Nghiên cứu lý luận

Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm mạng: Cơ hội, thách thức và đề xuất đối với Việt Nam

Nguyễn Minh Vũ - Nguyễn Hữu Phú - Nguyễn Thị Hồng Yến Thứ sáu, 25/07/2025 - 09:17
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết đề cập tới những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý khi hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia nhằm bảo đảm khả năng triển khai hiệu quả các nghĩa vụ theo Công ước.

Tóm tắt: Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng được xây dựng nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra và thu thập chứng cứ liên quan đến tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, các yếu tố từng chi phối quá trình đàm phán Công ước được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi trong tương lai. Trong số đó có thể kể đến nguy cơ chính trị hóa, sự chênh lệch về năng lực công nghệ giữa các quốc gia, những khó khăn trong việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ tư nhân, những tác động từ sự phát triển không ngừng của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực không gian mạng. Dù Công ước vẫn chưa chính thức ký, song việc chuẩn bị cho giai đoạn thực thi trong tương lai sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới. Bài viết đề cập tới những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý khi hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia nhằm bảo đảm khả năng triển khai hiệu quả các nghĩa vụ theo Công ước.

Từ khóa: Tội phạm mạng; Công ước Hà Nội, Liên hợp quốc, an ninh mạng

Abstract: The United Nations Convention against was prepared to establish a common legal framework for cooperation among states in sharing information, coordinating investigations, and collecting evidence related to cybercrime and high-tech crime. However, the factors that influenced the negotiation process are expected to continue affecting its future implementation. These include risks of politicization, disparities in technological capacity among states, difficulties in cooperating with private technology corporations, and the evolving nature of international law in the cyber domain. Although the Convention has not yet been officially opened for signature, preparations for its eventual implementation pose challenges anddemands. The article deals with the the demands Vietnam needs to consider in refinement of the national legal system to ensure effective compliance with the Convention’s obligations.

Keywords: Cybercrime; Hanoi Convention, United Nations, cyber security.

1. Dẫn đề

An ninh không gian mạng đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công

nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là dưới tác động của tiến trình chuyển đổi số toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng mang lại, các hành vi đe dọa an ninh mạng và tội phạm mạng ngày càng gia tăng với mức độ

nghiêm trọng đáng báo động. Các cuộc tấn công mạng không ngừng mở rộng về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến ổn định kinh tế, chính trị và xã hội, đồng thời đe dọa đến chủ quyền quốc gia và làm suy giảm lòng tin giữa các quốc gia.

Trước thực trạng đó, kể từ Tuyên bố Salvador năm 2010, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã tích cực thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm xây dựng một cơ chế hợp tác toàn cầu về phòng, chống tội phạm mạng. Điều này xuất phát từ sự bất cập của các công ước hiện hành, vốn chưa phản ánh đầy đủ lợi ích và mối quan ngại chính đáng của đa số quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển – những quốc gia có điều kiện chính trị, xã hội, pháp lý và trình độ khoa học - công nghệ rất khác biệt. Sau hơn bốn năm kể từ khi Nghị quyết 74/247 được thông qua vào năm 2019, Ủy ban liên Chính phủ đặc biệt của Liên hợp quốc đã chính thức thông qua dự thảo Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm mạng – văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên của Liên hợp quốc đặt nền móng cho khuôn khổ hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, và thu thập chứng cứ đối với các hành vi phạm tội trên không gian mạng và công nghệ cao.

Mặc dù việc thông qua dự thảo Công ước là một dấu mốc quan trọng, song đây mới chỉ là bước khởi đầu trong tiến trình xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động trên không gian mạng. Thách thức đặt ra là cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc nhằm xây dựng một môi trường mạng an toàn, không phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Theo kế hoạch, Công ước này sẽ được mở để các quốc gia ký kết tại lễ ký chính thức tổ chức tại Hà Nội vào năm 2025, và sau đó tiếp tục tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026. Văn kiện sẽ chính thức có hiệu lực khi quốc gia thứ 40 hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập[1].

2. Quá trình đàm phán và nội dung chính của Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng

2.1. Quá trình đàm phán Công ước

Ngày 27/12/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua Nghị quyết 74/247 thành lập Ủy ban chuyên trách (Adhoc Committee – AHC) nghiên cứu khả năng xây dựng một Công ước quốc tế về chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vì mục đích tội phạm (Công ước)[2]. Ngày 26/5/2021, trên cơ sở phiên họp đầu tiên về công tác tổ chức của AHC, ĐHĐ LHQ thông qua Nghị quyết 75/282 ủy quyền cho AHC triệu tập các cuộc họp thảo luận và đàm phán dự thảo Công ước dưới sự điều hành của nữ Đại sứ Faouzia Boumaiza Mebarki (người Algeria).

Sau nhiều lần bị trì hoãn do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời các nước cũng liên tục có những tranh cãi về lộ trình (gồm 3 vòng lấy ý kiến và 3 vòng đàm phán lời văn), địa điểm (luân phiên giữa New York, Mỹ và Viên, Áo[3]), hình thức tổ chức phiên họp (trực tiếp kết hợp trực tuyến), quá trình đàm phán được chính thức khởi động với phiên họp đầu tiên từ 28/2-11/03/2022 tại New York, Mỹ nhằm thống nhất hình thức tổ chức 05 phiên họp tiếp theo[4]. Một điểm đáng chú ý khác của quá trình đàm phán này là đóng góp tài chính đáng kể của Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU trong việc tài trợ các chi phí cho Ban thư ký và gần 70 đoàn tham gia phiên đàm phán.

Trong quá trình thảo luận, càng ngày các nước càng thể hiện sự phân hoá lập trường một cách rõ ràng giữa các nhóm nước về phạm vi của Công ước về hình sự hóa và hợp tác quốc tế, dẫn đến khó khăn cho Chủ tịch người Algeria và Ban thư ký Liên hợp quốc (LHQ) trong việc điều hành và tổ chức các Phiên họp một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ. Đồng thời, lần đầu tiên tại LHQ, quá trình tổ chức các phiên họp và đàm phán Công ước có sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Meta, Google, Amazon… cùng các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp như Phòng Thương mại công nghiệp quốc tế (ICC); trong đó các tổ chức và tập đoàn này liên tục có ý kiến bằng văn bản trong các phiên họp của AHC[5].

Bên cạnh 06 phiên họp thảo luận ở cấp chuyên gia kỹ thuật, Chủ tịch AHC còn tổ chức 05 phiên tham vấn giữa các phiên họp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên. Bắt đầu từ Phiên thứ 4 (9-20/1/2023) và Phiên thứ 5 (11-21/4/2023), Chủ tịch AHC đã xây dựng dự thảo tổng hợp đầu tiên và ủy quyền thúc đẩy thảo luận thông qua các điều phối viên (facilitators) bằng việc chia các quy định thành các nhóm nhỏ[6].

