Giới thiệu

Giới thiệu hoạt động Tạp chí Phát luật và Phát triển

TẠP CHÍ PHÁP LUẬT VÀ PHÁT TRIỂN Thứ hai, 22/07/2024 - 08:09
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Phạm vi hoạt động của tạp chí rộng vì lĩnh vực pháp luật và phát triển có nội hàm rộng. Toàn bộ các lĩnh vực pháp luật đều thuộc phạm vi nghiên cứu, hoạt động của Tạp chí.

I. Tôn chỉ, mục đích và những định hướng cơ bản trong hoạt động của Tạp chí

Tạp chí Pháp luật và Phát triển là đơn vị trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam. Tạp chí tiền thân Tạp chí Pháp luật được thành lập năm 2001 theo giấy phép số 398/GP-BVHTT do Bộ văn Hóa - Thông tin cấp ngày 15/8/2001 với hai thứ tiếng Anh – Pháp. Tạp chí được điều hành và tham gia bởi Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam với các các nhà luật học nổi tiếng là Cố Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam, Luật sư Phan Anh; Cố Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cố Chánh án TANDTC; Cố Phó Chủ tịch bà Ngô Bá Thành; Cố Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phùng Văn Tửu; Cố Phó Chủ tịch, GS Lưu Văn Đạt và nhiều tên luật gia tên tuổi khác. Mục tiêu của tạp chí Pháp luật là giới thiệu các nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam, đường lối đối ngoại của Nhà nước Việt Nam.

Do nhu cầu chuyển đổi sang tạp chí song ngữ Anh Việt, tạp chí đã được cấp giấy phép lần 2 số 123/GP-BVHTT ngày 13/9/2005 với tên gọi là Tạp chí Pháp luật và Phát triển. Ngày 22/10/2012, Tạp chí Pháp luật và Phát triển được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí số 1938/GP-BTTTT với thời hạn 10 năm và phạm vi hoạt động mở rộng hơn, kỳ hạn xuất bản là 02 tháng 1 số tạp chí. Ngày 03/11/2014 Tạp chí được cấp giấy phép sửa đổi bổ sung tăng kỳ tạp chí lên 01 tháng 1 số tạp chí.

Theo Quy hoạch báo chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tạp chí trực thuộc Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam và được cấp Giấy phép số hoạt động số 168/GP-BVHTT Ngày 21 tháng 4 năm 2020. Ngày 10 tháng 3 năm 2024, Tạp chí được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép hoạt động điện tử theo Giấy phép số 56/GP-TTTT.

Tạp chí Pháp luật và Phát triển xuất bản song ngữ Việt Anh. Tôn chỉ, mục đích hoạt động báo của Pháp luật và Phát triển là giới thiệu những thành tựu của pháp luật Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và các giá trị của nền dân chủ XHCN đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học do Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN chủ trì hay tham gia thực hiện, những thành tựu hợp tác nghiên cứu khoa học pháp lý, kinh tế của các cơ sở nghiên cứu pháp luật, các cơ sở đào tạo luật trong nước, nước ngoài theo thỏa thuận.

Tạp chí Pháp luật và Phát triển trong 15 năm qua đã trở thành một diễn đàn khoa học có uy tín của giới luật học trong và ngoài nước. Tạp chí đã có những đóng góp trong việc tăng cường năng lực của Hội Luật gia trong hoạt động đối ngoại, trong việc thúc đẩy các hoạt động của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hiệp hội Luật gia ASEAN và nhiều thiết chế quốc tế khác; tăng cường năng lực hoạt động và vị thế của Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN.

Phạm vi hoạt động của tạp chí rộng vì lĩnh vực pháp luật và phát triển có nội hàm rộng. Toàn bộ các lĩnh vực pháp luật đều thuộc phạm vi nghiên hoạt động của Tạp chí. Các khía cạnh kinh tế liên quan đến phát triển và thể chế phát triển cũng thuộc phạm vi hoạt động của Tạp chí và thường được thể hiện qua chuyên mục Tầm nhìn chính sách. Tạp chí đặc biệt chú trọng các hoạt động liên quan đến tìm hiểu, phân tích và giới thiệu các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN về pháp luật ASEAN, các nghiên cứu ngoài nước về ASEAN và Việt Nam từ góc nhìn luật học so sánh. Trong hoạt động của mình Tạp chí nhấn mạnh vai trò của pháp luật đối với sự phát triển, mối liên hệ giữa chính sách và pháp luật. Tạp chí cũng dành nhiều sự tập trung vào các vấn đề hội nhập kinh tế và những thách thức đặt ra đối với hệ thống pháp luật trong tiến trình hội nhập.

