Thực tiễn pháp luật và tư pháp
Đánh giá sự tương thích của một số quy định liên quan đến giao dịch dân sự tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) so với Bộ luật Dân sự hiện hành
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đang trong quá trình xây dựng và trình Quốc hội thông qua. Khi khảo cứu một số nội dung liên quan đến giao dịch dân sự tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), tác giả nhận thấy một số điểm “bất tương thích” so với quy định của BLDS 2015. Trong phạm vi bài viết, tác giả đề cập, phân tích và đưa ra một số kiến nghị có liên quan.
1.Đặt vấn đề
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo) có những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến “hình thức” của các giao dịch dân sự được BLDS 2015 quy định theo hướng bắt buộc phải thực hiện. Như Tờ trình dự thảo thể hiện “Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế”[1]. Như vậy, có thể thấy được rằng, thực tế, bên cạnh những quy định mang tính tiêu chuẩn liên quan đến “công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên,...” (Điều 1 dự thảo) thì các quy định liên quan đến “hình thức” của giao dịch dân sự cũng được quy định khá chi tiết. Thêm vào đó, khi khảo cứu một số nội dung liên quan đến phần này tại Chương V “Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch” của dự thảo thì vẫn còn tồn tại một số điểm “bất tương thích” so với quy định của BLDS hiện hành.
2. Một số nội dung “bất tương thích” và kiến nghị
Thứ nhất, tiêu đề của Chương V “Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch”
Nhận thấy tiêu đề này so với Luật Công chứng năm 2014 có điểm khác biệt, cụ thể dự thảo lược bỏ cụm từ “bản dịch”. Tuy nhiên điều cần quan tâm chính là thuật ngữ “hợp đồng, giao dịch”. Tại Điều 116 BLDS 2015 quy định về giao dịch dân sự, cụ thể “giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Với nội dung này, dưới góc độ khoa học pháp lý, một số học giả cho rằng khái niệm này chưa thực sự chuẩn xác. Đơn cử như tác giả Ngô Huy Cương cho rằng “BLDS năm 2015 xây dựng thuật ngữ ‘giao dịch dân sự’ không thực sự thích hợp để chỉ chung tất cả các loại hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương…”[2]. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật thực định, một trong những tiêu chí xây dựng hệ thống pháp luật chính là bảo đảm sự tương thích của các văn bản quy phạm trong cùng hệ thống pháp luật. Quay lại Điều 116 BLDS 2015, có thể nhận thấy, giao dịch dân sự bao hàm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương, và thực tế thuật ngữ “dân sự” tại điều này được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm lĩnh vực dân sự (nghĩa hẹp), thương mại, lao động… Miễn là những giao dịch này đáp ứng các điều kiện xác lập dựa trên nguyên tắc “quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm…” (Điều 1 BLDS 2015). Vì thế, tại khoản 1 Điều 2 dự thảo quy định “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch)…” có thể dẫn đến một số hiểu lầm nhất định. Thực tế, bên cạnh hợp đồng, dự thảo đề cập đến một số hình thức của hành vi pháp lý như “di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản” (Điều 54 dự thảo).
Vậy, tại Điều luật này của dự thảo, tác giả cho rằng, cần thiết điều chỉnh thuật ngữ “hợp đồng, giao dịch dân sự” nhằm tương thích với quy định của BLDS 2015. Cụ thể, tác giả đề xuất điều chỉnh một số nội dung của dự thảo như sau:
Một là, nội dung tại khoản 1 Điều 2 dự thảo nên được sửa đổi thành: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các loại giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng” và bổ sung nội dung “giao dịch dân sự được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành”.
Hai là, tiến hành rà soát và sửa đổi thuật ngữ “hợp đồng, giao dịch” nằm rải rác tại các quy định của dự thảo thành “các loại giao dịch dân sự” để tạo sự thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ pháp lý có trong dự thảo cũng như tạo sự tương thích với BLDS 2015.
