Nghiên cứu lý luận

Hòa giải viên theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 - Thực trạng, kiến nghị hoàn thiện

Tạ Đình Tuyên Thứ năm, 01/08/2024 - 08:04
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tóm tắt: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 tạo hành lang pháp lý cho một cơ chế hòa giải, đối thoại mới, cơ chế hòa giải, đối thoại này không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại khác. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Hòa giải viên tiến hành; Hòa giải viên là người chủ trì, điều hành mọi hoạt động của phiên hòa giải, phiên đối thoại. Chính vì vậy, vai trò của Hòa giải viên trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án là rất quan trọng. Trên cơ sở phân tích một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về Hòa giải viên, bài viết kết luận các quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên; quyền và nghĩa vụ của Hòa giải viên; bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên có một số tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, bài viết kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Từ khóa: hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Hòa giải viên; điều kiện bổ nhiệm; quyền và nghĩa vụ; miễn nhiệm; xử lý vi phạm.

Abstract: The 2020 Law on Court-annexed Mediation and Dialogue creates a legal corridor for a new mediation and dialogue mechanism. This mediation and dialogue mechanism does not overlap, contradict and replace other legal mechanisms for mediation and dialogue. Court-annexed mediation and dialogue are conducted by Mediators. A Mediator is the person who chairs and manages all activities of the mediation and dialogue proceedings. Therefore, the role of the Mediator in Court-annexed mediation and dialogue is very important. Based on the analysis of provisions of the Law on Court-annexed Mediation and Dialogue on Mediators, the article identifies that the regulations on conditions for appointing Mediators, rights and obligations of the Mediator, and reappointment, dismissal and handling of violations of Mediators have some shortcomings and limitations. Hence, the article makes recommendations to amend and supplement relevant provisions of the Law on Court-annexed Mediation and Dialogue.

Keywords: Court-annexed mediation and dialogue, Mediator, conditions for appointment, rights and obligations, dismissal, handling of violations.

1. Đặt vấn đề

Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, cơ chế giải quyết tranh chấp theo phương thức lựa chọn (ADR - Alternative Dispute Resolution), trong đó có hòa giải, được biết đến như một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả[1]. Theo Nadja Alexander, hòa giải có những ưu điểm nổi bật là (1) hòa giải mang lại hiệu quả cao, thể hiện ở việc giảm số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết, từ đó giảm chi ngân sách của nhà nước cho hệ thống tòa án, tiết kiệm chi phí cho các bên; (2) giúp các bên tăng cường tiếp cận công lý thông qua việc tự đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà không cần tòa án giải quyết; (3) phát huy tối đa quyền tự định đoạt của các bên, thể hiện ở chỗ các bên tự xác định nhu cầu và lợi ích, tự đề ra các giải pháp để tạo sự đồng thuận và tự giải quyết tranh chấp; (4) giúp các bên giữ gìn, duy trì mối quan hệ sau khi tranh chấp được giải quyết, thể hiện ở việc các bên vượt qua lợi ích cá nhân để nắm lấy lợi ích tổng thể liên kết họ với nhau; (5) thay đổi nhận thức của cộng đồng trong việc giải quyết tranh chấp, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc xử lý những mâu thuẫn, xung đột, thay vì để những mâu thuân, xung đột được giải quyết bởi “người ngoài” (outsiders) như tòa án[2].

Tại Việt Nam, hòa giải, đối thoại đã được quy định trong các đạo luật và triển khai trên thực tế[3]. Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thể chế hóa quan điểm của Đảng[4] về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự định đoạt trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện[5]; đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, ngày 16/6/2020, tại Kỳ hop thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Luật HGĐTTTA). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Một trong những chính sách lớn của Luật HGĐTTTA là “huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại”[6]. Theo đó, hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại thỏa thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của Luật này[7]. Khi tiến hành hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên là người chủ trì, điều hành mọi hoạt động của phiên hòa giải, phiên đối thoại[8]. Chính vì vậy, vai trò của Hòa giải viên trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án là rất quan trọng.

Các quy định của về Hòa giải viên được Luật HGĐTTTA quy định tại chương II gồm 6 điều luật (từ Điều 10 đến Điều 15). Cùng với các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, các quy định về Hòa giải viên đã tạo hành lang pháp lý cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên, cũng như tạo cơ sở pháp lý để Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại trên thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, “việc thi hành Luật cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tổng hợp nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục”[9], trong đó việc đánh giá thực trạng quy định của Luật HGĐTTTA về Hòa giải viên để phát hiện những tồn tại, hạn chế và đề xuất hoàn thiện pháp luật là rất cần thiết.

