Nghiên cứu lý luận

Tội phạm hóa các hành vi bạo lực giới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam

Nguyễn Kim Chi Thứ tư, 18/12/2024 - 10:34
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Bạo lực trên cơ sở giới hay bạo lực giới là hình thức phân biệt đối xử với con người dựa trên giới tính của họ. Đây là vấn đề đã và đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự, để xử lý những hành vi liên quan đến bạo lực giới. Bài viết phân tích những vấn đề lý luận và đánh giá thực trạng tội phạm hóa các hành vi bạo lực giới tại Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự để xử lý hiệu quả hành vi bạo lực giới.

Từ khóa: tội phạm hóa, pháp luật hình sự, bạo lực giới, kiến nghị hoàn thiện

Abstract: Gender-based violence or gender violence is a form of discrimination against people based on their gender. This is a problem that has existed in many countries and territories in the world, including Vietnam. To address this problem, Vietnam has issued various legal documents, including firstly criminal law to handle gender-based violences. This article analyzes theoretical issues and the current state of criminalization of gender-based violence in Vietnam, anh hence, proposes recommendations for furrther improvements of criminal law to effectively handle gender-based violences.

Keywords: criminalization, criminal law, gender-based violence, recommendations for improvement

1. Những vấn đề lý luận về tội phạm bạo lực giới

1.1 Khái niệm về giới

Giới (Gender) là khái niệm đa chiều và phức tạp, được nghiên cứu bởi nhiều ngành khoa học xã hội như nhân học, tâm lý học, xã hội học, luật học,... Theo khoản 1 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006, "giới" chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội, hay "Giới được định nghĩa là vai trò, hành vi, hoạt động và thuộc tính mang tính xã hội mà một xã hội/ cộng đồng nhất định cho là phù hợp với phụ nữ và nam giới"[1]. Nói như vậy có nghĩa là, "Giới" bao gồm các vị thế, hành vi, chuẩn mực và kỳ vọng xã hội liên quan đến nam và nữ[2], hay nói cách khác, "Giới" là khái niệm được xây dựng dựa trên các đặc điểm xã hội từ bên ngoài áp đặt lên cá nhân mang một giới tính cụ thể[3], đó có thể là những nhận thức của xã hội, những tiêu chuẩn, khuôn mẫu về các đặc điểm điển hình mà người nữ hoặc người nam thường có hoặc phải có.

Khác với "Giới", "Giới tính" có nội hàm khái niệm là các đặc điểm tự nhiên/sinh học, đặc điểm về thể chất của một cá nhân (cơ quan sinh dục, cơ quan sinh sản khác, nhiễm sắc thể, hormone ...) và các đặc điểm thể chất thứ cấp xuất hiện ở tuổi dậy thì.

Bên cạnh đó, khái niệm "giới" cũng cần được phân biệt với một số khái niệm liên quan và dễ gây hiểu lầm như: bản dạng giới (Gender identity), thể hiện giới (Perceived sex) hoặc xu hướng tính dục (Sexual orientation). Cụ thể: "Bản dạng giới" là nhận định rõ ràng của một người về bản thân họ thuộc giới tính nào. Bản dạng giới không phụ thuộc vào giới tính (đặc điểm tự nhiên/sinh học) của cá nhân mà phụ thuộc vào cảm nhận hay sự tự nhận định của bản thân họ, ví dụ một người có vẻ ngoài là nữ (mang những đặc điểm sinh học của nữ như bộ phận sinh dục nữ, cơ quan sinh sản của nữ,..) nhưng lại cho rằng mình là nam giới và thích sống cuộc sống của người nam giới và ngược lại. "Thể hiện giới là cách một người lựa chọn để thể hiện ra bên ngoài (ngoại hình, lời nói hoặc hành vi) về việc mình thuộc giới tình nào, việc thể hiện này có thể đồng nhất hoặc có sự khác biệt với giới tính hoặc bản dạng giới của họ. "Xu hướng tính dục" là cảm nhận của mỗi người rằng mình có hấp dẫn tình cảm hoặc có nhu cầu tình dục đối với những người cùng giới hay khác giới. Hiện nay, xã hội đã bước đầu thừa nhận sự tồn tại khách quan của những người có xu hướng tính dục không phổ biến, nghĩa là xu hướng tính dục của họ không tuân theo thuyết "nhị nguyên giới tính[4]". Trong đó có những người đồng tính (homosexual - bị hấp dẫn bởi những người đồng giới), người song tính (bisexual - bị hấp dẫn bởi cả hai giới tính), người toàn tính (pansexual - bị hấp dẫn bởi cả hai giới tính và bởi cả những người được cho là không thuộc về hai giới tính nam và nữ, người vô tính (A-sexual - không bị hấp dẫn bởi bất kỳ giới tính nào). Ngoài thừa nhận người có xu hướng tính dục không phổ biến, xã hội còn chấp nhận sự tồn tại khách quan của người liên giới tính (intersex - những cá nhân khi sinh ra có bộ phận sinh dục hoặc sinh sản không nhất quán, không rõ ràng để xác định họ thuộc giới tính nào) và những người chuyển giới (transgender - người có đặc điểm giới tính bình thường nhưng ở góc độ bản dạng giới, lại cảm thấy mình có giới tính khác và tùy trường hợp, họ có thể muốn phẫu thuật để có đặc điểm thể chất phù hợp với giới tính mà họ mong muốn[5].

Tóm lại, từ những phân tích ở trên có thể hiểu "giới" là một khái niệm thể hiện hiện sự định kiến, quan niệm của xã hội đối với mỗi cá nhân thuộc giới tính nam và giới tính hiện. Đồng thời, "giới" cũng chính là những kỳ vọng, vai trò và vị trí của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.

