Tóm tắt: Trò chơi điện tử trực tuyến là một trong những lĩnh vực công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số hiện nay. Việc điều tiết dòng chảy của trí tuệ và các ý tưởng tạo ra trò chơi điện tử trực tuyến được thông qua quyền tác giả, bằng sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh nhưng tài sản trí tuệ nào được bảo vệ thì chưa được nhận diện cụ thể khi áp dụng vì tính phức tạp và sự linh hoạt của nó. Bài viết làm rõ các khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến như đặc điểm và nhu cầu bảo hộ, đối tượng được bảo hộ, điều kiện bảo hộ và các nội dung pháp lý nổi bật liên quan cũng như kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của trò chơi điện tử trực tuyến hiện nay tại Việt Nam.
Abstract: Online video games are one of the fastest-growing technology sectors and play a crucial role in today's digital economy. The flow of intellectual and creative ideas in the creation of online video games is regulated through copyright, patents, and trademarks. However, there is currently no consensus on which intellectual property rights to apply for the protection of online video games due to their complexity and flexibility. This article elucidates the various aspects of this issue and proposes solutions to enhance the effectiveness of intellectual property rights protection for online video games in Vietnam today.
Keywords: Game online, trò chơi điện tử trực tuyến, quyền sở hữu trí tuệ
1. Khái quát pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến
Theo dữ liệu nghiên cứu của Allcorrectgames một công ty chuyên về nghiên cứu trong lĩnh vực TCĐTTT thì Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về doanh thu. Tuy nhiên trong số 665 triệu USD doanh thu ngành TCĐTTT đạt được năm 2021 tại Việt Nam thì chỉ có 316 triệu USD là doanh thu hợp pháp mà Nhà nước có thể thống kê và thu thuế được, số còn lại là doanh thu từ các TCĐTTT không phép và bị thất thu thuế[1]. Thực trạng này nói lên vai trò của việc quản lý quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với TCĐTTT trong nền kinh tế hiện nay là rất quan trọng như giúp tạo nguồn thu bền vững cho nhà nước và cho các doanh nghiệp phát triển TCĐTTT, ngăn chặn vi phạm quyền SHTT, bảo vệ thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp phát triển TCĐTTT, khuyến khích sáng tạo, đầu tư trong lĩnh vực TCĐTTT cũng như bảo vệ người chơi.
Pháp luật Việt Nam hiện nay không đưa ra định nghĩa về TCĐTTT nhưng trong Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA của Bộ Văn hóa - Thông tin, Bưu chính, Viễn thông, Công anngày 01/6/2006 có giải thích trò chơi trực tuyến là trò chơi trên mạng Internet có sự tương tác giữa những người chơi với hệ thống máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến và giữa người chơi với nhau. Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính Phủ tại khoản 35 điều 3 định nghĩa về “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” giúp chúng ta có thể hiểu được bản chất của TCĐTTT là dịch vụ được cung cấp trên mạng internet thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử. Ngoài ra nhóm tác giả nghiên cứu về TCĐTTT lên lĩnh vực giáo dục[2] cho rằng TCĐTTT có thể bao gồm từ trò chơi đơn giản đến trò chơi kết hợp đồ họa phức tạp và hình thành một thế giới ảo có nhiều người chơi cùng lúc. Còn dưới góc độ kỹ thuật thì bản chất của các TCĐTTT này là được tạo ra từ một chuỗi các lệnh để thực hiện một nhiệm vụ nhất định trên máy chơi game, máy tính[3] do vậy nó phải được xem là chương trình máy tính.
Nhìn chung, quá trình phát triển một TCĐTTT có thể được chia thành ba giai đoạn chính[4]: Giai đoạn thứ nhất là tiền sản xuất (Pre-production): Đây là giai đoạn lập kế hoạch, xác định ý tưởng chính của trò chơi. Các hoạt động chính bao gồm: (1) Tạo tài liệu trò chơi đóng vai trò như bản thiết kế chi tiết, nêu rõ ý tưởng trò chơi, đối tượng mục tiêu, cốt truyện, cơ chế trò chơi, (những nội dung này cần bảo hộ quyền tác giả, ngay cả ở dưới dạng bản thảo) và các yêu cầu kỹ thuật (cần được bảo hộ bí mật kinh doanh để tránh đối thủ sao chép ý tưởng). (2) Phát triển các mẫu thử nghiệm để kiểm tra các yếu tố như môi trường, nhân vật, và cơ chế điều khiển trò chơi và xây dựng thế giới trò chơi với quy luật, bối cảnh của trò chơi. Những nội dung này cần được bảo vệ bằng bí mật kinh doanh các kết quả thử nghiệm cũng như quá trình xây dựng trò chơi để tránh các đối thủ cạnh tranh sao chép thành quả công việc. Nhãn hiệu cũng có thể được bảo hộ trong giai đoạn này dành cho những hình ảnh của nhân vật và các yếu tố nhận diện uy tín, thương hiệu trong trò chơi.
Giai đoạn thứ hai là sản xuất (Production): Đây là giai đoạn thực thi, chuyển các ý tưởng từ tiềnsản xuất thành sản phẩm cụ thể thông qua việc viết mã nguồn và tạo tài nguyên của trò chơi. Các hoạt động chính: (1) Lập trình trò chơi: Sử dụng game engine hoặc phần mềm để xây dựng tính năng, thửnghiệm và sửa lỗi. Hoạt động này này cần được bảo hộ QTG, ngoài ra có thể áp dụng sáng chế liên quan đến các chương trình máy tính[5].(2) Thiết kế nghệ thuật, đồ họa và âm thanh: Tạo nhân vật 3D, hiệu ứng hình ảnh, âm nhạc, và lồng tiếng, đảm bảo mọi yếu tố đồng nhất với tầm nhìn thiết kế. nhãn hiệu cho các đối tượng quyền SHTT trên cần bảo hộ bằng nhãn hiệu và quyền tác giả cho các đối tượng quyền SHTT trên.
Giai đoạn cuối là Hậu sản xuất (Post-production ) là giai đoạn hoàn thiện và phát hành trò chơi, tập trung vào tối ưu hóa và hỗ trợ sau phát hành bao gồm các hoạt động chính: (1)Sửa lỗi cuối cùng, tối ưu hiệu suất, và chuẩn bị cho phát hành đưa lên các hệ thống mạng internet để cung cấp cho người chơi(2) Phát triển bản cập nhật, nội dung mới nếu cần.(3) Bảo trì và hỗ trợ: Xử lý phản hồi người chơi, vá lỗi, và duy trì server cho game online. Giai đoạn này cần bảo vệ bằng QTG, sáng chế với những bản cập nhật liên quan đến các đối tượng được bảo hộ các giai đoạn trước.
