Nghiên cứu lý luận

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

PGS.TS Nguyễn Văn Hương Thứ hai, 19/08/2024 - 10:17
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Bài viết phân tích, làm rõ cơ sở của quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; nội dung của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, bài viết đề xuất các giải pháp hoàn thiện Bộ luật Hình sự và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, hoàn thiện Bộ luật Hình sự.

Abstract: The article analyzes and clarifies the basis of the inviolable right to residence and content of the crime of trespassing on the residence of others in the 2015 Criminal Code. Based on the analysis of limitations in the provisions of the Criminal Code on the crime of trespassing on the residence of others, hence proposes solutions to improve the Criminal Code for enhancing of the effectiveness the provision of the 2015 Criminall Code on the crime of trespassing on the residences of others in Vietnam today.

Keywords: Inviolable right to the residence, crime of trespassing on the residences of others, complete the Criminal Code.

1. Đặt vấn đề

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền thiêng liêng của con người, quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ở Việt Nam, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người (người khác) được ghi nhận trong Hiến pháp của nhà nước Việt Nam từ rất sớm.[1] Hơn nữa, ngay từ thời phong kiến, pháp luật hình sự của nhà nước phong kiến Việt Nam đã quy định, trừng trị hành vi xâm phạm quyền này bằng những hình phạt rất nghiêm khắc.[2] Trong xu thế phát triển của lịch sử, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở trở thành quyền con người quan trọng, có tính phổ quát và trở thành tiêu chuẩn chung được cộng đồng quốc tế thừa nhận, các quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện.

Ở Việt Nam, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác không chỉ được tôn trọng, ghi nhận trong Hiến pháp mà còn được nhiều ngành luật quy định, bảo vệ, trong đó có luật hình sự. Bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác là nhiệm vụ quan trọng của Bộ luật Hình sự (sau đây viết tắt là: BLHS). BLHS Việt Nam quy định bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác bằng cách quy định trừng trị nghiêm khắc những hành vi phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Trong BLHS năm 2015, Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 với nhiều nội dung mới (so với quy định tại Điều 124 BLHS năm 1999). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng BLHS về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác cho thấy quy định của BLHS về tội phạm này có nhiều điểm hạn chế, bất cập. Việc nghiên cứu, làm rõ cơ sở, bản chất của quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, nghiên cứu làm rõ quy định của BLHS và những hạn chế, bất cập trong quy định của BLHS về tội phạm này từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định của BLHS, nâng cao hiệu quả áp dụng BLHS về Tội phạm chỗ ở của người khác là rất cần thiết. Đó cũng là mục đích của tác giả bài viết này.

2. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam

Quyền về chỗ ở và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị, xã hội được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế (gồm: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966). Quyền về chỗ ở và đặc biệt là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là những quyền rất quan trọng đối với mỗi con người. Khoản 1 Điều 25 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 quy định: “1) Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở…”.[3] Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín… 2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”.[4] Khoản 1 Điều 11 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 cũng quy định: “1. Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở… Các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp thích hợp để bảo đảm việc thực hiện quyền này”.[5]

Đấu tranh giành độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ, xã hội văn minh trong đó các quyền con người (bao gồm cả quyền về chỗ ở) được bảo đảm là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của con người, của công dân cũng như việc bảo vệ các quyền này (trong đó có quyền về chỗ ở) là trách nhiệm của Nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản luật. Điều này được thể hiện rõ trong 05 bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam. Cụ thể là: Điều 11 Hiến pháp năm 1946 quy định: “… Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Tiếp đó, Điều 28 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không bị xâm phạm…”. Trong Hiến pháp năm 1980, quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định rõ tại Điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Kế thừa Hiến pháp năm 1980, Điều 73 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Đến bản Hiến pháp năm 2013, quyền có nơi ở hợp pháp và quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của con người, công dân tiếp tục được khẳng định nhưng có bước phát triển mới. Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý; 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.

Hiếp pháp năm 2013 sử dụng hai thuật ngữ “nơi ở” và “chỗ ở” để nói đến chỗ ở của người khác. Đây là hai thuật ngữ khác nhau. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thì quyền có “nơi ở” hợp pháp là quyền của công dân nhưng quyền bất khả xâm phạm “chỗ ở” là quyền của mọi người (bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài, người không quốc tịch).

Mặt khác, khái niệm “nơi ở” có phạm vi rộng hơn khái niệm “chỗ ở”. Theo Luật Cư trú năm 2020, nơi ở là nơi cư trú - nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú; Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại;[6] trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.[7]

Từ quy định của Hiến pháp năm 2013 (luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam),[8] các văn bản pháp luật khác của Nhà nước Việt Nam như Bộ luật Dân sự năm 2015, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Cư trú năm 2020… có nhiều quy định cụ thể quy định quyền về nơi ở, đặc biệt là quy định bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.

Những quy định của luật nhân quyền quốc tế, của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam trên đây cho thấy quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền thiêng liêng của con người được các quốc gia và cộng đồng quốc tế ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Cùng với ăn, uống, hít thở không khí…, thì chỗ ở chính là nhu cầu thiết yếu đối với cuộc sống của mỗi con người. Hai phần ba thời gian mỗi ngày, nói rộng ra là hai phần ba cuộc đời mỗi người với các sinh hoạt như ăn, uống, vui chơi, nghỉ ngơi… thường diễn ra tại nhà hoặc chỗ ở của họ. Chính vì vậy, chỗ ở được bảo đảm an toàn, an ninh và sự riêng tư trở thành nhu cầu – đòi hỏi khách quan và được Hiến pháp Việt Nam quy định là “quyền bất khả xâm phạm” của con người. Việc ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người (người khác) chính là sự tôn trọng, bảo vệ phẩm giá con người. Đó cũng chính là những giá trị nhân văn, nhân đạo mà xã hội văn minh và cả nhân loại hướng tới. Việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người là trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội. BLHS là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người.

3. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Trong BLHS năm 2015, việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người được thể hiện thông qua việc BLHS đã dành 01 điều luật riêng, quy định tội danh cụ thể với những hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi phạm tội này. Cụ thể là:

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Quy định tại Điều 158 BLHS cho thấy là khi nghiên cứu, áp dụng quy định của BLHS về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì người nghiên cứu, áp dụng luật cần chú ý làm rõ các dấu hiệu sau:

- Về đối tượng tác động của tội phạm: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, sự an toàn, an ninh, sự “an lạc” trong đời sống cá nhân của mỗi người (người khác) được tuyên bố, ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, được các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 thừa nhận và cam kết thực hiện. Nói cách khác, tội phạm này xâm phạm quyền cơ bản, rất quan trọng đối với mỗi con người (được ghi nhận tại khoản 2 Điều 22 Hiến pháp năm 2013) - quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Đối tượng tác động của tội phạm này là “chỗ ở” của người khác. Nó có thể là nhà ở, phòng trọ, phòng thuê tại khách sạn…; có thể cố định (nhà xây trên đất) hoặc di động (trên thuyền bè, xe, tàu…). Chỗ ở của người khác là đối tượng tác động của tội phạm này phải là chỗ ở hợp pháp,[9] là “chỗ” diễn ra hoạt động “ở”, sinh sống của nạn nhân. Quan niệm chưa đúng, nhận thức chưa thống nhất về “chỗ ở” của người khác của cơ quan áp dụng luật trong một số trường hợp làm cho vụ án tuy “có dấu hiệu” của tội xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng lại không bị xử lý. Điều này làm cho lợi ích hợp pháp của người bị hại không được bảo vệ, gây dư luận xấu, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương. Ví dụ, trường hợp người mua căn nhà của người khác “đã làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất”, “đã nhận nhà” nhưng bị nhóm người lạ “đến gây rối, bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó…” hoặc trường hợp người đấu giá mua căn nhà thanh lý đã “nhận bàn giao căn nhà có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân phường và Chi cục thi hành án dân sự”, chủ nhà đã “thay đổi ổ khóa, sửa sang lại căn nhà để vào ở” nhưng chưa kịp vào ở thì bị một số đối tượng “cưa ổ khóa, chiếm giữ… cho nhiều người vào ở trong căn nhà”. Cả hai trường hợp này, chủ sở hữu căn nhà (mua) nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với trường hợp thứ nhất, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng Viện kiểm sát cùng cấp không phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan điều tra; trường hợp thứ hai, Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án đều vì lý do người mua nhà (chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà) nhưng “thực tế chưa ở ngày nào nên những người đang chiếm hữu nhà, đất không phạm tội” (xâm phạm chỗ ở của người khác).[10]

Có điều cần chú ý: chỗ ở là đối tượng được quy định bảo vệ của điều luật này là “chỗ” để con người sinh hoạt, nghỉ ngơi… cần đáp ứng những yêu cầu nhất định về tính riêng tư, không gian, an ninh và cơ sở vật chất…, chứ không phải là một chỗ trú ngụ chỉ có duy nhất một mái che trên đầu.[11]

- Về hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm 05 loại hành vi. Nói cách khác, người phạm tội này có thể thực hiện hành vi phạm tội với một trong 05 loại hành vi sau:

Thứ nhất, (hành vi) khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: Đây là hành vi lục soát, tìm kiếm những thứ người phạm tội muốn tìm kiếm như đồ vật, tài sản… trong phạm vi chỗ ở của người khác trái với quy định của pháp luật về việc khám xét. Hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể được thực hiện dưới một trong hai dạng hành vi. Nói cách khác, tính trái pháp luật của hành vi khám xét chỗ ở của người khác có thể được thể hiện dưới một trong hai trường hợp:[12] i) Người không có thẩm quyền trong việc khám xét tự ý khám xét chỗ ở của người khác. Ví dụ, một người nghi ngờ hàng xóm trộm cắp tài sản của mình đã tự ý vào nhà hàng xóm lục tìm tài sản bị mất trộm; ii) Người tuy có thẩm quyền trong việc khám xét nhưng đã thực hiện việc khám xét chỗ ở của người khác trái quy định (của pháp luật về việc khám xét) như khám xét chỗ ở của người khác không có căn cứ, khám xét chỗ ở của người khác không có lệnh hoặc lệnh khám xét không có sự phê chuẩn của viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp…

Việc khám xét chỗ ở của người khác có tác động xấu rất lớn đến quyền tự do, dân chủ của người khác. Vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định rất chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục của việc khám xét.[13] Những hành vi khám xét chỗ ở của người khác không tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc khám xét cũng là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Thứ hai, (hành vi) đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: Đây là hành vi bằng các thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực… buộc người khác phải rời bỏ chỗ ở hợp pháp của họ mà không phải để thi hành bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.[14] Ví dụ, do mâu thuẫn cá nhân người phạm tội đã tự ý vào chỗ ở của người khác đe dọa, xúc phạm, thậm chí dùng vũ lực tấn công rồi đưa đồ dùng, tài sản của người khác ra ngoài và đuổi nạn nhân khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.[15]

Thứ ba, (hành vi) chiếm giữ chỗ ở (của người khác): Đây là trường hợp người phạm tội tự ý vào chỗ ở của người khác (có thể bằng các thủ đoạn khác nhau và có thể mang theo đồ dùng, tài sản) “biến” chỗ ở hợp pháp của người khác thành của mình. Ví dụ, trường hợp người phạm tội dùng đông người uy hiếp, xô đẩy, lôi kéo người khác cùng tài sản của họ ra ngoài rồi chiếm lấy chỗ ở của họ[16] hoặc người phạm tội lợi dụng chủ nhà đi vắng cắt khóa, phá cửa... (mang theo đồ dùng, tài sản) chiếm lấy chỗ ở (hợp pháp) của người khác làm của mình.[17]

Thứ tư, (hành vi) cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ: Đây là trường hợp có thể (vì lý do khác nhau) mà người phạm tội đã thực hiện những hành vi có tính chất cản trở (trái pháp luật) hoạt động bình thường của người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp ra vào chỗ ở của họ. Ví dụ, trường hợp do mâu thuẫn mà một người tự ý đổ đất đá, chặn lối đi hoặc xây rào chắn cửa để chủ nhà, người quản lý không thể ra vào nơi ở của họ hoặc chỉ vì sự ngông cuồng, coi thường pháp luật mà người khác dùng khóa khóa cửa không cho chủ nhà ra vào nơi sinh sống của họ trong nhiều ngày.[18]

Thứ năm, (hành vi) xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: Đây là hành vi của người tự ý vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà như tự ý phá cửa vào chỗ ở của người khác khi chủ nhà đi vắng hoặc vào nhà người khác (không chịu ra về khi có yêu cầu)… gây bất tiện cho sinh hoạt của nạn nhân và gia đình họ; gây sức ép tâm lý buộc chủ nhà phải thanh toán nợ hoặc đáp ứng các yêu sách khác của người phạm tội…[19]

Những hành vi phạm tội trên đây xâm phạm nghiêm trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Việc quy định xử lý nghiêm minh những hành vi phạm này nhằm bảo đảm sự an toàn, an ninh, sự riêng tư trong đời sống của mỗi cá nhân và gia đình họ. Việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người chính là bảo vệ những giá trị nhân văn, nhân đạo mà xã hội văn minh và cả nhân loại hướng tới. Quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác chính là công cụ quan trọng của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người.

- Về dấu hiệu lỗi: Lỗi của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 BLHS) là lỗi cố ý. Bản thân sự mô tả của Điều luật về các hành vi phạm tội (như khám xét trái pháp luật, đuổi trái pháp luật, cản trở trái pháp luật…) đã phản ánh dấu hiệu lỗi của các hành vi phạm tội này là lỗi cố ý.

- Về chủ thể của tội phạm: Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm chỗ ở của người khác chỉ đòi hỏi người phạm tội là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà BLHS quy định. Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015, chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Do tính nguy hiểm khá cao của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác nên hình phạt được BLHS quy định cho tội phạm này khá nghiêm khắc. Điều 158 BLHS năm 2015 quy định 02 khung hình phạt chính đối với tội phạm này. Cụ thể là:

Khoản 1 Điều 158 quy định khung hình phạt cơ bản với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm (thấp nhất là cải tạo không giam giữ 06 tháng)[20] hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (cho những trường hợp phạm tội bình thường).

Khoản 2 Điều 158 quy định khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong những dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng sau:

+ (Phạm tội) có tổ chức: Đây là trường hợp phạm tội có đồng phạm (xâm phạm chỗ ở của người khác) mà trong đó có sự câu kết chặt chẽ giữa những người đồng phạm. Nói cách khác là những người phạm tội có sự bàn bạc, thỏa thuận, phân công vai trò cụ thể khi thực hiện hành vi phạm tội.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Đây là trường hợp người phạm tội coi và sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao (thực hiện nhiệm vụ nào đó) như là công cụ để thực hiện hành vi phạm tội.

+ Phạm tội 02 lần trở lên: Đây là trường hợp phạm tội mà người phạm tội thực hiện tội phạm này ít nhất 02 lần nhưng những lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và các hành vi phạm tội vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát: Đây là trường hợp phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác dẫn đến việc tự sát của nạn nhân (người bị xâm phạm chỗ ở).

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Đây là trường hợp phạm tội đã gây ra tình trạng lo lắng, bất an, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người; gây dư luận xã hội không tốt, thậm chí gây ra sự bất bình, phẫn nộ trong nhân dân.

Cùng với việc quy định 02 khung hình phạt chính, Điều 158 BLHS còn dành 01 khoản (khoản 3) quy định hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng đối với người phạm tội) là: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Những phân tích trên đây cho thấy, hình phạt được BLHS năm 2015 quy định đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác khá nghiêm khắc. Việc quy định nhiều dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng đối với các trường hợp phạm tội cụ thể còn cho thấy có sự phân hóa trách nhiệm hình sự khá rõ, tạo điều kiện cho người áp dụng luật có thể xử lý nghiêm minh đối với các hành vi phạm tội.

Việc nghiên cứu, làm rõ bản chất, đặc điểm của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, phân tích làm rõ sự phân hóa trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp phạm tội cụ thể còn cho thấy sự cần thiết và yêu cầu bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác ở Việt Nam hiện nay. Việc quy định, xử lý nghiêm minh những hành vi phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho mọi người. Các giá trị nhân văn, nhân đạo của cuộc sống, của xã hội mà mỗi con người sinh ra đều có quyền được hưởng, xứng đáng được hưởng phải được thực thi trong nhà nước dân chủ, văn minh. Bộ luật hình sự có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Việc quy định Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 BLHS) với những hình phạt cụ thể có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Để bảo vệ quyền đó ngày càng tốt hơn thì quy định của BLHS về tội phạm này ngày càng phải được hoàn thiện; nội dung quy định ngày càng phải rõ ràng, cụ thể và phải được nhận thức đúng đắn, thống nhất.

4. Một số điểm hạn chế trong quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác" và đề xuất

Việc nghiên cứu Tội xâm phạm chỗ ở của người khác cho thấy quy định của BLHS về tội phạm này còn có một số điểm hạn chế. Những hạn chế này sẽ gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Đó chính là những vấn đề mà khoa học, thực tiễn đặt ra và cần phải được xem xét, giải quyết. Cụ thể là:

- Thứ nhất, nhận thức về “chỗ ở” của người khác:

Chỗ ở của người khác là đối tượng tác động của tội phạm đồng thời cũng là một dấu hiệu cấu thành tội phạm của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng luật hiện nay, dấu hiệu này chưa được nhận thức đầy đủ và thống nhất; cơ quan có thẩm quyền thậm chí có quan điểm trái ngược nhau dẫn đến vụ án không được xử lý thỏa đáng. Điều này được thể hiện qua các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Tháng 5/2018, ông Đinh Văn Hữu mua căn nhà số 111 Bà Hom (phường 13, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Tháng 6/2018, ông Hữu làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất trên. Ngày 12/6/2018, bên bán nhà, đất và ông Hữu đã giao nhận nhà, đất nhưng khi ông Hữu vừa nhận xong thì có một nhóm người lạ đến gây rối, bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó. Ông Hữu nhiều lần vào nhà yêu cầu nhóm người lạ trả nhà đất cho ông nhưng nhóm người trên đã ngăn cản, không cho ông vào. Không còn cách nào khác, ông Hữu phải gửi đơn tố giác đến Công an Quận 6. Ngày 10-2-2019, Cơ quan CSĐT Công an Quận 6 đã ra quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác tại nhà, đất số 111 Bà Hom nhưng Viện kiểm sát nhân dân Quận 6 từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án vì lý do ông Hữu là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà nhưng thực tế chưa ở ngày nào nên những người đang chiếm giữ căn hữu nhà (nói trên) không phạm tội này. Do vậy, Cơ quan CQĐT Công an quận 6 đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án xâm phạm chỗ ở người khác.[21] Từ vụ án trên cho thấy giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã có sự nhận thức không thống nhất về dấu hiệu của tội phạm trong trường hợp này dẫn đến Cơ quan điều tra khởi tố vụ án nhưng Viện kiểm sát lại từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án. Viện kiểm sát đã không nhận thức đúng, đầy đủ về dấu hiệu cấu thành tội phạm trong trường hợp này nên đã cho rằng hành vi của nhóm người lạ “chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Ông Hữu là chủ sở hữu hợp pháp nhà, đất (nói trên) dù “thực tế chưa ở ngày nào” thì ông Hữu cũng chính là “người đang quản lý hợp phápcăn nhà. Căn nhà này vốn được sử dụng làm nhà ở. Sau khi chiếm giữ căn nhà, những nhóm người lạ tiếp tục sử dụng căn nhà và ở luôn trong đó. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú thì “chỗ ở” là nhà ở, phương tiện…, là nơi được sử dụng “để cư trú”, “để sinh sống” chứ các luật này không quy định “chỗ ở” là nơi mà người dân “đang cư trú” hay “đang sinh sống”. Như vậy, hành vi của nhóm người lạ trong vụ án nêu trên hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 158 BLHS. Do nhận thức không đúng, không đầy đủ về dấu hiệu của cấu thành tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân quận 6 đã từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án; Cơ quan CSĐT Công an quận 6 đã không bảo vệ được quan điểm của mình mà hủy quyết định khởi tố vụ án đã ban hành.

Trường hợp 2: Tháng 5/2019, ông Lê Thanh Nghị mua căn nhà (Số 6 Lê Lai, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thông qua bán đáu giá của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Phan Thiết. Ông Nghị đã nhận bàn giao căn nhà có sự chứng kiến của đại diện UBND phường Đức Nghĩa và Chi cục THADS TP Phan Thiết. Ông Nghị đã thay ổ khóa, sửa sang căn nhà để vào ở. Hôm sau, khi ông Nghị dọn đến ở thì mới biết đêm trước vợ chồng ông Thiền đã cưa ổ khóa, chiếm giữ căn nhà và cho nhiều người vào ở trong căn nhà của ông Nghị. Ông Nghị “phải thuê phòng trọ để ở, hằng tháng phải trả nợ ngân hàng số tiền vay mua căn nhà” đồng thời “gửi đơn đi nhiều nơi để kêu cứu”. Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết xác định hành vi của vợ chồng ông Thiền có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng cơ quan này lại cho rằng “chỗ ở” của một người phải “là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Căn nhà số 6 Lê Lai mặc dù là tài sản hợp pháp của ông Nghị nhưng ông Nghị “chưa vào ở ngày nào” nên không thể xem đó là chỗ ở của ông Nghị. Hơn nữa, ý kiến tại cuộc họp của ba ngành công an, VKS, tòa án (TP Phan Thiết) chưa thống nhất với nhau về khái niệm chỗ ở. Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết ra quyết định không khởi tố vụ án.[22] Đây cũng là trường hợp mà các cơ quan có thẩm quyền chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thống nhất về dấu hiệu cấu thành tội phạm của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án. Điều này làm cho hành vi phạm tội không bị xử lý, lợi ích hợp pháp của người bị hại không được bảo vệ, trong khi một vụ việc tương tự xảy ra ở một thành phố khác lại được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.[23]

Như vậy, để người áp dụng luật có thể nhận thức đúng, đầy đủ về dấu hiệu “chỗ ở” của người khác, thì Tòa án nhân dân tối cao hoặc liên ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Công an cần có văn bản giải thích khái niệm/dấu hiệu “chỗ ở” và hướng dẫn việc nhận thức, áp dụng quy định của BLHS về nội dung này như sau:

- Chỗ ở theo quy định tại Điều 158 BLHS là “chỗ” đang hoặc sẽ được một người sử dụng để ở (cư trú, sinh sống) – nới diễn ra hoạt động sinh hoạt, nghỉ ngơi… của các cá nhân hoặc gia đình họ. Chỗ ở là đối tượng tác động của tội phạm này là nơi/chỗ “đang” được sử dụng hoặc “sẽ” được sử dụng làm nơi ở, sinh sống chứ không nhất thiết phải là nơi đang được dùng/sử dụng làm nơi cư trú, sinh sống của một người cụ thể.

- Trường hợp người mua nhà, căn hộ… dùng để ở (nhà, căn hộ này dùng để ở do chức năng của nó) nhưng người mua chưa đến ở mà bị người khác thực hiện các hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 158 BLHS thì các hành vi đó phải được coi là xâm phạm chỗ ở của người khác.

- Trường hợp người mua nhà, căn hộ… dùng để ở (nhà, căn hộ này dùng để ở do chức năng của nó) nhưng người mua chưa đến ở mà bị người khác chiếm giữ và sử dụng làm chỗ ở thì hành vi này phải bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 BLHS.

- Trường hợp chiếm giữ nhà kho, cửa hàng, cửa hiệu… của người khác (kể cả trường hợp nhà ở nhưng đã được sửa chữa thành nhà kho, cửa hàng, cửa hiệu…) thì người có hành vi chiếm giữ dù sử dụng làm chỗ ở của họ cũng không xử lý về tội xâm phạm chỗ ở mà tùy trường hợp có thể bị xử lý về các tội xâm phạm sở hữu.

- Thứ hai, Có phải mọi trường hợp “Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; “Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác đều là tội phạm?

Phân tích tại Mục 3 của bài viết cho thấy, đối tượng tác động của tội xâm phạm chỗ ở của người khác chính là “chỗ ở” của người khác. Tuy nhiên, Điều 158 BLHS không quy định rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác với tính chất, mức độ nguy hiểm như thế nào thì bị coi là tội phạm (bị xử lý hình sự).

Theo quy định tại Điều 158 BLHS, Tội xâm phạm chỗ ở của người khác bao gồm 05 loại hành vi: Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. Đối với 02 loại hành vi "Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác” và hành vi "Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ” thì tính nguy hiểm của hành vi rất rõ, xâm phạm nghiêm trọng quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của người khác. Nói cách khác, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi này thì hành vi đó đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người phạm tội hoàn toàn có thể bị xử lý theo Điều 158 BLHS. Tuy nhiên đối với các hành vi "Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ” và hành vi "Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác” trong thực tế các hành vi này có thể có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau mà không phải mọi trường hợp cơ quan có thẩm quyền đều xử lý hình sự.[24] Hơn nữa, theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… có quy định xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác…”.

Như vậy, vấn đề đặt ra là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác mà cụ thể là các hành vi "Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ và hành vi "Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác khi nào thì bị coi là tội phạm? Đây là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng luật được thống nhất.

Đối với các trường hợp nêu trên Tòa án nhân dân tối cao hoặc liên ngành (Tòa án, Viện kiểm sát và Công an) có thể hướng dẫn theo hướng trường hợp “hành vi có tính nguy hiểm cao hoặc vi phạm nhiều lần hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm” thì xử lý hình sự. Tức là, hành vi “Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ”; và hành vi "Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác” khi được thực hiện thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự (theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).[25] Trường hợp thấy không cần thiết xử lý hình sự thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Trường hợp các hành vi nêu trên có tính nguy hiểm cao hoặc vi phạm nhiều lần hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì phải bị xử lý hình sự.

- Thứ ba, về dấu hiệu định khung hình phạt “Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS):

Trường hợp phạm tội “Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được BLHS năm 2015 quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của khá nhiều tội.[26] Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội chính là một dạng hậu quả của Tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Dấu hiệu “Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và “Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát” chính là các dấu hiệu được sử dụng để thay thế dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng” (điểm c khoản 2 Điều 124 BLHS năm 1999). Việc xác định thế nào là “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đối với các tội phạm nói chung, Tội xâm phạm chỗ ở của người khác nói riêng không đơn giản. Đây là dấu hiệu mang tính định tính. Hơn nữa, Tòa án nhân dân tối cao cũng như các cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xử lý trường hợp phạm tội có dấu hiệu này.

Để Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án (Hội đồng xét xử) có sự nhận thức và áp dụng thống nhất dấu hiệu “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì Tòa án nhân dân tối cao hoặc liên ngành (Tòa án, Viện kiểm sát và Công an) cần hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu này.

Trong thực tế, việc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể thuộc nhiều trường hợp (ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn xã hội) với mức độ và phạm vi “ảnh hưởng” khác nhau. Nó có thể là việc gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị như gây dư luận xấu, làm cho nhân bàn tán, lo lắng; gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống bình thường của nhiều người; làm người dân lo lắng, bất an hoặc gây ra sự bất bình, phẫn nộ trong nhân dân… Mức độ ảnh hưởng (xấu) của hành vi phạm tội có thể phụ thuộc vào quy mô, tính chất, thủ đoạn của hành vi phạm tội; phạm vi ảnh hưởng, địa bàn dân cư và tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội (tại địa bàn) trước và sau khi hành vi phạm tội được thực hiện. Tất cả các yêu tố này cần được đánh giá một cách khách quan đảm bảo xử lý nghiêm minh, công bằng đối với hành vi phạm tội.

- Thứ tư, bổ sung (thực chất là quy định lại) dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “Gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 2 Điều 158 BLHS:

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, nhất là các trường hợp đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở của người khác, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác thì hành vi phạm tội thường kèm theo các thủ đoạn có tích chất bạo lực như tấn công nạn nhân, đập phá nhà cửa, tài sản… gây ra các thiệt hại về tài sản, thậm chí thiệt hại về sức khỏe của nạn nhân.[27] Đây chính là hậu quả nghiêm trọng mà hành vi phạm tội này gây ra cho xã hội. Tuy nhiên, dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng” của Tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 BLHS năm 1999) đã được thay thế bằng dấu hiệu “Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát” (điểm d khoản 2) và dấu hiệu “Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS năm 2015). Các dấu hiệu này không bao quát hết các trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản cho các nạn nhân (như đã phân tích ở trên). Dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng” là dấu hiệu có tính chất định tính (để áp dụng xử lý tội phạm trong thực tiễn thì cần phải có hướng dẫn cụ thể). Tuy nhiên, dấu hiệu “Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” cũng là dấu hiệu có tính chất định tính và để áp dụng chính xác, thống nhất dấu hiệu này cũng đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền. Mặc khác, dấu hiệu này có phạm vi áp dụng hẹp hơn rất nhiều so với dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng”, không bao quát được nhiều trường hợp “hậu quả xấu” mà hành vi phạm tội này gây ra cho xã hội.

Để khắc phục hạn chế nêu trên thì nhà làm luật cần bổ sung (thực chất là quy định lại) dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “Gây hậu quả nghiêm trọng” thay thế cho dấu hiệu “Gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS. Việc quy định “lại” dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “Gây hậu quả nghiêm trọng” đối với tội phạm này không phải là điều “bất thường” và cũng không phải là “bước lùi” của kỹ thuật lập pháp (vì nó cần thiết). Hơn nữa, dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” hiện nay vấn được quy định là dấu hiệu định tội của Tội đào nhiệm (Điều 363); dấu hiệu “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng tại điểm b khoản 2 Điều 363 BLHS. Các dấu hiệu: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của 23/28 điều luật quy định về các tội phạm cụ thể tại Chương XXV (Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu) trong BLHS. Tất nhiên, sau khi bổ sung dấu hiệu này thì Tòa án nhân dân tối cao hoặc các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc nhận thức và áp dụng luật được thống nhất. Điều này sẽ góp phần xử lý triệt để, nghiêm minh đối với những hành vi phạm tội nói chung, tội xâm phạm chỗ ở của người khác nói riêng.

5. Kết luận

Trên cơ sở phân tích làm rõ cơ sở của quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quy định của BLHS năm 2015 về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, bài viết đã phân tích các giải pháp cụ thể hoàn thiện quy định của BLHS, bảo đảm áp dụng hiệu quả các quy định của BLHS trong việc xử lý tội phạm, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Các nội dung được phân tích trong bài viết sẽ góp phần làm cho các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quy định của BLHS về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn. Với bốn nhóm giải pháp cụ thể được đưa ra, tác giả bài viết hy vọng rằng các giải pháp này sẽ góp phần hoàn thiện quy định của BLHS về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác; góp phần đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác ở Việt Nam hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Bổng, Vụ ngang nhiên khóa nhà dân giữa Hà Nội: Xem xét hành vi xâm phạm chỗ ở, https://vietnamnet.vn/vu-ngang-nhien-khoa-nha-dan-giua-ha-noi-xem-xet-hanh-vi-xam-pham-cho-o-2018365.html.

2. Minh Chung – Phương Nam – Cù Hiền, Nghịch lý xâm phạm chỗ ở người khác nhưng không bị xử lý, https://plo.vn/nghich-ly-xam-pham-cho-o-nguoi-khac-nhung-khong-bi-xu-ly-post580449.html.

3. Thùy Duyên, Hàng xóm đổ đá trên lối đi chung, 2 hộ dân không thể dắt xe ra khỏi nhà,https://danviet.vn/bi-hang-xom-do-da-chan-loi-di-chung-2-ho-dan-khong-the-dat-xe-ra-khoi-nha-2023100721041573.htm.

4. Vũ Công Giao, Quyền có chỗ ở thích đáng theo luật nhân quyền quốc tế và những yêu cầu đặt ra với pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.

5. NGUYỄN NGỌC HÒA (CHỦ BIÊN), BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015, ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017, QUYỂN 1, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 2018.

6. D.Hóa, Ngang nhiên bịt lối vào của hàng xóm: Chính quyền xã bất lực, https://cadn.com.vn/ngang-nhien-bit-loi-vao-cua-hang-xom-chinh-quyen-xa-bat-luc-post168191.html#google_vignette.

7. Tuấn Minh, Đi đòi nợ thuê, nhóm người bặm trợn mang cơm ra ăn, ngồi lì trong nhà dân ngày Tết, https://nld.com.vn/phap-luat/di-doi-no-thue-nhom-nguoi-bam-tron-mang-com-ra-an-ngoi-li-trong-nha-dan-ngay-tet-20190204135205053.htm.

8. Sơn Bình – Ái Nhân, Bắt tạm giam thẩm phán, giảng viên xâm phạm gia cư ở TP.HCM, https://tuoitre.vn/bat-tam-giam-tham-phan-giang-vien-xam-pham-gia-cu-o-tp-hcm-20191001181531781.htm

9. Lê Nguyên Thanh, Khám xét chỗ ở theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.

10. Trần Xuân Thao – Nguyễn Quang Đạt, Bàn về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” quy định trong BLHS năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 05 (61)/2022.

11. TS. PHẠM MẠNH HÙNG, GIÁO TRÌNH LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM (PHẦN CÁC TỘI PHẠM), TẬP 1, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, 2016.

12. Trường Đại học Luật Hà nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần các tội phạm, Quyển 1, Nxb CAND, Hà Nội, 2018.

13. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm - Quyển 1), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2022.

* PGS.TS Nguyễn Văn Hương, Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk. Email: nguyenhuongdhl@yahoo.com

[1] Điều 11 Hiến pháp năm 1946.

[2] Điều 450 Quốc Triều Hình Luật quy định: “Những kẻ ban đêm vô cớ vào nhà người ta, thì xử tội đồ; chủ nhân đánh chết ngay lúc ấy, thì không phải tội, Quốc Triều Hình Luật (LUẬT HÌNH TRIỀU LÊ, Viện sử học Việt Nam – Nhà xuất bản pháp lý, Hà Nội 1991, tr. 163. Xem thêm: Điều 6 Quyển 13 Hoàng Việt luật lệ quy định tội Đêm tối không lý do vào nhà người ta (Dạ vô cố nhập nhân gia): “Phàm ban đêm vô cớ xông vào nhà người ta thì phạt 80 trượng, gia chủ giết chết ngay lúc ấy thì không luận tội…”; NGUYỄN THÀNH VINH – VŨ TRINH – TRẦN HỰU, HOÀN VIỆT LUẬT LỆ (LUẬT GIA LONGguyễn Văn Thành – Vũ Trinh – Trần Hựu, Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) (NGUYỄN QUANG THẮNG, NGUYỄN VĂN TÀI DỊCH, NXB VHTT, HÀ NỘI 1994, tr. 648.

[3] Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx(truy cập ngày 09/7/2024).

[4] Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx (truy cập ngày 09/7/2024).

[5] Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Cong-uoc-quoc-te-cac-quyen-kinh-te-xa-hoi-va-van-hoa-1966-269761.aspx (truy cập ngày 09/7/2024).

[6] Xem: Điều 11 Luật Cư trú năm 2020.

[7] Điều 19 Luật Cư trú năm 2020.

[8] Điều 119 Hiến pháp năm 2013.

[9] Có quan điểm cho rằng: “chỗ ở” theo tinh thần điều luật là chỗ ở hợp pháp hoặc chỗ ở bất hợp pháp” (Xem thêm: Trần Xuân Thao – Nguyễn Quang Đạt, Bàn về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” quy định trong BLHS năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 05 (61)/2022, tr. 22.

[10] Xem: Minh Chung – Phương Nam – Cù Hiền, Nghịch lý xâm phạm chỗ ở người khác nhưng không bị xử lý, https://plo.vn/nghich-ly-xam-pham-cho-o-nguoi-khac-nhung-khong-bi-xu-ly-post580449.html (truy cập ngày 10/7/2024).

[11] Xem thêm: Vũ Công Giao, Quyền có chỗ ở thích đáng theo luật nhân quyền quốc tế và những yêu cầu đặt ra với pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.

[12] Xem thêm:
- Trường Đại học Luật Hà nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần các tội phạm, Quyển 1, Nxb CAND, Hà Nội, 2018, tr. 156.
- Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm - Quyển 1), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2022, tr. 147.

[13] Xem: Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Điều 192, 193, 195 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); Lê Nguyên Thanh, Khám xét chỗ ở theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.

[14] Xem thêm: NGUYỄN NGỌC HÒA (CHỦ BIÊN), BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015, ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017, QUYỂN 1, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI, 2018, TR.222; TS. PHẠM MẠNH HÙNG, GIÁO TRÌNH LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM (PHẦN CÁC TỘI PHẠM), TẬP 1, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, 2016, TR. 129.

[15] Bản án số: 16/2021/HS-ST Ngày: 16/9/2021 của TAND huyện K, tỉnh Kon Tum.

[16] Sơn Bình – Ái Nhân, Bắt tạm giam thẩm phán, giảng viên xâm phạm gia cư ở TP.HCM, https://tuoitre.vn/bat-tam-giam-tham-phan-giang-vien-xam-pham-gia-cu-o-tp-hcm-20191001181531781.htm (truy cập ngày 10/7/2024).

[17] Bản án số 106/2023/HSST ngày 18/5/2023 của TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

[18] Xem: Thùy Duyên, Hàng xóm đổ đá trên lối đi chung, 2 hộ dân không thể dắt xe ra khỏi nhà, https://danviet. vn/bi-hang-xom-do-da-chan-loi-di-chung-2-ho-dan-khong-the-dat-xe-ra-khoi-nha-2023100721041573.htm (truy cập ngày 10/7/2024); D.Hóa, Ngang nhiên bịt lối vào của hàng xóm: Chính quyền xã bất lực, https://cadn. com.vn/ngang-nhien-bit-loi-vao-cua-hang-xom-chinh-quyen-xa-bat-luc-post168191.html #google_vignette (truy cập ngày 10/7/2024); Đoàn Bổng, Vụ ngang nhiên khóa nhà dân giữa Hà Nội: Xem xét hành vi xâm phạm chỗ ở, https://vietnamnet.vn/vu-ngang-nhien-khoa-nha-dan-giua-ha-noi-xem-xet-hanh-vi-xam-pham-cho-o-2018365.html (truy cập ngày 10/7/2024).

[19] Xem: Bản án số: 166/2023/HS-ST ngày 21- 6 - 2023 của TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Bản án số: 32/2023/HS-ST ngày 09 - 5 - 2023 của TAND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

[20] Khoản 1 Điều 36 BLHS.

[21] Xem: Minh Chung – Phương Nam – Cù Hiền, Nghịch lý xâm phạm chỗ ở người khác nhưng không bị xử lý, tlđd.

[22] Xem: Minh Chung – Phương Nam – Cù Hiền, Nghịch lý xâm phạm chỗ ở người khác nhưng không bị xử lý, tlđd.

[23] Xem: Bản án số 106/2023/HSST ngày 18/5/2023 của TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

[24] Xem: Bản án số 106/2023/HSST ngày 18/5/2023 của TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Tuấn Minh, Đi đòi nợ thuê, nhóm người bặm trợn mang cơm ra ăn, ngồi lì trong nhà dân ngày Tết, https://nld.com.vn/phap-luat/di-doi-no-thue-nhom-nguoi-bam-tron-mang-com-ra-an-ngoi-li-trong-nha-dan-ngay-tet-20190204135205053.htm (truy cập, ngày 08/7/2024).

[25] Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

[26] Xem: Điểm đ khoản 2 Điều 163; điểm đ khoản 2 Điều 164; điểm g khoản 2 Điều 168; điểm h khoản 2 Điều 169 điểm h khoản 2 Điều 171 BLHS…

[27] Xem: Bản án số: 166/2023/HS-ST ngày 21-6-2023 của TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Bản án số: 101/2022/HS-ST ngày 22 - 12 – 2022 của TAND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Bản án số: 69/2023/HS-ST ngày 26-7-2023 của TAND huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  4 tuần trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Một số vấn đề về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự

Một số vấn đề về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoạt động định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong tố tụng dân sự là một hoạt động khá phổ biến đối với các loại tranh chấp khi giải quyết tại Tòa án. Kết quả của định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là một trong những chứng cứ quan trọng nhằm mục đích xác định giá trị tài sản làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Đọc nhiều