Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông báo phạt nguội vi phạm giao thông

Yến Nhi Thứ năm, 26/09/2024 - 10:32
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo qua "thông báo phạt nguội" vi phạm giao thông.

Chiêu trò giả danh cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội. (Ảnh minh họa)

Chiêu trò giả danh cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội

Theo Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, thời gian gần đây, nhiều người nhận được cuộc gọi và tin nhắn từ số lạ tự xưng là cảnh sát giao thông, thông báo yêu cầu nộp phạt nguội.

Cụ thể, anh L.H.P. (sinh năm 1995, trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn từ người tự xưng là cán bộ Đội Cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội.

Nội dung tin nhắn thông báo về việc lực lượng chức năng ghi nhận anh P. điều khiển xe gắn máy có hành vi lạng lách, đánh võng. Do đó, anh P. bị xử phạt mức từ 6-8 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Để tăng lòng tin, đối tượng còn trích dẫn các điều, khoản trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP để làm căn cứ; đồng thời "đề nghị chủ xe cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, căn cước công dân lên Đội Cảnh sát giao thông để xử phạt theo quy định của pháp luật".

Đáng chú ý, nội dung cuối cùng của tin nhắn còn có lời răn đe, dọa nạt để tạo tâm lý lo sợ cho người nhận tin nhắn. Cảm thấy nghi ngờ với nội dung tin nhắn nhận được, anh P. đã đến trực tiếp cơ quan Công an để xác minh. Nhờ đó, anh P. không mắc bẫy lừa đảo.

Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tự xưng mình là Cảnh sát giao thông để thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, kẻ lừa đảo đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản xử phạt.

Nếu nạn nhân thông báo là chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh sẽ yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: Tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.

Tiếp đến, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Những người có tâm lý nhẹ dạ, lo sợ khi giao tiếp với lực lượng chức năng, đồng thời thiếu cảnh giác sẽ làm theo các yêu cầu bị dụ dỗ và cuối cùng trở thành "con mồi", bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023, các trường hợp vi phạm phạt nguội đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp việc đi lại khó khăn và người liên quan không có điều kiện đến làm việc trực tiếp, họ có thể đến trụ sở công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính đó.

Thông báo vi phạm sẽ được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc qua phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời, đăng trên Trang Thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để người dân chủ động tra cứu, chấp hành.

Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo thông báo phạt nguội giao thông, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.

Theo các quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cán bộ chức năng thuộc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm phải xác định thông tin về phương tiện, chủ phương tiện có liên quan.

Sau đó, lực lượng chức năng gửi thông báo cho người liên quan theo thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chủ phương tiện, người điều khiển đến trụ sở làm việc. Chủ phương tiện, người điều khiển mà không cư trú tại địa bàn đó, cán bộ chức năng chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi người đó cư trú để để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.

Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản về lỗi vi phạm, chủ phương tiện hoặc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp hoặc qua nộp online qua hệ thống dịch vụ công.

Chiêu trò thao túng tâm lý để lừa đảo cấp, đổi giấy phép lái xe online

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian vừa qua, số lượng người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến đã dẫn đến một số địa điểm làm thủ tục quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt.

Điều này dẫn đến việc nhiều người dân đã tìm đến dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online với mong muốn tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc thuê dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin, thậm chí có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Hiện nay, không khó để tìm kiếm dịch vụ cấp, đổi bằng lái xe trên mạng, mức phí cho dịch vụ này từ 400.000 - 600.000 đồng, tùy nhu cầu. Thậm chí, có đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở Giao thông vận tải để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà sua khi hoàn thiện.

Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ, nếu không cẩn trọng, việc thuê dịch vụ này có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Các hình thức mạo danh, lừa đảo qua điện thoại

Ảnh minh họa.

Hiện nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi.

Theo Bộ Công an, những hình thức gọi điện thoại nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến hiện nay bao gồm:

Một là, mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh, báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người nhà phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Hai là, giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra. Các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Ba là, đối tượng lừa đảo giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về.

Đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Bốn là, mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại...

Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh, lừa đảo qua điện thoại bị xử lý như thế nào?

Lừa đảo qua điện thoại đã trở thành một vấn nạn lớn cho toàn xã hội. Các cơ quan chức năng ghi nhận, nhiều trường hợp bị lừa đảo bằng hình thức này đã bị chiếm đoạt tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng. Dư luận băn khoăn, pháp luật hiện nay quy định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại như thế nào?