Như vậy, quá trình tạo ra TCĐTTT chúng ta thấy cần bảo hộ quyền SHTT cho các tài sản trí tuệ trong TCĐTTT là quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh trong từng giai đoạn khác nhau. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được TCĐTTT có những đặc điểm như sau: Đầu tiên, kết nối Internet là điều kiện tiên quyết đối với tất cả các trò chơi điện tử trực tuyến, vì các trò chơi này chỉ có thể chơi được sau khi đăng nhập vào máy chủ lưu trữ trò chơi. Đặc điểm này dẫn đến hệ quả là TCĐTTT rất dễ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bị hack dữ liệu từ máy chủ. Thứ hai, TCĐTTT khả năng tạo ra một mạng xã hội trực tuyến khi tương tác với hàng nghìn người chơi trên toàn thế giới. Đặc điểm này dễ dẫn đến những nội dung tự sáng tạo, tự thiết kế có thể dẫn đến tranh chấp giữa người chơi và chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của TCĐTTT, đồng thời cũng dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp quyền SHTT giữa các quốc gia, xung đột nhãn hiệu khi được đăng ký tại nhiều thị trường. Thứ ba, hầu hết các trò chơi điện tử TCĐTTT là chương trình máy tính hoạt động theo hình thức được cấp phép từ nhà phát hành và có tính phí hàng tháng. Một số công ty cung cấp các bản cập nhật nội dung trò chơi mới có thể tải xuống thường xuyên để người chơi dễ chấp nhận các khoản phí hàng tháng, trong khi những công ty khác cung cấp trò chơi miễn phí cho những người chơi nếu chấp nhận sự xuất hiện các quảng cáo trong trò chơi, nghĩa là người chơi khá bị phụ thuộc vào nhà phát hành TCĐTT về các quyền lợi liên quan đến các vật phẩm đã đầu tư vào. Thứ tư, là tính cập nhật của TCĐTTT, tức là chúng thường được các nội dung mới (nhân vật, sự kiện) hoặc sửa lỗi (lỗi phần mềm). Quyền SHTT của chủ sở hữu và tác giả tạo ra đối với các bản cập nhật này rất dễ có mâu thuẫn nếu hai bên không thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng trước đó. Thứ năm, là TCĐTTT về cơ bản là một nội dung kinh tế số với các vật phẩm trong game, tiền ảo và các giao dịch nội bộ cũng được thanh toán bằng tiền thật đặt ra các vấn đề pháp lý về tài sản này thuộc về ai và thực hiện quyền như thế nào nếu có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, những hệ quả của mạng tương tác xã hội và tài sản số được hình thành trong TCĐTTT không thuộc phạm vi bài viết mà để tác giả dành cho những nghiên cứu khác.
Từ những phân tích trên, trong phạm vi bài viết này pháp luật sở hữu trí tuệ về TCĐTTT được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình sáng tạo, khai thác, sử dụng TCĐTTT bao gồm quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh. Các chủ thể của quan hệ pháp luật này bao gồm tác giả là những nhà thiết kế và lập trình TCĐTTT, nhà phát triển TCĐTTT là người đầu tư vào quá trình sản xuất TCĐTTT, nhà phát hành TCĐTTT là đơn vị phân phối ra thị trường và người chơi.
2. Các nội dung pháp lý về quyền SHTT đối với trò chơi điện tử trực tuyến
Ngành công nghiệp TCĐTTT tại Việt Nam đang trên đà phát triển, đạt doanh thu khoảng 12.500 tỷ đồng năm 2024[6], tuy nhiên ngành gặp bất cập như thiếu nhân lực chất lượng. Hiện nay, tại Việt Nam TCĐTTT của nước ngoài chiếm đến 86% thị phần[7] trong nước. Để đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào 2030[8], ngoài việc cần khắc phục thách thức về vốn, nhân sự và công nghệ thì việc đánh giá lại hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ đối với TCĐTTT cũng là một nhiệm vụ cần thiết. Nội dung của phần này sẽ làm rõ các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế và bí mật kinh doanh đối với chương trình máy tính, một số tranh chấp điển hình diễn ra và so sánh chung với pháp luật của Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường công nghiệp TCĐTTT lớn nhất trên thế giới.
2.1 Quyền tác giả đối với TCĐTTT
Trong chu trình tạo TCĐTTT, bước quan trọng đó là định hình TCĐTTT bằng phương pháp tạo trò chơi là lập trình phần mềm. Các lập trình viên sẽ viết mã nguồn cho TCĐTTT, đối với những TCĐTTT đơn giản có thể sử dụng những chương trình sẵn có thể giúp việc tạo trò chơi dễ hơn nhiều mà không cần kinh nghiệm viết mã. Do vậy bản chất của TCĐTTT được coi như là một phần mềm máy tính[9]. Mã nguồn của TCĐTTT được bảo vệ như tác phẩm văn học theo điều khoản 1 điều 22 của luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009,2019,2022 (Luật SHTT). Để được bảo hộ bằng quyền tác giả, TCĐTTT phải đáp ứng các điều kiện: (1) tính nguyên gốc[10]: Game phải là sản phẩm sáng tạo độc lập, do tác giả tạo ra thông qua lao động trí tuệ, không sao chép từ tác phẩm khác; (2) phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định[11]: Mã nguồn, thiết kế và các yếu tố khác của game phải được lưu trữ dưới dạng vật chất, như tệp số trên máy tính. (3) Ngoài ra, TCĐTTT không được trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh[12].
Vậy, quyền tác giả bảo vệ yếu tố gì trong TCĐTTT? Trước hết đó là mã nguồn và mã đối tượng của các trò chơi được bảo hộ bằng QTG theo điểm m khoản 1 điều 14 và khoản 1 điều 22 Luật SHTT như chương trình máy tính. Ngoài ra, tạo hình nhân vật của trò chơi, các thành phần đồ họa của nền tảng chơi game như biểu tượng được bảo hộ với tư cách là một tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng theo điểm g khoản 1 điều 14 Luật SHTT; nhạc nền và âm thanh trò chơi được bảo hộ với tư cách là một tác phẩm âm nhạc theo điểm d khoản 1 điều 14 Luật SHTT, tài liệu hướng dẫn sử dụng, kịch bản của trò chơi được bảo hộ QTG theo điểm a khoản 1 điều 14 Luật SHTT. Quyền tác giả của TCĐTTT được bảo hộ tự động khi một tác phẩm được tạo ra và được định hình dưới một hình thức nhất định[13]. Chủ thể quyền tác giả của TCĐTTT bao gồm nhà phát triển (có thể là một cá nhân hoặc một công ty), công ty phát hành TCĐTTT (tác giả chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền phát hành cho công ty phát hành thông qua hợp đồng). Mặc dù trong TCĐTTT có chức năng cho phép người chơi sáng tạo nội dung như chỉnh sửa, chia sẻ bản đồ, nhân vật, cốt truyện nhưng công ty phát hành đều sở hữu hết những nội dung trong nền tảng của họ[14].
