Nghiên cứu lý luận

Ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận phê bình nghệ thuật và trách nhiệm hình sự: Nghiên cứu trường hợp bình luận phim trên nền tảng số

Trịnh Duy Thuyên Thứ sáu, 25/07/2025 - 09:15
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết phân tích mối quan hệ giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi review phim dưới góc độ pháp luật hình sự Việt Nam và quốc tế.

Tóm tắt: Bài viết phân tích mối quan hệ giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi review phim dưới góc độ pháp luật hình sự Việt Nam và quốc tế. Thông qua đối chiếu các chuẩn mực quốc tế (như Điều 19 Công ước ICCPR), thực tiễn pháp luật tại Pháp, Đức, Anh, Mỹ và quy định hiện hành tại Việt Nam (các điều 155, 156, 331 BLHS 2015), nghiên cứu chỉ ra ranh giới giữa phê bình nghệ thuật hợp pháp và hành vi vượt ngưỡng pháp luật hình sự. Bằng cách kết hợp phương pháp định tính và định lượng, tác giả đề xuất hệ thống tiêu chí và mô hình thang đo 0–3 nhằm hỗ trợ đánh giá sơ bộ hành vi review phim có vi phạm pháp luật hay không, đồng thời góp phần ngăn ngừa tình trạng hình sự hóa quyền tự do biểu đạt. Kết quả nghiên cứu mở ra hướng tiếp cận mới để lượng hóa yếu tố “nguy hiểm cho xã hội” trong thực tiễn xét xử và xây dựng chính sách hình sự phù hợp.

Từ khóa: Bình luận phim; quyền tự do ngôn luận; pháp luật hình sự; biểu đạt nghệ thuật; trách nhiệm pháp lý.

Abstract: This paper analyzes the intersection between the right to freedom of expression and the act of film reviewing within the context of Vietnamese criminal law and comparative international standards. By referencing key instruments such as Article 19 of the ICCPR and legal frameworks in France, Germany, the UK, and the US, the research delineates the legal boundary between legitimate artistic critique and criminally liable speech. Employing both qualitative and quantitative approaches, the study introduces a 0–3 scale and a set of evaluation criteria to preliminarily assess whether a film review constitutes a legal offense. The findings contribute to preventing the over-criminalization of free expression while suggesting an evidence-based approach to assess “social harmfulness” in legal proceedings and criminal justice policymaking.

Keywords: film review; freedom of expression; criminal law; artistic expression; legal liability.

I. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, hành vi bình luận, đánh giá tác phẩm điện ảnh (bình luận film) đã trở thành một hiện tượng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook. Bình luận phim không chỉ đơn thuần là biểu hiện của thị hiếu cá nhân, mà còn là một dạng hành vi truyền thông công khai có ảnh hưởng xã hội rõ rệt, có thể tác động trực tiếp đến uy tín cá nhân, doanh thu phim ảnh, và thậm chí kích thích dư luận phản ứng tiêu cực. Vấn

đề đặt ra là: ở ranh giới nào thì một hành vi bình luận phim vốn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam?

Luật hình sự Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể về hành vi bình luận phim. Tuy nhiên, nhiều vụ việc thực tiễn thời gian qua cho thấy hành vi này có thể bị xử lý hình sự dưới các tội danh như: làm nhục người khác (Điều 155), vu khống (Điều 156), hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331). Sự đa dạng trong các quy phạm được viện dẫn, cùng với tính chất khó định lượng của hành vi biểu đạt, đã dẫn đến sự thiếu nhất quán trong áp dụng pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ hình sự hóa quyền tự do biểu đạt vốn được bảo vệ tại Điều 25 Hiến pháp 2013 và Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Hiện nay, hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới cũng có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) trong vụ Handyside v. United Kingdom (Handyside kiện Vương quốc Anh) năm 1976, từng xác định rằng quyền tự do ngôn luận bao gồm cả những phát ngôn "gây sốc, xúc phạm hoặc làm phiền", miễn là không vượt quá giới hạn cần thiết trong một xã hội dân chủ. Trong khi đó, các hệ thống luật hình sự như Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh áp dụng mô hình phân tầng mức độ nguy hiểm của hành vi (structured discretion) để định hướng truy tố, giúp tránh việc áp đặt tùy tiện các tội danh hình sự đối với các phát ngôn công khai.

Xuất phát từ nhu cầu đó, nghiên cứu này đề xuất một thang đo ba bậc để đánh giá nguy cơ vi phạm hình sự trong hành vi bình luận phim, dựa trên các biến số như mức độ lỗi, hậu quả thực tế, phạm vi lan truyền, động cơ thu lợi và tính chất ngôn từ. Thang đo không nhằm thay thế quy phạm hình sự, mà hướng tới chuẩn hóa nhận thức về ranh giới giữa hành vi hợp pháp và hành vi nguy hiểm, từ đó hỗ trợ tư duy định tội mang tính hệ thống, minh bạch và có thể tiên lượng trong thời đại số hoặc làm căn cứ để ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể

II. Nội dung

2.1 Quy định của pháp luật quốc tế về quyền tự do ngôn luận và giới hạn hợp pháp

Quyền tự do ngôn luận được thừa nhận là một trong những quyền nền tảng trong hệ thống quyền con người hiện đại, đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo đảm vận hành của một xã hội dân chủ. Quyền này cho phép cá nhân không chỉ giữ và phát biểu ý kiến riêng, mà còn tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, bất kể hình thức hay phương tiện. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là quốc gia thành viên, đã ghi nhận đầy đủ các khía cạnh của quyền tự do ngôn luận và coi đây là một trụ cột của quyền công dân và quyền chính trị[1]. Mặc dù mang tính bao quát cao nhưng quyền này không phải là tuyệt đối. Khoản 3 của Điều 19 cho phép các quốc gia thành viên áp dụng những giới hạn nhất định, với ba điều kiện bắt buộc: sự hạn chế phải được quy định bởi pháp luật; có mục tiêu chính đáng như bảo vệ danh dự cá nhân, an ninh quốc gia hay trật tự công cộng; và điều quan trọng nhất, sự giới hạn đó phải cần thiết và tương xứng trong một xã hội dân chủ. Sự giới hạn có kiểm soát này đã được Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc cụ thể hóa trong Bình luận chung số 34 (General Comment No. 34), nhấn mạnh rằng bất kỳ hình thức hạn chế nào cũng phải tránh việc sử dụng pháp luật như một công cụ giới hạn tùy tiện các quan điểm phản biện hoặc bất đồng chính kiến[2]. Như vậy, cũng chính trong chính điều khoản này, pháp luật quốc tế khẳng định rằng tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối. Việc giới hạn quyền này được cho phép nếu tuân thủ nghiêm ngặt ba nguyên tắc: phải được quy định bởi pháp luật, phải phục vụ một mục đích chính đáng và phải là biện pháp cần thiết, tương xứng trong một xã hội dân chủ. Điều này có nghĩa là Nhà nước chỉ được can thiệp khi sự biểu đạt vượt qua ngưỡng chịu đựng thông thường của xã hội và có thể gây tổn hại thực sự đến các lợi ích cần bảo vệ như danh dự, trật tự công cộng hay quyền riêng tư.

