Nhìn lại cách Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán
Xuân Tùng
Thứ hai, 22/07/2024 - 12:24
(PLPT) - Nhà chức trách cáo buộc, với vai trò là người đứng đầu FLC, ông Quyết Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Huế liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng ký giấy tờ thành lập 20 công ty, 500 tài khoản chứng khoán.
Ngày 22/7, TAND Hà Nội khai mạc
phiên xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm với số lượng người triệu tập
cao kỷ lục: 50 bị cáo, gần 100 luật sư, hơn 30.000 bị hại và 63.000 nhà đầu tư
cùng nhiều người liên quan.
Giống vụ án Tân Hoàng Minh, TAND
Hà Nội tiếp tục dựng rạp ngoài trời với màn hình lớn để người được triệu tập
thuận tiện theo dõi. Dự kiến phiên tòa diễn ra nhiều ngày.
Cùng Tạp chí Pháp luật & Phát
triển nhìn lại quá trình cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm thực
hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Trịnh Văn Quyết thao túng 5 mã cổ phiếu tăng đến 1.700% như thế
nào?
Theo kết luận điều tra, ông Quyết
thành lập Công ty CP Tập đoàn FLC, giữ cương vị chủ tịch. Đến năm 2020, sau 33
lần thay đổi kinh doanh, FLC có vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng. Hệ sinh thái FLC
có 15 công ty con, 2 công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng
khoán.
Nhà chức trách cáo buộc, với vai
trò là người đứng đầu FLC, ông Quyết đã chỉ đạo em gái Huế liên hệ với 45 cá
nhân có quan hệ họ hàng ký giấy tờ thành lập 20 công ty, 500 tài khoản chứng
khoán. Ông Quyết còn chỉ đạo mở thêm 359 tài khoản chứng khoán tại các công ty
khác và giao cho bà Huế quản lý, sử dụng.
Ngày 22/7, TAND Hà Nội khai mạc phiên xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm.
Để thao túng các mã cổ phiếu, ông
Quyết bị cáo buộc đã chỉ đạo hai em gái ruột và những người khác cấp hạn mức sức
mua chứng khoán khống cho nhóm 79/141 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán
BOS.
Công ty BOS tiền thân là Công ty
chứng khoán FLC do ông Quyết là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật.
Đầu phiên giao dịch hàng ngày,
theo chỉ đạo của ông Quyết, bà Huế sẽ thông báo cho bà Nga các số tài khoản thiếu
tiền cần phải cấp hạn mức để đặt lệnh. Nhóm nhân viên FLC sau đó đăng nhập vào
các tài khoản trong phần mềm quản trị "Bos Floor Trading" để cấp hạn
mức khống.
Bằng cách này, từ 26/5/2017 đến
10/1/2022, bà Nga bị cáo buộc đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện hơn 1.500 lần cấp
hạn mức ảo cho nhóm 79/141 tài khoản. Tổng giá trị hạn mức khống hơn 170.000 tỷ
đồng.
Từ số tiền khống này, bà Huế đã
chỉ đạo đặt 15.100 lệnh mua 2,8 tỷ cổ phiếu FLC gồm 5 mã: AMD, HAI, GAB, ART,
FLC, với tổng giá trị gần 47.000 tỷ đồng. Các tài khoản của nhóm ông Quyết đã khớp
lệnh mua 463 triệu cổ phiếu tổng giá trị 11.800 tỷ đồng nhưng chỉ có 234 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, sau khi đã
khớp lệnh mua song thiếu tiền, nhóm nhân viên FLC đã bàn bạc để thanh toán bù
trừ với Trung tâm Lưu ký Việt Nam cho các lệnh "khớp lệnh thiếu tiền".
Về thủ đoạn, C01 cáo buộc, bà Huế
đã sử dụng 190/500 tài khoản mở tại 18 công ty chứng khoán để thực hiện hành vi
thao túng. Cách thao túng chung là liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua
bán khớp nội bộ nhóm để không dẫn đến chuyển quyền sở hữu; mua bán với khối lượng
lớn để chi phối thị trường vào thời điểm mở, đóng cửa; đặt lệnh mua bán liên tục
sau đó hủy lệnh bất ngờ...
Mục đích của các thao tác trên để
tạo ra cung cầu giả với 5 nhóm mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, trong 562
phiên giao dịch. Có lần, khi chưa khớp lệnh, bà Huế đã chủ động hủy hơn 5.000 lệnh
mua. Do vậy, mã chứng khoán AMD tăng từ 13.750 đồng/cổ phiếu lên 23.450 đồng
(tăng 70%) sau đó giảm nhanh xuống 10.000 đồng; mã HAI tăng từ 3.780 đồng/cổ
phiếu lên 22.500 đồng (tăng 459%), sau đó giảm còn 4.610; mã GAB tăng từ 10.900
đồng/cổ phiếu lên 193.600 đồng (tăng 1.776%); mã ART tăng từ 3.300 đồng lên
10.300 (tăng 330%); mã FLC tăng từ 3.050 đồng lên 21.150 đồng (tăng 593%), kết
luận điều tra nêu.
Riêng với mã FLC có biến động mạnh
về giá trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022 khi tăng trần lên 24.100 đồng/cổ
phiếu sau đó giảm nhanh về mức sàn là 21.150 đồng (giảm 12,9% trong một phiên).
C01 cáo buộc, trong phiên giao dịch này, ông Quyết đã chỉ đạo em gái bán
"chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC với tổng giá trị khớp lệnh 1.600 tỷ đồng.
