Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam

TS. Phạm Thị Mai Thứ hai, 12/08/2024 - 11:03
Nghe audio
0:00

Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là cơ sở tư tưởng rất quan trọng định hướng quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nhận thức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với việc tiếp nhận có chọn lọc những giá trị phổ biến, tiến bộ từ các học thuyết nhà nước pháp quyền của nhân loại cùng với việc đối mới tư duy chính trị - pháp lý của Đảng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, để tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay, cần có phương hướng và bước đi thức hợp, trong đó, đảm bảo tính phổ biến và đặc thù là yếu tố cần được đặc biệt chú trọng.

Từ khóa: Hồ Chí Minh; Nhà nước pháp quyền; Đảng Cộng sản Việt Nam

Abstract: Ho Chi Minh's ideology on a rule-of-law state of the people, by the people, for the people is a very important ideological basis that guides the process of building a socialist rule-of-law state in Vietnam. In the process of leading the Vietnamese revolution, the Communist Party of Vietnam based on awareness and application of Ho Chi Minh's ideology combined with selective acceptance of popular and progressive values ​​from socialist doctrines. The rule-of-law state of humanity, along with the renewal of the Party's political and legal thinking in the comprehensive reform of the country, has gradually built and perfected the Socialist Rule-of-Law State of Vietnam. In the light of Ho Chi Minh's ideology, to continue building the rule of law in Vietnam in the current new context, there needs to be appropriate directions and steps, which ensure universality and specificity factors that need special attention.

Keywords: Ho Chi Minh; Rule of law state; Communist Party of Vietnam

Đặt vấn đề

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là một trong những đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN ở Việt Nam. Tính tất yếu của nhà nước pháp quyền bắt nguồn từ chính lịch sử xây dựng và phát triển của Nhà nước Việt Nam. Có thể nói, thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một quá trình lịch sử do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, được bắt đầu từ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một Nhà nước kiểu mới khác hẳn về bản chất so với các nhà nước trước đó. Từ đó đến nay, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì và nhất quán vận dụng sáng tạo hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền XHCN. Những quan điểm, tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật nói chung, Nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng vẫn là di sản vô giá và là cơ sở tư tưởng - lý luận cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

1. Khái lược một số quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền kiểu mới

Ngay từ rất sớm, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận những giá trị tinh hoa trong quan niệm của nhân loại để xây dựng hệ thống quan điểm về một nhà nước mới.

Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam được manh nha từ ý tưởng của Người trong yêu sách thay đổi “chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật” đăng trên báo L’Humanité ngày 2/8/1919, và được xác lập rõ nét hơn trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945. Hồ Chí Minh đã lấy điểm tựa pháp lý và nhân văn từ các quyền đã được công bố trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, đó là “Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là quyền “không ai có thể xâm phạm được. Bằng điểm tựa pháp lý và nhân văn ấy mà từ thực tiễn Việt Nam, Người tiếp tục một lần nữa khẳng định chân lý “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[1] được nói đến trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1971 của Cách mạng Pháp, lấy đó làm mục tiêu đấu tranh của dân tộc Việt Nam để giành và giữ cho được chân lý đó và đây. Việc viện dẫn này không chỉ mang ý nghĩa đối ngoại khi “trịnh trọng tuyên bố với thế giới” về quyền độc lập và tự do của dân tộc mà còn đặt nền tảng cho việc xây dựng một nhà nước kiểu mới lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam - một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Ngay sau đó chỉ một ngày, với lời khẳng định “chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”, Người đã thể hiện rõ ý chí xây dựng nhà nước pháp quyền, xem như là một trong sáu vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà bản thân Người - với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời yêu cầu phải thực hiện. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 là sự kiện khởi đầu thể hiện rõ ý chí đó. Ngay sau đó, bản Hiến pháp năm 1946 được ban hành do chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo đã thể hiện khá đậm nét tính chất và nội dung của tinh thần “nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”. Theo đó, cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước được quy định tại Hiến pháp 1946 chính là sự thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước cách mạng của nhân dân Việt Nam, thể hiện ý tưởng hướng đến một nhà nước pháp quyền, mà trong đó, các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội được ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật của một nhà nước độc lập, tự chủ và là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng đó tiếp tục được khẳng định ở một bài viết trong khói lửa chiến trạnh ba năm sau đó (14/10/1949): “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[2]. Vậy là, khi nói đến nhà nước pháp quyền, theo tư tưởng của Người, vấn đề hàng đầu cần phải thể hiện, phải bộc lộ chính lả vấn đề dân chủ. Một nhà nước mà quyền lực thuộc về nhân dân cũng chính là điểm quan trọng đầu tiên và cốt lõi nhất trong quan niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đó, nhà nước của dân, do dân, vì dân thể hiện trước tiên ở việc người dân trực tiếp bầu ra chính quyền các cấp thông qua tổng tuyển cử, từ đó mà hình thành quốc hội, quốc hội cử ra “một chính phủ toàn dân”[3]. Nhân dân không những là người bầu ra, mà còn là người kiểm soát nhà nước, xem đó là một điều kiện để nhà nước làm tròn nhiệm vụ của mình. Người còn tỏ thái độ rất nghiêm khắc với những sai phạm của chính quyền, Ngưởi khẳng định, nhân dân còn có quyền bãi miễn không chỉ quan chức các cấp, mà còn có quyền bãi miễn toàn thể Chính phủ: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[4]. Với quan điểm về khối đại đoàn kết toàn dân và quyền hạn của người dân trong việc kiểm soát và bãi miễn đối với quan chức và hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, Hồ Chí Minh đã tạo ra một nét riêng, rất đặc sắc trong tư tưởng về nhà nước cách mạng so với quan niệm đã có trong hệ thống lý luận Mác-Lênin. Nó đem lại nhân tố quan trọng của việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong một nhà nước pháp quyền cùng với tinh thần khoan dung giai cấp.

Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, pháp luật của Việt Nam là pháp luật thật sự dân chủ, nhưng dân chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật chứ không phải thứ dân chủ vô chính phủ. Trong tư tưởng của Người, một nhà nước có hiệu lực mạnh là nhà nước quản lý đất nước theo pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Mọi quyền dân chủ của người dân hải được tôn trọng và phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Pháp luật càng được quy định cụ thể và chặt chẽ chừng nào thì quyền của công dân được đảm bảo đến chừng ấy.

Một nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện tập trung ở việc tổ chức bộ máy nhà nước. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã hướng đến một nhà nước có yếu tố pháp quyền, thể hiện cụ thể trên nguyên tắc quyền lực lẫn tổ chức quyền lực. Ngay tại Điều 1, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nhà nước dân chủ. Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giai cấp, tôn giáo”[5]. Sau đó Hiến pháp tiếp tục ghi nhận: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinhtế, văn hóa” và “Tất cả công dân Việt Nam đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”[6]. Quốc hội, mà theo từ ngữ của Hiến pháp này là “Nghị viện nhân dân”, là cơ quan cao nhất của đất nước nhưng không phải là nơi tập trung toàn bộ quyền lực, mà là nơi thực hiện công tác lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng nhất. Hiến pháp năm 1946 quy định mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội như là một cơ chế phối hợp và kiểm soát thông qua thể chế về chất vấn, quyền tín nhiệm hay không tín nhiệm đối với nội các hoặc cá nhân bộ trưởng, về các định chế Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… Hội đồng nhân dân cũng được xác định như một cơ quan “tự quản” của nhân dân địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương, do nhân dân địa phương bầu chọn và chịu trách nhiệm trước họ. Cơ quan tư pháp được tổ chức và hoạt động trong sự độc lập Tòa án được quyền xét xử độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, không một cơ quan nào được can thiệp vào hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp. Tham gia vào hoạt động tư pháp, ngoài thẩm phán xét xử, thẩm phán công tố và thụ phẩm nhân dân, thì định chế luật sư cũng đã hiện diện trong Hiến pháp năm 1946. Những ý tưởng trên đây được tiếp tục thể hiện trong các Hiếp pháp 1959, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.

