Nghiên cứu lý luận

Hiến tạng tại Việt Nam - Các khía cạnh tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa và pháp luật

Lê Lan Chi Thứ năm, 02/01/2025 - 16:45
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Tại Việt Nam hiện nay, hiến tạng[1] là vấn đề tương đối mới, bên cạnh sự quan tâm ủng hộ, còn gặp phải sự dè dặt, thậm chí lảng tránh từ số đông người dân. Bài viết đặt ra câu hỏi: Hiến tạng liệu có vấp phải những rào cản từ tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá của người Việt không?Để thay đổi thái độ đối với hiến tạng, có thể dựa vào tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá không? Pháp luật Việt Nam hiện đại đang và sẽ cần có cách tiếp cận vấn đề này như thế nào? Qua nghiên cứu bước đầu, có thể thấy hiến tạng không mâu thuẫn trực tiếp với tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá nhưng lại động chạm tới những yếu tố nhạy cảm, mơ hồ và bảo thủ của người Việt về sự toàn vẹn thân thể, thi thể trong đời sống tâm linh. Dù pháp luật hiện hành đã thiết lập một hành lang pháp lý tương đối hợp lý nhưng nhưng vẫn chưa đủ, vì thế rất cần phát huy các mặt tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá để thúc đẩy việc hiến tạng trong thời gian tới.

Từ khóa: hiến tạng, tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống văn hoá, pháp luật

Abstract: In Vietnam today, besides the support and sympathy, organ donation also encounters disturbances and even avoidances from the majority of people. The article raises the question whetherorgan donation encounter barriers from religion, beliefs and cultural traditions of the Vietnamese people? Whether is there necessity to rely on religion, beliefs and cultural traditions to change attitudes towards organ donation, can? How the modern Vietnamese law approaches this phenomenon? Through initial research, it can be seen that organ donation does not directly contradict religion, beliefs and cultural traditions, but it touches on sensitive, ambiguous and conservative factors of the Vietnamese people regarding the integrity of the body and corpse in spiritual life. Although the current law has established a relatively reasonable legal framework, it is still not enough, it is necessary to promote the positive aspects of religion, beliefs and cultural traditions to promote organ donation in the coming time.

Keywords: organ donation, religion, belief, cultural tradition, law

1. Tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá của người Việt về tính toàn vẹn của cơ thể và việc hiến tặng một phần cơ thể

Cùng với sự phát triển của y học và khoa học công nghệ, ghép tạng đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù vậy, số lượng người đăng kí hiến tạng không nhiều, dẫn tới tình trạng cung không đủ cầu và hình thành nên thị trường “đen” để mua bán tạng, gây ra nhiều quan ngại về y tế, đạo đức, trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề mấu chốt là cần làm thế nào để tăng được nguồn cung hợp pháp về tạng. Nguồn cung hợp pháp về tạng đến từ người cho đang sống và người cho đã chết, trong đó chủ yếu là người cho đã chết[2], nhưng dù thế nào, đều cần có sự tự nguyện hiến tạng.

Sự tự nguyện hiến tạng từ người cho đã chết đem lại nguồn cung lớn khi một người có thể cho nhiều tạng, do vậy cứu được nhiều người và quan trọng là không ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người cho như trường hợp người cho đang sống. Tuy nhiên, để đi đến quyết định hiến tạng sau khi chết, người hiến tạng và gia đình họ phải đối diện với rất nhiều vấn đề tâm lý, tâm linh. Những vấn đề này lại phụ thuộc nhiều vào tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng. Tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá là những yếu tố liên quan chặt chẽ với nhau, có sự hàm chứa, giao thoa, vận động và phát triển theo thời gian, tác động tới quyết định rất hệ trọng của mỗi người về việc hiến tạng hay không hiến tạng. Cụ thể:

Trước hết, về triết lý Âm Dương. “Việt Nam vừa thuộc Đông Nam Á là nơi hình thành nền tảng của triết lý âm dương, vừa là nước Đông Nam Á duy nhất tiếp nhận triết lý âm dương sau khi đã được Trung Hoa hoàn thiện”[3]. Người Việt coi trọng sự hài hoà âm dương. Theo triết lý Âm Dương, cơ thể người là một tiểu vũ trụ, một vũ trụ được thu nhỏ, cơ thể người với các hệ cơ quan tương ứng với các hành trong ngũ hành, có xung, có khắc, tương sinh, tương khắc theo một logic chặt chẽ trên cơ sở sự cân bằng, hài hoà âm dương. Do đó, các bệnh tật được lý giải từ sự mất cân bằng âm dương, nói cách khác “sự quân bình âm dương là cơ sở của sự sống đồng thời cũng là nền tảng của trạng thái sức khoẻ con người. Y lí cổ truyền xem xét tất cả các triệu chứng lâm sàng đều dựa trên luật âm dương”[4]. Việc khuyết thiếu một bộ phận nào trên cơ thể người đều dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc và làm thay đổi cả hệ thống.

