Nghiên cứu lý luận
Luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bền vững
Tóm tắt: Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc đã xác định phát triển bền vững (PTBV) là chiến mục tiêu chiến lược của mọi quốc gia. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các quốc gia cần tiến hành những cải cách mạnh mẽ mọi lĩnh vực nhằm đảm bảo tăng trưởng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Thuế nói chung và thuế thu nhập doanh nghiệp không nằm ngoài xu hướng này. Những khía cạnh lý luận về thuế TNDN ở khía cạnh thúc đẩy PTBV là căn cứ quan trọng cho việc hoàn thiện pháp luật về thuế TNDN góp phần thực hiện vai trò này. Bài viết nhận diện và phân tích các khía cạnh lý luận về vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm làm rõ những căn cứ cho việc hoàn thiện pháp luật về thuế TNDN ở Việt Nam nhằm thúc đầy PTBV.
Từ khóa: Phát triển bền vững, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế pigouvian, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Abstract: The United Nations' 2030 Agenda has identified sustainable development as a strategic goal of every country. To accomplish this task, countries need to carry out strong reforms in all areas to ensure growth, social security and environmental protection. Taxes in general and corporate income taxes are no exception to this trend. Corporate income tax plays an important role in realizing this goal, although at first glance, few people think about the connection between corporate income tax and sustainable development. The article identifies and analyzes theoretical and practical aspects of corporate income tax in implementing sustainable development goals with Vietnam as the research target object.
Keywords: Sustainable development, corporate income tax, pigouvian tax, corporate social responsibility.
Đặt vấn đề
Phát triển bền vững (PTBV) là một khái niệm thông dụng và phổ biến trong hầu hết các diễn ngôn phát triển kể từ cuối Thế kỷ 20 cho đến nay. Phát triển bền vững hướng đến việc tạo ra một thế giới công bằng, bình đẳng và thịnh vượng, nơi nhân loại sống hòa hợp với môi trường, đảm bảo sự đầy đủ về mặt kinh tế, đồng thời đảm bảo hạnh phúc cho tất cả mọi người. Báo cáo Brundtland năm 1987[1] lần đầu tiên được định nghĩa khái niệm PTBV và nó được chấp nhận rộng rãi. Theo Báo cáo Brundtland, PTBV là “sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Báo cáo Brundtland đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của xã hội và định hình cách tiếp cận hiện đại về PTBV. Theo khái niệm này, môi trường được nhìn nhận trong sự liên kết, sự cân bằng giữa các yếu tố tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Sau Báo cáo Brundtlant, nhiều văn kiện quốc tế đã khẳng định phát triển bền vững là chiến lược đồng thời là mục tiêu phát triển của nhân loại. Đặc biệt đó là Tuyên bố Janeyro De Janero 1972, Tuyên bố Janeyro De Janero 1992 và Tuyên bố Janeiro De Janeero 2012 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015. Trên cơ sở các văn kiện này, tháng 7 năm 2015 Liên Hợp quốc (LHQ) đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về PTBV, trong đó đưa ra 17 Mục tiêu PTBV bao gồm nhiều lĩnh vực: tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, hành động vì khí hậu, năng lượng sạch v.v... 17 Mục tiêu PTBV thể hiện một cách tiếp cận tiến bộ về phát triển toàn cầu với góc nhìn toàn diện, kết nối các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường, lấy con người làm trung tâm; mở rộng định nghĩa về tính bền vững để bao hàm không chỉ các yếu tố kinh tế và môi trường mà còn cả công bằng xã hội.
Công bằng xã hội, trong PTBV, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một chính sách có đáp ứng các yêu cầu của PTBV hay không. Tiêu chí này hàm ý nhấn mạnh vào việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm sự bình đẳng về mặt cơ hội cho tất cả các nhóm người, góp phần củng cố cấu trúc xã hội trong quá trình theo đuổi tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT). Để thực hiện được tiêu chí này, Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) được coi là công cụ quan trọng. Từ góc độ tiếp cận của PTBV, có thể nhận thấy, Thuế TNDN và PTBV có sự giao thoa đáng kể trong việc giải quyết tiến bộ, công bằng xã hội. Phát triển bền vững đòi hỏi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, hướng tới mục tiêu phân phối công bằng các nguồn lực và cơ hội cho tất cả các nhóm người trong xã hội. Thuế TNDN đóng góp rất tích cực vào mục tiêu này với tư cách là công cụ phân phối lại của cải trong xã hội, đồng thời tạo nguồn thu để tài trợ cho các dịch vụ công thiết yếu; từ đó thúc đẩy sự tiến bộ, công bằng xã hội không chỉ trong phạm vi của mỗi quốc gia mà còn cả ở phạm vi toàn cầu.
1. Các khía cạnh lý luận về vai trò của Thuế TNDN trong việc thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
1.1. Khái niệm, bản chất của Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế TNDN, hay còn được gọi là thuế công ty (Corporate Incomes Tax) là loại thuế trực tiếp đánh vào thu nhập hoặc vốn đầu tư của các tập đoàn hoặc các pháp nhân kinh doanh[2]. Dưới góc độ pháp lý, thuế TNDN được định nghĩa “là loại thuế trực thu, thu vào phần thu nhập của các tổ chức kinh doanh nhằm bảo đảm sự đóng góp công bằng, hợp lý giữa các tổ chức sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ có thu nhập, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”[3]. Trong nền kinh tế thị trường (KTTT), Chính phủ sử dụng các sắc thuế nói chung, trong đó có Thuế TNDN, như một công cụ trong điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Đối với Thuế TNDN, thông qua việc quy định các mức ưu đãi thuế cho từng ngành nghề, từng lĩnh vực, từng loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước thể hiện chính sách của mình muốn tập trung phát triển hoặc khuyến khích ngành nghề, lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp cụ thể nhất định. Thuế suất có tác dụng thúc đẩy hay hạn chế, thậm chí kìm hãm sự phát triển hoạt động kinh tế đang gây bất lợi cho sự phát triển. Dưới góc độ này, thuế TNDN là sắc thuế có độ linh hoạt cao trong việc điều phối nền kinh tế ở từng giai đoạn nhất định.