Quyền tác giả của TCĐTTT bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản[15]. Quyền nhân thân: Người tạo ra TCĐTTT có quyền nhân thân bao gồm quyền đứng tên tác giả đối với mã nguồn, đồ họa, âm thanh, kịch bản trò chơi. Ngoài ra, tác giả còn có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của các đối tượng trên không cho người khác sửa đổi, cắt xén. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là TCĐTTT thường được tạo ra bởi nhiều cá nhân khác nhau nên quyền nhân thân của tác giả trong TCĐTTT khá mờ nhạt. Quyền tài sản bao gồm quyền sao chép các đối tượng được bảo hộ QTG trong TCDTT qua các nền tảng để phát hành ra thị trường. Quyền phân phối TCDTTT ra công chúng như bán, cho thuê, cho phép sử dụng miễn phí trên internet. Quyền biểu diễn nơi công cộng như livestream qua internet hoặc thực hiện các giải đấu game trực tuyến. Quyền tạo tác phẩm phái sinh như chỉnh sửa, cải tiến nội dung trò chơi, cập nhật phiên bản phần mềm mới. Khi một công ty phát hành bán TCĐTTT của mình cho người chơi, nghĩa là công ty đó cấp phép cho người chơi sử dụng trò chơi theo các điều khoản được nêu trong giấy phép. Giấy phép về bản chất là sự đồng ý của nhà sản xuất cho phép người chơi sử dụng chương trình máy tính và các tác phẩm khác liên quan. Do vậy, người chơi nên đọc kỹ các thỏa thuận cấp phép của trò chơi điện tử mà họ chơi; nếu không tuân thủ các điều khoản của họ, họ có thể bị kiện để thực thi bản quyền hoặc trong trường hợp trò chơi trực tuyến, quyền truy cập của họ vào trò chơi sẽ bị chấm dứt.
So với các quốc gia phát triển mạnh về ngành công nghiệp TCĐTTT như Mỹ và Trung Quốc, pháp luật quyền tác giả về TCĐTTT của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng[16][17] như sau: đều xem TCĐTTT là chương trình máy tính, đều bảo vệ mã nguồn, các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và các yếu tố sáng tạo, nhưng không bảo vệ ý tưởng, quy tắc hoặc cơ chế trò chơi, dựa trên nguyên tắc phân biệt ý tưởng và biểu đạt của TCĐTTT. Bên cạnh đó vẫn có một số điểm khác biệt nhỏ đó là: Mỹ không có quy định cấp phép phát hành cho mỗi TCĐTTT, tạo môi trường tự do hơn cho ngành công nghiệp TCĐTTT trong khi đó Trung Quốc[18] và Việt Nam[19] có hệ thống cấp phép và hạn chế nội dung, ảnh hưởng đến cách thực thi bản quyền. Trung Quốc có các vụ kiện nổi bật về việc sao chép một số yếu tố hình ảnhtrong trò chơi, trong khi Việt Nam tập trung vào chống vi phạm bản quyền, đặc biệt là nạn sao chép toànbộ game thể hiện trình độ vi phạm của Việt Nam còn khá đơn giản.
Vào năm 2013, TCĐTTT Gunny tại Việt Nam bị Nguyễn Trần Nhật Hào sao chép mã nguồn tải lên hệ thống server của mình rồi phát hành ra công chúng mà không có sự đồng ý của công ty phát hành game là Công ty Vinagame[20]. Các đối tượng bảo hộ bị xâm phạm quyền tác giả trong TCDTTT này bao gồm mã nguồn, đồ họa và âm thanh của game, được bảo vệ theo Luật SHTT. Hành vi xâm phạm là hành vi sao chép và phân phối TCĐTTT qua server trái phép vi phạm quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo Điều 28 luật SHTT. Vụ việc này cho thấy thách thức bảo vệ tài sản trí tuệ số trong ngành game Việt Nam. Năm 2017, vụ án phần mềm đánh bạc game online của Phan Sào Nam, nguyên chủ tịch Hộiđồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty VTC Online là một trong những vụ án nổi bật tại Việt Nam, liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến với quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh xã hội[21]. ông đã chỉ đạo cấp dưới tuyển đội ngũ kỹ thuật từ Công ty VTC Intecom, do Hoàng Thành Trung dẫn dắt, để xây dựng phần mềm TCĐTTT dưới hình thức đánh bạc như Tài Xỉu, Ba Cây, Poker, và sử dụng các loại tiền ảo như Rik, Zon, Zdo. Do vậy các TC ĐT TT này sẽ không được nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo khoản 1 điều 8 Luật SHTT.
2.2. Nhãn hiệu đối với TCĐTTT
Nhãn hiệu giúp ngăn chặn các chủ thể khác sử dụng những đặc điểm gây nhầm lẫn cho người chơi, bảo vệ quyền của chủ sở hữu quyền SHTT của TCĐTTT. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với TCĐTTT giúp gia tăng giá trị kinh tế cho chủ sở hữu thông qua thỏa thuận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu, khởi kiện khi có hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Mục đích thực sự của việc đăng ký nhãn hiệu là để có được sự bảo vệ hợp pháp chống lại các dấu hiện nhận diện TCĐTTT trùng hoặc tương tự có thể xâm phạm đến danh tiếng của nhà sản xuất và nhà phát hành.
Bảo hộ nhãn hiệu trong TCDTTT bao gồm tên của trò chơi, logo, các dấu hiệu đặc trưng nhận diện của trò chơi. Nhãn hiệu bảo vệ tên và các dấu hiệu nhận diện trực quan của nền tảng trò chơi, slogan. Không phải tất cả các nhãn hiệu có đơn yêu cầu bảo hộ thì sẽ được cấp bảo hộ mà phải đáp ứng hai tiêu chí đó[22] là (1) tính phân biệt: tên của trò chơi không được mô tả quá chung chung, mà phải có tên cụ thể và thể hiện mức độ khác biệt cao. Các thuật ngữ đại khái như “Trò chơi giải trí” “Trò chơi hấp dẫn” sẽ có khả năng bị từ chối; (2) không trùng lặp hoặc gây tương tự với những phần mềm hay các TCĐTTT đã được đăng ký trước đó. Chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký trước đó có quyền phản đối các đơn đăng ký mới cho các nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự TCĐTTT của mình. Ngoài ra, nhãn hiệu của TCDTTT không được chứa các nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Các công ty sản xuất TCDTTT nên có chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của họ ngay từ đầu bằng cách nộp đơn xin cấp bảo hộ nhãn hiệu, bước này có thể giúp tránh được nhiều rắc rối trong tương lai và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Do vậy, các nhà phát triển TCĐTTT nên đảm bảo sự bảo vệ của nhãn hiệu đối với các yếu tố yêu cầu bảo hộ phải đủ độc đáo để đáp ứng các tiêu chí được cấp bảo hộ. Nó sẽ phụ thuộc vào chiến lược tránh rủi ro trong kinh doanh, khả năng cung cấp nguồn tài chính cho quá trình yêu cầu cấp bảo hộ và gia hạn văn bằng bảo hộ và muốn mở rộng thị trường kinh doanh của từng nhà sản xuất. Phạm vi bảo hộ có thể tăng dần theo thời gian khi TCĐTTT ngày càng thành công trên toàn thế giới.