1.2. Khái niệm tội phạm bạo lực trên cơ sở giới

"Bạo lực" (violence) là một hiện tượng xã hội mang tính phổ biến, không xa lạ trong mọi xã hội. Bạo lực được hiểu tương đối thống nhất là những dạng xử sự làm tổn thương người khác về cả thể chất lẫn tinh thần. Theo từ điển Cambridge, "bạo lực" là những hành động có chủ ý làm tổn thương người khác. (“violence” is actions that are intended or likely to hurt people).[6] Liên Hợp Quốc cho rằng: Bạo lực là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại về mặt vật lý hoặc tâm lý đối với người khác, đặc biệt khi nó liên quan đến sức mạnh hoặc quyền lực[7]. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo lực là việc sử dụng cố ý sức mạnh hoặc quyền lực, dưới dạng đe dọa hoặc thực hiện, chống lại bản thân, người khác hoặc một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại, tử vong, tổn thương tâm lý, phát triển không bình thường hoặc lệch lạc[8].

Từ những phân tích ở trên, có thể hiểu “Bạo lực giới” là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Bạo lực giới bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó. Khái niệm này được sử dụng để phân biệt bạo lực thông thường với bạo lực nhằm vào các cá nhân hoặc nhóm cá nhân trên cơ sở sự phân cấp quyền lực do những khác biệt giới gây ra, nạn nhân không chỉ là phụ nữ mà còn bao gồm cả nam giới và trẻ em trai.

Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR 2003) sử dụng thuật ngữ bạo lực giới dựa trên Điều 1 và 2 của Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ năm 1993 và Đề xuất thứ 19, đoạn 6 của Kỳ họp thứ 11 Hội đồng CEDAW. Theo đó, bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe doạ dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó...

Bạo lực trên cơ sở giới được hiểu là bao gồm nhưng không giới hạn ở những hình thức sau:

a) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong gia đình bao gồm đánh đập, bóc lột tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em trong gia đình, bạo lực liên quan đến của hồi môn, cưỡng hiếp trong hôn nhân, làm tổn thương bộ phận sinh dục phụ nữ, và những phong tục truyền thống khác tổn hại đến người phụ nữ, bạo lực ngoài mối quan hệ vợ chồng và bạo lực liên quan đến sự bóc lột.

b) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong cộng đồng bao gồm cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, đe doạ và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tại các cơ sở giáo dục, và bất kỳ đâu, buôn bán phụ nữ và ép buộc hoạt động mại dâm.

c) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý do nhà nước gây ra hoặc bao che, bỏ qua, cho dù xảy ra ở bất kỳ nơi nào.[9]

Công ước của Hội đồng Châu Âu về Phòng ngừa và trấn áp bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình năm 2011 (Công ước Istanbul) thì “bạo lực đối với phụ nữ” được hiểu là “tất cả các hành vi bạo lực trên cơ sở giới nhằm gây ra hoặc có khả năng gây ra tổn hại về thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế hoặc đau khổ cho phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa thực hiện những hành vi đó, ép buộc hoặc tước đoạt tự do một cách tùy tiện, xảy ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư”. Như vậy khái niệm về bạo lực trên cơ sở giới tại công ước Istanbul rộng hơn so với Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ năm 1993.

Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, chưa có một văn bản nào đưa ra định nghĩa về bạo lực giới. Luật Bình đẳng giới 2006 đã đề cập đến thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10. Tuy nhiên, Luật này không đưa ra định nghĩa thế nào là bạo lực giới.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, hành vi bạo lực gia đình được quy định như sau: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định hành vi bạo lực kinh tế bao gồm:

- Chiếm đoạt hoặc hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của các thành viên khác trong gia đình;

- Cưỡng ép các thành viên trong gia đình phải học tập hoặc lao động quá sức mình, cưỡng ép các thành viên đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ cũng như kiểm soát tài sản và thu nhập của các thành viên trong gia đình nhằm mục đích tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất và lệ thuộc về mặt tinh thần.

Hành vi bạo lực gia đình theo pháp luật Việt Nam được xác định là có chủ ý (nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật và biết rõ về hậu quả, nhưng vẫn tiếp tục hành động hoặc mong muốn hậu quả đó xảy ra), gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục hoặc kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình.

Như vậy, mặc dù vẫn còn những quy định khác nhau về khái niệm bạo lực trên cơ sở giới, nhưng có thể thấy có bốn loại bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, bạo lực về kinh tế

Các hình thức bạo lực giới thường xảy ra như: Bạo lực gia đình, mua bán người, mại dâm, quấy rối tình dục, lựa chọn giới tính khi sinh… Các hành vi bạo lực nói chung có thể được xem xét thành hai nhóm: bạo lực giới trong phạm vi gia đình và bạo lực trong cộng đồng.

Hành vi bạo lực giới nếu gây nguy hiểm cho xã hội đáng kể thì có thể bị coi là hành vi phạm tội.

Từ những phân tích trên có thể hiểu các tội phạm bạo lực giới là những hành vi bạo lực trên cơ sở đối xử phân biệt về giới do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý gây hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế của người khác và bị xử lý hình sự.

1.3. Đặc điểm tội phạm bạo lực sở giới

Bạo lực giới có những đặc điểm sau:

- Là hành vi bạo lực trên cơ sở đối xử phân biệt về giới bao gồm những hành động hoặc không hành động phạm tội gây đau đớn về thể chất, tinh thần, tình dục, sự tự do, kinh tế.

Bạo lực về thể chất là những hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực gây tổn thương về thể chất của nạn nhân.

Bạo lực về tinh thần là những hành vi bạo lực về tinh thần bao gồm, dùng các lời chửi mắng, thóa mạ, đe dọa; gây sự cãi nhau; ghen; kiểm soát nạn nhân.