Như vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức sử dụng quyền lực thể hiện qua Hiến pháp năm 1946 hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu của nhà nước pháp quyền đương thời. Và chính cách thức tổ chức đó từng nhánh quyền lực phát huy ở mức độ tốt nhất khả năng của mình. Cơ cấu quyền lực nhà nước được quy định tại Hiến pháp 1946 cũng chính là sự thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Đó không phải là nền cộng hòa tổng thống hay nền cộng hòa đại nghị, mà là nền cộng hòa dân chủ nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với các quan điểm khác, Hiến pháp năm 1946 là nơi tập trung thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước cách mạng của nhân dân, thể hiện ý tưởng hướng đến một nhà nước pháp quyền mà trong đó các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội được ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật của một nhà nước độc lập, tự chủ và là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó là những giá trị nhất quán mà chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn thể hiện xuyên suốt quan điểm của mình, đó cũng là những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành, dù có những biểu hiện khác nhau ở những giai đoạn khác nhau, do bối cảnh nhiều biến động đặc thù trong tiến trình cách mạng từ đó đến công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Nhận thức lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân bắt nguồn từ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật XHCN. Đó là quá trình phát triển lâu dài, bền bỉ và gắn chặt với lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam từ giai đoạn trường kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc đến công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Tuy nhiên, giai đoạn từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đến nay là thời kỳ thể hiện tập trung nhất sự phát triển các quan điểm và đường lối của Đảng về nhà nước pháp quyền XHCN.

Mặc dù khái niệm nhà nước pháp quyền Việt Nam đến năm 1994 mới chính thức được thừa nhận trong Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng nhiều nội dung quan trọng về nhà nước pháp quyền Việt Nam đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, các bản Hiến pháp của Nhà nước từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945) đến nay.

Sau khi giành được chính quyền từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng và nhân dân ta đã bắt tay xây dựng một nhà nước Việt Nam cách mạng, trong đó có nhiều yếu tố pháp quyền trên tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc thực hiện những ý tưởng này đã tạm thời phải dừng lại sau đó do thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta.

Đại hội Đảng lần thứ II diễn ra sau đó (02/1951), phần lớn tập trung cho tình hình thế giới và cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong đó, Đại hội đã có một báo cáo quan trọng nhan đề Bàn về cách mạng Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh trình bày. Văn kiện này đã dứt khoát khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước Việt Nam mới. Lần đầu tiên, các phạm trù, khái niệm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin về nhà nước XHCN chính thức hiện diện trong một văn kiện đại hội. Đó là “chuyên chính vô sản” với tư cách hình thức nhà nước xuyên suốt tiến trình cách mạng vô sản; và tại Việt Nam, trong bối cảnh vừa phản đế vừa phản phong, chuyên chính này thể hiện dưới dạng của chuyên chính dân chủ nhân dân. Đó là “dân chủ XHCN” với tư cách chế độ xã hội trong giai đoạn cách mạng XHCN của tiến trình tiếp theo. Đó còn là quan niệm chuyển tiếp liên tục của các hình thức chuyên chính theo từng giai đoạn cách mạng, là quan niệm về thực chất của một giai đoạn nhà nước cách mạng mà không phụ thuộc vào hình thức tên gọi của nó. Chúng ta biết rằng, trong bối cảnh kháng chiến, việc không nói nhiều đến nhà nước và pháp luật là điều đương nhiên, đó là bước đi hoàn toàn hợp lý về mặt thực tiễn so với thời kỳ 1945-1946. Nhưng cũng cần thừa nhận một thực tế khách quan là điều đó thể hiện một tầm nhìn có phần hạn chế về mặt lý luận so với tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện trước đó. Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam, khi nói đến nhà nước đã không dừng lại ở giai đoạn những năm 1950, mà vươn xa đến cuộc cách mạng XHCN, đã động chạm đến “dân chủ XHCN”, thì việc không nêu các định hướng cơ bản nhất về pháp luật, về quyền lực hợp lý của nhà nước, về các quyền con người và quyền công dân là một thiếu sót khi quan niệm về một nhà nước mới. Tuy vậy, về cơ bản, những gì đã được trình bày trong báo cáo này là quan điểm chủ đạo về nhà nước trong các văn kiện Đảng cho đến trước đổi mới.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước thống nhất về mặt Nhà nước và về pháp luật (1976), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) đều khẳng định Nhà nước Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản của nhân dân lao động, thực hiện dân chủ XHCN. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã chính thức khởi động sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Cùng với việc phê phán quyết liệt tư tưởng và phong cách đạo lý trị, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội này đã rõ ràng hướng đến một nhà nước pháp trị. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh: “Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể XHCN. Trong thời kỳ quá độ, đó là nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước là thể chế hóa bằng pháp luật quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, xã hội theo pháp luật”[7]. Như vậy, với Đại hội VI, có thể nói pháp quyền đã bắt đầu định hình như một tư tưởng trong quan điểm của Đảng về nhà nước. Tư tưởng đó được phát triển liên tục qua các đại hội tiếp theo của Đảng.