Từ góc nhìn học thuật, nhiều học giả quốc tế đã nêu bật vai trò thiết yếu của quyền tự do ngôn luận như một điều kiện tiên quyết để đảm bảo các quyền khác. Michael O’Flaherty, một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đã phân tích sâu về mối liên hệ giữa quyền tự do ngôn luận và sự phát triển toàn diện của cá nhân trong xã hội dân chủ. Ông cho rằng quyền này chính là “mạch máu của dân chủ”[3], bởi nó tạo điều kiện cho sự trao đổi ý kiến, phản biện chính sách và giám sát quyền lực nhà nước. Trong khi đó, David Kaye - Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh rằng trong thời đại kỹ thuật số, quyền tự do ngôn luận đang đối mặt với những nguy cơ mới như kiểm duyệt trực tuyến, theo dõi số hóa và hạn chế truy cập thông tin. Ông cảnh báo rằng các quốc gia cần thận trọng khi áp dụng biện pháp hạn chế, bởi những hành động này nếu không được kiểm soát sẽ làm xói mòn nền tảng pháp quyền[4]. Tuy nhiên, trái với quan điểm bảo vệ tối đa không gian biểu đạt, học giả Eric Barendt trong tác phẩm kinh điển Freedom of Speech lại nhấn mạnh rằng quyền tự do ngôn luận không thể được nhìn nhận như một quyền tuyệt đối mà phải được giới hạn hợp lý nhằm bảo vệ các quyền nhân phẩm, danh dự và đời tư của người khác. Ông lập luận rằng các nhà nước dân chủ có thể và nên đặt ra giới hạn rõ ràng đối với các biểu đạt gây tổn hại thực tế chẳng hạn như xuyên tạc, vu khống, công kích cá nhân ngay cả khi chúng xảy ra trong bối cảnh tranh luận nghệ thuật hay xã hội[5]. Theo Barendt, tự do ngôn luận chỉ có giá trị thực sự nếu nó được thực thi trong khuôn khổ của một môi trường pháp lý có trật tự, nơi mà các quyền con người khác bao gồm cả quyền không bị bôi nhọ cũng được bảo đảm công bằng. Điều này phản ánh một hướng tiếp cận cân bằng giữa bảo vệ không gian dân chủ và kiểm soát các hành vi lạm dụng quyền biểu đạt nhằm gây tổn thương hoặc thao túng dư luận.

Chính sự căng thẳng giữa hai cực giá trị bảo vệ quyền tự do cá nhân và bảo vệ lợi ích hợp pháp của cộng đồng đã khiến cho các hành vi tự do ngôn luận trong thời đại số trở nên dễ bị đặt vào vòng giám sát pháp lý (bình luận phim là một trường hợp điển hình). Bình luận phim, về bản chất, là một dạng biểu đạt mang tính nhận xét, đánh giá cá nhân hoặc cộng đồng về một sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Nó thường chứa đựng sự pha trộn giữa thông tin, cảm xúc, phân tích nghệ thuật và cả hàm ý xã hội. Trong nhiều trường hợp, nó đóng vai trò như một diễn đàn mở, nơi công chúng thực hiện quyền phán xét và tiếp nhận tác phẩm văn hóa không qua kênh chính thống. Tuy nhiên, chính vì tính công khai và ảnh hưởng sâu rộng của nó, bình luận phim có thể dễ dàng chạm vào những vùng pháp lý nhạy cảm: xúc phạm danh dự cá nhân (diễn viên, đạo diễn), làm tổn hại doanh thu kinh doanh (hãng phát hành), vi phạm bản quyền (trích đoạn hình ảnh, nội dung phim) hoặc kích động định kiến xã hội qua ngôn từ sai lệch.

Vấn đề pháp lý đặt ra là: khi nào một bình luận phim còn là sự biểu đạt hợp pháp, và khi nào nó đã vượt qua giới hạn cần được chế tài? Trong khung pháp luật quốc tế, tiêu chuẩn để xác định ranh giới này chính là nguyên tắc “ba tầng kiểm tra” (three-part test) của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc: tính pháp luật, tính chính đáng và tính tương xứng. Nếu một quốc gia hình sự hóa hành vi bình luận mà không quy định cụ thể thế nào là xúc phạm, thế nào là vu khống, mức độ nào là đủ nghiêm trọng để truy tố hình sự, thì điều đó vi phạm nguyên tắc “nullum crimen sine lege” không có tội nếu không có luật rõ ràng[6]. Án lệ Lingens v. Austria của Tòa án Nhân quyền châu Âu cũng khẳng định rằng các phát ngôn mang tính đánh giá đặc biệt trong không gian nghệ thuật và báo chí cần được bảo vệ ở mức độ cao hơn, bởi chúng có vai trò then chốt trong giám sát xã hội và thúc đẩy tự do tư tưởng[7]. Tòa án cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi biểu đạt gây tranh cãi hoặc làm tổn thương danh dự, nếu không kèm theo thông tin sai sự thật hoặc không có ác ý rõ ràng, thì vẫn thuộc phạm vi được bảo vệ.

Trong thực tiễn quốc tế, nhiều quốc gia đã xây dựng các hệ thống pháp luật rất cụ thể để vừa bảo vệ quyền biểu đạt, vừa kiểm soát những hành vi đi quá giới hạn. Anh quốc áp dụng nguyên tắc “honest opinion” trong Luật Phỉ báng năm 2013[8], theo đó người bình luận được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được ý kiến đưa ra là thành thật và có cơ sở thực tế. Hoa Kỳ với Tu chính án số 1 có truyền thống bảo vệ phát ngôn mạnh mẽ, chỉ giới hạn trong các trường hợp cực đoan như ngôn từ thù hận hoặc kích động bạo lực[9].

Pháp và Đức hai quốc gia theo truyền thống civil law đều đặc biệt coi trọng quyền bảo vệ danh dự và nhân phẩm cá nhân, thể hiện qua các quy định chặt chẽ trong luật dân sự và luật hình sự về phỉ báng, vu khống và xúc phạm danh dự. Tuy nhiên, cả hai nước này vẫn duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa “phê bình nghệ thuật” (critique artistique) với mục đích đóng góp cho diễn ngôn xã hội và “công kích cá nhân” (attaque personnelle) mang tính bôi nhọ hoặc thù hận. Điểm cốt lõi trong pháp luật Pháp và Đức là sự thừa nhận rằng hoạt động phê bình dù gay gắt đối với một tác phẩm văn hóa không đồng nghĩa với hành vi vi phạm pháp luật, nếu không có hành vi cụ thể nào vượt khỏi ranh giới của tự do biểu đạt.

Tại Pháp, Bộ luật Báo chí năm 1881 (Loi sur la liberté de la presse)[10] quy định rất rõ ràng về các tội liên quan đến phỉ báng và vu khống, nhưng đồng thời cũng cho phép biện minh nếu người viết hoặc người phát ngôn có “chứng cứ trung thực” (exceptio veritatis) hoặc “thiện chí trong biểu đạt” (bonne foi). Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các tòa án Pháp thường viện dẫn quyền tự do sáng tạo và tự do nghệ thuật (liberté artistique), được xem là nhánh của tự do biểu đạt theo Hiến pháp 1958 và Công ước châu Âu về Nhân quyền1. Vì vậy, các bình luận phim trừ trường hợp có yếu tố kỳ thị, bịa đặt hoặc xúc phạm danh dự cá nhân cụ thể không bị xem là hành vi hình sự.