Về bản chất, với tư cách là một loại thuế trực thu, Thuế TNDN được thiết kế nhằm mục tiêu tạo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước (NSNN) để chi tiêu cho các dịch vụ công, xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH). Bản chất của Thuế TNDN, theo một số tác giả[4], là một sự phân phối thu nhập trong xã hội chứ không phải là một khoản chi phí của doanh nghiệp. Là thuế trực thu, thuế TNDN, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho NSNN, còn có chức năng điều tiết kinh tế, điều hòa thu nhập xã hội, bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế thông qua việc ưu đãi thuế, miễn thuế, giảm thuế cho một số đối tượng, nên thuế TNDN thường gắn liền với chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội (KTXH) của một quốc gia.
1.2. Lý thuyết về vai trò của Thuế TNDN trong việc thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Là thuế trực tiếp đánh vào thu nhập của doanh nghiệp, có tỷ trọng khá lớn trong nguồn thu ngân sách của các quốc gia, Thuế TNDN tác động trực tiếp đến các mục tiêu PTBV, giữ vai trò chủ đạo và góp phần cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu PTBV, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội. Về mặt lý luận, vai trò của Thuế TNDN trong thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội được định hình dựa trên một số lý thuyết quan trọng về kinh tế và xã hội sau:
* Lý thuyết PTBV: Lý thuyết PTBV nhấn mạnh đến việc đáp ứng nhu cầu của con người mà không làm cạn kiệt tài nguyên hoặc gây hại cho hệ sinh thái. Phát triển bền vững đòi hỏi sự phát triển dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Cách tiếp cận PTBV cơ bản và phổ biến nhất trong bối cảnh thế giới hiện đại là tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực, tiếp cận tích hợp, tiếp cận công bằng giữa các thế hệ. Bản chất của PTBV là liên kết các hoạt động phát triển thành một hệ thống hướng tới sự cân đối, hài hòa một cách lâu dài cho các thế hệ sau[5]. Nội hàm của khái niệm PTBV hướng sự cân bằng giữa các yếu tố tăng trưởng kinh tế, BVMT và tiến bộ xã hội.
Về tăng trưởng kinh tế: Phát triển bền vững thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của con người, để giảm nghèo và đạt được sự thịnh vượng. Tuy nhiên, tăng trưởng phải công bằng nghĩa là không làm gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia, giữa các nhóm dân cư trong phạm vi quốc gia. Hiện nay có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia giàu có, đã được công nghiệp hóa ở Bắc bán cầu và các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu. Phát triển bền vững đòi hỏi phải giải quyết sự bất bình đẳng toàn cầu này. Vì vậy, các quốc gia giàu có hơn cần giảm bớt các mô hình tiêu dùng quá mức và hỗ trợ các nước đang phát triển trong nỗ lực tăng trưởng bền vững. Khái niệm PTBV dưới góc độ này nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế trong PTBV phải khác biệt về bản chất so với các mô hình phát triển kinh tế truyền thống trước kia. Điều này có nghĩa là cần thiết lập một mô hình tăng trưởng kinh tế tích hợp được tính bền vững của môi trường và sự bảo đảm công bằng xã hội, đặc biệt là cho các nhóm dân số bị thiệt thòi, thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Về bảo vệ môi trường: Phát triển bền vững ở khía cạnh bảo vệ môi trường nghĩa đòi hỏi tài nguyên thiên nhiên phải được quản lý và sử dụng theo cách không làm suy thoái hệ sinh thái hoặc không vượt quá khả năng tái tạo của hành tinh nhằm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau. Điều này có nghĩa là sự ổn định sinh thái - như duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, giảm thiểu ô nhiễm – là nền tảng cho sự sống còn của xã hội loài người và sự ổn định kinh tế.
Về tiến bộ, công bằng xã hội: PTBV nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng xã hội như một biểu hiện tiến bộ của xã hội loài người thời hiện đại, theo đó, công bằng xã hội là một trụ cột không thể thiếu khi nhìn nhận vấn đề PTBV. Theo cách tiếp cận này, nghèo đói có mối liên hệ chặt chẽ với suy thoái môi trường và xóa đói giảm nghèo được coi là điều kiện tiên quyết cho PTBV, vì người nghèo vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước sự suy thoái môi trường vừa là những người kém khả năng thích nghi nhất với sự thay đổi sinh thái. Phát triển bền vững dưới góc độ tiến bộ xã hội đòi hỏi thiết lập các chính sách giải quyết nhu cầu của người nghèo, thúc đẩy sự khả năng của các nhóm yếu thế trong xã hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản (như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nước sạch), giảm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và các quốc gia nghèo. Dưới khía cạnh PTBV, tiến bộ và công bằng xã hội đòi hỏi việc xóa đói giảm nghèo không nên kéo theo sự phá hủy môi trường, hoặc không nên gây ra sự bất ổn kinh tế. Sự tiến bộ, công bằng xã hội cần hướng đến việc xóa đói giảm nghèo trong giới hạn phạm vi tài nguyên kinh tế và môi trường có giới hạn, không “vay trước” nguồn tài nguyên của các thế hệ tương lai. Điều này có nghĩa là sự tiến bộ, công bằng về mặt xã hội phải được đáp ứng bằng mọi giá. Mục đích của PTBV là cung cấp các điều kiện thuận lợi để tất cả mọi người đều có khả năng hiện thực hóa nhu cầu của mình có giới hạn. Cách tiếp cận này tích hợp yêu cầu về công bằng giữa các thế hệ, về tính bền vững sinh thái và phát triển toàn diện, ủng hộ các giải pháp giải quyết đồng thời đói nghèo, bất bình đẳng và các thách thức về môi trường.
Trên nền tảng của lý thuyết PTBV, Thuế TNDN thúc đẩy một xã hội công bằng hơn, toàn diện hơn, nơi tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được lợi ích của sự phát triển. Bằng cách xây dựng chính sách thuế TNDN hiệu quả, Nhà nước, ngoài việc tạo ra nguồn thu cho ngân sách, có thể sử dụng Thuế TNDN như một công cụ để giải quyết bất bình đẳng thu nhập, tài trợ cho các dịch vụ xã hội, khuyến khích các hoạt động kinh doanh có đạo đức và hỗ trợ các chương trình xã hội thúc đẩy công bằng, cải thiện chất lượng cuộc sống, làm giảm bất bình đẳng trong xã hội.
