Tội không trung thực với các chủ nợ
Điều 1, Chương 11 Bộ luật Hình sự (BLHS) Thụy Điển quy định các tội xâm phạm quyền của chủ nợ, cụ thể:
“Người nào đang trong tình trạng không trả được nợ hoặc có nguy cơ rõ ràng là không trả được nợ mà phá hủy hoặc dưới hình thức tặng cho hoặc các thủ đoạn tương tự, tẩu tán tài sản có giá trị lớn thì bị phạt tù đến 02 năm về Tội không trung thực với các chủ nợ. Hình phạt này cũng áp dụng đối với người nào có các hành vi tự làm mình lâm vào tình trạng không trả được nợ hoặc tự gây ra nguy cơ không trả được nợ.
Người mắc nợ nào đang liên quan đến việc tái cơ cấu nợ theo quy định của Luật tái cơ cấu nợ, phá sản hoặc thương lượng chính thức với chủ nợ mà che giấu tài sản, báo cáo về một khoản nợ khống, hoặc cung cấp các thông tin được cải chính trước khi tuyên thệ hoặc trước khi được coi là cơ sở để tiến hành các thủ tục pháp lý thì bị kết án về Tội không trung thực với các chủ nợ. Quy định này cũng áp dụng đối với người mắc nợ nào đang liên quan đến thủ tục thi hành án khác mà xuất trình giấy tờ giả mạo hoặc hợp đồng giả gây cản trở cho việc tịch thu theo thủ tục tố tụng tài sản cần thiết để thanh toán hoặc bảo đảm cho chủ nợ.
Người mắc nợ nào khi sắp bị phá sản mà chuyển tài sản có giá trị lớn ra khỏi Vương quốc nhằm đưa tài sản đó ra khỏi số tài sản của vụ phá sản, hoặc người mắc nợ nào đang bị phá sản mà chiếm giữ tài sản đang bị quản lý theo thủ tục phá sản thì cũng bị kết án về Tội không trung thực với các chủ nợ”.
Điều 2 Chương 11 BLHS Thụy Điển quy định: “Phạm tội quy định tại Điều 1 trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 06 năm về Tội thiếu trung thực với các chủ nợ thuộc trường hợp nghiêm trọng”.
Theo quy định trên, tất cả các hành vi tẩu tán tài sản của người đang mắc nợ nhằm mục đích không phải trả nợ cho chủ nợ đều bị xử lý hình sự về Tội không trung thực với chủ nợ. Bên cạnh đó, quy định trên cũng đã tạo ra cơ chế bảo vệ hiệu quả đối với quyền được thanh toán tài sản của người được thi hành án đối với bên có nghĩa vụ phải thi hành án bằng tài sản của mình; theo đó, nếu người đang mắc nợ có nghĩa vụ thi hành án bằng tài sản của mình nhưng có hành vi tẩu tán tài sản hoặc tạo ra sự dịch chuyển tài sản một cách giả tạo cho chủ sở hữu khác nhằm trốn tránh việc trả nợ cho người được thi hành án thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không trung thực với chủ nợ.