Thứ hai, về tín ngưỡng bản địa. Khi các tôn giáo lớn vào Việt Nam, người Việt tiếp nhận nhưng vẫn thực hành và phát triển những tín ngưỡng bản địa chính mà tôn giáo không thể thay thế, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các vị thần và nhất là tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên. “Các tôn giáo du nhập vào Việt Nam trước sau sớm muộn gì cũng phải chấp nhận thờ cúng tổ tiên”[5]. “Đạo thờ cúng tổ tiên cho rằng người chết phù trợ cho người sống. Niềm tin vào cái chết chẳng qua là một cuộc trở về gặp tổ tiên, ông bà và tổ tiên có thể sẽ dõi theo, phù hộ độ trì cho con cháu, đã là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”[6]. Về không gian, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dựa trên nguyên lý song tồn của không gian sống, đó là cõi trần và cõi âm với niềm tin rằng con người còn một không gian “sống” khác sau khi chết, không gian sống này có tính chất như thế nào thì không có sự giải thích cụ thể mà được hiểu và lưu truyền qua các thế hệ một cách khái quát là “trần sao âm vậy” (thành ngữ). “Không có ý thức cao siêu về thiên đàng hay địa ngục của Kitô giáo hay thuyết luân hồi chuyển kiếp đầu thai của đạo Phật, trong nhận thức dân gian, thể xác và linh hồn vừa gắn bó, vừa tách biệt. Chúng gắn bó khi sống và tách biệt khi chết, thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại chuyển sang sống ở một thế giới khác. Cõi âm ấy cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” trong một môi trường khác”.[7] Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã gián tiếp ràng buộc con cháu (người sống) về trách nhiệm bảo đảm cuộc sống trọn vẹn về thể chất, vật chất và tinh thần của ông bà, cha mẹ mình (người đã chết). Bản thân con cháu cũng phải giữ cho mình được trọn vẹn về thể chất ở cõi trần để khi chết, về cõi âm, cũng được trọn vẹn và khoẻ mạnh về thể chất. Mặt khác, người Việt còn đề cao tính trọn vẹn, toàn vẹn của cơ thể mình và trách nhiệm giữ gìn tính trọn vẹn, toàn vẹn này do cơ thể mỗi con người là do tinh cha huyết mẹ hợp lại mà thành. Vì vậy, con cái có hiếu với cha mẹ là phải giữ gìn cơ thể được cha mẹ trao cho. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất phát từ niềm tin rằng tổ tiên mình ở thế giới âm vẫn đang dõi theo, phù trợ cho con cháu ở cõi trần, đòi hỏi con cháu phải hiếu lễ với ông bà cha mẹ, khi còn sống cũng như khi họ đã chết, con cháu có trách nhiệm giữ gìn sự liên tục và lâu dài của dòng họ theo chiều dọc về thời gian. Thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ. Con người ở thì hiện tại chỉ là một gạch nối giữa quá khứ (tiên tổ) và tương lai (con cháu), tuy chỉ là một gạch nối nhưng có vai trò quan trọng và không được đứt gãy, sự khoẻ mạnh, toàn vẹn cơ thể mỗi người là điều kiện, là phương tiện để duy trì nòi giống, duy trì sự hiện diện của thế hệ đi trước trong hiện tại và tương lai.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dẫn tới trách nhiệm của con cháu đối với việc chôn cất thi thể, bảo toàn hài cốt, chăm sóc mồ mả của ông bà cha mẹ. Đây là lý do mà người Việt trong mấy chục năm qua đã tìm kiếm hài cốt người thân chết trong chiến tranh để xác định danh tính, an vị mồ mả người chết[8]để an lòng người chết và cũng là an lòng người sống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên kết hợp với niềm tin vào phong thuỷ về mồ mả của tổ tiên, đặc biệt là phong thuỷ âm trạch - nơi chôn cất người chết. Phần thân xác, xương cốt của người chết sau khi được an táng theo phong thuỷ âm trạch chính là di sản mà thế hệ đi trước để lại cho thế hệ đi sau, đem lại phúc lộc cho con cháu. Như vậy, quan niệm về tính toàn vẹn cơ thể của người Việt vừa là sản phẩm của tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên, nhưng cũng phù hợp với chữ Hiếu của Nho giáo, với đạo đức Nho giáo. Pháp luật phong kiến với công thức “Dương Nho Âm Pháp” đặt ra những hình phạt hà khắc để bảo vệ đạo đức Nho giáo, tiêu biểu là chế độ Ngũ hình (Xuy hình, Trượng hình, Đồ hình, Lưu hình, Tử hình), trong đó có Tử hình, được thi hành bằng nhiều phương thức mang đến cái chết không toàn thây (trảm bêu đầu, lăng trì, xé xác phanh thây) để gia tăng đáng kể tính chất trừng trị và răn đe của hình phạt, càng củng cố thêm tâm lý sợ hãi của việc không được toàn vẹn thể xác sau khi chết.

Việc giữ gìn tính toàn vẹn thi thể, hài cốt của người thân đã chết được cho là góp phần đem tới những lợi ích cho con cháu, mặc dù khó có thể chứng minh mối quan hệ nhân quả. Những lợi ích này lại cũng rất phù hợp với tính thực dụng về tâm linh của không ít người Việt. Quan niệm về việc giữ gìn tính toàn vẹn thi thể, hài cốt của người thân đã chết vừa có yếu tố tích cực, vị tha, vừa có yếu tố tiêu cực, vị kỉ nhất định.

Thứ ba, về quan điểm của các tôn giáo. Các tôn giáo khi đề cập đến cuộc sống sau khi chết của con người cơ bản đều theo nguyên lý chung là con người nếu sống tốt ở thế giới này thì sau khi chết sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc ở thế giới khác. Nhưng tại thời điểm các tôn giáo ra đời, khoa học chưa phát triển và chưa đặt ra vấn đề hiến ghép tạng. Hiến ghép tạng mới xuất hiện trên thế giới trong những thập niên gần đây. Vì thế, các tôn giáo cũng không đề cập đến hiến tạng trong hệ thống giáo lý của mình mà mới chỉ có những bình luận, chia sẻ về vấn đề mới này, theo hướng khẳng định hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tình yêu thương của con người với đồng loại, không ảnh hưởng đến kiếp sau của con người, do đó khuyến khích việc hiến tạng.

Phật giáo là tôn giáo có số tín đồ nhiều nhất ở Việt Nam[9]. Nhà Phật cho rằng: “Con người gồm hai phần, thân thể (sắc uẩn) và tâm thức (thọ, tưởng, hành, thức uẩn). Khi chết, tâm thức theo nghiệp tái sinh, còn xác thân tứ đại thì trả về cho đất, nước, gió, lửa; nơi mà nó sinh ra. Thân người chết hay xác chết vì thế không có gì quan trọng, an táng cách nào cũng được. Người Phật tử chấp nhận các cách thức tống táng ngoài truyền thống địa táng như hỏa táng (thiêu, rải tro cốt), kể cả hiến xác cho y học khá dễ dàng”[10]. Đối với Công giáo, khoảng hơn 6 triệu người Việt Nam theo tôn giáo này[11]. “Nhà thờ La Mã nhìn nhận việc hiến mô tạng là hành động thể hiện nhân đạo và tình thương. Giáo hoàng John Paul II đã khẳng định rằng: “Nhà thờ La Mã sẽ thúc đẩy một thực tiễn là có nhu cầu về hiến tạng và người Công giáo nên coi đó là “thử thách đối với lòng bác ái và tình anh em” cũng như là các nguyên tắc đạo đức cần tuân thủ”[12]. Hồi giáo cũng không đề cập trực tiếp đến việc hiến tạng. Đối với tính toàn vẹn của cơ thể, quan niệm của Hồi giáo cũng khá giống với quan niệm của người Việt về trách nhiệm trân trọng và gìn giữ cơ thể mình. Nhưng với người Hồi giáo, điều này xuất phát từ nhiều quy định của Luật Sharia: “(a) Các quy tắc của Luật Shari'a cấm việc tự tử cũng như là coi tự tử là một tội lỗi nguy hiểm nhất (al-kaba'ir) khi Thượng đế đã răn dạy: Con không được giết (hay hủy hoại) chính mình: vì thật lòng Thượng đế đã đến với con một cách thương xót nhất (al-Ntssa', iv. 29-30)... Về thể xác của con người sau khi chết, mỗi cá nhân được để lại quyền làm sạch trước khi chôn cất, khâm liệm, mai táng, cầu nguyện trước khi mai táng, rửa tội và giữ cho thi thể không bị cắt xẻo, khuyết thiếu. Mặc dù các quyền này được xem là các quyền cá nhân nhưng vẫn bao gồm trong đó quyền của Thánh Allah – loại quyền mà không thể bị từ chối (Ahkaam, Part. I, p. 167)”[13]. Số lượng người theo Hồi giáo không nhiều tại Việt Nam[14] nên ảnh hưởng của Hồi giáo không thật sự đáng kể trong đời sống tôn giáo tại Việt Nam.