* Lý thuyết tài chính công: Tài chính công, một lĩnh vực cấu thành của kinh tế học có chức năng nghiên cứu vai trò điều tiết tài chính của Chính phủ. Tài chính công giúp đánh giá doanh thu của Chính phủ và số tiền Chính phủ sử dụng thuộc NSNN. Một hợp phần quan quan trọng của tài chính công là nghiên cứu các giải pháp để giải quyết các thất bại của thị trường. Về việc giải quyết các thất bại của thị trường có rất nhiều công trình nghiên cứu được các các học giả nổi tiếng công bố. Tuy nhiên, nếu nói về các giải pháp nhằm giải quyết các thất bại thị trường dưới góc độ PTBV thì không thể không nhắc đến Paul Samuelson[6] và Arthur Pigou[7]. Các lý thuyết tài chính công của Paul Samuelson và Arthur Pigou cung cấp những nền tảng cơ bản cho PTBV, đặc biệt là trong bối cảnh giải quyết các thất bại khi thị trường tự do không thể phân bố hiệu quả và công bằng các nguồn lực của xã hội, các hàng hóa và các dịch vụ công. Thất bại này của thị trường đòi hỏi Nhà nước phải can thiệp, thông qua cơ chế tài chính công – trong đó có việc thu thuế, để cung cấp hiệu quả hơn các nguồn lực của xã hội một cách công bằng cho tất cả các nhóm người trong xã hội.
Paul Samuelson đã đưa ra khái niệm hàng hóa công cộng (public goods[8]) với hai thuộc tính là tính không loại trừ và tính không cạnh tranh; nghĩa là việc người đang hưởng thụ lợi ích của loại hàng hóa này không ngăn cản khả năng những người khác cùng lúc hưởng thụ lợi ích của nó[9]. Lý thuyết hàng hóa công cộng giải thích rằng một số loại hàng hóa và dịch vụ nhất định, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng công cộng là có thuộc tính không loại trừ và không cạnh tranh, tức là cùng lúc có thể mang lại lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội với điều kiện cần có nguồn tài chính để đầu tư cho chúng (thông qua nguồn thu từ thuế). Ứng dụng trong bối cảnh PTBV, lý thuyết này được hiểu là sự can thiệp của Nhà nước để cung cấp và duy trì loại hàng hóa công cộng nêu trên cho các nhóm người trong xã hội, đặc biệt là những nhóm người yếu thế không có khả năng tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ loại này từ hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân. Ví dụ, vì doanh nghiệp tư nhân không thể cung cấp các hàng hóa, dịch vụ liên quan đến BVMT – do không có lợi nhuận hoặc do chi phí quá cao so với khả năng của doang nghiệp, thì khi đó các cơ chế tài chính công của Nhà nước vào cuộc. Ví dụ việc tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, BVMT và tiếp cận nước sạch. Để có nguồn tài chính công tài trợ cho các hoạt động này, Nhà nước cần có cơ chế thu thuế, trong đó đặc biệt là thuế TNDN. Nguồn thu từ sắc thuế này có tỷ trọng lớn được Nhà nước đầu từ cho hàng hóa công cộng, giải quyết các thất bại của thị trường. Thuế TNDN giúp đảm bảo rằng các nhu cầu cơ bản và dịch vụ xã hội là có thể tiếp cận được với các nhóm yếu thế trong xã hội, từ đó thúc đẩy công bằng, tiến bộ xã hội
Arthur Pigou cũng tiếp cận việc giải quyết thất bại thị trường dưới góc độ tài chính công, nhưng với phương thức trực diện hơn. Ông đề xuất một số sắc thuế “đánh” trực tiếp vào hành vi của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.[10] Từ cách tiếp cận đó, vấn đề ô nhiễm môi trường được coi là một tác động bên ngoài tiêu cực và được coi là một loại thất bại của thị trường. Để giải quyết thất bại này, Arthur Pigou đề xuất đánh thuế đối với việc sử dụng các hàng hóa gây ra ô nhiễm (sắc thuế này gọi là Thuế Pigouvian (Pigouvian Tax),[11] được đặt theo tên của Arthur Pigou. Đây là loại thuế đánh vào các giao dịch thị trường tạo ra tác động bên ngoài tiêu cực. Các hình thức phổ biến về Thuế Pigovian bao gồm Thuế carbon để bù đắp ô nhiễm môi trường do sử dụng xăng dầu, hoặc Thuế thuốc lá để giải quyết tình trạng căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng do tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá. Ý nghĩa của các loại Thuế áp dụng cho các hành vi gây hại cho môi trường là ở chỗ, nếu thuế được đánh vào việc sử dụng lượng khí thải từ nhà máy (như Thuế carbon), nhà sản xuất sẽ có động cơ giảm sản lượng sử dụng hydrocarbon xuống đến mức tối ưu về mặt xã hội. Hoặc nếu thuế này được áp dụng cho tỷ lệ khí thải trên một đơn vị sản xuất, nhà máy sẽ có động lực để thay đổi quy trình sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch hơn[12]. Trong PTBV, cách tiếp cận này rất quan trọng để giải quyết tình trạng suy thoái môi trường và thúc đẩy các công nghệ xanh.
Ứng dụng trong PTBV của hai lý thuyết nêu trên thể hiện ở chỗ chúng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách và công cụ tài chính của Nhà nước để khắc phục tình trạng kém hiệu quả của thị trường, giảm bất bình đẳng và nâng cao yêu cầu BVMT. Ví dụ, thuế carbon (theo quan điểm của Pigou) khuyến khích các tập đoàn giảm phát thải, hỗ trợ Mục tiêu PTBV số 13 (Hành động vì khí hậu); trong khi việc đầu tư vào hàng hóa công cộng (theo quan điểm của Samuelson) đảm bảo tiếp cận công bằng với các nguồn lực, thúc đẩy Mục tiêu PTBV số 10 (Giảm bất bình đẳng).
Bằng cách tích hợp tư tưởng của các lý thuyết nêu trên vào đạo luật về Thuế TNDN, Nhà nước có thể thiết kế các chính sách tài chính công hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội và tính bền vững của môi trường.