2. Thực trạng quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về Hòa giải viên

2.1. Quy định về khái niệm Hòa giải viên tại Tòa án

Hòa giải viên không phải là một khái niệm mới tại Việt Nam. Theo đó, trước khi Luật HGĐTTTA được ban hành, Việt Nam đã có quy định về hòa giải viên ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải viên lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019, hòa giải viên thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại.

Đối với Hòa giải viên tại Tòa án, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật HGĐTTTA, Hòa giải viên tại Tòa án (sau đây gọi tắt là Hòa giải viên) là người có đủ điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

Theo quy định nêu trên, khái niệm “Hòa giải viên tại Tòa án” được cấu thành bởi các yếu tố sau đây:

- Hòa giải viên được tuyển chọn từ những người có đủ điều kiện và phải được bổ nhiệm theo thủ tục do pháp luật quy định. Theo đó, người được tuyển chọn để bổ nhiệm làm Hòa giải viên phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 Luật HGĐTTTA (sẽ được phân tích cụ thể tại tiểu mục 2.2 dưới đây). Về thủ tục bổ nhiệm Hòa giải viên, theo quy định tại Điều 11 Luật HGĐTTTA, người có đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên, trường hợp từ chối bổ nhiệm thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

- Vai trò của Hòa giải viên là tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật HGĐTTTA. Theo đó, khác với thẩm phán hay trọng tài viên, vai trò của Hòa giải viên là “sử dụng kinh nghiệm và bộ kỹ năng mềm chuyên dành cho Hòa giải viên để hỗ trợ tối đa các bên trong quy trình hòa giải”[10], giúp các bên tự tìm ra được phương án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng thực sự của các bên với tinh thần “các bên cùng thắng”[11].

2.2. Quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên

Để huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, Điều 10 Luật HGĐTTTA đã quy định các điều kiện “cần” và điều kiện “đủ”[12] để bổ nhiệm Hòa giải viên như sau:

Về điều kiện cần, người muốn được bổ nhiệm Hòa giải viên phải là: (i) Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam. Như vậy, người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam nhưng không thường trú tại Việt Nam đều không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên theo Luật này. Quy định này của Luật HGĐTTTA tương tự như quy định về tiêu chuẩn của hòa giải viên theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013[13] và hòa giải viên lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019, được hướng dẫn tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động[14]. Quy định này của Luật HGĐTTTA cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới khi hầu hết các quốc gia đều quy định hòa giải viên phải có quốc tịch của nước sở tại[15]; (ii) Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (iii) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự; (iv) Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.

Về điều kiện đủ, ngoài những điều kiện cần nói trên, người muốn được bổ nhiệm làm Hòa giải viên còn phải có đủ các điều kiện sau đây: (i) Phải là người có quá trình công tác hoặc làm một trong những công việc như đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên; là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư; (ii) Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; (iii) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; (iv) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp.

Bên cạnh đó, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên: (i) không đáp ứng điều kiện; (ii) đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an[16].

Việc quy định các điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên như trên cho thấy, so với hòa giải viên trong các lĩnh vực khác, Hòa giải viên theo Luật HGĐTTTA yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe hơn[17], “bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ Hòa giải viên”[18]. Quy định như trên cũng được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, tác giả cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, quy định về kinh nghiệm công tác của luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác chưa thật sự phù hợp. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật HGĐTTTA, hiện có hai nguồn bổ nhiệm Hòa giải viên là cán bộ các cơ quan tư pháp đã về hưu và luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật HGĐTTTA cho thấy, số lượng Hòa giải viên đã được bổ nhiệm thấp hơn nhiều so với định biên[19], chẳng hạn định biên số lượng Hòa giải viên trong toàn quốc năm 2022 là 9.987 người nhưng chỉ bổ nhiệm được 2.174 Hòa giải viên[20]. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật HGĐTTTA trong thực tiễn[21].