Ông Quyết dùng tiền thao túng giá chứng khoán vào việc gì?
Cơ quan điều tra cho rằng ông Quyết
đã chỉ đạo hai em gái cùng những người khác thao túng thị trường chứng khoán,
thu lời bất chính 723 tỷ đồng. Trong thời gian kinh doanh chứng khoán, ông Quyết
còn 2 lần bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính.
Dưới sự chỉ đạo của ông Quyết, em
gái ông đã liên tục thực hiện hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản hoặc
mua vào số lượng lớn cùng mã để thao túng thị trường. Sau khi tạo cung cầu giả
đẩy giá cổ phiếu lập đỉnh, ông Quyết chỉ đạo bán.
Số tiền 723 tỷ đồng thu lời bất
chính, ông Quyết dùng để mua cổ phần của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo
Airways), Công ty CP FLC Travel và Công ty Nông dược HAI. Số còn lại ông dùng
trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, ban đầu,
ông Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo em gái thực hiện hành vi thao
túng chứng khoán. Tuy nhiên, đến khi bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,
ông Quyết thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho em
gái.
C01 đánh giá là chủ doanh nghiệp
tạo được nhiều việc làm cho người lao động nhưng ông Quyết đã lợi dụng quy định
pháp luật về chứng khoán để phạm tội nhiều lần với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Hành vi của ông Quyết bị đánh giá là "xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt
lớn, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán".
Vụ án khiến Chủ tịch FLC bị điều
tra bắt nguồn từ việc chiều 10/1/2022 ông bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng
không công bố thông tin trước đó.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM
(HoSE) ngày 11/1/2022 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền
lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã
mua.
Bị phạt vẫn tái diễn sai phạm thêm 3 năm
Ngày 31/10/2019, BOS bị Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước phạt hành chính 125 triệu đồng vì "cho khách hàng mua chứng
khoán khi không có đủ tiền". Nhưng BOS không dừng lại mà "tiếp diễn với
số tiền cấp khống lớn hơn", cáo trạng nêu.
Trong thời gian này, bà Nga bị
cáo buộc một mặt vẫn liên tục cấp khống tiền cho các tài khoản chứng khoán để
em gái Huế "khuấy đảo" thị trường. Mặt khác, các "sếp" còn
lại của BOS lo "đối phó" với đoàn kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà
nước.
Kết thúc đợt kiểm tra, bị can Chu
Tiến Vượng, Chánh văn phòng HĐQT của BOS, đã đại diện ký biên bản kết luận về
các sai phạm "liên tiếp tái diễn cho khách hàng mua chứng khoán khi không
đủ tiền".
Cơ quan công tố xác định, đoàn kiểm
tra đồng thời yêu cầu BOS chấm dứt sai phạm song các "sếp" của BOS vẫn
tái diễn, đến khi bị Bộ Công an điều tra, khởi tố.
Tổng số tiền anh em ông Quyết
cùng đồng phạm bị cáo buộc thu lợi từ việc thao túng 5 mã chứng khoán là 723 tỷ
đồng.
Do mã chứng khoán AMD bị thao
túng trong giai đoạn tháng 5/2017-7/2017, trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015
có hiệu lực thi hành (1/1/2018), anh em ông Quyết vì thế chỉ bị cơ quan điều
tra và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước buộc nộp lại số tiền lợi bất hợp pháp từ việc
thao túng này.
Tổng số tiền các bị can thu lợi từ
4 mã chứng khoán còn lại là 684 tỷ đồng, theo cáo trạng.
Trong vụ án này, ngoài 50 bị can,
VKS xác định 216 người gồm họ hàng, bạn bè đứng tên hộ ông Quyết, ký khống các
tài liệu nâng khống vốn tại Faros và nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái
FLC "có dấu hiệu" giúp sức trong hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
và Thao túng thị trường chứng khoán.
Ba cán bộ của Trung tâm lưu ký chứng
khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng "có dấu hiệu thiếu trách nhiệm";
6 cán bộ của HOSE "có dấu hiệu" của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn
trong khi thi hành công vụ hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các ĐBQH đề nghị, cần quy định cụ thể lãi suất 0% chỉ áp dụng cho tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tái cơ cấu bắt buộc hoặc là có ảnh hưởng đến sự ổn địn
Các dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một luật sửa 8 luật trong lĩnh vực kinh tế và tài chính được hoàn thiện thêm một bước, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, không chỉ là xếp lương cho nhà giáo ở bậc cao nhất trong thang bậc, mà nên có chế độ gấp đôi, gấp ba để thật sự tuyển chọn được những người ưu tú nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần làm rõ cơ chế ưu đãi cho các ngành công nghiệp chiến lược như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong triển khai chính sách hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 7/6/2025 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực.
Sáng ngày 6/6, tại trụ sở Báo Pháp luật Việt Nam, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã diễn ra trong không khí trang trọng và đầy kỳ vọng. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai đơn vị nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần xây dựng thể chế pháp luật vững mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội về giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài tại Hà Nội.
(PLPT) - Nhiều doanh nghiệp mù mờ về Luật thậm chí còn không nắm rõ các kiến thức cơ bản trong các điều Luật, thông tư, hướng dẫn quy định về hành vi sản xuất, buôn bán, gian lận thương mại, quản lý mỹ phẩm. Điều này khiến cho quá trình vận hành doanh nghiệp dễ vướng vào vòng lao lý.