Thứ hai, dự thảo quy định giao dịch dân sự có “điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội”
Nội dung “điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội” được quy định tại khoản 5 Điều 41 về “Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn”, điểm b Điều 42 về “Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng” và điểm b khoản 1 Điều 17 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Tuy nhiên, quy định với nội dung này không đảm bảo sự tương thích với BLDS năm 2015. Một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 BLDS 2015 là “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Nội dung này là điểm mới so với BLDS 2005, tác giả Đỗ Văn Đại cho rằng “việc sử dụng khái niệm “điều cấm” rộng như trên là không thuyết phục vì sẽ giới hạn tự do của các chủ thể”, “hướng sửa đổi của BLDS năm 2015 là thuyết phục và phù hợp với tinh thần chung của việc sửa đổi năm 2015 là giới hạn quyền hay tự do của các chủ thể phải do luật (tức văn bản do Quốc hội ban hành) quy định[3]”, và hai phạm trù này rất khác nhau[4]. Mặc dù trên thực tế vẫn có quan điểm cho rằng thực tế các bên trong giao dịch dân sự không những phải tuân thủ các quy định và không được vi phạm điều cấm của luật, mà các bên còn phải xem xét đến các điều cấm được quy định trong các văn bản “dưới luật” nhằm tránh được những tranh chấp không đáng có.
Mở rộng thêm, nội hàm thuật ngữ “vi phạm pháp luật” tại Dự thảo “đi ngược” so với bản chất của BLDS năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại điểm c khoản 1 Điều 117. BLDS năm 2015 quy định điều kiện “…không vi phạm điều cấm của luật…”. Điều này khác hoàn toàn so với các BLDS trước đây. Nếu BLDS năm 1995 quy định theo hướng “không trái pháp luật” (Điều 131) thì có thể hiểu triết lý ở điều kiện này là “giao dịch dân sự không chỉ không được vi phạm điều cấm của pháp luật mà còn không được trái pháp luật[5]”. Mặc dù, Dự thảo sử dụng thuật ngữ “vi phạm pháp luật”, nhưng có thể hiểu nội hàm “khá” tương đồng với quy định tại BLDS năm 1995, vì BLDS này đặt ra điều kiện “không trái pháp luật”, tức là một giao dịch dân sự được xem là vi phạm điều kiện kể trên tức là có mục đích, nội dung trái pháp luật, mà thực tế, “trái pháp luật” tức là vi phạm pháp luật như dự thảo đã đề cập.
Tựu trung lại, dự thảo cần thiết phải được sửa đổi phù hợp, nhằm tránh sự chồng chéo không đáng có, đảm bảo triết lý của giao dịch dân sự là “tự do ý chí” và ý chí chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định (còn gọi là “điều cấm của luật”), vì nếu nói rằng ý chí hoàn toàn độc lập thì điều đó có nghĩa là chúng ta đang sống mà không cần có pháp luật[6].
Vậy, tác giả đề xuất phải sửa đổi nội dung liên quan trong dự thảo như sau:
“Điều 41. Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn
5. Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch. Nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa; trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng”. Và,
“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm
1.Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây: ...b) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích hoặc nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;…”.
Thứ ba, nội dung liên quan đến “giải thích giao dịch dân sự”[7]
Với quy định tại khoản 4 Điều 41 dự thảo, cụ thể “Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, … hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc công chứng viên tiến hành xác minh, yêu cầu giám định nếu thấy cần thiết;…”, có thể thấy, quy định này liên quan đến vấn đề “giải thích giao dịch dân sự” được quy định tại Điều 121 BLDS 2015, dẫn chiếu đến Điều 404 và Điều 648 BLDS này.
Vì sao điều luật này được xem là có sự liên quan đến giải thích giao dịch dân sự theo BLDS 2015? Hiện nay, BLDS 2015 không đưa ra định nghĩa về giải thích giao dịch dân sự, mà thay vào đó xác định các trường hợp cần được giải thích giao dịch dân sự. Dưới góc độ khoa học pháp lý, giải thích giao dịch dân sự là hoạt động của các chủ thể nhằm làm rõ những nội dung không rõ ràng trong giao dịch dân sự[8]. Hoặc trong giải thích hợp đồng, tác giả Ngô Huy Cương cho rằng “giải thích hợp đồng là (1) Làm rõ nghĩa của một sự diễn đạt nào đó của hợp đồng; (2) Bổ sung các thiếu sót của hợp đồng”. Đối với cách hiểu (1) của tác giả Ngô Huy Cương, phần quy định của BLDS 2015 đã thể hiện rõ. Tuy nhiên, đối với cách hiểu khi cho rằng “giải thích giao dịch dân sự là bổ sung các thiếu sót của hợp đồng” như cách viện dẫn của tác giả thì ai sẽ là người bổ sung? Có tác giả cho rằng: “cần phải xem xét lại, bởi lẽ, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, Tòa án là chủ thể giải quyết các tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự, do đó nếu hiểu “bổ sung các thiếu sót của hợp đồng” sẽ dẫn tới việc bổ sung những điểm thiếu sót này dựa trên chủ quan cảm tính của Toà án chứ không dựa trên ý chí của các bên, hợp đồng là sự thoả thuận ý chí của các bên hay nói cách khác còn được coi như là “luật” giữa các bên, vì lẽ đó, việc bổ sung những điều khoản hay từ ngữ của hợp đồng phải dựa trên ý chí và phải phù hợp với ý chí của các bên”[9].
