Nghiên cứu lý luận

Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của một số nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Mai Xuân Hợi - Nguyễn Sơn Hà Thứ tư, 11/12/2024 - 10:36
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Sau hơn 5 năm Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 có hiệu lực, thực tiễn hoạt động điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) ở Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập, làm hạn chế hiệu quả xử lý các vụ việc trong đời sống thực tiễn. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển như Úc hay Hoa Kỳ, hoạt động điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đạt hiệu quả rất tích cực. Vì thế, từ kết quả phân tích thực tiễn điều tra của Hoa Kỳ và Úc, bài viết đề xuất một số gợi mở cho việc nâng cao hiệu quả điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Phòng vệ thương mại; điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Abstract: More than 5 years after the Law on Foreign Trade Management 2017 took effect, the practice of investigating anti-circumvention of trade defense measures in Vietnam has revealed several inadequacies that limit its effectiveness in handling cases in practical life. Meanwhile, in many countries with developed economies such as Australia or the United States, investigation activities against evasion of trade remedies have achieved very positive results. Therefore, from the results of analyzing investigation practices of the United States and Australia, the article proposes some suggestions for improving the effectiveness of investigations against evasion of trade remedies in Vietnam in the coming time.

Keywords: Trade Remedies; investigating anti-circumvention of trade defense measures; evasion of trade remedies.

Đặt vấn đề

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, với trào lưu nở rộ của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA[1]) đã mở ra cơ hội cho ngành kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời đã thu hẹp các công cụ can thiệp truyền thống mà chính phủ sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước như áp dụng các loại thuế quan, phi thuế quan, v. v. Trước sự tấn công ồ ạt của hàng hóa nhập khẩu đến từ doanh nghiệp nước ngoài, như một phản ứng tất yếu, các doanh nghiệp nội địa buộc phải sử dụng các biện pháp PVTM bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước áp thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá và tự vệ để bảo vệ cho mình.[2] Để đảm bảo cho cam kết về tự do thương mại, việc áp dụng biện pháp PVTM phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung của WTO cũng như các FTA mà quốc gia là thành viên.[3]

Khi bị các quốc gia áp dụng các biện pháp PVTM, đã tạo nên các rào cản về thuế quan, hạn chế số lượng hàng nhập khẩu, v. v, làm xuất hiện hiện tượng, các doanh nghiệp nhập khẩu tìm cách lẩn tránh biện pháp PVTM dưới nhiều hình thức khác nhau để tiếp tục tìm cách nhập khẩu, gây thiệt hại cho thị trường nội địa. Lẩn tránh biện pháp PVTM là hành vi nhằm trốn tránh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thực thi biện pháp PVTM đang có hiệu lực đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp này khi nhập khẩu vào lãnh thổ quốc gia nội địa.[4] Trước thực tế này, giải pháp tối ưu để giúp các doanh nghiệp nội địa phòng chống hiệu quả là phải nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Tuy vậy, đến hết năm 2022, Việt Nam mới tiến hành điều tra và áp thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM với 02 vụ việc.[5] Kết quả này khá “khiêm tốn”, khi tính đến hết tháng 3 năm 2022, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam[6]. Nếu nhìn rộng ra thế giới có thể thấy, đến hết năm 2014, Úc đã tiến hành đến 9 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá[7] hay Hoa Kỳ, cho đến nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC[8]) đã khởi xướng hàng trăm vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong đó chủ yếu là các vụ điều tra đối với lệnh áp thuế dành cho Trung Quốc, UAE, Đài Loan, Canada, Việt Nam, v. v.[9] Trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nên kinh tế lớn ngày càng phức tạp, các cuộc xung đột vụ trang chưa có dấu hiệu chấm dứt, đã làm cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có xu hướng sử dụng chính sách bảo hộ thương mại, tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM, dẫn đến hành vi lẩn các biện pháp PVTM sẽ ngày càng gia tăng.[10] Vì lẽ đó, hơn lúc nào hết chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại tính hiệu quả trong thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Úc.

1. Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam

Tại Việt Nam, các quy định liên quan đến chống lẩn tránh biện pháp PVTM nói riêng quy định tại Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM; Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ phê duyệt Đề án: “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”; Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương (BCT) quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM và một số văn bản khác của BCT. Phân tích quy định này cho thấy, biện pháp PVTM đang được áp dụng có thể được mở rộng trong trường hợp cơ quan điều tra xác định có hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM. Cơ quan điều tra có thể tiến hành điều tra căn cứ vào yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước hoặc các thông tin mà mình thu thập được đối với các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM như: Nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp PVTM nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM; hàng hóa tương tự với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM có xuất xứ từ nước thứ ba mà hàng hóa đó sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM; hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM có sự khác biệt không đáng kể so với hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp PVTM; hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM được chuyển tải thông qua nước thứ ba; hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM được thay đổi hình thức kinh doanh và kênh phân phối để hưởng lợi từ mức áp dụng biện pháp PVTM thấp hơn mức đang áp dụng.[11]