Bạo lực tình dục là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc những hành vi khác nhằm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ trái ý muốn với nạn nhân. Đa phần (30-40%) chủ thể của bạo lực tình dục là người chồng, hoặc bạn tình cũ hoặc mới[10]. Một biểu hiện khác của bạo lực tình dục là loạn luân – hành vi quan hệ tình dục giữa những người có quan hệ những mức độ khác nhau về huyết thống nhưng không phải là quan hệ vợ chồng. Loại hành vi bạo lực này đặc biệt nghiêm trọng khi nạn nhân là trẻ em mà đa phần (70%) là trẻ em gái. Nguy hiểm hơn nữa là đối với các trẻ em nam bởi tính chất biến thái và hậu quả nặng nề như lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, nhiễm HIV v.v...

Bạo lực về mặt kinh tế là những hành vi mà chủ thể là một thành viên là người đã thành niên trong gia đình ngăn cản một hoặc một số thành viên khác trong gia đình sử dụng và định đoạt tài sản, tiền bạc mà người đó có quyền, hoặc là hành vi gây áp lực vật chất đối với người chưa thành niên trong gia đình (con, cháu, em). Có thể nói, biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới về mặt kinh tế là hết sức đa dạng, trong đó bao gồm cả những hành vi như từ chối nuôi dạy con[11]

- Chủ thể là người có đủ năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS. Chủ thể hành vi bạo lực thể chất trong đại đa số các trường hợp là người chồng hoặc người cha trong gia đình trong nhiều trường hợp là bạn tình hiện tại hoặc bạn tình cũ của người phụ nữ với việc sử dụng các hành vi như đánh đập, ném đồ vật vào người, lột quần áo, nguy hiểm nhất là những hành vi gây thương tích nặng, giết người. Khảo sát thực tế cho thấy, 75,80%) các hành vi bạo lực này xẩy ra trong các gia đình đã có nhiều năm chung sống, có con cái. Nhân vật “chồng vũ phu” cũng hết sức đa dạng và có thể từ nhiều tầng lớp xã hội.[12]

- Người bị hại đa phần là phụ nữ, trẻ em, người dễ bị tổn thương khác.

Bạo lực giới là vấn đề của mọi thời đại và mang tính toàn cầu. Phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai đều có nguy cơ bị bạo lực giới. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và chịu tác động nặng nề nhất do bạo lực giới gây ra. Các nhóm người dễ bị tổn thương, nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt có nhiều nguy cơ phải hứng chịu bạo lực giới. Vấn đề này xảy ra nghiêm trọng hơn ở các nước với thiết chế xã hội nam giới có nhiều quyền hơn phụ nữ, phụ nữ bị đối xử bất công và rơi vào thế lệ thuộc.

2. Thực trạng tội phạm hóa các hành vi bạo lực giới tại Việt nam

Việt Nam là quốc gia tích cực trong xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Cụ thể, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1981; cam kết thực hiện kế hoạch hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển tại Cai- rô năm 1994, Cương lĩnh hành động của Hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995. Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Công ước CEDAW cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã góp phần tạo ra một khuôn khổ pháp lý và chính sách để giải quyết tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam (UNFPA, 2012).

Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến bạo lực giới đã được thông qua như: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Nhiều Chương trình, kế hoạch hành động về phòng chống bạo lực giới được xây dựng và thực hiện như Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025 và đặc biệt những hành vi bạo lực giới còn có thể bị xử lý bằng pháp luật hình sự. Điều này cho thấy, Việt Nam đã thực sự coi bạo lực giới là một vấn nạn nghiêm trọng của xã hội và có những đối sách tương đối toàn diện để tuyên chiến với tình trạng này.

Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Cụ thể hóa nguyên tắc hiến định về quyền bình đẳng giới, BLHS năm 2015 quy định như sau: "Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là giải phóng phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình quyền. Các quyền của phụ nữ được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong đó có thể kể đến những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như: Hiến pháp năm 2013 Bộ luật lao động 2019, Bộ luật dân sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2000……Tuy nhiên, trên thực tế các quyền của phụ nữ vẫn thường xuyên bị xâm phạm; sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ vẫn diễn ra trong gia đình và ngoài xã hội. Điều đó đòi hỏi cần phải có hệ thống chế tài để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Trong đó, chế tài nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với những hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quyền của phụ nữ được quy định trong luật hình sự.

2.1. Tội phạm hóa hành vi bạo lực thể chất

Bộ luật hình sự năm 2015, có nhiều quy định về các tội phạm về bạo lực trong đó có bạo lực về thể chất. Cụ thể tại Chương 14 có 11 tội gắn với bạo lực thể chất. Tùy theo mức độ nguy hiểm đối với xã hội, khung hình phạt cho các tội liên quan đến bạo lực thể chất nằm trong giới hạn cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (Khoản 1 Điều 126) đến mức án tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 1 Điều 123). Liên quan đến quan hệ giữa các thành viên gia đình, có một tội chỉ áp dụng đối với phụ nữ- người mẹ là tội Giết hoặc vứt con mới đẻ (Điều 124). Trên thực tế cũng có trường hợp người bố do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt mà giết con mới đẻ nhưng chỉ có phụ nữ - người mẹ mới được hưởng chính sách hình sự ở tội Giết hoặc vứt con mới đẻ (Điều 124) với khung hình phạt nhẹ hơn tội Giết người rất nhiều. Điều luật này thể hiện rất rõ quan điểm giới như tâm lý phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh hoặc thay đổi về sinh học dễ khiến cho phụ nữ sau sinh có hành vi lệch lạc.

Các tội danh liên quan đến việc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định các tội danh này trong 7 điều từ 134 đến 140.