Tuy nhiên, quan điểm của tác giả này chỉ đang tập trung vào thẩm quyền của Tòa án, vậy, nếu như quy định tại dự thảo, có chăng chúng ta hiểu rằng “công chứng viên là chủ thể “trợ giúp” các bên trong quá trình “tiền kiểm[10]” các nội dung còn thiếu xót của giao dịch dân sự tại dự thảo giao dịch dân sự”. Điều này tương đối hợp lý, bởi lẽ có thể khẳng định không có bất kỳ chủ thể nào ngoài các bên trong giao dịch dân sự có quyền xác định nội dung mà các bên này thỏa thuận, thậm chí, Tòa án và các cơ quan giải quyết tranh chấp khác mặc dù có thẩm quyền giải thích giao dịch dân sự khi giải quyết tranh chấp, nhưng không thể giải thích “lệch” so với ý chí của các chủ thể này. Vậy, chính các chủ thể này cũng chỉ có vai trò “trợ giúp” làm rõ nội dung của giao dịch dân sự. Bởi lẽ, khoa học pháp lý cũng như pháp luật thực định đã đặt ra các nguyên tắc khi các chủ thể này tiến hành giải thích giao dịch dân sự, bao gồm: (i) Theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập; (ii) Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch dân sự; và (iii) Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập[11].
Hiện nay với quy định của BLDS 2015 và dự thảo, các nhà lập pháp Việt Nam đang theo hướng chỉ có các chủ thể được trao quyền mới được thực hiện quyền này, và không “theo trường phái “tiếp cận mở rộng” (broad) lập luận rằng việc giải thích hợp đồng có thể được thực hiện bởi các bên và những người khác, bao gồm Thẩm phán, Trọng tài, người đại diện, nhân chứng, công chứng viên cũng như thẩm định viên, tùy thuộc vào hoàn cảnh cần giải thích[12]”.
BLDS 2015 đặt ra các trường hợp cần tiến hành giải thích giao dịch dân sự khi “có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này…” (Điều 121), và khoản 2 dẫn chiếu đến Điều 404 với các trường hợp:
“1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.
2. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.
3. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng…”.
Và Điều 648 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực”.
Vậy, với quy định của BLDS 2015 có thể nhận thấy, thực tế giao dịch dân sự được giải thích liên quan đến nội dung (quyền, nghĩa vụ của các bên) trong giao dịch dân sự này. Với quy định tại khoản 4 Điều 41 dự thảo thực chất đang thực hiện ở giai đoạn đầu tiên - nhận biết nội dung của giao dịch dân sự (có vấn đề chưa rõ, hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể). Việc dự thảo cho phép công chứng viên thực hiện xem xét nội dung của giao dịch dân sự là điều hợp lý vì đang thực hiện chức năng “tiền kiểm” như đã đề cập, tuy nhiên, việc dự thảo trao quyền cho công chứng viên “đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc công chứng viên tiến hành xác minh, yêu cầu giám định nếu thấy cần thiết; trường hợp người yêu cầu công chứng không làm rõ được và từ chối việc xác minh, yêu cầu giám định thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng” (khoản 4 Điều 41) lại là điều chưa hợp lý.
Bởi lẽ, căn cứ nào để công chứng viên xác định giao dịch dân sự có vấn đề chưa rõ, hoặc có đối tượng chưa được mô tả cụ thể, đồng thời, tại khoản 1 Điều 2 dự thảo đã xác định rõ công chứng viên chỉ có thẩm quyền chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự. Rõ ràng, tính xác thực, tính hợp pháp thực tế chính là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đó. Thêm vào đó, giao dịch dân sự là chế định thuộc lĩnh vực “luật tư”, và được xây dựng dựa trên học thuyết tự do ý chí của các chủ thể trong xã hội dân sự. Liệu rằng, dự thảo đặt ra trường hợp từ chối công chứng của công chứng viên có xâm phạm đến quyền tự do ý chí của các chủ thể không?