Theo kế hoạch ban đầu, Phiên đàm phán thông qua dự thảo Công ước trình ĐHĐ LHQ được tổ chức tại New York từ 29/1-09/2/2024; trong đó Chủ tịch AHC đã yêu cầu các nước đàm phán liên tục 3 buổi (sáng, chiều, tối) trong 5 ngày cuối cùng của Phiên họp. Tuy nhiên, do khác biệt còn rất lớn[7], AHC đã quyết định tạm đình chỉ phiên họp nhằm tránh đổ vỡ đàm phán. Từ 29/7-09/8/2024, dưới hình thức triệu tập lại Phiên họp cuối cùng với sự tham gia của hơn 154 quốc gia, sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, có lúc tưởng chừng đổ vỡ, ngày 08/8/2024, AHC đã đồng thuận cả gói về việc thông qua dự thảo Công ước, dự thảo Tài liệu giải thích một số điều khoản và dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ; trong đó: (i) Tài liệu giải thích nhằm làm rõ phạm vi thẩm quyền của các nước liên quan đến linh hoạt áp dụng một số quy định và (ii) Nghị quyết của ĐHĐ cho phép AHC tiếp tục hoạt động nhằm khởi động đàm phán Nghị định thư bổ sung cho Công ước sau 2 năm kể từ khi thông qua Nghị quyết. Theo đó, về tên gọi, Công ước có tên đầy đủ là Công ước LHQ về phòng chống tội phạm mạng: Tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh các tội phạm do sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông và chia sẻ chứng cứ điện tử đối với tội phạm nghiêm trọng.[8] Đây là sự thỏa hiệp giữa nhóm nước muốn có Công ước “toàn diện” về tất cả các loại tội phạm trên không gian mạng hoặc sử dụng không gian mạng và nhóm nước tham gia Công ước về tội phạm mạng của Hội đồng nhân quyền châu Âu (còn gọi là ‘Công ước Budapest’) chỉ muốn tập trung cho các tội phạm trên không gian mạng. Tuy nhiên, trước khi thông qua toàn văn, một số điều khoản của dự thảo Công ước đã phải tiến hành bỏ phiếu theo đề nghị của một số nước.

2.2. Một số nội dung chính của Công ước

Dự thảo Công ước gồm 9 Chương, 68 điều khoản với các nội dung chính như sau:

Một là, quy định thống nhất các thuật ngữ chuyên ngành cơ bản của tội phạm mạng với cập nhật về tiền ảo; chuẩn hóa 06 tội danh về tội phạm công nghệ cao và 03 tội danh về lạm dụng trẻ em và ảnh cá nhân; chuẩn hóa 05 biện pháp nghiệp vụ điều tra liên quan đến tiếp cận dữ liệu (bao gồm cả dữ liệu được lưu trữ và dữ liệu trực tuyến). Các thuật ngữ, tội danh và biện pháp này được xây dựng trên cơ sở tham khảo Công ước Budapest và các công ước khu vực khác về tội phạm công nghệ cao nhằm bảo đảm liên thông giữa các văn kiện pháp lý quốc tế này.

Hai là, khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng (như tương trợ tư pháp, điều tra chung, thu hồi tài sản…) gắn với yêu cầu bảo đảm không cản trở các quyền con người cơ bản trên không gian mạng. Đây là giải pháp cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các chủ thể Nhà nước và cá nhân trên không gian mạng hiện nay.

Ba là, xây dựng mạng lưới liên hệ 24/7 của tất cả các Quốc gia thành viên với các chức năng phù hợp với đấu tranh tội phạm mạng như “phong tỏa” các dữ liệu điện tử trong nước theo yêu cầu, hỗ trợ xử lý các trường hợp khẩn cấp, thu thập các chứng cử điện tử… Đây là yêu cầu đặc thù trong phòng chống tội phạm mạng với tính chất xuyên biên giới và không bị giới hạn về không gian và thời gian.

Bốn là, thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa tội phạm mạng thông qua yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo an ninh, an toàn của sản phẩm để bảo vệ người dùng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tội phạm mạng…Trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ trong phối hợp công tác với cơ quan chức năng là điểm rất đặc thù của không gian mạng khi các hạ tầng kỹ thuật và nền tảng dịch vụ đều chủ yếu do các doanh nghiệp quản lý.

Năm là, thống nhất về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thông qua Cơ quan Phòng chống Ma tuy và Tội phạm của LHQ (UNODC) với các hoạt động như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về không gian mạng; năng lực về lưu trữ và quản lý chứng cứ số; cung cấp và đào tạo các trang thiết bị hiện đại…Những hỗ trợ này là điều kiện tiên quyết để các nước lạc hậu, kém phát triển có đủ năng lực trong hợp tác quốc tế về tội phạm mạng.

Sáu là, Công ước chỉ có hiệu lực sau khi được 40 nước phê chuẩn và việc thông qua Nghị định thư bổ sung chỉ được thực hiện sau khi có hơn 60 nước đã tham gia Công ước. Đây là thỏa hiệp giữa các nước nhằm bảo đảm Công ước có sự tham gia rộng rãi của các thành viên LHQ và hạn chế trường hợp mở rộng Công ước bằng các Nghị định thư một cách quá sớm.

3. Một số yếu tố tác động đến quá trình đàm phán Công ước

Có thể nói việc đồng thuận thông qua Công ước được coi là thành công ngoài dự đoán[9], từ đó đặt ra những câu hỏi về lý do các nước thỏa hiệp dù còn rất nhiều khác biệt; cũng như giới hạn của các bên trong đàm phán và từ đó đánh giá những yếu tố sẽ chi phối quá trình thực hiện Công ước.