Cùng với việc quy định các tội danh xử lý hành vi bạo lực thể chất, pháp luật còn quy định các hành vi phạm tội đối với phụ nữ là tình tiết định khung tăng nặng. Có thể kể đến các tội danh như: Tội giết người (điểm c khoản 1 Điều 123 – “giết phụ nữ mà biết là có thai”); Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (điểm b Khoản 2 Điều 127- Đối với phụ nữ mà biết là có thai); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (điểm c khoản 1 Điều 134 – “đối với phụ nữ mà biết là có thai”); Tội hành hạ người khác (điểm a khoản 2 Điều 140- “đối với phụ nữ mà biết là có thai”). Như vậy, trong nhiều tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự, yếu tố bạo lực đối với phụ nữ đóng vai trò là tình tiết định khung tăng nặng đối với người phạm tội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người phạm tội bạo lực đối với phụ nữ sẽ phải chịu mức hình phạt cao hơn những trường hợp thông thường.

2.2. Tội phạm hóa hành vi bạo lực tình dục

Bạo lực tình dục là hành vi ép buộc hoặc thao túng người khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Bạo lực tình dục có thể để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe, tình cảm và tâm lý của nạn nhân. Đa số nạn nhân của hành vi bạo lực tình dục là phụ nữ. Bộ luật hình sự năm 2015 đã tội phạm hóa những hành vi bạo lực tình dục, đặc biệt là những hành vi xâm hại tình dục mới như hành vi quan hệ tình dục khác, hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi nhằm mục đích khiêu dâm.

Nếu có hành vi dùng vũ lực, đe đọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân thì cấu thành Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142). Nếu dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng cuỗn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì cấu thành tội Tội cưỡng dâm (Điều 143) hoặc Tội cưỡng dâm người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144). Ngoài ra nếu người đủ 18 tuổi trở lên có hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc dâm ô người dưới 16 tuổi hoặc sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì hành vi đó cấu thành Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm ( Điều 147). Các tội phạm bạo lực tình dục có khung hình phạt rất nghiêm khắc. Đặc biệt đối với hành vi bạo lực tình dục với trẻ em thì khung hình phạt lại càng nghiêm khắc (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi khung hình phạt có thể ở lên đến tử hình).

Tại Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, còn có các tội danh như: Tội chứa mại dâm (Điều 327); Tội môi giới mại dâm (Điều 328); Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Đây là các tội tuy nằm trong chương các tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng, nhưng lại góp phần bảo vệ quyền tự do tình dục của người phụ nữ. Ngoài ra còn có những điều luật liên quan gián tiếp đến bạo lực tình dục như: Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148); Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149); …

Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định những hành vi mua bán người để bóc lột tình dục là tội phạm và phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc. Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện việc chuyên giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục thì phải chịu mức án từ 05 năm đến 10 năm nếu không có các tình tiết định khung tăng nặng khác.

Cùng với việc quy định các tội danh xử lý hành vi bạo lực tình dục, các nhà làm luật còn quy định các hành vi phạm tội đối với người thân trong gia đình là tình tiết định khung tăng nặng. Hầu hết các tội xâm hại tình dục như tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16, tội cưỡng dâm, tội cưỡng dâm người dưới 16 tuổi v.v đều quy định tình tiết “phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh”, “có tính chất loạn luân” là những tình tiết định khung tăng nặng.

Như vậy, trong nhiều tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự, yếu tố bạo lực tình dục đối với người thân trong gia đình đóng vai trò là tình tiết định khung tăng nặng đối với người phạm tội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người phạm tội bạo lực tình dục đối với họ sẽ phải chịu mức hình phạt cao hơn những trường hợp thông thường.

2.3. Tội phạm hóa hành vi bạo lực tinh thần

Bạo lực tinh thần là những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của con người. Bạo lực tinh thần không để lại dấu vết trên cơ thể nhưng gây ra tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tội phạm hóa những hành vi bạo lực tinh thần. Nếu hành vi thường xuyên ức hiếp, ngược đãi, làm nhục người lệ thuộc mình làm cho người đó tự sát thì cấu thành tội bức tử (Điều 130), nếu người phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai thì cũng là tình tiết định khung tăng nặng; Nếu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì cấu thành tội làm nhục người khác (Điều 155); Nếu có hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ đến cơ quan có thẩm quyền thì cấu thành tội vu khống (Điều 156).. Bộ luật Hình sự còn có các điều luật quy định các tội danh xâm phạm đến các quyền bình đẳng, quyền tự do hôn nhân của phụ nữ như: Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới (Điều 165). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình với các điều khoản từ điều 181 đến điều 187: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (điều 181), Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (điều 182), Tội tổ chức tảo hôn (điều 183), Tội loạn luân (điều 184), Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng (điều 185),

Như vậy, những hành vi bạo lực tinh thần mặc dù có thể không gây đau đớn về thể xác, nạn nhân có thể không bị những vết thương thể xác nhưng hành vi đó đã gây nên những tổn hại về tâm lý, tinh thần, tình cảm của con người. Đây là những hành vi không chỉ bị lên án về đạo đức mà cần phải bị xử lý bằng pháp luật.

2.4. Tội phạm hóa hành vi bạo lực kinh tế

Bạo lực kinh tế thường thường thực hiện thông qua các hành vi như cản trở việc có một nghề nghiệp hoặc công việc hợp pháp, tước đoạt hoặc đe dọa tước đoạt các nguồn tài chính, cản trở quyền sử dụng hoặc thừa hưởng của vợ chồng, cộng đồng và quyền sở hữu tài sản chung, cũng như phá hủy tài sản trong gia đình.

Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có những quy định xử lý hành vi bạo lực kinh tế trên cơ sở giới nhưng có những quy định gián tiếp về việc xử lý hành vi bạo lực kinh tế thông qua việc xử lý những hành vi gây thiệt hại về tài sản như Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS, Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS), Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178), Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186)

Như vậy, bằng các quy định trên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã trực tiếp hoặc gián tiếp xử lý những hành vi bạo lực giới, có thể là bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần hay bạo lực kinh tế với những hình phạt tương ứng, bao gồm cả hình phạt tử hình (tức là thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng). Điều này thể hiện sự nghiêm khắc của Nhà nước và xã hội đối với những hành vi bạo lực, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh các quy định về những tình tiết tăng nặng định khung, các hành vi phạm tội đối với phụ nữ, trẻ em, đối với người thân trong gia đình còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà người thực hiện hành vi phạm tội phải gánh chịu. Trong đó có quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015“phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai”, điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Phạm tội đối với người lệ thuộc mình về vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác”

Những quy định về tội phạm liên quan đến bạo lực là, công cụ pháp lý ngăn chặn hữu hiệu các hành vi bạo lực trong đó có bạo lực giới.

3. Những kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về tội phạm hóa hành vi bạo lực trên cơ sở giới

Pháp luật hình sự Việt Nam không chỉ nghiêm minh, giàu tính nhân văn mà còn thấm nhuần quan điểm giới. Điều này thể hiện ở việc áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các tội phạm chống lại phụ nữ, trẻ em gái. Theo kết quả của Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam các năm 2019, 2021 và năm 2023 của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thì gần 2/3 (62,9%) phụ nữ từng bị bạo lực về thể xác, tâm lý - tinh thần hoặc hành vi kiểm soát, hoặc bạo lực kinh tế do chồng/ bạn tình gây ra tại một thời điểm nào đó trong đời, chỉ số đó đang có xu hướng tăng về mức độ và tính chất nghiêm trọng trong những năm gần đây[13]. Tổng hợp số hành vi bạo lực gia đình của hai năm 2015-2016 trên bề nổi cũng đã lên đến con số 13.204 vụ[14].

Trong một công bố kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam, cũng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, với sự hỗ trợ của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFDA), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, kết quả khảo sát xã hội học đối với 6 nghìn phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 đã cho những số liệu sau:

+ Có 2/3 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong vòng 12 tháng gần nhất).

+ Có 26,1% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời và có 13,3% phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời, 13,9% trong số đó là phụ nữ ở độ tuổi 18-24, có 4,4% phụ nữ bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.

+ Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực nhiều hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật[15].

Hiện nay, Bộ luật hình sự vẫn chưa có Chương riêng quy định về các tội phạm bạo lực giới. Vấn đề có cần quy định tội phạm bạo lực giới trong Chương riêng hay không vẫn còn nhiều quan điểm. Có quan điểm cho rằng cần xây dựng một chương riêng về các tội phạm bạo lực giới trong phần các tội phạm trong BLHS[16]. Như vậy, sẽ có nhóm tội phạm “bạo lực giới” lấy tiêu chí nạn nhân làm căn cứ phân loại, có nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu dựa trên nội hàm khách thể làm căn cứ phân loại hoặc lấy đặc điểm nhân thân làm căn cứ phân loại sẽ có các nhóm tội phạm như các tội tham nhũng, chức vụ…v.v...

Việc xác định một nhóm tôi phạm riêng luôn xuất phát từ mức độ phổ biến (về số lượng, về tính chất nguy hiểm cho xã hội) của các hành vi, trong trường hợp này là các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Thiết nghĩ, những con số về tình hình bạo lực trên cơ sở giới trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng đủ để khẳng định sự cần thiết của việc phân nhóm tội phạm này trong Luật Hình sự và trong Tội phạm học.[17]

TS Nguyễn Mai Bộ cho rằng nếu quy định “vì lý do giới” là tình tiết định tội thì sẽ phải quy định hai tội phạm cùng tính chất. Ví dụ tội Giết người và tội Giết người vì lý do giới và điều này về kỹ thuật lập pháp rất khó thực hiện.[18] Tác giả cũng đồng tình với quan điểm này vì hành vi bạo lực giới xâm hại đến nhiều khách thể (nhân thân, sở hữu .v.v.) nên việc quy định thành Chương riêng hoặc quy định tội danh riêng rất khó trong quá trình lập pháp. Phương án phù hợp là vẫn để các tội phạm bạo lực giới nằm ở các chương khác nhau như hiện nay tùy theo khách thể nhưng cần có sự hoàn thiện hướng tới sự đảm bảo bình đẳng giới trong xử lý các tội phạm bạo lực giới. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện nội dung tội phạm hóa hành vi bạo lực giới theo những định hướng sau:

Thứ nhất, tội phạm hóa hành vi quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, gây ra bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu cho người bị quấy rối. Hiện nay pháp luật hình sự mới chỉ xử lý hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS). Còn hành vi dâm ô, quấy rối tình dục đối với người trên 16 tuổi thì chưa có quy định xử lý hình sự. Do vậy cần tội phạm hóa hành vi dâm ô đối với người trên 16 tuổi

Thứ hai, tội phạm hóa hành vi cắt bộ phận sinh dục. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hành vi cắt bộ phận sinh dục là biểu hiện của cố ý gây thương tích được phát hiện thường xảy ra đối với nạn nhân là nam giới, mà phổ biến nhất là trường hợp vợ cắt dương vật, tinh hoàn của chồng do chồng ngoại tình, ghen tuông [19]hoặc do chồng có hành vi xâm hại tình dục đối với con gái hoặc con riêng của vợ.[20]Việc nam hay nữ bị cắt bộ phận sinh dục không chỉ gây đau đớn về thể xác, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Vì vậy, hành vi cắt bộ phận sinh dục nếu chỉ xử lý tội Cố ý gây thương tích Điều 134 BLHS năm 2015 thì chưa phản ánh được hết mức độ nguy hiểm của hành vi mà cần quy định tội danh riêng cho hành vi này.