* Lý thuyết công lý phân phối: Lý thuyết công lý phân phối (Theories of distributive justice) do John Rawls[13] đề ra. Theo John Rawls, phân phối cần phải được thực hiện một cách công bằng. Trong cuốn A Theory of Justice[14], John Rawls phân tích và lý giải các nguyên tắc phân phối tạo nên một xã hội có cấu trúc tốt, đó là nguyên tắc về công lý. Theo John Rawls, có hai nguyên tắc về công lý: nguyên tắc đầu tiên là sự công bằng, theo đó mỗi người đều có quyền và tự do ngang bằng với nhau ở mức độ tối đa có thể để không tạo ra bất bình đẳng. Nguyên tắc thứ hai là bất bình đẳng cũng phải được chia công bằng. Nguyên tắc này gồm hai cấu thành: thứ nhất, sự bất bình đẳng (ví dụ bất bình đẳng về công việc và tiền lương) chỉ có thể được chấp nhận nếu những công việc có mức lương cao hơn không được giao hoặc phân phối trên cơ sở bất bình đẳng. Điều này hàm ý rằng sự bình đẳng, công bằng về cơ hội, theo đó bất bình đẳng chỉ được phép tồn tại nếu chúng được “phân phối” theo phương thức người có tài năng ngang nhau thì có cơ hội ngang nhau trong việc có được những vị trí công việc tốt; tức, những công việc này phải được giao/được phân phối một cách công bằng; để mọi người – nhất là giới trẻ, lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội - đều được tiếp cận các cơ hội như nhau nếu họ có mức độ tài năng như nhau; cấu phần thứ hai, là sự khác biệt, theo đó, sự bất bình đẳng về mặt xã hội và kinh tế chỉ có thể được chấp nhận nếu sự bất bình đẳng này được “phân phối” theo phương thức có lợi cho những người kém may mắn trong xã hội. Nói một cách đơn giản, lý thuyết công lý phân phối của John Rawls nhấn mạnh quyền bình đẳng cho tất cả mọi người và chỉ biện minh cho bất bình đẳng nếu sự bất bình đẳng đó là nhằm cải thiện phúc lợi cho những người thiệt thòi nhất, từ đó đảm bảo cơ hội bình đẳng cho họ. Với lý thuyết này, John Rawls nhấn mạnh rằng một xã hội công bằng, tiến bộ đòi hỏi phải phân phối các nguồn lực để đạt được công bằng xã hội, đặc biệt là đối với những nhóm người kém may mắn hơn[15].
Trong bối cảnh PTBV và mối liên hệ với Thuế TNDN, lý thuyết này tạo điều kiện cho công lý được phân phối một cách bình đẳng bằng cách Nhà nước có chính sách thu thuế với mức thuế suất hợp lý từ các doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn và phân phối lại chúng thông qua các chương trình xã hội. Sự phân phối lại này giúp giảm bớt sự bất bình đẳng về mặt kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội, phù hợp với các nguyên tắc công lý và công bằng trong PTBV.
* Lý thuyết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Lý thuyết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility)[16] do R. Edward Freeman[17] đưa ra. Lý thuyết này nằm trong hệ thống Lý thuyết về các bên liên quan (Stakeholder Theory)[18] mà chính R. Edward Freeman là người có vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển, thậm chí được coi là cha đẻ của nó. Theo quan điểm truyền thống, chỉ có cổ đông, chủ sở hữu hoặc những người nắm giữ cổ phần là những người liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và doanh nghiệp có nghĩa vụ đặt nhu cầu của họ lên hàng đầu để tăng lợi nhuận cho mình. Tuy nhiên, Lý thuyết về các bên liên quan cho rằng phạm vi các bên liên quan rộng hơn nhiều. Ngoài cổ đông, các bên liên quan còn có thể bao gồm bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi các hành động của doanh nghiệp, đó có thể là các nhân viên, khách hàng, các nhà cung cấp, thậm chí là cả cộng đồng bị ảnh hưởng từ hoạt động của doanh nghiệp[19]. Lý thuyết về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho rằng, khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại của mình, doanh nghiệp nên xem xét lợi ích của tất cả các bên liên quan khác, chứ không phải chỉ vì lợi ích của các cổ đông. Doanh nghiệp cần cân bằng các lợi ích của các bên liên quan, đảm bảo đối xử công bằng và giải quyết các mối quan tâm về xã hội và môi trường, tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan để đạt được thành công và tính bền vững lâu dài. Lý thuyết này nhấn mạnh quan điểm cho rằng các doanh nghiệp có nghĩa vụ đạo đức vượt ra ngoài mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của họ, vì vậy, họ có trách nhiệm nộp thuế suất hợp lý tương đương với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được[20].
Trong bối cảnh PTBV và Thuế TNDN, Lý thuyết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thừa nhận rằng các doanh nghiệp được hưởng lợi ích lớn từ cơ sở hạ tầng xã hội và do đó có nghĩa vụ phải đóng góp một cách công bằng cho phúc lợi xã hội thông qua việc nộp thuế TNDN, để từ đó Nhà nước có ngân sách tài trợ cho các dịch vụ công. Dưới góc độ này, Thuế TNDN có vai trò quan trọng thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
2. Vai trò của Thuế TNDN trong việc thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Như trên đã phân tích, Thuế TNDN có vai trò điều tiết thu nhập, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, vì vậy, có thể nói thuế TNDN tác động trực tiếp đến các mục tiêu PTBV, giữ vai trò chủ đạo và góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia. Vai trò quan trọng đó của Thuế TNDN thể hiện ở những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, Thuế TNDN là công cụ then chốt tạo nguồn thu cho NSNN để thực hiện các mục tiêu PTBV.