3.1. Các yếu tố thúc đẩy đàm phán Công ước

Tiến trình đàm phán cho thấy rõ phòng chống tội phạm mạng là vấn đề rất mới, kết hợp giữa pháp lý hình sự truyền thống và các yếu tố về công nghệ thông tin truyền thông vốn phát triển không ngừng và biến đổi nhanh, do đó tiến trình đàm phán rất phức tạp, mang tính kỹ thuật pháp lý đi kèm vấn đề công nghệ cao. Đồng thời, không tránh khỏi những nghi kỵ giữa các quốc gia về thiện chí hợp tác và quyết tâm đấu tranh tội phạm mạng; thậm chí cáo buộc lẫn nhau dung túng các hành vi tội phạm mạng nhằm các phá hoại hoạt động kinh tế, ổn định chính trị… Trong bối cảnh ấy, việc các quốc gia đứng trên lập trường, quan điểm pháp lý-chính trị, lợi ích đối lập, có thể nhất trí đi đến một văn kiện chấp nhận được là điều rất phức tạp, đòi hỏi thời gian, sự thoả hiệp lẫn nhau, quyết tâm chính trị của các bên. Việc các nước, nhất là nhóm 4 nước có ảnh hưởng công nghệ lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU, thúc đẩy tiến trình xây dựng Công ước có thể xuất phát từ các lý do như sau:

Thứ nhất, vấn đề an ninh không gian mạng và các hoạt động tội phạm mạng đã và đang gia tăng một cách đáng lo ngại trong hơn một thập kỷ qua. Các cuộc tấn công trên không gian mạng phát triển nhanh chóng về cả hình thức và quy mô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của các nước, đe dọa chủ quyền và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia do tính chất xuyên biên giới và ẩn danh trên không gian mạng. Trong khi đó, LHQ thiếu một khuôn khổ pháp lý chung để các nước hợp tác chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, thu thập chứng cứ…liên quan đến tội phạm mạng, vì vậy việc xây dựng và sớm ký kết một công ước LHQ về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng là rất cần thiết.

Thứ hai, dự thảo Công ước được kỳ vọng sẽ kiến tạo khuôn khổ pháp lý giúp tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng nhằm thể hiện quyết tâm và cam kết chung của cộng đồng quốc tế đấu tranh chống loại tội phạm mới này. Dự thảo Công ước khẳng định chủ quyền và trách nhiệm của mỗi quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng đi kèm cơ chế hợp tác 24/7 giữa cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia, đáp ứng yêu cầu tương trợ tư pháp kịp thời, hiệu quả; khuyến khích cơ chế phối hợp với cộng đồng chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp công nghệ nhằm phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm mạng; cho phép sớm thảo luận xây dựng Nghị định thư bổ sung đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và loại hình tội phạm mới.

Thứ ba, với tính chất là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên mang tính toàn cầu về không gian mạng, việc xây dựng Công ước thành công khẳng định vai trò, tầm quan trọng LHQ trong việc thúc đẩy luật pháp quốc tế nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu ứng phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Công ước cũng sẽ củng cố, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản pháp lý quốc tế của LHQ trong phòng chống tội phạm như Công ước LHQ về phòng chống Tham nhũng (UNCAC) và Công ước LHQ về phòng chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC). Sự đồng thuận của các nước đối với dự thảo Công ước đã tiếp tục khẳng định giá trị, đóng góp của của chủ nghĩa đa phương tại LHQ trong việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.

Dự thảo Công ước là kết quả của một quá trình thương lượng, thỏa hiệp xung quanh các luồng quan điểm, lợi ích và thực tiễn quốc gia khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về phạm vi áp dụng công ước, các nguyên tắc trong thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ... Vì vậy, thành công của đàm phán dự thảo Công ước rất đáng khích lệ, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, góp phần thu hẹp khoảng cách về năng lực số giữa các quốc gia.

3.2. Các yếu tố phân hóa quá trình đàm phán Công ước

Tiến trình đàm phán Công ước gặp nhiều cản trở, khó khăn như:

Thứ nhất, về cạnh tranh ảnh hưởng, các nước Trung Quốc-Nga và Mỹ-EU liên tục và thường xuyên xung đột để định hướng quá trình đàm phán. Nga và Trung Quốc có lợi thế là hai nước thúc đẩy tiến trình ra đời cơ chế đàm phán; đồng thời đưa ra được dự thảo đầu tiên để AHC trao đổi về cấu trúc của Công ước với mục tiêu là xây dựng luật chơi quốc tế mới về tội phạm mạng, khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bác bỏ giá trị của Công ước Budapest[10], yêu cầu bổ sung hơn 20 tội danh liên quan đến nội dung, mở rộng hợp tác quốc tế về không gian mạng[11]. Ngược lại, Mỹ và EU sau ngần ngại ban đầu đã quyết liệt tham gia nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga – Trung Quốc trong tiến trình theo hướng đồng bộ hóa Công ước của LHQ với Công ước Budapest về cả lời văn và kết cấu văn bản, các biện pháp nghiệp vụ; chỉ hợp tác trong thúc đẩy các Công ước LHQ phòng chống tội phạm hiện có là Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Công ước của LHQ về phòng chống tham nhũng (UNCAC). Quá trình đàm phán cho thấy Nga và Trung Quốc khó duy trì đủ sức tập hợp lực lượng và dẫn dắt được diễn đàn theo ý muốn do Nga đang bị cô lập vì tình hình ở Ukraine, cũng như thiếu thực tiễn và nguồn lực để thúc đẩy hợp tác về tội phạm mạng, trong khi đó Mỹ và EU sử dụng tập hợp sẵn có là thành viên Công ước Budapest và mở rộng tập hợp lực lượng thông qua việc tài trợ cho nhiều đoàn các nước nhỏ tham gia Hội nghị, sử dụng các ý kiến chuyên gia từ các tập đoàn công nghệ, các tổ chức phi chính phủ trong đàm phán; bên cạnh đó nhóm này cũng sẵn sàng về công nghệ, tiềm lực và thực tiễn quản lý không gian mạng. Vì vậy, trên thực tế, Công ước là sự dung hòa giữa mong muốn có sáng kiến tại LHQ của Nga-Trung Quốc và mong muốn phổ biến khuôn khổ Budapest của Mỹ-EU[12].