Không như BLHS Thụy Điển, BLHS Việt Nam chỉ quy định một hành vi chung là hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và chỉ quy định trong duy nhất một điều luật. Cụ thể là Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Như vậy theo điều luật, hành vi khách quan cấu thành tội phạm trên ngoài các hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó thì còn có hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. So với quy định của BLHS Thụy Điển, BLHS Việt Nam quy định về nghĩa vụ trả nợ của con nợ đối với chủ nợ thiếu sự ràng buộc hơn. Bộ luật Hình sự Thụy Điển quy định chỉ cần con nợ có hành vi tẩu tán tài sản hoặc con nợ có hành vi tự làm mình lâm vào tình trạng không trả được nợ (ví dụ như tự hủy hoại tài sản của mình để khỏi trả nợ cho chủ nợ,...) thì đã thỏa mãn cấu thành tội phạm “không trung thực với chủ nợ”, trong khi BLHS Việt Nam quy định là phải đến hạn trả nợ và tại thời điểm đến hạn đó mà con nợ có tài sản, có điều kiện nhưng cố tình không trả. Do đó, trường hợp nợ chưa đến hạn nhưng con nợ tìm cách tẩu tán tài sản để khi đến hạn trả nợ sẽ không còn tài sản trả nợ nữa thì con nợ sẽ không phạm tội theo Điều 175 BLHS năm 2015; mặt khác, điều luật quy định “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, trong trường hợp đến hạn trả nợ, con nợ có tài sản, có điều kiện nhưng vô tình quên hoặc nhớ hay nhầm lẫn đã trả rồi gây thiệt hại cho chủ nợ thì cũng không bị xem là phạm tội. Với quy định trên của Điều 175 BLHS năm 2015, rất khó để các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm vì hầu hết con nợ đều tìm cách tẩu tán tài sản trước đó để khi đến hạn trả nợ cho chủ nợ họ sẽ không còn tài sản để trả.
Tội thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ
Điều 3 BLHS Thụy Điển quy định: “Người nào trong tình trạng không trả được nợ hoặc rõ ràng có nguy cơ không trả được nợ mà tiếp tục điều hành doanh nghiệp, chi khoản tiền lớn cho công việc kinh doanh nhưng không thu được lợi nhuận tương xứng, hoặc người nào sống xa hoa, lãng phí, lao vào công việc mạo hiểm hoặc do thiếu thận trọng đã nhận trách nhiệm quá khó khăn, hoặc người nào thực hiện các công việc tương tự và cố ý hoặc do quá cẩu thả mà làm xấu đi nghiêm trọng tình trạng tài chính của mình thì bị phạt tù đến 02 năm về Tội thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ. Hình phạt này cũng áp dụng đối với người phạm tội tuy không nhận thức được tình trạng đó nhưng có cơ sở chắc chắn để nhận định là mình đang trong tình trạng không trả được nợ hoặc rõ ràng có nguy cơ không trả được nợ.
Người mắc nợ nào đang liên quan đến việc tái cơ cấu nợ theo Luật tái cơ cấu nợ, phá sản hoặc thương lượng công khai với chủ nợ, do quá cẩu thả mà giấu giếm tài sản, báo cáo về một khoản nợ khống hoặc đưa ra các thông tin sai lệch khác thì cũng bị xử phạt về Tội thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ trừ khi thông tin đó được đính chính trước khi tuyên thệ hoặc trước khi được coi là cơ sở để tiến hành các thủ tục pháp lý”.
Theo quy định trên, người đang mắc nợ hoặc rõ ràng có nguy cơ không trả được nợ nhưng vẫn mạo hiểm đầu tư, kinh doanh hoặc tham gia các hoạt động tài chính khác, làm xấu đi tình trạng tài chính của mình dẫn đến mất khả năng trả nợ thì cũng phạm tội thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ. Với quy định này, điều luật đã tạo ra một phương thức bảo vệ rất hiệu quả, buộc con nợ phải có nghĩa vụ cân nhắc, cẩn trọng khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư tài chính,... để đảm bảo tính hiệu quả và lợi nhuận. Người mắc nợ buộc phải đầu tư khi việc đầu tư là khả quan và có lợi nhuận, nếu thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán cho chủ nợ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ. Như vậy, con nợ sẽ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình cũng như ràng buộc chặt chẽ nghĩa vụ của con nợ đối với chủ nợ.