Thực hiện các quy định trên đây, đến hết năm 2022, Cục PVTM của Việt Nam đã tiến hành điều tra và đề nghị Bộ trưởng BCT áp thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM với 02 vụ việc.[12] Cụ thể vào năm 2019, Cục PVTM đã tiến hành điều tra và Bộ trưởng BCT đã ban hành quyết định áp thuế lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm thép dây nhập khẩu vào Việt Nam[13]; Vào năm 2022, Cục PVTM đã tiến hành điều tra và Bộ trưởng BCT đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma[14]. Trong khi đó, nếu nhìn rộng ra thế giới có thể thấy, chỉ tính đến hết năm 2018, Úc đã tiến hành đến 11 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, Nam Phi và Thái Lan.[15] Đặc biệt Hoa Kỳ, cho đến nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC[16]) đã khởi xướng hàng trăm vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong đó chủ yếu là các vụ điều tra đối với lệnh áp thuế dành cho Trung Quốc, UAE, Đài Loan, Canada, v. v. Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra trên 5 vụ việc, hầu hết là điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép.[17]

Những số liệu đối sánh trên đây chưa lột tả được toàn cảnh thực tiễn hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM tại Việt Nam. Tuy nhiên, một điều cho thấy, Việt Nam đã bước đầu điều tra thành công đối với một số hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM trong thực tiễn. Điều này đã tạo tiền đề thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật để chống lại các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM trên thị trường, bảo vệ kịp thời ngành sản xuất và doanh nghiệp nội địa. Quan trọng hơn, Cục PVTM đã phát huy được vai trò với tư cách là chủ thể phát hiện, tiến hành điều tra, đề xuất áp dụng biện pháp chống lẩn tránh PVTM để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thương mại không công bằng đến từ doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy vậy, so với thực tiễn điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM của Hoa Kỳ, Úc thì con số 2 vụ việc thực sự “khiêm tốn” trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu, rộng vào các FTA như hiện nay. Vì thế, cần thiết phải nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia này để có những giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với các hành vi cùa doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

2. Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của một số nước trên thế giới

2.1. Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ

Cho đến nay DOC của Hoa kỳ đã khởi xướng hàng trăm vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, trong đó chủ yếu là các vụ điều tra đối với lệnh áp thuế dành cho Trung Quốc, UAE, Đài Loan, Canada, v. v.[18] Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra trên 5 vụ, hầu hết là điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép. Mới đây nhất là cuộc điều tra lẩn tránh thuế PVTM đối với một số sản phẩm ống thép thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 theo đơn kiện của các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng, đây là những nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc (đang bị áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp cao nhất lên đến 616%) sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ.[19] Gần đây nhất, DOC đã quyết định điều tra áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với ngành Gỗ dán và sản phẩm tấm thép không gỉ của Việt Nam. Trong đó, đối với ngành gỗ dán Việt Nam, DOC đưa ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ; còn đối với sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam, DOC tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp PVTM (mà Hoa Kỳ đang áp dụng với hàng hóa tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế là từ 139% - 267%).[20]

Có thể thấy, DOC của Hoa Kỳ đã áp dụng rất hiệu quả các quy định trong việc điều tra áp dụng thuế đối với các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM vào thị trường của Hoa Kỳ. Không chỉ là hàng hóa xuất khẩu đến từ Việt Nam mà DOC đã tiến hành điều tra áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hầu hết các hàng hóa của các quốc gia xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Để đạt được kết quả này, phân tích kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy:

Thứ nhất, Hoa Kỳ đã sớm thiết kế mô hình cơ quan điều tra có một vị trí pháp lý độc lập, khách quan

Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, cơ quan có thẩm quyền điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM là DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC[21])[22]. Trong đó, DOC có vai trò quyết định trong quá trình điều tra, trong khi ITC đưa ra ý kiến liên quan đến một số vấn đề.[23] Để điều tra có hay không hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, Hoa Kỳ giao cho DOC và ITC. Trong đó, DOC là cơ quan hành pháp, trực thuộc chính phủ; ITC là cơ quan liên bang độc lập, phi đảng phái, bán tư pháp, tức là cơ quan trực thuộc hệ thống hành pháp nhưng lại có chức năng gần như tòa án.[24] Với vị trí này, DOC và ITC là cơ quan thuộc ngành hành pháp nhưng có chức năng tư pháp và có vị trí hoàn toàn độc lập với các bộ trong chính phủ. Ngoài ra, mặc dù cùng điều tra vụ việc lẩn tránh PVTM kể cả ITC cũng có vị trí độc lập với DOC.

Sự độc lập về vị trí pháp lý còn được thể hiện qua cơ chế bổ nhiệm thành viên của 02 cơ quan này. Theo đó, ITC được bố trí gồm 06 ủy viên, trong đó có 01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch. Trong số lượng 06 ủy viên thì được chia đều cho các đảng, bao gồm 03 ủy viên từ Đảng Dân chủ và 03 đảng ủy viên từ Đảng Cộng hòa hoạt động độc lập với các Đảng phái, Nghị viện và Chính phủ.[25] Các ủy viên do Tổng thống đề cử và do Thượng viện phê chuẩn.[26] Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp của DOC gồm có 08 quan chức, gồm 01 bộ trưởng do Tổng thống đề cử và Thượng viện Hoa Kỳ biểu quyết xác nhận, 01 quyền phó bí thư, 01 phó bộ trưởng hoạt động và 05 quan chức còn lại phụ trách các lĩnh vực quản lý của Bộ.[27]