Thứ hai, về tính toán duy trì lợi thế cạnh tranh, Nga-Trung Quốc muốn thúc đẩy Công ước với phạm vi rộng về thẩm quyền, các biện pháp thực thi pháp luật trực diện, trách nhiệm hợp tác quốc tế đầy đủ, và hướng Công ước sang các hành vi phạm tội có tính chất an ninh quốc gia như khủng bố, kích động bạo lực, thù ghét… qua đó buộc Mỹ-EU chia sẻ quyền tiếp cận dữ liệu hạ tầng công nghệ toàn cầu; buộc các tập đoàn công nghệ Mỹ hợp tác sàng lọc thông tin xấu độc trên không gian mạng. Ngược lại, Mỹ-EU chỉ đáp ứng đối với các loại hình cơ bản của tội phạm mạng (như tấn công máy tính, đánh cắp dữ liệu, sản xuất phần mềm, công cụ tấn công mạng…), hạn chế tối thiểu về nội dung thông tin (chỉ bao gồm lạm dụng trẻ em và ảnh cá nhân), đặt ra các lý do không thực hiện hợp tác, yêu cầu cơ chế hợp tác 24/7 như mô hình Budapest nhằm giảm thiểu chi phí nguồn lực[13] khi tổ chức triển khai Công ước. Đồng thời, Mỹ-EU chỉ chấp nhận hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các dữ liệu cá nhân trên cơ sở thỏa thuận, nhằm buộc các nước ký kết các thỏa thuận trực tiếp với Mỹ nhằm tiếp cận dữ liệu do các tập đoàn Mỹ nắm giữ[14], đồng thời ưu tiên hợp tác nâng cao năng lực cho các đối tác phù hợp với chính sách của Mỹ. Trong quá trình đàm phán, Mỹ-EU luôn coi các vấn đề về bảo vệ hạ tầng công nghệ trọng yếu, cũng như chuyển giao công nghệ mã hóa và giải mã là “giới hạn đỏ”. Ngoài ra, Mỹ-EU đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn cao khi hợp tác về thu thập chứng cử điện tử và chuyển giao dữ liệu; giảm thiểu các nghĩa vụ của các tập đoàn công nghệ trong hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài; yêu cầu các tiêu chuẩn bảo đảm quyền con người trong thực thi pháp luật trên không gian mạng tương đồng với khuôn khổ Budapest. Những điều kiện này sẽ cho phép Mỹ-EU tiếp tục duy trì sự “ưu ái” trong mức độ hợp tác với các quốc gia thiện chí.

Thứ ba là cạnh tranh về mô hình quản lý xã hội trên không gian mạng. Xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy văn hoá tự do phương Tây vốn coi trọng tự do thể hiện cá nhân, bao gồm tự do trên không gian mạng, nhóm nước Mỹ-EU thúc đẩy các quy định cụ thể về các tiêu chí bảo vệ quyền con người trên không gian mạng; các tiêu chí cụ thể khi các cơ quan điều tra triển khai nghiệp vụ và bảo vệ các quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng. Ngược lại, các nước theo văn hoá truyền thống như Nga-Trung Quốc, nhất là các nước Hồi giáo vốn hạn chế thể hiện bản thân, giới tính, tình dục, đòi hỏi các quốc gia có “chủ quyền” trong việc quy định các biện pháp cứng rắn để quản lý xã hội. Đồng thời, đối với các nội dung phải thỏa hiệp với Mỹ-EU, nhóm nước truyền thống luôn yêu cầu việc thực hiện các tiêu chí tại Công ước phải đối chiếu với pháp luật trong nước; tránh nguy cơ sức ép bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ.

Thứ tư là sự khác biệt trong thực tiễn quản lý nhà nước và pháp luật trên không gian mạng. Trong quá trình đàm phán, Nga -Trung Quốc đã đề xuất nhiều điều khoản liên quan đến thống nhất tiêu chuẩn và việc công nhận lẫn nhau của chứng cứ điện tử, các điều khoản về hình sự hóa các hành vi lạm dụng, các biện pháp điều tra đặc biệt trên không gian mạng…; tuy nhiên, quá trình thảo luận cho thấy các nước nhận thấy dù ủng hộ chủ trương nhưng chưa có đủ thực tiễn để luật hóa các quy định này trong thời điểm hiện nay[15]. Dù vậy, cả Mỹ, Nga, Trung Quốc đều thúc đẩy việc quản lý tài sản số/tài sản ảo dù nhiều nước (trong đó có Việt Nam) chưa có cơ sở pháp lý sẵn sàng để xử lý loại tài sản đặc thù này. Đặc biệt việc chuyển giao dữ liệu cá nhân trong khuôn khổ Công ước được các nước lưu tâm nhưng chỉ có thể đạt thống nhất về mặt nguyên tắc[16] và để cho các bên trực tiếp liên quan có thỏa thuận về sau. Đây là những nội dung có thể được tiếp tục phát triển trong quá trình thực thi Công ước.

3.3. Một số thách thức chi phối quá trình thực hiện Công ước

Từ những phân tích trên, có thể thấy dự thảo Công ước hiện nay là một sản phẩm thỏa hiệp tạm thời giữa các nhóm nước lớn; và quá trình thực hiện khi Công ước có hiệu lực, bao gồm hiệu quả, hiệu lực của Công ước sẽ phụ thuộc vào 04 yếu tố sau:

Một là, việc duy trì các nguyên tắc định hướng đã được đưa ra, trong số đó là nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia cũng như nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và nguyên tắc bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước này cũng phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo pháp luật quốc tế về quyền con người. Việc triển khai, duy trì và thực hiện chủ quyền trên không gian mạng rất quan trọng và đòi hỏi năng lực kỹ thuật, pháp lý và thể chế cụ thể của các nước; nếu không các quốc gia yếu về công nghệ và nhân lực sẽ rơi vào trạng thái phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc nước ngoài khi xử lý các vấn đề tội phạm mạng, dẫn đến các rủi ro cho an ninh quốc gia.[17]

Hai là, việc sử dụng minh bạch các công cụ do Công ước đưa ra như hợp tác quốc tế về điều tra, cung cấp chứng cứ, hỗ trợ nâng cao năng lực… Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, và EU có các quan điểm khác nhau về cách quản lý Internet, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người sử dụng. Điều này tạo ra sự không đồng nhất trong việc xác định các tiêu chuẩn chung để thực thi Công ước. Một số nước có nguồn lực tài chính và kỹ thuật vượt trội so với các nước khác, đặc biệt là sự khác biệt giữa các nước phát triển và nước đang phát triển, điều này có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong khả năng thực thi các quy định của Công ước. Theo đó, các quốc gia có công nghệ sẽ sử dụng ưu thế này để áp đặt những chính sách có lợi cho mình trong quá trình thực thi, sử dụng ảnh hưởng chính trị và kinh tế để thúc đẩy các hoạt động của Công ước có lợi cho mình, hoặc gây áp lực để loại bỏ những hoạt động không phù hợp với lợi ích quốc gia, qua đó làm suy yếu tính thống nhất và toàn diện của Công ước. Vì vậy, khi các nước triển khai các hoạt động hợp tác trên cơ sở điều phối của LHQ thông qua UNODC hoặc tiến hành đàm phán các thỏa thuận song phương nhằm triển khai Công ước cần bảo đảm tính minh bạch, cần tránh chính trị hóa lợi ích của Công ước và biến Công ước thành một công cụ để phân hóa và tập hợp lực lượng không chính đáng.