Tại Đức, Điều 5 của Luật Cơ bản (Grundgesetz) quy định rằng “mọi người có quyền tự do thể hiện và phổ biến ý kiến bằng lời nói, văn bản và hình ảnh”, nhưng cũng lưu ý rằng quyền này “không được xâm phạm đến danh dự của người khác”[11]. Tuy nhiên, các Tòa án Đức thường áp dụng phương pháp “cân bằng lợi ích” (Güterabwägung) giữa quyền tự do biểu đạt và quyền bảo vệ danh dự. Trong phán quyết nổi bật năm 2000 (BVerfGE 93, 266), Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức nhấn mạnh rằng ngay cả những phát ngôn mang tính xúc phạm nếu nằm trong khuôn khổ tranh luận công khai và mang tính phản biện xã hội như trong lĩnh vực nghệ thuật thì cũng cần được bảo vệ cao hơn. Đây là lý do tại sao việc bình luận phim, kể cả những bài có nội dung gay gắt hoặc gây tranh cãi, không bị hình sự hóa trừ khi có thêm các yếu tố cấu thành như lời đe dọa, thông tin sai lệch gây hậu quả nghiêm trọng hoặc kích động thù hận.

Mặt khác, các quốc gia này còn quy định rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm tự do biểu đạt phải thông qua thủ tục tố tụng nghiêm ngặt, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền được bào chữa và xét xử công bằng. Điều này tạo nên rào cản pháp lý quan trọng để ngăn chặn tình trạng hình sự hóa tùy tiện các hành vi bình luận, đặc biệt trong bối cảnh internet nơi giới hạn giữa biểu đạt cá nhân và ảnh hưởng công cộng ngày càng mong manh.

Từ các tiếp cận đó, có thể khẳng định rằng hành vi bình luận phim xét dưới góc độ pháp luật quốc tế đương nhiên được bảo vệ như một phần của quyền tự do ngôn luận. Việc xử lý hành vi này bằng biện pháp hình sự chỉ được cho phép nếu quốc gia ban hành quy định minh bạch, xác định rõ ràng hành vi vi phạm, chứng minh được mức độ gây tổn hại thực sự và đảm bảo không vi phạm nguyên tắc tương xứng. Những điều kiện này không phải là tùy nghi, mà là chuẩn mực pháp lý bắt buộc theo thông lệ quốc tế. Nếu không đáp ứng, mọi giới hạn kể cả dưới hình thức xử phạt hành chính hay hình sự đều tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nghĩa vụ quốc tế của quốc gia đó, trong đó có Việt Nam.

2.2 Khung pháp lý Việt Nam về quyền tự do ngôn luận và vấn đề đặt ra đối với hành vi bình luận phim

Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận được ghi nhận như một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình theo quy định của pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiến định hóa các quyền con người tại Việt Nam, thể hiện sự cam kết của nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do biểu đạt trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, quyền này không được thừa nhận như một quyền tuyệt đối mà luôn đi kèm với điều kiện “theo quy định của pháp luật”[12], nghĩa là có thể bị giới hạn nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Sự giới hạn đó được cụ thể hóa thông qua các đạo luật chuyên ngành, BLHS có các tội danh liên quan đến hành vi bình luận phim như:

Tội danhĐiều LuậtTình huống áp dụng trong Bình luận phim
Tội Vu khống156Bình luận đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự người khác, gây thiệt hại nặng
Tội làm nhục người khác155Dùng từ ngữ miệt thị, xúc phạm nặng nề qua video hoặc bài viết bình luận
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân331Bình luận phim gắn với luận điệu chống Nhà nước, xuyên tạc lịch sử

Do đó, để xác định bình luận phim có cấu thành tội phạm hay không phải dựa trên từng tội danh, cụ thể:

Thứ nhất, Hành vi bình luận phim có thể xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân như diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, hoặc gây phương hại đến trật tự công cộng và an toàn thông tin; đây là những khách thể đặc biệt được pháp luật hình sự bảo vệ. Cụ thể, theo Điều 155 và Điều 156 BLHS, khách thể bị xâm phạm là các quyền nhân thân của cá nhân, bao gồm danh dự, nhân phẩm và uy tín; và theo Điều 331, khách thể bị xâm phạm là hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước cùng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân trước các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vu khống hoặc kích động dư luận tiêu cực.

Thứ hai, hành vi bình luận sẽ bị coi là có dấu hiệu tội phạm nếu nội dung thể hiện dưới dạng lời nói, hình ảnh, văn bản đăng tải trên mạng xã hội hoặc phương tiện công cộng có tính chất xúc phạm, bịa đặt, nhục mạ hoặc xuyên tạc sự thật: Điều 155, phải có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác một cách trực tiếp, như dùng từ ngữ hạ thấp, miệt thị, ví von mang tính làm nhục; Điều 156, hành vi phải là đưa ra thông tin không đúng sự thật, bịa đặt hoặc loan truyền điều biết rõ là sai nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người khác và Điều 331, hành vi phải là lợi dụng hình thức phát ngôn (ở đây là bình luận phim) nhằm mục đích xâm phạm lợi ích của người khác, ví dụ như kích động, làm ảnh hưởng uy tín cơ quan công quyền, gây bất ổn xã hội.

Thứ ba, người bình luận phim chỉ bị truy cứu nếu là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi luật định (từ 16 tuổi trở lên, hoặc 14 tuổi nếu tội danh được liệt kê tại Điều 12 BLHS với tội nghiêm trọng, tuy nhiên các tội nêu trên yêu cầu từ 16 tuổi).

Thứ tư, các tội danh liên quan đến ngôn luận thường được xác định dưới hình thức lỗi cố ý, tức người thực hiện biết rõ nội dung bình luận là xúc phạm, bịa đặt hoặc gây thiệt hại, nhưng vẫn thực hiện vì động cơ như trả đũa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, hoặc thu hút sự chú ý. Đặc biệt, với Điều 156 và 331, cần xác định rõ ý thức của người viết về tính sai lệch và hệ quả của thông tin đã đăng tải.

Từ việc phân tích đầy đủ các yếu tố cấu thành, có thể khẳng định rằng không phải mọi hành vi bình luận phim đều bị xem là tội phạm, mà chỉ khi hội đủ điều kiện cấu thành theo luật định. Tuy nhiên, chính tại đây xuất hiện bất cập trong khung pháp lý và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam.

Một là, Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về “phê bình nghệ thuật” và chưa phân biệt được đâu là biểu đạt hợp pháp, đâu là công kích cá nhân. Đây là bất cập pháp lý có tính hệ thống, do chưa có tiêu chí định lượng đánh giá nội dung bình luận và chưa có hướng dẫn xét xử thống nhất hoặc án lệ. Ví dụ, Điều 331 BLHS quy định hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với hậu quả “xâm phạm lợi ích” nhưng không đưa ra tiêu chí định lượng nào cho mức độ xâm phạm, hậu quả thực tế hay giới hạn hành vi biểu đạt được cho phép. Điều này dẫn đến khả năng bị diễn giải tùy tiện, làm dấy lên lo ngại về việc hình sự hóa các nội dung phản biện, bao gồm cả các bình luận phim có tính chất phê bình xã hội hoặc nghệ thuật.