Hoạt động của Pháp luật và Phát triển hướng sự quan tâm của bạn đọc trong nước và quốc tế đến pháp luật, đến vai trò của pháp luật, chính sách đối với phát triển bền vững, bảo vệ quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam và trên thế giới. Những mục tiêu cụ thể mà Tạp chí Pháp luật và Phát triển hướng đến bao gồm:

- Tạo diễn đàn khoa học mở cho việc trao đổi kiến thức pháp luật, vai trò của pháp luật đối với sự phát triển kinh tế xã hội cho các nhà khoa học trong nước, nước ngoài và trọng tâm là các nhà khoa học từ ASEAN.

- Giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam;

- Thúc đẩy phát triển quan hệ quốc tế, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Hội Luật gia Việt Nam thông qua các nghiên cứu, hoạt động của Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, của các đơn vị trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Hội trên trường quốc tế, đặc biệt trong các tổ chức như Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) và Hiệp hội Luật gia ASEAN (ALA).

- Phối hợp với các cơ quan báo chí khác của Hội tiếp tục nâng cao năng lực của Hội trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được Đảng và Nhà nước giao phó.

II. Hội đồng biên tập

Danh sách Hội đồng biên tập của Tạp chí bao gồm nhiều nhà khoa học là các Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS), Tiến sỹ (TS) đầu ngành Luật hiện nay. Bao gồm:

· GS. TS Lê Hồng Hạnh (Tổng Biên tập Tạp chí)

· GS.TSKH Đào Trí Úc

· GS.TS Lê Minh Tâm

· GS.TS Nguyễn Minh Đoan

· GS.TS Đỗ Văn Đại

· GS.TS Vũ Công Giao

· GS.TS Nguyễn Hồng Thao

· PGS.TS Vũ Thu Hạnh

· PGS.TS Phạm Duy Nghĩa

· PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu

· PGS.TS Bành Quốc Tuấn

· PGS.TS Đặng Minh Tuấn

· TS. Nguyễn Văn Cương

III. CÁC YÊU CẦU CHUNG ĐỐI VỚI VIỆC KIỂM TRA, PHẢN BIỆN, ĐĂNG BÀI

Việc kiểm tra, phản biện các bài, tin, quảng cáo, video, phỏng vấn, trao đổi trực tuyến, các bài dẫn nguồn (sau đây gọi chung là bài) đăng trên Pháp luật và Phát triển cả phiên bản in lẫn bản điện tử phải đáp ứng các yêu cầu chung sau:

1. Nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, chứa đựng những phân tích, đánh giá các khía cạnh pháp lý; được Tổng Biên tập hay người được Tổng Biên tập ủy quyền duyệt; có thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan báo chí (đối với cơ quan báo chí có bài được dẫn nguồn).

2. Phù hợp với yêu cầu về nội dung, hình thức của Pháp luật và Phát triển được áp dụng tại thời điểm đăng bài;

3. Phỏng vấn, trao đổi được sản xuất và đăng dưới dạng ứng dụng nghe nhìn (multi-media) chỉ được thực hiện theo chương trình được Tổng Biên tập hay người được Tổng Biên tập ủy quyền phê duyệt; được lưu trữ ít nhất 24 tháng kể từ thời điểm đăng.

4. Không chứa đựng những thông tin bị pháp luật hiện hành coi là trái pháp luật; phải dựa trên những nguồn thông tin tin cậy.

5. Tuân thủ các bước theo quy trình kiểm tra và phản biện, đăng gỡ các bài theo Quy chế hiện hành của Tạp chí và những quy định của pháp luật về báo chí.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN:

1. Thời hạn để hoàn thành biên tập, phản biện và quyết định đăng bài thuộc chuyên mục được xác định theo các quy định tại Mục 2 Quy chế này. Thời hạn và trách nhiệm của các Ban, Văn phòng đại diện, chức danh lãnh đạo được xác định như sau:

(i) Việc nhận bài, sắp xếp bài theo chuyên mục căn cứ vào nội dung bài do Tổng Thư ký thực hiện đối với chuyên mục Nghiên cứu lý luận là 3 (ba) ngày; bài theo các chuyên mục khác 2 (hai) ngày kể từ ngày Tổng Thư ký nhận bài được các bài từ các nguồn khác nhau. Tổng Thư ký chuyển bài được sắp xếp theo chuyên mục theo trình tự sau: 1. Bài thuộc chuyên mục Nghiên cứu lý luận, Tầm nhìn chính sách chuyển đến Ban Biên tập, Biên tập viên cao cấp cộng tác theo Hợp đồng; 2. Bài thuộc chuyên ngành khác chuyển đến tất cả các Ban, Văn phòng đại diện.

