Thực tiễn pháp luật và tư pháp

Tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay

Nguyễn Chí Thanh Thứ tư, 16/10/2024 - 07:46
Nghe audio
0:00

Ảnh minh họa.

Tóm tắt: Việt Nam là một trong những nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đứng thứ năm trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gây ra như các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, môi trường, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sự phát triển của đất nước. Do đó, cần có chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kịp thời thông qua công tác tuyên truyền sẽ tạo được sự thống nhất trong xã hội về nhận thức và hành động. Tuyên truyền nhằm khẳng định sự đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước. Phát huy vai trò của các cá nhân, tổ chức và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Từ khoá: Tuyên truyền, pháp luật, môi trường, biến đổi khí hậu.

Abstract: Vietnam is one of the countries most heavily affected by climate change, ranking fifth globally in terms of damage caused by climate change and environmental pollution. Extreme weather events, natural disasters, environmental degradation, and diseases have severely impacted human health and the country's development. Therefore, timely environmental protection policies and legislation are essential. Through effective public awareness campaigns, a unified societal understanding and action can be achieved. These campaigns emphasize the correctness of the Party's guidelines and the State's policies and laws. Furthermore, they aim to promote the role of individuals, organizations, and communities in protecting the environment for sustainable development.

Keywords: Public awareness campaigns, legislation, environment, climate change.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Có một câu nói được khá phổ biến thế này: "Con người đối xử với thiên nhiên như thế nào thì thiên nhiên sẽ đối xử với con người như thế ấy". Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhưng bên cạnh đó mặt trái của sự phát triển đang ngày càng đặt ra những thách thức khó giải quyết về môi trường đối với tất cả loài người trên địa cầu. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất chính là biến đổi khí hậu. Hiện tượng này không chỉ của riêng một quốc gia nào mà là của toàn nhân loại, trong đó không thể không nói đến Việt Nam hiện nay. Vậy biến đổi khí hậu là gì? Nguyên nhân xuất phát từ đâu? Nó có tác động và ảnh hưởng như thế nào đến đời sống con người hiện nay? Đây là vấn đề nan giải cần được can thiệp giải quyết kịp thời bằng những giải pháp cụ thể để ứng phó, trong đó giải pháp tuyên truyền những chính sách pháp luật giữ vai trò quan trọng và hữu hiệu nhất.

II. NỘI DUNG

1. Khái quát về tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

Biến đổi khí hậu có thể hiểu đó là sự thay đổi của khí hậu, nó âm thầm ngày ngày diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, tác động trực tiếp đến khí hậu, đến môi trường sống của loài người cũng như hàng nghìn sinh vật khác sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu có thể là sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng cao do hiện tượng băng tan, hay đó là sự thay đổi hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, đang gây nên những hiểm họa khôn lường cho nhân loại. Các nhà khoa học gọi chung nguồn gốc của những vấn đề ấy là biến đổi khí hậu. Vậy thực chất biến đổi khí hậu là gì? Theo định nghĩa của Công ước Khung Liên Hiệp Quốc, biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu, được quy định trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần khí quyển. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện của sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thuỷ văn cực đoan[1].

Hiện nay, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức to lớn cho toàn thể nhân loại, biến đổi khí hậu cùng với tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển; đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh sinh thái, năng lượng, nước, lương thực… trên phạm vi toàn cầu và trở thành những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ XXI.

Có rất nhiều biểu hiện của việc khí hậu bị biến đổi. Như gần đây nhất, những thiên tai mà nhân loại đang phải hứng chịu nặng nề nhất đó chính là những thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, động đất, sóng thần và gần đây nhất là tình trạng nắng nóng kéo dài (có nơi đạt kỷ lục lên đến 44 độ C, điển hình như tỉnh Quảng Trị, Nghệ An), gần đây nhất là cơn bão YAGI làm thiệt hại nặng nề về người và của ở miền Bắc Việt Nam (329 người chết và mất tích, 1.929 người bị thương, 234.000 căn nhà bị hư hỏng, 307.000ha hoa màu bị ngập úng, 1.500 trường học và công trình bị sụp đổ và thiệt hại…), xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long,…những tình trạng này dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn cho nhân loại nói chung và trong đó Việt Nam nói riêng.

