Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Một số vấn đề của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Thứ hai, 23/09/2024 - 10:56
Nghe audio
0:00

Theo Chương trình dự kiến, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Để có thêm thông tin, góc nhìn về dự thảo Luật, Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu bài viết "Một số vấn đề của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo" của Ths. Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, hoạt động quảng cáo đã có những bước phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng về số lượng, đa dạng về phương thức. Trong khi đó, hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay.

Do đó, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện một số nội dung cụ thể như sau:

I. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo

Khoản 2 Điều 1 của dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật quảng cáo hiện hành (sau đây viết tắt là dự thảo Điều 5).

Về cơ bản, tôi tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 này để quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:

Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch

Đoạn đầu dự thảo khoản 2 Điều 5 quy định "Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ……".

Tôi nhận thấy, dự thảo luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo đã làm giảm nhẹ vai trò, trách nhiệm của Bộ trong việc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quảng cáo.

Tham khảo các luật đã được ban hành, thì có đa số các luật đã quy định Bộ, Cơ quan ngang Bộ phụ trách lĩnh vực mà được điều chỉnh trong luật cho thấy đều quy định các cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực do mình phụ trách.

Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại đoạn đầu dự thảo khoản 2 Điều 5 như sau: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ….". Quy định này cũng tương tự như Luật Quảng cáo hiện hành đang quy định.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quảng cáo

So với Luật quảng cáo hiện hành, thì dự thảo Điều 5 đã bỏ quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động quảng cáo.

Tôi nhận thấy, việc quy định như dự thảo luật không đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp; bởi vì trong quá trình các cơ quan này thực hiện quản lý nhà nước, như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện các hoạt động khác về quản lý nhà nước đã ra các quyết định hành chính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, thì họ sẽ khiếu nại cơ quan, cá nhân đã ra quyết định hoặc có hành vi trái pháp luật.

Cá nhân sẽ tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phải kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo này.

Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quảng cáo.

Về thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật

Tại cuối dự thảo khoản 2 và cuối dự thảo khoản 6 Điều 5 quy định Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh "Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật"

Tôi nhận thấy, việc quy định Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn "thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật", tức là thực hiện các nhiệm vụ khác có thể do các văn bản dưới luật quy định và khi thực hiện các nhiệm vụ này có thể làm hạn chế quyền con người, quyền công dân; như vậy việc quy định thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật như dự thảo sẽ dẫn đến không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp là: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật …..".

Mặt khác, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định "Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định công khai, minh bạch, cụ thể nội dung cần điều chỉnh để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết thực hiện và giám sát việc thực hiện; nếu quy định cụ thể trong luật thì khi luật có hiệu lực là thi hành được ngay, không phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể trong dự thảo luật về các nhiệm vụ khác cần giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, mà không nên quy định "thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật".

Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo

Luật quảng cáo hiện hành quy định Ủy ban nhân dân cả 3 cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) đều có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong phạm vi địa phương mình. Nay dự thảo luật chỉ quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo là chưa đầy đủ, không bảo đảm tính khả thi, vì thực tiễn cho thấy có nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động quảng cáo bằng nhiều hình thức khác nhau, công việc quản lý nhà nước rất nhiều, nếu nay chỉ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo thì không thể thực hiện hết các công việc, nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhất là việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác về hoạt động quảng cáo.

Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung và quy định cả 3 cấp Ủy ban nhân dân (cấp tỉnh, huyện, xã) đều thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, mỗi cấp Ủy ban nhân dân nên quy định thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước cụ thể về hoạt động quảng cáo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân mỗi cấp để tránh trùng lặp, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về bố cục dự thảo Điều 5

Dự thảo Điều 5 vừa dài, vừa quy định nhiều nội dung khác nhau, không thuận tiện cho việc áp dụng. Vì vậy, tôi đề nghị tách dự thảo Điều 5 này thành 3 điều (Điều 5 mới, Điều 5a và Điều 5b), cụ thể là:

- Dự thảo Điều 5 (mới) quy định về Trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, gồm dự thảo khoản 1 và khoản 2 Điều 5.

- Dự thảo Điều 5a quy định về Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ khác, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, gồm dự thảo các khoản 3, 4 và 5 Điều 5.

- Dự thảo Điều 5b quy định về Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, gồm dự thảo khoản 6 Điều 5 và bổ sung thêm 2 khoản quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

II. Về ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo

Tại khoản 4 Điều 22 của Luật quảng cáo được sửa đổi như sau: "….. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt để quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút".

Tôi nhận thấy, dự thảo luật đã tăng số lần ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo so với quy định hiện hành, cụ thể là nếu một phim truyện có thời lượng phát sóng khoảng 60 phút thì số lần ngắt để quảng cáo là 4 lần và so với quy định hiện hành (Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá 2 lần) cũng đã tăng lên gấp 2 lần.

Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ về vấn đề này, vì hiện nay có không ít người dân cho rằng việc ngắt chương trình phim truyện để quảng cáo quá nhiều, gây phiền hà cho người xem phim ở tivi, làm giảm sự hứng thú, ham muốn xem phim khi có quá nhiều các quảng cáo chen lấn.

Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ lý do tăng số lần ngắt chương trình phim truyện (khoảng 60 phút) để quảng cáo lên gấp 2 lần so với quy định hiện hành; đồng thời cân nhắc quy định việc ngắt chương trình phim chuyện để quảng cáo cho hợp lý, đáp ứng với nhu cầu của người dân khi xem phim, tránh việc ngắt quá nhiều lần đối với phim truyện để quảng cáo, gây nên sự mất thiện cảm của người dân xem phim truyện phát qua tivi.

III. Về xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật

Khoản 11 Điều 1 của dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 23 của Luật hiện hành quy định về xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về cơ bản, tôi tán thành với quy định của dự thảo luật về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tuy nhiên, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:

(1) Tại dự thảo điểm a khoản 6 Điều 23 của Luật quy định về hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân trong nước, bao gồm xử lý vi phạm về quảng cáo. Nhưng tại 2 đoạn cuối của điểm a này lại quy định về xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo. Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo cho thống nhất với tiêu đề tại dự thảo điểm a khoản 6 Điều 23 của Luật.

Mặt khác, tôi nhận thấy dự thảo điểm a khoản 6 Điều 23 của Luật chỉ quy định nếu tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính là chưa đầy đủ, vì có trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo mà còn gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo đã vi phạm pháp luật có phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác không? Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu cá nhân vi phạm pháp luật về quảng cáo mà hành vi vi phạm đó cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ Luật hình sự thì có bi truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể về các vấn đề này.

(2) Tại dự thảo điểm b khoản 6 Điều 23 của luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động quảng cáo trên mạng xuyên biên giới vào Việt Nam nếu vi phạm pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định nêu trên, vì quy định này không thống nhất với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Luật xử lý vi phạm hành chính là: "Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác".

Như vậy, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính ở nước ngoài thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, nếu có áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại nước ngoài cũng không khả thi.

Vì vậy, tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét thay hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quảng cáo trên mạng xuyên qua biên giới vào Việt Nam nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo bằng hình thức xử lý khác có tính khả thi và hiệu lực hơn./.

Ths. Đặng Đình Luyến

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Theo: quochoi.vn

Cùng chuyên mục

Loạt doanh nghiệp bị phạt vì ‘giấu’ thông tin: Những lưu ý đối với doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán

Loạt doanh nghiệp bị phạt vì ‘giấu’ thông tin: Những lưu ý đối với doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  17 giờ trước

(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vì hành vi ‘Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật’. Quy định của pháp luật cụ thể ra sao? Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì để tránh bị kiểm tra, xử phạt?

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá: Đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá: Đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  17 giờ trước

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo đã đưa ra phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - xã hội khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Khởi tố 2 thanh niên có hành vi xúc phạm Quốc kỳ: Tội xúc phạm Quốc kỳ bị xử lý thế nào?

Khởi tố 2 thanh niên có hành vi xúc phạm Quốc kỳ: Tội xúc phạm Quốc kỳ bị xử lý thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  17 giờ trước

(PLPT) - Hai nam thanh niên ở Thanh Hóa vừa bị khởi tố vì có hành vi xúc phạm Quốc kỳ và phá hoại tài sản người dân. Pháp luật hiện hành quy định về tội xúc phạm Quốc kỳ như thế nào?

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Quy định pháp luật về việc góp vốn sau khi thành lập công ty cổ phần

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Thành viên và cổ đông phải góp vốn của mình trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời hạn này có thể khác nhau đối với từng loại công ty và không có thời hạn cụ thể cho việc góp vốn khi tăng vốn đăng ký của một công ty đã tồn tại.

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Từ vụ 8 người trong gia đình dùng bom xăng tấn công lực lượng chức năng: Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Trong quá trình lực lượng chức năng triển khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhiều thành viên trong một gia đình tại An Giang đã dùng bom xăng và hung khí tấn công khiến 5 cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn, Nhà nước cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Người đàn ông bị khởi tố vì đăng tải thông tin xuyên tạc: Quy định của pháp luật về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Một người đàn ông ở Bình Dương bị khởi tố vì thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Pháp luật hiện hành quy định các hình thức xử lý hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội như thế nào?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc bán trên Tiktok Shop: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  3 ngày trước

(PLPT) - Tại Nam Định, một chủ hộ kinh doanh sử dụng sàn thương mại điện tử TikTok Shop để đăng tải hình ảnh và nhận đặt hàng các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý như thế nào?

Đọc nhiều