Đại hội VII (06/1991), dù không có vai trò mở ra bước ngoặt đổi mới, nhưng lại thật sự có những thay đổi bước ngoặt về lý luận, trong đó có sự cải biến hết sức đáng kể trong quan điểm về nhà nước. Đảng ta khẳng định: “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”[8]. Đây cũng là lần đầu tiên các chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp được định danh đúng với nó trong văn kiện Đảng (các “quyền”). Với những quan điểm trên, nhà nước pháp quyền nay đã hiện hiện trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ đã chính thức đưa vấn đề Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam vào Văn kiện Đảng. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” với nội dung chủ yếu là “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tang cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng ta lãnh đạo”[9]

Đến Đại hội VIII (06/1996), Đảng ta xác định: “Tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”[10]. Đến đây, nhà nước pháp quyền, từ ý hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ngắn ngủi trong những năm 1945-1946, qua giai đoạn bước lùi do hoàn cảnh của hai cuộc kháng chiến nay đã chính thức được định danh. Nhận thức về nhà nước pháp quyền đã đạt đến trình độ tự giác trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến Đại hội IX (04/2001), sự tự giác này dược nâng lên một mức mới khi nó được xác định ngay tức khắc như tính chất của nhà nước Việt Nam trong thời kỳ mới: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[11] và xác định việc “Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng”[12]. Như vậy, Đảng đã khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền là vấn đề có tính quy luật trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời đúc kết tư tưởng và học thuyết về nhà nước pháp quyền trong quá trình nhận thức, vận dụng, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận cũng như thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Ngay sau đó, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa X (12/2001) đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, với Điều 2 ghi nhận: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai câp nông dân và đội ngũ trí thức”[13].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) tiếp tục khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN. Cần xây dựng cơ chế vận hành Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[14].

Đại hội XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định và đưa ra nhiều chủ trương quan trọng nhằm không ngừng củng cố và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo,bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”[15]. Điều này nhất quán với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 “Quyền lực nhà nước là thống nhất” bởi “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Như vậy, với khái niệm “nhà nước pháp quyền XHCN” việc định danh nhà nước ta như một nhà nước pháp quyền đã đạt đến độ hoàn tất, đã xác quyết nó như một tất yếu trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và chính thức được hiến định, trở thành cái không thể đảo ngược trong quá trình đổi mới đất nước.

3. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gắn với tiến trình hội nhập quốc tế dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong tiến trình hội nhập quốc tế (HNQT) ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đang đi trước một bước và đạt được nhiều thành quả to lớn. Nó vừa thúc đẩy vừa đòi hỏi những bước tiến tương ứng trong hiện đại hóa xã hội và hiện đại hóa chính trị. Nó đồng thời cũng thúc đẩy và đòi hỏi sự phát triển của khoa học và công nghệ. Nó đi vào đời sống, tăng tốc tiến trình đô thị hóa cả trên bình diện địa lý lẫn nếp nghĩ, lối sống. Nó sản sinh những lớp người mới năng động, có tri thức, chí tiến thủ, hòa mình vào cộng đồng nhưng cũng ý thức được sự tồn tại cá thể trước những giá trị khép kín xưa cũ. Nó cũng làm gia tăng sự hợp tác, giao lưu quốc tế trên nhiều bình diện, ở nhiều cấp độ, từ nhà nước cho đến cá nhân. Vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức lớn, đòi hỏi vừa phải đảm bảo tính phổ biến, vừa phải đảm bảo tính đặc thù trong quá trình HNQT.