Vấn đề kinh nghiệm công tác của luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác cũng thu hút ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật HGĐTTTA. Theo đó, đã có một số ý kiến đề nghị quy định đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên phải có điều kiện về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác nhưng đề nghị chỉ quy định là 05 năm[22]. Tại góp ý dự thảo Luật HGĐTTTA, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đề nghị quy định luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có đủ 05 năm kinh nghiệm thì phù hợp hơn, vì họ đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật HGĐTTTA[23].

Nghiên cứu quy định về kinh nghiệm công tác của các chức danh tương đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam cho thấy, yêu cầu kinh nghiệm của hòa giải viên thương mại là đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên[24]; yêu cầu kinh nghiệm của hòa giải viên lao động là có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động[25]; không có yêu cầu về kinh nghiệm công tác đối với hòa giải viên ở cơ sở[26].

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cho thấy, nhiều quốc gia quy định người được dự kiến bổ nhiệm làm hòa giải viên phải có kinh nghiệm công tác từ 05 đến 10 năm, chẳng hạn như Tòa án Nhật Bản quy định kinh nghiệm tối thiểu 05 năm công tác, Tòa án cấp cao Delhi của Ấn Độ quy định 10 năm kinh nghiệm[27], Tòa án Hồng Kông (Trung Quốc) yêu cầu kinh nghiệm 03 năm công tác đối với người dự kiến được bổ nhiệm làm hòa giải viên[28].

Tác giả nhất trí với quan điểm cần nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ Hòa giải viên theo Luật HGĐTTTA như đã trích dẫn ở trên. Tuy nhiên, yêu cầu luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác là cao, dẫn đến tình trạng “công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên còn gặp khăn, đặc biệt là tại một số đơn vị cấp huyện miền núi, xa trung tâm của tỉnh, rất khó tìm được người đủ điều kiện, tiểu chuẩn để bổ nhiệm Hòa giải viên”[29].

Thứ hai, việc Luật HGĐTTTA chưa quy định về tiêu chuẩn độc lập, vô tư, khách quan của người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên là chưa đầy đủ. Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật HGĐTTTA, Hòa giải viên tiến hành hòa giải “độc lập và tuân theo pháp luật”, điểm b khoản 2 Điều 14 Luật HGĐTTTA quy định Hòa giải viên có nghĩa vụ “tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 10 Luật HGĐTTTA lại không quy định độc lập, vô tư, khách quan là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một trong những nguyên tắc thường được chấp nhận trong hòa giải gắn với Tòa án là hòa giải viên phải độc lập, vô tư, khách quan,[30] đây vừa là tiêu chuẩn, vừa là nghĩa vụ của hòa giải viên. Tại Việt Nam, theo quy định về hòa giải thương mại, một trong những tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm hòa giải viên thương mại là “có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan”[31]. Vì vậy, tác giả cho rằng Luật HGĐTTTA chưa quy định về tiêu chuẩn độc lập, vô tư, khách quan của người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên là chưa đầy đủ, thống nhất với cơ chế hòa giải khác tại Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thứ ba, yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với luật sư là chưa phù hợp và không cần thiết. Trong quá trình xây dựng Luật HGĐTTTA, đã có ý kiến[32] cho rằng không nên quy định luật sư phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại. Bởi vì, một là, trong tiêu chuẩn chung của người dự kiến được bổ nhiệm làm Hòa giải viên đã có quy định “[c]ó kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại”[33]; hai là, khi tham gia khóa đào tạo nghề để trở thành luật sư, luật sư đã được học về kỹ năng hòa giải và hằng năm luật sư đều phải tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ với thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 8 giờ/năm[34]; ba là, thực tế hoạt động nghề nghiệp của luật sư đều có liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ hòa giải, như hòa giải trong tố tụng, hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài.

Tác giả đồng tình với quan điểm nêu trên, quy định về yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với luật sư tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật HGĐTTTA là không cần thiết, gây lãng phí trong quá trình thực thi quy định của Luật để cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại cho luật sư.

Thứ tư, Luật HGĐTTTA quy định chưa đầy đủ về các trường hợp không được bổ nhiệm Hòa giải viên. Bên cạnh quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, khoản 2 Điều 10 Luật HGĐTTTA cũng quy định các trường hợp không được bổ nhiệm Hòa giải viên như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, đối với những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có được bổ nhiệm làm Hòa giải viên hay không thì Luật HGĐTTTA và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định. Đây cũng là vấn đề đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật HGĐTTTA[35].