Một vấn đề cần được xem xét đó là việc sử dụng những nhãn hiệu thực trong TCĐTTT. Sử dụng nhãn hiệu thực là việc sử dụng các nhãn hiệu có thật trong thế giới thực của các chủ thể kinh doanh để đưa vào trong TCĐTTT. Ví dụ, một trò chơi đua xe có thể có các mẫu xe từ các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng như Lamborghini hay Porsche hay một trò chơi thể thao có thể có các trang phục, giày dép hoặc thiết bị từ các thương hiệu như Nike, Adidas, một nhà hàng có sử dụng tên Mc Donal, Trung Nguyên. Sự xuất hiện của các nhân vật nổi tiếng như vận động viên, diễn viên hoặc ca sĩ...Việc sử dụng nhãn hiệu thực trong TCĐTTT có thể mang lại nhiều lợi ích như tăng tính chân thực của trò chơi và tạo ra trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn hiệu thực trong TCĐTTT cũng có thể đặt ra một số vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Các nhà phát triển trò chơi cần phải có được sự cho phép hợp pháp từ các chủ sở hữu nhãn hiệu trước khi sử dụng chúng trong trò chơi của mình.
Pháp luật nhãn hiệu đối với TCĐTTT ở Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc có những điểm tương đồng về mục tiêu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Mỹ nổi bật với hệ thống linh hoạt và hướng dẫn chi tiết và có hướng dẫn chi tiết từ USPTO về đăng ký nhãn hiệu chung chứ không có quy định riêng choTCĐTTT [23] trong khi đó Trung Quốc ưu tiên nguyên tắc "first-to-file" và bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng[24], tương tự Việt Nam thì chưa có quy định chuyên biệt về nhãn hiệu cho TCĐTTT. Việc hiểu rõ điểm tương đồng này giúp các doanh nghiệp TCĐTTT xây dựng chiến lược đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Năm 2010, tranh chấp nhãn hiệu game "Thần Võ" giữa VinaGame và một công ty Trung Quốc[25]. Vina Game bị cáo buộc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi sử dụng nhãn hiệu chưa được cấp phép. Công ty Trung Quốc khẳng định quyền sở hữu hợp pháp và yêu cầu ngừng sử dụng. VinaGame cho rằng nhãn hiệu thuộc về họ theo luật nhưng không đưa ra bằng chứng rõ ràng. Vụ việc phản ánh tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài khi muốn đầu tư vào tài sản trí tuệ để kinh doanh của quốc gia khác, nếu không thì sẽ không được công nhận.
2.3. Sáng chế đối với TCĐTTT
Khoản 2 điều 59 Luật SHTT thực hiện trò chơi và chương trình máy tính không được bảo hộ sáng chế. Do vậy, các đổi mới kỹ thuật cụ thể trong trò chơi, chẳng hạn như thuật toán hoặc phương pháp độc đáo, có thể được cấp bằng sáng chế nếu được trình bày như các đổi mới được thực hiện bằng máy tínhdưới dạng các thuật toán, mã nguồn và đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật thì được bảo hộ sáng chế. Các đổi mới kỹ thuật cụ thể trong trò chơi, chẳng hạn như thuật toán xử lý dữ liệu, phương pháp đồng bộ hóa đa người chơi hoặc hệ thống AI có thể được cấp bằng sáng chế nếu được trình bày như các giải pháp kỹ thuật mới được thực hiện bằng máy tính. Các giải pháp kỹ thuật này phải được trình bày dưới dạng phương pháp, thiết bị hoặc phương tiện lưu trữ, và phải chứng minh được hiệu ứng kỹ thuật vượt ngoài tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính. Ví dụ, một phương pháp điều khiển quá trình vật lý bằng toán học hoặc một giao diện người dùng với cơ chế nhập liệu dự đoán có thể được xem xét cấp bằng sáng chế[26]. Điều kiện để bảo hộ sáng chế[27] đối với TCĐTTT là: (1) tính mới yêu cầu sáng chế, chẳng hạn như cơ chế chơi hoặc hệ thống trong TCĐTTT phải hoàn toàn mới và chưa được công bố hoặc sử dụng trước đó. Ví dụ, một hệ thống chơi đa người mới phải được chứng minh là không trùng lặp với bất kỳ TCĐTTT nào đã công bố[28],(2) tính sáng tạo: những giải pháp kỹ thuật mới được cho là sáng tạo sẽ không hiển nhiên có thể làm được đối với những người làm việc trong ngành TCĐTTT, tức là không phải là sự sửa đổi đơn giản của các TCĐTTT hiện có. Điều này có thể gây tranh cãi, vì nhiều cơ chế game được coi là biến thể của ý tưởng cũ. (3) khả năng áp dụng công nghiệp: Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định. Như vậy thì chỉ các thuật toán và cơ chế chơi cũng như hệ thống mới đáp ứng được yêu cầu này. Do vậy, các nhà phát triển và nhà phát hành TCĐTTT cần đánh giá liệu có bất kỳ công nghệ hoặc cải tiến độc quyền nào trong nền tảng trò chơi liên quan đến phát triển trò chơi hoặc các tính năng trong ứng dụng để từ đó có chiến lược bảo hộ quyền SHTT phù hợp.
Khi so sánh vấn đề này với Việt Nam, pháp luật về sáng chế của Mỹ và Trung Quốc về TCĐTTTcó cách tiếp cận linh hoạt hơn, phù hợp với ngành công nghiệp TCĐTTT đang phát triển nhanh, trong khi Việt Nam có giới hạn chặt chẽ hơn, có thể hạn chế đổi mới trong lĩnh vực này. Ở Trung Quốc, luật sáng chế cho phép bảo vệ chương trình máy tính, bao gồm TCĐTTT, nếu chúng được trình bày dưới dạng phương pháp hoặc thiết bị ảo, cho phép cấp bằng sáng chế cho các yêu cầu liên quan đến phần cứng, như bộ xử lý và bộ nhớ, nếu chúng thể hiện giải pháp kỹ thuật [29] . Tại Mỹ, game online có thể được cấp bằng sáng chế nếu chúng có tính mới, không hiển nhiên và phải hữu ích[30].
Tại Việt Nam, không có thông tin về tranh chấp sáng chế trong TCĐTTT, điều này cho thấy ngành game tại Việt Nam chủ yếu gặp vấn đề quyền tác giả và nhãn hiệu. Tuy nhiên trên thế giới xảy ra một số vụ điển hình như Acceleration Bay và Activision Blizzard[31]: Vụ kiện này kết thúc vào năm 2024, với Activision Blizzard bị buộc bồi thường 23,4 triệu USD vì vi phạm sáng chế liên quan đến công nghệ multiplayer trong World of Warcraft và Call of. Và trường hợp giữa Worlds Inc. với Activision Blizzard[32] kéo dài 9 năm, kết thúc vào năm 2021, với cáo buộc vi phạm sáng chế về hệ thống tương tác trong không gian 3D. Xu hướng toàn cầu cho thấy tranh chấp sáng chế trong TCĐTTT thường liên quan đến công nghệ nền tảng, như mạng lưới multiplayer, nhưng tại Việt Nam, các tranh chấp chủ yếu là quyền tác giả và nhãn hiệu do đặc thù phát triển game và quy mô thị trường tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là đại lý phát hành TCĐTTT chứ chưa phát triển nhiều doanh nghiệp phát triển TCĐTTT.
