Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Mạng xã hội - Một hướng tiếp cận cho phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay

Nguyễn Thị Hằng Thứ ba, 23/07/2024 - 10:26
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Những năm gần đây, mạng xã hội đã, đang là thách thức đối với mỗi cơ quan báo chí cả về tốc độ, nội dung thông tin và phát triển doanh thu. Trước bối cảnh phát triển nhanh chóng của mạng xã hội với nhiều nền tảng, ứng dụng công nghệ cạnh tranh gay gắt đang đặt ra những vấn đề đối với phát triển kinh tế báo chí. Hiện nay đại đa số các cơ quan báo chí đều sử dụng các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ nội dung thông tin cũng như các sản phẩm báo chí. Con số thống kê lượng truy cập qua mạng xã hội là một trong những yếu tố có thể được coi là thước đo để đánh giá doanh thu của các trang mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông. Và điều đó cũng sẽ có những thách thức đặt ra đối với cơ quan báo chí khi sử dụng mạng xã hội. Trong bài viết này tác giả sẽ đề cập đến sự phát triển của mạng xã hội và những tác động của mạng xã hội với phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó đề xuất một số gợi ý cho phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Sự phát triển của mạng xã hội và doanh thu từ quảng cáo qua mạng xã hội

Mạng xã hội đã, đang ngày càng trở nên phổ biến và tác động không nhỏ trong cuộc sống của số đông người dân Việt Nam. Với lợi thế dễ tiếp cận, chia sẻ, thông tin nhanh và đa dạng, mạng xã hội cũng đang là kênh thông tin được công chúng lựa chọn với số lượng người dùng rất lớn. Theo báo cáo từ tháng 2/2024 của Datareportal, số lượng người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 4,9 tỷ người. Và tại Việt Nam là 77,93 triệu người, chiếm 79,1% tổng dân số. Trong đó, số lượng người dùng Facebook chiếm 91.6% và Tiktok chiếm 77.5%. Đặc biệt, Việt Nam còn đứng thứ 5 trong số các quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới. Sự phổ biến của mạng xã hội trong cộng đồng trực tuyến là không thể phủ nhận, với 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã kết nối ít nhất với một nền tảng truyền thông xã hội. Thống kê về thời lượng sử dụng cho mỗi ứng dụng lại cho thấy TikTok đứng đầu với 21 giờ 14 phút, tiếp theo là Facebook với 28 giờ 21 phút, và xếp thứ ba là Youtube với 26 giờ 26 phút. Qua đó cho thấy rằng người dùng hiện nay đang dành một lượng thời gian lớn để sử dụng các nền tảng mạng xã hội.

Mục đích của người dùng sử dụng mạng xã hội là một kênh giao tiếp và tìm kiếm thông tin. Do vậy mạng xã hội đang được coi là nơi mang lại nguồn doanh thu rất lớn và thu hút nhiều dòng vốn đầu tư. Hiện nay có rất nhiều hình thức kinh doanh mang doanh thu trên các nền tảng xã hội, tuy nhiên có thể thấy doanh thu thể hiện rất rõ là quảng cáo trên nền tảng này. Có thể thấy doanh thu của quảng cáo trên mạng xã hội chủ yếu dựa vào việc khai thác các lợi thế sẵn có của nền tảng đó là số lượng người dùng lớn, tính lan truyền nhanh, các thuật toán trong tương tác, tiếp cận khách hàng dựa theo sở thích người dùng mạng xã hội…

Cũng theo số liệu từ Digital 2024 cho thấy, tại Việt Nam, lượng người xem quảng cáo trên Facebook chiếm 67,2% tổng dân số quốc gia, trong khi đó lượng người xem quảng cáo trên YouTube chiếm 63,9% tổng dân số. Và sự phát triển của thương mại điện tử cũng góp phần vào quá trình tăng trưởng nhanh chóng của thị trường quảng cáo trên mạng xã hội. Người dùng Internet dành khoảng 6 giờ 40 phút để trực tuyến mỗi ngày, tăng 3 phút so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng, đã có 720 triệu USD được chi trả cho quảng cáo kỹ thuật số trong năm 2023. Trong đó, chi tiêu cho hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hiện đạt 207 tỷ USD, tăng 9,3%. Việc các nhãn hàng chi tiền cho hoạt động của những người có ảnh hưởng trên mạng trong năm 2023 cũng đã tăng 17% so với năm trước đó.