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với hòa giải gắn với tòa án, nhiều quốc gia quy định một trong những điều kiện của ứng viên được lựa chọn để bổ nhiệm làm hòa giải viên là “không có tiền án, tiền sự” như Áo,[36] Slovenia[37], Bồ Đào Nha[38]…

Tại Việt Nam, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại quy định:

4. Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.

Đối với hòa giải viên lao động, một trong những tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm hòa giải viên là “[k]hông thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích”[39].

Vì vậy, tác giả cho rằng khoản 2 Điều 10 Luật HGĐTTTA không quy định các trường hợp không được bổ nhiệm Hòa giải viên đối với người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là thiếu sót, chưa thống nhất với các cơ chế hòa giải khác tại Việt Nam và thông lệ quốc tế.

2.3. Quy định về nghĩa vụ của Hòa giải viên

Hiện nay, nghĩa vụ của Hòa giải viên được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật HGĐTTTA. Đây là những việc Luật HGĐTTTA quy định Hòa giải viên buộc phải làm trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nghĩa vụ của Hòa giải viên có thể được phân thành ba loại là (1) việc buộc phải làm, gồm tiến hành hòa giải, đối thoại; tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan; bảo đảm bí mật thông tin; tôn trọng sự thỏa thuận, thống nhất của các bên theo quy định; (2) những việc phải từ chối, bao gồm từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 18 của Luật HGĐTTTA; từ chối tham gia tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đối với vụ việc mà mình đã tiến hành hòa giải, đối thoại nhưng không thành và được chuyển cho Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (3) những việc không được làm, bao gồm ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ; nhận tiền, lợi ích từ các bên[40].

Theo điểm a tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nơi tiến hành hòa giải phân công các Hòa giải viên tuyên truyền trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án để phối hợp với bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án thực hiện nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền Luật HGĐTTTA. Đồng thời, theo điểm a mục 1 phần I Hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại theo Luật HGĐTTTA ban hành kèm theo Chỉ thị số 02/2022/CT-CA, Hòa giải viên tuyên truyền được Chánh án phân công thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Luật cùng với bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án; điểm b mục 2 Hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại theo Luật HGĐTTTA nêu rõ:

Hòa giải viên tuyên truyền được Chánh án phân công thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện kể từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện đến khi các bên có ý kiến phản hồi Tòa án về việc lựa chọn hoặc không lựa chọn hòa giải, đối thoại và việc lựa chọn Hòa giải viên hoặc hết thời hạn Thông báo lần thứ hai của Tòa án mà người khởi kiện, người yêu cầu chưa có ý kiến trả lời Tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC.

Bên cạnh nghĩa vụ tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTTA của Hòa giải viên tuyên truyên nêu trên, Hòa giải viên đã được Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ra quyết định chỉ định để thực hiện hòa giải, đối thoại đối với các vụ việc cũng phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTTA cho người bị kiện kể từ thời điểm được chỉ định đến khi người bị kiện có ý kiến phản hồi Tòa án về việc lựa chọn hoặc không lựa chọn hòa giải, đối thoại. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật được thực hiện bằng các phương thức thuận tiện, linh hoạt như gặp gỡ trực tiếp hoặc liên lạc với người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện bằng các phương thức liên lạc khác như điện thoại, email, Zalo, Zoom...[41]

Như vậy, cả Hòa giải viên tuyên truyền và Hòa giải viên đã được chỉ định để thực hiện hòa giải, đối thoại các vụ việc đều có nghĩa vụ phải phổ biến, tuyên truyền Luật HGĐTTTA. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 Luật HGĐTTTA về nghĩa vụ của Hòa giải viên lại chưa quy định nghĩa vụ nêu trên của Hòa giải viên là chưa đầy đủ, toàn diện.

2.4. Quy định về bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, buộc thôi làm Hòa giải viên

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật HGĐTTTA, Hòa giải viên khi hết nhiệm kỳ thì được xem xét, bổ nhiệm lại, trừ các trường hợp không bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thuộc 10% tổng số Hòa giải viên nơi họ làm việc mà trong 02 năm có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất, cần được thay thế.

Việc miễn nhiệm Hòa giải viên được thực hiện theo nguyện vọng của Hòa giải viên. Hòa giải viên bị miễn nhiệm nếu không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 hoặc khi Hòa giải viên trở thành cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an[42]. Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên nếu vi phạm quy định của Luật HGĐTTTA[43].

