Tầm nhìn - Chính sách

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc

Thứ ba, 20/08/2024 - 09:59
Nghe audio
0:00

Ngày 19/8, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Trong không khí chân thành, hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước; bày tỏ vui mừng về đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt - Trung thời gian qua, cũng như thảo luận một số phương hướng nhằm hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. (Ảnh: Trí Dũng)

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa chân thành cảm ơn Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh với vai trò Đại diện đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sang Việt Nam dự lễ viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tình cảm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với quan hệ Việt - Trung và đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại; Việt Nam kiên trì chính sách “một Trung Quốc”, ủng hộ Trung Quốc phát triển lớn mạnh, phát huy vai trò quan trọng đối với hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ to lớn, chí tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa và thực hiện thật tốt nhận thức chung giữa cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh chúc mừng đồng chí Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, khẳng định việc hai bên cùng sớm thu xếp chuyến thăm lần này sau khi Việt Nam kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt thể hiện sự coi trọng đặc biệt của hai nước đối với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh khẳng định Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng; luôn ủng hộ Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình đất nước mình, duy trì tự chủ chiến lược, có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và quốc tế.

Nhằm kế thừa và triển khai có hiệu quả nhận thức chung cấp cao đã đạt được cũng như những kết quả mà hai bên trao đổi, thống nhất trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, lý luận, thực tiễn giữa hai Đảng thông qua các chuyến thăm cấp cao, cũng như các cơ chế trao đổi, hợp tác giữa hai Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành trọng yếu như công an, quốc phòng, ngoại giao; đẩy mạnh hợp tác hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; khuyến khích các cấp, các ngành, các địa phương thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hai bên quan tâm như tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối hai nước, thu hút đầu tư vào Việt Nam các dự án với quy mô lớn, chất lượng cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc; thúc đẩy du lịch khôi phục mạnh mẽ hơn nữa, sớm quay trở lại như trước đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng mong muốn hai bên tăng cường phối hợp đa phương trên những vấn đề có lợi ích chung; mở rộng hơn nữa giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước được truyền từ đời này sang đời khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. (Ảnh: Trí Dũng)

Tán thành với mong muốn và đề xuất hợp tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh bày tỏ Trung Quốc mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy giao lưu ở các kênh, các cấp giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực, phát huy vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam, tạo cục diện hợp tác cùng có lợi, cùng thắng; bày tỏ coi trọng đề xuất của Việt Nam về tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản cũng như mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ thông tin…, đồng thời thúc đẩy kết nối chiến lược “vành đai con đường” với “hai hành lang, một vành đai”, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Đánh giá cao quá trình tổng kết và những thành tựu lý luận, thực tiễn của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới cũng như công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đồng chí Vương Hộ Ninh đã giới thiệu về kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 3 khóa XX trong thời kỳ phát triển then chốt của Trung Quốc, khẳng định cùng Việt Nam triển khai tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, đề nghị hai bên tăng cường trao đổi lý luận, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Nhấn mạnh cơ sở và cội nguồn sức mạnh của quan hệ Trung - Việt chính là nhân dân, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh đề nghị hai bên làm tốt các hoạt động giao lưu nhân dân, triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực dân sinh.

Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên cũng cần kiểm soát, xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển; đặt mình vào vị trí của nhau, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau và giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Theo: TTXVN

Cùng chuyên mục

Sửa quy định về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp khoáng sản

Sửa quy định về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp khoáng sản

Tầm nhìn - Chính sách -  3 ngày trước

(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Thủ đô 2024 hướng đến xây dựng đô thị xanh và bền vững

Luật Thủ đô 2024 hướng đến xây dựng đô thị xanh và bền vững

Tầm nhìn - Chính sách -  3 ngày trước

(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.

Luật Địa chất và khoáng sản cần giảm thiểu cơ chế ‘xin - cho’

Luật Địa chất và khoáng sản cần giảm thiểu cơ chế ‘xin - cho’

Tầm nhìn - Chính sách -  4 ngày trước

(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.

Dự thảo Luật Dữ liệu đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Dự thảo Luật Dữ liệu đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Tầm nhìn - Chính sách -  5 ngày trước

(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh

Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh

Tầm nhìn - Chính sách -  6 ngày trước

(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.

Luật Đầu tư công sửa đổi nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Luật Đầu tư công sửa đổi nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Tầm nhìn - Chính sách -  6 ngày trước

(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP lên đến 7,5%

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP lên đến 7,5%

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tuần trước

(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.

Quản lý nền tảng mạng xã hội việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế

Quản lý nền tảng mạng xã hội việc đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế

Tầm nhìn - Chính sách -  1 tuần trước

(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.

Đọc nhiều