Ba là, quá trình hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý quốc tế trên không gian mạng, bao gồm an ninh không gian mạng có tính đặc thù nhất định vì nó bao gồm cả khuôn khổ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia và các tổ chức/cá nhân, thay vì một thỏa thuận khung giữa các quốc gia chủ quyền[18]. Thiếu sót này chưa đáp ứng được lo lắng các quốc gia, đặc biệt các nước lớn, về an ninh mạng, đặc biệt là về nguy cơ gián điệp và các cuộc tấn công mạng có chủ đích từ các nước đối thủ. Sự cạnh tranh địa chính trị có thể khiến các quốc gia không sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo hoặc hợp tác đầy đủ trong việc điều tra các vụ tội phạm mạng. Nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, các nước lớn có thể sử dụng các cuộc tấn công mạng như một công cụ trong chiến lược quân sự và ngoại giao. Điều này làm phức tạp việc xác định ranh giới giữa tội phạm mạng và hoạt động chiến tranh không gian mạng được nhà nước tài trợ, gây khó khăn hơn trong việc thực thi Công ước. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý không gian mạng là cực kỳ cần thiết để duy trì hòa bình, ổn định trên không gian mạng.

Bốn là, khả năng kiểm soát các tập đoàn công nghệ từ sớm, từ xa của các Chính phủ. Các tập đoàn công nghệ lớn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Công ước do nắm giữ cơ sở hạ tầng số vốn thường là mục tiêu của tội phạm mạng. Với những công nghệ tiên tiến và nguồn lực khổng lồ, các tập đoàn này có thể phát triển các công cụ bảo mật mạnh mẽ và tiên phong trong việc phát hiện và phản ứng với các mối đe dọa mới, qua đó định hình các tiêu chuẩn an ninh mạng toàn cầu, ảnh hưởng đến việc thực thi các điều khoản của Công ước. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh công nghệ giữa các quốc gia và giữa các tập đoàn lớn có thể dẫn đến chính sách bảo hộ công nghệ và chiến tranh công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông 5G, và an ninh mạng. Từ đó, các quốc gia, tập đoàn có thể từ chối hợp tác hoặc chia sẻ công nghệ tiên tiến, trong đó có công nghệ liên quan đến bảo mật, làm giảm khả năng thực thi Công ước trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt liên quan đến việc chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, vì cạnh tranh thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ có xu hướng né tránh hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài. Vì vậy, các quốc gia sẽ cần có trao đổi, thống nhất về cách tiếp cận đối với quá trình hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ và cơ quan thực thi pháp luật nhằm hài hòa giữa nhu cầu bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên không gian mạng và hoạt động bình thường của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên không gian mạng; bảo đảm các quy định được áp dụng bình đẳng, minh bạch và hợp lý.

4. Quá trình tham gia Công ước Hà Nội và những hàm ý đối với Việt Nam

4.1. Quá trình tham gia đàm phán của Việt Nam

Việt Nam là một bên tham gia tích cực vào quá trình đàm phán hiệp ước, thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, điều này đã giành được sự tin tưởng và đánh giá cao của Liên hợp quốc và các quốc gia đối tác[19]. Trên cơ sở chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương và tích cực tham gia xây dựng khuôn khổ luật pháp quốc tế tại LHQ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2022 và 2023, đoàn liên ngành[20] đã tham gia 06 phiên họp của AHC và các phiên tham vấn không chính thức trong khuôn khổ AHC với các chủ trương chung về khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, thúc đẩy hợp tác quốc tế về tội phạm mạng trong phạm vi tối đa, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực; kết hợp với các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Trong quá trình tham gia các phiên họp, trên cơ sở chủ trương đã được phê duyệt, đoàn Việt Nam đã có những đóng góp thực chất, tích cực, góp phần hỗ trợ Chủ tịch và Ban thư ký AHC xây dựng dự thảo Công ước. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng đóng vai trò điều phối thành công nhóm quy định thuộc chuyên đề “Các biện pháp thực thi pháp luật” tại Phiên 5; trong đó một số biện pháp nghiệp vụ trình độ cao như chặn thu dữ liệu kết nối và dữ liệu nội dung trực tiếp gặp nhiều tranh cãi về tính khả thi từ các tập đoàn công nghệ, rủi ro xâm phạm quyền riêng tư của nhiều nước; cũng như cũng như quan điểm không hạn chế thẩm quyền điều tra của các nước có nền tảng công nghệ cao. Trên cơ sở uỷ quyền của Chủ tịch nước về việc chỉ định Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã làm Trưởng đoàn đàm phán, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan[21] tham gia phiên họp đàm phán Công ước tổ chức từ ngày 29/01-09/02/2024 và từ ngày 29/7-09/8/2024 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Đoàn Việt Nam cũng đã tham gia Tuyên bố chung của 35 quốc gia bày tỏ quan điểm về một số nội dung của dự thảo Công ước (do Ai Cập giới thiệu), trong đó kêu gọi bảo đảm sự cân bằng giữa bảo vệ quyền con người và thẩm quyền thực thi pháp luật, đề cao hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Sau khi kết thúc bỏ phiếu và dự thảo Công ước được thông qua, Đoàn Việt Nam đã có phát biểu tuyên bố lập trường với một số điều khoản của văn kiện[22].

Có thể nói rằng, với việc lựa chọn Hà Nội là điểm đầu tiên mở ký Công ước đã cho thấy những nỗ lực và những bước phát triển mới của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại. Với vị thế là quốc gia chủ nhà của Lễ mở ký, Việt Nam có thể tận dụng sự kiện này để thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong khu vực ASEAN và toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong việc xây dựng một môi trường pháp lý và quản trị số hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế[23].

4.2. Một số kiến nghị đối với Việt Nam trong quá trình triển khai Công ước

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới, với 78,44 triệu người sử dụng Internet tính đến đầu năm 2024, tương đương 79,1% dân số[24]. Báo cáo “Chỉ số tội phạm mạng toàn cầu” do nhóm chuyên gia tưf Đại học UNSW Canberra công bố ngày 10/4/2024 chỉ ra rằng, Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm “Báo động đỏ” với chỉ số tội phạm mạng (World Cybercrime Index - WCIs) đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thuộc Top 6 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và xếp thứ 22 trên toàn thế giới[25].

Nguồn: Báo cáo Viettel[26]

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2023, đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh chỉ riêng trong vấn đề lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tăng 64,78% so với năm 2022[27].