Quy định hiện nay của Luật HGĐTTTA về bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và buộc thôi làm Hòa giải viên có hai bất cập như sau:

Thứ nhất, chưa có sự phân định rạch ròi về căn cứ miễn nhiệm Hòa giải viên và buộc thôi làm Hòa giải viên. Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên, Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên khi thuộc một trong hai trường hợp sau: (1) Vi phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (2) Vi phạm về phẩm chất, đạo đức, không còn uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, một trong những căn cứ để miễn nhiệm Hòa giải viên là không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật HGĐTTTA, trong đó có điều kiện “có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật”.

Như vậy, trường hợp Hòa giải viên vi phạm phẩm chất, đạo đức thì thuộc trường hợp bị miễn nhiệm hay bị buộc thôi làm Hòa giải viên, sự không rõ ràng của Luật có thể gây khó khăn, vướng mắc cho các Tòa án trong quá trình thực hiện các thủ tục miễn nhiệm hay buộc thôi làm Hòa giải viên.

Thứ hai, chưa có quy định về quyền khiếu nại của người không được bổ nhiệm lại Hòa giải viên, người bị miễn nhiệm Hòa giải viên là chưa phù hợp và thống nhất. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình[44]. Mục đích của việc khiếu nại là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại khỏi bị xâm hại bởi những việc làm, những quyết định, chính sách trái pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước[45].

Đối với hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 15 Luật HGĐTTTA, Hòa giải viên nếu vi phạm quy định của Luật HGĐTTTA thì bị buộc thôi làm Hòa giải viên, bị xóa tên khỏi danh sách Hòa giải viên, bị thu hồi thẻ Hòa giải viên và công bố công khai. Người bị buộc thôi làm Hòa giải viên có quyền khiếu nại đối với quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên. Quy định này là phù hợp, vừa giúp người người bị buộc thôi làm Hòa giải viên có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên là không đúng, vừa giúp Tòa án kịp thời khắc phục, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

Việc Luật HGĐTTTA chưa có quy định về quyền khiếu nại của người không được bổ nhiệm lại Hòa giải viên, người bị miễn nhiệm Hòa giải viên là chưa phù hợp và thống nhất với quy định về quyền khiếu nại của người bị buộc thôi làm Hòa giải viên[46]. Bởi vì, xét về hậu quả pháp lý của việc không bổ nhiệm lại Hòa giải viên, miễn nhiệm Hòa giải viên thấy rằng, người không được bổ nhiệm lại, người bị miễn nhiệm Hòa giải viên bị thu hồi thẻ Hòa giải viên[47]; đồng thời, người bị miễn nhiệm Hòa giải viên bị xóa tên khỏi danh sách Hòa giải viên, danh sách Hòa giải viên bị miễn nhiệm được công bố trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và được niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên đã làm việc. Như vậy, hậu quả của việc không bổ nhiệm lại Hòa giải viên, bị miễn nhiệm và bị buộc thôi làm Hòa giải viên về cơ bản là giống nhau, đều bị thu hồi thẻ, bị xóa tên và công bố công khai. Mặt khác, việc không bổ nhiệm lại Hòa giải viên, miễn nhiệm Hòa giải viên không đúng quy định của pháp luật cũng có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người không được bổ nhiệm lại, người bị miễn nhiệm, chẳng hạn như mất nguồn thu nhập khi không còn làm Hòa giải viên, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm khi việc bị miễn nhiệm không đúng được công bố công khai…

Do đó, nếu việc không bổ nhiệm lại Hòa giải viên, miễn nhiệm Hòa giải viên là không đúng quy định của pháp luật thì hiện nay chưa có cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người không được bổ nhiệm lại, bị miễn nhiệm Hòa giải viên, đây là khiếm khuyết của Luật HGĐTTTA.

