Tầm nhìn - Chính sách

Hội thảo Khoa học Quốc gia về phát triển bền vững

Nhóm PV Thứ sáu, 11/10/2024 - 05:17

(PLPT) - Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” đang diễn ra tại Hà Nội. Chương trình Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận chính: “Chính sách pháp luật về môi trường, thị trường lao động và an sinh xã hội thúc đẩy phát triển bền vững” và “Chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

11:36

Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - gửi lời cảm ơn các quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo.

“Những ý kiến chia sẻ và khuyến nghị của các chuyên gia trong Hội thảo hôm nay không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội. Những kết quả mà Hội thảo đạt được sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện hệ thống thể chế, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam” - GS.TS Lê Hồng Hạnh bày tỏ.

10:38

Các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận về các chủ đề do 4 diễn giả vừa trình bày.

10:23

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh (Đại học Luật Hà Nội) - trình bày tham luận "Hoàn thiện pháp luật An sinh xã hội Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững".

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương - Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh: "An sinh xã hội và phát triển bền vững là hai vấn đề song hành".

Tại tham luận, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương cho rằng, hiện nay, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội là thách thức, nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, đây là chủ đề được quan tâm hàng đầu, tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

“An sinh xã hội và phát triển bền vững là hai vấn đề song hành. Đảm bảo an sinh xã hội là cách thức, cũng là thước đo đánh giá khả năng phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, cần từng bước hoàn thiện pháp luật, hướng đến mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Với quan điểm xác định con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước, bảo vệ con người và đảm bảo các điều kiện sống cho con người là đích đến, nhưng cũng là phương thức phát triển. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật an sinh và nâng cao hiệu quả thực thi là yêu cầu bắt buộc để đạt được mục tiêu phát triển bền vững” - PGS.TS Nguyễn Hiền Phương chia sẻ.

10:10

TS Bùi Đức Hiển - Viện Nhà nước và Pháp luật - trình bày tham luận “Mấy vấn đề pháp lý về đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, trong bối cảnh phát triển bền vững tại Việt Nam”.

TS Bùi Đức Hiển làm rõ thực trạng quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam.

Theo TS Bùi Đức Hiển, quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền con người cơ bản được pháp luật quốc tế cũng như nhiều quốc gia ghi nhận và bảo vệ.

Trong tham luận của mình, TS Hiển đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận pháp luật về bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành trong mối quan hệ với phát triển bền vững; chỉ ra những bất cập, hạn chế, thiếu sót và đưa ra bối cảnh và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam trong thời gian tới.

Về thực trạng quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam, TS Hiển nhận định, quyền được sống trong môi trường trong lành là một quyền con người cơ bản, nhưng đang bị xâm phạm do ô nhiễm môi trường từ các hoạt động kinh tế gây ra. Muốn đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành con đường tốt nhất là thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững để đảm bảo hoạt động kinh tế sẽ không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, để xử lý hành vi xâm phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, TS Hiển cho rằng cần phải hoàn thiện cả thể chế pháp lý và thiết chế pháp lý ở các cấp độ khác nhau để bảo đảm quyền này.

09:58

ThS. Lee Hyung Yeon, Viện trưởng Viện nghiên cứu Luật Việt - Hàn, trình bày tham luận “Kinh nghiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước của Hàn Quốc”.

ThS. Lee Hyung Yeon.

ThS. Lee Hyung Yeon cho rằng, Hàn Quốc hiện đang phải gánh chịu những tổn thất đối với sức khỏe người dân và nền kinh tế quốc gia do những hạn chế trong việc sử dụng nước và sử dụng đất bình đẳng do sự ích kỷ về nước giữa thượng nguồn và hạ nguồn và giữa các vùng.

“Một quy hoạch quốc gia như vì mục tiêu phát triển bền vững kế hoạch cho tương lai phải đưa ra tầm nhìn về quản lý nước trong tương lai của đất nước, bao gồm các giá trị cốt lõi và mục đích cốt lõi của Chính phủ. Trong chính sách quản lý nước, một trong những vấn đề làm trầm trọng thêm xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, người dân là sự trùng lặp, không thống nhất luật và chính sách.

Có thể nói, việc thiếu tính kết nối với các luật, hệ thống và chính sách khác sẽ dẫn đến lãng phí tài chính và nhân lực quốc gia, đồng thời các mục tiêu, không rõ ràng sẽ làm suy yếu hiệu lực pháp lý. Vấn đề nước đã vượt ra ngoài thế hệ hiện tại và là vấn đề sẽ tồn tại hàng trăm năm sau, chính vì vậy nhà nước nên làm chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện” - ThS. Lee Hyung Yeon trình bày.

09:47

TS Nguyễn Hùng, trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung, trình bày tham luận "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam từ kinh nghiệm một số quốc gia".

TS Nguyễn Hùng trình bày tham luận.