2.4. Bí mật kinh doanh đối với TCĐTTT
Bí mật kinh doanh giúp bảo vệ thông tin có giá trị kinh tế không được công khai và cần được giữ bí mật để duy trì lợi thế cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn đối thủ sao chép mà còn duy trì yếu tố bất ngờ và trải nghiệm người chơi. Tuy nhiên, việc thực hiện đòi hỏi các biện pháp bảo mật mạnh mẽ và tuân thủ pháp luật. TCĐTTT được bảo hộ bí mật kinh doanh[33] thì cần các điều kiện sau: (1) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (2) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó, ví dụ: thuật toán tối ưu hóa hiệu suất TCĐTTT giúp tăng trải nghiệm người chơi, thiết kế nhân vật độc đáo thu hút người chơi mới, chiến lược marketing hiệu quả giúp tăng doanh thu; (3) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được như mã hóa dữ liệu, thiết lập hệ thống bảo mật nghiêm ngặt, ký kết thỏa thuận bảo mật với nhân viên và đối tác. Bí mật kinh doanh trong TCĐTTT bao gồm: Mã nguồn, động cơ trò chơi, thông tin người dùng, các ý tưởng câu chuyện, cơ chế trò chơi, hoặc thuật toán độc đáo[34] và chiến lược kinh doanh. Các yếu tố này mang lại lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong một ngành mà sự sáng tạo và độc quyền là yếu tố then chốt. Pháp luật về bí mật kinh doanh bảo vệ thông tin quan trọng như mã nguồn và cơ chế trò chơi trong TCĐTTT, nhưng việc thực thi có thể phức tạp. Các nhà sản xuất và phát triển TCĐTTT thường sử dụng thỏa thuận bảo mật và biện pháp an ninh kỹ thuật số để bảo vệ bí mậtnhưng rủi ro từ nhân viên hoặc người chơi tiết lộ vẫn tồn tại. Do vậy, bảo vệ bí mật kinh doanh trong TCĐTTT đối mặt với nhiều thách thức : (1) dễ mất tính bí mật nếu thông tin bị tiết lộ công khai qua phương tiện hợp pháp (như phân tích ngược hoặc phát hiện độc lập) nó sẽ mất đi tính chất bí mật kinh doanh. (2) nhiều trường hợp khó chứng minh quyền sở hữu: Chủ sở hữu phải chứng minh họ đã thực hiện các biện pháp hợp lý để bảo vệ thông tin, điều này có thể phức tạp trong môi trường số hóa. (3) các trường hợp được sử dụng ngoại lệ: Có các ngoại lệ như phân tích ngược, sử dụng kỹ năng nghề của nhân viên cũ, hoặc lợi ích công cộng cũng góp phần làm giảm hiệu quả bảo vệ bí mật kinh doanh TCĐTTT.
Pháp luật bảo vệ bí mật kinh doanh trong TCĐTTT Mỹ và Trung Quốc cũng như Việt Nam, dựa trên các khung pháp lý chung, không có quy định đặc thù riêng cho đối tượng này. Tại Mỹ việc bảo vệ bí mật kinh doanh được quy định trong Đạo luật Bảo vệ Bí mật Thương mại thống nhất (UTSA) năm 1979, cùng với pháp luật của các tiểu bang[35]. Mọi loại thông tin tài chính, kinh doanh, kỹ thuật, v.v., nếu chủ sở hữu có biện pháp hợp lý để giữ bí mật và thông tin có giá trị kinh tế từ việc không được công khai. Tại Trung Quốc, các quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh được quy định trong Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh (AUCL) ban hành năm 1995, được sửa đổi năm 2025[36] định nghĩa bí mật kinh doanh là thông tin kỹ thuật hoặc vận hành không công khai, mang lại lợi ích kinh tế và được bảo vệ bằng biện pháp thích hợp và không có quy định riêng, nhưng có vụ kiện nổi bật như Tòa án Thượng Hải Pudong năm 2024 về thiết kế nhân vật của TCĐTTT xem như bí mật kinh doanh[37].
Năm 2005 xảy ra tranh chấp giữa Activision và Spark Unlimited[38] liên quan đến Call of Duty: Finest Hour—một game bắn súng với tính năng multiplayer trực tuyến. Spark Unlimited, nhà phát triển, kiện Activision 10 triệu USD, cáo buộc vi phạm hợp đồng, gian lận và không trả hoa hồng vì không phát triển phần tiếp theo như thỏa thuận. Activision phản tố, cho rằng Spark xâm phạm bí mật kinh doanh như ý tưởng phát triển và cơ chế multiplayer, vi phạm điều khoản bảo mật. Vụ việc minh họa xung đột phổ biến giữa nhà phát triển và nhà xuất bản về quyền sở hữu trí tuệ trong ngành game online. Các tính năng trực tuyến như multiplayer là yếu tố then chốt, nên bí mật kinh doanh rất quan trọng trong thiết kế TCĐTTT. Dù không có kết quả công khai nhưng vụ kiện nhấn mạnh vai trò của hợp đồng bảo mật và biện pháp pháp lý để bảo vệ thông tin, tránh tranh chấp. Trường hợp tiếp theo là tranh chấp giữa The Pokémon Company vs. leakers of Pokémon Sword và Shield[39]:Vụ kiện xảy ra năm 2019, khi David Maisonave và Bryan Cruz rò rỉ hình ảnh sách hướng dẫn Pokémon Sword và Shield trên Discord và 4chan, tiết lộ Pokémon mới, Gigantamax và gameplay trước ngày phát hành. The Pokémon Company và Nintendo cáo buộc họ vi phạm bí mật kinh doanh, gây tổn hại doanh thu và trải nghiệm người chơi trong game có tính năng trực tuyến như giao dịch và chiến đấu. Công ty sử dụng Đạo luật Bảo vệ Bí mật Kinh doanh, hợp tác với chuyên gia giám định và triệu tập Discord, 4chan để truy danh tính. Kết quả, hai cá nhân này bị phạt 150.000 USD vào năm 2021. Vụ kiện cho thấy quyết tâm bảo vệ thông tin trong ngành game online, nơi rò rỉ có thể gây thiệt hại lớn về tài chính và danh tiếng.