Thứ hai, Hoa Kỳ đã quy định quy trình điều tra chặt chẽ

Bước 1. Khởi xướng điều tra: Một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM sẽ được khởi xướng nếu ngành sản xuất trong nước liên quan nộp đơn kiện và cung cấp bằng chứng đầy đủ về việc xảy ra hành vi lẩn tránh. Sau khi nhận đơn, DOC sẽ nghe các ý kiến của các bên liên quan về việc liệu họ ủng hộ hay phản đối đơn kiện. Một thông báo sẽ được ban hành tại Công báo Liên bang nếu vụ việc được khởi xướng bởi DOC.[28] Đáng lưu ý là, DOC cũng có thể tự khởi xướng điều tra kể cả khi không có đơn kiện trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc tự khởi xướng sẽ phụ thuộc vào việc liệu bằng chứng có đủ để cho thấy có hành vi lẩn tránh hay không.[29]

Bước 2. Bảng câu hỏi: Sau khi cuộc điều tra được khởi xướng, DOC cung cấp bảng câu hỏi, buộc các bên liên quan cung cấp câu trả lời về các hành vi lẩn tránh. Những nguồn khác như tài liệu chính thức cũng có thể cung cấp thông tin phù hợp cho DOC. Một quyết định tạm thời sẽ được ban hành nếu DOC ra kết luận. Tuy nhiên, bên liên quan có thể tiếp tục cung cấp bằng chứng và đưa ra quan điểm hoặc yêu cầu tranh tụng chính thức. Đồng thời, DOC sẽ thông báo với ITC nếu dự định mở rộng biện pháp áp thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp ban đầu cho một sản phẩm mới. Mặt khác, ITC có thể yêu cầu tham vấn với DOC nếu cần thiết. Việc tham vấn này sẽ cho phép ITC quyết định liệu kết luận hiện hành về thiệt hại của lệnh áp thuế ban đầu có vấn đề gì không nếu ITC mở rộng lệnh áp thuế hiện hành cho sản phẩm mới.[30]

Bước 3. Áp thuế chống lẩn tránh PVTM: Theo quy định, một cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế phải được thực hiện trong vòng 300 ngày sau khi khởi xướng. Các quyết định của DOC về các biện pháp chống lẩn tránh thuế bị rà soát tư pháp. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ áp dụng một hệ thống đặc biệt liên quan đến thu thuế. Khi DOC ra kết luận cuối cùng khẳng định có lẩn tránh thuế, thuế sẽ không bị áp ngay lập tức sau quyết định này mà yêu cầu một khoản đảm bảo (thường dưới dạng đặt cọc bằng tiền mặt) đối với hàng hóa bị nghi ngờ. Một cuộc rà soát hành chính để tính toán mức thuế cuối cùng chính thức sẽ được tiến hành sau khi hoàn thành cuộc điều tra. Do đó, việc tính toán và thu thuế chính thức được thực hiện sau cuộc rà soát hành chính này. Tuy nhiên, mức thuế chính thức được tính toán phụ thuộc vào mức độ phá giá hoặc trợ cấp của giai đoạn rà soát.[31]

Như vậy, Hoa kỳ đã sớm xây dựng và hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM với hệ thống hai cơ quan là DOC và ITC. Điểm đặc biệt của mô hình chính là vấn đề đảm bảo tính độc lập với các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, nhằm tránh được sự chi phối bởi các mệnh lệnh hành chính tác động đến kết quả trong quá trình điều tra. Theo đó, DOC là cơ quan hành pháp, trực thuộc chính phủ, có vai trò quyết định trong quá trình điều tra; ITC là cơ quan liên bang độc lập, phi đảng phái, bán tư pháp, có vai trò tham vấn giám sát quá trình điều tra của DOC. Cùng với đó, một quy trình điều tra chặt chẽ cũng được Hoa Kỳ quan tâm thực hiện. Bắt đầu từ việc khởi xướng điều tra được tiến hành khi có đơn kiện và bằng chứng liên quan đến hành vi lẩn tránh PVTM, tiếp đó DOC sẽ tiến hành các cuộc điều tra, nhưng DOC không hoàn toàn quyết định, mà kết quả điều tra của DOC sẽ bị ITC tham vấn giám sát. Nếu kết quả điều tra của DOC hoàn toàn khách quan và công bằng thì thuế chống lẩn tránh PVTM cũng sẽ không bị áp ngay lập tức mà phải trải qua một cuộc rà soát hành chính để tính toán mức thuế cuối cùng chính thức được áp dụng sau khi hoàn thành cuộc điều tra.

2.2. Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Úc

Về quan điểm chống lẩn tránh thuế PVTM, tại vòng đàm phán Uruguay, Úc là một trong những thành viên đàm phán ủng hộ việc đưa các quy định chống lẩn tránh thuế PVTM. Cụ thể, Úc luôn ủng hộ việc đưa các quy định chống lẩn tránh thuế vào bất kỳ thỏa thuận nào; cần áp dụng một cách hiệu quả để chống lại hành vi lẩn tránh nhưng không được ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và đầu tư bình thường của doanh nghiệp.[32] Vì thế, Úc đã sớm ban hành Đạo luật Thuế quan 1987, đây là cơ sở pháp lý cho quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế PVTM. Hiện nay, pháp luật về chống lẩn tránh thuế của Úc được quy định trong Đạo Luật Hải quan 1901 và Quy định về hải quan (theo nghĩa vụ quốc tế) năm 2015.