Thứ nhất, đảm bảo tính phổ biến để Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không nằm ngoài tiến trình phát triển chung của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và HNQT hiện nay

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là sự đồng thuận, phù hợp với xu thế chung, phổ biến của tiến bộ lịch sử và sự phát triển xã hội trong thế giới đương đại. Trong đó, tính phổ biến được thể hiện ở Việt Nam thông qua tính đặc thù. Nhận thức rõ tính phổ biến của thế giới chính là cơ sở, tiền đề để hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính đặc thù của dân tộc trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Vì vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cần chủ động HNQT, tiếp thu có chọn lọc những giá trị và kinh nghiệm của các nước phù hợp với thực tiến Việt Nam để Việt Nam không nằm ngoài tiến trình phát triển chung của thế giới hiện đại.

Nhà nước pháp quyền rõ ràng cũng không phải là kết quả của sự áp đặt ngoại lai, mà ngược lại, từ chính sự thôi thúc của những nhu cầu và vận động của các quan hệ chính trị - xã hội nội sinh. Cũng như vậy, lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong bối cảnh toàn cầu hóa và HNQT hiện nay ở nước ta không nằm ngoài một phát triển tất yếu. Điều này thể hiện trên cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Điều này có nghĩa là, tuy có khác biệt ở nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nhưng tính đặc thù đó không có nghĩa là hoàn toàn tách rời cái phổ biến. Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không có nghĩa là chối bỏ những dặc trưng làm nên nhà nước pháp quyền mà trong thời kỳ nhận thức nào đó đã từng xem là thuộc về giai cấp tư sản.

Về lý luận cơ bản, dù là nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa hay XHCN thì đó đều không phải là một kiểu nhà nước độc lập với bốn kiểu nhà nước đã có trong tiến trình lịch sử. Nó là một thành phần hiện diện trong hình thức của kiểu nhà nước.

Về mặt xã hội, nhà nước pháp quyền là một trật tự xã hội, một trật tự pháp lý, một phương thức tổ chức, vận hành, tự vận hành của xã hội. Về mặt nhà nước, đó là phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị. Tổng hợp hai mặt này, ta thấy nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực công được ủy thác và phi chuyên chế, trong tương quan giữa chủ thể ủy thác quyền lực và khách thể được ủy thác, và ngược lại, giữa chủ thể quyền lực công - tức khách thể đó khi nhận được sự ủy thác, với khách thể quyền lực. Dù có những đặc trưng riêng, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, dể thành hình đúng với thực chất nhà nước pháp quyền, vẫn cần xây dựng và định hình cho mình những đặc trưng chung của nhà nước pháp quyền, tức những đặc trưng cốt yếu xuất phát từ quan hệ giữa chủ thể, khách thể, và phương thức quyền lực. Về mặt giá trị, khi xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước Việt Nam cũng mang những giá trị nhân loại, càng thúc đẩy hơn nữa tính nhân bản của nhà nước khi nó thông nhất nguyên tắc giữa quyền lực citdng bức nhà nước với tự do con người và dân chủ xã hội.

Thực tế cho thấy, không thể có ngay một nhà nước pháp quyền hoàn chỉnh, nhưng đây không phải là điểm xuất phát cho một thái độ bảo thủ, mà lại càng cần có sự chủ động chính trị, tạo điều kiện đẩy nhanh sự thăng tiến của các tiền đề thuận lợi, tạo nên xung lực xây dựng và phát triển nhanh chóng nhà nước pháp quyền. Vì vậy, rất cần đến sự năng động để có thể hoàn thiện nó, hơn thế nữa, nhà nước như phần chủ yếu trong kiến trúc thượng tầng, nó có vai trò năng động, có thể đi trước một bước thúc dẩy phát triển các tiền đề khác, từ đó càng làm gia tăng các điều kiện hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.

