Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa
ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ngày 22/4/2025 ban hành Chiến lược quốc gia về
phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Quyết định nêu rõ, mục tiêu chung nhằm ngăn chặn, đẩy
lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước,
khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ
nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển
kinh tế - xã hội.
Mục tiêu cụ thể là khắc phục những hạn chế, bất cập
trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực
kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí.
Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất,
năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới; cắt giảm thủ tục hành
chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2030, Việt
Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về
chính phủ điện tử, kinh tế số.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh giám
sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các
hành vi lãng phí. Xử lý triệt để những vấn đề, vụ việc gây lãng phí lớn, bức
xúc trong dư luận, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
8 nhóm nhiệm vụ thực hiện phòng, chống lãng phí
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Kế hoạch nêu rõ 8 nhóm
nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: 1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên
các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí; 2. Tập trung
xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu
quả; 3. Quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả, tăng
cường tính bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; 4. Đẩy mạnh cải cách
hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của
người dân, doanh nghiệp; 5. Tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với
các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, tồn đọng,
kéo dài gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; 6. Tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ
việc lãng phí; 7. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong phòng, chống lãng phí; 8. Tăng cường
năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Theo đó, về tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây
dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả: Thực hiện nghiêm các Nghị
quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn
đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa
ngành, đa lĩnh vực theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc
chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình
trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Rà
soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế.
Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý nợ
công: Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ bội chi ngân sách nhà
nước và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội, đảm
bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Huy
động và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bảo đảm
hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ; triển khai công cụ quản lý nợ
theo quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn với quản lý ngân sách nhà nước,
quản lý ngân quỹ nhà nước, bảo đảm hiệu quả, an toàn và thanh khoản của ngân
sách nhà nước. Bố trí thanh toán trả nợ các khoản nợ gốc, lãi của ngân sách nhà
nước kịp thời, đầy đủ, đúng hạn. Tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước
thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đảm bảo phù hợp với nhu cầu của ngân
sách trung ương và khả năng đáp ứng của thị trường. Quản lý ngân quỹ nhà nước đảm
bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều hành chính sách tiền tệ.
Về đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối
đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp: Đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa
các cơ quan, tổ chức. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống Chính phủ điện tử,
Chính phủ số; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động
quản trị nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội theo hướng công khai, minh bạch,
thân thiện, dễ tiếp cận, dễ thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,
người dân góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, cắt giảm thời gian và chi phí
tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp...
Đối với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát,
thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí: Đẩy mạnh, nâng cao
chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc thực hiện chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí, tập trung lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại,
tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa;
rà soát, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm,
gây thất thoát, lãng phí nguồn lực theo quy định của pháp luật; thực hiện
nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi triệt để tiền,
tài sản nhà nước; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản
lý, chính sách, pháp luật được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm
tra, kiểm toán.
Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035
được thực hiện theo hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2025 đến năm 2030): Trong
giai đoạn này tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập
trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục bất cập của hệ thống pháp
luật để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
của Quốc hội Khóa XV, Khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong
phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí.
Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2031 đến năm 2035): Phát huy
những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ
yêu cầu của công tác phòng, chống lãng phí và tình hình thực tiễn xây dựng Kế
hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2031 - 2035 và đẩy mạnh thực hiện
toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến
lược. Tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2036.