Trong tham luận của mình, TS Nguyễn Hùng nêu ra thực trạng về chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Từ những phân tích về chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại EU và Trung Quốc, Tiến sĩ đã đưa ra một số đề xuất về hoàn thiện chính sách kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam, làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về kinh tế tuần hoàn, từ lịch sử hình thành, định nghĩa, nội hàm cho đến ý nghĩa của việc áp dụng nó.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đã khái quát, đánh giá chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn của hai quốc gia, khu vực được xem là có nhiều thành công trong áp dụng mô hình này là Trung Quốc và Liên minh Châu Âu; nêu ra thực trạng chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện chúng.

TS Nguyễn Hùng khẳng định, nền kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nhân loại. Việt Nam cần nhanh chóng có các giải pháp để xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của chính mình vì một nền kinh tế bền vững.

9:45

Phiên thảo luận thứ hai bắt đầu với sự điều hành của GS.TS Nguyễn Trung Việt, GS.TS Lê Hồng Hạnh và TS Phạm Thị Thúy Nga.

Phiên thảo luận này có chủ đề "Chính sách pháp luật về môi trường, thị trường lao động và an sinh xã hội thúc đẩy phát triển bền vững".

08:57

Các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận tại hội trường.

GS.TS Lê Hồng Hạnh thảo luận cùng các đại biểu, khách mời.
GS.TS Nguyễn Trung Việt điều hành phần thảo luận.
TS Bùi Đức Hiển - Viện Nhà nước và Pháp luật - đề nghị GS.TS Lê Hồng Hạnh làm rõ thêm một số chi tiết mang yếu tố pháp luật liên quan đến an ninh tài nguyên nước.
PGS.TS Nguyễn Hồng Yến - Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội - đặt câu hỏi đề nghị làm rõ những vấn đề trong tham luận của GS.TS Nguyễn Hồng Thao.

08:40

GS.TS Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia Khoa Luật và Lý luận Chính trị, trường Đại học Thủy lợi - trình bày tham luận: "Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông - Tình huống Kênh đào Funan Techo".

GS.TS Nguyễn Hồng Thao trình bày tham luận.

GS.TS Nguyễn Hồng Thao cho rằng, vấn đề xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững không chỉ giới hạn ở tầm một quốc gia, một địa phương mà phải ở cả tầm khu vực và thế giới.

Quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia như sông Mê Kông sẽ giúp các nước ven sông quản trị tốt hơn việc sản xuất lương thực và năng lượng, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp bảo vệ các hệ thống sinh thái nước chung của lưu vực sông Mê Kông, tính đa dạng sinh học và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

“Việt Nam cần phát huy vai trò chủ động của mình trong việc xây dựng và phát triển các cơ chế hợp tác vùng, Tiểu vùng liên quan đến sông Mê Kông, đưa ra các sáng kiến và vận động các nước liên quan ủng hộ thực thi nhằm khắc phục các hạn chế trong các cơ chế hợp tác hiện có. Việt Nam và Campuchia có thể tham khảo thêm kinh nghiệm quản lý các nguồn nước quốc tế tại sông Nile, sông Danube, sông Rhein. Tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế về môi trường sẽ tạo động lực tốt nhất cho các nước Tiểu vùng sông Mê Kông phát triển thịnh vượng, lành mạnh, vì lợi ích của thế hệ hôm nay và mai sau” - GS.TS Nguyễn Hồng Thao chia sẻ.

08:23

Chương trình chính thức bước vào phiên thảo luận với những tham luận từ các nhà nghiên cứu và chuyên gia.

Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững" được điều hành bởi GS.TS Nguyễn Trung Việt, ông Nguyễn Hồng Khanh và PGS.TS Tô Văn Hòa.

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - trình bày tham luận.

Mở đầu phiên thảo luận thứ nhất, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - trình bày tham luận "Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhìn từ các yêu cầu phổ quát - Kỳ vọng và những biến số tiềm ẩn cần lưu ý trong thi hành".

GS.TS Lê Hồng Hạnh khẳng định: “Nước là tài nguyên vô giá”. Nhận thức này ngày nay đã trở thành yếu tố không thể thay đổi trong hoạt động bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào.

Theo Giáo sư, tài nguyên nước có được bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả để đáp ứng an sinh xã hội và sản xuất hay không phụ thuộc vào thể chế tài nguyên nước. Thể chế tài nguyên nước, trước hết là chính sách, pháp luật, chỉ hiệu quả và phát huy được vai trò của nó khi được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

Luật Tài nguyên nước 2023 và một vài văn bản hướng dẫn thi hành đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá còn nhiều thách thức, đặc biệt là những tác động của việc nguồn nước những con sông quốc tế chảy qua Việt Nam.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng, pháp luật tài nguyên nước hiện hành khẳng định nhiều nguyên tắc phổ quát của pháp luật quốc tế về tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đã nêu ra nhóm giải pháp ngăn chặn rủi ro để thi hành hiệu quả Luật Tài nguyên nước 2023.