Tại sao lại nói nó là “công cụ then chốt”? Đó là vì, dù ở quốc gia có thể chế chính trị như thế nào, thì mục tiêu khi ban hành các sắc thuế nói chung đều nhằm tăng nguồn thu cho NSNN. 40 năm trước đây, thuế suất Thuế TNDN bình quân trên thế giới là 40,1%. Thuế suất cao như vậy đương nhiên tỷ trọng Thuế TNDN so với ngân sách là rất lớn. Hiện tại, do tác động tiêu cực của thuế suất Thuế TNDN cao đến môi trường kinh doanh nên các quốc gia giảm thuế suất xuống mức bình quân trên thế giới là 23,18%.[21] Với nguồn thu này, một mặt, NSNN có nguồn tài chính bảo đảm chi tiêu cho các nhu cầu của chính Nhà nước như cơ sở hạ tầng, các hoạt động thực hiện chức năng quản lý vĩ mô; mặt khác, bảo đảm cho các chi tiêu chung của xã hội như an ninh, quốc phòng, ngoại giao, ASXH v.v… Đối với Thuế TNDN, mặc dù mức độ đóng góp của sắc thuế này vào Tổng thu sản phẩm quốc gia (GDP) và vào tổng doanh thu thuế (Tax revenue) có khác nhau ở mỗi quốc gia hay khu vực kinh tế, nhưng tựu trung, ở bất cứ khu vực pháp lý nào thì sắc thuế này cũng luôn chiếm một tỷ trọng khá lớn. Số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế (OECD) cho thấy: Năm 2021, tỷ lệ phần trăm[22] Thuế TNDN đóng góp vào Tổng doanh thu thuế (Tax revenue) của các quốc gia phát triển OECD là 9,8% (tỷ lệ này tương đương với mức đóng góp vào GDP là 2,8%); ở các quốc gia Châu Mỹ La tinh, tỷ lệ này là 15.4% Tax revenue, tương đương 3.3% GDP; ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (trong đó, Việt Nam cũng là quốc gia thuộc phạm vi nghiên cứu), tỷ lệ này là 18,2 % Tax revenu, tương đương 3,2% GDP; cao nhất trong bảng thống kê này là các quốc gia Châu Phi với tỷ lệ 19.3% Tax revenue, tương đương 2,9% GDP[23]. Số liệu thống kê này cho thấy tầm quan trọng không thể phủ nhận của Thuế TNDN trong nguồn thu ngân sách của mỗi quốc gia. Số liệu cũng cho thấy, nếu so sánh mức độ phụ thuộc của NSNN vào Thuế TNDN, thì ở các quốc gia giàu như OECD, NSNN ít phụ thuộc hơn vào Thuế TNDN; trong khi ở các quốc gia nghèo hoặc đang phát triển, mức độ phụ thuộc của NSNN vào Thuế TNDN là nhiều hơn. Trong Bảng thống kê, khu vực Châu Á – TBD (trong đó có Việt Nam), mức độ phụ thuộc của NSNN và doanh thu từ Thuế TNDN là khá lớn, cao hơn các quốc gia OECD và Châu Mỹ La tinh, chỉ thấp hơn các quốc gia Châu Phi. Điều đó cho thấy, đối với một quốc gia nghèo hoặc đang phát triển, việc tăng nguồn thu từ Thuế TNDN trở nên quan trọng hơn so với các khu vực pháp lý khác trên thế giới.
Đối với một quốc gia đang phát triển, việc tăng nguồn thu từ thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng lại càng trở nên quan trọng; thậm chí có thể nói, khoản thu từ thuế TNDN đóng góp một phần cực kỳ quan trọng cho ngân sách quốc gia. Số liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam, Thuế TNDN chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu NSNN. Trong giai đoạn 2011-2015, bình quân số Thuế TNDN không tính từ dầu thô chiếm 16,05% và tính cả dầu thô là 24,8% trong tổng thu NSNN. Tỷ lệ này trong giai đoạn 2016 - 2020 lần lượt là 14,6% và 16,9%; giai đoạn 2021-2023 tương ứng là 17% và 19,7%. Năm 2023, thu từ thuế TNDN đạt 310.482 tỷ đồng (không tính dầu thô), chiếm 17,7% tổng thu ngân sách nhà nước; đạt 357.682 tỷ đồng (tính cả dầu thô), tương ứng chiếm 20,16% tổng thu NSNN[24]. Như vậy, tỷ trọng Thuế TNDN trong tổng thu NSNN của Việt Nam là khá lớn. Điều đó cũng có nghĩa là, để tăng thu NSNN giúp tạo nguồn thu cho PTBV, Việt Nam cần tập trung vào việc cải cách Luật thuế TNDN để thực hiện các mục tiêu PTBV.
Trong số 17 mục tiêu PTBV do LHQ đề ra, Thuế TNDN có vai trò trực tiếp và đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chính liên quan đến việc giảm bất bình đẳng, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu, đó là: Mục tiêu 1 (Không đói nghèo), Mục tiêu 3 (Sức khỏe và hạnh phúc tốt), Mục tiêu 4 (Giáo dục chất lượng), Mục tiêu 9 (Công nghiệp, Đổi mới và Cơ sở hạ tầng). Vai trò của Thuế TNDN là tạo nguồn thu để Nhà nước có tiền thực hiện các mục tiêu nêu trên thông qua việc tài trợ cho các hàng hóa và dịch vụ công, giảm đói nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội. Nguồn thu có được từ Thuế TNDN sẽ được chuyển hướng để xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, nhất là ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh; giúp thúc đẩy sự tăng trưởng toàn diện, đồng đều ở các khu vực, vùng miền. Nguồn thu từ Thuế TNDN góp phần thực hiện “phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu”[25]; góp phần thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia là thành viên[26].
Bên cạnh việc tạo nguồn thu cho NSNN như đã nêu trên, sự chi phối của Thuế TNDN dưới góc độ chi tiêu cho ASXH cũng vô cùng ấn tượng. Trong bài nghiên cứu “The contribution of corporate tax to the Sustainable Development Goals in Sub-Saharan Africa employing econometric modelling: a case study of Vodafone” (Đóng góp của thuế doanh nghiệp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Châu Phi cận Sahara sử dụng mô hình kinh tế lượng: một nghiên cứu điển hình về Vodafone)[27] nhóm tác giả Eilish Hannah đã chứng minh một cách rất thuyết phục, qua trường hợp đóng thuế TNDN của Công ty Vodafon Group PLC, về mối quan hệ trực tiếp giữa thuế TNDN với việc bảo đảm ASXH, từ đó thực hiện các mục tiêu PTBV tại sáu quốc gia châu Phi[28]. Nghiên cứu này (được công bố tháng 5/2022) chứng minh sự đóng góp của Thuế TNDN qua trường hợp Vodafon đáp ứng việc thực hiện ba trong số 17 mục tiêu PTBV của LHQ, đó là các mục tiêu 3 (Sức khỏe), mục tiêu 4 (Giáo dục có chất lượng) và mục tiêu 6 (Nước sạch và vệ sinh). Kết quả nghiên cứu cho thấy: phần đóng góp của Tập đoàn Vodafon vào ngân sách của các quốc gia này đã giúp trung bình gần 400.000 người được tiếp cận nước sạch, gần 700.000 người được tiếp cận vệ sinh cơ bản, hơn 15.000 trẻ em được đi học thêm một năm và ngăn chặn được hơn 9.000 trường hợp trẻ em tử vong, ngăn chặn hơn 1.300 trường hợp bà mẹ tử vong[29]. Từ kết quả có tính chất định lượng này, nhóm tác giả đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý sau: thứ nhất, nếu Chính phủ là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu PTBV, thì các doanh nghiệp (những chủ thể có nghĩa vụ đóng thuế TNDN) là những nhân tố quan trọng có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu đó; thứ hai, việc đóng góp cho NSNN qua thuế TNDN có tiềm năng to lớn để đạt được các mục tiêu PTBV ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình; thứ ba, Thuế TNDN đóng một vai trò quan trọng ở một số quốc gia, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp; do đó, chỉ cần một mức tăng nhỏ trong doanh thu Thuế TNDN cũng có thể đóng vai trò then chốt trong việc tăng khả năng thực thi mục tiêu PTBV ở các quốc gia đó.