Báo cáo do Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) xây dựng dựa trên dữ liệu từ Hệ thống Tri thức an ninh mạng (Viettel Threat Intelligence) về hình an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024 cho thấy, số lượng dữ liệu bị tấn công mã hóa lên đến 10 Terabyte, gây tổng thiệt hại ước tính lên đến 11 triệu USD. Những cuộc tấn công này không chỉ mã hóa dữ liệu mà còn kết hợp đánh cắp thông tin để tăng sức ép, đòi tiền chuộc. Vấn đề lộ lọt dữ liệu tăng mạnh ở Việt Nam với 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ, chiếm 12% số lượng trên toàn cầu, kéo theo nhiều thông tin cá nhân, tài liệu doanh nghiệp bị rao bán rộng rãi trên các nền tảng mạng[28]. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra các xu hướng tấn công mạng sẽ phát triển trong năm 2025. Theo đó, tội phạm sẽ tăng cường khai thác AI để tạo mã độc khó phát hiện hơn, sử dụng công nghệ deepfake với các hình thức giả mạo giọng nói, hình ảnh hoặc video theo cách tinh vi hơn. Các thiết bị IoT và nền tảng Blockchain trở thành mục tiêu mới của tin tặc, đặc biệt là các thiết bị bảo mật kém và các nền tảng giao dịch tiền mã hóa[29]. Vì vậy, việc ký kết Công ước có ý nghĩa quan trọng và mở ra nhiều cơ hội và kênh hợp tác quốc tế với công tác phòng, chống tội phạm mạng tại Việt Nam. Như phân tích ở trên, trong quá trình triển khai Công ước, Việt Nam sẽ cần tập trung chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, nhanh chóng lựa chọn và thiết lập mạng lưới đối tác thực thi Công ước giữa Việt Nam với một số quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ quan trọng... Đặc biệt với hợp tác liên Chính phủ giữa các quốc gia, cần có khuôn khổ hợp tác, thoả thuận chia sẻ thông tin và xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn định kỳ. Công ước mở ra cơ hội cho Việt Nam, tham gia, tiếp nhận và xây dựng các cơ chế, mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ với các đối tác song phương. Những cơ chế, mạng lưới này sẽ nâng cao khả năng dự báo, phòng ngừa, ứng phó với các loại hình tội phạm mạng; đồng thời cũng làm sâu sắc hơn và đưa quan hệ song phương Việt Nam và các nước đối tác đi vào thực chất.

Thứ hai, việc xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý quốc gia để triển khai thực hiện Công ước là một quá trình quan trọng, đảm bảo sự tuân thủ và thực thi đầy đủ các điều khoản của Công ước, trong đó có hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng. Việt Nam cần sớm xác định cơ chế đầu mối 24/7 với đủ thầm quyền để tham gia hợp tác với các nước. Việt Nam cũng cần sớm có các quy định để quản lý tài sản ảo/tài sản số, cũng như các hình thái mới của công nghệ số nhằm đáp ứng quy định của Công ước và thực thi chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đồng thời, các quy định liên quan đến hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, dịch vụ số…cần được hoàn thiện theo các nguyên tắc tại Công ước.

Thứ ba, mấu chốt của việc thực hiện thành công, hiệu quả Công ước là việc chuẩn bị hạ tầng để triển khai Công ước. Trong đó, việc đầu tư cho các công nghệ kỹ thuật là then chốt, bảo đảm năng lực điều tra, ngăn chặn hiệu quả của các lực lượng chuyên ngành trên không gian mạng; đòi hỏi các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nắm bắt được các công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến nhằm theo kịp các thủ đoạn, phương pháp tinh vi của loại tội phạm này. Bên cạnh công nghệ, yếu tố con người cũng đóng vai trò quyết định trong việc thực thi Công ước. Phòng chống tội phạm mạng đòi hỏi lực lượng đa dạng và chuyên trách. Lực lượng này không chỉ bao gồm các cơ quan nhà nước như lực lượng thực thi pháp luật như cảnh sát công nghệ cao, trung tâm ứng cứu khẩn cấp (CERT), cơ quan tư pháp như thẩm phán, luật sư, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực tội phạm mạng, và mở rộng đến các tập đoàn công nghệ và tất cả mọi người tham gia vào không gian mạng.

Bốn là, Việt Nam cần tiếp tục tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc tế về không gian mạng. Có thể thấy khả năng giao thoa giữa tội phạm mạng và an ninh mạng sẽ khiến cho công tác phòng, chống tội phạm mạng thiếu hiệu quả cho đến khi có khuôn khổ pháp lý mới về an ninh mạng, theo đó các quốc gia cần khẳng định và thực thi các cam kết ràng buộc pháp lý về các quyền và lợi ích hợp pháp trên không gian mạng. Quá trình này sẽ tiếp tục là cuộc đấu tranh căng thẳng tại LHQ trong thời gian tới và đòi hỏi Việt Nam tích cực tham gia.

5. Kết luận

Việc dự thảo Công ước sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn trong đàm phán cuối cùng đã được thông qua bằng đồng thuận cho thấy dù có khác biệt sâu sắc về nhiều mặt, cộng đồng quốc tế đều có nhu cầu xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế làm nền tảng cho hợp tác quốc tế, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Điều này cũng tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế tại LHQ nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Những yếu tố chi phối quá trình đàm phán sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi Công ước, trong đó không loại trừ các nguy cơ về chính trị hóa, chênh lệch về năng lực công nghệ, khả năng hợp tác với các tập đoàn công nghệ, cũng như quá trình phát triển tiếp theo của luật pháp quốc tế trên không gian mạng. Trong tương lai, việc triển khai Công ước cũng sẽ đặt ra một số yêu cầu đối với Việt Nam như xây dựng hạ tầng và mạng lưới đối tác thực thi Công ước, xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý nội bộ để triển khai Công ước… Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc đàm phán, tiến tới ký, gia nhập và thực hiện Công ước sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận các chương trình, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của cơ quan thực thi pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, làm sâu sắc quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Viettel công bố Báo cáo tình hình An ninh mạng tại Việt Nam năm 2024”, https://viettel.com.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/tin-tuc/viettel-cong-bo-bao-cao-tinh-hinh-an-ninh-mang-tai-viet-nam-nam-2024/, truy cập ngày 16/4/2025

2. Bruce M, Lusthaus J, Kashyap R, Phair N, Varese F (2024) Mapping the global geography of cybercrime with the World Cybercrime Index. PLoS ONE 19(4): e0297312. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0297312,truy cập ngày 20/5/2025

3. Cổng thông tin điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Lễ ký Công ước Hà Nội: Bước phát triển mới của Việt Nam trong đối ngoại đa phương, https://dangcongsan.org.vn/bongoaigiao/lists/tinhoatdong/view_detail.aspx?itemid=2806, truy cập ngày 16/4/2025

4. Do Viet Cuong & Nguyen Quang Ha, Hanoi Convention against Cybercrime: a milestone for the World and Vietnam, Vietnam Law and Legal Forum, https://vietnamlawmagazine.vn/hanoi-convention-against-cybercrime-a-milestone-for-the-world-and-vietnam-73746.html, truy cập ngày 20/6/2025