Thứ tư, về truyền thống văn hoá. Hiến, ghép tạng là một vấn đề mới xuất hiện, không có trong truyền thống, ở Việt Nam hiện nay, việc hiến tạng cho người xa lạ - hiến tặng cơ thể hoặc bộ phận cơ thể mình sau khi chết cho người khác còn rất hạn chế[15]. Sự hạn chế này đến từ quan niệm thực tế, thậm chí thực dụng về những điều rất mơ hồ, phi trực quan, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian của người Việt cuộc sống ở cõi âm vẫn tiếp diễn sau khi chết và kéo dài và thể xác phải trọn vẹn để tiếp tục cuộc sống ở cõi âm vì “trần sao âm vậy”. Mặt khác, người chết vẫn có thể đồng hành và phù trợ cho người sống, người sống được hưởng lợi ích từ phúc đức và phong thủy âm trạch của người chết, người sống cũng có thể phải nhận những quở phạt, trách mắng nếu làm người chết không hài lòng “chiều như chiều vong” (thành ngữ). Đây là nút thắt của vấn đề tự nguyện hiến tạng ở Việt Nam, đặc biệt là với trường hợp hiến tạng sau khi chết.

Tuy nhiên, hiến tạng cũng có thể trở thành một giá trị văn hoá của xã hội hiện đại vì trước hết nó phù hợp với đạo đức, với điều thiện, với lòng vị tha – hy sinh cho người khác là giá trị phổ quát của các nền văn hoá, của các dân tộc. Với dân tộc Việt Nam, việc tự nguyện hiến tạng không mâu thuẫn với các giá trị đạo đức dân tộc, với giá trị tương thân tương ái trong văn hóa của người Việt. Từ góc độ văn hóa,có thể thấy việc so sánh giữa các tính chất, quy luật của môi trường tự nhiên xã hội với các tính chất, quy luật của cơ thể là một tập quán tư duy, tập quán ngôn ngữ của người Việt. Tập quán này rất đậm sâu trong văn hoá Việt Nam. Người Việt lấy bộ phận trên của cơ thể để khái quát những điều thiêng liêng nhất về sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất”[16]. Người Việt so sánh quan hệ gia đình là “anh, em như thể chân tay”, “môi hở răng lạnh”. Qua tập quán ngôn ngữ này, có thể thấy các bộ phận cơ thể được sử dụng như “chuẩn đối sánh” để xác định mức độ trânquý nhất, thứ bậc ưu tiên cao nhất của các hiện tượng, sự vật đối với cuộc sống của con người là tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Mặt khác, các tục ngữ, thành ngữ trong kho tàng văn hóa dân gian cũng thể hiện rõ lối ứng xử duy tình, nặng về tình cảm, nhẹ về lý trí của người Việt: “một bồ cái lý không bằng một tý cái tình” (thành ngữ). Trong văn học dân gian, người Việt đề cao đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ mà một trong những mô tip tiêu biểu cho sự hiếu thuận và hy sinh là tích truyện nàng Thoại Khanh cắt thịt của mình cho mẹ chồng (mẹ Châu Tuấn) ăn qua cơn đói, dâng đôi mắt của mình để đổi lại mạng sống cho mẹ chồng[17]. Thoại Khanh – Châu Tuấn là chuyện cổ Nam Bộ nổi tiếng, tác phẩm này đã được chuyển thể thành nhiều hình thức sân khấu biểu diễn như hát bài chòi, hát bội, hát tuồng, cải lương, ca kịch…

Truyền thống quần cư nông thôn chỉ quẩn quanh trong các làng xã của người Việt với tính tự trị cao và phương thức sản xuất quy mô nhỏ đã hình thành nên tư tưởng tiểu nông, phần nào hẹp hòi, không nghĩ cho cái chung, cho những người khác ngoài gia đình, cộng đồng của mình. “Tính tự trị làng nào biết làng ấy, tập thể nào biết tập thể ấy chính là nguyên nhân tạo nên bệnh hẹp hòi, ích kỷ, bè phái”[18]. Mặt khác, lối ứng xử nặng về tình cảm cũng có mặt trái là hành xử cảm tính, theo số đông: “xấu đều hơn tốt lỏi”, “lụt thì lút cả làng”. Vậy nên hiến tạng hay tẩy chay hiến tạng đều có thể lan rộng khi đã trở thành trào lưu của số đông.

Mặc dù vậy, “Trọng tình, đa cảm như một giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam là điều không còn phải nghi ngờ gì. Nó là một trong những sản phẩm điển hình của đặc trưng tính trọng âm thuộc một nền văn hóa trọng âm vào loại điển hình trong khu vực nông nghiệp trồng lúa nước Đông Nam Á”[19]. Người Việt đề cao tinh thần tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “lá lành đùm lá rách”. Điều đặc biệt cần được ghi nhận và trân trọng trong văn hoá Việt Nam chính là tình cảm yêu nước, thương nòi, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của người Việt. Người Việt trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong suốt hơn một ngàn năm kể từ khi giành lại độc lập, tự chủ năm 938, lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với các cuộc chiến tranh chống lại âm mưu tái đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Hoa ở phía bắc, sự quấy phá của nước Chiêm thành ở phía nam. Chính đặc điểm lịch sử, địa lý như trên đã tạo nên đặc tính của một dân tộc khao khát hoà bình nhưng không ngần ngại chiến tranh, chấp nhận những hy sinh, mất mát lớn lao, bao gồm việc mất đi một phần hoặc toàn bộ cơ thể[20].