Thứ ba, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác với tỉ lệ thương tích dưới 11% nhưng nếu thuộc trường hợp chồng đánh vợ hoặc ngược lại thì không thể xử lý hình sự. Điểm d khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định trường hợp phạm tội đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo của mình, người nuôi dưỡng chữa bệnh cho mình là tình tiết định tội nếu tỉ lệ gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe dưới 11% mà không quy định trường hợp phạm tội với vợ (chồng). Hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe đối với vợ (chồng) cũng là những hành vi gây thương tích với những người thân, là hành vi bạo lực gia đình, cần xử lý nghiêm. Vì vậy cần bổ sung tình tiết phạm tội đối với vợ (chồng) là tình tiết định tội trong trường hợp tỉ lệ thương tích dưới 11%.

Thứ tư, tội phạm hóa hành vi cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản. Hành vi cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản là những hành vi nhằm chấm dứt thai kỳ hay chấm dứt khả năng sinh sản của phụ nữ mà không được sự đồng ý của họ. Những hành vi này xâm phạm nghiêm trọng quyền mang thai, quyền sinh sản của phụ nữ, qua đó, xâm phạm đến sự an toàn về thể chất của phụ nữ. Do đó, BLHS năm 2015 cần tội phạm hóa các hành vi này thành một tội danh riêng.

Thứ năm, Điều 141 BLHS năm 2015 về tội hiếp dâm không loại trừ hành vi chồng hiếp dâm vợ. Trường hợp người vợ không đồng thuận song người chồng lại có hành vi ép buộc, dùng vũ lực đe dọa hoặc lợi dụng lúc nạn nhân không thể tự vệ được hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn thì vẫn phạm tội hiếp dâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quan điểm thống nhất trong xử lý[21]. Không ít đàn ông thường nghĩ khi đã là vợ chồng thì việc quan hệ tình dục là đương nhiên, một trong 2 bên không có quyền từ chối nên đã sử dụng vũ lực. Việc xử lý hình sự hành vi này vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, cần có hướng dẫn thống nhất theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực tình dục trong phạm vi gia đình này. Đồng thời cần quy định bổ sung dấu hiệu “Đối với vợ hoặc chồng của mình” là dấu hiệu định khung tăng nặng tại Điều 141 và Điều 143 BLHS năm 2015

Thứ sáu, cần có hướng dẫn thống nhất việc xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực kinh tế trong phạm vi gia đình. Hiện nay chưa có quan điểm thống nhất trong việc xử lý hình sự những hành vi bạo lực kinh tế trong gia đình như chồng/ vợ chiếm đoạt (trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt….) tài sản chung hay hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản chung.[22] Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Vì vậy, vợ, chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Hành vi chiếm đoạt hay hủy hoại tài sản chung có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy rất cần có hướng dẫn thống nhất theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực kinh tế trong phạm vi gia đình này.

4. Kết luận

Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề nghiêm trọng và phổ biến trên toàn thế giới, nhiều người là nạn nhân của bạo lực giới trong đó đa phần là trẻ em và phụ nữ. Vì vậy, những hành vi bạo lực giới không chỉ đáng lên án về đạo đức mà còn có thể bị xử lý bằng pháp luật và những hành vi bạo lực giới nguy hiểm ở mức độ đáng kể thì có thể coi là tội phạm. Với thực trạng pháp luật nêu trên, có thể thấy Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý quy định, xử lý các hành vi là biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới: như bạo lực giới trong gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em, quấy rối tình dục, mại dâm… bằng pháp luật hình sự nhằm đảm bảo và cải thiện môi trường sống và làm việc lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em. Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định những hành vị bạo lực giới là tội phạm, ghi nhận quyền bình đẳng giới, cấm những hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới. Tuy nhiên, thưc trạng tội phạm hóa hành vi bạo lực giới vẫn còn nhiều bất cập, nhiều hành vi bạo lực giới vẫn chưa bị quy định là tội phạm. Do vậy, cần hoàn thiện hơn nữa những quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm hóa hành vi bạo lực giới để pháp luật hình sự thực sự là công cụ hữu hiệu xử lý hành vi bạo lực giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định số 4155/QĐ- BTP ngày 26 tháng 10 năm 2011 phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Tư pháp giai đoạn 2011- 2015, Hà Nội (2011)

2. Nghị định số 70/2008/NĐ- CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới, Hà Nội (2008)

3. Nghị định số 57/2009/NĐ- CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội (2009)

4. Nghị định số 167/2013/ NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, Hà Nội (2013)

5. Nguyễn Chí Công, "Bước đầu tìm hiểu về chính sách hình sự đối với phụ nữ trong pháp luật Việt Nam hiện hành”, Tạp chí Toà án nhân dân, 5, 4-10 (2005)

6. Lê Lan Chi, “Bàn về ranh giới giữa xử lý hình sự và xử lý hành chính các hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 1 (2011)

7. Nguyễn Tuyết Mai, “Pháp luật chống BLGĐ ở Singapore nhìn từ góc độ bảo vệ quyền của phụ nữ”, Tạp chí Luật học, 2, 43-51 (2010)

8. Nghị quyết số 56/2006/NQ- QH11 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006- 2010), Hà Nội (2006)

9. Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022

10. Hiến pháp 2013

11. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

12. Quỹ phát triển phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) và Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA), Luật bình đẳng giới 2006

13. Quỹ Phát triển phụ nữ Liên hợp quốc UNIFEM, “Các nhận xét và kết luận về Việt Nam của Uỷ ban xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ”, Hà Nội (2009)

14. Quỹ Phát triển phụ nữ Liên hợp quốc UNIFEM, Nghiên cứu rà soát văn bản pháp luật Việt Nam trên cơ sở quyền và giới qua lăng kính CEDAW, Lê Thành Long chủ biên dịch, Hà Nội(2009)

15. Quỹ Phát triển Phụ nữ tại Việt Nam (UNIFEM), 15 năm thực hiện cương lĩnh hành động Bắc Kinh và kết quả của phiên họp đặc biệt lần thứ 23 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, Hà Nội (2010)

16. Võ Khánh Vinh, Các mục tiêu, các ưu tiên và các nguyên tắc của chính sách pháp luật Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, 12 (2015).