Đối với quy định trong BLHS Việt Nam, khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định còn mang tính chung chung, gây khó khăn khi vận dụng vào thực tiễn, ví dụ: Trường hợp người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay vốn, tức là dùng vốn vay với mục đích ban đầu là đầu tư, kinh doanh, sản xuất nhưng sau đó tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại dẫn đến không trả được nợ thì có được coi là “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” và có bị xử lý trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 không? Theo hướng dẫn tại phần 6, Mục I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. So với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 BLHS năm 1999, điểm a khoản 1 Điều 175 của BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Như vậy, người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy...) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại... nên khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản...) thì bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 175 BLHS năm 2015. Theo hướng dẫn trên, rất dễ dàng để người vay (mượn, thuê) lợi dụng việc vay (mượn, thuê) tài sản của người khác bằng hình thức hợp pháp (quan hệ dân sự) rồi cố tình dùng tài sản này để tiêu xài cá nhân, trả nợ hoặc cố tình đầu tư kinh doanh, cố ý thua lỗ cho đối tác là công ty, doanh nghiệp của người thân nhằm tẩu tán tài sản vay mượn này cho người thân để chiếm đoạt tài sản. Với lớp “bình phong” đứng tên là tài sản của người khác nhưng thực tế lại có thể toàn quyền định đoạt tài sản này nhằm đưa mình vào thế mất khả năng thanh toán, mất khả năng trả nợ một cách giả tạo thì rõ ràng đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của chủ nợ. Chủ nợ hầu như đã mất tài sản vì không thể đòi lại được (có thể thắng kiện trong vụ kiện dân sự nhưng khả năng để lấy lại tài sản thì hầu như không thể vì tài sản đã được con nợ dự trù, tính toán tẩu tán có hệ thống làm cho bản thân lâm vào tình trạng không còn tài sản). Trường hợp này hiện rất phổ biến nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng có thủ đoạn như trên do khó khăn trong việc chứng minh ý thức chủ quan của người vay, mượn, thuê là có ý thức chiếm đoạt hay không (nếu không chứng minh được ý thức chiếm đoạt thì đều là quan hệ dân sự).
Ngoài ra, các tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” và “có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp” quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 được hiểu như thế nào? “Thủ đoạn gian dối” trong hình sự, trong giao dịch dân sự khác nhau như thế nào vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn vấn đề này như sau: “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” được hiểu là trốn khỏi nơi cư trú và che giấu nơi ở hiện tại với mục đích chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý đối với người phạm tội, cần thu thập tài liệu chứng minh: Người phạm tội đã nhận được tài sản nhưng sau đó bí mật đi khỏi nơi đăng ký thường trú, nơi tạm trú, nơi làm việc mà không thông báo cho chủ tài sản, những người sống cùng, làm việc cùng, người thân thiết biết. Người phạm tội cắt đứt liên lạc với chủ sở hữu tài sản như thay đổi, chặn số điện thoại, địa chỉ email, mạng xã hội,… Điểm khác biệt cơ bản giữa “thủ đoạn gian dối” trong vụ án hình sự và “thủ đoạn gian dối” trong giao dịch dân sự là về mục đích, theo đó, gian dối trong vụ án hình sự là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn gian dối trong dân sự nhằm vào những mục đích khác, như để kéo dài thời gian trả tài sản cho người cho vay, cho mượn hoặc cho thuê (Mục 13, 14, Phần II Giải đáp khó khăn vướng mắc về thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử năm 2020 của Vụ 7, Vụ 14 Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Mục 12, Phần I Công văn số 1120-VKSTC-V14 ngày 28/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tổng hợp khó khăn vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị Viện kiểm sát các cấp trong 03 năm 2020 - 2022). Theo hướng dẫn trên, cũng rất khó khăn để xử lý đối với trường hợp đối tượng thừa nhận có bỏ trốn nhưng mục đích là đi làm kiếm tiền trả nợ chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản đã vay, mượn. Trên thực tế, rất khó phân biệt thủ đoạn gian dối trong hình sự và gian dối trong giao dịch dân sự vì hầu như người vay mượn tài sản đều vẫn thừa nhận nợ nhưng không có thiện chí trả, và họ không bao giờ nhận rằng muốn chiếm đoạt khoản nợ đó. Không thể chứng minh qua lời khai nhận mà chỉ có thể qua “hành vi khách quan” như hành vi chuyển tài sản vay mượn cho người thân đứng tên danh nghĩa để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc chuyển tài sản khác thuộc sở hữu của mình cho người thân để trốn tránh việc đảm bảo nghĩa vụ thi hành án nếu bị chủ nợ khởi kiện trong vụ án dân sự để chứng minh ý thức chủ quan là “nhằm chiếm đoạt tài sản”; từ đó làm căn cứ xử lý hình sự đối tượng phạm tội.