Như vậy, hiến tạng không mâu thuẫn với các giá trị của tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, một số yếu tố tiêu cực được phân tích ở trên đã gián tiếp tạo ra những trở lực đối với việc hiến tạng. Điều cần khẳng định là tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hóa cũng có thể là nguồn sức mạnh tinh thần để thúc đẩy hiến tạng nếu được sử dụng đúng, nếu được tác động trúng vào đặc tính duy tình của người Việt, nếu hiến tạng được thúc đẩy trở thành trào lưu của số đông. Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp của pháp luật cũng như các công cụ quản trị xã hội khác, các quy phạm xã hội khác về vấn đề hiến tạng.

2. Vai trò của pháp luật đối với việc thúc đẩy hiến tạng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay

Pháp luật về hiến tạng đã được ban hành ở Việt Nam gần 18 năm nay[21], đã ghi nhận quyền hiến mô, tạng, đã quy định căn cứ, trình tự hiến, nhận, lưu trữ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể, hiến, lấy xác. Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận nguyên tắc chủ động hiến tạng và nghiêm cấm việc hiến ghép tạng vì mục đích thương mại[22]. Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Việt Nam năm 2006 đã có cách tiếp cận hợp lý khi tôn trọng sự tự nguyện (nguyên tắc chủ động đồng ý) của người hiến và vì mục đích nhân đạo, nghiên cứu, giảng dạy mà không áp dụng nguyên tắc suy đoán đồng ý hiến tạng, nghiêm cấm việc mua bán tạng hoặc vì mục đích thương mại.

Chủ động đồng ý hiến tạng (express consent principle) giới hạn chỉ lấy tạng từ những người trước khi chết thể hiện rõ nguyện vọng muốn hiến tạng, khác với trường hợp suy đoán đồng ý hiến tạng (presumed consent system)[23] suy đoán những người không thể hiện quan điểm chống lại việc hiến tạng khi họ còn sống cũng là họ đồng ý hiến tạng để lấy tạng của họ sau khi chết. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại khi vẫn đang mang gánh nặng quan niệm của tín ngưỡng, truyền thống văn hoá về tính toàn vẹn cơ thể cả khi còn sống lẫn sau khi đã chết, thì pháp luật đã lựa chọn cách tiếp cận tôn trọng tối đa ý chí của mỗi cá nhân về việc hiến hay không hiến tạng. Ngược lại, trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên tắc suy đoán đồng ý và có thể làm tăng nguồn cung tạng, tuy nhiên, nguyên tắc này cũng vấn phải sự phản đối vì suy đoán đồng ý “được xem là “sự bắt buộc trá hình”, làm suy yếu các lợi ích thực sự vốn có mà sự tự nguyện hiến tạng mang lại”[24]. Giải pháp của pháp luật Việt Nam hiện nay là vừa bảo đảm sự tôn trọng ý chí của người chủ động hiến tạng, vừa mở ra nguồn hiến mô, tạng, xác từ người chết mà chưa bày tỏ ý nguyện được hiến lúc còn sống, cụ thể là trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó (điểm c, khoản 2, Điều 21 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006).

Không chỉ theo nguyên tắc chủ động đồng ý, Việt Nam còn thực thi nguyên tắc phi thương mại các hoạt động hiến, ghép tạng, nghiêm cấm các hoạt động mua bán mô tạng, bộ phận cơ thể (Điều 4 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006). Tuy nhiên, điều này cũng gián tiếp dẫn tới sự hình thành của thị trường “đen” về mô, tạng do cung không đủ cầu. Cung không đủ cầu nên còn có nguồn cung từ các trường hợp tự bán tạng, các đường dây mua bán tạng và thậm chí mua bán người để lấy tạng[25]. Mặc dù vậy, quy định cấm thương mại hóa này lại hợp lí khi cơ thể người luôn gắn liền với phẩm giá con người, phù hợp với các giá trị đạo đức về tính toàn vẹn cơ thể, thi thể trong quan niệm truyền thống, tín ngưỡng. Do đó, bộ phận cơ thể người không được coi là hàng hoá mua bán trên thị trường vì mục đích thương mại, chỉ có thể cho đi vì mục đích thiện nguyện, vì sự sống của người khác hoặc nhiều người khác. Việc pháp luật cấm tuyệt đối các giao dịch mua bán tạng là do lợi bất cập hại nếu hợp pháp hóa các giao dịch mua bán tạng. Đó là để có được khoản tiền lớn từ bán tạng, người bán có thể từ bỏ các nỗ lực điều trị, từ bỏ cơ hội sống, thậm chí cơ hội lao động kiếm sống, tạng có thể trở thành đối tượng để cầm cố, thế chấp, cá nhân có thể bị dồn ép bởi chủ nợ, bởi người gia trưởng trong gia đình để gá nợ, để kiếm tiền... “Nói chung, những quan sát thực tiễn đã cho phép kết luận rằng ở những quốc gia cho phép hiến tạng theo mục tiêu lợi nhuận thì hiến tạng theo mục tiêu lợi nhuận có thể có vai trò quan trọng, nhưng gây hại nhiều hơn là lợi”[26].

Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện nay đã và đang tạo ra những cơ sở pháp lý cho hoạt động hiến tặng mô tạng và giải quyết một vấn đề mới của xã hội hiện đại nhưng không đi ngược lại với các giá trị tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá truyền thống, của người Việt, do đó nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, liệu pháp luật còn có thể làm gì để giảm thiểu sự thờ ơ, thậm chí còn lảng tránh việc hiến tạng, đặc biệt là hiến tạng sau khi chết, cũng như để góp phần làm tăng nguồn cung về tạng từ tự nguyện hiến tạng?

Như Phần 1 của bài viết đã chỉ ra, rào cản đối với hiện tạng chủ yếu do nút thắt từ quan niệm coi trọng tính toàn vẹn cơ thể, thi thể trong đời sống tâm linh và phần nào đó là tính bảo thủ, hạn hẹp ít nhiều hiện hữu trong truyền thống văn hóa tiểu nông của người Việt. Do vậy, pháp luật rất khó điều chỉnh, rất khó can thiệp, pháp luật không phải là công cụ vạn năng để giải quyết các vướng mắc liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá, không thể máy móc áp dụng nguyên tắc suy đoán đồng ý, cũng không thể hợp pháp hoá việc mua bán tạng. Nhà nước không thể dùng pháp luật để ép buộc hiến tạng. Tuy nhiên, pháp luật có thể thúc đẩy việc hiến tạng tại Việt Nam theo cách tiếp cận dưới đây:

Thứ nhất, pháp luật phải định vị hiến tạng là một trong những giá trị mới, định vị hiến tạng ở thang bậc cao nhất của lòng nhân ái. Đối với Việt Nam, việc đặt ra các cơ chế tôn vinh người hiến tạng và gia đình người hiến tạng chưa đầy đủ, chưa có ngày hội đăng ký hiến tạng và tri ân người hiến tạng (Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 chưa quy định[27]). Pháp luật cũng chưa đặt ra việc khen đối với người hiến tạng và gia đình người hiến tạng[28]. Quy định về tôn vinh, khen những cá nhân này cần phải được chú ý vì đây chính là phương thức dùng pháp luật để định hình các giá trị đạo đức mới của xã hội hiện đại. Mặt khác, pháp luật cần có chế tài xử lý các hành vi xúc phạm đến thân nhân của những người hiến tạng, chú trọng các biện pháp khôi phục danh dự cho họ như buộc người xúc phạm phải cải chính thông tin, buộc công khai xin lỗi… để bảo đảm công bằng, hạn chế tổn thất tinh thần cho thân nhân của những người hiến tạng. Cần chú trọng chức năng giáo dục của pháp luật thông qua sự tác động của pháp luật vào ý thức của cá nhân, định hướng xử sự của cá nhân, làm cho xử sự của cá nhân phù hợp với các giá trị xã hội mới được định vị trong các quy phạm pháp luật.

Thứ hai, pháp luật cần có những quy định hỗ trợ thực chất và lâu dài đối với người hiến tạng và thân nhân người hiến tạng… Cụ thể, đối với Việt Nam, cần khắc phục việc chưa đặt ra hỗ trợ về y tế với việc xét nghiệm điều kiện hiến tạng cho người muốn đăng ký hiến tạng[29]. Pháp luật cần coi người đăng kí hiến tạng, thân nhân người hiến tạng sau khi chết là đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội khi họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ này với các can thiệp - trị liệu, phục hồi chức năng, đặc biệt là nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình (đối diện với thực tế người thân đã mất, với những dằn vặt, hối hận khi đã hiến tặng bộ phận cơ thể của người thân, với những hiểu lầm và định kiến xã hội), giúp đỡ người hiến tạng kết nối đối tượng với hệ thống các nguồn lực, dịch vụ và cơ hội trong xã hội. Người hiến tạng và thân nhân của người hiến tạng cũng như các nhu cầu thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội chưa được đề cập trong dự thảo Nghị định về công tác xã hội và Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030[30]. “Hệ thống tự nguyện hiến tạng có thể được cải thiện nếu chú ý nhiều hơn tới tầm quan trọng của mối quan hệ con người”[31] - đó là sự quan tâm, tri ân người hiến tạng và gia đình họ không phải chỉ trong lễ truy điệu người hiến tạng đã chết mà cả quãng thời gian sau này, đó là việc trung chuyển những thông tin về sức khỏe, về sự biết ơn của người nhận tạng… để người hiến tạng và gia đình họ cảm thấy hiến tạng là quyết định đúng đắn, rằng người thân của họ vẫn đang sống, vẫn đang có ích dù thực tế đã không còn nữa.

Thứ ba, pháp luật phải đặt ra các chế tài để xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để các trường hợp chuyển giao mô, bộ phận cơ thể người một cách không tự nguyện hoặc vì mục đích thương mại. Cụ thể, đó là việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 đã hình sự hoá các hành vi này nhưng: (1) chưa quy định chủ thể của tội phạm mua bán người (để lấy bộ phận cơ thể hoặc hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người) là pháp nhân; chưa quy định hành vi mua bán bộ phận thi thể (Điều 319[32]) là tội phạm; chưa quy định mua bán người để lấy mô (mà chỉ là để lấy bộ phận cơ thể (Điều 150[33]). Những trường hợp trên cần được nghiên cứu để tội phạm hoá nhằm góp phần hạn chế các trường hợp chuyển giao mô, bộ phận cơ thể người một cách không tự nguyện hoặc vì mục đích thương mại. Việc hạn chế các trường hợp chuyển giao mô, bộ phận cơ thể người một cách không tự nguyện hoặc vì mục đích thương mại mặc dù không giải quyết được triệt để nhu cầu ghép tạng nhưng sẽ góp phần củng cố sự tin tưởng của người hiến tạng (về việc tạng sau khi hiến sẽ được sử dụng theo đúng các mục đích mang tính chất nhân văn), mặc dù không thể triệt tiêu, không thể đánh sập thị trường mua bán mô tạng nhưng sẽ góp phần bảo đảm an toàn và phẩm giá, tự do cá nhân của con người. Dù nhu cầu được ghép tạng là chính đáng nhưng không thể vì nhu cầu này mà cho phép thương mại hoá việc hiến tạng để dẫn tới nguy cơ lớn hơn là sự đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ và nhân phẩm của con người, trật tự xã hội và an toàn xã hội.

Ngoài vai trò của pháp luật, vai trò của các tôn giáo cũng đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy hiến tạng. Do nút thắt đối với hiến tạng phần nhiều đến từ vấn đề tâm linh nên cần tháo gỡ từ chính nút thắt với đó với việc đề cao vai trò của tôn giáo. Tôn giáo có các thiết chế và giáo luật tương đối hệ thống và chặt chẽ, trong khi tín ngưỡng không đạt được mức độ như vậy. Là tôn giáo chính, có vai trò sâu và rộng trong đời sống tâm linh của người Việt, Phật giáo đã và đang làm tốt việc giáo dục Phật tử thay đổi nhận thức đối với hiến tạng trên nhiều kênh thông tin (báo viết, báo điện tử, tài khoản mạng xã hội của một số nhà tu hành...) cũng như trong nội dung các khoá tu, các bài pháp thoại về ý nghĩa cao đẹp của lòng từ bi. Việc hiến tạng, hiến xác được khuyến khích do đây là sự thể hiện của những hạnh nguyện cao cả, đem lại cuộc sống và hạnh phúc cho nhiều người khác, nhiều gia đình khác. Tuy nhiên, cần có quan điểm rõ ràng hơn về thời điểm Phật tử có thể hiến tạng, hiến xác - do theo quan niệm truyền thống, thần thức cần có thời gian ở lại một thân xác an tịnh (nguyên vẹn) trước khi rời đi, từ đó có những giải pháp hợp lý về phương diện tâm linh cũng như về phương diện y học để có thể kịp thời lấy mô tạng sau khi người hiến xác qua đời.