Như vậy có thể nói, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam không có các quy định cụ thể và chi tiết để bảo vệ SHTT đối với các sản phẩm TCĐTTT nhưng theo tác giả điều này là không cần thiết trong bối cảnh hiện nay, vì chúng ta có thể sử dụng các quy định chung của pháp luật về quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế và bí mật kinh doanh áp dụng linh hoạt cho TCĐTTT vì đặc thù của đặc thù của TCĐTTT là sự kết hợp của nhiều yếu tố như mã nguồn, hình ảnh, âm thanh, cốt truyện, thuật toán, dữ liệu người chơi... Nhưng trên thực tế, việc thực thi có thể gặp khó khăn trong việc xác định hành vi xâm phạm và xử lý vi phạm nếu chúng ta không nhận diện được các đối tượng được bảo hộ do TCĐTTT. Do vậy, các kiến nghị của bài viết này xin phép được tập trung nhiều hơn vào phần thực thi so với việc sửa đổi luật.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Ngành công nghiệp TCĐTTT đang phát triển với tốc độ nhanh, mang lại nhiều cơ hội kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Để đảm bảo sự phát triển bền vững và khuyến khích sự sáng tạo, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch, của TCĐTTT chúng ta cần thực hiện các biện pháp toàn diện để bảo vệ quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh đối với TCĐTTT như sau:
3.1. Kiến nghị tăng cường thực thi quyền tác giả đối với TCĐTTT
Quyền tác giả là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ các tác phẩm sáng tạo trong ngành TCĐTTT. Hiện nay pháp luật về quyền tác giả đối với TCĐTTT tại Việt Nam cần chú trọng những giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi, do vậy các giải pháp tập trung vào các biện pháp như sau: Thứ nhất, nhà phát triển và các tác giả cần lưu trữ ghi lại toàn bộ quá trình phát triển TCĐTTT từ bản nháp, thiết kế nhân vật, kịch bản, đến mã nguồn. Đây là bằng chứng quan trọng trong trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền tác giả. Cần đăng ký quyền tác giả để củng cố hơn bằng chứng pháp lý nếu có tranh chấp xảy ra, việc đăng ký giúp xác nhận quyền sở hữu và tạo cơ sở để bảo vệ TCĐTTT; Thứ hai, thỏa thuận hợp đồng rõ ràng, đảm bảo hợp đồng với tất cả các bên liên quan. Hợp đồng cần quy định rõ ràng về quyền sở hữu và sử dụng TCĐTTT giữa các lập trình viên, các tác giả tham gia vào quá trình thiết kế TCĐTTT và nhà phát triển, nhà phát hành, người chơi về việc cập nhật, sửa đổi, sử dụng các đối tượng bảo hộ quyền tác giả trong TCĐTTT; Thứ ba, với tính chất toàn cầu của TCĐTTT nên cần tăng cường sự phối hợp với các quốc gia để nâng cao năng lực thực thi xuyên biên giới về quyền tác giả đối với TCĐTTT.
3.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về nhãn hiệu đối với TCĐTTT
Nhãn hiệu là yếu tố quan trọng để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của TCĐTTT, để bảo vệ nhãn hiệu của TCĐTTT chúng ta cần: Thứ nhất, tăng cường thực thi trên nền tảng trực tuyến: Do TCĐTTTthường hoạt động trên phạm vi toàn cầu, nhà phát triển và phát hành cần hợp tác với Phối hợp với nhà cung cấp nền tảng để xây dựng cơ chế xóa nội dung vi phạm nhãn hiệu trên App store,Google Play, Steam... Thứ hai, bổ sung vào Quy chế thẩm định đơn đăng ký sử đăng ký dụng nhãn hiệu về nội dung nhãn hiệu thực trong môi trường số như TCĐTTT để các bên chủ thể nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng nhãn hiệu trong TCĐTTT.
3.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về sáng chế đối với TCĐTTT
Sáng chế đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các giải pháp kỹ thuật trong TCĐTTT, để nâng cao hiệu quả thực thi về sáng chế đối với TCĐTTT chúng ta cần: thứ nhất cần làm rõ ranh giới giữa bảo hộ sáng chế và quyền tác giả để tránh nhầm lẫn trong việc lựa chọn đối tượng và cơ chế bảo hộ vì trong TCĐTTT thường có cả yếu tố sáng tạo nội dung và kỹ thuật, ý tưởng và biểu hiện; Thứ hai, những yếu tố kỹ thuật như thuật toán trí tuệ nhân tạo, hệ thống mạng hoặc giao diện người dùng cần được bảo hộ nếu mang lại hiệu ứng kỹ thuật rõ ràng.
3.4. Bí mật kinh doanh chế đối với TCĐTTT
Bí mật kinh doanh là yếu tố tối quan trọng để duy trì lợi thế cạnh tranh trong TCĐTTT, để bảo vệ bí mật kinh doanh của TCĐTTT, chúng ta cần áp dụng các biện pháp an ninh vật lý và kỹ thuật số như sử dụng bảo mật cơ sở dữ liệu an toàn, dùng tường lửa và mật khẩu mạnh để ngăn chặn truy cập trái phép. Hạn chế quyền truy cập mã nguồn chỉ cho những nhân viên cần thiết. Ngoài ra cần áp dụng biện pháp pháp lý như: Sử dụng thỏa thuận bảo mật với nhân viên lập trình mã, thiết kế các nội dung của trờ chơi và bên thứ ba (bên phát hành, người chơi). Đưa các điều khoản bảo mật vào hợp đồng với nhân viên và chính sách chung của doanh nghiệp. Cấm phân tích ngược trong các điều khoản sử dụng phần mềm, phân phối phần mềm TCĐTTT ở dạng mã máy và cung cấp thông báo sở hữu trí tuệ.