Trên thực tế, những doanh nghiệp, công ty, tổ chức thường bắt tay với các nhà sáng tạo nội dung để quảng cáo và chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Tại thị trường Việt Nam, các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok năm 2022 đã thu được hơn 2,5 tỷ USD; năm 2023, dự kiến 3,4 tỷ USD, tương đương với khoảng 80.000 tỷ đồng. Khoảng 30 - 50% doanh thu này sẽ được chia sẻ cho các nhà sáng tạo nội dung.

Vì thế ngày càng nhiều người lựa chọn tham gia vào các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và doanh thu từ nguồn quảng cáo qua mạng xã hội đã và đang cho thấy sức ảnh hưởng đáng kể của các nền tảng mạng xã hội đối với hoạt động báo chí nói chung và kinh tế báo chí nói riêng.

Tác động của mạng xã hội đối với kinh tế báo chí ở Việt Nam

Nhìn nhận mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội có thể thấy đó là mối quan hệ vừa liên kết, vừa cạnh tranh với nhau. Xét ở một góc độ tích cực mạng xã hội đã là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh, phong phú, đa chiều, với khối lượng thông tin khổng lồ; MXH cũng có khi là nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Do vậy báo chí khai thác, sử dụng mạng xã hội đã tạo ra thêm được cho mình nền tảng mới để phát hành nội dung, thành kênh truyền thông thức cấp giúp phân phối, quảng cáo cho báo chí. Điều này được minh chứng trên thực tế đa số các cơ quan báo chí tại Việt Nam đã có từ một đến vài tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Tiktok, Youtube, X... Các cơ quan báo chí đã khai thác, sử dụng các tính năng thế mạnh của mạng xã hội, như đo đếm lượng người tương tác với từng bài viết, từng tin tức. Đồng thời tận dụng mạng xã hội để thực hiện khảo sát, lấy ý kiến làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm báo chí trên các nền tảng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có không ít những tác động tiêu cực đến báo chí như: báo chí đang phải đối mặt với thách thức bị mạng xã hội lấn át trong việc cung cấp thông tin đến công chúng về tốc độ cập nhật thông tin, sự quan tâm của công chúng. Một nguy cơ nữa là báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội khiến báo chí bị sụt giảm lượng người đọc và khả năng tương tác, từ đó dẫn đến việc giảm lượng phát hành, quảng cáo, tác động tới vai trò của báo chí và làm cho kinh tế báo chí bị ảnh hưởng. Tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; doanh thu Đài phát thanh - truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.

Chia sẻ tại Hội thảo ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số diễn ra ngày 21/9/2023, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cũng đã cho biết: doanh thu trong lĩnh vực truyền thông đạt gần 4 tỉ USD thể hiện sự tăng trưởng, tiềm năng của ngành truyền thông trong tạo ra các giá trị kinh tế. Tuy nhiên, có đến 50% giá trị quảng cáo đang "chảy" vào các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội và các dữ liệu đang được các nền tảng này thu thập. Đó là lý do vì sao các cơ quan thông tấn và truyền thông trong nước đang mất nguồn thu này.

Mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày và là nơi mỗi người dùng kết nối, chia sẻ, lan toả thông tin. Mạng xã hội trở thành một phương tiện truyền thông mới được công chúng lựa chọn để tìm kiếm thông tin về những vấn đề họ quan tâm. Thông qua hoạt động của người dùng mạng xã hội như việc nhấn nút thả các biểu tượng cảm xúc, chia sẻ bài viết, đăng thông báo mới… trở thành yếu tố kích hoạt chuyển tải thông tin không ngừng trên các nền tảng mạng xã hội dưới dạng thức khác nhau.