Thực thi các quy định của Đạo luật này, Úc đã tiến hành điều tra 332 vụ chống bán phá giá, 28 vụ chống trợ cấp, 09 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM.[33] Trong 09 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM thì hàng hóa của Trung Quốc có 04 vụ việc; hàng hóa của Hàn Quốc có 03 vụ việc; và Malaysia, Đài Loan, Thụy Điển, Nam Phi và Thái Lan mỗi nước/vùng lãnh thổ 01 vụ việc.[34] Các vụ việc chủ yếu liên quan đến thay đổi nhỏ sản phẩm; lẩn tránh tác động của biện pháp; chuyển tải thông qua quốc gia thứ ba.[35] Thời gian qua, Úc tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế nhiều hơn, đặc biệt trong năm 2015 với 5 vụ việc; năm 2018 thực hiện điều tra với dây cáp của Nam Phi và kính nổi của Thái Lan.[36]

Có thể thấy, so với Hoa Kỳ, Úc là quốc gia có số vụ việc điều tra áp thuế chống lẩn tránh thuế PVTM đối với doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài ít hơn. Tuy nhiên, qua phân tích kết quả điều tra cho thấy, Úc là quốc gia khá thành công trong việc thực thi các quy định về chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Phân tích kinh nghiệm của Úc cho thấy:

Thứ nhất, Úc đã sớm thành lập cơ quan điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM

Để tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM, ngay từ Đạo Luật Hải quan 1901, Úc đã xây dựng và hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra là Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC[37]). ADC là cơ quan hành pháp, trực thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học, có trách nhiệm điều tra có hay không hành vi lẩn tránh thuế PVTM. Kết quả điều tra sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học để ra quyết định cuối cùng có hay không áp dụng thuế PVTM.[38] Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và chính xác, quyết định của Bộ trưởng có thể được rà soát bởi Ban rà soát chống bán phá giá (ARP[39]).[40]

Thứ hai, Úc đã quy định quy trình để tiến hành điều tra chặt chẽ

Bước 1. Đơn kiện: Nếu biện pháp được áp dụng đối với một số hàng hóa nhất định, người đại diện tất cả hoặc một phần ngành sản xuất trong nước của Úc có thể nộp đơn đề nghị ADC bắt đầu cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế. Đơn kiện phải: đưa ra cơ sở hợp lý để khởi xướng cuộc điều tra, tức là đã có một hoặc một số hành vi lẩn tránh đã xảy ra; cung cấp bằng chứng liên quan.[41] Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng có thể yêu cầu Ủy viên của ADC tiến hành tự khởi xướng điều tra. Nếu đơn kiện được chấp nhận hoặc nếu có yêu cầu của Bộ trưởng, ADC phải ban hành thông báo khởi xướng cuộc điều tra và cung cấp thông tin chi tiết của cuộc điều tra.[42]

Bước 2. Nộp bản trả lời câu hỏi: Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày khởi xướng, Ủy viên ADC không phải xem xét các bản trả lời nộp sau giai đoạn này nếu việc xem xét này ảnh hưởng đến thời hạn ban hành dữ kiện trọng yếu tại hồ sơ công khai.[43]

Bước 3. Thẩm tra: Thẩm tra tại chỗ có thể được tiến hành để xác minh thông tin do các bên liên quan nộp (có thể không thẩm tra tại chỗ mà tự thẩm tra). Sau đó báo cáo thẩm tra sẽ được ADC công bố công khai.[44]

Bước 4. Công bố: Công bố dữ kiện trọng yếu, trong đó đưa ra các dữ kiện làm căn cứ để ADC đề xuất khuyến nghị của mình tới Bộ trưởng. Điều này sẽ diễn ra trong vòng 110 ngày kể từ ngày khởi xướng[45] và được gia hạn nếu Ủy viên ADC yêu cầu và Bộ trưởng cho phép. Các bên liên quan có thể bình luận về dữ kiện trọng yếu trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố.[46] Ủy viên ADC không bắt buộc phải xem xét các bản bình luận sau giai đoạn này nếu việc xem xét ảnh hưởng đến thời hạn báo cáo lên Bộ trưởng.

ADC báo cáo cho Bộ trưởng và đưa ra đề xuất, 155 ngày sau khi khởi xướng (đối với điều tra về lẩn tránh tác động của thuế, thời hạn là 100 ngày, không quy định về gia hạn). Giai đoạn này cũng có thể được gia hạn nếu Bộ trưởng cho phép. Trong báo cáo của ADC, ADC có thể khuyến nghị: (i) không có thay đổi nào đối với biện pháp hiện hành[47]; (ii) hoặc ngược lại, nếu thỏa mãn các hành vi lẩn tránh đã xảy ra, ADC phải khuyến nghị thay đổi biện pháp, thay đổi như thế nào[48], từ thời điểm nào[49](việc thay đổi có thể hồi tố nhưng không được sớm hơn ngày khởi xướng điều tra).[50]