17. Võ Khánh Vinh, Chính sách pháp luật: khái niệm và các dấu hiệu, Tạp chí Khoa học xã hội, 11 (2015).

18. Võ Khánh Vinh, Đời sống pháp luật – khách thể của chính sách pháp luật, Tạp chí Khoa học xã hội, 10 (2015).

19. Võ Khánh Vinh, Về môn học: Chính sách pháp luật, Tạp chí Khoa học xã hội, 9 (2015).

20. Võ Khánh Vinh, Các phương tiện của chính sách pháp luật, Tạp chí Khoa học xã hội, 03 (2016).

21. Võ Khánh Vinh, Chính sách xây dựng pháp luật – Một loại chính sách pháp luật và một hình thức thực hiện chính sách pháp luật, Tạp chí Khoa học xã hội, 7 (2016)

22. Võ Khánh Vinh, Học thuyết pháp luật – Hình thức thực hiện chính sách pháp luật, Tạp chí Khoa học xã hội, 06 (2016).

23. Võ Khánh Vinh, Quan niệm tổng thể về chính sách xây dựng pháp luật ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội, 09 (2017).

24. HOÀNG BÁ THỊNH, BẠO LỰC GIỚI TRONG GIA ĐÌNH VIỆT NAM VÀ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN PHỤ NỮ, NXB THẾ GIỚI, HÀ NỘI (2005)

25. TRẦN VĂN QUẢNG, PHAN THỊ HỒNG HÀ, TRẦN THU HƯỜNG, SÁCH GIỚI THIỆU CÁC VĂN BẢN HIỆN HÀNH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI, VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH, NXB TƯ PHÁP, HÀ NỘI (2012)

26. Nguyễn Hải Yến, Bạo lực trên cơ sở giới trong pháp luật Việt Nam và một số khuyến nghị, Trường ĐH An ninh nhân dân, http://dhannd.edu.vn/bao-luc-tren-co-so-gioi-trong-phap-luat-viet-nam-va-mot-so-khuyen-nghi-a-2630 truy cập ngày 2.6.2024

27. Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, Quỹ Dân số LHQ: Báo cáo nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách cho việc sửa đổi Luật bình đắng giới, tr 5-11 (2023)

28. GS.TSKH Đào Trí Úc, Pháp luật Việt Nam xử lý bạo lực trên cơ sở giới: Các vấn đề chính sách, cấu trúc và cơ chế bảo đảm, Hội thảo Quốc tế về Pháp luật về xử lý bạo lực trên cơ sở giới Kinh nghiệm Quốc tế và tham khảo cho Việt Nam (2024)

29. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2019): Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, tr. 6-7; Đánh giá độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2021; Báo cáo nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách cho việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới từ góc độ bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại, Hà Nội, tr. 5-14 (2023)

30. Trần Tuyết Ánh, Bạo lực gia đình và một số giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam; Trong sách: “CÁC CHIỀU CẠNH GIỚI CỦA SỰ TÁCH BIỆT XÃ HỘI HƯỚNG TỚI CHÍNH SÁCH TOÀN DIỆN HƠN ĐỐI VỚI PHỤ NỮ”, NXB. KHOA HỌC XÃ HỘI, TR. 15-25 (2017)

31. Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: “Hành trình để thay đổi”, https://vietnam.unfpa.org/vi/news/c%C3%B4ng-b%E1%BB%91b%C3%A1oc%C3%A1o-%C4%91¡%E1%BB%81u-tra-qu%E1%BB%91с-giav%E1%BB%81-b%E1%ВА%A1o-1%Е1%BB%B1c-%

32. Xuân Lực, Hãi hùng những vụ vợ cắt của quý của chồng vì ghen, Dân Việt (27/10/2017, 18:55) https://danviet.vn/hai-hung-nhung-vu-vo-cat-cua-quy-cua-chong-vi-ghen-7777817068.htm

33. PV, Phạt 33 tháng tù treo với người vợ cắt của quý của chồng, VOV (14/12/2022, 09:26)https://vov.vn/phap-luat/phat-33-thang-tu-treo-voi-nguoi-vo-cat-cua-quy-cua-chong-post990298.vov

34. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, TS. Mai Thị Thủy, Xử lý bạo lực trên cơ sở giới: Chuẩn mực Quốc Tế và kinh nghiệm cho pháp luật hình sự Việt Nam, Hội thảo Quốc tế về Pháp luật về xử lý bạo lực trên cơ sở giới Kinh nghiệm Quốc tế và tham khảo cho Việt Nam (2024)

35. TS. Nguyễn Mai Bộ, Biện pháp phòng chống bạo lực giới theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, Hội thảo Quốc tế về Pháp luật về xử lý bạo lực trên cơ sở giới Kinh nghiện Quốc tế và tham khảo cho Việt Nam (2024)

* TS. Nguyễn Kim Chi, Khoa Pháp luật Hình sự- Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyệt đăng 12/12/2024. Email: nguyenkimchi.law@gmail.com

[1] Điều 3 Công ước của Hội đồng Châu Âu về Phòng ngừa và trấn áp bạo lực đối với phụ nữa và bạo lực gia đình năm 2011 (Công ước Istanbul)

[2] JUDITH BUTLER, GENDER TROUBLE: FEMINISM AND THE SUBVERSION OF IDENITY, ROUTLEDGE (1990).