Hai là, các quy định như Điều 155 và 156 BLHS và văn bản quy phạm pháp luật khác vẫn thiếu cơ chế phân biệt rõ ràng giữa phê bình nghệ thuật hợp pháp và công kích cá nhân bất hợp pháp. Trong khi tại Đức, phê bình văn hóa và nghệ thuật được đặt trong bối cảnh xã hội rộng hơn và được bảo vệ dưới khung tự do sáng tạo (Artistic Freedom), thì tại Việt Nam, việc đánh giá ranh giới giữa “chỉ trích” và “làm nhục” phần lớn vẫn dựa vào cảm nhận chủ quan của người bị chỉ trích hoặc cơ quan điều tra mà chưa có một cơ chế để xác định tính hợp pháp của nội dung đó theo tiêu chuẩn tự do biểu đạt.

Ba là, hiện nay cũng chưa có cơ chế bảo vệ biểu đạt nghệ thuật như một quyền hiến định độc lập. Mặc dù Điều 41 Hiến pháp 2013 có đề cập quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nhưng các quyền này chưa được cụ thể hóa trong luật chuyên ngành để bảo vệ người biểu đạt trong khuôn khổ bình luận phim. Một bất cập khác là thiếu cơ chế tự điều chỉnh trong cộng đồng sáng tạo nội dung. Tại nhiều quốc gia, các nền tảng số, hiệp hội nhà báo hoặc tổ chức đánh giá phim có hệ thống quy tắc đạo đức (codes of conduct) để điều chỉnh hành vi của người bình luận, hạn chế khả năng xâm phạm bằng cơ chế phi hình sự. Trong khi đó, tại Việt Nam, các biện pháp xử lý chủ yếu thiên về hành chính hoặc hình sự, thiếu trung gian hòa giải hoặc phản biện xã hội mang tính xây dựng. Điều này không chỉ gây nên hiệu ứng tự kiểm duyệt mà còn triệt tiêu tính năng phản biện vốn là chức năng cốt lõi của tự do ngôn luận trong một xã hội dân chủ.

Do đó, khi thiếu các cơ chế này có thể dẫn đến nguy cơ hình sự hóa các bài bình luận không nhằm mục đích xấu nhưng có nội dung tiêu cực, phản biện. Điều này tạo ra hiệu ứng “tự kiểm duyệt”, làm giảm chất lượng tranh luận công khai và không gian sáng tạo nghệ thuật, điều mà chính Điều 19 ICCPR khuyến cáo nên bảo vệ. Trong bối cảnh số hóa và sự lan truyền thông tin tức thời, nhà làm luật cần xây dựng các tiêu chí cụ thể đánh giá hành vi bình luận phim có tính xúc phạm hay không (chẳng hạn mức độ chỉ trích, yếu tố cá nhân hóa, thiệt hại thực tế). Đồng thời, cần phát triển bộ nguyên tắc hướng dẫn áp dụng tội danh liên quan đến ngôn luận, và khuyến khích Tòa án tối cao ban hành án lệ phân biệt giữa quyền biểu đạt và hành vi vi phạm pháp luật.

2.3 Kiến nghị đề xuất

Trong bối cảnh chuyển đổi số, hành vi bình luận phim đặc biệt là các nội dung mang tính phê bình mạnh mẽ, đã và đang tạo ra tranh luận pháp lý liên quan đến giới hạn của quyền tự do ngôn luận. Để xác định khi nào hành vi bình luận phim vượt ngưỡng pháp luật, cấu thành hành vi phạm tội theo BLHS Việt Nam (các điều 155, 156, 331 BLHS), cần xây dựng một hệ thống đánh giá định lượng (thang đo) và định tính tích hợp, giúp lượng hóa mức độ nguy hiểm cho xã hội và yếu tố lỗi của chủ thể từ đó làm căn cứ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc bộ tiêu chí để thống nhất thực hiện

2.3.1 Cơ sở lý luận của kiến nghị

Mặc dù hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành không đòi hỏi sự tồn tại của một thang đo định lượng cụ thể để định tội danh, tuy nhiên theo quan điểm của tác giả, việc xây dựng các công cụ hỗ trợ định lượng là cần thiết để phân tích sâu bản chất cấu thành tội phạm và đánh giá nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động xét xử. Theo Điều 8 BLHS, một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi "có tính nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự", nghĩa là không phải mọi hành vi trái pháp luật đều bị truy tố. Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải chứng minh được bốn yếu tố cấu thành tội phạm: chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan. Về nguyên tắc, nếu những điều kiện này được chứng minh đầy đủ, thì không cần bất kỳ thang đo phụ trợ nào, hành vi vẫn có thể bị định tội và xử lý theo quy định của BLHS.

Thực tiễn pháp lý cho thấy rằng ranh giới giữa hành vi mang tính vi phạm hành chính và hành vi cấu thành tội phạm không phải lúc nào cũng rạch ròi, đặc biệt trong lĩnh vực phát ngôn công khai như bình luận phim, nơi quyền tự do biểu đạt và giới hạn pháp lý thường xuyên xảy ra xung đột. Trong các vụ án về tội vu khống (Điều 156), làm nhục người khác (Điều 155), hay lợi dụng quyền tự do dân chủ (Điều 331), việc đánh giá lỗi chủ quan, mức độ hậu quả và phạm vi ảnh hưởng đòi hỏi sự cân nhắc phức tạp, đôi khi mang nặng yếu tố cảm tính của người tiến hành tố tụng.

Chính vì vậy, tác giả đề xuất thang đo với các giá trị từ 0 (không vi phạm), 1 - 2 (vi phạm mức nhẹ đến trung bình), đến 3 (nguy cơ cấu thành tội phạm) không nhằm thay thế luật định, mà đóng vai trò là một công cụ chuẩn hóa nhận thức pháp lý và đảm bảo tính nhất quán trong áp dụng. Thang đo này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh số hóa thông tin và tính lan truyền mạnh mẽ của ngôn luận mạng, nơi một phát ngôn sai lệch có thể gây hậu quả nghiêm trọng ngoài ý định của người phát ngôn, nhưng chưa chắc đáp ứng đủ yếu tố cấu thành để bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự nguy hiểm của hành vi trong môi trường số không chỉ nằm ở nội dung mà còn nằm ở bối cảnh phát ngôn, phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng xã hội những yếu tố mà luật hiện hành vẫn để ngỏ về mặt lượng hóa.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa đã từng khẳng định rằng “khả năng áp dụng pháp luật hình sự đúng đắn và công bằng không chỉ phụ thuộc vào việc hiểu rõ nội dung điều luật, mà còn phụ thuộc vào việc đánh giá định lượng các yếu tố cấu thành”[13]. Cùng quan điểm đó, GS.TS Lê Cảm cũng cảnh báo rằng “sự thiếu chuẩn hóa trong đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội dẫn đến nguy cơ hình sự hóa quá mức các hành vi chưa đến ngưỡng truy tố”[14]. Ngoài ra, trong công trình kinh điển Principles of Criminal Law(các nguyên lý của luật hình sự), Andrew Ashworth nhấn mạnh rằng các hệ thống tư pháp như Anh cần áp dụng “structured discretion”[15] (cơ chế đánh giá theo cấu trúc) tức là quyền tự do đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng phải đi kèm với các cấu trúc đánh giá khách quan nhằm bảo đảm tính công bằng và tiên lượng được. Lý thuyết “structured discretion” đề xuất việc xây dựng các tiêu chí đánh giá rõ ràng nhằm hạn chế sự tùy tiện và đảm bảo quyền tự do ngôn luận không bị xâm phạm một cách bất hợp lý bởi các quyết định truy tố thiếu minh bạch. Điều này đặc biệt quan trọng khi đánh giá các hành vi bình luận phim trên mạng xã hội

Trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, không cần thang đo thì vẫn có thể định tội danh, vì luật hình sự hiện hành đã quy định đầy đủ điều kiện cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả có thang đo sẽ giúp đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và khả năng kiểm chứng trong áp dụng nhất là đối với những hành vi phức tạp về nội dung và khó đánh giá về động cơ, như phát ngôn trong các hoạt động bình luận phim. Thang đo sẽ không làm thay công cụ pháp lý hiện hành, nhưng đóng vai trò như một hệ quy chiếu học thuật và thực tiễn để lượng hóa các yếu tố nguy cơ hình sự hóa, góp phần bảo vệ ranh giới mong manh giữa quyền tự do ngôn luận và trật tự pháp lý trong xã hội dân chủ hiện đại.

2.3.2 Nội dung kiến nghị

Trong nghiên cứu này, thang đo (0 - 1 - 2 -3) được sử dụng như một công cụ đánh giá mức độ nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự trong hành vi bình luận phim. Việc lựa chọn thang đo này không mang tính tùy tiện mà được đặt trên nền tảng lý luận pháp luật hình sự và so sánh quốc tế. Nó không chỉ phản ánh bản chất của cơ chế truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn đảm bảo tính khả thi, định lượng và phân biệt rạch ròi giữa các mức độ vi phạm trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Khác với các thang đo 5 hoặc 7 bậc thường thấy trong nghiên cứu khoa học xã hội, vốn thiên về đo lường cảm xúc, mức độ đồng tình hay quan điểm chủ quan. Luật hình sự đòi hỏi một hệ thống đo lường rõ ràng, chính xác và phù hợp với cấu trúc pháp lý của tội phạm. Căn cứ Điều 8 BLHS, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quan hệ pháp luật được bảo vệ và chỉ được truy cứu khi hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể. Điều đó có nghĩa là không phải mọi hành vi gây hại đều bị coi là tội phạm, mà cần phân loại rõ: hành vi không đáng kể, hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức truy tố, và hành vi đủ điều kiện cấu thành tội phạm. Cách tiếp cận này tạo thành một cơ sở định lượng tự nhiên cho ba cấp bậc thang đo: (0) không vi phạm; (1–2) vi phạm có thể xử lý hành chính hoặc cảnh báo; và (3) hành vi có nguy cơ cấu thành tội phạm và cần xem xét truy cứu hình sự.

Thang đo ba bậc cũng xuất phát từ học thuyết cổ điển về mức độ nguy hiểm cho xã hội, học thuyết được kế thừa từ luật hình sự Liên Xô, Đức và đã được Việt Nam nội luật hóa. Theo đó, mỗi hành vi đều có thể được đánh giá trên trục từ “không đáng kể” đến “rất nguy hiểm”, nhưng điểm mấu chốt để xác định hành vi có bị hình sự hóa hay không là việc nó vượt qua ngưỡng nguy hiểm cần thiết. Sự vượt ngưỡng này chính là mốc số 3, khi mà yếu tố lỗi, hậu quả, mục đích, hoặc các yếu tố tăng nặng đã hội tụ. Ngược lại, nếu hành vi không thể hiện lỗi rõ ràng (ví dụ do vô ý), không gây hậu quả thực tế, hoặc chỉ đơn thuần là phê bình trung thực, thì điểm đánh giá rơi vào mức 0 hoặc 1 và không có cơ sở để xử lý hình sự.

Về mặt lý thuyết so sánh, nhiều hệ thống tư pháp tiên tiến như Anh, Mỹ cũng triển khai các cơ chế đánh giá hành vi vi phạm theo hướng ba vùng pháp lý: vùng không truy cứu (non-liability zone), vùng xử lý hành chính hoặc tạm tha (diversion, probation), và vùng truy tố hình sự (criminal prosecution).

Tại Hoa Kỳ, dù hệ thống hình sự áp dụng thang điểm rất rộng (0-43) theo United States Sentencing Guidelines (hướng dẫn tuyên án tại Hoa Kỳ), nhưng trong thực tiễn, việc quyết định truy tố hay không lại được đặt trên ba vùng trách nhiệm: no prosecution, diversion/probation-level offense (không truy tố, chuyển hướng xử lý/án treo, hành vi ở mức phạt tù), và incarceration-level offense[16](hành vi phạm tội ỏ mức phải chấp hành án phạt tù) Trong hệ thống pháp luật Anh, nguyên tắc “threshold test” (kiểm tra ngưỡng) được áp dụng để xác định liệu một hành vi có đủ điều kiện để bị truy tố hình sự hay không. Nguyên tắc này được chia thành ba cấp độ pháp lý: hành vi không đủ căn cứ truy tố, hành vi có thể bị xử lý dân sự hoặc kỷ luật, và hành vi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Nguyên tắc này được quy định trong The Code for Crown Prosecutors,[17] trong đó nêu rõ rằng việc quyết định truy tố phải dựa trên hai giai đoạn: (1) Giai đoạn bằng chứng đầy đủ (Full Code Test): Xác định liệu có đủ bằng chứng để có khả năng kết án không; (2) Giai đoạn ngưỡng (Threshold Test): áp dụng khi chưa có đủ bằng chứng nhưng có lý do chính đáng để giữ nghi phạm trong khi tiếp tục điều tra. Những cơ chế đánh giá này đều cho thấy một mẫu hình thống nhất: hệ thống pháp luật, khi đánh giá hành vi có bị hình sự hóa hay không, thường vận hành theo ba vùng trách nhiệm pháp lý, điều hoàn toàn phù hợp với thang đo ba bậc được sử dụng trong nghiên cứu này.

Lợi thế học thuật của thang đo còn nằm ở chỗ nó tạo ra một “điểm tới hạn” rõ ràng tức điểm số đủ để vượt ngưỡng vi phạm hành chính và tiến vào vùng truy cứu hình sự. Sự rõ ràng này giúp nâng cao tính hiệu quả khi áp dụng trong thực tiễn đánh giá, xây dựng checklist pháp lý, hoặc phân tích các trường hợp có tranh chấp. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mã hóa dữ liệu trong nghiên cứu thực nghiệm, giúp lượng hóa hành vi bình luận phim một cách hệ thống, khoa học mà không rơi vào chủ nghĩa hình thức hoặc suy đoán cảm tính.