Bước 5. Ra quyết định: Sau khi xem xét khuyến nghị của ADC và các thông tin liên quan, Bộ trưởng phải đưa ra quyết định (đăng tại Công báo và một tờ báo quốc gia) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo. Tuy nhiên, Bộ trưởng có thể gia hạn thời gian 30 ngày trong trường hợp đặc biệt (phải công bố về việc gia hạn).[51] Quyết định của Bộ trưởng phải được thông báo tới nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng. Bộ trưởng có thể thay đổi biện pháp theo hướng mở rộng với hàng hóa khác, với nước khác, với nhà xuất khẩu khác, thay đổi một số yếu tố đối với nhà xuất khẩu hiện bị áp thuế, hoặc với nhà xuất khẩu sẽ bị áp thuế.[52]

Bước 6. Khiếu nại: Quyết định của Bộ trưởng có thể được rà soát bởi ARP. Bên liên quan có thể yêu cầu ARP rà soát (khiếu nại) trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ trưởng công bố quyết định.[53]

Như vậy, cũng như Hoa Kỳ, Úc đã sớm xây dựng và hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM. Đặc biệt, điểm tương đồng giữa hai quốc gia này là việc sớm quy định và tiến hành một quy trình điều tra chặt chẽ, đồng thời để đảm bảo tính chính xác và khách quan trong các quyết định cuối cùng thì kết quả điều tra luôn có sự tham vấn, rà soát của các cơ quan độc lập. Nếu như tại Hoa Kỳ, kết quả điều tra của DOC sẽ được ITC tham vấn giám sát thì tại Úc, quyết định cuối cùng của Bộ trưởng sẽ được rà soát bởi ARP.

3. Một số gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả thực tiễn điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại ở Việt Nam thời gian tới

Thứ nhất, cần xây dựng cơ quan điều tra có vị trí pháp lý độc lập, khách quan

Có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, trong đó yếu tố căn cơ chính là năng lực của cơ quan điều tra. Bởi lẽ xét đến cùng, hành vi lẩn tránh thuế PVTM đến từ doanh nghiệp nước ngoài có được phát hiện, xử lý kịp thời cũng phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra. Sớm nhận thức được vấn đề này, từ năm 1901, trong Đạo luật Thuế quan, Úc đã thiết lập ADC trực thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học để điều tra hành vi chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế PVTM và ARP là cơ quan có thẩm quyền ra soát kết quả điều tra sau khi Bộ trưởng ban hành quyết định cuối cùng. Hay tại Hoa Kỳ, DOC và ITC là hai cơ quan có thẩm quyền điều tra các vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM. Để thực thi hiệu quả chức năng, Hoa Kỳ đã bố trí DOC và ITC có vị trí độc lập với nhau, và độc lập với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Điều 1 Quyết định 3752/2018/QĐ-BCT quy định chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật PVTM, Cục PVTM trực thuộc BCT là cơ quan tiến hành điều tra hành vi chống lẩn tránh biện pháp PVTM và Bộ trưởng BCT là chủ thể quyết định cuối cùng.[54] Để thực hiện chức năng điều tra, Cục PVTM giao cho cơ quan cấp phòng tiến hành. Với vị trí pháp lý là cấp phòng nằm trong Cục PVTM thuộc BCT sẽ rất khó tạo ra sự độc lập, khách quan trong quá trình điều tra hành vi lẩn tránh PVTM. Điều mà doanh nghiệp lo ngại nhất đó là sự tác động, chi phối của các mệnh lệnh hành chính làm “méo mó” kết quả điều tra hành vi lẩn tránh PVTM.[55] Vì lẽ rằng, điều tra chống lẩn tránh PVTM không đơn thuần là áp dụng chế tài kinh tế để trừng phạt đối với hành vi vi phạm, lúc này vai trò răn đe của biện pháp PVTM đã vượt qua giới hạn của một biện pháp kinh tế đơn thuần khi nó tác động tới mối tương quan về vị thế kinh tế, chính trị, đối ngoại giữa các quốc gia với nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà quan hệ đối tác giữa các quốc gia được thiết lập dựa trên sự so sánh về vị thế kinh tế, chính trị và quan hệ ngoại giao, dẫn đến các quốc gia có vị thế kinh tế yếu hơn như Việt Nam, muốn thiết lập mối quan hệ để phát triển với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Trung Quốc thì phải có những chính sách “khoan nhượng”, và kết quả các mệnh lệnh hành chính sẽ được “dội xuống” nếu đối tượng bị điều tra lẩn tránh PVTM là doanh nghiệp của các nước này. Cảnh báo điều này, Đoàn Trung Kiên đã viết: “Quyền hạn của cơ quan điều tra là rất lớn, trong khi không có cơ quan nào giám sát hay tư vấn độc lập cho quá trình điều tra, có thể sẽ dẫn tới lạm dụng quyền lực”.[56] Hay một nghiên cứu khác cũng đã nhận định:“Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, ITC đúng là đã có dấu hiệu bị tác động bởi những áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ, các phán quyết về chống bán phá giá nhằm tới bảo hộ cho ngành công nghiệp trong nước”.[57] Alan Macek cũng đã khẳng định: “Việc sử dụng công cụ tự vệ thương mại là đi ngược lại với tự do thương mại toàn cầu, và vị thế quốc gia trên trường quốc tế là yếu tố quyết định vì sẽ bị quốc gia xuất khẩu trả đũa …Để thực hiện tiến trình trên, quốc gia phải có một vị thế trên trường quốc tế đủ để không phải lo bị trả đũa. Tức là quốc gia phải có một nền kinh tế vững mạnh”.[58] Trước bối cảnh này, với vị trí là cơ quan cấp Cục thuộc BCT, thì liệu rằng, có đủ tính độc lập, sự chủ động để tự quyết vấn đề, hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng được không.[59]