08:20

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - phát biểu chỉ đạo.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Khanh, Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động của trường Đại học Thủy lợi cũng như là của ngành thủy lợi, chào mừng 65 năm ngày thành lập trường Đại học Thủy lợi và chuẩn bị hướng tới chào mừng 80 năm Ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam.

“Đối với những người làm quản lý Nhà nước như chúng tôi, thể chế là câu chuyện liên tục đặt ra và liên tục được hoàn thiện vì đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển, sự thành bại của một quốc gia nói chung cũng như một hệ thống, tổ chức nói riêng” - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi chia sẻ.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi, theo ông Khanh, thực tế vận hành đã đặt ra rất nhiều vấn đề đối với công tác quản lý tài nguyên nước cho hiệu quả, cho minh bạch giữa các ngành với nhau.

“Thông qua Hội thảo này với những kết quả nghiên cứu của các Giáo sư, chuyên gia cũng như những ý kiến, kiến nghị, hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống thể chế hoàn thiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phát triển tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi” - ông Nguyễn Hồng Khanh kỳ vọng.

08:12

GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi - phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo.

GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi.

Theo GS.TS Nguyễn Trung Việt, Hội thảo ngày hôm nay là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật vững mạnh. Từ đó, đóng góp vào nâng cao năng lực thể chế của Nhà nước. Qua những phiên thảo luận và báo cáo tham luận ngày hôm nay, Hội thảo sẽ mang lại những giá trị thiết thực, đóng góp vào việc cải thiện thể chế và chính trị pháp luật, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.

08:05

Chương trình Hội thảo chính thức bắt đầu.

Đến tham dự Hội thảo ngày hôm nay, về phía lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi. Về phía các Bộ, Ngành trung ương có TS Nguyễn Văn Cương - Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế dân sự (Bộ Tư pháp), TS Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội), TS Mai Đức Thiện - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Về phía các trung tâm trọng tài có ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Đông đảo đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo.

Về phía Trường Đại học Thủy lợi - đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo - có PGS.TS Nguyễn Hữu Huế - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng nhà trường, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng nhà trường.

Về phía các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo có GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Phạm Thị Thúy Nga - Phó viện trưởng, phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), ông Bùi Phan Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Sen Vàng.

Đến tham dự Hội thảo hôm nay còn có đại diện của các trường Đại học, các công ty luật, các cơ quan báo chí, lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học và các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên trong nhà trường.

07:56

Các đại biểu, khách mời đến dự Hội thảo.

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch VIAC, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển - trao đổi cùng đại biểu trước giờ khai mạc Hội thảo.

Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu then chốt của mọi quốc gia, việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả thực hiện các mục tiêu này. Đặc biệt, đối với Việt Nam, việc gắn kết giữa chính sách pháp luật với thực tiễn tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội là nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững.

Để làm rõ những hạn chế hiện tại và đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc nâng cao năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững, Trường Đại học Thủy Lợi phối hợp cùng Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam), trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) và Công ty Luật TNHH Sen Vàng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của phát triển bền vững”.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các giảng viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến các trụ cột của phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế cho mục tiêu phát triển lâu dài của đất nước.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện từ nhiều địa phương trên cả nước; qua đó có thêm nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Hội thảo có 4 chủ đề chính: Quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; Hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững; Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững; Hoàn thiện nền tảng pháp lý cho thị trường lao động - an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tầm nhìn - Chính sách -  4 ngày trước

(PLPT) - Tạp chí Pháp luật và Phát triển trân trọng giới thiệu bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dựa trên quan điểm “vừa quản lý, vừa kiến tạo”

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dựa trên quan điểm “vừa quản lý, vừa kiến tạo”

Tầm nhìn - Chính sách -  3 tuần trước

(PLPT) - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, bảo vệ dữ liệu cá nhân cần bám sát quan điểm “vừa quản lý, vừa kiến tạo” để vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.

Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế

Tầm nhìn - Chính sách -  3 tuần trước

(PLPT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, phải bám sát tình hình để đề ra các giải pháp phù hợp tình hình mới, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Học tập suốt đời

Học tập suốt đời

Tầm nhìn - Chính sách -  3 tuần trước

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời", xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2025

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2025

Tầm nhìn - Chính sách -  4 tuần trước

(PLPT) - Hàng loạt các chính sách mới quan trọng liên quan đến công chức, cấp đổi bằng lái xe, lệ phí trước bạ chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2025.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 Luật được Quốc hội thông qua

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 Luật được Quốc hội thông qua

Tầm nhìn - Chính sách -  4 tuần trước

(PLPT) - Ba Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chính phủ đang xây dựng Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp tư nhân

Chính phủ đang xây dựng Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp tư nhân

Tầm nhìn - Chính sách -  4 tuần trước

(PLPT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang xây dựng nghị quyết mới trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng: Phòng, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy

Thủ tướng: Phòng, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tháng trước

(PLPT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.