Công ty tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá lâu có bị xử lý không?
Khánh Huyền
Thứ năm, 09/01/2025 - 11:36
(PLPT) - Quy định pháp luật hiện hành về việc tạm ngừng kinh doanh là gì? Thời hạn tối đa để tạm ngừng kinh doanh là bao lâu? Nếu tạm ngừng hoạt động kinh doanh vượt quá thời gian quy định, công ty sẽ bị xử lý như thế nào?
Công ty tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá lâu có bị xử lý không? (Ảnh minh họa)
Bạn đọc hỏi:
Tôi là Hoàng T.A., tôi thành lập công ty vào năm 2020, đến tháng 07 năm 2023 thì tôi phát hành thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Từ đó đến nay tôi vẫn chưa hoạt động lại. Vậy mong Luật sư có thể tư vấn cho tôi được biết nếu tiếp tục không hoạt động thì công ty tôi có bị xử lý hay không?
Luật sư trả lời:
Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng tư vấn như sau:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.”
Mặt khác tại Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có quy định:
“Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá 01 năm.
Khi hết thời hạn thông báo mà vẫn tạm ngừng thì phải có thông báo gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp không bị giới hạn số lần tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần liên tiếp.
Công ty của bạn có thông báo tạm ngừng kinh doanh vào tháng 07 năm 2023 tính đến tháng 07 năm 2024 là tròn 01 năm, theo thông tin khách hàng cung cấp thì chưa rõ ngày nào công ty của bạn tạm ngừng kinh doanh.
Trong trường hợp công ty quá thời hạn 03 ngày làm việc để tiếp tục thông báo tạm ngừng kinh doanh lần 2 đến Phòng đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp có thể phải chịu các chế tài theo quy định của pháp luật.
Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Căn cứ vào Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ về xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh như sau:
“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
b) Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá thời hạn quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Không thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh
.…”
Như vậy, trong trường hợp công ty của bạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm và hết thời hạn 01 năm vẫn tiếp tục tạm dừng kinh doanh nhưng không thông báo để tiếp tục gia hạn thời gian đăng ký kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính đến 2.000.000 đồng. Do đó, doanh nghiệp cần phải tiến hành thủ tục để tạm ngừng kinh doanh lần 2 cho doanh nghiệp.
Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.
(PLPT) - Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong thời gian qua, đã hăng hái cung cấp rất nhiều tin, phản ánh nguyện vọng có giá trị, giúp chính quyền lựa chọn mô hình, phương pháp, nội dung đổi mới để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).
(PLPT) - Sáng nay, ngày 11/6/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp diễn ra Toạ đàm “Vai trò của tổ chức hành nghề Luật sư trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên Cổng Pháp luật quốc gia”
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các ĐBQH đề nghị, cần quy định cụ thể lãi suất 0% chỉ áp dụng cho tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tái cơ cấu bắt buộc hoặc là có ảnh hưởng đến sự ổn địn
Các dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một luật sửa 8 luật trong lĩnh vực kinh tế và tài chính được hoàn thiện thêm một bước, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, không chỉ là xếp lương cho nhà giáo ở bậc cao nhất trong thang bậc, mà nên có chế độ gấp đôi, gấp ba để thật sự tuyển chọn được những người ưu tú nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần làm rõ cơ chế ưu đãi cho các ngành công nghiệp chiến lược như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong triển khai chính sách hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 7/6/2025 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực.
Sáng ngày 6/6, tại trụ sở Báo Pháp luật Việt Nam, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã diễn ra trong không khí trang trọng và đầy kỳ vọng. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai đơn vị nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần xây dựng thể chế pháp luật vững mạnh.