Tội thiên vị chủ nợ
Theo Điều 4 BLHS Thụy Điển: “Người nào đang trong tình trạng không trả được nợ hoặc rõ ràng có nguy cơ không trả được nợ, do thiên vị với chủ nợ đã trả món nợ chưa tới kì hạn, thanh toán nợ bằng các phương thức khác với thông lệ, làm giấy bảo đảm mà không được thỏa thuận tại thời điểm vay hoặc bằng các hành vi khác, nếu các hành vi nói trên xâm phạm nghiêm trọng quyền của các chủ nợ khác thì bị phạt tù đến 02 năm về Tội thiên vị chủ nợ. Hình phạt này cũng áp dụng đối với người nào đang trong tình trạng không trả được nợ mà vì động cơ không đúng đắn có hành vi thiên vị đối với chủ nợ dưới bất cứ hình thức nào ngoài những hình thức quy định ở trên gây nguy cơ rõ ràng là quyền của các chủ nợ khác sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng.
Người mắc nợ nào nhằm đạt được thỏa thuận nào đó mà bí mật thanh toán, hứa hẹn thanh toán hoặc tạo ra các lợi thế khác thì cũng bị kết án về Tội thiên vị chủ nợ”.
Quy định trên đã bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ một cách rất công bằng trong thứ tự ưu tiên thanh toán; theo đó, người mắc nợ phải ưu tiên thanh toán các chủ nợ đã đến hạn trả nợ trước; nếu có sự thiên vị của con nợ ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ khác chưa đến lượt thanh toán thì người mắc nợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiên vị chủ nợ.
Bên cạnh đó, tại Điều 7 BLHS Thụy Điển còn quy định: “Người nào làm việc vì lợi ích của người mắc nợ hoặc thay mặt người mắc nợ mà thực hiện hành vi khiến người mắc nợ có thể bị quy trách nhiệm theo các quy định của Chương này thì xử phạt như chính người đó là người mắc nợ.
Chủ nợ nào trong những trường hợp quy định tại Điều 4 mà chấp nhận hoặc hứa hẹn thanh toán nợ, hoặc bảo đảm các lợi ích khác thì chỉ bị kết án với vai trò đồng phạm nếu có hành vi đe dọa không chính đáng, hứa hẹn không chính đáng về một lợi ích hoặc có hành vi thông đồng với người phạm tội”.
Như vậy, không chỉ người mắc nợ bị xử lý về các tội: Không trung thực với các chủ nợ, thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ, thiên vị chủ nợ mà những cá nhân khác nếu thay mặt hoặc làm những việc vì lợi ích của người mắc nợ thì cũng bị xử lý về các tội tương tự. Quy định này nhằm tránh trường hợp người mắc nợ không trực tiếp thực hiện các hành vi không trung thực với các chủ nợ, thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ hoặc thiên vị chủ nợ mà thông qua người thứ ba nhằm trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ của người mắc nợ đối với các chủ nợ. Ngoài ra, chủ nợ nào thông đồng với người mắc nợ trong việc thiên vị mình để được nhận sự thanh toán không đúng thứ tự ưu tiên thanh toán gây thiệt hại cho các chủ nợ khác thì cũng bị xử lý theo quy định trên.