Và mạng xã hội cũng chính là nơi để người dùng không những tiếp nhận thông tin mà còn tham gia mua hàng trực tuyến và thực hiện nhiều hoạt động tương tác khác trên nền tảng đó. Đặc biệt hiện nay các mạng xã hội ngày càng cho thấy đã được sức ảnh hưởng lớn tới các quyết định mua sắm tiêu dùng trong đời sống thực. Theo báo cáo của DoubleVerify (nền tảng chuyên cung cấp các dịch vụ đo lường và phân tích các phương tiện truyền thông kỹ thuật số) về tiêu chuẩn chất lượng và hiệu quả truyền thông tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), nhu cầu sử dụng mạng xã hội tại khu vực châu Á là rất lớn khi có tới 60% số lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đến từ khu vực này. Tại Việt Nam, có tới 59% người tiêu dùng tin tưởng vào mạng xã hội để nghiên cứu thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Điều này vốn trước đây người tiêu dùng sẽ chủ yếu tham khảo, tin tưởng thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống.

Sự tác động của mạng xã hội đang tạo ra một làm sóng mới kích thích báo chí thay đổi, điều chỉnh quy trình sản xuất, mở rộng nền tảng phân phối nội dung thông tin để khai thác các nguồn thu, phát triển kinh tế. Qua đây mở ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với kinh tế báo chí hiện nay. Mặc dù, báo chí đang bị mạng xã hội cạnh tranh và có phần lấn lướt, tác động không nhỏ đến doanh thu của báo chí nhưng nếu xây dựng, phát triển mối quan hệ này tương hỗ, cộng hưởng với nhau thì báo chí sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát kinh tế, tăng trưởng doanh thu.

Một số đề xuất gợi mở cho phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông số là xu hướng tất yếu. Vì vậy một số đề xuất gợi mở phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số cụ thể như sau:

Đối với các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông cần tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế báo chí thông qua việc xây dựng, điều chỉnh hệ thống cơ sở pháp lý để vừa đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của báo chí vừa phù hợp với bối cảnh phát triển thực tiễn. Cơ quan quản lý báo chí cần có những có những can thiệp, hỗ trợ kịp thời các cơ quan báo chí trong việc tăng cường sự hiện diện và triển khai hợp tác kinh doanh với các nền tảng mạng xã hội có số lượng người dùng lớn hiện nay (Facebook, Google, Tiktok, Youtube…) để có thể chia sẻ nguồn lợi nhuận doanh thu từ nền tảng đó. Điều này cũng đặt ra những vấn đề cần phải có sự điều chỉnh về mặt pháp lý như vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ cho báo chí chưa có quy định cụ thể cho hướng phát triển này. Đồng thời cần sớm bổ sung vào Luật Báo chí hiện hành các vấn đề về chuyển đổi số, công nghệ mới và phát triển kinh tế báo chí số. Xem xét về quyền và trách nhiệm của cơ quan báo chí, người làm báo khi tham gia sử dụng, tương tác trên nền mạng xã hội. Và xem xét bổ sung các quy định pháp lý phù hợp và những thể chế quản lý cần thiết cho cho việc định hướng, hỗ trợ cho các kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội như việc mở, phát triển, phân phối nội dung trên các nền tảng YouTube, TikTok, mở fanpage trên Facebook, Zalo giải quyết triệt để các vấn đề tranh chấp, vi phạm và chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam trên những nền tảng xuyên biên giới. Đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số báo chí, phân phối nội dung báo chí trên đa nền tảng thì yếu tố quan trọng cần thiết không thể thiếu đó là trang bị hạ tầng công nghệ hiện đại, và pháp luật về công nghệ cũng cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển. Đồng thời các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng cần chú trọng hoàn thiện hơn nữa các công cụ để đảm bảo, kiểm soát tốt thông tin trên mạng xã hội, đảm bảo an ninh mạng, phát hiện và xử lý các thông tin sai. Đặc biệt là những gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trong việc sử dụng nền tảng mạng xã hội để kinh doanh thu lợi nhuận đang diễn ra ngày càng đa dạng trên mạng xã hội.