3. Kiến nghị hoàn thiện quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về Hòa giải viên

Trên cơ sở đánh giá thực trạng quy định của Luật HGĐTTTA về Hòa giải viên tại mục 2, để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định của Luật HGĐTTTA và các văn bản hướng dẫn thi hành về Hòa giải viên, tác giả kiến nghị việc hoàn thiện các quy định của Luật HGĐTTTA về Hòa giải viên như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên quy định tại Điều 10 Luật HGĐTTTA theo hướng: (1) giảm thời gian kinh nghiệm công tác của luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác từ 10 năm xuống 05 năm, bảo đảm tiệm cận nhưng vẫn cao hơn ở mức hợp lý so với các phương thức hòa giải khác tại Việt Nam; phù hợp với kinh nghiệm quốc tế; mở rộng nguồn để bổ nhiệm Hòa giải viên, khắc phục tình trạng thiếu hụt hiện nay; (2) bổ sung tiêu chuẩn “độc lập, vô tư, khách quan” đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm Hòa giải viên theo Luật HGĐTTTA, tạo tiền đề để Hòa giải viên khi được tuyển chọn, bổ nhiệm sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải, đối thoại với trò là người trung gian; (3) không yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với luật sư để bao đảm phù hợp với thực tiễn; (4) bổ sung quy định người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên theo Luật HGĐTTTA, bảo đảm thống nhất với các cơ chế hòa giải khác tại Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế.

Thứ hai, bổ sung quy định Hòa giải viên có nghĩa vụ tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTTA tại điểm a khoản 2 Điều 14 Luật HGĐTTTA bảo đảm bao quyết hết các nghĩa vụ của Hòa giải viên phải thực hiện trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc bổ sung quy định về nghĩa vụ tuyên truyền, phổ biến Luật HGĐTTTA cho người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện cũng tạo hành lang pháp lý để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là “việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về ADR cần được thực hiện với phương thức và nội dung khác so với việc tuyên truyền các văn bản mà đối tượng áp dụng là toàn thể xã hội”[48].

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 Luật HGĐTTTA để phân định rạch về căn cứ miễn nhiệm Hòa giải viên và buộc thôi làm Hòa giải viên theo hướng nếu Hòa giải viên vi phạm về phẩm chất, đạo đức, không còn uy tín để thực hiện nhiệm vụ thì sẽ bị buộc thôi làm Hòa giải viên.

Đồng thời, cần bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 13 Luật HGĐTTTA về quyền khiếu nại của người không được bổ nhiệm lại Hòa giải viên, người bị miễn nhiệm Hòa giải viên, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định quyền khiếu nại của người bị buộc thôi làm Hòa giải viên; tạo cơ chế bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Hòa giải viên trong trường hợp việc không được bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là không đúng quy định của pháp luật.

4. Kết luận

Hòa giải viên đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Thực vậy, Hòa giải viên là chủ thể không những phải xác định tính chất của vụ việc hòa giải, đối thoại để từ đó đưa ra quy trình hòa giải, đối thoại phù hợp, thúc đẩy các bên tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận, khai thác được tối đa các điểm mạnh của quy trình đó, mà trong nhiều trường hợp, họ phải đi sâu khai thác phần chìm của tảng băng tranh chấp[49], để hòa giải, đối thoại đạt kết quả tốt nhất. Đánh giá thực trạng quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 về Hòa giải viên cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, quy định về tiêu chuẩn Hòa giải viên vừa quá chặt chẽ, vừa không đầy đủ; Luật chưa quy định nghĩa vụ của Hòa giải viên là phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là chưa đầy đủ, toàn diện; chưa có sự phân định rạch ròi về căn cứ miễn nhiệm Hòa giải viên và buộc thôi làm Hòa giải viên; chưa có quy định về quyền khiếu nại của người không được bổ nhiệm lại Hòa giải viên, người bị miễn nhiệm Hòa giải viên là chưa phù hợp và thống nhất. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật HGĐTTTA về Hòa giải viên có liên quan đến những vấn đề nên trên là rất cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn[50], phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó thúc đẩy các bên việc lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế xét xử của Tòa án với nhiều điểm ưu việt.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020.

2. Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, ngày 11 tháng 11 năm 2011.

3. Luật Hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2013

4. The Republic of Slovenia, Alternative Dispute Settlement Act. Uradni list, No. 97/2009, Art. 8 (1).

5. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 về hòa giải thương mại.

6. Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

7. Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên.

8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Báo cáo số 2177/BC-UBTP14 thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (16/10/2019).

9. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 42/BC-TANDTC về tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (18/7/2019).

10.Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 43/BC-TANDTC về chế độ hòa giải dân sự gắn với Tòa án của một số quốc gia trên thế giới (18/7/2019).

11.Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 55/BC-TANDTC về đánh giá tác động của chính sách về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (26/9/2019).

12.Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 04/BC-TANDTC về tình hình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (06/01/2022).

13.Tòa án nhân dân tối cao, Giới thiệu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (2020).