Đối chiếu với quy định của BLHS Thụy Điển, hành vi của người mắc nợ thiên vị chủ nợ dẫn đến gây thiệt hại cho chủ nợ hoặc tạo ra sự không công bằng trong thứ tự ưu tiên thanh toán của con nợ đối với các chủ nợ, theo pháp luật hình sự Việt Nam không phải là hành vi phạm tội, chỉ là quan hệ pháp luật dân sự. Việc con nợ trả nợ cho ai trước là quyền của họ. Những hành vi trên là rất phổ biến, gây ra thiệt hại lớn cho các chủ nợ.
Một số khuyến nghị
Từ những so sánh trên, theo tác giả, với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, BLHS Việt Nam có thể hoàn thiện theo 02 hướng sau:
Một là, BLHS Việt Nam cần tách Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 thành từng tội cụ thể gắn với từng hành vi phạm tội cụ thể: Tội không trung thực với các chủ nợ, Tội thiếu trách nhiệm đối với chủ nợ, Tội thiên vị chủ nợ như BLHS Thụy Điển quy định.
Hai là, vẫn giữ quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như tại Điều 175 nhưng cần hoàn thiện theo hướng:
- Quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ trả nợ của người vay, mượn thuê tài sản; theo đó, chỉ cần người vay, mượn, thuê tài sản của người khác nhưng có hành vi chuyển giao tài sản đó hoặc chuyển giao tài sản khác của mình nhằm trốn tránh việc trả nợ hoặc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án cho người đã cho mình vay, mượn, thuê với bất kỳ lý do gì, kể cả việc sử dụng tài sản trên vào việc bất hợp pháp hay hợp pháp như để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại để tự làm bản thân lâm vào tình trạng không còn tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Xác định vai trò của người nhận chuyển nhượng, chuyển giao tài sản từ người vay, thuê, mượn tài sản của người khác cho mình là đồng phạm với vai trò giúp sức cho con nợ để giúp con nợ lâm vào tình trạng không còn tài sản trên danh nghĩa (người nhận chuyển nhượng này đồng ý đứng tên giấy tờ là chủ sở hữu về mặt pháp lý nhưng thực tế, người mắc nợ đã chuyển giao, chuyển nhượng tài sản là người thực tế quản lý, sử dụng tài sản đó) nếu họ biết rõ tài sản mình nhận chuyển giao, chuyển nhượng là tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán, trả nợ của người mắc nợ.
- Cần sửa cụm từ “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” thành cụm từ “bỏ trốn” vì trường hợp đối tượng đang mắc nợ nhưng có hành vi bỏ trốn sau khi bị phát hiện đều khẳng định rằng đi làm để trả nợ cho chủ nợ mà không phải để chiếm đoạt tài sản. Do đó, mọi hành vi bỏ trốn khi đang mắc nợ đều nhằm mục đích trốn tránh việc trả nợ, việc “trốn tránh trả nợ” và “nhằm chiếm đoạt tài sản” tuy có nội hàm khác nhau nhưng bản chất và mục đích tương tự nhau, nghĩa là đều muốn tài sản vay mượn của người khác thành tài sản của mình. Trên thực tế, việc chứng minh mục đích bỏ trốn là gì để xác định ý thức của người bỏ trốn có ý chiếm đoạt hay không hiện đang là vấn đề nan giải đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
- Quy định hành vi thiên vị chủ nợ thể hiện qua việc ưu tiên thanh toán những chủ nợ chưa đến hạn khi tài sản để thanh toán đó là tài sản duy nhất còn lại của con nợ, nếu con nợ dùng tài sản duy nhất còn lại này để thanh toán cho chủ nợ chưa đến hạn thanh toán (ví dụ chủ nợ là người thân, hoặc chủ nợ là người thực tế con nợ không mắc nợ) gây thiệt hại cho các chủ nợ đã đến hạn thanh toán thì xác định đây cũng là hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo vệ.
ThS. Nguyễn Văn Khánh