Để khắc phục các hạn chế trên, người nghiên cứu cho rằng, mô hình Cơ quan Điều tra PVTM Việt Nam cần được tổ chức lại trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ để thiết lập một cơ quan điều tra chống lẩn tránh Thuế PVTM có vị trí độc lập với các thiết chế khác trong bộ máy Chính phủ. Bởi lẽ, xét đến cùng thì Cơ quan Điều tra PVTM là chủ thể trực tiếp trung chuyển các quy định của pháp luật vào đời sống thực tiễn, dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu nếu không có chủ thể này thì các quy định cũng là lý thuyết suông.[60] Cùng quan điểm này, Lưu Kỳ Bảo đã nhấn mạnh: “Sức sống pháp luật được thể hiện ở chỗ thi hành pháp luật, uy quyền pháp luật cũng thể hiện ở chỗ thi hành, nếu như có luật mà không thi hành, hoặc thi hành không hiệu quả, thì dù luật nhiều đến mấy cũng chỉ là văn bản suông, quản lý đất nước theo pháp luật cũng trở thành lời nói suông”.[61] Vì thế, cần thiết phải thiết kế mô hình cơ quan điều ta PVTM có vị trí pháp lý trực thuộc Chính phủ, độc lập với các bộ, điều này sẽ cho phép: (i) Đảm bảo cho cơ quan điều tra một vị thế đủ để yêu cầu các bộ, UBND cùng phối hợp điều tra, cung cấp thông tin, số liệu để làm rõ có hay không hành vi vi phạm; (ii) Với vị trí là cơ quan trực thuộc Chính phủ, các công văn phục vụ cho quá trình điều tra sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, điều đó hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để buộc các cơ quan chuyên ngành như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phải có nghĩa vụ cùng phối hợp điều tra; (iii) Giúp cơ quan điều tra hoàn toàn đầy đủ thẩm quyền để chủ động phối hợp điều tra, tiếp xúc, đối chiếu với cơ quan điều tra và chính phủ nước ngoài; (iv) Tạo tính chủ động, hiệu quả cho cơ quan điều tra trong việc phúc đáp các công hàm từ cơ quan ngoại giao nước ngoài, giúp nhanh chóng giải quyết được sự việc, phù hợp với cấp hàm ngoại giao, vừa bảo vệ kịp thời quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng một quy trình điều tra chặt chẽ và có sự giám sát, rà soát của cơ quan nhà nước

Một quy trình điều tra chặt chẽ cũng được pháp luật của Hoa Kỳ và Úc sớm thiết lập, đặc biệt trong quy trình điều tra, các quốc gia này luôn bố trí một cơ quan độc lập để rà soát, tham vấn kết quả điều tra của Cơ quan điều tra nhằm đảm bảo rằng, kết quả điều tra là chính xác, khách quan. Ở Việt Nam, hiện chưa có bất kỳ quy định nào nhằm giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra chống lẩn tránh PVTM. Vì thế, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Úc, cần rà soát để hoàn thiện quy trình điều tra, đồng thời cần thiết phải nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan giám sát hoạt động điều tra nhằm tránh sự lạm quyền dẫn tới làm sai lệch bản chất các kết luận điều tra. Việc xây dựng mô hình cơ quan giám sát hoạt động điều tra cần theo hướng: (i) Căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ, căn cứ chức năng quyền hạn của cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước, đề xuất thẩm quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước đối với quá trình điều tra chống lẩn tránh PVTM; (ii) Trên cơ sở quy định thẩm quyền giám sát, cần hướng dẫn làm rõ nội dung hoạt động điều tra phải được giám sát; làm rõ trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giám sát; cách thức xử lý vi phạm trong quá trình giám sát, v. v.[62]

4. Kết luận

Hoạt động điều tra đóng vai trò quyết định đến hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM. Vì lẽ đó, Hoa Kỳ, Úc đã sớm xây dựng mô hình cơ quan điều tra với một vị trí pháp lý độc lập và một quy trình điều tra chặt chẽ có sự rà soát, tham vấn của một cơ quan nhà nước độc lập nhằm tránh những tác động từ các mệnh lệnh hành chính hay quan hệ ngoại giao làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Trong khi đó ở Việt Nam, mô hình cơ quan điều tra chưa thực sự đảm bảo vị trí pháp lý độc lập, hơn nữa thiếu sự giám sát của cơ quan nhà nước độc lập. Điều này, đã gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả điều tra đối với các hành vi lẩn tránh PVTM. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần nghiêm túc phân tích, nghiên cứu quy định của Hoa Kỳ, Úc để hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra cũng như quy trình điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Văn bản pháp luật

1. Hoa Kỳ (1988), Đạo luật Thương mại.

2. Quốc hội (2017), Luật Quản lý ngoại thương.

3. Úc (1987), Đạo luật Thuế quan.

4. Úc (1901), Đạo Luật Hải quan.

5. Bộ Công Thương (2019), Quyết định số 1230/QĐ-BCT ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

6. Bộ Công Thương (2022), Quyết định số 1514/QĐ - BCT ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía.

II. Các nghiên cứu trao đổi

7. Alan Macek, The political Argument for safeguard Measures (13/11/2003), https://www.alanmacek.com/legal/PoliticalArgumentForSafeguardMeasures.pdf.