Trong điều kiện hiện nay, rất cần sự đa dạng về nguồn lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, bình ổn đời sống tinh thần cho thân nhân của người hiến tạng. Khi nguồn lực của dịch vụ công tác xã hội còn hạn chế, cần có sự tham gia của các cộng đồng tôn giáo vào quy trình tham vấn, tư vấn, trị liệu, hỗ trợ cho thân nhân của người hiến tạng gặp khó khăn, đảm bảo chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội. Điều quan trọng hơn mà tôn giáo có thể làm được là hỗ trợ về tinh thần đối với những người còn sống và cả những người đã chết. Các thiết chế tôn giáo đã tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, cầu siêu cho những đồng bào mạng vong do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh và tai nạn giao thông, lần gần đây là những đồng bào mất trong đại dịch Covid đã được cầu siêu theo nghi lễ Phật giáo ở quy mô lớn. Với người hiến tạng đã chết và thân nhân của họ, việc tổ chức những nghi lễ tương tự là cần thiết và xứng đáng dành cho họ, quan trọng hơn, còn là để biểu dương và khích lệ những Phật tử khác đến gần hơn với quyết định hiến tạng.

3. Kết luận

Hiến tạng là vấn đề mới xuất hiện trong vài thập kỉ gần đây, chưa được đặt ra trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hoá truyền thống của người Việt. Những nghịch lực và thuận lực cho việc hiến tạng được bài viết xác định từ sự phân tích bối cảnh Việt Nam với sự giao thoa các quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hoá. Nhằm thúc đẩy việc tự nguyện hiến tạng, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ người hiến tạng, chăm lo lâu dài và thực chất cho thân nhân người hiến tạng, hạn chế các trường hợp chuyển giao tạng phi tự nguyện hoặc vì mục đích thương mại; cần phát huy vai trò của các thiết chế tôn giáo để thay đổi các quan niệm truyền thống, gỡ bỏ các nút thắt về tâm linh; từ đó, hiến tạng được định vị như một chuẩn mực ứng xử mới trên cả phương diện “đời” và “đạo”.

Để đưa ra các luận cứ trong bài viết một cách thuyết phục hơn, cần triển khai các phương pháp nghiên cứu đặc trưng của tôn giáo học, cũng như của xã hội học. Tuy nhiên, từ khi hình thành ý tưởng nghiên cứu, cho đến khi có công bố đầu tiên năm 2021[34] và đến bài viết này với tính chất là những phát triển mới của sản phẩm nghiên cứu đầu tiên, chúng tôi chưa có điều kiện để thực hiện các phương pháp nghiên cứu trên. Do vậy, rất cần tiếp tục có thêm sự đồng hành của các học giả khác và những nguồn lực khác để phát triển đề tài này trong thời gian tới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Areen, Judith. “Scarcity of Organs, A” , Journal of Legal Education, vol. 38, no. 3 (1988)

2. Bailey, Everton, “Should the State Have Rights to Your Organs - Dissecting Brazil'sMandatory Organ Donation Law”, Inter-American Law Review, vol.3 0, no. 3, Winter-Spring (1999).

3. Ban Tôn giáo Chính phủ, Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, 2023.

4. Quốc Bảo, “Đạo Mẫu là gì?”, Thế giới di sản http://thegioidisan.vn/vi/dao-mau-la-gi.html

5. BERNAT, ERWIN, MARKETING OF HUMAN ORGANS? - A LEGAL FRAMEWORK FOR BIOETHICS, BRILL NIJHOFF, (1998)

6. Bộ Lao động, Thông tin và xã hội, “Khai trương cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ” (https://hanam.gov.vn/sldtbxh/Pages/khai-truong-cong-thong-tin-dien-tu-ve-liet-si-mo-liet-si-va-nghia-trang-liet-si.aspx).

7. Lê Lan Chi, “Poor Organ Donation in Vietnam: Resulting from Beliefs, Religions, and Traditional Culture? How to Promote Organ Donation and to Deal with Organ Trading from a Legal Perspective?”, International Journal of Criminology and Sociology (2021, 10, 000-000).

8. Dự thảo Luật Công tác xã hội http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1614&LanID=1615&TabIndex=1; Tài liệu thẩm định Dự thảo Nghị định về công tác xã hội ngày 9/5/2023, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3766

9. Thiên Đức, Gần 30 năm thành tựu ghép tạng Việt Nam - Tâm còn chưa thỏa, Sức khoẻ đời sống, https://suckhoedoisong.vn/gan-30-nam-thanh-tuu-ghep-tang-viet-nam-vi-sao-tam-chua-thoa-n150077.html)

10.Trí Mai và Công Khanh, “Việt Nam có hơn 1,1 triệu liệt sĩ”, Zingnews https://zingnews.vn/viet-nam-co-hon-1-1-trieu-liet-si-post765749.html)

11.Hồng Hải, “Việt Nam: 90% ca ghép tạng từ người cho sống”, Dân trí, https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-90-ca-ghep-tang-tu-nguoi-cho-song-20230628214202163.htm.

12.Bùi Đức Hiển, “Pháp luật một số nước trên thế giới về hiến môn, bộ phận cơ thể và hiến xác của cá nhân”, Thế giới luật (https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/phap-luat-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-ve-hien-mo-bo-phan-co-the-va-hien-xac-cua-ca-nhan-11146/)

13. HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP, TẬP 11, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA 266, (2011)

14.Nguyễn Ngân, Gia Hiếu, Đình Hưng (Ban Thời sự Đài truyền hình VIệt Nam), “Nhiều rủi ro khi mua bán nội tạng”, VTV (https://vtv.vn/trong-nuoc/nhieu-rui-ro-khi-mua-ban-noi-tang-20180515093634457.htm)

15.Mohammad Naeem Yaseen, “The rulings for the donation of human organs in the light of shar'a rules and medical facts”, Arab Quarterly Law https://brill.com/view/journals/alq/5/1/article-p49_4.xml

16.Phương Liên, “Khái quát về lịch sử truyền giáo và phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam”, Ban Tôn giáo Chính phủ (http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1217/Khai_quat_ve_lich_su_truyen_giao_va_phat_trien_dao_Cong_giao_o_Viet_Nam).

17.Trần Long, Lẽ âm dương trong y lí cổ truyền dân tộc, Văn hoá học, http://www. vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nhan-thuc/411-tran-long-le-am-duong-trong-y-li-co-truyen-dan-toc.html.

18.NGUYỄN ĐỨC LỮ, NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO LỚN Ở VIỆT NAM, NXB TÔN GIÁO, HÀ NỘI (2007)

19.Đinh Kiều Nga, “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt”, Ban Tôn giáo Chính phủ (http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1426/Tin_nguong_tho_cung_to_tien_ban_sac_van_hoa_cua_nguoi_Viet).