2. Tác động của biến đổi khí hậu đến nhân loại

Có thể nói rằng, biến đổi khí hậu chính là sự "trừng phạt" mà "mẹ thiên nhiên", trái đất để lại cho con người. Nó để lại những hậu quả cũng như những di chứng vô cùng nặng nề. Biến đổi khí hậu đã có một sức ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.

Trong những năm trở lại đây, ta như thấy được trên thế giới xuất hiện nhiều thiên tai như bão lũ, sóng thần, động đất, phun trào núi lửa,…như đang xảy ra một cách dày đặc. Những hiện tượng đó đã gây ra bao nhiêu đau thương và mất mát cho con người. Hơn hết, ta như thấy được có một điều mà có lẽ ai cũng nhận ra chính là sự xuất hiện của nhiều căn bệnh lạ. Và đó phần lớn cũng là do thời tiết đã và đang chuyển biến khiến dịch bệnh phát sinh.

Nguyên nhân của biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn như đang ngày càng trở thành vấn đề "nóng" ở mỗi quốc gia. Hằng năm con người chúng ta vẫn nhận ra từng dấu hiệu nhỏ của nó qua việc trái đất nóng lên, sức nóng đến ngột ngạt và khó chịu. Biến đổi khí hậu khiến cho tình hình thời tiết thay đổi thất thường và ngày một khắc nghiệt hơn.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của ngành nông nghiệp. Các loại cây trồng, vật nuôi mắc phải nhiều loại bệnh và kém năng suất hơn. Hàng loạt những hiện tượng thời tiết xấu, thiên tai, lũ lụt diễn ra gây ra những con số thiệt hại về người và của là không đếm hết. Như ở miền Trung Việt Nam, hàng năm phải đối diện với nhiều cơn bão, lũ. Nước cuốn trôi hết hoa màu, nhà cửa, ruộng vườn để lại những tang thương, mất mát vô cùng. Vậy nguyên nhân do đâu, vì đâu dẫn đến biến đổi khí hậu?

Đầu tiên phải kể đến chính là do sự tác động của con người đến thiên nhiên như chặt phá rừng dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân bằng; sử dụng bừa bãi các loại hóa chất, thuốc trừ sâu có hại cho môi trường, rồi chất thải công nghiệp được thải ra từ những nhà máy sản xuất công nghiệp, khói thải ra từ đô thị, giao thông dẫn đến hiệu ứng nhà kính và sự nóng dần lên của trái đất. Tất cả sẽ như một ngòi nổ dẫn đến sự giận dữ của thiên nhiên, dẫn đến sự diệt vong của trái đất và loài người trong một tương lai không xa.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực chủ động, triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như Công ước chung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu (2008) và mục tiêu của Chương trình này là đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành, địa phương tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng (2009, 2012, 2016), phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012), Chính Phủ đã phê duyệt và trình Liên Hợp Quốc bản Đóng góp dự kiến quốc gia tự quyết dịnh (INDC) của Việt Nam, góp phần cùng các nước thông qua Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP21 (2015), thỏa thuận Pa-ri năm 2016, cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng "0" tại Hội nghị COP lần thứ 26, 27 và 28; các cam kết của ASEAN, Hiệp định thương mại tự do FTA và gần đây nhất là Hội nghị APEC 2023.

Để góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả và thắng lợi các nghị quyết, chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Đảng, Nhà nước thì công tác tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nhằm ứng phó bảo vệ cho sự phát triển chung của nhân loại.

3. Tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu

Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức và toàn thể nhân dân để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong đó nhấn mạnh: "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường"[2]. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.

Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Đảng ta luôn đề cao bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn "Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội" được bổ sung thêm thành tố: "bảo vệ môi trường"; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: "Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu"[3].

Trong đó, có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều chủ trương, chính sách thể chế hoá chủ trương phát triển hài hoà dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường". Một trong những giải pháp quan trọng được xác định là "Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường".

4. Hạn chế trong việc xây dựng và thực thi chính sách về biến đổi khí hậu

Thứ nhất, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 có nhiều điểm mới. Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Dù thể chế đang dần được hoàn thiện, công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật hiện đã có khá nhiều nhưng hệ thống các văn bản pháp luật về môi trường vẫn chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất, còn nhiều mâu thuẫn.