5. General Assembly, United Nations Convention against Cybercrime; Strengthening International Cooperation for Combating Certain Crimes Committed by Means of Information and Communications Technology Systems and for the Sharing of Evidence in Electronic Form of Serious Crimes, https://documents.un.org/doc/undoc/gen/n24/426/74/pdf/n2442674.pdf, truy cập ngày 20/5/2025

6. Trần Trọng Hoàn, Ngô Anh Hoàng, Nhận diện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội và một số giải pháp phòng, chống, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, https://sbv.gov.vn/vi/w/sbv615294 truy cập ngày 16/4/2025

* TS. Nguyễn Minh Vũ, Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng đoàn đàm phán Công ước. Duyệt đăng 23/1/2/2025. Email: nguyen_minhvu@yahoo.com

** ThS. Nguyễn Hữu Phú, thành viên Đoàn đàm phán

*** PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Yến, Trường Đại học Luật Hà Nội

[1] General Assembly, United Nations Convention against Cybercrime; Strengthening International Cooperation for Combating Certain Crimes Committed by Means of Information and Communications Technology Systems and for the Sharing of Evidence in Electronic Form of Serious Crimes, https://documents.un.org/doc/undoc/ gen/n24/426/74/pdf/n2442674.pdf, truy cập ngày 16/4/2025

[2] Nga là quốc gia đưa ra sáng kiến về việc xây dựng Công ước quốc tế về chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vì mục đích tội phạm.

[3] Theo tính toán của các bên, việc đàm phán ở New York sẽ tạo điều kiện cho tất cả 193 thành viên LHQ cử đại diện tham dự (tuy nhiên sẽ không chuyên sâu về tội phạm); còn việc đàm phán tại Viên, Áo sẽ tận dụng được chuyên môn về hợp tác phòng chống tội phạm (tuy nhiên sẽ chỉ có khoảng 125 nước có Cơ quan đại diện – trong đó nhiều nước châu Phi và Mỹ La-tinh không có cơ quan tại Viên).

[4] https://www.unodc.org/documents/Cybercrime/AdHocCommittee/Website/AHC_Road_map.pdf

[5] Trong đó Microsoft có ý kiến bằng văn bản cho tất cả 8 phiên đàm phán và đóng vai trò điều phối quan điểm của nhóm Big Tech tại AHC.

[6] Chủ tịch AHC đã lựa chọn 20 nhóm các điều khoản có nhiều ý kiến khác nhau lớn và chỉ định 20 điều phối viên; trong đó Việt Nam được lựa chọn là điều phối viên cho Nhóm 6 (Nhóm quy định về biện pháp nghiệp vụ điều tra).

[7] Bao gồm các vấn đề như: (i) Tên gọi của Công ước; (ii) Các quy định về bảo vệ quyền con người; (iii) Phạm vi hình sự hóa của Công ước; (iv) Phạm vi hợp tác quốc tế của Công ước; (vi) Các điều kiện khi tiếp hành nghiệp vụ điều tra; (v) Việc khởi động đàm phán Nghị định thư về hình sự hóa nhằm bổ sung cho Công ước.

[8] General Assembly, United Nations Convention against Cybercrime; Strengthening International Cooperation for Combating Certain Crimes Committed by Means of Information and Communications Technology Systems and for the Sharing of Evidence in Electronic Form of Serious Crimes, https://documents.un.org/doc/undoc/ gen/n24/426/74/pdf/n2442674.pdf, truy cập ngày 16/4/2025

[9] Khi thông qua Nghị quyết 74/247, ĐHĐ LHQ đã phải tiến hành bỏ phiếu với số phiếu sít sao 79 ủng hộ (của Nga, Trung Quốc, phần lớn châu Á và châu Phi); với 60 phản đối (Mỹ, châu Âu) và 33 nước bỏ phiếu trắng (chủ yếu là Nam Mỹ).

[10] Công ước Budapest của Hội đồng nhân quyền châu Âu được ký năm 2001, đến nay có hơn 65 quốc gia thành viên; việc tham gia Công ước Budapest đòi hỏi đồng thuận của toàn bộ các thành viên hiện có; Mỹ và Nga đều tham gia đàm phán Công ước này với tư cách quan sát viên nhưng chỉ có Mỹ ký (năm 2001) và phê chuẩn (năm 2007), còn Nga phản đối do nhận thấy Công ước không ghi nhận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

[11] Trung Quốc và Nga luôn đề xuất việc hợp tác quốc tế, nhất là trao đổi chứng cứ số, cần áp dụng cho tất cả các loại tội danh của các nước, chứ không chỉ các tội danh mà Công ước ghi nhận.

[12] Sau khi đạt mục tiêu đồng bộ hóa với Công ước Budapest, nhằm tránh khả năng mất kiểm soát với tiến trình triển khai Công ước ở cấp độ LHQ, Mỹ-EU tiếp tục đòi hỏi việc phát triển Công ước chỉ được tiến hành khi có 60 quốc gia thành viên (với tính toán rằng Nga-TQ không thể tự thúc đẩy được và buộc phải chờ Mỹ-EU tham gia Công ước).

[13] Theo dự kiến, các nước đã tham gia Budapest sẽ không cần đầu tư thêm nguồn lực để thực hiện Công ước và có thể áp dụng trực tiếp; các thông tin trao đổi mà Mỹ có thể cung cấp cho nước ngoài dự kiến sẽ chỉ gồm dữ liệu kết nối (có khối lượng nhỏ), chứ không bao gồm dữ liệu nội dung (là kho dữ liệu chủ yếu của các tập đoàn công nghệ).

[14] Trên thực tế, Mỹ áp dụng biện pháp này trên cơ sở Luật về sử dụng dữ liệu ở nước ngoài (Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act or CLOUD Act - CLOUDS Act); đến nay UK và EU đang đàm phán trực tiếp với Mỹ để cho phép các cơ quan chức năng được yêu cầu các tập đoàn công nghệ Mỹ cung cấp dữ liệu; thay vì chuyển qua cơ quan trung ương.

[15] Khác với Việt Nam, các nước theo hệ thống chính thể liên bang (như Mỹ, Brazil, Úc…) tồn tại nhiều hệ thống quy định nội bộ khác nhau về không gian mạng; trong đó chỉ một số tiểu bang phát triển về công nghệ như California, New York có các luật riêng cho không gian mạng như bảo vệ dữ liệu hoặc chứng cứ số. Bản thân giữa các nước EU cũng không có quy định thống nhất về tiêu chuẩn chứng cứ số.

