Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Yến Nhi Thứ tư, 04/12/2024 - 14:16
Nghe audio
0:00

(PLPT) - Môi giới hôn nhân là hành vi giới thiệu, tư vấn hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Mọi cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép mà hoạt động trong lĩnh vực này đều vi phạm pháp luật, được xem là môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép. Vậy, hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Môi giới hôn nhân trái phép cho người nước ngoài bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật là gì?

Môi giới hôn nhân là hành vi giới thiệu và tư vấn hôn nhân cho công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận và cấp phép cho Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Do đó, mọi cá nhân hoặc tổ chức không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này đều vi phạm pháp luật, được xem là môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép.

Điều 51 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:

"Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Hội Liên hiệp phụ nữ)."

Điều 52 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về nguyên tắc hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, cụ thể là những nguyên tắc sau:

- Hoạt động của Trung tâm phải bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận, góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Các bên kết hôn có quyền được tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Việc tư vấn, hỗ trợ không phụ thuộc vào quốc tịch, nơi cư trú của người có yêu cầu.

- Nghiêm cấm lợi dụng việc tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Qua các quy định trên, có thể thấy hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật chính là những hành vi đi trái với nguyên tắc hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:

- Hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận; đòi hỏi tiền bạc hoặc các lợi ích khác ngoài thù lao theo đúng quy định khi thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài;

- Thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mà không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc

- Không thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho những người có yêu cầu tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình mà có yếu tố nước ngoài;

- Lợi dụng việc thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích để mua bán người, để bóc lột sức lao động, để xâm phạm tình dục hoặc vì các mục đích trục lợi khác [1].

Lợi dụng môi giới hôn nhân để lừa đảo, mua bán người xuyên quốc gia

Triệt phá đường dây mua bán người sang Trung Quốc

Vào hồi cuối tháng 9, Công an tỉnh Lào Cai đã phá thành công chuyên án, bắt giữ ổ nhóm mua bán người sang Trung Quốc [2]. Bước đầu, cơ quan Công an làm rõ thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng hoạt động môi giới hôn nhân để tìm kiếm, dụ dỗ những người phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ...

Cụ thể, vào ngày 14/9, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Công an tỉnh, Ban chuyên án tiến hành triển khai 7 tổ công tác, đồng loạt bắt giữ, khám xét đối với các đối tượng liên quan trong chuyên án gồm: Ma Seo Sẻ, SN 1994; Sùng Seo Dìn, SN 1996 cùng trú tại xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Ly Seo Nủ, SN 1995, trú tại xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; Cư Seo Đồng, SN 1997, trú tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Quá trình đấu tranh đã làm rõ, các đối tượng lợi dụng hoạt động môi giới hôn nhân để tìm kiếm, dụ dỗ những người phụ nữ Việt Nam có nguyện vọng lấy chồng Trung Quốc, sau đó giao nạn nhân cho các đối tượng môi giới để bán cho những người có nhu cầu lấy vợ, hiện đang sinh sống tại các vùng sâu nội địa nước bạn.

Qua điều tra, từ tháng 5 đến tháng 7/2023, các đối tượng đã có hành vi mua bán 4 nạn nhân sang Trung Quốc, gồm chị M.T.T., SN 2005, trú tại huyện Mường Khương; chị S.T.H., SN 2006, trú tại huyện Bảo Thắng; chị T.T.M., SN 1993, trú tại tỉnh Cao Bằng và chị V.T.S., SN 2003, trú tại tỉnh Sơn La.

Ban chuyên án đã tập trung đấu tranh quyết liệt với các đối tượng, đến ngày 18/9 đã thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội "Mua bán người" theo quy định tại Khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 [3].

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người Trung Quốc

Vào cuối tháng 6, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 6 đối tượng có hành vi tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài [4].