4. Kết luận
Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với TCĐTTT tại Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà phát triển và người chơi. Dù pháp luật hiện hành đã tạo ra khung pháp lý cho việc bảo vệ các sản phẩm trò chơi, từ thiết kế đồ họa đến nội dung trò chơi nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, do vậy, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành game tại Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người chơi trong việc thực hiện pháp luật và nâng cao nhận thức về quyền SHTT. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thị trường TCĐTTT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022
2. Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
3. Mục 5.8.2.5 Điều 5 Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
4. Điều 1051 Đạo luật Nhãn hiệu của Mỹ năm 1946 sửa đổi năm 1984, 1999
5. Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu USPTO Mỹ, 2023
6. Hướng dẫn của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (phiên bản 2017)
7. Trung Quốc Luật Nhãn hiệu (sửa đổi 2019);
8. Bình Dương, Doanh thu ngành game ước đạt hơn 12.500 tỉ đồng, Kinh tế Sài Gòn Online (2024) ,https://thesaigontimes.vn/doanh-thu-nganh-game-uoc-dat-hon-12-500-ti-dong/
9. Chaoying Li, Wei He, Ying Xu, Gaming Law 2024 Trends and Developments, Chamber and Partners ,https://practiceguides.chambers.com/practice-guides/gaming-law-2024/china/trends-and-developments
10.Chris Wallace ,The Orcish Patent: How do video game patents work, and should you be protecting your ideas?,MCV/DEVELOP Magazine (2021) ,https://mcvuk.com/business-news/the-orcish-patent-how-do-video-game-patents-work-and-should-you-be-protecting-your-ideas/
11.Jill Bainbridge, A guide to intellectual property rights in the gaming industry, Happer James(2024), https://harperjames.co.uk/article/gaming-ip-rights/
12.Lê Hồng Minh - Giám đốc Vinagame cho rằng những vật phẩm trong trò chơi là những đoạn mã thể hiện hình ảnh và công dụng của vật phẩm, là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi. Nguồn tại Thế Phong (2006), Vinagame không công nhận tài sản ảo trong game, Quản trị mạng, https://quantrimang.com/vinagame-khong-cong-nhan-tai-san-ao-trong-game-20098
13.Luiz Fernando Capretz,Saiqa Aleem,Luiz Fernando Capretz,Faheem Ahmed (2016),Game development software engineering process life cycle: a systematic review, Journal of Software Engineering Research and Development, https://jserd.springeropen.com/articles/10.1186/s40411-016-0032-7
14.New Media Rights, Video Games and the law: Copyright, Trademark and Intellectual Property(2011) https://www.newmediarights.org/guide/legal/Video_Games_law_Copyright_Trademark_Intellectual_Property
16.Nguyễn Hoàng,Vụ đánh bạc ngàn tỷ: Nhân lực viết phần mềm được tập hợp thế nào?, Tiền Phong(2018) ,https://tienphong.vn/vu-danh-bac-ngan-ty-nhan-luc-viet-phan-mem-duoc-tap-hop-the-nao-post1046778.tpo
17.https://www.supremecourt.gov/opinions/13pdf/13-298_7lh8.pdf
18.Tracey Tang,Why Unauthorized Reskinned Games Constitute Copyright Infringement under China Copyright Law (2025) Lexology,https://www.lexology.com/library/document?tk=eyJ0eXAiOiJKV1QiLCJhbGciOiJIUzUxMiJ9.eyJleHAiOjE3NDMyMTYwMTMsImRhdGEiOnsiRG9jdW1lbnRHdWlkIjoiZGExODFlZjktNTdiZS00NjJjLWI5M2ItOTNlMzgxZGNiOTdhIiwiQ29udGFjdEd1aWQiOiIwMDAwMDAwMC0wMDAwLTAwMDAtMDAwMC0wMDAwMDAwMDAwMDAiLCJCeXBhc3NMb2dpbiI6dHJ1ZX19.tg1KaxP4xobo6z_GYoRvaVlcOA0-rkKeH-r8d4aRLN-77gbFXmPMPMn1FDLX6zJZHQTBTCB4DDbrs5TOAw5TqQ truy cập 29/3/2025
19.Việt Hưng, Ngành game hướng tới cột mốc doanh thu tỷ USD, The Leader Diễn đàn của các nhà quản trị (2024) https://theleader.vn/nganh-game-huong-toi-cot-moc-doanh-thu-ty-usd-d4432.htmltruy cập 31/3/2025
21., https://hanoimoi.vn/game-lau-va-bai-toan-quan-ly-380526.html
22.World Intellectual Property Organization,https://www.wipo.int/documents/d/trade-secrets/docs-overview-country-sheets-china-final.pdf
23.Acceleration Bay và Activision Blizzard tại https://caselaw.findlaw.com/court/us-dis-crt-d-del/2186231.html
24.Activision và Spark Unlimited,https://sebastien.delahaye.net/callofcoulisses/documents/activision-vs-spark.pdf ,
25.Worlds Inc. và Activision Blizzard tại https://www.uscourts.gov/court-records/access-court-proceedings/remote-public-access-proceedings/cameras-courts/worlds-inc-v-activision-blizzard-inc-et-al
27.Zihao Li, The Copyright Protection of Video Games from Reskinning in China — A Comparative Study on UK, US, and China Approaches, Tsinghua China Law Review, Vol. 11, No. 2, (2019)
28.Nancy Sardone (Seton Hall University, USA), Roberta Devlin-Scherer (Seton Hall University, USA), and Joseph Martinelli (Seton Hall University, USA) (2009), Handbook of Research on Effective Electronic Gaming in Education (3 Volumes), NXB Information Science Reference,Trang 13.
29.Thủy Diệu, Khai phá tiềm năng ngành công nghiệp game Việt, Kinh tế số (2023)https://vneconomy.vn/khai-pha-tiem-nang-nganh-cong-nghiep-game-viet.htm
30.Trade secret, Conell Law School, https://www.law.cornell.edu/wex/trade_secret truy cập ngày 01/4/2025
* TS. Trương Thị Tường Vi, Giảng viên Khoa Chính trị và Luật trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 12/7/2025. Email: tuongvids@gmail.com
* TS. Phạm Công Thiên Đỉnh, Giảng viên Khoa Chính trị và Luật trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
[1] Thủy Diệu, Khai phá tiềm năng ngành công nghiệp game Việt, Kinh tế số, (2023), https://vneconomy.vn/ khai-pha-tiem-nang-nganh-cong-nghiep-game-viet.htm, truy cập 07/3/2025
[2] NANCY SARDONE (SETON HALL UNIVERSITY, USA), ROBERTA DEVLIN-SCHERER (SETON HALL UNIVERSITY, USA), AND JOSEPH MARTINELLI (SETON HALL UNIVERSITY, USA) (2009), HANDBOOK OF RESEARCH ON EFFECTIVE ELECTRONIC GAMING IN EDUCATION (3 VOLUMES), NXB INFORMATION SCIENCE REFERENCE, Trang 13.
[3] Lê Hồng Minh - Giám đốc Vinagame cho rằng những vật phẩ m trong trò chơi là những đoạn mã thể hiện hình ảnh và công dụng của vật phẩm, là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi. Nguồn tại Thế Phong (2006), Vinagame không công nhận tài sản ảo trong game, Quản trị mạng, https://quantrimang.com/vinagame-khong-cong-nhan-tai-san-ao-trong-game-20098, truy cập 13/12/2021.