14.Tòa án nhân dân tối cao, Chỉ thị số 02/2022/CT-CA về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (14/3/2022).

15.Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Công văn số 233/LĐLSVN về góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (30/5/2019).

16.Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Công văn số 2608/VKSTC-V14 về góp ý hồ sơ dự án Luạt Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (17/6/2019).

17.Đặng Việt Anh, Vai trò của hòa giải viên trong hòa giải thương mại, Ấn phẩm hòa giải 7 (2023), https://vmc.org.vn/images/Resources/ Publication/[VMC]-Ấn-phẩm-hòa-giải-số-T07.2023.pdf.

18.Vy Anh, Luật sư phải tham gia bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu 8 giờ/năm, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (10h58 26/3/2019), https://dangcongsan.vn/phap-luat/luat-su-phai-tham-gia-boi-duong-bat-buoc-toi-thieu-8-gionam-517215.html.

19.Nguyễn Bá Bình, Trần Anh Tuấn và Nhóm chuyên gia UNDP, Báo cáo đánh giá mô hình thí điểm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án Việt Nam, 32 (2020).

20.Nguyễn Hòa Bình, Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Cộng sản, (21h10 24/7/2018), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/51654/doi-moi%2C-tang-cuong-hoa-giai%2C-doi-thoai-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su%2C-khieu-kien-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap.aspx.

21.BỘ TƯ PHÁP, HỎI - ĐÁP LUẬT KHIẾU NẠI, LUẬT TỐ CÁO, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 8 (2012).

22.Nguyễn Văn Du, Kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục, Tòa án nhân dân số 17, 8, 8 (2022).

23.Bùi Ai Giôn, Hoàn thiện các quy định về hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật học số 4, 54, 54 (2024).

24.Tống Anh Hào, Kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự tại Tòa án theo mô hình thí điểm của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân số 13, 18, 19 (2018).

25.Lê Hồng Hạnh, Phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn - thực trạng và những vấn đề về chính sách và thể chế cần hoàn thiện, Kỷ yếu Hội thảo biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) trong hệ thống tư pháp hiện đại, do Bộ Tư pháp – JPP tổ chức, Hà Nội, 66 (2015).

26.Nadja Alexander (ed.), Global Trend in Mediation, Kluwer Law International, the Netherland, 9-12 (2006).

27.Nadja Alexdander, Những câu chuyện về trung gian trên khắp thế giới, Kỷ yếu Hội thảo biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) trong hệ thống tư pháp hiện đại, do Bộ Tư pháp - JPP tổ chức, Hà Nội, 49 (2015).

28.The European Commission for the Efficiency of Justice, European Handbook for Mediation Lawmaking, 14 (14 June 2019).

29.Nguyễn Thị Thu, Kinh nghiệm quốc tế về hòa giải tại Tòa án, Tòa án nhân dân số 13, 32, 34 (2018).

30.Nguyễn Mai Vương, Hòa giải tranh chấp dân sự theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hòa giải các tranh chấp dân sự - thực trạng và giải pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, 47 (2023).

* Tạ Đình Tuyên, Tòa án Nhân dân Tối cao. Duyệt đăng 10/07/2024. Email: tuyentdtatc@gmail.com

[1] Lê Hồng Hạnh, Phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn - thực trạng và những vấn đề về chính sách và thể chế cần hoàn thiện, Kỷ yếu Hội thảo biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) trong hệ thống tư pháp hiện đại, do Bộ Tư pháp – JPP tổ chức, Hà Nội, 66 (2015).

[2] Nadja Alexander (ed.), Global Trend in Mediation, Kluwer Law International, the Netherland, 9-12 (2006).

[3] Nguyễn Hòa Bình, Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Cộng sản, (21h10 24/7/2018), https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/51654/doi-moi%2C-tang-cuong-hoa-giai%2C-doi-thoai-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su%2C-khieu-kien-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap.aspx.

[4] Được nêu tại các văn kiện như: Bộ Chính trị, Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (24/5/2005); Bộ Chính trị, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (02/6/2005); Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới (03/6/2013); Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (03/6/2017); Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (03/6/2017).

[5] Nguyễn Văn Du, Kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục, Tòa án nhân dân số 17, 8, 8 (2022).

[6] Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 55/BC-TANDTC về đánh giá tác động của chính sách về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 15 (26/9/2019).

[7] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoản 2, khoản 3 Điều 2.