8. LƯU KỲ BẢO, THÚC ĐẨY TOÀN DIỆN QUẢN LÝ ĐẤT NƯỚC THEO PHÁP LUẬT NỖ LỰC XÂY DỰNG TRUNG QUỐC PHÁP TRỊ, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT, HÀ NỘI (2015)

9. Bộ Công Thương, Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam (18:00 Thứ 3, 27/12/2022), https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoi-nghi-tong-ket-20-nam-cong-tac-phong-ve-thuong-mai-cua-viet-nam.html.

10. Dương Thùy Dung, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018: Bình luận và một số đề xuất hoàn thiện, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 7+8 năm 22018, 85.

11. Cục Phòng vệ thương mại, Báo cáo thường niên tình hình phòng vệ thương mại ở Việt Nam năm 2022.

12. Cục Phòng vệ thương mại, Quy định về điều tra chống lẩn tránh thuế chống trợ cấp của Úc, https://www.trav.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=b440999f-cd9a-4cea-b8d6-e1a090d01cdb&id=c72106e1-05e2-4742-ad57-507f5431b8ef.

13. Cục phòng vệ thương mại, Quy định và thực tiễn của Úc về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp (11:42 28/8/2019), https://trungtamwto.vn/chuyen-de/13913-quy-dinh-va-thuc-tien-cua-uc-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-chong-ban-pha-giachong-tro-cap.

14. Phùng Gia Đức & Phạm Thùy Dương, Hoàn thiện pháp luật để chủ động áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 7 tháng 7, 50 (2015).

15. Mai Xuân Hợi, Hoàn thiện quy định về giám sát hoạt động điều tra PVTM, Tạp chí Pháp luật Doanh nghiệp, số tháng 02/2022.

16. Mai Xuân Hợi, Chủ thể thực thi pháp luật về PVTM ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 37 (2022).

17. Đoàn Trung Kiên, Pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, mục 4.2.2.11 (2010).

17. Pháp luật và Bản quyền, Quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ và những thực tế pháp lý Doanh nghiệp Việt cần đặc biệt lưu ý (11:44 16/08/2022), https://phapluatbanquyen.phaply.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-phong-ve-thuong-mai-cua-hoa-ky-va-nhung-thuc-te-phap-ly-doanh-nghiep-viet-can-dac-biet-luu-y-a1060.html/.

18. Vũ Lê Minh, Từ thực tế các vụ DOC điều tra chống lẩn tránh thuế: Kinh nghiệm pháp lý và kinh doanh cho Doanh nghiệp Việt, Pháp lý (15:30 06/7/2021), https://phaply.net.vn/tu-thuc-te-cac-vu-doc-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-kinh-nghiem-phap-ly-va-kinh-doanh-nao-cho-doanh-nghiep-viet-a236446.html.

19. R. Baldwin and J. Steagall, An analysis of factors influencing ITC decisions in antidumping, countervailing and safeguards cases, Carleton University – University of Wiscosin, Ohawa, Canada(1991).

20. NGUYỄN QUÝ TRỌNG, PHÁP LUẬT VỀ TỰ VỆ TRONG NHẬP KHẨU HÀNG HÓA NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 15-16 (2013)..

21. VŨ PHƯƠNG LAN, PHÁP LUẬT VỀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT, HÀ NỘI, 41-42 (2012).

III. Các website

22. https://www.trade.gov/org_charts/Enforcement-and-Compliance.pdf.

23.http://agro.gov.vn/vn/tID4049_Co-che-thuc-thi-chinh-sach-thuong-mai-tai-Hoa-Ky.html.

24. https://usitc.gov/press_room/about_usitc.htm.

25. https://usitc.gov/press_room/about_usitc.htm.

26. https://www.commerce.gov/about/leadership.

27. http://www.trav.gov.vn/?page=structure.

28.https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/AD_MeasuresByExpCty.pdf.

* TS. Mai Xuân Hợi, Trường ĐHL Huế. Duyệt đăng 27/11/2024. Email: hoilu09@gmail.com

** TS. Nguyễn Sơn Hà, Trường ĐHL Huế

[1] Free Trade Agreement.

[2] VŨ PHƯƠNG LAN (CHỦ BIÊN), PHÁP LUẬT VỀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT, HÀ NỘI, 41-42 (2012).

[3] NGUYỄN QUÝ TRỌNG (CHỦ BIÊN), PHÁP LUẬT VỀ TỰ VỆ TRONG NHẬP KHẨU HÀNG HÓA NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 15-16 (2013).

[4] Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, ngày 12 tháng 6 năm 2017, Điều 72.

[5] Bộ Công Thương, Tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam (18:00 Thứ 3, 27/12/2022), https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoi-nghi-tong-ket-20-nam-cong-tac-phong-ve-thuong-mai-cua-viet-nam.html.

[6] Vũ Lê Minh, Từ thực tế các vụ DOC điều tra chống lẩn tránh thuế: Kinh nghiệm pháp lý và kinh doanh cho Doanh nghiệp Việt, Pháp lý (15:30 06/7/2021), https://phaply.net.vn/tu-thuc-te-cac-vu-doc-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-kinh-nghiem-phap-ly-va-kinh-doanh-nao-cho-doanh-nghiep-viet-a236446.html.