Đối với các cơ quan báo chí cần chú trọng đầu tư, phát triển phân phối thông tin trên đa nền tảng trong đó không thể thiếu là nền tảng mạng xã hội, coi đó là một trong những nền tảng, công cụ thiết thực trong hoạt động chuyển đổi số của mình. Từ đó báo chí có những thay đổi, lựa chọn khai thác, sử dụng ưu thế của mạng xã hội để xây dựng chiến lược phát triển nội dung thông tin, tiếp cận công chúng, người dùng mạng xã hội để hướng người dùng đến với kênh thông tin của mình. Các cơ quan báo chí cần phát triển xây dựng thương hiệu của mình trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí cần trở thành các KOL, KOC, trên chính các nền tảng xã hội đưa con số lượng người dùng theo dõi nền tảng của mình lên tới những con số triệu view, tỷ view thông qua điểm mạnh chính là tính chính thống ở thông tin mà báo chí đã có. Điều đó đòi hỏi báo chí phải tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất các nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Hiện tại nhiều cơ quan báo chí đã thành lập trung tâm nội dung số tập trung sản xuất các nội dung đưa lên mạng xã hội và xem đó là một trong những hướng để xây dựng, phát triển song hành. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần phải chú ý việc quản trị những rủi ro, khủng hoảng khi các nền tảng mạng xã hội mạng xã hội thay đổi một thuật toán thì buộc các cơ quan báo chí cũng phải thay đổi theo kịp xu hướng.

Báo chí cần phải có những thay đổi, lựa chọn khai thác, sử dụng những ưu thế của các nền tảng số trong đó có mạng xã hội để phát triển chọn lọc, khai thác những lợi thế của các nền tảng số, mạng xã hội. Các cơ quan báo chí nên coi các nền tảng mạng xã hội là một trong số nền tảng, công cụ thiết thực trong hoạt động chuyển đổi số của mình. Các tòa soạn cần thay đổi chiến lược, tận dụng thế mạnh của các nền tảng số này, tạo sức hút trên truyền thông mạng xã hội thông qua đó dẫn công chúng vào theo dõi nền tảng của mình.

Đối với người người làm báo hoạt động trên các nền tảng số nói chung và mạng xã hội nói riêng. Người làm báo sử dụng mạng xã hội qua tài khoản cá nhân nhưng đó cũng chính là nơi người làm báo thể hiện uy tín, thương hiệu của cá nhân và của cơ quan báochí nơi mình công tác. Mỗi người làm báo cũng nên xây dựng, tạo được sức ảnh hưởng, danh tiếng, vị thế của mình trên nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên lưu ý người làm báo khi sử dụng mạng xã hội cần đảm bảo theo quy định của mỗi một nền tảng mạng xã hội đồng thời thực hiện đúng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam.

Đối với vấn đề đào tạo người làm báo trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Các cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng đào tạo người làm báo bên cạnh kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cần trang bị các kiến thức, hiểu biết chuyển đổi số, về kinh tế báo chí. Đồng thời các cơ quan báo chí tăng cường tổ chức các khoá tập huấn, các chương trình đào tạo ngắn hạn, các toạ đàm trao đổi về nghiệp vụ chuyên môn gắn với vấn đề phát triển kinh tế báo chí để tạo điều kiện cho người làm báo được trau dồi, bổ sung cập nhật các kiến thức, kĩ năng.

Đối với các đơn vị đào tạo báo chí - truyền thông, cần chú trọng đầu tư, phát triển chương trình đào tạo sinh viên, học viên ngành báo chí - truyền thông giỏi về chuyên môn, thành thạo kĩ năng tác nghiệp, am hiểu về luật pháp, quy định đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, xây dựng các học phần trong chương trình đào tạo chuyển đổi số, về kinh tế báo chí hoặc phải lồng ghép được các kiến thức liên quan đến kinh tế báo chí và các học phần chuyên ngành để sinh viên có thể tiếp cận với vấn đề phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh hiện đại ngay trong thời gian học tập tại trường.