Theo luật gia Phan Xuân Chiến - Phó trưởng phòng Pháp chế, Công ty Luật TNHH Sen Vàng - tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi lừa đảo qua điện thoại có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành chính đối với hành vi đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản

Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;"

"Địa điểm khác thuộc quản lý của người khác" theo điểm a Điều 15 nêu trên cần được hiểu bao gồm trên điện thoại của người sử dụng. Do vậy, khi các đối tượng có hành vi liên hệ để xâm nhập cách trái phép vào điện thoại của người dùng nhằm đánh cắp thông tin, thực hiện chiếm đoạt tài sản của người dùng thì sẽ thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Tuy nhiên, xét theo thực tế các hành vi lừa đảo nêu trên, các đối tượng thường sử dụng phương thức lừa đảo qua điện thoại với quy mô lớn, không chỉ lừa một người mà lừa rất nhiều người và chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn. Bởi vậy, khi phát hiện các đối tượng lừa đảo và xét theo tính chất, mức độ của sự việc thì các đối tượng lừa đảo đa phần bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật gia Phan Xuân Chiến phân tích, hành vi lừa đảo thông qua điện thoại là sử dụng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, người thực hiện hành vi này có thể chịu trách nhiệm hình sự với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Cụ thể, hành vi lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt tài sản bị xử lý theo bốn khung hình phạt như sau:

Khung 1: Trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạt cải tạo không giam giữ trong khoảng thời gian không quá 3 năm hoặc phạt tù trong khoảng thời gian từ 6 tháng - 3 năm.

Khung 2: Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Khung 3: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh sẽ bị phạt tù từ 07 – 15 năm.

Khung 4: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc án tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 100.000.000 đồng;

- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 - 05 năm;

- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, hành vi gọi điện thoại dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác với số tiền từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Độc giả còn vướng mắc có thể đóng góp ý kiến tại phần "Bình luận" phía dưới; liên hệ Đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0899.515.999 hoặc gửi câu hỏi cho tòa soạn tại đây để được hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Hà Nội: Xử lý nhiều học sinh, phụ huynh vi phạm giao thông trong ngày đầu cao điểm

Hà Nội: Xử lý nhiều học sinh, phụ huynh vi phạm giao thông trong ngày đầu cao điểm

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Trong ngày đầu thực hiện đợt cao điểm, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với nhiều trường hợp học sinh THCS, THPT, phụ huynh học sinh...

Đề xuất bãi bỏ 13 thông tư trong lĩnh vực đất đai

Đề xuất bãi bỏ 13 thông tư trong lĩnh vực đất đai

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bãi bỏ 13 Thông tư trong lĩnh vực đất đai nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong thi hành Luật Đất đai 2024.

Từ 1/1/2025, tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt tiền, tước bằng lái

Từ 1/1/2025, tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt tiền, tước bằng lái

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  10 giờ trước

(PLPT) - Từ 1/1/2025, thời gian làm việc của người lái xe phải bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo đó, tài xế lái xe kinh doanh vận tải không được lái xe quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

Cảnh giác trang mạng giả mạo khách sạn để lừa đảo tiền đặt phòng

Cảnh giác trang mạng giả mạo khách sạn để lừa đảo tiền đặt phòng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  23 giờ trước

(PLPT) - Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi cảnh báo về việc xuất hiện các hình thức lừa đảo đặt phòng khách sạn du lịch.

Tăng cường xử phạt các doanh nghiệp phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác

Tăng cường xử phạt các doanh nghiệp phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xử phạt 2 doanh nghiệp vì phát tán tin nhắn rác.

Cô gái 9X giăng bẫy huy động vốn đầu tư bất động sản: Điểm mặt 9 chiêu thức lừa đảo nhà đất phổ biến nhất

Cô gái 9X giăng bẫy huy động vốn đầu tư bất động sản: Điểm mặt 9 chiêu thức lừa đảo nhà đất phổ biến nhất

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Từ vụ cô gái 9X lừa đảo, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng với chiêu trò huy động vốn đầu tư bất động sản, cùng điểm mặt 9 chiêu thức lừa đảo nhà đất phổ biến mà người dân dễ 'sập bẫy' nhất.

Giả danh thầy tu kêu gọi từ thiện, bán thuốc nam 'dỏm'

Giả danh thầy tu kêu gọi từ thiện, bán thuốc nam 'dỏm'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Có đối tượng giả danh một nhà sư thường xuyên làm từ thiện để kêu gọi, quyên góp ủng hộ tiền. Nhóm đối tượng khác giả danh thầy tu để bán thuốc chữa bệnh xương khớp 'dỏm'.

Hơn 3.700 phạm nhân được đặc xá, ông Đinh La Thăng, Chu Ngọc Anh không nằm trong danh sách

Hơn 3.700 phạm nhân được đặc xá, ông Đinh La Thăng, Chu Ngọc Anh không nằm trong danh sách

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho hơn 3.700 phạm nhân có đủ điều kiện được hưởng đặc xá từ ngày 01/10. Đáng chú ý, cựu Bí thư TPHCM Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh không nằm trong danh sách được đặc xá đợt này.