Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại Tuyên Quang
Thứ năm, 12/09/2024 - 19:59
Nghe audio
0:00
Chiều 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Tham gia Đoàn công tác có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Ngay đầu giờ chiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm hỏi, động viên các lực lượng đang tập trung xử lý mạch sủi và gia cố tuyến đê xung yếu tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương. Hiện mực nước sông Lô đang rút dần; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng của địa phương đang nỗ lực xử lý sự cố, bảo đảm an toàn cho khu vực.
Tới thăm hỏi người dân đang được sơ tán tới Nhà văn hóa Thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đối với những vùng còn ngập, hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Theo báo cáo của tỉnh Tuyên Quang tại buổi làm việc cho thấy, do nước lũ dâng cao những ngày gần đây đã làm cho nhiều địa bàn trong tỉnh bị ngập sâu, diện rộng. Đến ngày 11/9 có 101 điểm bị nước ngập sâu bị cô lập. Đặc biệt thủy điện Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái (giáp ranh với huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), do lượng nước về hồ lớn hơn lượng nước xả ra, trong khi hồ đã chứa đầy nước đến an toàn để vận hành, vào thời điểm ngày 10/9/2024 đã rơi vào tình huống khẩn cấp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong chiều và đêm 10/9, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo UBND huyện Yên Sơn và 3 xã bị ảnh hưởng (Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Nhữ Khê) di dời khẩn cấp 692 hộ với 2.853 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn trong trường hợp khi hồ thủy điện Thác Bà xảy ra sự cố.
Lũ trên sông Lô tăng cao, gây áp lực lớn nên vào 21h ngày 11/9, đoạn đê sông Lô vị trí xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ, chiều dài khoảng 10 m. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, huyện Sơn Dương đã tổ chức huy động máy móc thiết bị, vật tư, tuy nhiên do thời tiết mưa lớn, thời gian ban đêm nên công tác xử lý sự cố chưa thực hiện được. Huyện Sơn Dương đã tổ chức di dời 35 hộ dân với 138 nhân khẩu bị ảnh hưởng vào nơi an toàn.
Đối với tuyến đê xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương có chiều dài 9,311 km, bảo vệ cho diện tích khoảng 536 ha, niện nay xuất hiện 4 vị trí bị đùn sủi (đoạn nguy hiểm có chiều dài 5 km). Trường hợp xảy ra sự cố, sẽ ảnh hưởng trực tiếp 326 hộ dân với 1.250 nhân khẩu; diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 12 ha.
Thiệt hại do bão lũ gây ra, tại tỉnh Tuyên Quang có 3 người chết, 3.546 nhà bị ảnh hưởng; nhiều trường học, bệnh viên, trụ sở cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị ngập. Về nông nghiệp có 4.362 ha lúa, 1.762 ha ngô và rau màu, 598,64 ha cây ăn quả, 612,9 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại, gẫy đổ. Tỉnh Tuyên Quang ước tính thiệt hại về tài sản, bước đầu xác định khoảng trên 500 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, những ngày vừa qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm đạt được 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo tại những điểm nóng. Cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả, cứu trợ. Nhân dân cả nước triệu trái tim hướng về người dân vùng bão lũ với nhiều hành động thiết thực, rất xúc động. Qua đó đã giảm thiểu, khắc phục nhanh nhất, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời nhất, cao nhất đối với những thiệt hại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống khắc phục hậu quả bão số 3 của Tỉnh ủy Tuyên Quang và lực lượng quân đội, công an phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại trên địa bàn.
Về phương hướng thời gian tới, cơ bản thống nhất với các giải pháp mà Tỉnh ủy Tuyên Quang đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị rà soát, xác định ngay những điểm có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, vỡ đê, ngập úng để di dời người dân đến nơi an toàn; thường xuyên phát hiện, cảnh báo người dân, bố trí lực lượng chốt chặn không để người dân đi lại, ở những nơi có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra đối với hệ thống đê điều, hồ đập, cầu cống; có kế hoạch phân lũ trong trường hợp khẩn cấp để chủ động di dân.
Đối với những địa bàn bị ảnh hưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, triển khai nhanh nhất các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận tay người cần hỗ trợ; lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là nòng cốt; sử dụng mọi nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tìm kiếm người mất tích, người chết; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, triển khai lực lượng, biện pháp khôi phục ngay các hoạt động bình thường của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường, sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, tuyệt đối không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; lưu ý phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống yêu nước, "tương thân tương ái", quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các gia đình, người dân bị nạn, bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tổ chức thăm hỏi, động viên, thực hiện kịp thời chính sách đối với các gia đình bị thiệt hại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, triển khai các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh, trật tự; xử lý kịp thời những đối tượng đưa tin sai sự thật gây hoang mang về tình hình thiên tai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đẩy giá, trục lợi, trộm cắp tài sản.
Về kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực do tổ chức, cá nhân ủng hộ cân đối để hỗ trợ địa phương.
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao số tiền 20 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
(PLPT) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
(PLPT) - Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.
(PLPT) - Về thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung này để tránh thủ tục xin phép nhiều lần, giảm thiểu tối đa cơ chế xin - cho.
(PLPT) - Tiếp tục xem xét về dự thảo Luật Dữ liệu, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo quán triệt tốt quan điểm đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình, thủ tục lập pháp và thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
(PLPT) - Nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
(PLPT) - Quan điểm sửa đổi Luật Đầu tư công là tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kể từ khi Luật này được thông qua.
(PLPT) - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với tỷ lệ tán thành cao giao chỉ tiêu phát triển GDP khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%.
(PLPT) - Với vấn đề công tác quản lý mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.