[4] Video Game Development Process, Nulino, https://www.nuclino.com/articles/video-game-development-process truy cập 09/6/2025
[5] Trương Thị Tường Vi, Một số vấn đề pháp lý về sáng chế liên quan đến chương trình máy tính, tạp chí Pháp luật và phát triển, số 11+12 (2020)
[6] Bình Dương, Doanh thu ngành game ước đạt hơn 12.500 tỉ đồng, Kinh tế Sài GònOnline, (2024) https://thesaigontimes.vn/doanh-thu-nganh-game-uoc-dat-hon-12-500-ti-dong/ truy cập 31/3/2025
[7] Nguyễn Chuẩn, Ngành công nghiệp game Việt Nam một năm nhìn lại, Diễn đàn doanh nghiệp, (2024)
https://diendandoanhnghiep.vn/nganh-cong-nghiep-game-viet-nam-mot-nam-nhin-lai-10148176.html truy cập 31/3/2024
[8] Việt Hưng, Ngành game hướng tới cột mốc doanh thu tỷ USD, The Leader, Diễn đàn của các nhà quản trị, (2024), https://theleader.vn/nganh-game-huong-toi-cot-moc-doanh-thu-ty-usd-d4432.html, truy cập 31/3/2025
[9] Luiz Fernando Capretz,Saiqa Aleem,Luiz Fernando Capretz,Faheem Ahmed, Game development software engineering process life cycle: a systematic review, Journal of Software Engineering Research and Development, (2016), https://jserd.springeropen.com/articles/10.1186/s40411-016-0032-7 truy cập 01/4/2025
[10] Khoản 3 điều 14 Luật SHTT
[11] Khoản 1 điều 6 Luật SHTT
[12] Khoản 1 điều 8 Luật SHTT
[13] Khoản 1 điều 6 Luật SHTT
[14] Xem thêm tại các điều khoản cấp phép cho người chơi của các TCDTTT
[15] Điều 18 Luật SHTT
[16] New Media Rights (2011), Video Games and the law: Copyright, Trademark and Intellectual Property https://www.newmediarights.org/guide/legal/Video_Games_law_Copyright_Trademark_Intellectual_Property truy cập 29/3/2025
[17] Tracey Tang Why Unauthorized Reskinned Games Constitute Copyright Infringement under China Copyright Law, Lexology, (2025), https://www.lexology.com/library/document?tk= eyJ0eXAiOiJKV1QiLCJhbGciOiJIUzUxMiJ9.eyJleHAiOjE3NDMyMTYwMTMsImRhdGEiOnsiRG9jdW1lbnRHdWlkIjoiZGExODFlZjktNTdiZS00NjJjLWI5M2ItOTNlMzgxZGNiOTdhIiwiQ29udGFjdEd1aWQiOiIwMDAwMDAwMC0wMDAwLTAwMDAtMDAwMC0wMDAwMDAwMDAwMDAiLCJCeXBhc3NMb2dpbiI6dHJ1ZX19.tg1KaxP4xobo6z_GYoRvaVlcOA0-rkKeH-r8d4aRLN77gbFXmPMPMn1FDLX6zJZHQTBTCB4DDbrs5TOAw5TqQ, truy cập 29/3/2025
[18] Zihao Li (2019), The Copyright Protection of Video Games from Reskinning in China — A Comparative Study on UK, US, and China Approaches, Tsinghua China Law Review, Vol. 11, No. 2, 2019
,https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3603041 truy cập 29/3/2025
[19] Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
[20] Việt Nga, Game lậu và bài toán quản lý, Hà Nội Mới, https://hanoimoi.vn/game-lau-va-bai-toan-quan-ly-380526.html, truy cập ngày 23/3/2025
[21] Nguyễn Hoàng, Vụ đánh bạc ngàn tỷ: Nhân lực viết phần mềm được tập hợp thế nào?, Tiền Phong, (2018), https://tienphong.vn/vu-danh-bac-ngan-ty-nhan-luc-viet-phan-mem-duoc-tap-hop-the-nao-post1046778.tpo, truy cập 01/4/2025
[22] Điều 72 Luật SHTT
[23] Điều 1051 Đạo luật Nhãn hiệu của Mỹ năm 1946 sửa đổi năm 1984, 1999 còn gọi là Lanham Act (15 U.S.C. §§ 1051 et seq.); và điều 1202.15 Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu USPTO, Trademark Manual of Examining Procedure (TMEP), 2023
[24] Trung Quốc Luật Nhãn hiệu (sửa đổi 2019); National Intellectual Property Administration (CNIPA) guidelines
[25]Minh Tien VinaGame, Thần Võ thuộc về chúng tôi theo luật sở hữu trí tuệ!, Vietgiaitri, (2010),
https://vietgiaitri.com/vinagame-than-vo-thuoc-ve-chung-toi-theo-luat-so-huu-tri-tue-20100504i46606/
[26] Mục 5.8.2.5 Điều 5 Quy chế thẩm định đơn đăng ký sáng chế Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
[27] Khoản 1 điều 58 Luật SHTT
[28] Chris Wallace (2021),The Orcish Patent: How do video game patents work, and should you be protecting your ideas?,MCV/DEVELOPMagazine,https://mcvuk.com/business-news/the-orcish-patent-how-do-video-game-patents-work-and-should-you-be-protecting-your-ideas/ truy cập 01/4/2025
[29] Hướng dẫn của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (SIPO) SIPO Guidelines for Patent Examination (phiên bản 2017)
[30] Quyết định của Tòa án Tối cao trong vụ Alice Corp. v. CLS Bank International (2014) Alice Corp. v. CLS Bank International đã thiết lập bài kiểm tra hai phần[30]: (1) Xác định xem yêu cầu sáng chế có hướng đến khái niệm không được cấp bằng sáng chế (như ý tưởng trừu tượng) hay không. (2) Kiểm tra xem có khái niệm sáng tạo nào biến khái niệm đó thành ứng dụng thực tiễn không.Game online có thể được bảo vệ nếu có cơ chế chơi hoặc hệ thống độc đáo, không hiển nhiên, đặc biệt là các khía cạnh công nghệ như thuật toán hoặc cách thực hiện. https://www.supremecourt.gov/opinions/13pdf/13-298_7lh8.pdf
[31] Xem thêm bản án Acceleration Bay và Activision Blizzard tại https://caselaw.findlaw.com/court/us-dis-crt-d-del/2186231.html truy cập 23/3/2025
[32] Xem thêm bản án Worlds Inc. và Activision Blizzard tại https://www.uscourts.gov/court-records/access-court-proceedings/remote-public-access-proceedings/cameras-courts/worlds-inc-v-activision-blizzard-inc-et-al truy cập 23/3/2025
[33] Điều 84 Luật SHTT
[34] Jill Bainbridge (2024), A guide to intellectual property rights in the gaming industry, Happer James, https://harperjames.co.uk/article/gaming-ip-rights/ truy cập 01/4/2025
[35]Trade secret, Conell Law School, https://www.law.cornell.edu/wex/trade_secret truy cập ngày 01/4/2025
[36] Arendse Huld , China Briefing, China Amends Anti-Unfair Competition Law – Key Takeaways for Foreign Companies(2025),https://www.china-briefing.com/news/china-anti-unfair-competition-law-amendments/
[37] Chaoying Li, Wei He, Ying Xu, Gaming Law 2024 Trends and Developments, Chamber and Partners,https://practiceguides.chambers.com/practice-guides/gaming-law-2024/china/trends-and-developments truy cập 1/4/2025
[38] Xem thêm bản án tại https://sebastien.delahaye.net/callofcoulisses/documents/activision-vs-spark.pdf , truy cập 15/3/2025
[39] Xem thêm nội dung vụ án tại https://www.polygon.com/22545955/the-pokemon-company-sword-shield-strategy-guide-leak-lawsuit-settlement, truy cập 15/3/2025