Hiện nay, theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, thì các Bộ, ngành và địa phương đều cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được giao theo luật. Việc phân công cho nhiều Bộ, ngành, dẫn đến việc triển khai các luật trong thực tế gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu đồng bộ trong phối hợp nhất là giữa các Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản và Luật Đa dạng sinh học.

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể, thường xuyên. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, còn khá phổ biến tư tưởng "ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường" ở nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp, dẫn đến thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong kiểm tra, giám sát.

Cơ sở pháp lý, chế tài về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa đủ mạnh, biện pháp xử lý không đem lại hiệu quả do các cơ quan, chức năng thiếu kiên quyết. Năng lực thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về môi trường còn hạn chế. Chưa chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật về môi trường để hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, hạn chế về năng lực tổ chức thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhất là ở các địa phương, cơ sở. Số lượng cán bộ còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, nhất là cán bộ chuyên trách về đa dạng sinh học.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Thiếu các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường. Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ ba, thiếu sự phối hợp liên ngành trong thực thi chính sách bảo vệ môi trường

Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường dù đã được kiện toàn nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia, chưa ngang tầm với yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Liên kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nội vùng và liên vùng trên thực tế còn nhiều địa phương chưa chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương khác trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vẫn còn nhiều hạn chế do cách tiếp cận truyền thống mang nặng tư duy quản lý theo lãnh thổ, địa phương. Cơ chế phân công nhiệm vụ của các địa phương trong tham gia liên kết bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, thiếu cơ chế đảm bảo thực thi các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động liên kết ở địa phương.

5. Giải pháp khắc phục các hạn chế về năng lực thể chế

Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Muốn sớm có được kết quả cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường như sau:

Thứ nhất, tăng cường năng lực hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước

Cần tập trung vào việc tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch thành phần: thủy lợi, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giao thông, sử dụng đất trên phạm vi cả nước và các vùng; xây dựng, ban hành, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách pháp luật về Biến đổi khí hậu như Luật Biến đổi khí hậu.

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu cần theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp trong hoạch định và thực thi chính sách, từ đó đề ra chính sách đúng đắn và thực thi chính sách hiệu quả nhất. Thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

Về công tác hoạch định và thực thi chính sách, các cơ quan Quốc Hội, Chính Phủ cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone, xây dựng và triển khai đề án phát triển thị trường carbon hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26.

Thứ hai, tăng cường đào tạo cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường

Các địa phương từ trung ương đến địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường và đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn để thu hút, phát triển, giải quyết các vấn đề môi trường.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức định kỳ hàng năm là điều rất cần thiết. Do đó, cần phải áp dụng các phương pháp đào tạo, tập huấn mới, nội dung chương trình phải luôn được cập nhật và điều chỉnh theo đối tượng học viên. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, tạo cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với việc thực thi chính sách

Chính sách về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cần được chú trọng hoàn thiện đúng mức, tránh sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi gây tổn hại đến môi trường phải đủ mạnh và mang tính răn đe hiệu quả; biện pháp xử lý vi phạm giữa các văn bản pháp luật về môi trường không để khoảng trống nhằm tăng hiệu quả và hiệu lực trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Cần ưu tiên tập trung triển khai thực hiện ngay các dự án cấp bách, các hành động, chương trình, dự án đa mục tiêu, vừa phục vụ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đó là triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản về nước biển dâng cho các vùng nghiêm trọng như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; triển khai các giải pháp chống xâm nhập mặn hiệu quả ở các vùng cửa sông, để đảm bảo ổn định phát triển kinh tế kết hợp với củng cố nâng cấp hệ thống đê điều, đê sông ở các đoạn xung yếu nhất.

Đồng thời, phải xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gắn tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, rủi ro khí hậu và nước biển dâng, phục vụ công tác hoạch định chính sách và các hoạt động thích ứng từ trung ương đến địa phương; triển khai các giải pháp cụ thể để phòng chống hiệu quả thiên tai, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi,…nhằm giải quyết cơ bản các mối đe dọa hiện hữu đối với đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải miền Trung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vấn đề biến đổi khí hậu, hình thành quyết tâm và hành động mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương cần có sự quan tâm chỉ đạo, tích cực lồng ghép vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý để thực hiện tốt, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa hướng tới các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, cần tăng cường hơn nữa các nội dung của Luật vào thực tiễn địa phương, đặc biệt là những nội dung mới về biến đổi khí hậu trong chương trình học ở các cấp, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, nhất là của giới trẻ đối với vấn đề này.