Tóm lại sự phát triển nhanh mạnh của mạng xã hội như hiện nay là kết quả tất yếu của sự phát triển khoa học, kĩ thuật công nghệ mang lại, là yêu cầu thực tế khách quan trong xã hội. Vì vậy báo chí cần phải tiếp nhận, đồng hành và cởi mở, hợp tác, thích ứng để tận dụng thế mạnh của mạng xã hội mang lại phát huy, khai thác tối đa, tiếp cận công chúng nhanh nhất, đáp ứng các nhu cầu thông tin và tiêu dùng của công chúng và mang đến những giá trị thực. Mạng xã hội có thể coi là hướng tiếp cận để báo chí có thể đồng hành, cộng sinh, hợp tác mang lại nguồn doanh thu cho báo chí góp phần phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Văn Hường- Bùi Chí Trung (2014), Một số vấn đề về kinh tế báo in, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Bùi chí Trung (2017), Kinh tế báo chí, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật.

3. Đỗ Đình Tấn (2017), Báo chí và mạng xã hội, NXB Trẻ.

4. Digital 2024: Vietnam, https://datareportal.com/reports/digital-2024- vietnam

5. https://nguoilambao.vn/bao-chi-va-mang-xa-hoi-trong-cuoc-dua-thong-tin

6. https://doubleverify.com/2023-warc-report/

7. https://tuoitre.vn/bao-chi-can-tao-dot-pha-nguon-thu-tu-cac-nen-tang- mang-xa-hoi-20240316111620311.htm

8. https://vtv.vn/kinh-te/nguoi-viet-chi-hang-chuc-nghin-ty-dong-quang- cao-tren-cac-mang-xa-hoi-20230402101550481.htm

9. https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam

10. https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam

11. https://vtv.vn/kinh-te/nguoi-viet-chi-hang-chuc-nghin-ty-dong-quang-cao-tren-cac-mang-xa-hoi- 20230402101550481.htm

Cùng chuyên mục

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 giờ trước

(PLPT) - Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề cấp bách và được nhiều người quan tâm.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo Giám đốc Apple kêu gọi đầu tư tiền ảo

Cảnh giác chiêu trò giả mạo Giám đốc Apple kêu gọi đầu tư tiền ảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  4 giờ trước

(PLPT) - Bằng công nghệ Deepfake, các đối tượng đã giả mạo Giám đốc điều hành (CEO) của Apple - ông Tim Cook để kêu gọi đầu tư tiền ảo.

Bộ Công an: Chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Bộ Công an: Chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Bộ Công an trả lời bạn đọc về xử lý hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện, không chuyển tiền quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Bộ Y tế: Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030

Bộ Y tế: Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Ngày 17/9/2024, Bộ Y tế đã họp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ để đánh giá, góp ý dự thảo và phối hợp triển khai Đề án "Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030".

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do bão lũ có được miễn giảm thuế không?

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do bão lũ có được miễn giảm thuế không?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  11 giờ trước

(PLPT) - Tổng cục Thuế vừa có văn bản số 4062/TCT-CS gửi 26 Cục Thuế tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão.

Áo đấu và huy chương giải chạy VPIM 2024 xịn sò thế nào?

Áo đấu và huy chương giải chạy VPIM 2024 xịn sò thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Lấy cảm hứng từ những hình ảnh thân thuộc, bình dị và đặc trưng nhất của Hà Nội, bộ đôi áo đấu và huy chương của giải chạy VPBank International Marathon (VPIM) năm nay được Ban tổ chức kỳ vọng sẽ truyền tải thông điệp quảng bá hình ảnh Hà Nội tươi đẹp, thân thiện, hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.

Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí

Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bộ Y tế cần một hệ thống thông tin tập trung để hỗ trợ công tác điều hành quản lý, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu thời gian thủ tục trong công tác giám định. Hệ thống này phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí.

Người đang hưởng án treo có được làm việc ngoài nơi cư trú không?

Người đang hưởng án treo có được làm việc ngoài nơi cư trú không?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Trong đó, Bộ đề xuất quy định giải quyết trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

Đọc nhiều