Bảng 1: Thang đo xác định mức độ vi phạm pháp luật

Bậc thang đo từ 0 - 3Diễn giải theo thang đoDiễn giải theo quy định pháp luật
0Không vi phạm pháp luậtKhông bị xử lý
1Xử lý hành chínhLuật xử lý vi phạm hành chính
2Nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sựCó dấu hiệu của tội phạm nhưng có thể được miễn TNHS theo điều 29 BLHS
3Đủ yếu tố cấu thành tội phạmBị truy cứu trách nhiệm hình sự

Để xác định bình luận phim có vi phạm pháp luật hình sự hay không, cần xây dựng tiêu chí (tiêu chuẩn) và thước đo (các chỉ số đánh giá) dựa trên cơ sở pháp lý cụ thể, đặc biệt là theo BLHS và các học thuyết hình sự về lỗi, hậu quả, nguy hiểm cho xã hội. Dưới đây là hệ thống tiêu chí và thước đo định lượng định tính cho việc xác định khi nào bình luận phim cấu thành tội phạm:

Bảng 2: Tiêu chuẩn định tính

STTTiêu chíGiải thích
1Mức độ sai sự thậtBình luận có chứa thông tin sai, xuyên tạc, bịa đặt hay không? Có thể kiểm chứng được không?
2Ý thức chủ quan (lỗi)Người bình luận có cố ý (biết rõ nhưng vẫn thực hiện) hay chỉ vô ý do thiếu hiểu biết?
3Mức độ xâm hại danh dự, nhân phẩmCó dùng ngôn từ xúc phạm? So sánh với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục?
4Phạm vi lan truyềnVideo/bài viết có lan truyền rộng rãi? Số lượt xem, chia sẻ? Có tính chất kích động?
5Yếu tố thương mạiCó thu lợi bất chính từ hành vi bình luận? (YouTube bật kiếm tiền, chạy quảng cáo...)
6Tính chất nguy hiểm cho xã hộiHành vi có khả năng kích động bạo lực, thù hận, chia rẽ dân tộc hoặc chống phá nhà nước?

Bảng 3: Tiêu chuẩn định lượng

Biến sốThước đo cụ thể
Số lượng lượt xem/bình luận>10.000 lượt xem có thể được xem là “lan truyền rộng”
Số lượng từ ngữ xúc phạm>5 từ ngữ có tính chất mạ lị, tục tĩu → xác suất cao cấu thành “làm nhục người khác”
Số lượt chia sẻ/lên báoCó mặt trên báo chí, mạng xã hội lớn → chỉ số tác động xã hội cao
Mức độ thiệt hại thực tếCó báo cáo giảm doanh thu phim, ảnh hưởng uy tín cá nhân → củng cố yếu tố hậu quả
Thu nhập từ hành vi vi phạm>5 triệu VNĐ từ YouTube/Facebook → căn cứ xác định thu lợi bất chính
Số lượng người bị xúc phạm>1 cá nhân/tổ chức nộp đơn tố cáo → yếu tố bị hại rõ ràng

Các ngưỡng định lượng đưa ra dựa trên kinh nghiệm xử lý các vụ án liên quan trong thực tiễn tố tụng tại Việt Nam và tham khảo thực tiễn quốc tế (như án lệ Hoa Kỳ liên quan tới 'Fair Use', các hướng dẫn (Crown Prosecution Service) của Anh trong xử lý vụ việc truyền thông)

Bảng 4: Gợi ý mô hình thang đo đánh giá sơ bộ vi phạm hình sự

khi bình luận phim

STTTiêu chíTrọng sốMức độ vi phạm(0 - 1)Điểm
1Nội dung sai sự thật3  
2Ngôn từ xúc phạm2  
3Sử dụng trái phép nội dung phim2  
4Mục đích thu lợi hoặc phá hoại3  
5Phạm vi lang truyền lớn2  
6Hậu quả thực tế xảy ra3  

Để tính điểm và xác định trách nhiệm hình sự từ hệ thống 4 bảng mà tác giả đã xây dựng nêu trên, chúng ta thực hiện theo công thức:

Điểm = Trọng số × Mức độ vi phạm (0–1) (Xem Bảng 4: mô hình chấm điểm sơ bộ)

Tổng điểm tối đa:

Tổng điểm tối đa=∑(Trọng số tối đa của từng tiêu chí)=3+2+2+3+2+3=15

Sau đó đối chiếu với bảng tính điểm sau đây:

Tổng điểm đạt đượcXác định đánh giá sơ bộTương ứng thang đo (Bảng 1)Ý nghĩa pháp lý
0–4 điểmKhông vi phạm0Không xử lý
5–8 điểmVi phạm hành chính1Áp dụng Luật XLVPHC
9–11 điểmCân nhắc hình sự2Có dấu hiệu hình sự, nhưng có thể miễn TNHS (Điều 29 BLHS)
12–15 điểmTruy cứu trách nhiệm  hình sự3Cấu thành tội phạm, xử lý hình sự

Một khi hệ thống thang đo và trọng số đã được xác lập, câu hỏi đặt ra là làm sao để vận hành công cụ này trong thực tiễn đánh giá hành vi cụ thể. Trong bước đầu tiên, việc tính điểm tổng hợp theo các tiêu chí định sẵn là một phương pháp mang tính khả thi và định hướng rõ ràng. Cụ thể, người đánh giá cần xem xét từng tiêu chí trong bảng, ví dụ như “nội dung sai sự thật”, “ngôn từ xúc phạm”, “mục đích thu lợi”, và xác định xem hành vi có vi phạm yếu tố đó hay không (0 điểm nếu không vi phạm, 1 điểm nếu có vi phạm). Sau đó, điểm số được nhân với trọng số tương ứng để phản ánh tầm quan trọng của tiêu chí đó trong cấu thành tội phạm. Tổng điểm của tất cả các tiêu chí là cơ sở ban đầu để xác định ngưỡng trách nhiệm pháp lý.

Chẳng hạn, một video bình luận phim có chứa thông tin sai sự thật, sử dụng lời lẽ xúc phạm, có mục đích thu lợi qua quảng cáo YouTube, và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nhưng lại không gây ra hậu quả thực tế lớn hay vi phạm bản quyền rõ ràng có thể được chấm như sau: 3 điểm cho yếu tố sai sự thật, 2 điểm cho ngôn từ xúc phạm, 3 điểm cho mục đích thu lợi, và 2 điểm cho mức độ lan truyền; tổng cộng 10 điểm. Với mức điểm này, hành vi rơi vào vùng cảnh báo, có dấu hiệu hình sự nhưng chưa chắc cấu thành tội phạm, tức là nằm trong ngưỡng thứ hai của thang đo: có thể bị truy cứu, nhưng cũng có khả năng được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, hệ thống điểm số này không nên vận hành độc lập, mà cần được đối chiếu với các tiêu chuẩn định tính và định lượng để kiểm tra độ chính xác. Các tiêu chuẩn định tính (như trong Bảng 2) có vai trò rất quan trọng để soi chiếu về mặt lỗi, động cơ, mức độ xâm hại đến nhân phẩm hoặc trật tự công cộng. Đây là những yếu tố pháp lý then chốt để hình thành “mặt chủ quan” và “mặt khách quan” của tội phạm. Song song đó, các chỉ số định lượng (Bảng 3) như số lượt xem, tỷ lệ sử dụng nội dung phim, số lượng người bị xúc phạm hay thiệt hại kinh tế cụ thể cũng giúp định hình mức độ hậu quả và mức độ lan truyền là các chỉ báo cần thiết để xác lập tính nguy hiểm cho xã hội.

Về phương diện học thuật và lập pháp, cách tiếp cận này mang lại nhiều ưu điểm rõ rệt.

