Chính phủ trình cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Thứ năm, 15/05/2025 - 08:26
Chiều tối 14/5, tiếp tục Phiên họp thứ 45, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên thảo luận.
Kịp thời thể chế chủ trương, đường lối của Đảng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều. Trong đó,
mục tiêu Nghị quyết là thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng
nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo
điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn
nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan
trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo
"cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực,
sức sản xuất của kinh tế tư nhân. Qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu nêu tại
Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Toàn cảnh phiên họp.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ
Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa
theo 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận
nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và
mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và
đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên
phong.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Nghị quyết
này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, áp
dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá
nhân khác có liên quan.
Không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm
Về cải thiện môi trường kinh doanh, nguyên tắc hoạt động
thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Điều
4), dự thảo Nghị quyết quy định không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi
doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng
vi phạm rõ ràng. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng
nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày tóm tắt Tờ trình dự thảo Nghị quyết.
Cùng với đó, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa
trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực
tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật. Chuyển việc quản
lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện
kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục
cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho xử lý hình sự
Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ
việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5), dự thảo Nghị quyết quy định phân định
rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm
hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành
chính với trách nhiệm dân sự. Theo đó, đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh
tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các
doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm,
thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự
hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các
biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là
căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo. Không được áp dụng
hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh,
cá nhân kinh doanh.
Đối với các vụ việc mà thông tin, tài liệu, chứng cứ
chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật, phải sớm có kết luận
theo quy định của pháp luật tố tụng, thực hiện công bố công khai kết luận này.
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, cần bảo đảm việc niêm
phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải
theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích
hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ,
phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án. Sử dụng hợp lý
các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm
thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến
thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập
có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa
tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá
nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các
vụ việc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường
vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây
dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các thành viên cũng
đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo
trong một thời gian ngắn với khối lượng nội dung rất lớn.
Chia sẻ với cơ quan soạn thảo về khối lượng công việc
rất lớn phải hoàn thành trong thời gian gấp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công
nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, nên ưu tiên trước mắt chỉ xử lý một số
vấn đề, không nên tham vọng giải quyết tất cả trong một Nghị quyết. Chủ nhiệm
cũng đề nghị có cơ chế giám sát, tránh rủi ro, đảm bảo hài hoà và cân bằng.
Thay đổi tư duy quản lý nhà nước từ kiểm soát, giám sát sang kiến tạo, phát triển
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh
Mẫn cho biết, việc xây dựng và thông qua Nghị quyết cơ chế đặc thù của Quốc hội
để hiện thực hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân rất
cấp bách và khẩn trương. Việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội
để nghị quyết 68 đi vào cuộc sống giống như cách Quốc hội làm với Nghị quyết số
193/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ
Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia. "Quan điểm của Quốc hội là nghị quyết sẽ chắt lọc, không
quá dài và đọc vào Nghị quyết người ta sẽ thấy những cái mới về kinh tế tư
nhân", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, để Nghị quyết đi vào cuộc
sống và hạn chế các vướng mắc, chồng chéo phát sinh, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội
khóa XV lần này, Quốc hội sẽ sửa tất cả các luật có liên quan đến kinh tế tư
nhân, trong đó có Luật Tố tụng dân sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Đầu tư, Đấu thầu,
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Thanh tra…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh đến việc
đưa các nội dung, đột phá tư tưởng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội
và Chính phủ về kinh tế tư nhân như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ
trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, hỗ trợ tài chính tín dụng, mua sắm công, thúc đẩy
PPP và đặt hàng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đưa cơ chế, chính
sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo,
đào tạo nhân lực. Cơ chế chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp lớn, doanh
nghiệp tiên phong. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư theo phương châm phải
bình đẳng giữa tư nhân trong nước cũng tương tự như môi trường hoạt động của
doanh nghiệp FDI.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần nghị quyết sẽ hướng
đến thay đổi tư duy quản lý Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thay vì kiểm soát, giám
sát như trước đây, giờ phải chuyển sang kiến tạo, phát triển. Nhà nước không đứng
ngoài thị trường, nhưng cũng không dấn sâu vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện dự thảo
Nghị quyết này trong đêm ngày 14/5, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, bổ
sung và đăng tải để đại biểu góp ý sáng 15/5.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận phiên họp.
Giải trình làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lựa chọn nội dung nào đưa vào Nghị quyết là vấn
đề rất khó. Đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự,
thanh tra, kiểm tra…, Phó Thủ tướng cho biết đây là những chủ trương lớn, cộng
đồng doanh nghiệp rất mong chờ. Theo Phó Thủ tướng, nếu không đưa vào thì không
thể hiện hết tầm của Nghị quyết của Quốc hội. Dù chưa thể cụ thể ngay, nhưng đó
là thông điệp của Quốc hội, là định hướng cho việc triển khai, sửa đổi các luật
tiếp theo.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng
Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban
Kinh tế và Tài chính với Bộ Tài chính. Hai cơ quan đã chủ động từ sớm, từ xa để
hoàn thiện dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự thảo Nghị quyết
đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 15/5.
Trước khi trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị
các cơ quan tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, hoàn thiện lại dự thảo
ngay trong tối 14/5, gửi đến các đại biểu Quốc hội trong đêm 14/5 qua app thông
tin của Quốc hội.
(PLPT) - Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong thời gian qua, đã hăng hái cung cấp rất nhiều tin, phản ánh nguyện vọng có giá trị, giúp chính quyền lựa chọn mô hình, phương pháp, nội dung đổi mới để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).
(PLPT) - Sáng nay, ngày 11/6/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp diễn ra Toạ đàm “Vai trò của tổ chức hành nghề Luật sư trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên Cổng Pháp luật quốc gia”
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các ĐBQH đề nghị, cần quy định cụ thể lãi suất 0% chỉ áp dụng cho tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tái cơ cấu bắt buộc hoặc là có ảnh hưởng đến sự ổn địn
Các dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một luật sửa 8 luật trong lĩnh vực kinh tế và tài chính được hoàn thiện thêm một bước, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, không chỉ là xếp lương cho nhà giáo ở bậc cao nhất trong thang bậc, mà nên có chế độ gấp đôi, gấp ba để thật sự tuyển chọn được những người ưu tú nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần làm rõ cơ chế ưu đãi cho các ngành công nghiệp chiến lược như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong triển khai chính sách hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 7/6/2025 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực.
Sáng ngày 6/6, tại trụ sở Báo Pháp luật Việt Nam, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Báo Pháp luật Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã diễn ra trong không khí trang trọng và đầy kỳ vọng. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai đơn vị nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần xây dựng thể chế pháp luật vững mạnh.