20.TRẦN NGỌC THÊM, HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG TỚI TƯƠNG LAI, NXB VĂN HOÁ VĂN NGHỆ, TP. HỒ CHÍ MINH (2016)

21.Minh Tuệ, “Hiểu biết về hành trình hiến tạng cứu người theo quan điểm Phật giáo”, Phật giáo https://phatgiao.org.vn/hieu-biet-ve-hanh-trinh-hien-tang-cuu-nguoi-theo-quan-diem-phat-giao-d33211.html)

22.Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” năm 2022 (https://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/25_08_2023/-2023-08-25-18-52-04.pdf).

23.United Network for Organ Sharing, “Theological perspective on organ and tissue donation”, https://unos.org/transplant/facts/theological-perspective-on-organ-and-tissue-donation/.

* PGS.TS Lê Lan Chi, Chủ nhiệm Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Duyệt đăng 30/12/2024. Email: lelanchi@vnu.edu.vn

[1] Trong bài viết này, chúng tôi tạm sử dụng thuật ngữ “tạng” như một hình thức viết tắt mà thực ra viết đầy đủ bao gồm cả mô và các bộ phận cơ thể.

[2] Ngày 28/6/2023, tại Hội thảo quốc tế: “Tư vấn vận động và điều phối tạng hiến từ người chết não, chết tim” do Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế tổ chức, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, số ca ghép tạng tại Việt Nam đã tăng từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Số người đăng kí hiến tạng tăng nhanh: như năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng, đến nay đã có 73.213 người (tính tới 20/6/2023) đăng kí hiến tạng, nhưng số lượng các ca ghép từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%. Xem: Hồng Hải, “Việt Nam: 90% ca ghép tạng từ người cho sống”, https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-90-ca-ghep-tang-tu-nguoi-cho-song-20230628214202163.htm.

[3] TRẦN NGỌC THÊM, HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG TỚI TƯƠNG LAI, NXB. VĂN HOÁ VĂN NGHỆ, TP. HỒ CHÍ MINH, 204 (2016)

[4] Trần Long, Lẽ âm dương trong y lí cổ truyền dân tộc, Văn hoá học http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nhan-thuc/411-tran-long-le-am-duong-trong-y-li-co-truyen-dan-toc.html.

[5] NGUYỄN ĐỨC LỮ, NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA MỘT SỐ TÔN GIÁO LỚN Ở VIỆT NAM, NXB. TÔN GIÁO, HÀ NỘI, 22-23 (2007)

[6] Đinh Kiều Nga, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt, Ban Tôn giáo Chính phủhttp://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1426/Tin_nguong_tho_cung_to_tien_ban_sac_van_hoa_cua_nguoi_Viet.

[7] Quốc Bảo, Đạo Mẫu là gì?, Thế giới di sản (01/04/2016; 09:04) http://thegioidisan.vn/vi/dao-mau-la-gi.html

[8] Theo thông tin của Bộ Lao động, Thông tin và xã hội, tính đến thời điểm 27/7/2018, chỉ riêng những người chết thuộc đối tượng liệt sĩ, đã thu thập 836.329 mộ liệt sĩ nhưng vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập (Xem: https://hanam.gov.vn/sldtbxh/Pages/khai-truong-cong-thong-tin-dien-tu-ve-liet-si-mo-liet-si-va-nghia-trang-liet-si.aspx).

[9] Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” năm 2022 công bố trên Cổng thông tin của Ban Tôn giáo chính phủ, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Trong đó Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự vào năm 2021 (Xem: https://cms.btgcp.gov.vn/upload/documents/25_08_2023/-2023-08-25-18-52-04.pdf).

[10] Minh Tuệ, “Hiểu biết về hành trình hiến tạng cứu người theo quan điểm Phật giáo”, Phật Giáo https://phatgiao.org.vn/hieu-biet-ve-hanh-trinh-hien-tang-cuu-nguoi-theo-quan-diem-phat-giao-d33211.html).

Tuy nhiên, một số tài liệu truyền thông về Phật giáo (chúng tôi không đủ khả năng để xác định đây là các quan điểm chính thống/phi chính thống) đề cập tới thời điểm chết (chết não, chết khi không còn sự thở và chết khi thần thức rời khỏi thể xác) và thời điểm có thể hiến xác, hiến tạng (theo đó chỉ có thể hiến xác, hiến tạng khi thần thức rời khỏi thể xác) nhưng như vậy sẽ là quá muộn để y học ở trình độ hiện tại có thể sử dụng được tạng, mô và các bộ phận cơ thể của người chết để cấy ghép cho người sống.

[11] Phương Liên, “Khái quát về lịch sử truyền giáo và phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam”, Ban Tôn giáo Chính phủ, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1217/Khai_quat_ve_lich_su_truyen_giao_va_phat_trien_dao_Cong_giao_o_Viet_Nam

[12] Xem: United Network for Organ Sharing, “Theological perspective on organ and tissue donation”, https://unos. org/transplant/facts/theological-perspective-on-organ-and-tissue-donation/.

[13] Mohammad Naeem Yaseen, The rulings for the donation of human organs in the light of shar'a rules and medical facts, Arab Law Quarterly (01 Jan 1990) https://brill.com/view/journals/alq/5/1/article-p49_4.xml

[14] Hiện nay, theo số liệu của Ban tôn giáo Chính phủ thì số lượng tín đồ Hồi giáo khoảng hơn 72.000 người; chia thành hai dòng Chăm Bàni (chiếm đa số) và Chăm Islam, trong đó chỉ dòng Chăm Islam là cộng đồng Hồi giáo tuân thủ tương đối giáo lý Hồi giáo nguyên thuỷ.

[15] Xem: Thiên Đức, Gần 30 năm thành tựu ghép tạng Việt Nam - Tâm còn chưa thỏa, Sức khoẻ đời sống https://suckhoedoisong.vn/gan-30-nam-thanh-tuu-ghep-tang-viet-nam-vi-sao-tam-chua-thoa-n150077.html : Chỉ xét riêng về chỉ số pmp tại Việt Nam (chỉ số ca ghép tạng từ người cho chết não) năm 2015 chỉ đạt mức 5.8. Năm 2017, chỉ số pmp tăng lên 7.1. Và “Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số pmp thấp nhất thế giới. Điều đáng nói là trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn thì ở Việt Nam nguồn mô, tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống”.

