), 305-32 (2017)
[5] Anna Triponel and Natalia Agapitova, tlđd, 3, 17
[6] Anna Triponel and Natalia Agapitova, tlđd, 3, 13
[7] Anna Triponel and Natalia Agapitova, tlđd, 3, 12
[8] Anna Triponel and Natalia Agapitova, tlđd, 3, 13-14
[9] Social Enterprise UK, Hidden revolution: Size
and Scale of Social Enterprise in 2018, xem tại https://www.socialenterprise.org.uk/Handlers/Download.ashx?IDMF=4284a743-4846-4084-b625-ccbc7967bf09 truy cập ngày 23/02/2023
[10] Social Enterprise UK, tlđd, 9 (2018)
[11] UK Department of Trade and Industry, Social Enterprise: A strategy for success,
67 (2002)
[12] Anna Triponel and Natalia Agapitova, tlđd, 3, 15
[13] Nuchpiam, Prapin A Comparative Study of Legal
Forms for Social Enterprises in the UK and Thailand, Durham theses, Durham
University, 48 (2016)
[14] South Korea, Social Enterprise Promotion Act,
Article
2, 2007
[15] Id, Article 2, 2007
[16] British Council, Báo cáo hiện trạng DNXH tại
Việt Nam, 45 (2019)
[17] Eric Bidet & Eum Hyung-sik, Social enterprise in South Korea: History
and Diversity, Social enterprise journal, Vol.7, 66-85 (2011)
[18] https://bcorporation.net/about-b-corps
truy cập ngày 23/02/2023