Tác giả không phủ nhận vai trò của công chứng viên trong quá trình “kiểm duyệt” với vai trò “tiền kiểm” nội dung dự thảo của giao dịch dân sự trước khi thực hiện hoạt động công chứng, tuy nhiên, nhằm tránh các trường hợp “lạm dụng” quyền, cần thiết sửa đổi nội dung này, tác giả đề xuất điều chỉnh cụ thể như sau:
Hướng thứ nhất, quy định rõ các trường hợp “hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, … hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể” tại khoản 4 Điều 41 dự thảo, dựa trên một số trường hợp giải thích giao dịch dân sự và trường hợp vô hiệu giao dịch dân sự như giao dịch dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được,…; hoặc:
Hướng thứ hai, giữ nguyên nội dung tại khoản 4 Điều 41 dự thảo, sau khi dự thảo này được thông qua, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản giải thích quy định này.
Như vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật của dự thảo, nhằm bảo đảm sự tương thích trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự trong BLDS 2015 và dự thảo.
ĐÀO TẤN ANH (Ban Thanh tra, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tư pháp, Tờ trình Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737.
2. Ngô Huy Cương, Nguyễn Thị Phương Châm, Trần Kiên (Chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự 1 Phần chung, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2023.
3. Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức, 2016.
4. Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ tám), Nxb. ĐHQG TP. HCM, 2020.
5. Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật Hợp đồng - Phần chung (dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2013.
6. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, 2022.
7. Nguyễn Hoàng Bá Huy (2023), Một số vấn đề về giải thích hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015 và kiến nghị hoàn thiện, https://tapchitoaan.vn/public/mot-so-van-de-ve-giai-thich-hop-dong-trong-bo-luat-dan-su-2015-va-kien-nghi-hoan-thien8832.html.
8. Bộ Tư pháp, Tài liệu thẩm định Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=4116.
[1] Bộ Tư pháp (2023), Tờ trình Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập ngày 13/7/2024.
[2] Ngô Huy Cương, Nguyễn Thị Phương Châm, Trần Kiên (Chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự 1 Phần chung, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2023, tr.169.
[3] Đỗ Văn Đại (Chủ biên) (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức, tr.145.
[4] Đỗ Văn Đại (Chủ biên) (2020), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ tám), Nxb. ĐHQG TP.HCM, tr.631.
[5] Đỗ Văn Đại (Chủ biên) (2020), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ tám), Nxb. ĐHQG TP. HCM, tr.628.
[6] Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật Hợp đồng - Phần chung (dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2013, tr.23.
[7] Mặc dù tại Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý có các ý kiến liên quan đến nội dung tại Điều 41 dự thảo, tuy nhiên chưa có ý kiến nào liên quan đến “giải thích giao dịch dân sự” - Bộ Tư pháp, Tài liệu thẩm định Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=4116, truy cập ngày 14/7/2024.
[8] Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Dân sự Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, tr. 216.
[10] Tiền kiểm thực tế chính là quá trình trước khi công chứng viên tiến hành thủ tục công chứng theo quy định của dự thảo.
[11] Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Dân sự Tập 1, Nxb. Công an nhân dân, 2022, tr.216-219.
[12] Wang Liming, Studies on Contract Law, Nxb. People’s University Press, 2002, tr.412-413 - Trích lại từ: Nguyễn Hoàng Bá Huy (2023), Một số vấn đề về giải thích hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015 và kiến nghị hoàn thiện, https://tapchitoaan.vn/public/mot-so-van-de-ve-giai-thich-hop-dong-trong-bo-luat-dan-su-2015-va-kien-nghi-hoan-thien8832.html, truy cập ngày 14/7/2024.
Cần có lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử
Cùng chuyên mục
Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần
(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.
Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội
(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?
(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?
Giả mạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả trên các trang thương mại điện tử để buôn lậu thuốc lá gửi đi các khắp các tỉnh thành trên cả nước. Vậy, buôn lậu thuốc lá bị xử phạt như thế nào?
Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh 2.000 tỷ đồng: Quy định của pháp luật với hành vi đánh bạc qua không gian mạng
(PLPT) - Lực lượng chức năng vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng. Hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Giả danh cán bộ lừa đảo 'chạy án' bằng tiền điện tử USDT: Hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý như thế nào?
(PLPT) - Các đối tượng tự xưng là điều tra viên hoặc kiểm sát viên thụ lý vụ án, yêu cầu người thân chuyển khoản vào ví tiền điện tử chỉ định để 'chạy án' cho bị can. Cơ quan công an đã khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy, hành vi nhận tiền chạy án bị xử lý ra sao?