Trước đó, Công an tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của ông Yang Min Jun, sinh năm 1972, trú tại huyện Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tố giác một số công dân Việt Nam có hành vi lừa dảo chiếm đoạt số tiền 21.000 nhân dân tệ (NDT) của ông Yang Min Jun và một số công dân Trung Quốc khác thông qua việc môi giới cho phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Trung Quốc.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng xác minh thông tin và điều tra vụ việc. Đến ngày 21/6/2024, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Công an huyện Bảo Thắng (Lào Cai), Công an huyện Văn Yên (Yên Bái), Công an huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), Phòng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương, Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đồng loạt triệu tập các đối tượng có liên quan gồm: Lương Văn Tuân, SN 1986, trú tại xã Hà Lương, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ; Vi Thị Vĩnh (tên gọi khác là Hoa), SN 1997; Vi Thị Dự, SN 2000; Vi Thị Ngân, SN 2003; Vi Thị Nghĩa, SN 2005; Hoàng Thị Khánh, SN 2003 cùng trú tại tỉnh Bắc Giang.

Quá trình đấu tranh các đối tượng khai nhận, từ tháng 3/2024, bằng phương thức, thủ đoạn sử dụng thông tin gian dối thông qua việc môi giới cho phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Trung Quốc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 4 công dân Trung Quốc, cùng trú tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc với tổng số tiền 160.000 NDT, tương đương khoảng hơn 500 triệu đồng tiền Việt Nam.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã xây dựng kịch bản tinh vi như: thuê nhà và thuê người đóng vai bố mẹ, người thân của cô dâu để đưa nạn nhân người Trung Quốc về ra mắt gia đình.

Sau đó, các đối tượng làm giả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để gả cưới cho chú rể người Trung Quốc. Mục đích của các đối tượng là chiếm đoạt tiền và quà sính lễ để cùng nhau ăn chia. Sau đó, cô dâu sẽ bỏ trốn, không thực hiện lễ hỏi cưới như đã thỏa thuận.

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

Những cá nhân và tổ chức thực hiện hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài mà vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với hình phạt hoặc trách nhiệm pháp lý tùy thuộc vào mức độ, tính chất, mục đích, và động cơ của hành vi đó.

Trong trường hợp vi phạm hành chính, họ có thể bị xử lý theo quy định về vi phạm hành chính. Nếu hành vi của họ đạt đến mức độ nghiêm trọng, có thể dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những cá nhân và tổ chức thực hiện hành vi tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mà không tuân thủ quy định pháp luật, họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên chưa đạt đến mức độ yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị xử phạt theo các điều khoản sau đây:

- Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nếu không thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho những người có yêu cầu về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nếu thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, đòi hỏi tiền bạc hoặc các lợi ích khác ngoài thù lao theo quy định, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

- Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nếu không giữ bí mật về các thông tin, tư liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi hoạt động tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, với mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì các mục đích trục lợi khác, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng [5].

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời gian qua, tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và đa dạng. Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ tại các tỉnh miền núi phía Bắc; qua các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber... làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép [6].

Điều 150 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi và bổ sung 2017) quy định về tội "Mua bán người" như sau:

- Người nào sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện hành vi lừa gạt hoặc áp dụng các thủ đoạn khác để thực hiện một trong những hành vi sau đây sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm:

+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người với mục đích trao đổi, nhận tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác;

+ Chuyển giao hoặc tiếp nhận người với mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

+ Tuyển mộ, vận chuyển hoặc ẩn nấp người khác để thực hiện các hành vi trên.

- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 8 đến 15 năm:

+ Hành vi có tổ chức;

+ Với động cơ đê hèn;

+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc làm rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân khiến tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, trừ khi không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 của Điều này;

+ Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước;

+ Với từ 2 người đến 5 người;

+ Phạm tội 2 lần trở lên.

- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm:

+ Hành vi có tính chất chuyên nghiệp;

+ Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc làm rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân khi tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

+ Gây chết hoặc tự sát cho nạn nhân;

+ Với từ 6 người trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

[1] Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

[2] An Nam, Bắt ổ nhóm mua bán người xuyên quốc gia thông qua môi giới hôn nhân, Báo An ninh Thủ đô (9h31 ngày 19/09/2024), www.anninhthudo.vn

[3] Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[4] Thùy Minh, Bắt nhóm đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người Trung Quốc, Báo An ninh Thủ đô (16h29 ngày 26/6/2024), www.anninhthudo.vn

[5] Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

[6] Tuấn Thịnh, Tội phạm mua bán người: Kỹ năng nhận biết và biện pháp phòng ngừa, Báo Dân trí (10h56 ngày 13/11/2024), dansinh.dantri.com.vn

Cùng chuyên mục

 Bắt giữ nhóm đối tượng 'thổi giá' đất đấu giá lên 30 tỷ đồng/m2 ở Hà Nội: Hành vi đấu giá đất rồi 'bỏ cọc' có thể bị xử lý ra sao?

Bắt giữ nhóm đối tượng 'thổi giá' đất đấu giá lên 30 tỷ đồng/m2 ở Hà Nội: Hành vi đấu giá đất rồi "bỏ cọc" có thể bị xử lý ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 giờ trước

(PLPT) - Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng liên quan vụ "thổi giá" đất lên đến 30 tỷ đồng/m2 tại Sóc Sơn nhằm thao túng kết quả đấu giá quyền sử dụng đất. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trục lợi, gây thất thoát và làm rối loạn thị trường bất động sản.

Mất gần 300 triệu khi cập nhật dữ liệu cư dân cho con: Tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được pháp luật quy định ra sao?

Mất gần 300 triệu khi cập nhật dữ liệu cư dân cho con: Tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được pháp luật quy định ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Một người phụ nữ ở Hà Nội bị kẻ giả mạo lừa cài đặt phần mềm để bổ sung thông tin, sau đó phát hiện tài khoản ngân hàng bị 'bay' mất 300 triệu đồng.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - vừa ký văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Mất gần 400 triệu đồng khi đăng ký khóa học Pickleball cho con: Cảnh giác lừa đảo từ các khóa học trên mạng xã hội

Mất gần 400 triệu đồng khi đăng ký khóa học Pickleball cho con: Cảnh giác lừa đảo từ các khóa học trên mạng xã hội

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Các đối tượng lợi dụng trào lưu mới, tạo ra các trang Facebook giả mạo mang tên "Liên đoàn Pickleball Việt Nam" nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người đăng ký tham gia học chơi Pickleball.

Mẫu Sổ đỏ mới từ ngày 01/01/2025 khác mẫu cũ ra sao?

Mẫu Sổ đỏ mới từ ngày 01/01/2025 khác mẫu cũ ra sao?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) theo mẫu mới. Vậy mẫu Sổ đỏ mới khác mẫu cũ như thế nào?

Xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính vi mô giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ

Xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính vi mô giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Hành lang pháp lý dành cho chương trình tài chính vi mô còn rất thiếu hụt, gây khó khăn cho công tác thực hiện và giám sát. Để cải thiện tình hình, cần phải xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ và đầy đủ hơn cho chương trình tài chính vi mô.

Hơn 100 người ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý như thế nào?

Hơn 100 người ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 ngày trước

(PLPT) - Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm ghi nhận khoảng 135 người có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị, sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng "Cô Ba" tại TP Vũng Tàu.

Triệt xóa đường dây buôn bán hàng tấn pháo lậu liên tỉnh: Buôn bán, vận chuyển pháo lậu bị xử lý như thế nào?

Triệt xóa đường dây buôn bán hàng tấn pháo lậu liên tỉnh: Buôn bán, vận chuyển pháo lậu bị xử lý như thế nào?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 tuần trước

(PLPT) - Công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vừa triệt phá đường dây mua bán pháo nổ lớn liên tỉnh, bắt giữ 3 đối tượng và thu giữ hàng tấn pháo lậu.

Đọc nhiều