Thứ nhất, nó giúp chuẩn hóa đánh giá pháp lý về hành vi bình luận phim, tránh sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, nhất là khi hành vi nằm ở vùng xám giữa tự do ngôn luận và hành vi vi phạm.

Thứ hai, mô hình này là một minh chứng cho xu hướng hiện đại trong luật hình sự nơi sự cấu thành tội phạm không chỉ dựa trên điều luật thuần túy, mà còn phải xét đến mức độ nguy hiểm thực tế và chủ quan của hành vi, thông qua các chỉ số đánh giá cụ thể.

Cuối cùng, mô hình có khả năng mở rộng và thích nghi, có thể tích hợp thêm các biến số về ngữ cảnh xã hội, nền tảng kỹ thuật số và cơ chế phản hồi từ phía người bị hại.

Việc áp dụng đồng thời các tiêu chí định lượng và định tính trong đánh giá hành vi bình luận phim không chỉ là một phương pháp kỹ thuật đơn thuần, mà còn là bước tiếp cận mang tính phương pháp luận nhằm giải quyết khoảng trống giữa lý luận pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong bối cảnh hành vi bình luận phim ngày càng phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, việc nhận diện ranh giới giữa tự do ngôn luận chính đáng và hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi có dấu hiệu hình sự, đang trở thành một thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan lập pháp cũng như toàn bộ cộng đồng pháp lý. Phương pháp kết hợp định lượng và định tính giúp lượng hóa các yếu tố tưởng như khó xác định như “mức độ nguy hiểm cho xã hội”, “ý thức chủ quan”, “phạm vi lan truyền”, “mức độ thiệt hại” hay “tính chất sai sự thật”, từ đó cung cấp một khung tham chiếu khách quan hơn cho hoạt động khởi tố, truy tố và xét xử. Trong điều kiện mà pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, đặc biệt là các Điều 155, 156 và 331 BLHS, vẫn tồn tại một số nội dung khái quát, chưa được hướng dẫn cụ thể, thì nguy cơ lạm dụng luật hình sự để xử lý những biểu đạt gây tranh cãi nhưng không cấu thành tội phạm là hiện hữu. Việc thiếu tiêu chuẩn đánh giá định lượng dễ dẫn đến cách hiểu tùy tiện, chủ quan, hoặc phụ thuộc quá mức vào cảm nhận cá nhân của người tiến hành tố tụng.

Mặt khác, việc thể chế hóa những tiêu chí đánh giá mang tính bán cấu trúc (semi-structured criteria) này còn góp phần nâng cao tính tiên lượng và minh bạch của pháp luật hình sự, phù hợp với yêu cầu của một nhà nước pháp quyền hiện đại, trong đó mọi giới hạn đối với quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận đều phải được thiết lập “bằng luật”, “phục vụ mục tiêu chính đáng” và “cần thiết trong một xã hội dân chủ” theo đúng tinh thần của Điều 19 Công ước ICCPR. Việc thiếu rõ ràng trong các tiêu chí pháp lý có thể gây ra hiệu ứng (chilling effect), khiến người thực hiện bình luận phim lo ngại bị truy cứu trách nhiệm hình sự một cách tùy tiện. Việc xây dựng và công bố rõ ràng các tiêu chí đánh giá giúp giảm bớt tâm lý này, khuyến khích sự phê bình nghệ thuật hợp pháp và lành mạnh.

Căn cứ vào kết quả định lượng này, tác giả kiến nghị ban hành một Thông tư liên tịch giữa TANDTC-VKSNDTC-Bộ Công an-Bộ Thông tin & Truyền thông, nhằm thống nhất cách hiểu và cách xử lý đối với các hành vi bình luận phim có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đồng thời Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử, trong đó nêu rõ: các tình huống nào không bị hình sự hóa; các yếu tố nào cần có để cấu thành một trong các tội danh cụ thể; và cách phân biệt giữa biểu đạt có yếu tố phê phán, châm biếm nghệ thuật với hành vi vu khống, làm nhục hoặc phá hoại.

Ngoài ra, đối với công chúng, một thang đo pháp lý rõ ràng, được minh bạch hóa dưới dạng các chỉ số đánh giá cũng có giá trị định hướng hành vi rất cao. Nó giúp người sáng tạo nội dung có thể tự đánh giá mức độ rủi ro pháp lý trước khi đăng tải một bài viết, video hoặc phát ngôn, đồng thời hạn chế tâm lý e dè, tự kiểm duyệt quá mức vốn là một hình thức “chilling effect” (hiệu ứng đông lạnh) gây tổn hại cho không gian tự do biểu đạt. Trường hợp không ban hành được văn bản quy phạm pháp luật có thể xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng theo các nội dung nêu trên sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất trên phạm vi cả nước.

III. Kết luận

Dưới sự phát triển mạnh mẽ của không gian số, hành vi bình luận phim đã trở thành một dạng biểu đạt phổ biến nhưng đồng thời cũng làm phát sinh tranh cãi pháp lý về ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm pháp luật. Bài nghiên cứu này đã xây dựng một hệ thống thang đo (0–3) nhằm xác định mức độ vi phạm pháp luật, kết hợp các tiêu chí định tính và định lượng cụ thể như mức độ sai sự thật, ngôn từ xúc phạm, hậu quả thực tế và mục đích hành vi. Cách tiếp cận này góp phần giúp các cơ quan tố tụng đánh giá hành vi một cách minh bạch, tránh tình trạng hình sự hóa tùy tiện.

Nghiên cứu cũng đã đặt hành vi bình luận phim trong mối liên hệ với quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 ICCPR và pháp luật Việt Nam (Điều 155, 156, 331 BLHS), từ đó đưa ra khuyến nghị cần có hướng dẫn chính thức nhằm làm rõ các ngưỡng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, mô hình đánh giá hiện tại mới dừng ở mức phân biệt có hay không dấu hiệu tội phạm, chưa phân tích cụ thể theo từng tội danh. Việc định tội vẫn cần đối chiếu với các yếu tố cấu thành trong luật hình sự hiện hành. Vì vậy, nghiên cứu này chỉ mới mở ra hướng tiếp cận khoa học khác so với truyền thống và làm cơ sở cho cải cách pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người trong không gian mạng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. United Nations, International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), Article 19(1966), available at https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/international-covenant-civil-and-political-rights.

2. UN Human Rights Committee, General Comment No. 34. CCPR/C/GC/34(2011), available athttps://www.refworld.org/legal/general/hrc/2011/en/83764.

3. O’Flaherty Michael, Freedom of Expression: Article 19 of the International Covenant on Civil and Political Rights and the Human Rights Committee’s General Comment No. 34, 12 Hum. Rights L. Rev. 627 (2012), 25 Communication Law and Policy (2020).

4. David Kaye, Report of the Special Rapporteur on the Promotion and Protection of the Right to Freedom of Opinion and Expression, (2015).

5. Eric M Barendt, Freedom of speech (Oxford University Press. 2005).

6. M. Nowak, U.N. Covenant on Civil and Political Rights: CCPR Commentary (N.P. Engel. 2005).

7. Lingens v. Austria, App no. 9815/82 (ECtHR, 8 July 1986), (European Court of Human Rights).

8. UK, Defamation Act 2013, Section 3 Honest opinion(2013), available athttps://www.legislation.gov.uk/ukpga/2013/26/section/3.