[7] Cục Phòng vệ thương mại, Quy định và thực tiễn của Úc về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp (11:42 28/8/2019), https://trungtamwto.vn/chuyen-de/13913-quy-dinh-va-thuc-tien-cua-uc-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-chong-ban-pha-giachong-tro-cap.

[8] Department of Commerce.

[9] Pháp luật và Bản quyền, Quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ và những thực tế pháp lý Doanh nghiệp Việt cần đặc biệt lưu ý (11:44 16/08/2022), https://phapluatbanquyen.phaply.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-phong-ve-thuong-mai-cua-hoa-ky-va-nhung-thuc-te-phap-ly-doanh-nghiep-viet-can-dac-biet-luu-y-a1060.html/.

[10] Cục Phòng vệ thương mại, Báo cáo thường niên tình hình phòng vệ thương mại ở Việt Nam năm 2022, 33-37 (2022).

[11] Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, ngày 15 tháng 10 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Điều 73.

[12] Bộ Công Thương, tlđd, 5.

[13] Quyết định số 1230/QĐ-BCT, ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Điều 1.

[14] Quyết định số 1514/QĐ-BCT, ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm đường mía, Điều 1.

[15] Cục Phòng vệ thương mại, Quy định và thực tiễn của Úc về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp (11:42 28/8/2019), https://trungtamwto.vn/chuyen-de/13913-quy-dinh-va-thuc-tien-cua-uc-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-chong-ban-pha-giachong-tro-cap.

[16] Department of Commerce.

[17] Pháp luật và Bản quyền, tlđd, 9.

[18] Pháp luật và Bản quyền, tlđd, 9.

[19] Pháp luật và Bản quyền, tlđd, 9.

[20] Vũ Lê Minh, tlđd, 6.

[21] International Trade Commission.

[22] https://www.trade.gov/org_charts/Enforcement-and-Compliance.pdf.

[23] https://www.trade.gov/org_charts/Enforcement-and-Compliance.pdf.

[24] http://agro.gov.vn/vn/tID4049_Co-che-thuc-thi-chinh-sach-thuong-mai-tai-Hoa-Ky.html.

[25] https://usitc.gov/press_room/about_usitc.htm.

[26] https://usitc.gov/press_room/about_usitc.htm.

[27] https://www.commerce.gov/about/leadership.

[28] Đạo luật Thương mại năm 1988, Mục 1321 (e).

[29] Đạo luật Thương mại năm 1988, tlđd, 28.

[30] Pháp luật và Bản quyền, tlđd, 9.

[31] Cục Phòng vệ thương mại, Các quy định của Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (21/12/2022 02:35), https://chongbanphagia.vn/cac-quy-dinh-cua-hoa-ky-ve-dieu-tra-chong-lan-tranh-thue-chong-ban-pha-gia-chong-tro-cap-n26106.html.

[32] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[33] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[34] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[35] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[36] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[37] Antidumping Commission.

[38] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[39] Antidumping Review Panel.

[40] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[41] Cục Phòng vệ thương mại, Quy định về điều tra chống lẩn tránh thuế chống trợ cấp của Úc, https://www.trav.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=b440999f-cd9a-4cea-b8d6-e1a090d01cdb&id=c72106e1-05e2-4742-ad57-507f5431b8ef

[42] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 41.

[43] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 41.

[44] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[45] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBF.

[46] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBG(2)(a)(iv).

[47] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBG(1)(c).

[48] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBG(1)(d).

[49] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBH(1)(b).

[50] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBH(8).

[51] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[52] Đạo luật Thuế quan năm 1987, Tiểu mục 269ZDBH(2).

[53] Cục Phòng vệ thương mại, tlđd, 15.

[54] http://www.trav.gov.vn/?page=structure.

[55] Xem: Phùng Gia Đức & Phạm Thùy Dương, Hoàn thiện pháp luật để chủ động áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 7 tháng 7 năm 2015, 50.

[56] Đoàn Trung Kiên, Pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Luận án tiến sĩ Luật học, cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội, mục 4.2.2.11 (2010).

[57] R. Baldwin and J. Steagall, An analysis of factors influencing ITC decisions in antidumping, countervailing and safeguards cases, Carleton University – University of Wiscosin, Ohawa, Canada (1991).

[58] Alan Macek (2003), The political Argument for safeguard Measures (13/11/2003), 38, https://www.alanmacek.com/legal/PoliticalArgumentForSafeguardMeasures.pdf.

[59] Dương Thùy Dung, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018: Bình luận và một số đề xuất hoàn thiện, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 7+8 năm 2018, 85.

[60] Xem thêm: Mai Xuân Hợi, Chủ thê thực thi pháp luật về PVTM ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 37 (2022).

[61] LƯU KỲ BẢO, THÚC ĐẨY TOÀN DIỆN QUẢN LÝ ĐẤT NƯỚC THEO PHÁP LUẬT NỖ LỰC XÂY DỰNG TRUNG QUỐC PHÁP TRỊ, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT, HÀ NỘI (2015)

[62] Mai Xuân Hợi, Hoàn thiện quy định về giám sát hoạt động điều tra PVTM”, Tạp chí Pháp luật Doanh nghiệp, số 02, 32 (2022).

Đọc nhiều