[3] PGS.TS. Lê Lan Chi, Quan niệm về bạo lực trên cơ sở giới và một số vấn đề đặt ra đối với pháp luật xử lý bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Pháp luật về xử lý bạo lực trên cơ sở giới Kinh nghiện Quốc tế và tham khảo cho Việt nam, tr 35. (2024)

[4] "Nhị nguyên giới tính" là quan niệm giới tính chỉ gồm hai loại là nam và nữ, một cá nhân chỉ có thể là nam hoặc là nữ. Quan niệm này còn được gọi là "Thuyết nhị nguyên Descartes".

[5] PGS.TS. Lê Lan Chi, tlđd, tr.36

[6] https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/violence

[7] United Nation, Declaration on the Elimination of Violence against Women, (1993)

[8] WHO, World report of violence and health, https://www.who.int/publishcations/i/item/9241545615 (2022)

[9] 3 UNHCR. Xem tại: http://www.unhcr.org/4371faad2.pdf

[10] Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, Quỹ Dân số LHQ: Báo cáo nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách cho việc sửa đôi Luật bình đắng giới, tr 5-11 (2023)

[11] GS. TSKH Đào Trí Úc, Pháp luật Việt Nam xử lý bạo lực trên cơ sở giới: Các vấn đề chính sách, cấu trúc và cơ chế bảo đảm, Hội thảo Quốc tê về Pháp luật về xử lý bạo lực trên cơ sở giới Kinh nghiện Quốc tế và tham khảo cho Việt nam, tr 4 (2024)

[12] GS. TSKH Đào Trí Úc, tlđd, 10

[13] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2019): Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, tr. 6-7; Đánh giá độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới năm 2021; Báo cáo nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách cho việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới từ góc độ bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại, Hà Nội, 2023, tr. 5-14.

[14] TRẦN TUYẾT ÁNH. BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Ở VIỆT NAM; TRONG SÁCH: “CÁC CHIỀU CẠNH GIỚI CỦA SỰ TÁCH BIỆT XÃ HỘI HƯỚNG TỚI CHÍNH SÁCH TOÀN DIỆN HƠN ĐỐI VỚI PHỤ NỮ”, NXB. KHOA HỌC XÃ HỘI, 2017, TR. 15-25.

[15] Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: “Hành trình để thay đổi”

https://vietnam.unfpa.org/vi/news/c%C3%B4ng-b%E1%BB%91b%C3%A1oc%C3%A1o-%C4%91¡%E1%BB%8 1u-tra-qu%E1%BB%91с-giav%E1%BB%81-b%E1%ВА%A1o-1%Е1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%91iv%E1 %BB%9Bi-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-n%C4%83m-2019%E2%80%9Ch%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-%C4%91%E1%BB%83

[16] GS.TSKH Đào Trí Úc, tlđd, 10

[17] GS.TSKH Đào Trí Úc, tlđd, 10

[18] TS. Nguyễn Mai Bộ, Biện pháp phòng chống bạo lực giới theo quy định cuae Bộ luật hình sự Việt Nam, Hội thảo Quốc tê về Pháp luật về xử lý bạo lực trên cơ sở giới Kinh nghiệm Quốc tế và tham khảo cho Việt nam, tr 266, (2024)

[19] Xuân Lực, Hãi hùng những vụ vợ cắt của quý của chồng vì ghen, Dân Việt (27/10/2017, 18:55) https://danviet.vn/hai-hung-nhung-vu-vo-cat-cua-quy-cua-chong-vi-ghen-7777817068.htm

[20] PV, Phạt 33 tháng tù treo với người vợ cắt của quý của chồng, VOV (14/12/2022, 09:26) https://vov.vn/phap-luat/phat-33-thang-tu-treo-voi-nguoi-vo-cat-cua-quy-cua-chong-post990298.vov

[21] Xem các quan điểm khác nhau của các chuyên gia đối với vụ án được đăng trên báo Pháp luật Việt Nam theo đường link: Hồng Minh, Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân – vô tội hay không?, Báo Pháp luật (27/02/2020, 04:57) https://baophapluat.vn/cuong-buc-tinh-duc-trong-hon-nhan-vo-toi-hay-khong-post333281.html

[22] Xem: Nguyễn Tất Trình, Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 178 BLHS về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, Tạp chí Toà án (19/12/2020, 17:41) https://tapchitoaan.vn/nhung-kho-khan-vuong-mac-khi-ap-dung-dieu-178-blhs-ve-toi-huy-hoai-hoac-co-y-lam-hu-hong-tai-san

Cùng chuyên mục

Đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Cộng hòa Liên bang Đức và đề xuất đối với Việt Nam

Đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Cộng hòa Liên bang Đức và đề xuất đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 ngày trước

Sự tiếp nhận và phát triển một số học thuyết pháp luật hợp đồng nước ngoài trong bộ Luật Dân sự Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam

Sự tiếp nhận và phát triển một số học thuyết pháp luật hợp đồng nước ngoài trong bộ Luật Dân sự Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  4 ngày trước

Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thương mại quốc tế: Hàm ý đối với Việt Nam

Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thương mại quốc tế: Hàm ý đối với Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  5 ngày trước

Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của một số nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của một số nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  6 ngày trước

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều theo pháp luật Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) - Một số gợi mở cho Việt Nam

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu ba chiều theo pháp luật Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) - Một số gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Pháp luật bảo đảm bí mật thông tin khách hàng khi sử dụng ngân hàng số của Singapore - Kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật bảo đảm bí mật thông tin khách hàng khi sử dụng ngân hàng số của Singapore - Kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  1 tuần trước

Hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội: Quá trình hoàn thiện pháp luật và quy định hiện hành ở Cộng hòa Pháp

Hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội: Quá trình hoàn thiện pháp luật và quy định hiện hành ở Cộng hòa Pháp

Nghiên cứu lý luận -  2 tuần trước

Phòng, chống lũng đoạn nhà nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam

Phòng, chống lũng đoạn nhà nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu lý luận -  3 tuần trước

Đọc nhiều