[16] Mỹ và EU có quan điểm khác nhau về quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân – trong khi EU muốn áp đặt các tiêu chuẩn theo GDPR thì Mỹ không có luật cấp liên bang về bảo vệ dữ liệu cá nhân nên từ chối ủng hộ đề xuất này.

[17] Thời gian qua, Mỹ triển khai sáng kiến chống mã độc tống tiền (Counter Ransomware Initiative – CRI); trong đó có trực tiếp hỗ trợ nhiều vụ việc cho các nước Mỹ La-tin nhưng tạo nguy cơ lệ thuộc cho các nước này vào năng lực công nghệ của Mỹ.

[18] Như Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 hoặc Công ước về sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ (COPOUS).

[19] Do Viet Cuong & Nguyen Qung Ha, Việt Nam được cho là một bên tham gia tích cực vào quá trình đàm phán hiệp ước, thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, điều này đã giành được sự tin tưởng và đánh giá cao của Liên hợp quốc và các quốc gia đối tác, Vietnam Law and Legal Forum, https://vietnamlawmagazine.vn/hanoi-convention-against-cybercrime-a-milestone-for-the-world-and-vietnam-73746.html, truy cập ngày 20/6/2025

[20] Do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

[21] Đoàn đàm phán do Bộ Ngoại giao chủ trì có sự tham gia của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao. Tại đàm phán, Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất về nội dung, đã được ghi nhận và phản ánh tại dự thảo Công ước, ví dụ hoạt động của các chuyên gia an ninh mạng, thủ tục hiệu lực của Công ước.

[22] Bao gồm Điều 2 về quản lý tài sản ảo, Điều 6.2 về bảo vệ quyền con người và Điều 16 về hành vi phát tán ảnh nhạy cảm.

[23] Cổng thông tin điện tử Đảng cộng ssnr Việt Nam, Lễ ký Công ước Hà Nội: Bước phát triển mới của Việt Nam trong đối ngoại đa phương, https://dangcongsan.org.vn/bongoaigiao/lists/tinhoatdong/view_detail.aspx?itemid= 2806, truy cập ngày 16/4/2025

[24] Nguồn: https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-biet, truy cập ngày 15/4/2025

[25] Bruce M, Lusthaus J, Kashyap R, Phair N, Varese F (2024) Mapping the global geography of cybercrime with the World Cybercrime Index. PLoS ONE 19(4): e0297312. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0297312

[26] “Viettel công bố Báo cáo tình hình An ninh mạng tại Việt Nam năm 2024”, https://viettel.com.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/tin-tuc/viettel-cong-bo-bao-cao-tinh-hinh-an-ninh-mang-tai-viet-nam-nam-2024/, truy cập ngày 16/4/2025

[27] Trần Trọng Hoàn, Ngô Anh Hoàng, Nhận diện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội và một số giải pháp phòng, chống, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ddnhnn/nctd/nctd_ chitiet?centerWidth=100%25&dDocName=SBV615294&leftWidth=0%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=iwho0yrkz_9&_afrLoop=20293597510991755#%40%3F_afrLoop%3D20293597510991755%26centerWidth%3D100%2525%26dDocName%3DSBV615294%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D17lfptauw0_4, truy cập ngày 16/4/2025

[28] “Viettel công bố Báo cáo tình hình An ninh mạng tại Việt Nam năm 2024”, https://viettel.com.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/tin-tuc/viettel-cong-bo-bao-cao-tinh-hinh-an-ninh-mang-tai-viet-nam-nam-2024/, truy cập ngày 16/4/2025

[29] Như trên

Cùng chuyên mục

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng và kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 phút trước

(PLPT) - Bài viết phân tích những điểm tiến bộ cũng như những thách thức phát sinh trong quá trình thực thi các quy định pháp luật của Ấn Độ về thành viên độc lập Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần đại chúng.

Ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận phê bình nghệ thuật và trách nhiệm hình sự: Nghiên cứu trường hợp bình luận phim trên nền tảng số

Ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận phê bình nghệ thuật và trách nhiệm hình sự: Nghiên cứu trường hợp bình luận phim trên nền tảng số

Nghiên cứu lý luận -  2 phút trước

(PLPT) - Bài viết phân tích mối quan hệ giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi review phim dưới góc độ pháp luật hình sự Việt Nam và quốc tế.

Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến

Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến

Nghiên cứu lý luận -  5 phút trước

(PLPT) - Bài viết làm rõ các khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến như đặc điểm và nhu cầu bảo hộ, đối tượng được bảo hộ, điều kiện bảo hộ và các nội dung pháp lý nổi bật liên quan cũng như kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của trò chơi điện tử trực tuyến hiện nay tại Việt Nam.

Quấy rối tình dục qua môi trường trực tuyến trong không gian làm việc số

Quấy rối tình dục qua môi trường trực tuyến trong không gian làm việc số

Nghiên cứu lý luận -  6 ngày trước

(PLPT) - Bài viết này phân tích hiện tượng quấy rối tình dục trực tuyến tại nơi làm việc số dưới góc độ pháp lý, nhằm nhận diện rõ các hành vi phổ biến và đánh giá khung pháp luật hiện hành, đồng thời chỉ ra những khoảng trống pháp lý trong việc phòng ngừa, xử lý các hành vi này.

So sánh pháp luật EU và Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến và khuyến nghị cho Việt Nam

So sánh pháp luật EU và Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến và khuyến nghị cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết phân tích quy định pháp luật và đánh giá thực trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng tại Việt Nam khi tham gia mua sắm trực tuyến. Đồng thời, bài viết phân tích một số quy định có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu (General Data Protection Regulation - GDPR), từ đó, đưa ra một số khuyến nghị trong việc hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam, nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Quyền tiếp cận tài nguyên nước (Blue Rights): Pháp luật, thách thức và những gợi mở cho Việt Nam

Quyền tiếp cận tài nguyên nước (Blue Rights): Pháp luật, thách thức và những gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp pháp lý và chiến lược đa tầng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi các quyền này. Những khuyến nghị chính bao gồm hài hòa hóa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả thực thi, giám sát và thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình, tăng cường hợp tác và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới hiệu quả. Bài viết khẳng định bảo vệ Blue Rights là nghĩa vụ pháp lý quan trọng để đạt Mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo tương lai bền vững cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết này tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực: luật Thương mại về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh; luật sở hữu trí tuệ; luật tài chính, chứng khoán, ngân hàng và tín dụng; luật thuế.

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết này phân tích những quy định pháp luật về khởi kiện dân sự đề thu hồi tài sản tham nhũng và các ví dụ liên quan đến thực tiễn tại một số quốc gia, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.