9. New York Times Co. v. Sullivan, 376 U.S. 254, (U.S. Supreme Court).

10. Loi du 29 juillet 1881 sur la liberté de la presse (Law of 29 July 1881 on the Freedom of the Press),Version en vigueur au 31 mai 2025(1881), available athttps://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/LEGITEXT000006070722.

11. Grundgesetz für die Bundesrepublik Deutschland; Zuletzt geändert durch Art. 1 G v. 22.3.2025 I Nr. 94(1949), available at https://www.gesetze-im-internet.de/gg/BJNR000010949.html.

12. Quốc Hội, Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam(2013), available athttps://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx.

13. Nguyễn Ngọc Hòa, Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung) (2022).

14. Lê Cảm, Những nguyên lý cơ bản của khoa học Luật hình sự (2005).

15. Andrew Ashworth, Principles of Criminal Law Paperback - 2013 - 7th Edition (Oxford University Press. 2013).

16. Paul H. Robinson, Structure and Function in Criminal Law, (1997).

17. Crown Prosecution Service, The Code for Crown Prosecutors(2018), available athttps://www.cps.gov.uk/publication/code-crown-prosecutors.

* TS. GVC Trịnh Duy Thuyên - Trường Kinh tế Luật và Quản lý Nhà nước- Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Duyệt đăng 29/6/2025. Email: thuyentd@ueh.edu.vn

[1] United Nations, International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), Article 19(1966), available athttps://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/international-covenant-civil-and-political-rights.

[2] UN Human Rights Committee, General Comment No. 34. CCPR/C/GC/34(2011), available athttps://www.refworld.org/legal/general/hrc/2011/en/83764.

[3] O’Flaherty Michael, Freedom of Expression: Article 19 of the International Covenant on Civil and Political Rights and the Human Rights Committee’s General Comment No. 34, 12 Hum. Rights L. Rev. 627 (2012), 25 Communication Law and Policy (2020).

[4] David Kaye, Report of the Special Rapporteur on the Promotion and Protection of the Right to Freedom of Opinion and Expression (2015).

[5] Eric M Barendt, Freedom of speech (Oxford University Press. 2005).

[6] M. Nowak, U.N. Covenant on Civil and Political Rights: CCPR Commentary (N.P. Engel. 2005).

[7] Lingens v. Austria, App no. 9815/82 (ECtHR, 8 July 1986), (European Court of Human Rights).

[8] UK, Defamation Act 2013, Section 3 – Honest opinion(2013), available at https://www.legislation.gov.uk/ukpga/2013/26/section/3.

[9] New York Times Co. v. Sullivan, 376 U.S. 254, (U.S. Supreme Court).

[10] Loi du 29 juillet 1881 sur la liberté de la presse (Law of 29 July 1881 on the Freedom of the Press),Version en vigueur au 31 mai 2025(1881), available at https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/LEGITEXT000006070722.

[11] Grundgesetz für die Bundesrepublik Deutschland; Zuletzt geändert durch Art. 1 G v. 22.3.2025 I Nr. 94(1949), available athttps://www.gesetze-im-internet.de/gg/BJNR000010949.html.

[12] Quốc Hội, Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam(2013), available at https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx.

[13] Nguyễn Ngọc Hòa, Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung) (2022).

[14] Lê Cảm, Những nguyên lý cơ bản của khoa học Luật hình sự (2005).

[15] Andrew Ashworth, Principles of Criminal Law Paperback - 2013 - 7th Edition (Oxford University Press. 2013).

[16] Paul H. Robinson, Structure and Function in Criminal Law (1997).

[17] Crown Prosecution Service, The Code for Crown Prosecutors (2018), available at https://www.cps.gov.uk/publication/code-crown-prosecutors.

Cùng chuyên mục

Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến

Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến

Nghiên cứu lý luận -  3 phút trước

(PLPT) - Bài viết làm rõ các khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử trực tuyến như đặc điểm và nhu cầu bảo hộ, đối tượng được bảo hộ, điều kiện bảo hộ và các nội dung pháp lý nổi bật liên quan cũng như kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của trò chơi điện tử trực tuyến hiện nay tại Việt Nam.

Quấy rối tình dục qua môi trường trực tuyến trong không gian làm việc số

Quấy rối tình dục qua môi trường trực tuyến trong không gian làm việc số

Nghiên cứu lý luận -  6 ngày trước

(PLPT) - Bài viết này phân tích hiện tượng quấy rối tình dục trực tuyến tại nơi làm việc số dưới góc độ pháp lý, nhằm nhận diện rõ các hành vi phổ biến và đánh giá khung pháp luật hiện hành, đồng thời chỉ ra những khoảng trống pháp lý trong việc phòng ngừa, xử lý các hành vi này.

So sánh pháp luật EU và Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến và khuyến nghị cho Việt Nam

So sánh pháp luật EU và Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến và khuyến nghị cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết phân tích quy định pháp luật và đánh giá thực trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng tại Việt Nam khi tham gia mua sắm trực tuyến. Đồng thời, bài viết phân tích một số quy định có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu (General Data Protection Regulation - GDPR), từ đó, đưa ra một số khuyến nghị trong việc hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam, nâng cao hiệu quả bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Quyền tiếp cận tài nguyên nước (Blue Rights): Pháp luật, thách thức và những gợi mở cho Việt Nam

Quyền tiếp cận tài nguyên nước (Blue Rights): Pháp luật, thách thức và những gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết đề xuất các giải pháp pháp lý và chiến lược đa tầng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi các quyền này. Những khuyến nghị chính bao gồm hài hòa hóa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả thực thi, giám sát và thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình, tăng cường hợp tác và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp xuyên biên giới hiệu quả. Bài viết khẳng định bảo vệ Blue Rights là nghĩa vụ pháp lý quan trọng để đạt Mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo tương lai bền vững cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Những điểm mới trong pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ do tác động của cuộc cách mạng 4.0 và gợi ý cho Việt Nam đổi mới pháp luật kinh tế để phát triển đất nước

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết này tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới pháp luật về kinh tế của Hoa Kỳ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 trong các lĩnh vực: luật Thương mại về thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh; luật sở hữu trí tuệ; luật tài chính, chứng khoán, ngân hàng và tín dụng; luật thuế.

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Thu hồi tài sản tham nhũng thông qua phương thức khởi kiện dân sự: Thực tiễn tại một số quốc gia và khuyến nghị đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết này phân tích những quy định pháp luật về khởi kiện dân sự đề thu hồi tài sản tham nhũng và các ví dụ liên quan đến thực tiễn tại một số quốc gia, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu theo Công ước Basel và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cần cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

(PLPT) - Bài viết phân tích chính sách, pháp luật của một số quốc gia có chọn lọc gồm Trung Quốc và các nước EU về kiểm soát hải quan đối với nhập khẩu phế liệu, các quy định của Công ước BASEL về kiểm soát hải quan đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu sắt thép.

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Đối chứng cần được luật hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam: Các tiếp cận pháp lý từ Vương quốc Anh

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

(PLPT) - Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luật hóa đối chứng trong tố tụng dân sự nhằm tăng tính minh bạch, công bằng và hiệu quả xét xử.