[16] HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP, TẬP 11, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA 266 (2011)

[17] Nàng Thoại Khanh là nhân vật điển hình của văn học dân gian để ngợi ca về lòng hiếu thảo và đức hy sinh, điển hình của người phụ nữ Việt Nam với vai trò vợ hiền, dâu thảo. Chồng nàng là Châu Tuấn do khước từ hôn sự với công chúa mà bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh cùng mẹ chồng lên đường đi tìm Châu Tuấn, băng qua ngàn trùng rừng sâu, nước độc. Trên đường lưu lạc, đói khát, mẹ già kiệt sức, Thoại Khanh đã “lóc thịt” của mình cho mẹ ăn. Sau đó, khi hai mẹ con đi qua miếu thờ Ác Thần, bị đòi trao đôi mắt của mình để đổi lấy mạng sống của mẹ chồng, thì nàng đã không do dự mà đồng ý hiến dâng...

[18] Trần Ngọc Thêm, tlđd, 3, 318

[19] Trần Ngọc Thêm, tlđd, 3, 377.

[20] Việt Nam có hơn 1,146,250 liệt sĩ, gần 800,000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (Trí Mai và Công Khanh, “Việt Nam có hơn 1,1 triệu liệt sĩ”, Zingnews (27/7/2017 06:15) https://zingnews.vn/viet-nam-co-hon-1-1-trieu-liet-si-post765749.html

[21] Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006 và là văn bản luật hoàn chỉnh đầu tiên điều chỉnh chuyên biệt cho lĩnh vực này; trước đó, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã quy định về quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 33, Điều 34); ngoài ra còn có một số văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động hiến tặng, điều phối, cấy ghép mô, tạng.

[22] Khoản 1, 2 và 3 Điều 4 “Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006.

[23] Theo tổng hợp của Bailey, Everton, “Should the State Have Rights to Your Organs - Dissecting Brazil's Mandatory Organ Donation Law”, Inter-American Law Review, Vol. 30, No. 3, Winter-Spring 1999, p. 707-726 (1999) thì suy đoán đồng ý hiến tạng là hệ thống cho phép lấy tạng của người đã chết vì suy đoán rằng họ tự nguyện hiến tạng trừ phi khi còn sống, họ và người thân của họ đã bày tỏ một cách rõ ràng, xác quyết về việc không đồng ý hiến tạng. Ít nhất đã có 14 quốc gia trên thế giới sử dụng hệ thống suy đoán đồng ý hiến tạng.

[24] Bailey, Everton. "Should the State Have Rights to Your Organs - Dissecting Brazil's Mandatory Organ Donation Law." University of Miami Inter-American Law Review, Vol. 30, No. 3, Winter-Spring 1999, p. 707-726. HeinOnline (1999)

[25] Xem thêm Phóng sự điều tra của Nguyễn Ngân, Gia Hiếu, Đình Hưng (Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam), “Nhiều rủi ro khi mua bán nội tạng”, VTV (15/5/2018 09:43) https://vtv.vn/trong-nuoc/nhieu-rui-ro-khi-mua-ban-noi-tang-20180515093634457.htm

[26] BERNAT, ERWIN. MARKETING OF HUMAN ORGANS? - A LEGAL FRAMEWORK FOR BIOETHICS. BRILL NIJHOFF, 161-171 (1998)

[27] Việt Nam mới chỉ có hoạt động tổ chức lễ Macchabée trong nội bộ ngành y để tri ân những người đã hiến thân thể cho khoa học (tôn vinh những người hiến xác cho hoạt động nghiên cứu giảng dạy y khoa).

[28] Điều 17 Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 chỉ quy định người đã hiến tạng được tặng kỷ niệm chương, trong khi gia đình người hiến tạng, xác của thân nhân đã chết không được quy định; kỷ niệm chương không phải là hình thức khen (bằng khen, giấy khen theo Mục 6, 7 Luật thi đua khen thưởng) và do vậy họ không có được các quyền lợi chính đáng từ việc nhận các hình thức khen theo Luật thi đua khen thưởng, dù trực tiếp hay gián tiếp.

[29] Hiện nay mới chỉ có chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống; chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài đối với người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác theo quy định của Thông tư số 104/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 5/10/2017 về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác.

[30] Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/1/2021 chủ yếu tập trung vào một số đối tượng phục vụ của công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đối tượng yếu thế khác. Nghị định về công tác xã hội cũng chưa đề cập đến người hiến tạng và thân nhân người hiến tạng đã chết trong các quy định về đối tượng phục vụ của công tác xã hội cũng như vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội (Xem: Tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định về công tác xã hội ngày 9/5/2023, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3766).

[31] Areen, Judith, Scarcity of Organs, A Journal of Legal Education, vol. 38, no. 3, 1988, p. 555-566. HeinOnline.

[32] Điều 319 BLHS đặt tên tội danh là “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và mô tả hành vi khách quan chỉ là: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt…” tại khoản 1 và quy định tình tiết định khung “Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt” ở điểm d, khoản 2 mà không đề cập đến hành vi mua bán bộ phận thi thể.

[33] Điều 150 BLHS về tội mua bán người chỉ quy định “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” là tình tiết định khung ở điểm b, khoản 3 mà không quy định “đã lấy mô của nạn nhân”.

[34] Sản phẩm nghiên cứu đầu tiên về đề tài này của tác giả là bài viết: “Poor Organ Donation in Vietnam: Resulting from Beliefs, Religions, and Traditional Culture? How to Promote Organ Donation and to Deal with Organ Trading from a Legal Perspective?” công bố trên Tạp chí International Journal of Criminology and Sociology (2021, 10, 000-000).

Cùng chuyên mục

Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững

Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững

Nghiên cứu lý luận -  3 ngày trước

Áp dụng quy định pháp luật thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết

Áp dụng quy định pháp luật thừa kế để xử lý tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi người được bảo hiểm chết

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Xung đột giữa biện pháp hạn chế xuất khẩu và mục tiêu phát triển bền vững: Bài học từ tranh chấp giữa Liên minh Châu Âu và Indonesia

Xung đột giữa biện pháp hạn chế xuất khẩu và mục tiêu phát triển bền vững: Bài học từ tranh chấp giữa Liên minh Châu Âu và Indonesia

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Chi trả cổ tức bằng cổ phần nhằm chia tách cổ phần - Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông

Chi trả cổ tức bằng cổ phần nhằm chia tách cổ phần - Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Hiệp định thương mại tự do: Những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ và gợi mở cho Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do: Những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Cho thuê - Mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn: Một số gợi mở dưới góc độ pháp lý cho Việt Nam

Cho thuê - Mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn: Một số gợi mở dưới góc độ pháp lý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia - Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Đọc nhiều