Mặc dù đây chỉ là một nghiên cứu trường hợp tiến hành trên sáu quốc gia châu Phi, nhưng kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả đã chứng minh vai trò then chốt của Thuế TNDN trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV. Nghiên cứu này có ý nghĩa tham khảo rất giá trị đối với trường hợp Việt Nam vì Việt Nam cũng là một quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình.
Như vậy, có thể nói Thuế TNDN góp phần quan trọng trong việc tài trợ đầu tư công vào sự PTBV, tạo nguồn lực tài chính cho Nhà nước để hỗ trợ các dự án PTBV. Doanh thu từ Thuế TNDN có thể được phân bổ để hỗ trợ các chương trình xã hội liên quan đến các mục tiêu PTBV như bảo đảm sức khỏe, tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Đây cũng chính là biểu hiện của việc ứng dụng thực tiễn các nguyên lý của Lý thuyết hàng hóa công cộng của Samuelson, Lý thuyết về Trách nhiệm xã hội của Freeman như đã phân tích ở trên.
Thứ hai, Thuế TNDN là công cụ giải quyết sự bất bình đẳng, thúc đẩy tiến bộ xã hội thông qua vai trò phân phối lại thu nhập xã hội.
Dưới khía cạnh này, các mục tiêu PTBV sau đây có liên quan trực tiếp: Mục tiêu 5 (Bình đẳng giới), Mục tiêu 10 (Giảm bất bình đẳng). Trong nền KTTT, tất cả các thành phần kinh tế đều có quyền tự do kinh doanh và bình đẳng trên cơ sở pháp luật. Các doanh nghiệp có lợi thế, lực lượng lao động tay nghề cao, năng lực tài chính mạnh thì có cơ hội nhận được thu nhập cao; ngược lại, các doanh nghiệp với năng lực tài chính, lực lượng lao động hạn chế sẽ có thu nhập thấp, thậm chí không có thu nhập. từ đó khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớn dân cư ngày càng xa. Thuế TNDN là công cụ để Nhà nước điều tiết thu nhập của các chủ thể kinh doanh có thu nhập cao, đảm bảo yêu cầu đóng góp của các chủ thể kinh doanh vào NSNN được công bằng, hợp lý. Vai trò của Thuế TNDN ở đây là phân phối lại của cải trong xã hội thông qua việc quy định cơ chế thuế suất lũy tiến theo bậc, dựa trên quy mô doanh nghiệp, dựa trên lợi nhuận hoặc dựa trên tác động môi trường tương ứng với hoạt động SXKD của họ, từ đó có nguồn tài chính hỗ trợ các nhóm yếu thế, gồm người bị bệnh tật, bị khuyết tật bẩm sinh, những người già yếu, người có nhiều đóng góp cho xã hội, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ v.v... góp phần giảm sự chênh lệch giữa các nhóm cộng đồng trong xã hội nhằm hạn chế những khiếm khuyết của KTTT. Nhờ nguồn thu có được từ Thuế TNDN, Nhà nước có thể thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới, như cải thiện chế độ thai sản, thực hiện các chương trình bình đẳng giới tại nơi làm việc, cung cấp các dịch vụ ưu tiên cho giáo dục trẻ em gái v.v… Hoặc, việc áp dụng mức thuế suất cao hơn đối với các tập đoàn lớn có hoạt động làm ô nhiễm môi trường có thể được sử dụng để tài trợ cho các chương trình có lợi cho các cộng đồng yếu thế hoặc sử dụng để phục hồi lại môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, Thuế TNDN cũng góp phần giải quyết bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế phát triển và khu vực kém phát triển. Thuế TNDN là công cụ, phương tiện dẫn dắt, chi phối doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực. Ưu đãi thuế TNDN góp phần khuyến khích làm gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường và hoạt động quản lý chất thải. Theo Tổng cục Thông kê, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2014, số tiền ưu đãi thuế TNDN tăng từ 55 nghìn tỷ đồng lên 61 nghìn tỷ đồng, góp phần khuyến khích làm gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường và hoạt động quản lý chất thải khoảng 21%.
Thuế TNDN cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào những vùng, miền nhằm phát huy thế mạnh cạnh tranh, tác động làm cho nền kinh tế phát triển hài hòa, bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau phát huy khả năng của mình để khởi nghiệp và phát triển; kiến tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho mọi doanh nghiệp phát huy các nguồn lực, lợi thế để phát triển doanh nghiệp, phát triển xã hội theo định hướng tiến bộ và công bằng xã hội. Nguồn thu từ Thuế TNDN sẽ được phân phối lại cho các khu vực vùng sâu, vùng xa để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giữa các khu vực địa lý. Đây cũng chính là ứng dụng thực tiễn của Lý thuyết công lý phân phối lại của John Rawls như đã phân tích ở trên.
Thứ ba, Thuế TNDN khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Một số nội dung PTBV liên quan đến hoạt động kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, đó là các Mục tiêu 12 (Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm) và Mục tiêu 13 (Hành động vì khí hậu). Dưới góc độ này, Thuế TNDN có thể được thiết kế theo hướng cho doanh nghiệp hưởng thuế suất ưu đãi khi sử dụng năng lượng tái tạo, thậm chí có thể miễn thuế cho những doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc doanh nghiệp thực hiện các chính sách liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ngược lại, Thuế TNDN có thể được thiết kế như những hình phạt đối với các doanh nghiệp có hoạt động gây hại cho tăng trưởng bền vững, như tăng thuế đối với các hoạt động gây hại cho môi trường, thực hiện các hành vi phát thải carbon quá mức, hoặc khai thác tài nguyên quá mức cho phép v.v… Chính sách thuế này là một trong những ứng dụng thực tiễn từ Lý thuyết Thuế Pigouvian giúp BVMT của Arthur Pigou như đã phân tích ở trên.