III. KẾT LUẬN

Hiện nay, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa sự tồn vong của các hệ sinh thái và cuộc sống của con người. Đây là vấn đề toàn cầu đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và đã có nhiều nỗ lực ứng phó tích cực.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Xác định những giải pháp để chủ động thích nghi, ứng phó tích cực, nhằm vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu, đồng thời tận dụng được những cơ hội từ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do biến đổi khí hậu mang lại, đó là thời cơ thay đổi môi trường và phát triển hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của phát triển chung của nhân loại, vì cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Chứ, Hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về môi trường cần được giải quyết dứt điểm, Báo Kiểm toán, số 35 (2019).

2. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TẬP 1, TR. 117 (2021)

3. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 2021, TẬP 1, TR. 214 (2021)

4. Ths. Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Điềm, Quản lý, bảo vệ môi trường tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023.

5. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022, của Bộ Chính trị, Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng ong Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

6. Nguyễn Văn Huy, Tăng cường liên kết vùng trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Tạp chí điện tử Khoa học và Công nghệ Việt Nam, (2019).

7. BL, Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm công tác quản lý bảo vệ môi trường, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2022).

8. LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM VÀ FULBRIGHT, BÁO CÁO KINH TẾ THƯỜNG NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG NĂM 2022: CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ QUY HOẠCH TÍCH HỢP, NXB ĐẠI HỌC CẦN THƠ, 2022.

9. Đỗ Văn Loan, Hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, Tạp chí Pháp luật Quản lý, tháng 6/2024.

10. TRƯỜNG CHÍNH SÁCH CÔNG VÀ QUẢN LÝ (FULBRIGHT), BÁO CÁO KINH TẾ THƯỜNG NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NĂM 2021, TR. 6 (2022)


[1] Theo khoản 13 Điều 3 Luật khí tượng thuỷ văn năm 2015.

[2] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TẬP 1, TR. 117 (2021)

[3] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, TẬP 1, TR. 214 (2021)

Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Lý lịch tư pháp

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp.

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Tăng cường hoàn thiện phần mềm Trợ lý ảo để rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  5 giờ trước

(PLPT) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc phát triển các mô-đun của phần mềm Trợ lý ảo để hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Tăng cường hiệu lực thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  6 giờ trước

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực ngày 1/7/2024) đã đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát, siết chặt tình hình sở hữu chéo. Tuy nhiên để tăng cường hiệu lực thực thi luật, đặc biệt ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng, chặn không để xảy ra đại án như đã xảy ra tại SCB, thì cần nhiều giải pháp đồng bộ…

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

414 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo chỉ trong 1 tuần: Điểm lại 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  19 giờ trước

(PLPT) - Cục An toàn thông tin cho biết, dù các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến không mới, tuy nhiên, do mất cảnh giác và thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân, nhiều người dùng vẫn bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Giả danh công an để lừa đảo gần 1 tỷ đồng: Cục Cảnh sát hình sự ra cảnh báo về thủ đoạn 'chạy án'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  22 giờ trước

(PLPT) - Một nhóm đối tượng tiếp cận người dân, tự xưng là cán bộ công tác tại Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đã phát ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua hình thức nhận 'chạy án' để người dân nâng cao cảnh giác.

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Mất 3 tỷ đồng sau khi cài phần mềm dịch vụ công giả: Nhận diện các chiêu trò giả danh công an để lừa đảo

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Tin lời kẻ giả danh công an, một người phụ nữ ở Hà Nội đã cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, bị lừa mất gần 3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng liên tục thông tin cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này song nhiều người dân vẫn "sập bẫy".

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Bổ sung khái niệm về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân'

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  1 ngày trước

(PLPT) - Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung giải thích từ ngữ về 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân' và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật.

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Hoàn thiện cơ chế đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam hiện nay

Thực tiễn pháp luật và tư pháp -  2 ngày trước

(PLPT) - Để đạt được sự cân bằng giữa lý thuyết pháp lý và thực tiễn áp dụng, cơ chế đánh giá tác động chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA) trở thành một công cụ không thể thiếu trong quy trình xây dựng luật hiện đại.

Đọc nhiều