(ii) Ban Biên tập rà soát sơ bộ, đánh giá bài trong vòng 5 (năm) ngày đối với các bài theo chuyên mục Nghiên cứu lý luận và chuyển đánh giá bài cho Tổng Thư ký.

(iii) Các Ban, Văn phòng đại diện rà soát, Thực tiễn Pháp luật và Tư pháp, Sự kiện và Pháp luật Quốc tế là 2 (hai) ngày kể từ ngày nhận được bài do Tổng Thư ký chuyển đến và chuyển đánh giá bài cho Tổng Thư ký.

(iv) Trong vòng 2 ngày, Tổng Thư ký tổng hợp các đánh giá, đề xuất của các Ban và trình Tổng Biên tập/Phó Tổng Biên tập hay người khác được ủy quyền triển khai quy trình phản biện. Trường hợp các Ban đề xuất trả lại tác giả để hoàn thiện, Tổng Thư ký gửi lại tác giả kèm theo các tài liệu hướng dẫn về yêu cầu nội dung, hình thức, hướng dẫn trích dẫn và thông báo về trách nhiệm của tác giả hoặc thông báo từ chối đăng.

(v) Tổng thư ký theo dõi, thúc đẩy quy trình phản biện để sớm nhận các ý kiến phản biện tối đa 01 (một) tháng. Tổng Thư ký nhận các ý kiến phản biện, tổng hợp kết quả và trình Tổng Biên tập đánh giá, đề xuất của các phản biện. Những bài được đề xuất cho đăng, Tổng Biên tập giao cho Ban Điện tử đăng trên phiên bản điện tử. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận quyết định của Tổng Biên tập/Phó Tổng Biên tập được ủy quyền, Trưởng Ban điện tử chỉ đạo các kỹ thuật viên công nghệ đăng bài trên phiên bản điện tử.

(vi) Trong vòng 24 giờ kể từ ngày thời điểm kết thúc ngày 30 hàng tháng, Ban Điện tử chuyển cho Ban Biên tập các bài đăng trong tháng để dàn trang và in thành số in.

2. Trưởng các Ban được giao bài để biên tập chỉ đạo biên tập viên thuộc quyền quản lý rà soát sơ bộ các bài, kiểm tra mức độ đáp ứng yêu cầu cơ bản của Tạp chí để trình Phó Tổng Biên tập phụ trách chuyên mục trong phạm vi thời hạn được quy định tài khoản 1 trên. Trưởng các Ban chịu trách nhiệm trước pháp luật và Tổng Biên tập về kết quả hoạt động quy định ở Khoản 1 trên.

3. Trưởng Ban Điện tử chịu trách nhiệm chỉ đạo cán bộ thuộc phạm vi quản lý thiết kế phiên bản điện tử thiết kế giao diện của từng số phù hợp với nội dung, chuyên mục được Tổng Biên tập hay người được ủy quyền phê duyệt phù hợp.

Cùng chuyên mục

Bản hướng dẫn viện dẫn, trích dẫn tài liệu và chú thích nguồn của Tạp chí Pháp luật và Phát triển

Bản hướng dẫn viện dẫn, trích dẫn tài liệu và chú thích nguồn của Tạp chí Pháp luật và Phát triển

Giới thiệu -  1 tháng trước

(PLPT) - Bản hướng dẫn viện dẫn, trích dẫn tài liệu và chú thích nguồn của Tạp chí Pháp luật và Phát triển có hiệu lực từ 21/6/2024 theo Quyết định 26/2024/QĐ-PLPT ngày 14 năm 06 năm 2024 của Tổng Biên tập.

Các yêu cầu về nội dung, hình thức đối với bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật và Phát triển

Các yêu cầu về nội dung, hình thức đối với bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật và Phát triển

Giới thiệu -  1 tháng trước

(PLPT) - Các yêu cầu về nội dung, hình thức đối với bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật và Phát triển được áp dụng từ 21 tháng 06 năm 2024 theo Quyết định số 26/2022/QĐ-PLPT ngày 16 tháng 6 năm 2022.

Đọc nhiều