Như vậy, có thể nói, Thuế TNDN đóng một vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các mục tiêu của PTBV, từ việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đến tái phân bổ tài nguyên, BVMT và hỗ trợ phát triển các nhóm cộng đồng trong xã hội. Thông qua việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động trách nhiệm xã hội, Nhà nước có thể định hình lại cách các doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo rằng các mục tiêu xã hội được thực hiện trên diện rộng.
3. Kết luận
Với tư cách là một sắc thuế trực thu chiếm tỷ trọng khá lớn trong NSNN, Thuế TNDN giữ vai trò là một công cụ quan trọng, then chốt trong việc thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu PTBV. Những căn cứ lý luận về vai trò đặc biệt của Thuế TNDN được luận giải ở trên được hình thành và phát triển trên những lý thuyết khác nhau. Chúng có giá trị phổ quát cho việc định hình các chính sách, pháp luật về Thuế TNDN ở nhiều quốc gia. Việt Nam, quốc gia đang phát triển hiện đang đứng trước nhiều thách thức về môi trường và các hệ lụy của biến đổi khí hậu không dễ dàng thực hiện các mục tiêu PTBV theo cam kết của Việt Nam trong Chương trình nghị sự 2030 của LHQ. Một trong những ưu tiên quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng là thay đổi mạnh mẽ trong chính sách cải cách Thuế TNDN hiện hành, để sắc thuế này thực sự trở thành công cụ hiệu quả góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Nghiên cứu tiếp theo của tác giả bài viết sẽ là những khía cạnh pháp lý của pháp luật về thuế TNDN cả ở góc độ pháp luật thực định và thực trạng thi hành ở khía cạnh thúc đẩy phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp 2013 của CHXHCN Việt Nam.
2. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội.
3. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.
4. Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020.
5. Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030
6. VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2021).
7. TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Định hướng cải cách thuế TNDN nhằm thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế và thu NSNN, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính (2011)
8. Bộ Tài chính, Bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi)
9. Hannah, Eilish & O'Hare, Bernadette & Lopez, Marisol & Etter-Phoya, Rachel & Murray, Stuart & Hall, Stephen, The contribution of corporate tax to the Sustainable Development Goals in Sub-Saharan Africa employing econometric modelling: a case study of Vodafone. 10.21203/rs.3.rs-1505508/v1.(2022)
10. R. EDWARD FREEMAN, STRATEGIC MANAGEMENT: A STAKEHOLDER APPROACH, PITMAN, BOSTON (republished in 2010 by Cambridge University Press). (1984)
11. R. Edward Freeman, Sergiy Dmytriyev, Corporate Social Responsibility and Stakeholder, Theory: Learning From Each Other, Symphonya, Emerging Issues in Management (symphonya.unimib.it)(2017)
12. Catalano, Thomas J., Pigovian Tax: Definition, Purpose, Calculation, and Examples, Investopia (August 22 2024) https://www.investopedia.com/terms/p/pigoviantax.asp
13. PATON, WILLIAM ANDREW, ACCOUNTING THEORY: WITH SPECIFIC REFERENCE TO THE CORPORATE ENTERPRISE, THE RONALD PRESS COMPANY, NEW YORK (1922)
14. Lê Thị Minh Phượng, Hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính (2019)
15. PIGOU, A.C., THE ECONOMICS OF WELFARE, MACMILLAN, LONDON (1920)
16. Rawls, John, A Theory of Justice, Havard University Press (1971)
17. Samuelson, A. Paul, The pure theory of public expenditure, The Review of Economics and Statistics, Vol. 36, No. 4. (Nov., 1954)
18. TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT THUẾ VIỆT NAM, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI (2019)
19. World Bank, World Development Report 2006 – Equity and Development. World Bank, Báo cáo phát triển Việt Nam 2010, Quản lý tài nguyên thiên nhiên.
20. World Commission on Environment and Development, "Our common future", Brundtland report(1987)
21. Ánh Tuyết, Nhìn lại hơn 15 năm triển khai Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Vneconomy (14/06/2024; 08:53) https://vneconomy.vn/nhin-lai-hon-15-nam-trien-khai-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep.htm.
22. Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992.
23. Nghị định thư Kyoto năm 1997 và Bản sửa đổi bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto năm 2012.
24. Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016.
* ThS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính). Email: trananhtuan3@mof.gov.vn
Theo Tạp chí Pháp luật và Phát triển số 11+12/2024
[1] Vào năm 1987, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới của Liên hợp quốc, do cựu Thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland làm chủ tịch đã công bố báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, còn được gọi là “Báo cáo Brundtland”. Tham khảo: World Commission on Environment and Development, "Our common future", Brundtland report (1987)
[2] Thuế TNDN có những tên gọi khác nhau tùy theo pháp luật của mỗi quốc gia, như thuế lợi tức, thuế thu nhập công ty, thuế lợi nhuận, thuế thực lãi v.v… Mặc dù có nhiều tên gọi nhưng bản chất của sắc thuế này không thay đổi trong pháp luật của các quốc gia, thể hiện ở chỗ đây là một sắc thuế trực thu đánh vào thu nhập chịu thuế của tổ chức kinh doanh trong kỳ tính thuế.
[3] TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI, GIÁO TRÌNH LUẬT THUẾ VIỆT NAM, NXB CÔNG AN NHÂN DÂN, HÀ NỘI , tr. 231 (2019)
[4] Tham khảo: PATON, WILLIAM ANDREW, ACCOUNTING THEORY: WITH SPECIFIC REFERENCE TO THE CORPORATE ENTERPRISE, THE RONALD PRESS COMPANY, NEW YORK, 181 (1922); xem thêm: Lê Thị Minh Phượng, Hoàn thiện thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính, 22 (2019); TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Định hướng cải cách thuế TNDN nhằm thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế và thu NSNN, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính, 3 (2011)
[5] Tham khảo: World Bank, “World Development Report 2006 – Equity and Development” (2006); Xem thêm: Wold Bank, Báo cáo phát triển Việt Nam 2010, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Chương 1 (2010)
[6] Paul A. Samuelson (1915 – 2009) là một nhà kinh tế người Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất đến các học thuyết kinh tế trong nửa sau Thế kỷ 20. Năm 1970, ông đã được trao Giải thưởng Nobel về kinh tế. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông cho nền tảng các học thuyết kinh tế trong lĩnh vực tài chính công, đó là lý thuyết về Public Goods.