[8] Tống Anh Hào, Kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự tại Tòa án theo mô hình thí điểm của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân số 13, 18, 19 (2018).

[9] Nguyễn Văn Du, tlđd, 5, 8.

[10] Đặng Việt Anh, Vai trò của hòa giải viên trong hòa giải thương mại, Ấn phẩm hòa giải 7 (2023), https://vmc.org.vn/images/Resources/Publication/[VMC]-Ấn-phẩm-hòa-giải-số-T07.2023.pdf.

[11] Nguyễn Hòa Bình, tlđd, 3.

[12] Tòa án nhân dân tối cao, Giới thiệu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 4 (2020).

[13] Luật Hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2013, chương II Điều 7.

[14] Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Điều 92.

[15] Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 43/BC-TANDTC về chế độ hòa giải dân sự gắn với Tòa án của một số quốc gia trên thế giới, 5, 24 (18/7/2019).

[16] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoản 2 Điều 10.

[17] Nguyễn Mai Vương, Hòa giải tranh chấp dân sự theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hòa giải các tranh chấp dân sự - thực trạng và giải pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, 47 (2023).

[18] Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 42/BC-TANDTC về tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 4 (18/7/2019).

[19] Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 04/BC-TANDTC về tình hình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 4 (06/01/2022).

[20] Nguyễn Văn Du, tlđd, 5, 10-11.

[21] Nguyễn Văn Du, tlđd, 5, 11.

[22] Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Báo cáo số 2177/BC-UBTP14 thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 4 (16/10/2019).

[23] Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Công văn số 233/LĐLSVN về góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 4 (30/5/2019).

[24] Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 về hòa giải thương mại, điểm b khoản 1 Điều 7.

[25] Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, khoản 2 Điều 92.

[26] Luật Hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2013, chương II Điều 7.

[27] Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 43/BC-TANDTC về chế độ hòa giải dân sự gắn với Tòa án của một số quốc gia trên thế giới, 5, 24 (18/7/2019).

[28] Nadja Alexdander, Những câu chuyện về trung gian trên khắp thế giới, Kỷ yếu Hội thảo biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) trong hệ thống tư pháp hiện đại, do Bộ Tư pháp - JPP tổ chức, Hà Nội, 49 (2015).

[29] Nguyễn Văn Du, tlđd, 5, 11.

[30] The European Commission for the Efficiency of Justice, European Handbook for Mediation Lawmaking, 14 (14 June 2019).

[31] Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 về hòa giải thương mại, điểm a khoản 1 Điều 7.

[32] Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tlđđ, 23, 3-4.

[33] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020, điểm b khoản 1 Điều 10.

[34] Vy Anh, Luật sư phải tham gia bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu 8 giờ/năm, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (10h58 26/3/2019), https://dangcongsan.vn/phap-luat/luat-su-phai-tham-gia-boi-duong-bat-buoc-toi-thieu-8-gionam-517215.html.

[35] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Công văn số 2608/VKSTC-V14 về góp ý hồ sơ dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, 2 (17/6/2019).

[36] Nadja Alexdander, Những câu chuyện về trung gian trên khắp thế giới, tlđd, 29, 49.

[37] The Republic of Slovenia, Alternative Dispute Settlement Act. Uradni list, No. 97/2009, Art. 8 (1).

[38] Nguyễn Thị Thu, Kinh nghiệm quốc tế về hòa giải tại Tòa án, Tòa án nhân dân số 13, 32, 34 (2018).

[39] Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, khoản 3 Điều 92.

[40] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoản 2 Điều 14.

[41] Hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ban hành kèm theo Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, điểm b, c mục 2 phần I.

[42] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoản 1 Điều 13.

[43] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, ngày 16 tháng 6 năm 2020, khoản 2 Điều 15.

[44] Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, ngày 11 tháng 11 năm 2011, khoản 1 Điều 2.

[45] BỘ TƯ PHÁP, HỎI - ĐÁP LUẬT KHIẾU NẠI, LUẬT TỐ CÁO, NXB. TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 8 (2012).

[46] Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tlđd, 36, 3.

[47] Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 16 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên, điểm b khoản 3 Điều 14.

[48] Lê Hồng Hạnh, tlđd, 1, 82.

[49] Đặng Việt Anh, tlđd, 10.

[50] Bùi Ai Giôn, Hoàn thiện các quy định về hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật học số 4, 54, 54 (2024).

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều