Nghiên cứu lý luận

Quyền nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới

TS. Trương Hồng Quang Thứ hai, 22/07/2024 - 07:55
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Bài viết phân tích một số vấn đề về quyền nhân thân và quyền tài sản của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Tóm tắt: Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Người chuyển giới được xem là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Công nhận giới tính đúng với nhận thức, mong muốn là một nhu cầu chính đáng của người chuyển giới. Tuy nhiên, việc công nhận giới tính mới của người chuyển giới sau khi chuyển đổi giới tính sẽ đồng thời phải giải quyết khá nhiều hệ quả pháp lý về quyền và nghĩa vụ có liên quan (trước và sau khi được công nhận giới tính mới). Bài viết phân tích một số vấn đề về quyền nhân thân và quyền tài sản của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

Abstract: According to Resolution No. 89/2023/QH15 dated June 2, 2023 of the National Assembly on the Program for legislating laws and ordinances in 2024, adjusting the Program for legislating laws and ordinances in 2023, Law on Gender transition project will be submitted to the National Assembly for comments at the 2023 session 8th meeting (October 2024). Transgender people are considered a weak and vulnerable group in society. Recognizing gender in accordance with perceptions and desires is a legitimate need of transgender people. However, recognizing a transgender person's new gender after gender affirmation will at the same time have to resolve many legal consequences regarding related rights and obligations (before and after being recognized of the new gender)). This article analyzes some issues regarding personal rights and property rights of transgender people after being recognized in Vietnam and gives some recommendations for Law on Gender transition.

Keywords: Gender identity, Law on Gender transition, transsexual, transgender, personal rights, property rights

I. BẢN DẠNG GIỚI, NGƯỜI CHUYỂN GIỚI VÀ NGƯỜI CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Khác với người đồng tính hay song tính, để hiểu về người chuyển giới (transgender) cần phải hiểu về thuật ngữ bản dạng giới (gender identity). Thuật ngữ này được hiểu là việc một người tự nhận (theo ý thức cá nhân - personal sense) mình mang một giới tính nào (có thể giống hoặc khác với giới tính sinh học khi được sinh ra).[1] Từ đó, có thể hiểu khái quát, nếu một người sinh ra và tự nhận mình mang giới tính giống với giới tính sinh học khi được sinh ra, có tình cảm, cảm xúc với người cùng giới tính với mình thì người đó là người đồng tính. Nếu người này có tình cảm với người khác giới tính với mình thì đó là người dị tính. Tuy nhiên nếu người nói trên tự nhận mình mang giới tính khác với giới tính sinh học khi được sinh ra thì đó là người chuyển giới.[2] Tương tự như xu hướng tính dục, bản dạng giới cũng là một trong bốn yếu tố của tính dục.[3] Các xu hướng về bản dạng giới là điều hoàn toàn tự nhiên trong xã hội. Do vậy, nếu một người có nhận thức, mong muốn có giới tính khác với giới tính khi sinh ra thì cũng là điều bình thường. Có thể thấy, chuyển giới là “một khái niệm rất rộng chỉ quá trình mà một con người hay động vật thay đổi giới tính. Nó xảy ra một cách tự nhiên ở một số loài, những khái niệm này thường được sử dụng với ý nghĩa là phẫu thuật chuyển đổi giới tính.”[4] Sau khi thực hiện phẫu thuật, người chuyển giới được gọi với một khái niệm đầy đủ hơn là “người chuyển đổi giới tính” (transsexual). Mặc dù người chuyển giới và chuyển đổi giới tính tồn tại ở mọi xã hội, mọi nơi trên thế giới nhưng những khái niệm này vẫn được hiểu một cách khá nhầm lẫn và gây lúng túng ngay cả với những người trong cuộc khi không thể xác định bản dạng giới của mình. Nhìn chung, “transgender” là một thuật ngữ có nội hàm rất rộng.[5]

Các lý thuyết về bản dạng giới sẽ giải thích các vấn đề liên quan đến người chuyển giới. Lý thuyết “Transgender Emergence Model” được Arlene Istar Lev đưa ra năm 2004 đã đề xuất một mô hình gồm bốn phần về giới.[6] Mô hình này giải thích giới bao gồm giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới và xu hướng tính dục. Trong đó, bản dạng giới không bị kiểm soát bởi giới tính sinh học. Theo đó, lý thuyết này giải thích sự đa dạng về giới, bản dạng giới của con người. Lý thuyết sự lựa chọn hợp lý (Social Exchange Theory) được George Homans đưa ra năm 1958[7] dựa vào tiền đề cho rằng con người luôn hành động một cách có chủ đích, có suy nghĩ để lựa chọn và sử dụng các nguồn lực một cách duy lý nhằm đạt được kết quả tối đa với chi phí tối thiểu. Như vậy, với lý thuyết này, sự lựa chọn công khai bản dạng giới hay quyết định phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới… có thể được lý giải một cách minh bạch.[8]

Có thể thấy, chuyển đổi giới tính là một quá trình mà thông qua các liệu pháp khác nhau, một người có thể thay đổi giới tính của mình hoàn toàn hay từng phần. Trong đó, bên cạnh liệu pháp hormone (hormone replacement therapy) thì phẫu thuật chuyển đổi giới tính (sex reassignment surgery[9]) là biện pháp thường được sử dụng để thực hiện việc chuyển đổi giới tính một cách hoàn chỉnh nhất. Phẫu thuật chuyển đổi giới tính thường được thực hiện đối với những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học. Theo đó, họ có xu hướng sử dụng biện pháp can thiệp y học để có một cơ thể thống nhất với giới tính mong muốn của mình.

Trước đây, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM) xem chuyển giới là một dạng rối loạn định dạng giới (“gender identity disorder” - tức là một dạng rối loạn tâm thần), vì thế thường áp dụng các liệu pháp điều trị tâm lý và hóc-môn. Phẫu thuật chuyển giới chỉ được coi là cách thức cuối cùng, việc thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý rất khó khăn. Tuy nhiên, chuyển giới thực chất không phải là một dạng rối loạn tâm thần, vì chỉ có thể coi là rối loạn tâm thần khi một người rơi vào hoàn cảnh đau khổ, bất lực rõ rệt và lâu dài, trong khi nhiều người chuyển giới không trải qua những trải nghiệm như vậy. Từ phát hiện đó, năm 2012, chuyển giới được loại ra khỏi danh sách các dạng rối loạn tâm thần của DSM, có nghĩa là được xem là một tình trạng tâm lý bình thường. DSM đồng thời kêu gọi cộng đồng hỗ trợ và chấp nhận người chuyển giới để họ có thể tự do thể hiện bản dạng giới của mình và giảm thiểu kỳ thị. Sau đó, nhiều quốc gia khác cũng không coi chuyển giới là một dạng rối loạn tâm thần mà xác định là một nhận dạng giới tự nhiên của con người. Kết quả là quyền chuyển giới và phẫu thuật chuyển giới đã được gỡ bỏ các rào cản về nhận thức và được hiện thực hoá về mặt pháp lý ở nhiều quốc gia.

Nhìn chung, có thể thấy “chuyển giới” là một khái niệm bao trùm (người chuyển giới dù có can thiệp y học hay không thì họ vẫn là người chuyển giới). “Chuyển đổi giới tính” ở một khía cạnh toàn diện thì cần có sự can thiệp bởi y học.[10] Một quy trình chuyển đổi giới tính hoàn chỉnh phải bao gồm: Can thiệp y học (ít nhất đối với cơ quan sinh dục và cả tử cung, buồng trứng… ở người chuyển giới từ nữ sang nam) và công nhận về mặt pháp lý (của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).[11] Như đã nêu, khi đó, họ là người chuyển đổi giới tính.

Tại Việt Nam, tương tự như người đồng tính (và song tính), cũng thật khó để biết được chính xác số lượng người chuyển giới, đặc biệt khi khái niệm chuyển giới không chỉ khuôn gọn vào những người đã phẫu thuật, mà cả những người có cảm nhận rõ ràng về giới tính thực của mình khác với giới tính sinh học, và có xu hướng/mong muốn được chuyển đổi, mặc dù trên thực tế điều đó có thể chưa và không bao giờ xảy ra.[12] Hiện nay chưa có điều tra dân số toàn quốc nào về số người chuyển giới. Tuy vậy, theo một số nghiên cứu, những năm gần đây, người chuyển giới ở Việt Nam đang ngày càng hiện diện rõ nét.[13] Về địa bàn sinh sống, theo một khảo sát công bố năm 2017, trong số 408 người chuyển giới, phần lớn hiện đang sống tại các vùng đô thị, thành phố lớn, tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh (42,9%) và thành phố Hà Nội (19%).[14] Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Trong đó, nhu cầu được công nhận chính thức giới tính mới của người chuyển giới là một nhu cầu thực tế và chính đáng. Tuy vậy, việc đáp ứng nhu cầu này và đáp ứng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

II. CÁC TRƯỜNG HỢP CÔNG NHẬN GIỚI TÍNH CỦA NGƯỜI CHUYỂN GIỚI

Hiện nay, có hai biện pháp cơ bản để can thiệp chuyển đổi giới tính như sau:

(1) Can thiệp y học: Điều trị Hormone (hóc-môn) trong một khoảng thời gian nhất định. Liệu pháp hoóc - môn nữ hóa/nam hóa - là một can thiệp y khoa nhằm gây ra những thay đổi nữ - hóa hoặc nam - hóa trên cơ thể người bằng cách sử dụng các chất nội tiết tố có nguồn gốc ngoại sinh.[15] Một số người có mong muốn đạt được nữ - hóa hoặc nam - hóa tối đa, trong khi một số khác cảm thấy hài lòng với việc có một cơ thể “vừa nam vừa nữ”, những người này chỉ sử dụng lượng hoóc-môn vừa đủ để giảm bớt các đặc tính sinh dục thứ phát đang có.[16] Liệu pháp hoóc-môn phải tùy từng trường hợp cụ thể, dựa vào mục tiêu chuyển giới của bệnh nhân, tỷ lệ giữa rủi ro và lợi ích của thuốc, sự hiện diện của các vấn đề sức khỏe khác, sự cân nhắc đến các yếu tố xã hội và kinh tế. Liệu pháp hoóc - môn có thể tạo ra trạng thái thoải mái cho những người không có ý định hoặc không thể thực việc chuyển đổi vai trò giới và phẫu thuật.

(2) Can thiệp y học bằng phẫu thuật: Can thiệp phẫu thuật - đặc biệt là phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục - thường là bước sau cùng và được cân nhắc thận trọng nhất trong quá trình điều trị chứng Phiền muộn giới.[17] Trong khi nhiều người chuyển giới có thể cảm thấy thoải mái với bản dạng, vai trò và biểu hiện giới mà không cần can thiệp phẫu thuật, nhiều người chuyển giới khác lại không như vậy, đối với họ phẫu thuật chuyển giới là thiết yếu và là can thiệp y khoa cần thiết để giải toả chứng phiền muộn giới.[18] Với nhóm thứ hai này, mục tiêu giải toả phiền muộn giới không thể đạt được nếu không có các điều chỉnh trên đặc tính sinh dục nguyên pháp và/hoặc đặc tính sinh dục thứ phát để có được một cơ thể tương thích với bản dạng giới. Hơn nữa, phẫu thuật chuyển giới có thể giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi xuất hiện trước mắt bạn tình của họ, hoặc xuất hiện ở những nơi công cộng như phòng khám, hồ bơi hay các câu lạc bộ. Trong một vài trường hợp, phẫu thuật còn giúp họ giảm nguy cơ bị xâm hại trong các tình huống bị bắt giữ hay lục soát bởi công an hay các cơ quan chức năng khác.

Dựa trên bản chất tự nhiên của người chuyển giới, hai biện pháp can thiệp y học nêu trên cũng như điều kiện, đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn hóa lập pháp... thì pháp luật mỗi quốc gia có thể lựa chọn, quy định khác nhau về các trường hợp công nhận giới tính của người chuyển giới:

(1) Không can thiệp y học: Người có mong muốn CĐGT không cần có can thiệp về y học mà chỉ cần nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người CĐGT cùng Bản xác nhận có mong muốn CĐGT của chuyên gia tư vấn tâm lý.

(2) Có can thiệp y học: Có thể can thiệp 01 phần (điều trị hóc - môn/phẫu thuật ngực/phẫu thuật cơ quan sinh dục và cơ quan sinh sản) hoặc can thiệp toàn bộ (ngực, cơ quan sinh dục và cơ quan sinh sản, không bắt buộc phải điều trị hóc - môn).

III. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỀ QUYỀN NHÂN THÂN, QUYỀN TÀI SẢN CỦA CÁ NHÂN SAU KHI ĐƯỢC CÔNG NHẬN GIỚI TÍNH MỚI VÀ KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

3.1.Khái quát chung về quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới sau khi được công nhận giới tính mới

Thứ nhất, về cơ bản các vấn đề quyền, nghĩa vụ của người CĐGT đều giống nhau đối với tất cả các trường hợp can thiệp/không can thiệp y học. Điều đó xuất phát từ sự kiện: Người CĐGT được công nhận về mặt pháp lý giới tính mới (từ đó thay đổi về hộ tịch, nhân thân …). Trong đó, hình thức can thiệp y học một phần (không phẫu thuật cơ quan sinh dục và cơ quan sinh sản hoặc không phẫu thuật ngực) có thêm một số hệ quả đặc thù riêng xuất phát từ việc người đó mặc dù đã được công nhận giới tính mới nhưng cơ thể vẫn còn có một số bộ phận, đặc điểm của giới tính cũ.

Thứ hai, có thể khái quát một số khía cạnh về quyền, nghĩa vụ của người CĐGT chịu sự tác động khi công nhận người CĐGT như sau:

- Quyền/nghĩa vụ tham gia tư vấn tâm lý, pháp lý, y tế trước khi CĐGT; Quyền được chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế trước và sau khi can thiệp y tế để CĐGT: Hiện nay chưa có quy định về các vấn đề này đối với người chuyển giới.

- Quan hệ nhân thân, tài sản: Công nhận giới tính mới, giấy khai sinh, thay đổi họ, tên…) cũng như các loại giấy tờ cá nhân, văn bằng, chứng chỉ… khác của người CĐGT; Quan hệ hợp đồng, sở hữu, thừa kế.

- Quan hệ hôn nhân và gia đình: Quyền kết hôn; Quan hệ với vợ/chồng; Quan hệ với con; Quyền về con cái (sinh con theo phương pháp khoa học, nhận con nuôi).

- Một số quan hệ khác: Quan hệ lao động, an sinh xã hội (chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là lao động nữ; Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động; chế độ bảo hiểm, độ tuổi nghỉ hưu…); Khám người/khám xét người theo thủ tục hành chính/tố tụng hình sự; Tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù; Thực hiện nghĩa vụ quân sự; Văn hóa, Thể thao; Phí, lệ phí…; Sử dụng các công trình công cộng tại nơi lao động, trường học…

3.2. Thực tiễn một số quyền nhân thân, tài sản của ngườichuyển giới sau khi được công nhận giới tính mới và khuyến nghị bước đầu

3.2.1. Quyền nhân thân

Thứ nhất, về vấn đề liên quan đến thay đổi hộ tịch.

Như đã nêu, chuyển đổi giới tính phải bao gồm hai nội dung chính là can thiệp y học và cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính sau khi chuyển đổi. Khi đó, người chuyển giới chính thức là người CĐGT. Luật CĐGT cần quy định cơ quan có thẩm quyền và thủ tục công nhận một người đã hoàn thành xong việc chuyển đổi giới tính để công nhận giới tính mới của họ. Vậy pháp luật về hộ tịch có phải được sửa đổi, bổ sung hay không? Người CĐGT thay đổi Giấy khai sinh như thế nào?

Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan không cần phải sửa đổi, bổ sung. Lý do:

- Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Như vậy, đây là một sự kiện hộ tịch.

- Khoản 4 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật là một nội dung của đăng ký hộ tịch. Bên cạnh đó, việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được ghi vào Sổ hộ tịch (khoản 2 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014).

Việc ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 30, 31 Luật Hộ tịch năm 2014. Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, bản sao quyết định đến Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân để ghi vào Sổ hộ tịch. Ngay sau khi nhận được thông báo này, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào Sổ hộ tịch theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, người CĐGT hoàn toàn có quyền được cấp bản sao Giấy khai sinh từ Sổ hộ tịch đã bổ sung việc thay đổi giới tính.[19]

Ngay cả nếu Luật CĐGT quy định theo hướng sau khi được can thiệp y học CĐGT thì người CĐGT được cơ sở khám, chữa bệnh cấp Giấy xác nhận giới tính mới, không phải là bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hoàn toàn có thể áp dụng khoản 4 Điều 3 của Luật Hộ tịch năm 2014: “Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.” Vì vậy, Luật CĐGT chỉ cần quy định việc thay đổi giới tính trong các giấy tờ hộ tịch của người CĐGT thực hiện theo quy định về việc ghi vào Sổ hộ tịch của pháp luật hộ tịch là đã đầy đủ.

Từ việc thay đổi hộ tịch (giới tính trên Giấy khai sinh) sẽ liên quan vấn đề thay đổi giới tính trên các giấy tờ cá nhân (căn cước công dân, mã số định danh cá nhân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế…), văn bằng, chứng chỉ… khác của người CĐGT. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này như sau:

- Luật CĐGT cần quy định sau khi CĐGT, công dân được cấp lại các giấy tờ có thông tin giới tính mới đã được công nhận. Việc cấp lại hồ sơ, giấy tờ này là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo pháp luật hộ tịch, mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Dân tộc; Quốc tịch; Quê quán; Quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó; Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh (Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch).

- Bên cạnh việc ghi vào Sổ hộ tịch về việc chuyển đổi giới tính đã nêu ở trên, Luật CĐGT nên cân nhắc yêu cầu người CĐGT thay đổi một số giấy tờ, thông tin (nghĩa vụ) như: Căn cước công dân, Mã số định danh cá nhân và/hoặc thẻ bảo hiểm y tế. Những giấy tờ, thông tin cá nhân này là cơ sở để cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ảnh hưởng đến nhiều thủ tục sau này của cá nhân đã CĐGT. Điều này cũng tạo sự đồng bộ với quy định pháp luật trong một số lĩnh vực có liên quan. Ví dụ, mặc dù Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) chưa quy định đổi thẻ CCCD sau khi chuyển đổi giới tính[20] nhưng hiện nay Điều 25 Dự thảo Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung trường hợp thẻ CCCD được đổi sau khi chuyển đổi giới tính.[21] Trong thẻ Bảo hiểm y tế cũng có thông tin về giới tính. Luật Bảo hiểm y tế năm 2018[22] tuy không quy định rõ việc chuyển đổi giới tính (và cả xác định lại giới tính) là trường hợp đổi thẻ, cấp lại nhưng cũng cho phép đổi thẻ trong trường hợp thông tin ghi trong thẻ không đúng (điểm c, khoản 1, Điều 19). Như vậy, hoàn toàn có thể vận dụng quy định này để đề nghị đổi thẻ sau khi được công nhận CĐGT.

Đối với các giấy tờ khác đã được cấp trước khi CĐGT, đề nghị vẫn giữ nguyên. Nếu như sau khi CĐGT, cá nhân có nhu cầu thay đổi các giấy tờ này (để phục vụ các hoạt động có liên quan như nộp hồ sơ tuyển dụng, chuyển nhượng tài sản...), các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm cấp lại/đính chính (theo quy quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP đã nêu ở trên).

- Cần tiếp tục rà soát thêm các loại giấy tờ có thông tin giới tính của công dân để có phương án xử lý phù hợp, toàn diện, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Cần xem xét quy định hiện hành về loại giấy tờ đó có quy định bắt buộc phải thay đổi, cấp lại giấy tờ khi có sự thay đổi về giới tính hay không? Nếu có bắt buộc thì sẽ xử lý ngay trong Luật CĐGT/Luật sửa đổi, bổ sung một số luật/sửa đổi, bổ sung chính văn bản pháp luật hiện hành.

Một giải pháp khác mà Luật CĐGT có thể quy định là: Người CĐGT có thể sử dụng Quyết định công nhận giới tính mới/Bản sao Giấy khai sinh mới kèm theo hồ sơ có các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi CĐGT (ghi giới tính cũ) khi thực hiện các thủ tục có liên quan (ngoại trừ thẻ CCCD, mã số định danh cá nhân và/hoặc thẻ BHYT yêu cầu cần phải làm thủ tục thay đổi như trên). Tuy nhiên, để quy định này có hiệu quả thì cần quan tâm 02 vấn đề: (i) Sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nếu quy định có bắt buộc phải thay đổi, cấp lại, đính chính giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ… khi có thay đổi về giới tính; (ii) Việc thực thi pháp luật rất quan trọng, trong đó chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của cán bộ thi hành pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan.

Thứ hai, về một số quyền nhân thân khác.

Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người đã chuyển đổi giới tính sẽ có có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi và không khác so với các công dân khác. Vì vậy, Luật CĐGT giới tính không cần thiết quy định vấn đề này. Ví dụ, đối với quyền đổi họ, người CĐGT có quyền thực hiện khi đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật hộ tịch. Đây là quyền áp dụng chung cho mọi công dân, không có quy định đặc thù đối với người CĐGT nên Luật CĐGT không cần quy định. Điều 27, 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật hộ tịch đã ghi nhận quyền này.

Đối với quyền thay đổi tên, điều kiện, quy trình, thủ tục thực hiện theo Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 và pháp luật hộ tịch (Điều 26, 45, 46, 47 Luật Hộ tịch năm 2014). Thực tế cho thấy, kể cả khi có hoặc không thực hiện phẫu thuật, việc đổi tên (gồm cả tên đệm, từ nam sang nữ, từ nữ sang nam) thường rất được người chuyển giới quan tâm. Điều này là bởi tên trong giấy tờ tuỳ thân là những dấu hiệu cụ thể về mặt xã hội cho thấy giới tính thực hoặc mong muốn về sự thừa nhận giới tính thực của họ. Thêm vào đó, trong trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới, việc này còn là điều kiện giúp họ tránh những rắc rối trong cuộc sống khi có sự mâu thuẫn giữa bản dạng giới mới và tên gọi cùng giới tính trong giấy tờ tùy thân. Sau khi thực hiện việc thay đổi họ, tên, người CĐGT hoàn toàn có quyền đề nghị ghi vào Sổ hộ tịch và cấp bản sao Giấy khai sinh theo thông tin thay đổi đã được ghi.

3.2.2.Quyền tài sản

- Quan hệ hợp đồng: Về nguyên tắc, việc CĐGT không phải là căn cứ làm chấm dứt hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Sau khi được công nhận giới tính mới, người CĐGT cần thực hiện việc cải chính các thông tin liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng mà mình tham gia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giới tính của người thực hiện hợp đồng có thể ảnh hưởng đến nội dung hợp đồng mà người đó đã ký kết. Ví dụ: Anh A ký kết hợp đồng làm mẫu quảng cáo/đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng mỹ phẩm dành cho nam giới nhưng anh lại thực hiện CĐGT. Khoản 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.” Tuy nhiên, việc thực hiện xong hợp đồng không phải là điều kiện để thực hiện CĐGT. Nếu anh A vi phạm hợp đồng thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm về vi phạm đó. Luật CĐGT không điều chỉnh vấn đề này. Như vậy, việc có được tiếp tục thực hiện hợp đồng này hay không phụ thuộc vào thỏa thuận và quyết định của bên nhãn hàng. Anh A không nhất thiết phải thực hiện xong hợp đồng mới thực hiện CĐGT bởi đây hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của anh (thực hiện CĐGT hay tiếp tục thực hiện hợp đồng).

- Quan hệ sở hữu: Hiện nay, thông tin liên quan đến giới tính được ghi trên một số giấy tờ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… Những giấy tờ này xác nhận tư cách sở hữu của một công dân đối với tài sản cụ thể để họ thực hiện các quyền của chủ sở hữu. Vì vậy, việc thay đổi, đính chính các giấy tờ này (hoặc ít nhất có giấy tờ có giá trị pháp lý kèm theo về việc thay đổi giới tính) là cần thiết. Việc thay đổi, đính chính các giấy tờ này như thế nào có thể xem một số giải pháp đã nêu ở phần trên (liên quan đến hệ quả của việc thay đổi hộ tịch). Tuy nhiên, việc thay đổi, đính chính lại các giấy tờ này chỉ tiến hành khi có sự yêu cầu (theo mong muốn) của người thay đổi giới tính).

- Quan hệ thừa kế: Về cơ bản, CĐGT không phải là căn cứ chấm dứt quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giữa người CĐGT với cha, mẹ, con và người thân của họ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thay đổi giới tính của họ có ảnh hưởng đến quan hệ thừa kế của người CĐGT với người khác (đặc biệt là thừa kế theo di chúc) hay không? Có thể có 02 trường hợp xảy ra:

(1) Việc CĐGT được thực hiện trước khi người lập di chúc chết: Nếu người lập di chúc không điều chỉnh các thông tin nhân thân về người được chỉ định hưởng thừa kế (đã được công nhận CĐGT) thì khi người lập di chúc chết, người CĐGT có được hưởng thừa kế theo di chúc hay không là điều khó xác định bởi quyền thừa kế là quyền tài sản gắn với nhân thân của người thừa kế. Người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc phải là người có đặc điểm nhân thân đã được nêu trong di chúc (họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính…). Nếu trong trường hợp này người CĐGT vẫn được hưởng thừa kế thì có thể sẽ không phù hợp với ý chí của người để lại di chúc (đặc biệt khi người để lại di chúc có tư tưởng trọng nam khinh nữ)? Theo tác giả, người lập di chúc để lại di sản cho ai là nhằm tới chủ thể (được xác định thông qua các dữ liệu chứ không nhằm tới dữ liệu). Vì vậy, nếu dữ liệu thay đổi mà người thừa kế theo di chúc chứng minh được họ chính là chủ thể đã được người lập chúc nhằm tới thì họ vẫn là người được hưởng di sản theo di chúc đó.

(2) Việc CĐGT được thực hiện sau khi người lập di chúc chết: Trường hợp này, việc thực hiện CĐGT được thực hiện sau khi người đó đã được xác lập quyền hưởng di sản thừa kế. Vì vậy, việc CĐGT không là căn cứ để chấm dứt quyền thừa kế đã được xác lập trước đó.

3.2.3.Quan hệ hôn nhân và gia đình

- Quyền kết hôn:

+ Về độ tuổi kết hôn: Sau khi được công nhận giới tính mới, người CĐGT sẽ tuân theo quy định về độ tuổi kết hôn tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Độ tuổi của người CĐGT chỉ ảnh hưởng đến độ tuổi kết hôn của họ với giới tính mới và không ảnh hưởng đến pháp luật hôn nhân và gia đình. Luật CĐGT không cần quy định vấn đề này.

+ Về giới tính của cặp vợ - chồng: Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Vì vậy, nếu Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chưa được sửa đổi thì Luật CĐGT sẽ phải quy định “độc thân” sẽ là một điều kiện để thực hiện CĐGT. Cũng có khả năng Luật CĐGT sẽ sửa đổi Luật Hôn nhân & Gia đình về điều kiện kết hôn nhưng đồng thời sẽ phải giải quyết khá nhiều vấn đề pháp lý có liên quan trong Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan về “hôn nhân cùng giới”. Điều này phụ thuộc vào quan điểm và cách thức sửa đổi, bổ sung các luật của Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan.

Ngoài ra, trường hợp người CĐGT được công nhận thông qua hình thức chỉ điều trị hóc-môn hoặc phẫu thuật ngực hoặc không can thiệp y học thì khi họ kết hôn với người khác giới tính với giới tính đã được công nhận sẽ không vi phạm pháp luật hiện hành nhưng về đặc điểm cơ thể (cơ quan sinh dục, cơ quan sinh sản) là hai người cùng giới. Đây là điều cần lưu ý khi lựa chọn hình thức công nhận CĐGT.

- Quan hệ với vợ/chồng:

+ Trường hợp cho phép người đang có vợ/chồng được CĐGT: Sẽ không đồng bộ với pháp luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn (đã nêu ở trên). Nếu lựa chọn phương án này thì cần giải quyết đồng bộ cả hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình cũng như các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác.

+ Trường hợp không cho phép người đang có vợ/chồng được CĐGT: Khi đó, người muốn CĐGT phải ly hôn với vợ/chồng. Nếu thuận tình ly hôn thì sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, nếu bên còn lại không thuận tình ly hôn thì sẽ khá phức tạp. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (khoản 1, Điều 56) quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương): “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.” Nhưng thực tế Tòa án sẽ sẽ dựa trên căn cứ nào để giải quyết yêu cầu ly hôn khi vợ/chồng không có hành vi nào được xác định trong quy định này? Liệu có khả năng người muốn CĐGT sẽ cố tình tạo ra các hành vi đó để đủ căn cứ yêu cầu ly hôn?

Theo chúng tôi, đây là vấn đề mà dự án Luật CĐGT cần cân nhắc kĩ. Trước mắt, xét trên mọi phương diện thì phương án quy định người muốn CĐGT phải “độc thân” là khả dĩ hơn cả trong bối cảnh hiện nay.

- Quan hệ với con:

Đây là vấn đề cũng khá phức tạp và các quốc gia trên thế giới cũng có cách xử lý khác nhau (giữ nguyên quan hệ cha - mẹ - con như trước khi CĐGT/cấm người CĐGT có con tại thời điểm thực hiện CĐGT/buộc người CĐGT triệt sản). Mặc dù theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Điều 71) quy định cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình nhưng trong một số trường hợp, vị trí là cha/mẹ sẽ ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người CĐGT với con của mình: quyền nuôi con khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng… Và nếu người cha/mẹ thực hiện CĐGT thì người con có cần thay đổi giấy khai sinh và các giấy tờ khác có liên quan liên quan đến người mẹ/cha của mình hay không? Bước đầu, chúng tôi có một số ý kiến như sau:

+ Quan điểm 1: Giới tính pháp lý mới không làm thay đổi quan hệ pháp lý giữa người CĐGT và con của họ, về cả quyền và nghĩa vụ. Trong quan hệ với con cái, người bố mẹ chuyển giới sẽ vẫn giữ vai trò như trước khi được thừa nhận giới tính mới, bố vẫn là bố, mẹ vẫn là mẹ. Con cái có quyền yêu cầu trích xuất giấy khai sinh của mình có đề cập tới giới tính trước của bố mẹ người đó. Nếu theo quan điểm này, người con sẽ không cần phải thay đổi giấy khai sinh và các giấy tờ khác có thông tin về người cha/mẹ đã thay đổi giới tính. Tuy nhiên, nếu như sau khi được công nhận CĐGT mà người mẹ/cha đó có con mới thì bắt buộc phải đóng vai trò là cha/mẹ theo đúng giới tính mới đã được công nhận. Khi đó, một người có thể đóng cả hai vai trò là cha và mẹ. Chưa kể, nếu người CĐGT đó được công nhận thông qua hình thức can thiệp y học bằng điều trị hóc-môn/phẫu thuật ngực hay không cần can thiệp gì về mặt y học thì về cơ bản, cơ thể vẫn mang đặc điểm của giới tính trước kia. Khi đó, một gia đình, sống cùng nhau, một người có nhiều vai trò khác nhau, nhận dạng cơ thể khác nhau cũng là một điều rất đáng được cân nhắc về tính khả thi khi lập pháp, nhất là trong bối cảnh xã hội còn chịu ảnh hưởng của nhiều giá trị truyền thống, văn hóa...

+ Quan điểm 2: Giới tính mới làm thay đổi quan hệ pháp lý giữa người CĐGT và con của họ, về cả quyền và nghĩa vụ. Nếu theo phương án này, con của họ sẽ phải thay đổi ít nhất là giấy tờ hộ tịch (giấy khai sinh) và khi đó, người con sẽ có thể có hai người cha hoặc hai người mẹ. Nếu sau khi được công nhận CĐGT mà người mẹ/cha đó có con mới thì vai trò của họ với các con của mình (trước và sau CĐGT) sẽ đồng bộ. Tuy nhiên, như đã nêu, việc thay đổi vai trò của cha/mẹ có thể ảnh hưởng đến một số quyền, nghĩa vụ của người CĐGT với con mình. Đây cũng là điều cần phải giải quyết.

Luật CĐGT sẽ phải có quy định về vấn đề này, để từ đó sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của pháp luật hôn nhân và gia đình. Cũng có thể có phương án khác là Luật CĐGT quy định điều kiện người CĐGT không có con tại thời điểm thực hiện CĐGT. Mặc dù phương án này cũng sẽ có nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng có điểm hợp lý nhất định. Hơn nữa, cần cân nhắc thêm khoản 4 Điều 3 BLDS năm 2015: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.” Các quan điểm nêu trên đều có ưu và nhược điểm riêng.

3.2.4. Quyền về con cái

Thứ nhất, về vấn đề con đẻ và phương pháp có con.

- Nếu người CĐGT được công nhận giới tính thông qua hình thức can thiệp y học phẫu thuật toàn bộ cơ quan sinh dục (người chuyển giới nam, chuyển giới nữ) và cả cơ quan sinh sản bên trong (của người chuyển giới nam) thì họ sẽ không thể có con đẻ của mình bằng biện pháp tự nhiên.

- Nếu người CĐGT được công nhận giới tính thông qua hình thức can thiệp y học điều trị hóc-môn/phẫu thuật ngực và giữ lại cơ quan sinh dục (người chuyển giới nam, chuyển giới nữ) và cơ quan sinh sản bên trong (của người chuyển giới nam) thì họ hoàn toàn có cơ hội có con đẻ của mình bằng biện pháp tự nhiên/thực hiện các phương pháp sinh con theo phương pháp khoa học. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu họ điều trị hóc - môn lâu dài thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng, khả năng và cấu tạo của các cơ quan sinh dục, cơ quan sinh sản và cũng không bảo đảm được việc có con bằng biện pháp tự nhiên.

- Người CĐGT hoàn toàn có quyền lưu trữ tinh trùng/trứng của mình trong ngân hàng. Nếu pháp luật hôn nhân và gia đình mở rộng hình thức mang thai hộ thì họ hoàn toàn có thể có con đẻ của mình bằng phương pháp khoa học sau khi được công nhận CĐGT (dù có can thiệp y học hay không).

Như vậy, phụ thuộc vào hình thức can thiệp y học mà Luật CĐGT được thông qua mà sẽ tác động đến pháp luật hôn nhân và gia đình. Trên thế giới, một số quốc gia yêu cầu người CĐGT phải triệt sản, không được có con trước/sau khi CĐGT. Theo tác giả, có con là quyền chính đáng của bất cứ một cá nhân nào trong xã hội. Vì vậy, dù có lựa chọn hình thức công nhận CĐGT nào thì việc đồng thời mở rộng phạm vi của việc mang thai hộ, sinh con theo phương pháp khoa học cũng là điều rất xác đáng, nhất là đối với những người chuyển giới được công nhận thông qua can thiệp y học một phần (điều trị hóc-môn/phẫu thuật ngực) hoặc không phải can thiệp gì.

Thứ hai, về quyền nhận con nuôi.

Việc nhận con nuôi được thực hiện theo Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan. Đây là một quyền có điều kiện và bất cứ cá nhân/cặp vợ chồng nào đáp ứng điều kiện đều có thể đăng ký thực hiện. Vì vậy, người chuyển giới hay không chuyển giới cũng áp dụng quy định chung như các cá nhân khác. Do đó, Luật CĐGT không cần quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, dưới góc độ của pháp luật nuôi con nuôi, để bảo đảm hơn nữa quyền nhận con nuôi của nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới nói chung và nhóm chuyển giới nói riêng, cần minh định hơn đối với quy định về điều kiện của người nhận con nuôi. Theo khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, ngoài điều kiện về năng lực hành vi dân sự, độ tuổi thì để được nhận nuôi con nuôi, người nhận con nuôi không chỉ phải đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở để bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi mà còn phải đáp ứng thêm các điều kiện khác liên quan đến nhân thân của mình như có tư cách đạo đức tốt. Các điều kiện này không liên quan đến bản dạng giới hay xu hướng tính dục của người muốn nhận con nuôi. Tuy nhiên, tiêu chí xem xét hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi dựa trên điều kiện: “Người nhận nuôi con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, và có tư cách đạo đức tốt” lại không có hướng dẫn cụ thể, dễ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất tại từng địa phương và còn mang nhiều tính chủ quan của cơ quan có thẩm quyền cho phép nhận nuôi con nuôi.[23] Điều này vô hình trung có thể dẫn đến khả năng ảnh hưởng quyền nhận nuôi con nuôi của cá nhân thuộc nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới.

Thiết nghĩ, cần có quy định quy định chi tiết hơn, minh định về điều kiện nêu trên của người nhận con nuôi. Thực tế mỗi địa phương xác định theo tiêu chí phù hợp với địa phương mình, ví dụ như mức thu nhập bình quân của địa phương. Các tiêu chí đánh giá khá giống với trường hợp cân nhắc trao quyền nuôi con khi cặp vợ chồng ly hôn, với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ quyền cho đứa trẻ. Bộ Tư pháp cần thiết phải ban hành một bộ quy chuẩn để hướng dẫn việc đánh giá các tiêu chí mang tính chất định tính chủ quan nhằm bảo đảm việc xem xét hồ sơ xin nhận con nuôi là minh bạch và hợp pháp, bảo đảm quyền lợi cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục hay bản dạng giới khi thực hiện thủ tục nhận nuôi, đồng thời góp phần bảo đảm quyền lợi cho trẻ khi trẻ được nhận nuôi bởi người có đủ điều kiện.[24]

3.2.5. Quyền lao động, an sinh xã hội

- Về quyền lao động: Về cơ bản, người đã CĐGT sang giới tính mới sẽ được hưởng các chế độ, chính sách theo giới tính mới (tập trung đối với hình thức can thiệp y học 100% hoặc không can thiệp y học). Pháp luật lao động cần bổ sung thêm quy định về sử dụng lao động là người chuyển đổi giới tính và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động là người chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, đối với hình thức can thiệp y học một phần cần lưu ý một số vấn đề:

(1) Người lao động là chuyển giới từ nam sang nữ nhưng nếu họ được công nhận CĐGT mà không cần phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh dục thì họ hoàn toàn có thể có con với người phụ nữ khác. Khi đó, mặc dù về mặt pháp lý thì họ là phụ nữ và đang nuôi con nhỏ nhưng thực tế họ không mang thai và sinh con. Trong khi đó, người phụ nữ khác đã mang thai, sinh con chắc chắn phải được hưởng chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Theo tác giả, trong trường hợp này, chính sách, chế độ đối với lao động nữ chỉ nên áp dụng cho người phụ khác đã mang thai, sinh con. Đồng thời, cân nhắc mở rộng trường hợp hưởng chế độ thai sản cho “người chồng” trong trường hợp này, mặc dù trên giấy tờ họ là nữ giới.

(2) Người lao động là chuyển giới từ nữ sang nam nhưng nếu họ được công nhận CĐGT mà không cần phẫu thuật cắt bỏ cơ quan sinh dục và cơ quan sinh sản. Nếu như người này có con thì có áp dụng chính sách, chế độ đối với lao động nữ mặc dù về pháp lý có giới tính nam hay không? Theo chúng tôi, trong trường hợp này, họ cần được hưởng chế độ, chính sách cho lao động nữ. Đồng thời, cân nhắc mở rộng trường hợp hưởng chế độ thai sản cho người vợ trên giấy tờ của người CĐGT được hưởng chế độ như một “người chồng”.

(3) Riêng đối với vấn đề kinh nguyệt, nếu như người CĐGT được công nhận thông qua việc không can thiệp y học hoặc chỉ can thiệp bằng điều trị hóc-môn/phẫu thuật ngực thì nếu như người chuyển giới từ nữ sang nam có kinh nguyệt mỗi tháng cần được có quyền nghỉ ngơi phù hợp theo chính sách cho lao động nữ. Đối với trường hợp can thiệp 100% (cả cơ quan sinh dục, cơ quan sinh sản) thì người chuyển giới nam sẽ không có kinh nguyệt nên không đặt ra quyền nghỉ ngơi khi đến kỳ. Sẽ không có trường hợp người chuyển giới từ nữ sang nam chỉ cắt bỏ cơ quan sinh dục và không cắt bỏ tử cung, buồng trứng vì về mặt y học không bao giờ và không nên làm như vậy (khi đó buồng trứng vẫn còn sẽ vẫn có kinh nguyệt nhưng sẽ không ra ngoài được, nếu người đó sử dụng hóc-môn nam thì lâu dài có thể gây ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người chuyển giới nam).

- Về quyền an sinh xã hội: Khi một người đã CĐGT và được công nhận thì chế độ nghỉ hưu sẽ áp dụng theo giới tính mới và không có tính hồi tố đối với trường hợp trước khi CĐGT đã nghỉ hưu nhưng sau khi CĐGT lại vẫn còn độ tuổi lao động. Như vậy, giới tính mới được áp dụng cho trường hợp người CĐGT chưa nghỉ hưu trước khi CĐGT còn nếu đã nghỉ hưu trước khi CĐGT thì vẫn tiếp tục nghỉ hưu sau khi CĐGT.

Nhìn chung, đối với vấn đề liên quan đến quyền lao động, an sinh xã hội, cần sửa đổi chủ yếu ở các văn bản pháp luật lao động, an sinh xã hội. Luật CĐGT chỉ quy định về nguyên tắc đối với các quyền này, phụ thuộc vào hình thức can thiệp y học để công nhận giới tính mới.

IV. KẾTLUẬN

Thông qua việc phân tích một số vấn đề chung về nhân thân, tài sản của người CĐGT sau khi được công nhận giới tính mới có thể tạm rút ra một số kết luận sau đây:

Thứ nhất, mức độ can thiệp y học để công nhận người chuyển giới ảnh hưởng đến việc lựa chọn giải pháp quy định một số quyền, nghĩa vụ của người chuyển giới sau khi được công nhận giới tính mới. Người chuyển giới và CĐGT là vấn đề có tính xã hội cao, cần quan tâm, xem xét, đánh giá trong mối quan hệ với quyền, nghĩa vụ của các chủ thể khác, môi trường xã hội, gia đình, các quan hệ xã hội… Vì vậy, khi cân nhắc lựa chọn các giải pháp chính sách về quyền, nghĩa vụ của người CĐGT trong một số trường hợp cần dựa trên mức độ can thiệp y tế để công nhận người chuyển giới. Trên phương diện tổng thể, nếu can thiệp y học thì mức độ can thiệp một phần sẽ đặt ra nhiều vấn đề pháp lý, xã hội… cần giải quyết nhiều hơn so với mức độ can thiệp 100%. Trong khi đó, mức độ can thiệp 100% hoặc ít nhất can thiệp phẫu thuật cơ quan sinh dục (gồm cả cơ quan sinh sản bên trong của người chuyển giới nam) là phù hợp với bản chất của hoạt động CĐGT hơn cả.

Thứ hai, việc lựa chọn mức độ can thiệp y tế để công nhận và việc thiết kế các quy định về quyền, nghĩa vụ của người CĐGT cần cố gắng bảo đảm tối đa sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như tránh gây xáo trộn quá nhiều các quan hệ xã hội đã có trước khi CĐGT. Điều quan trọng là, trong bối cảnh hiện tại, việc soạn thảo Luật CĐGT nên có những bước đi chắc chắn, phù hợp để có thể tạo sự đồng thuận bởi nhận thức, quan điểm về vấn đề này còn rất khác nhau, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố đặc thù.

Thứ ba, cho dù công nhận CĐGT có can thiệp y học hay không can thiệp y học thì cơ sở để quyết định các quyền, nghĩa vụ có liên quan chủ yếu vẫn phải xuất phát từ giới tính mới đã được công nhận. Khi đã chấp nhận CĐGT, công nhận giới tính mới thì về cơ bản phải được đối xử với tư cách của giới tính mới. Chỉ có một số trường hợp đặc thù riêng biệt.

Thứ tư, Luật CĐGT nên cân nhắc trong việc thiết kế và lựa chọn giải pháp về mức độ can thiệp y học. Đó có thể là can thiệp y học một phần và nên ưu tiên phương can thiệp phẫu thuật toàn bộ cơ quan sinh dục và cơ quan sinh sản bên trong có liên quan (của người chuyển giới nam). Điều này không chỉ giảm thiểu các vấn đề pháp lý phát sinh trong giai đoạn hiện nay mà cũng có ý nghĩa góp phần bảo đảm sức khỏe của người CĐGT về lâu dài. Hơn nữa, nếu người chuyển giới nữ khi phẫu thuật cơ quan sinh dục đương nhiên đồng thời phải phẫu thuật cả cơ quan sinh sản bên ngoài (tinh hoàn, ống dẫn tinh, bìu) nhưng nếu người chuyển giới nam được giữ lại cơ quan buồng trứng, tử cung (bên trong) sẽ là một điều không công bằng ngay trong chính biện pháp can thiệp CĐGT. Vấn đề con cái có thể xử lý bằng việc lưu trữ trứng, tinh trùng, mở rộng phạm vi hoạt động mang thai hộ… Cuối cùng, cũng cần xác định quá trình thể chế hóa vấn đề CĐGT nói riêng và quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới nói chung ở nước ta cần nhiều thời gian hơn nữa để tiệm cận hơn với tiêu chuẩn chung của thế giới.[25]

Thứ năm, kỹ thuật lập pháp đối với vấn đề quyền, nghĩa vụ của người CĐGT sau khi được công nhận giới tính mới.

Trước hết, cần rà soát tổng thể quy định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người CĐGT và phân loại thành các nhóm: (1) Những văn bản không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung; (2) Những văn bản cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và Luật CĐGT cần có một số quy định nguyên tắc chung để góp phần bảo đảm hơn các quyền, nghĩa vụ của người CĐGT; (3) Những văn bản cần phải được sửa đổi, bổ sung, Luật CĐGT không cần quy định. Trong đó, riêng đối với các văn bản cần sửa đổi, bổ sung:

(1) Trường hợp số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung không quá nhiều thì có thể xử lý ngay trong Luật CĐGT tại Điều khoản chuyển tiếp, không cần phải chờ các luật khác sửa đổi, bổ sung. Ưu điểm của phương án này là có thể quy định ngay trong Luật CĐGT và cơ sở pháp lý để ban hành một luật sửa các luật khác đã có (Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo đó có thể áp dụng trường hợp “Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành”. Tuy nhiên, ưu điểm này cũng là hạn chế bởi dù đã có cơ sở pháp lý nhưng hình thức một luật sửa nhiều luật trong trong tế cũng rất hạn chế bởi nếu không cẩn thận có thể làm cho hệ thống pháp luật phức tạp và rối.

(2) Trường hợp số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung là nhiều:

- PA1: Đề nghị ban hành 01 văn bản riêng để sửa đổi nhiều văn bản. Ưu điểm và hạn chế tương tự như trường hợp (1).

- PA2: Ban hành Luật CĐGT, sau đó các văn bản có liên quan sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung. Ưu điểm: Trong một số trường hợp có thể bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật. Nhược điểm: Thời gian để người CĐGT được thụ hưởng, thực hiện các quyền, nghĩa vụ có liên quan sẽ bị kéo dài hơn./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn bản pháp luật

1. Bộ luật Dân sự năm 2015

2. Luật Bảo hiểm y tế năm 2018

3. Luật Căn cước công dân năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)

4. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

5. Luật Hộ tịch năm 2014

6. Luật Nuôi con nuôi năm 2010

7. Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

8. Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ)

9. Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch

10.Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch

Tài liệu khác

1. American Psychological Association, Guidelines for Psychological Practice with Lesbian, Gay, and Bisexual Clients, American Psychologist, Vol. 67, No. 1, pp. 10-42 (2012), nguồn: https://www.apa.org/pubs/ journals/features/amp-a0024659.pdf

2. Arlene Istar Lev, Transgender Emergence: Understanding Diverse Gender Identities and Expressions (2004), http://www.choicesconsulting.com/ assets/pro_writing/transgender%5B1%5D.pdf

3. Factor, R., & Rothblum, E., Exploring gender identity and community among three groups of transgender individuals in the United States: MTSs, FTMs, and genderqueers, Health Sociology Review, 17(3), 235-253 (2008)

4. Hage & Karim, Ought GIDNOS get nought? Treatment options for nontranssexual gender dysphoria (2008), https://www.semanticscholar. org/paper/Ought-GIDNOS-get-nought-Treatment-options-for-Hage-Karim/d3d0fd86b476aeeec29398ee7622da78ea93d410

5. Nguyễn Văn Hợi, Khái niệm, đặc điểm và bản chất của chuyển đổi giới tính, Tạp chí Luật học (Trường Đại học Luật Hà Nội), số 02, tr. 19-33 (2019)

6. Lori Chambers, “Unprincipled exclusions: Feminist Theory, transgender jurisprufdence, and Kimberly Nixon”, Canadian Journal off Woman and the Law, Volume 19, Number 2, pp.305-334 (2007)

7. Mistress Dede, Sex change: A simple guide to sex reassignment (2014)

8. Phạm Quỳnh Phương, Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam - Tổng luận các nghiên cứu, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội (2014)

9. Trương Hồng Quang, Người chuyển giới tại Việt Nam dưới góc nhìn pháp lý, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Viện Nghiên cứu lập pháp), số 21, tr. 35-42 (2013)

10.Trương Hồng Quang, Quyền lao động của người chuyển giới tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Viện Nghiên cứu lập pháp), số 20, tr. 03-12 (2021)

11.Trương Hồng Quang, Quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính tại Việt Nam: Từ nhận thức đến thực tiễn, Sách chuyên khảo, NXB. Tư pháp, Hà Nội (2022)

12.Social Exchange Theory, https://pdfs.semanticscholar.org/f789/ c169a5ed5f8edb77fae2a654e572c987a3b9.pdf

13.UNDP-USAID Vietnam, Quyền nuôi con nuôi của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam - Thực trạng và Khuyến nghị, tr. 20 (2014)

14.Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, Báo cáo nghiên cứu “Người chuyển giới ở Việt Nam - Những vấn đề thực tiễn và pháp lý, Hà Nội (2012)

15.Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, Báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam”, Hà Nội (2017)

16.WAPTH, Tiêu chuẩn Chăm sóc Sức khỏe của người chuyển giới và người không theo chuẩn giới, Người dịch: BS. Nguyễn Tấn Thủ và cộng sự, Hiệu đính: Lương Thế Huy, Vương Khả Phong (iSEE), tr.53, https://www.wpath.org/media/cms/Documents/SOC%20v7/SOC%20V7_Vietnamese.pdf

* TS. Trương Hồng Quang, Luật sư, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Duyệt đăng 15/01/2024. Email: hq8710@gmail.com, SĐT: 0979.268.720

[1] American Psychological Association

Cùng chuyên mục

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Cấu thành tội trốn thuế - Nhìn từ góc độ Luật học so sánh và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng một xã hội thực sự vì con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Một số nội dung lớn tại các diễn đàn đa phương quốc tế, khu vực trong thời gian gần đây và hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật hay còn gọi là tham nhũng chính sách, là hình thức tham nhũng lớn, vô cùng phức tạp; là biểu hiện tha hóa quyền lực nhà nước ở mức độ cao nhất; là sự "bắt tay" giữa các chủ thể công, tư, "nhóm lợi ích", "nhóm thân hữu" nhằm trục lợi chính sách từ văn bản pháp luật. Do đó, cần nhận diện đầy đủ về bản chất, đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh để góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhập khẩu phế liệu nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Trái phiếu xã hội theo hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong giai đoạn mới

Nghiên cứu lý luận -  1 tháng trước

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố chủ yếu tạo nên sức mạnh, sự thống nhất ý chí, bảo đảm cho toàn Đảng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.

Đọc nhiều