Thứ hai, đảm bảo tính đặc thù của nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy tinh thần chủ động, độc lập giải quyết những vấn đề của chính mình trong quá trình đổi mới, không sao chép máy móc giáo điều các mô hình bên ngoài không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tiến trình HNQT hiện nay, quan điểm đó một lần nữa được chính thực tiễn soi sáng, chỉ dẫn. Nhà nước pháp quyền XHCN thực hiện thống nhất quyền lực trên cơ sở phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp,... dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn, hợp lý mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Đặc thù đầu tiên là nền pháp quyền Việt Nam là pháp quyền XHCN. Đó chính là vấn đề bản chất giai cấp của nhà nước. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tiếp thu tinh hoa của nhà nước pháp quyền đi trước, triển khai nó trên tinh thần của giai cấp công nhân. Do đó, đáp ứng và phục vụ cho địa vị, quyền lợi của số đông trong xã hội. Đó thực sự là một nhà nước của dân, do dân, vì dân khi định hình, phát triển đúng hướng và trưởng thành trong hiện thực.

Với bản chất của giai cấp công nhân, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước pháp quyền XHCN nhắm đến việc thực thi bản chất quyền lực nhà nước, mà không triển khai theo lối hình thức như dưới nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tiến trình cách mạng khách quan của dân tộc, với tồn chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là lực lượng giữ vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền mới. Như vậy, điều kiện tiên quyết là cần nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh dạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đây là mục tiêu bất di bất dịch trong quá trình HNQT ngày càng sâu rộng hiện nay.

Một đặc thù khác là bối cảnh của công cuộc xây dựng và phát triển của nhà nước pháp quyền, tạo nên một đặc trưng cơ bản nữa nơi nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nó được xây dựng và phát triển phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội nước ta. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mằm trong tiến trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội không thông qua chủ nghĩa tư bản. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã qua giai đoạn khẳng định quan điểm. Đến quá trình HNQT hiện nay, về lý luận, vẫn còn phải tiếp tục nhận thức về nó nhằm phát triển đúng hướng theo những nội dung, giá trị phổ quát, cũng như những nội dung đặc thù; về thực tiễn, nó chỉ là bước đầu giai đoạn xây dựng từ các tiền đề lý luận và thực tế. Do đó, nhà nước pháp quyền XHCN - dù có thể đã tồn tại ở những thành phần cục bộ, như về mặt phương pháp luận chẳng hạn - là cái cần phải xây dựng, chứ không phải là cái đã có, đã định hình hoàn thiện để từ đó chỉ việc phát huy một cách êm xuôi, dễ dàng.

Cần đặc biệt lưu ý, trong quá trình HNQT, việc học tập, tiếp thu quan điểm và tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước pháp quyền là cần thiết nhưng không có nghĩa là bê nguyên xi một mô hình thiếu cân nhắc, mà cũng không phải là nhanh chóng loại bỏ hình thức nào đó do xuất phát từ định kiến hay nhận thức theo lối cũ, hoặc chỉ “triển khai” vấn đề vào phạm vi nguyên lý chung để quy kết, vấn đề là tiếp thu, xây dựng được hệ thống quan điểm và mô hình tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước pháp quyền phù hợp với xu thế phát triển của nhà nước hiện đại, trong tương quan với những đặc thù Việt Nam.

Do vậy, nói đến những nét đặc thù, nhưng một khi đã xác quyết tính pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội, nhà nước pháp quyền Việt Nam trước hết vẫn có những nét tương đồng về lý luận và thực tiễn với các nhà nước pháp quyền khác.

Tóm lại, trong tiến trình HNQT hiện nay, giải quyết tốt quan hệ giữa phổ biến và đặc thù, lý luận và thực tiễn; giữa nền tảng hiện thực và cơ sở hạ tầng với tính năng động, mở đường của lý luận, và với kiến trúc thượng tầng, thật sự là những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Thổi phồng so với vai trò, hiện thực, hay giá trị của mặt nào, thì đều có thể dẫn đến hoặc là trạng thái cực đoan, phát triển không tương hợp với tình hình kinh tế - xã hội; hoặc là sự trì trệ, bảo thủ dưới danh nghĩa “tiệm tiến”. Tất cả đều có thể dẫn đến sự chệch hướng trong phát triển nhà nước pháp quyền XHCN, phải trả giá trên con đường xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng, công bằng, dân chủ, văn minh.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 3, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI (2000)

2. HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 6, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2011)

3. HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 4, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2000)

4. HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 7, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2000)

5. TRẦN GIA THẮNG, HIẾN PHÁP VIỆT NAM VÀ CÁC LUẬT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, NXB LAO ĐỘNG – XÃ HỘI, HÀ NỘI (2022)

6. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI (1987)

7. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI (1991)

8. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẢNG TOÀN TẬP, TẬP 53, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI (2000)

9. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI (1996)

10.ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI (2001)

11.ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ X, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI (2006)

12.ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, TẬP 1, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2021)

* Tiến sĩ Phạm Thị Mai - Giảng viên khoa Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 3, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TR. 555 (2000)

[2] HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 6, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR. 232 (2011)

[3] HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 4, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR. 113 (2000)

[4] HỒ CHÍ MINH, TOÀN TẬP, TẬP 7, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR.60 (2000)

[5] TRẦN GIA THẮNG, HIẾN PHÁP VIỆT NAM VÀ CÁC LUẬT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, NXB LAO ĐỘNG – XÃ HỘI, HÀ NỘI, TR.8 (2022)

[6] TRẦN GIA THẮNG, HIẾN PHÁP VIỆT NAM VÀ CÁC LUẬT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, NXB LAO ĐỘNG – XÃ HỘI, HÀ NỘI, TR.9 (2022)

[7] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR.117 (1987)

[8] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR.20 (1991)

[9] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẢNG TOÀN TẬP, TẬP 53, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TR.224 (2000)

[10] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII, NXB SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR.129(1996)

[11] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TR.131-132 (2001)

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), sđd, tr.131.

[13] TRẦN GIA THẮNG, HIẾN PHÁP VIỆT NAM VÀ CÁC LUẬT VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, NXB LAO ĐỘNG – XÃ HỘI, HÀ NỘI, TR.177 (2022)

[14] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ X, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA, HÀ NỘI, TR.45 (2006)

[15] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, TẬP 1, NXB. CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TR.174-175 (2021)

Cùng chuyên mục

Cho thuê phòng tại nhà đang ở phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy

Cho thuê phòng tại nhà đang ở phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  7 giờ trước

(PLPT) - Người kinh doanh phòng trọ, nhà cho thuê phải thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Phải ngừng việc do bão, người lao động có được trả lương không?

Phải ngừng việc do bão, người lao động có được trả lương không?

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  8 giờ trước

(PLPT) - Trường hợp người lao động phải ngừng việc vì thiên tai sẽ được hưởng tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Đề xuất giam giữ phạm nhân là người chuyển giới, đồng tính ở buồng riêng

Đề xuất giam giữ phạm nhân là người chuyển giới, đồng tính ở buồng riêng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  11 giờ trước

(PLPT) - Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi đã đề xuất người đồng tính, người chuyển giới, phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng... có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.

Tăng cường trách nhiệm của cấp xã trong xử phạt vi phạm đất đai

Tăng cường trách nhiệm của cấp xã trong xử phạt vi phạm đất đai

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  11 giờ trước

(PLPT) - Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cần tăng cường trách nhiệm của cấp xã (cấp trực tiếp quản lý đất đai trên địa bàn) trong phát hiện, xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ Y tế trao 1,6 tỷ đồng ủng hộ người dân và nhân viên y tế tỉnh Tuyên Quang

Bộ Y tế trao 1,6 tỷ đồng ủng hộ người dân và nhân viên y tế tỉnh Tuyên Quang

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Ngày 18/9, Bộ Y tế đã trao 1,6 tỷ đồng ủng hộ người dân và nhân viên y tế tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng cơn bão số 3 với mong muốn chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị, người dân vượt qua khó khăn.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề cấp bách và được nhiều người quan tâm.

Cảnh giác chiêu trò giả mạo Giám đốc Apple kêu gọi đầu tư tiền ảo

Cảnh giác chiêu trò giả mạo Giám đốc Apple kêu gọi đầu tư tiền ảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bằng công nghệ Deepfake, các đối tượng đã giả mạo Giám đốc điều hành (CEO) của Apple - ông Tim Cook để kêu gọi đầu tư tiền ảo.

Bộ Công an: Chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Bộ Công an: Chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Bộ Công an trả lời bạn đọc về xử lý hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện, không chuyển tiền quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đọc nhiều