[7] Arthur Cecil Pigou (1877 – 1959) là nhà kinh tế học người Anh có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tài chính công, đặc biệt là vấn đề kinh tế phúc lợi. Liên quan đến PTBV, ông có đóng góp quan trọng khi đề xuất một loại thuế liên quan đến việc sử dụng các hàng hóa gây ô nhiễm, gọi là Thuế Pigouvian. Tham khảo: PIGOU, A.C., THE ECONOMICS OF WELFARE, MACMILLAN, LONDON (1920)
[8] Public Goods – Hàng hóa công cộng: là thuật ngữ để chỉ những loại hàng hóa mà việc một cá nhân này đang hưởng thụ lợi ích do hàng hóa đó tạo ra không ngăn cản những người khác cùng đồng thời hưởng thụ những lợi ích của nó. Hàng hóa công cộng có hai thuộc tính là không cạnh tranh và không loại trừ.
[9] Samuelson, A. Paul, The pure theory of public expenditure, The Review of Economics and Statistics, Vol. 36, No. 4, pp. 387-389. (Nov. 1954)Nguồn: https://courses.cit.cornell.edu/econ335/out/samuelson_pure.pdf
[10] PIGOU, A.C, TLĐD, 9
[11] Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Pigouvian_tax
[12] Catalano, Thomas J., Pigovian Tax: Definition, Purpose, Calculation, and Examples, Investopia (August 22 2024) https://www.investopedia.com/terms/p/pigoviantax.asp
[13] John Rawls (1921 – 2002), là một triết gia Mỹ, giáo sư đại học Harvard. Một trong những kiệt tác của ông là A Theory of Jusstice (1971), là một công trình nghiên cứu quan trọng nhất về triết học đạo đức và chính trị, giúp tạo nên nền tảng của lĩnh vực triết học đạo đức. Những nghiên cứu của ông trong lĩnh vực triết học chính trị, được biết dưới cái tên Rawlsianism, đều được dựa trên một lập luận nền tảng đó là "những nguyên lý hợp lý nhất của công lý là những điều mà tất cả mọi người có thể chấp nhận và đồng ý từ một vị trí công bằng".
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/John_Rawls
[14] Rawls, John, A Theory of Justice, Havard University Press (1971) https://doi.org/10.2307/j.ctvjf9z6v.
Nguồn: https://www.hup.harvard.edu/file/feeds/PDF/9780674000780_sample.pdf
[15] Rawls, John, tlđd 14 (1971)
[16] R. Edward Freeman, Sergiy Dmytriyev, Corporate Social Responsibility and Stakeholder, Theory: Learning From Each Other, Symphonya, Emerging Issues in Management (symphonya.unimib.it) 2, 7-15 (2017)
[17] R. Edward Freeman (1951 -): triết gia người Mỹ, giáo sư quản trị kinh doanh tại Trường Darden thuộc Đại học Virginia, đặc biệt nổi tiếng với công trình về Lý thuyết bên liên quan (1984) và đạo đức kinh doanh.
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/R._Edward_Freeman
[18] R. EDWARD FREEMAN, STRATEGIC MANAGEMENT: A STAKEHOLDER APPROACH, PITMAN, BOSTON (republished in 2010 by Cambridge University Press). (1984)
[19] R. EDWARD FREEMAN, TLĐD 18
[20] R. Edward Freeman, Sergiy Dmytriyev, tlđd 16
[21] TaxFoundation, Corporate Tax Rates around the World, taxfoundation.org (12 December 2023), https://taxfoundation.org/data/all/global/corporate-tax-rates-by-country-2023/
[22] Số liệu thống kê này tính tỷ lệ trung bình của các quốc gia được nghiên cứu.
[23] Tham khảo: OECD (2023) , Revenue Statistics in Asia and the Pacific 2023 STRENGTHENING PROPERTY TAXATION IN ASIA 1990-2021, Bảng 1.10, tr. 25. Cũng trong xu hướng này, xem thêm: OECD (2023), Corporate Tax Statistics, tr. 15 – 20.
[24] Ánh Tuyết, Nhìn lại hơn 15 năm triển khai Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Vneconomy (14/06/2024; 08:53) https://vneconomy.vn/nhin-lai-hon-15-nam-trien-khai-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep.htm.
[25] Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020
[26] Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Nghị định thư Kyoto và Bản sửa đổi bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto; Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu.
[27] Hannah, Eilish & O'Hare, Bernadette & Lopez, Marisol & Etter-Phoya, Rachel & Murray, Stuart & Hall, Stephen, The contribution of corporate tax to the Sustainable Development Goals in Sub-Saharan Africa employing econometric modelling: a case study of Vodafone. 10.21203/rs.3.rs-1505508/v1. (2022) https://www.researchgate.net/publication/369376489_How_can_corporate_taxes_contribute_to_sub-Saharan_Africa's_Sustainable_Development_Goals_SDGs_A_case_study_of_Vodafone
[28] Sáu quốc gia đó là: CHDC Congo, Ghana, Kenya, Lesotho, Mozambique và Tanzania.
[29] Hannah, Eilish & O'Hare, Bernadette & Lopez, Marisol & Etter-Phoya, Rachel & Murray, Stuart & Hall, Stephen, Tlđd 22, tr. 6 - 7.
Đọc thêm
Cùng chuyên mục
Xung đột giữa biện pháp hạn chế xuất khẩu và mục tiêu phát triển bền vững: Bài học từ tranh chấp giữa Liên minh Châu Âu và Indonesia
Chi trả cổ tức bằng cổ phần nhằm chia tách cổ phần - Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống tại một số quốc gia trên thế giới: Một cách tiếp cận mới cho Việt Nam
Hiến tạng tại Việt Nam - Các khía cạnh tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa và pháp luật
Hiệp định thương mại tự do: Những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ và gợi mở cho Việt Nam
Cho thuê - Mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn: Một số gợi mở dưới góc độ pháp lý cho Việt Nam